Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Doanh Nhân Đồng Làng Tác Giả: Sưu Tầm    
    Màn hình điện thoại nhấp nháy hiện lên số máy của Mỹ Linh. Lão Phồn mệt mỏi vứt phịch con iphone đời mới xuống chiếu. Gì nữa đây. Bố mày đếch thèm nghe thì làm gì nhau nào. Biết trói nhau thế này, ngay từ đầu cứ vái chúng mày cả nón.
    Đang khểnh chân như vua, ma xui quỷ khiến thế nào lại rúc đầu vào rọ. Được mỗi mớ tiền mà phải đánh đổi thứ quý nhất, thì còn nghĩa lý gì. Này thì com lê, này thì cà vạt. Vậy là bộ vets xám trong chốc lát cuộn tròn nơi góc cái sập gụ. Chiếc cà vạt bay vèo dính lắt lẻo trên tay nắm cửa sổ. Thoắt chốc, lão đã quần cộc kaki, áo phông cháo lòng, nằm khượt giữa sập. Hít một hơi sâu hương vị ngai ngái của đầm, lão Phồn cảm nhận mùi nồng nàn quen thuộc từ vùng trũm lan tỏa. Vọng lại từ xa tiếng lũ vịt giời, le le loác quác, xôn xao, dần dà lão thấy lòng thơ thới, nhẹ nhõm...
    Nhưng chỉ được một lúc, cơn bực lại nhen lên âm ỉ. Từng lời của cô gái trẻ đáng tuổi con, có cái tên thị thành Mỹ Linh cứ lần lượt tái hiện. “Vâng, bác nói nuôi trĩ là đam mê, chúng cháu rất tôn trọng. Tuy nhiên, về phương diện kinh doanh thì không thể bác ạ. Quỹ cháu bỏ tiền mua cổ phần công ty, gửi vốn cho bác đầu tư, mục tiêu cao nhất là lợi nhuận gia tăng. Bởi vậy, phát triển đàn lele, nhân mới giống vịt giời, chúng cháu luôn ủng hộ. Nhưng nuôi trĩ để chơi, đầu tư kém sinh lời, quỹ cháu không đồng thuận”. Khuôn mặt đẹp, sang trọng, khóe miệng chưa nói đã cười, vừa nãy còn nhỏ nhẻ, lễ phép là thế, giờ đanh lại, dứt khoát. Nó khiến lão Phồn chưng hửng, rơi vào cảm giác như thể bị ai đó chơi xỏ, lật lọng. “Nghĩa là cô bảo tôi phải tống khứ đàn trĩ quý ra khỏi đầm, đúng không?” Chẳng nhẽ đường đường là một doanh nhân mà không được thỏa cái đam mê cỏn con, ngay chính đất mình thì thật nực cười, phi lý. Mặt lão đỏ văng, nhìn sang Phi tìm sự đồng cảm, ủng hộ. Khốn nạn, cái thằng lại cúi đầu như chẳng màng cuộc đối thoại đang vào cữ gay gắt. Đã vậy, tao chơi tới bến luôn, ngán đếch bố con thằng nào. “Cô Mỹ Linh này, theo cô, tôi phải đẩy đàn trĩ đi đâu, thả lên giời cúng bọn săn chim, hay vặt lông, cho vào lò mới đúng ý cô đây hở?” Cái giọng cùn, bựa, nhiều phen cãi, chửi, đe nẹt bọn trộm đồng đã thêm chút gia vị thách thức. Người phụ nữ trẻ vén mái tóc “hightlight”, mặt không đổi sắc diện. “Theo cháu, bác muốn nuôi chơi, chẳng ai dám cản ngăn, nếu bỏ tiền cá nhân hoặc hình thành một pháp nhân riêng. Khi ấy, đám chim trĩ phải đưa ra khỏi khu chuồng để Phồn Chim nhập về giống gà đông cảo thịt thơm, lớn nhanh như thỏa thuận trước đó. Bác hiểu ý cháu chứ ạ?” Lão Phồn cười khẩy: “Tôi không thực hiện thì các cô sẽ làm gì nào? Nín nhịn đã nhiều, yêu cầu nào đưa ra tôi cũng nhất nhất chấp hành thì đúng là giời sập”. Cô gái tỏ vẻ thất vọng, nhăn nhó: “Dạ, cháu xin bác điềm tĩnh. Nếu bác cứ làm vậy, về lý, là vi phạm hợp đồng”. Cô mở cặp tài liệu, chìa tập hồ sơ về phía lão Phồn. Lão nhướn người, giương mục kỉnh, chăm chú. Đập vào mắt lão là dòng chữ: “Điều 14, bên A chỉ được tập trung phát triển các loại chim trời, vật nuôi đem lại giá trị kinh tế. Việc đầu tư tràn lan là đi ngược các cam kết pháp lý”. Chết bỏ mẹ, có điều này à. Thoáng lúng túng, lão lại nhìn sang Phi. Ô hay, cái thằng tệ đến khó ngờ. Ngày thường cứ thao thao, tư vấn mọi nhẽ, giờ thưỡn ra, mồm tựa ngậm hột thị. “Xin lỗi cô, bất quá tôi trả lại vốn góp, “bai bai” các cô, chẳng cổ đông, cổ điếc nữa là xong chứ gì. Không có các cô thì Phồn Chim vẫn cứ sống khỏe nhá!” Lão Phồn đứng phắt dậy, mặt chuyển trạng thái tai tái vì bị kích động mạnh. Hai bên thái dương giật giật. Giọng cô gái đã mềm hơn: “Dạ, chúng cháu rất thiện chí, muốn đi lâu dài cùng bác, bất khả kháng mới nghĩ chuyện chấm dứt hợp tác. Trong trường hợp xấu nhất, bác cứ thanh toán đầy đủ cả gốc lẫn lãi cho quỹ cháu là xong”. “Lại còn thế nữa, hay các cô lừa tôi?” Không khí căng thẳng khiến Phi chẳng còn có thể ngồi yên. Kéo lão Phồn bước ra hè, giọng anh như cầu khẩn: “Bố hãy bớt nóng. Việc gì rồi cũng có hướng giải quyết”.
    Bước trên con đường trải một lớp bê tông ra đầm, lão Phồn rẽ sang nơi có dãy chuồng của đàn trĩ quý. Lão muốn đến nhanh với chúng lúc này để nguôi ngoai cơn giận. Như thể có phép thần. Ngắm mấy con non ra ràng, tựa những cục bông nhiều màu, xa xa là đôi trĩ xanh chuyền cành, đuổi nhau trên mái vòm, tự nhiên lão thấy nỗi bực dọc dịu đi. Cả một đời gắn bó, vật vã với các giống chim trời, lão chưa thấy loài nào đẹp, sang trọng và hoàn hảo đến thế. Đôi trĩ vàng thấy chủ, nhảy lên cành trúc cảnh, khoe khéo bộ lông đuôi. Lão mê mẩn ngắm nó rỉa cặp cánh rực rỡ, các sợi lông mảnh, đa sắc, được tạo hóa nhuộm, dệt tinh tế như một tác phẩm nghệ thuật. Ngay sát bên cạnh, Phi vẫn lầm lũi, kiên nhẫn bám gót.
    * * *
    Cả cái vùng Mạc Yên này biết đến nghề chăn vịt gia truyền ba đời của gia đình lão Phồn từ nửa thế kỷ trước. Lên năm tuổi, lão đã lũn cũn theo ông nội ra đồng, phụ lùa đàn vịt nhà ra khu đìa hoang. Người lão quắt lại, đen nhẻm như than. Nhưng khỏe. Tuổi thơ lão là lứa vịt này lớn lên, lứa vịt kia ra ràng, gắn với từng bờ đầm, lạch nước đồng làng. Để rồi chớm ba mươi, khi xung quanh còn đói rạc rầy, vợ chồng Trần Phồn đã vào hàng sung túc nhất xã. Trong khi thiên hạ vật vã mới gột được vài trăm con, đàn vịt nhà Trần Phồn đã lên mấy ngàn con. Mà nhẹ tênh hênh. Chẳng ngạc nhiên khi ở làng, lão là người đầu tiên hất căn nhà ngói bốn gian, đổ mái bằng rồi lên thêm tầng hai, tất cả đều nhờ vịt. Đã thế, khi trào lưu thuê đất xuất hiện, vợ lão nhanh nhảu, mình phải xin thuê ngay khu đìa kèm dãy đầm, ngòi vì nó quá đắc địa. Lại một nước đi hơn người. Nhận sổ thuê thời hạn hai mươi năm, lão thay túp lều gianh ngoài đồng bằng căn nhà mái tôn vững chãi, có bếp, điện lưới, giếng nước, quây rào chắn tứ phía. Chẳng thế, khi thiên hạ bừng tỉnh, rủ nhau nhao ra đồng thì lão Phồn đã đường hoàng vị thế mô hình nuôi gia cầm lớn, khép kín kiểu mẫu. Người làng trên, xã dưới lác mắt, nắc nỏm. Nối gót nghề nhà, lũ con lão Phồn, ba đứa đầu là… “vịt”, lười học nhưng nứt mắt đã thạo việc ấp, nở, giống, trứng. Mới thấc lớn đã được giao tổng quản, đảm trách từng khu chăn nuôi riêng. Rồi chúng lần lượt kéo về ba tay rể làng, hiền lành, khỏe như vâm, răm rắp nghe theo sự sắp đặt của ông bố khó tính. Duy có thằng út Phương, vợ chồng lão quyết đầu tư cho ăn học tử tế. Nó là giai, phải thoát ly để ngẩng mặt với đời.
    Cuộc đời chăn vịt của lão Phồn sẽ cứ thế trôi đi, đủ để ba đứa con gái và bọn rể làng có việc làm đều, ăn no, ngủ kỹ nếu Phi không đột ngột xuất hiện. Phi là con đại trưởng Phùng, người làng bên. Đại trưởng Phùng là người anh, thủ trưởng của lão Phồn mấy năm trong quân ngũ. Học xong đại học, không xin được việc, Phi về quê chợ búa, dần khấm khá. Mươi năm lại đây, Phi chuyên thầu món cá mú, gà, vịt cất buôn ra thị thành. Dư dả vốn liếng, Phi là cánh tay nối dài của các chủ đầm, chủ vựa. Vì có chút tình riêng nên với lão Phồn, chỉ đến vụ hợp tác thứ hai, Phi đã ứng trước tiền giống vốn để lão nhân đàn, ngược lại, lão chọn Phi là đối tác bao thầu khâu đầu ra. Bài toán đắc lợi cho cả hai phía.
    Lão Phồn nhớ như in, trưa nọ, lão đang băm chặt đám thân chuối cuối đầm thì Phi xục ra tìm. “Bố à, con muốn bàn gấp với bố một việc quan trọng. Vừa rồi, đi thăm thú vài nơi, con thấy nghề chăn vịt chân chỉ quê mình là chúa lạc hậu, lỗi thời. Với diện tích này, nếu bố mạnh dạn chuyển sang chuyên nuôi chim giời, có mà thành tỷ phú”. Lão Phồn nghệt mặt: “Từ bé đến giờ, tao chỉ thạo mỗi cái món càng cạc, cùng lắm thêm ngan, gà chứ có am tường chim chóc gì đâu”. Phi cười bể miệng: “Bố cổ lỗ sỹ quá. Sách dạy hết. Bố thấy đấy, vịt giờ nhà nhà đều nuôi, giá hạ chạm đáy. Không thay đổi, có ngày trên giời, dưới vịt, bán cho ma tây”. “Mày để tao nghĩ thêm, đâu thể muốn là chuyển ngay được”. “Bố phải quyết sớm, không con sẽ đi nhà khác. Để lâu hết mất cơ hội”. Thế là vài đận, ông con cùng nhau trên cái Vios của Phi lặn lội hàng trăm cây số thăm các mô hình nuôi chim trời khắp vùng xuôi, miền ngược. Quả thực, đi mới thấy thiên hạ khôn ngoan. Giời có con gì, nuôi ngon hết trọi. Mà so với đám gia cầm quen thuộc, chuyển hướng sang vịt giời, le le, gà nước… cũng chẳng khó hơn là bao. Tuy nhiên, vốn đầu tư chuyển đổi khá lớn. Một mình làm nhỡ rủi ro có khi lụn bại. Phải cột thằng Phi vào. Phi gật đầu: “Thì con rủ bố vì thế. Nhưng để danh chính, ngôn thuận, bà xã không nghi con đem tiền bao gái, bố con mình phải có một pháp nhân chung”. “Vậy là gì, tao không hiểu”. “Là phải thành lập công ty. Lâu nay, bố con ta tuyệt đối tin nhau, tiền đưa, hàng giao, chỉ ghi sổ, chẳng cam kết, khế ước. Nhưng vừa rồi bên thôn Lâm, thằng Chội lái cá bị lũ con lão Thời phuổi sạch mấy chục triệu giống vốn ứng trước vì lão Thời tai nạn mất đột ngột là bài học nhỡn tiền. Yêu nhau rào dậu cho kỹ. Không ai mong điều chẳng lành, nhưng cũng phòng độ nhỡ khi”. “Công ty cơ à, xem chừng quá nhiêu khê, phức tạp”. “Dễ ợt bố ơi. Nhà nước đang khuyến khích khởi nghiệp. Làm nông nghiệp, chăn nuôi quy mô thời này, đó là xu thế tất yếu. Bố cứ ngồi nhà, con ới một tiếng, thủ tục ba hôm xong xoẳn.”
    Vậy là công ty cổ phần Phồn Chim ra đời, lão Phồn chiếm sáu nhăm phần trăm vốn góp. Tài sản quy vốn là hệ thống chuồng trại, chục hét ta đầm kèm nhân công chăm nuôi. Phần góp của Phi gồm khâu giống má, phòng dịch, quy trình kỹ thuật và trách nhiệm bao tiêu đầu ra. Năm đầu thay đổi quả thật là bước vất vả đáng nhớ. Cùng là gia cầm nhưng vịt đàn, vịt bầu cứ chuồng trại đủ để ngăn mưa, chắn gió, thức ăn chỉ thóc với đám bèo tây băm nhỏ mà nhớn nhanh như thổi. Chuyển sang vịt giời, le le, gà chín cựa, mỗi loài một đặc tính, loại thức ăn riêng, khi thô, lúc tinh, quy trình chăm sóc, phòng dịch rất cẩn thận, chu đáo. Để không "tẩu hỏa nhập ma", lão Phồn giao vợ chồng con gái cả Lân, chỉ chuyên bầy vịt giời, vợ chồng con Là, tính cẩn thận hơn, giao đét khu trại gà chín cựa. Riêng con Lượt nhanh nhẹn, ham học hỏi, cùng thằng chồng trung cấp thú y phụ trách đàn lele. Đến vụ thứ hai, mọi việc vào guồng là lúc lão Phồn thở nhẹ. Vịt giời nuôi bán công nghiệp, lợi gấp rưỡi vịt nhà. Nhưng bầy lele mới tạo nên đột biến lớn. Chỉ lứa ngàn con xuất chuồng đã lãi bằng vài đàn vịt. Cứ giao hàng về, Phi lại lao tuốt ra đồng, cùng lão say mê ngắm thành quả của đột phá, chuyển hướng. “Bài tính của bố con mình chuẩn không cần chỉnh. Con sẽ tìm thêm các giống chim mới như gà lôi, công, ngói, sâm cầm... về đầm. Để có nhân lực, bố cứ thuê đám nhân công rỗi việc trong thôn. Khâu đầu ra, tới đây sẽ có các nhà hàng, siêu thị trực tiếp về thăm rồi xúc tiến ký kết, hợp tác”. Y lời, Phi đưa về đại diện thương mại của mấy chuỗi siêu thị mới nổi. Rồi chủ các quán chim giời đình đám, Chim Đồng, Chim Phố, Chim To Dần, Chim Bổ Chim... Các hợp đồng ký kết dù yêu cầu khá khắt khe nhưng Phồn Chim đều dần thích ứng. Khi hơn chục lao động thôn Bần có thu nhập đều, bộ máy vào guồng, xe chở chim đi kìn kìn là lúc lão Phồn và Phi hởi lòng, hởi dạ. “Công lao to lớn này, con chỉ góp phần nhỏ. Tất cả là nhờ quyết tâm, cái đầu và một tay bố làm nên”.
    Quả thực, từ ngày thành lập Phồn Chim, chuyển hướng chăn nuôi chim trời thương phẩm chất lượng cao, lão Phồn nhẩm tính số tiền lời mỗi năm phải gấp dăm lần nuôi vịt. Chẳng thế, lần lượt con Lân, con Là, con Lượt cất nhà ba tầng long lanh, thuộc hàng đẹp nhất thôn. Vợ chồng lão Phồn cũng hất căn nhà hai tầng cũ nhẹ như không, thay vào đó là căn biệt thự nhà vườn chẳng kém gì thành phố. Đó là chưa kể, trước ngày thằng út Phương ra trường, lão bỏ hơn tỷ bạc mua cho cậu con giai căn chung cư, cắm chốt đất thủ đô.
    Điều khiến lão Phồn tự hào và hể hả không kém là cùng với sự lên hương của Phồn Chim, vị thế chính trị của lão ở địa phương cũng thay đổi chóng mặt. Danh hiệu nông dân giỏi đã lỗi thời, người ta giờ có công ty hẳn hoi. Ông Hoạt, Hội Nông dân xã bảo. Từ đồng ruộng, bước lên hàng doanh nhân, ông Phồn phải biết ơn chính sách giao khoán của chính quyền. Ông Sử, Chủ tịch ra chiều kể lể công trạng. Sau sự kiện được về Hà Nội báo cáo điển hình, hiệp hội Doanh nghiệp huyện mời lão Phồn tham gia Ban Chấp hành. Rồi một loạt đoàn thể, từ Mặt trận, Hội Cựu chiến binh đến nam, phụ, lão, ấu đều nài nuột lão có chân, thậm chí ở nhóm yếu nhân. Còn gì hay hơn khi dịp hội họp, thăm thú có doanh nghiệp tài trợ. Tuần chay nào cũng có nước mắt. Làm ăn khấm khá, lão Phồn không ngại móc hầu bao mỗi khi được gợi ý, đề đạt.
    Mọi sự thay đổi bất ngờ từ một chiều Phi lái con Camry, thành quả của mấy năm hợp tác kinh doanh chim trời về đầm, đưa theo ba người khách lạ. “Báo cáo với bố, đây là các anh chị đại diện quỹ đầu tư X. Quỹ mong muốn tới đây mua cổ phần của bố con ta”. Lão Phồn tròn mắt ngơ ngác: “Cứ ngỡ hợp tác với mày là đủ, giờ xuất hiện đám người lạ hoắc này là chuyện đầu cua tai nheo thế nào. Vậy là mày ngãng ra, đưa thiên hạ thế chân mà giấu tao mọi sự?” Phi sướng cười bể miệng: “Con cũng bất ngờ. Song đây là đại hỷ, cơ hội ngàn vàng để Phồn Chim vươn mình ra với bốn bể, năm châu. Có phải lâu nay, bố con ta trăn trở đưa quy trình nuôi, xuất chim trời theo hướng hiện đại, khao khát một dây chuyền chế biến, bảo quản để nâng chất sản phẩm. Nhưng lực bất tòng tâm vì cần vốn quá khủng. Thì nay, đối tác sẽ chung sức. Kỳ thực, trong hàng chục cơ sở nuôi chim mà quỹ nghiên cứu, Phồn Chim thuộc diện hiếm hoi được họ xem xét góp vốn. Phải thực tiềm năng chứ thiên hạ khôn lắm, ấm ớ một xèng cũng đừng có mơ. Biết đâu, rồi có ngày cổ phiếu Phồn Chim sẽ nghễu nghện trên sàn chứng khoán quốc gia. Tên bố bay ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, đứng ngang hàng với các tỷ phú đô-la ngành ô tô, điện thoại”. Lão Phồn nghe như nở từng khúc ruột. Dù vậy, lão vẫn bồn chồn, thắc thỏm lắm.
    Phi nhớ lại buổi đó đang đi giao hàng ở thủ đô thì đường phố tắc nghẹn. Thấy một khoảng trống ven đường, anh cho xe tấp vào. Nhìn lên bảng hiệu, thì ra là sàn giao dịch chứng khoán S. “Chắc anh đến mở tài khoản phải không?” Cô giao dịch viên ân cần đưa ly trà tận tay người khách lạ. Phi gãi đầu: “Thực lòng, tôi chưa biết gì về lĩnh vực “cổ cánh”. Tắc đường, ghé qua đỗ xe nhờ chút rồi đi. Vậy rồi câu chuyện đưa đẩy, qua lại, bất ngờ bẻ theo một hướng mà Phi chẳng thể ngờ. Kết thúc buổi gặp, anh để lại tấm các-vi-dít và tờ báo có bài về Phồn Chim mới đăng. Phía cô giao dịch viên hứa sẽ giới thiệu cho anh nhóm quỹ đầu tư đang kiếm tìm, gửi vốn vào các doanh nghiệp nhỏ, giàu triển vọng.
    “Mày định bỏ tao thật à?” Lão Phồn nhắc lại, vẻ trách móc khi cùng Phi đợi nhóm khách lạ đang tản ra tìm hiểu hệ thống chuồng trại. “Dạ, đâu có. Chỉ là đợt này con muốn bán bớt cổ phần Phồn Chim, lấy vốn mở một đại lý thức ăn chăn nuôi. Sau khi xem kết quả hoạt động ba năm, khách đánh giá tiềm năng đường dài, sức cạnh tranh của Phồn Chim khá tốt. Họ sẵn sàng trả gấp bốn lần mệnh giá ghi trong vốn điều lệ. Điều này cực có lợi cho bố con ta. Bố cũng xem xét nên bán bớt, giảm tỷ trọng sở hữu. Họ còn bảo tới đây sẽ tìm cách đưa sản phẩm của Phồn Chim đến các nhà hàng, khách sạn phục vụ nhóm đối tượng đẳng cấp. Lúc đó, bố của con sẽ lên tầm đại gia”. Mặt lão Phồn giãn ra: “Nhưng mày đừng bỏ tao nhá!”. “Không, con sẽ giữ lại mười phần trăm, vì tiềm năng tăng giá còn dài”.
    Có quỹ đầu tư sở hữu cổ phần, bài toán nâng tầm Phồn Chim lão Phồn và Phi ấp ủ lâu nay bỗng trở nên khá nhẹ. Hệ thống chuồng trại được làm mới theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn với thiên nhiên để chim trời lớn nhanh mà chất lượng vẫn cao. Hợp đồng thuê đất với địa phương được kéo dài lên ba mươi năm, mở rộng thêm chục hét ta đầm, ngòi liền kề, phù hợp quy mô mới. Rồi thì dây chuyền chế biến thương phẩm công nghiệp được lắp đặt, nhân viên điều hành là giới trẻ trong thôn. Phồn Chim giờ đã lên tầm đẳng cấp khác hẳn. Doanh nhân Trần Phồn là điển hình trong làm giàu, đổi mới và hội nhập toàn tỉnh. Xem ra, con đường vươn ra thế giới đã thấp thoáng trước mặt. Nhưng cũng từ đây, bao trục trặc phát sinh khiến lão Phồn không ít phen phải điên đầu, sôi máu.
    Nỗi ấm ức đầu tiên của doanh nhân Trần Phồn diễn ra ngay hôm họp hội đồng quản trị công ty ở nhà văn hóa thôn. Thì gần giống họp thôn, họp Hội Cựu chiến binh thường niên chứ gì. Nào ngờ, trước giờ đã định, Phi hớt hải gần như lôi thốc lão khi đó đang lúi húi ở khu chuồng, đầm chỉ đạo đám nhân viên phân loại các nhóm giống trứng. “Bố, giờ này mà vẫn ở đây có chết con không. Bố phải biết hôm nay mình là Chủ tịch, chủ xị điều hành theo chương trình, kịch bản. Mà bản báo cáo kế hoạch kinh doanh con đã in trước cho bố đâu rồi?”. Lão Phồn ngẩn người: “Tao cũng chẳng nhớ. Phải, hôm mày đưa, tao nhẩm nửa trang thì díu cả mắt, đành đem ra đầm rồi cài béng trên mái chuồng. Con Là đâu, ra khu chuồng lele lấy trên mái tập giấy, mang về đây ngay cho tao”. Mặt Phi chảy mượt: “Sắp đến giờ họp bàn chuyện chiến lược mà bố cứ ú ớ thế này, sao người ta nể được. Con vừa qua nhà văn hóa thôn, thấy lặng như tờ, cứ như nhà đám. Quỹ họ gọi con bảo, hôm nay sẽ đưa báo, đài về quay phim, phỏng vấn bố, rồi đem ra thủ đô giới thiệu với các cổ đông. Khoản vốn rót vào Phồn Chim, họ cũng đi huy động từ nhiều pháp nhân, thể nhân, bởi thế yêu cầu bố con ta không thể sơ sài, qua quýt”. Lão Phồn lịch kịch thay đồ, thủng thẳng: “Gì mà cuống cả lên. Quan trọng cũng ngang hôm tao đi báo cáo điển hình là cùng chứ gì. Bữa ấy, tay Khương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện còn rộn hơn mày. Hắn soạn trước bản báo cáo dài ngoằng, rồi nhay đi, nhả lại dăm lần cứ như thể tao là con nít. Tao cũng ậm ừ cho xong, kỳ thực thuộc thế đếch nào. Vào hội trường, tao đọc nửa trang thì buông, nói vo luôn. Vậy mà tất cả vỗ tay rào rào. Yên tâm, chút nữa, cứ bài cũ nằm lòng tao đem ra “chém”. Phi thở dài: “Bố phải hiểu, hội nghị này đâu phải chỗ khen nhau phỉnh phờ mà tính chất khác hẳn. Người ta giờ là cổ đông lớn. Là đối tác chung thuyền, đang dốc ra hàng tỷ đồng cho bố nâng cấp hệ thống chuồng, đầm chứ phải đâu chuyện bỡn. Còn hơn tiếng nữa phải không. Được rồi. Bố mặc tạm bộ comple của con, xem kỹ báo cáo rồi ra hội trường sớm nhé”. Dứt lời, Phi nhảy lên xe, vút đi. Chừng một tiếng sau, bám theo xe Phi là một xe thùng, chứa đầy phông, bạt, loa đài, cậu tài kiêm chân MC nhà đám. Ngồi trong ca bin còn có vợ tay lái xe kiêm MC và em gái hắn ta. Chỉ một loáng, nhà văn hóa thôn đã có tấm phông mới, mấy cái bàn trải khăn, trên có lẵng hoa giả. Hơi quê, nhưng cũng tạm. Khi nhóm cổ đông mới và đài báo về đến, lão Phồn đã kịp khoác lên mình bộ comple thùng thình, cùng hai cô nàng trong bộ tứ thân, bưng khay trầu mời khách khứa quan viên, đúng chất dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ.
    “Về cơ bản, buổi họp hôm nay tạm ổn nhưng nếu bố cứ thế này, con cảm thấy quá mệt. Bà đại diện quỹ bảo, lúc dắt đối tác ra đầm mới thấy sơ xuất lộ diện. Họ đã nhắn trước nhân viên Phồn Chim đều phải mặc đồng phục, không chỉ để đẹp khuôn hình mà còn chứng minh mình làm ăn quy củ, bài bản. Vậy mà lớ dớ thế nào, hai người không mặc lại rơi ngay vào cô Là, cô Lượt. Trước đây, con đã dặn bố làm mấy cái nhà vệ sinh ven đầm, vậy mà bố lại quên. Người nhà mình xưa nay hễ buồn tè cứ vạch bướm, vọc chim ở bất cứ đâu, chứ với đối tác lại để họ ngác ngơ tìm rồi núp bụi chuối thì quá ngượng. Tới đây, con phải bám ngoài đại lý thức ăn chăn nuôi, không ở bên bố thường xuyên, bố phải sắp xếp chuẩn chỉnh cả nhé. Để cổ đông lớn thất vọng, không tiếp tục rót vốn hoặc hình ảnh Phồn Chim đi xuống, giá trị cổ phần giảm sút, bố là người bị thiệt hại đầu tiên”.
    Vắng bóng thằng Phi, mình biết xoay xở sao đây khi đối tác của Phồn Chim xem chừng đòi hỏi khắt khe quá. Lão Phồn thở hắt. Xưa, mình với nó như thể bố con, chú cháu, thế nào cũng xong, miễn rành mạch, sòng phẳng. Nay, riêng mặt tài chính, đối tác yêu cầu phải có báo cáo từng quý. Rồi thì báo cáo hoạt động, đi kèm luân chuyển tiền tệ. Rồi thì chiến lược phát triển, tầm nhìn sứ mệnh, toàn những câu chữ giời ơi với một nông dân kỳ thực chỉ dạng đọc thạo, viết thông. Vẫn biết phải thuê. Có dịch vụ cả. Nhưng hiểu được để ký cũng đã ong thủ. Nhiều khi lão ngẫm, một đời cắm mặt ngoài đồng, hết vụ vịt này đến lứa chim khác, thoắt cái trở thành doanh nhân, đi dự hội nghị, oai oách rõ rồi nhưng không ít phen lúng túng như thể gà mắc tóc. Bây giờ, bảo bước lên từ đầm, chân nguyên vệt bùn và đám bèo tấm, nhoẳn cái đóng bộ comple, cà vạt, điều hành hội họp, phát biểu bổng trầm khác nào đánh đố, bắt khỉ húp mắm tôm. Phải thừa nhận, từ khi có cổ đông mới, vị thế, sức cạnh tranh và thương hiệu Phồn Chim khác hẳn. Hơn ai hết, lão Phồn thấu rõ điều này. Giá thằng út Phương nối nghiệp tiên tổ, mê vịt, ham chim về quản lý hoạt động kinh doanh công ty, để lão với lũ gái, rể chỉ chăm chắm mỗi việc chăn, thả thì hay biết mấy. Nhưng cái thằng từ bé đã chỉ dí mũi vào trò điện đóm, tháo lắp. Cha mẹ sinh con, giời sinh tính. Đợt nó thi đại học, lão đã rất muốn con thi trường nông nghiệp mà nó nào có nghe. “Bố từng bảo, giàu thợ điện, diện thợ may, con thi ngành cơ điện bách khoa là hợp thời còn gì”.
    Nhưng Phi chưa kịp rút lui như dự định thì một việc bất ngờ xảy đến. Các sản phẩm của Phồn Chim đang tiêu thụ ngon nghẻ, đột ngột giảm số lượng. Rồi vài khách hàng lớn thông báo dừng nhập. Phi đi điều tra, chỉ hai hôm đã nắm rõ sự tình. “Làm ăn mới phát tý chút là có kẻ “chơi” bố con ta luôn. Ở miền dưới kia, một doanh nghiệp vừa tung ra các sản phẩm chim không khác của ta, giá rẻ hơn chục phần trăm nên Phồn Chim mất khách. Bố biết tên sản phẩm của họ là gì không. Phòn Chim. Cả bao gói, nhãn mác đều na ná ta cả. Nản ở chỗ, dấu huyền trong chữ Phòn họ cố tình đánh lỗi, trông rất giống chữ Phồn. Khách hàng không tinh, chẳng thể phân biệt. Kiểm tra lại, con mới ngã ngửa, mình sơ xuất chưa đăng ký thương hiệu. Điều này quỹ họ đã nhắc mà bố con ta quên”. “Bây giờ mày bảo phải làm sao”. “Con cũng bó tay. Chỉ biết chắc chắn, quỹ sẽ lên tiếng chê trách. Hay bố thử gọi cậu Phương nhà mình, nhờ có mối quen nào tư vấn, hỗ trợ xử lý xem sao”.
    Với sự vào cuộc của út Phương, tròn hai tuần sau, không chỉ giấy chứng nhận bản quyền thương hiệu Phồn Chim kèm hình ảnh, lôgô mà hàng loạt chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy phép nuôi chim trời tự nhiên… công ty thiếu lâu nay lần lượt được hoàn tất. Sang tuần thứ ba, út Phương báo cho cha, một văn phòng luật sư đang thụ lý vụ vi phạm bản quyền thương hiệu. Rồi sớm nọ, Phi hỉ hả dúi cái smartphone tận mắt lão Phồn. “Bố đọc đi, bài điều tra nóng ngùn ngụt báo mạng. Thì ra, bọn họ không chỉ dùng tên nhái Phòn Chim mà còn nhập nguồn chim trời phế phẩm từ một đối tác ngoại quốc phương Bắc. Vậy là chơi bẩn, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Chắc chắn cơ quan chức năng sẽ vào cuộc”. Vụ việc rõ như ban ngày, khách trở lại nhập hàng. Thời gian sau, sức tiêu thụ của Phồn Chim tăng lên. Mọi sự dần êm, nhưng lão Phồn lè lưỡi thấy việc vươn tầm của công ty quả không dễ như tưởng tượng. Chưa thấy sàn chứng khoán quốc gia ở đâu, tim đã vài phen đau thắt.
    Vụ việc trên vừa nguôi thì một sớm, đang đắm mình ngà ngật trong hơi thuốc lào như một sự tưởng thưởng phút sảng khoái, thư giãn, lão Phồn bị cơn rung bần bật của chiếc smartphone kéo tuột ra khỏi cơn mê. “Bác biết gì chưa? Lại có chuyện hệ trọng. Rắc rối này không nhỏ. Trước hết, Phồn Chim phải tự xem lại toàn bộ mọi quy trình”. Giọng lanh lảnh, gấp gáp, đầy lo lắng là của Mỹ Linh, cô gái trẻ đại diện cho quỹ đầu tư. Từ ngày xảy ra vụ Phòn Chim, Mỹ Linh được quỹ phân công phối hợp với lão Phồn, thực chất là giám sát các hoạt động của đối tác góp vốn. Hầu như tuần nào, cô cũng xuống Phồn Chim, ngó qua tất cả các khâu, các điểm. Cô còn hỏi lão Phồn chi tiết, củ tỉ nhiều việc khiến đôi lần lão thấy nóng mắt, khó chịu. Cô gọi sớm, trách móc thế này là sự chẳng lành rồi. Nhưng là gì, phải từ từ mới tỏ. Lão Phồn tỉnh rụi, mặc đồ, cũng vừa lúc Phi lật đật gõ cửa. “Chuyện mới xảy ra đêm qua. Trang “phây” này đăng ảnh tố sản phẩm Phồn Chim cung cấp cho một khách sạn lớn phát hiện có sán lá gan. Tin động giời bố ạ. Họ còn chụp rõ cả ổ sán trong cặp đùi của chim đưa lên mới nguy. Rất có thể, khâu nuôi, thả, vệ sinh của mình đã thiếu sót trầm trọng. Bố con mình lại nhọc. Vụ này theo con là rất khó đỡ”.
    Vậy là trọn buổi sáng, điện thoại của lão Phồn rung không ngớt. Lần lượt các nhà hàng, siêu thị, khách sạn “phôn” về đòi làm rõ sự việc. Ngoài lớn tiếng chê trách, tuyên bố chấm dứt hợp đồng, có đối tác còn yêu cầu Phồn Chim bồi thường, thậm chí kiện ra tòa khiến lão Phồn tái mặt. Mồ hôi vã đầm đìa. Đại diện quỹ, cô Mỹ Linh cũng gọi về ba cuộc. Nhóm cổ đông yêu cầu các bên phải làm rõ sự việc trong thời gian sớm nhất. Bằng không, sẽ áp dụng cơ chế phạt. Đầu lão Phồn quay như chong chóng. Cứ mỗi lần buông con iphone xuống, lão lại nhăn nhó nhìn Phi. “Giờ làm gì hở mày”. Phi bặm môi lắc đầu: “Tất cả trông vào việc cầu cứu cậu út Phương thôi”.
     Nhận tin mới từ bố, Phương bảo đang đi công trình nhưng sẽ chuyển hồ sơ cho một người bạn nhiều kinh nghiệm nhờ xử lý sự việc. Rồi cậu gọi về cho cha yêu cầu kiểm tra tất cả các khâu từ giống đến nhà hàng. “Tất cả đều chuẩn ạ. Nếu vậy, bạn con bảo bố phải có thông cáo gửi ngay đến khách hàng, cổ đông. Càng sớm càng tốt. Trước hết, để trấn an dư luận. Mọi việc sau thế nào, bạn con sẽ mách tiếp”. Nhưng lần này có vẻ cách thức trên không đem lại hiệu quả. Quỹ và các khách hàng đều nghi ngờ thông cáo của Phồn Chim. Mà thực, chẳng có chứng lý gì. Nói không, ai tin. Chỉ trong một tuần, các đơn hàng nhất loạt bị hủy. Nhìn đàn lele, vịt giời, gà chín cựa... hàng vạn con đến tuổi xuất chuồng bị ùn ứ chật kín, lòng dạ lão Phồn như có lửa đốt. Không khéo phải bán tống bán tháo, vớt vát được tý nào, hay tý đấy vậy. Mà nhiễm sán bệnh, bán ai mua. Có khi còn bị phạt nặng. Nếu phải tiêu hủy như nhiễm cúm gia cầm thì quá thảm. Nghĩ đến khoản nợ ngân hàng Phồn Chim phải trả nay mai, lão càng thêm choáng váng. Đang lên hương ngùn ngụt, bất ngờ đảo chiều đối mặt với phá sản. Rủi ro đó xảy đến thì thành nợ đầm đìa chứ đâu chỉ trắng tay. Thuyền to, sóng cả. Lần đầu tiên lão thấy oán trách Phi. Giá như cứ làm ăn, hợp tác như xưa thì giờ vẫn vểnh râu ăn no, ngủ kỹ. Đang đâu, thằng Phi lôi cổ đông về, rồi dở rói làm lớn, giờ thành cưỡi trên lưng cọp. Liền mấy hôm mất ngủ, lão Phồn gầy sọp, cáu bẳn, râu ria lởm chởm. Bà vợ già ngao ngán xót chồng, vật mình rên ời ời. Phi ơi là Phi, có cách nào gỡ không. Phi ngày nào cũng đến, mặt thuỗn ra ngơ ngẩn.
    Đúng lúc nguy nan nhất thì út Phương chủ động gọi về. Giọng cậu hổn hển, cố kìm nén cảm xúc. “Kết quả mới nhất đây ạ. Con vừa gửi file, bố chỉ việc bảo anh Phi mở, xem, in ra, ký và gửi đi ngay”. Phi lập cập mở mạng. Tim lão Phồn ngỡ nhảy ra khỏi lồng ngực. Mở đầu cái thông cáo báo chí lần này là ý kiến của một chuyên gia sinh học nổi tiếng. Ông khẳng định loài sán lá gan không sống và tồn tại trong gà, vịt, chim trời mà chỉ có ở các loài thú nuôi. Phần hai của thông cáo, là ý kiến của một luật sư nhận định sự việc đáng tiếc của Phồn Chim chắc chắn là “bài” cố tình “chơi bẩn”, “đâm lén” của kẻ xấu giấu mặt. Thủ đoạn cạnh tranh thiếu lành mạnh vẫn thi thoảng xuất hiện. Vị luật sư đề nghị công ty sớm gửi hồ sơ cho cơ quan công an. Chứng lý khoa học và pháp luật rành rành. Lão Phồn thở hắt, ngỡ trở về từ cõi chết. Phi cũng rũ luôn cái bản mặt đưa đám. Phải cho kẻ nào chơi xấu Phồn Chim trả giá đắt mới thỏa. Hôm sau, nội dung thông cáo được một tờ báo đăng tải. Rồi hàng chục báo mạng đăng lại. Mỹ Linh gọi về xuýt xoa: “Phồn Chim xử lý khủng hoảng quá đẳng cấp”. Vài ngày sau, các đơn hàng lại tới tấp kết nối.
    “Mày nhờ ai trợ giúp mà như thể phép màu. Đảo chiều một trăm tám mươi độ. Chuyển bại thành thắng. Hôm nào mời bạn về đây để bố với công ty hậu tạ được không?” Lão Phồn gọi cho con giai, không giấu niềm hỷ hả. Út Phương thực thà: “Người giúp con gỡ khó cho Phồn Chim quả thật rất đặc biệt. Cuối tuần này, nhất định con sẽ đưa về thăm bố mẹ và gia đình ta”.
    Trưa thứ bảy, từ Hà Nội, Phương lái con xe trắng về làng, thành quả của hai năm đi làm cho một dự án phong điện. Dong xe thẳng ra đìa, cậu nhảy xuống ôm vai bà Phồn rồi mở cửa, dẫn ra một cô gái. “Thưa với bố mẹ, đây là Anna Thùy Dương, bạn gái của con. Thùy Dương học về quản trị kinh doanh, từng quản lý vài công ty cổ phần ở Đông Âu cũng như Việt Nam. Vừa rồi, chính Thùy Dương trực tiếp xử lý hai vụ việc cho bố và Phồn Chim”. “Cháu chào hai bác ạ”. Cô gái trẻ cúi đầu lễ phép. Vợ chồng lão Phồn nhìn cô gái không giấu sự bất ngờ. Chẳng thấy thằng Phương kể chuyện con bé bao giờ, lần đầu tiên nó về thăm nhà, lại là ân nhân thì thực tốt phước quá. Tuy mới gặp nhưng trước mắt, con bé đã gây thiện cảm mạnh. Từ gương mặt, dáng dấp thấy nó chẳng thua mấy cô hoa khôi, người mẫu trên tivi.
    Chứng kiến bạn gái cậu út Phương xinh đẹp, giỏi giang, gỡ cho Phồn Chim hai bàn thua trắng bụng, Phi mừng rỡ ra mặt. Từng có lúc Phi nghĩ mười phần trăm cổ phần còn lại sẽ là đống giấy vụn nếu công ty sập tiệm, chưa tính khoản nợ theo tỷ lệ phải gánh. Giờ mọi sự ngon nghẻ, “giá rổ” tăng lại, lời nhỡn tiền, mừng ngỡ bắt được vàng. Từ rày trở đi, sẽ chẳng còn điều gì khiến cho Phồn Chim khốn khó, lao đao bởi sự hiện diện của cô gái trẻ kia. “Bố có con dâu tương lai như cô Anna Thùy Dương thì lo gì Phồn Chim chẳng vươn tầm quốc tế. Lúc đó, có khi bố được đi họp điển hình tiên tiến ở châu Âu, châu Mỹ cũng nên. Hay bố nói với cậu Phương thuyết phục cô ấy về làm cho công ty mình. Chẳng gì, trước sau cũng là người nhà”. Phi rỉ rả, lão Phồn gật gù. Chí lý.
    Đem điều Phi xui nói lại với con trai, út Phương cười hồn nhiên. “Sau mấy vụ vừa rồi, con đã nghĩ tới điều bố nói. Những ngày qua, con đã ra sức thuyết phục Thùy Dương về đây giúp bố mẹ quản lý, điều hành công việc của Phồn Chim. Chẳng gì, công ty rất cần sự quản trị chuyên nghiệp. Cô ấy suy nghĩ nhiều rồi bảo, trước hết sẽ xin nghỉ việc ngoài kia ba tháng, về đây hỗ trợ bố đưa các mảng khuyết, thiếu vào ổn định, nền nếp. Hồi sau thế nào, tính tiếp. Có Thùy Dương về, bố và các chị chỉ phải lo riêng mảng đồng, đầm, sẽ nhẹ gánh hẳn”. Nghe thằng Phương nói vậy, chẳng riêng vợ chồng lão Phồn mà Phi cũng thấy hởi lòng.
    Về hôm trước thì hôm sau, Phó Giám đốc tài chính, kinh doanh kiêm đối ngoại, truyền thông Anna Thùy Dương đã vạch ra luôn một kế hoạch dài gần mươi trang giấy. Khác hẳn vẻ e thẹn, khép nép của các cô nàng lần đầu về nhà bạn trai, cô xăm xắn đi dọc từng vuông đầm, xem kỹ thức ăn cho các loại chim, sục từng khu chuồng, mang theo cuốn sổ hết chép chép, ghi ghi, khi về là vùi đầu trên máy tính. Vợ chồng lão Phồn bố trí cô ở căn phòng riêng trên tầng ba căn biệt thự nhà vườn, tới bữa sinh hoạt chung với gia đình y như một thành viên. Mấy hôm đầu, bà Phồn ngầm theo dõi cô gái rồi rỉ rả với chồng: “Cứ tưởng con bé này tiểu thư, cảnh vẻ, chỉ quen ngồi phòng điều hòa. Vậy mà nó dám tụt guốc lội xuống đồng, kiểm tra các loài rau nuôi cho chim, chẳng ngại đỉa, sợ phân thì cũng nể ông ạ. Rồi nó góp ý với mấy đứa không để nước phân chim chảy xuống đầm, lạch, gây ô nhiễm, tôi thấy rất chí lý. Có nó giám sát, khu giết mổ thương phẩm bao giờ cũng gọn, sạch, tinh tươm hơn. Được nó về làm dâu, tôi rất ưng ý đấy”.
    Nhưng từ buổi Anna Thùy Dương thưa chuyện, “Cháu xin hai bác cho chuyển ra ở căn phòng nhỏ ngay kề khu chế biến, bảo quản để tập trung công việc” thì sự thiện cảm nơi bà Phồn phần nào bị phôi phai. “Sao cháu không ở đây, hay chỗ ăn ở có điều gì khiến cháu thấy chưa ổn” - Bà Phồn gặng hỏi. “Dạ, cháu ở bên kia về, quen ăn các đồ ăn tây, sinh hoạt như hai bác và các anh chị nhà ta, thực lòng, cháu chưa quen được. Với lại, để các mảng của Phồn Chim quy chuẩn, chỉ có bám luôn ngoài đồng, đỡ ngày mấy lượt di chuyển cháu mới tiết kiệm được tối đa thời gian” - Anna Thùy Dương thẳng thắn. “Thì ra, cái con bé này chê nết ăn, nét ở của vợ chồng mình đây. Đúng là nhà quê, có đầy đủ thế nào cũng sao bằng thành phố. Nhưng về quê bạn trai mà ngại đi từ đồng về nhà, từ nhà ra đồng, từ chối thắt chặt sợi dây gắn bó giữa hai bên thì con này quá lạ - Bà Phồn rầu rĩ - Mới là bạn gái thằng Phương đã thế này, nó mà về làm dâu, chẳng rõ rồi sẽ còn thế nào”. “Bà thì cứ lắm chuyện - Lão Phồn gạt đi - Không nhờ trí tuệ, kiến thức của nó, chẳng biết giờ này tôi với Phồn Chim thế nào”. “Chưa gì, ông đã bênh nó chằm chằm. Chỉ phụ nữ chúng tôi mới hiểu nết ở, nết ăn của giống đàn bà quan trọng cho tương lai chồng, con ra sao - Bà Phồn vẻ dằn dỗi - Tôi bảo nó đi chơi họ hàng cho mọi người biết mặt mà nó có nghe đâu. Cứ từ đồng về là cắm mặt trên máy tính. Có hôm tôi ngủ đẫy giấc, tỉnh dậy vẫn thấy trên gác sáng đèn. Sáng ra, mình đã hai cữ ra đồng, mới thấy nó lịch kịch dậy. Nết đó, không ổn”. Dù nhiều lần nghe vợ thở than, chê cách ở, nết ăn “chẳng giống ai” của Anna Thùy Dương, lão Phồn vẫn nhất nhất bảo vệ bạn gái của con. Phải thừa nhận, tố chất nhanh nhẹn, tháo vát, giỏi sắp xếp, bao quát khiến Phồn Chim từ ngày có cô đã thay đổi hẳn. Chỉ hai tuần có mặt, trang website công ty nổi bật với lô gô và khuôn hình có đàn lele bay lên do cô thiết kế, viết bài, át-min, kiêm thợ ảnh đã chính thức hòa mạng. Rồi thì đủ cả, lịch sử hình thành, tầm nhìn sứ mệnh, cổ đông hiện hữu, kết quả kinh doanh, website của Phồn Chim không thua kém các doanh nghiệp đình đám. Khâu báo cáo các loại giờ thành quá đơn giản. Điều lão Phồn ưng nhất là cô quán xuyến nhập hàng, giao sản phẩm, đối thoại với đại diện cổ đông bao giờ cũng đầy đủ, rõ ràng, khi cứng, lúc mềm khiến khó tính như Mỹ Linh cũng phải ra sức nắc nỏm. Chỉ thời gian sau, Phồn Chim có thêm khách mới, thậm chí có cả doanh nghiệp xuất khẩu muốn đưa sản phẩm công ty phục vụ Việt kiều tại các thị trường Á, Âu.
    Nhưng rồi một loạt sự việc xảy ra, dù nhỏ, đủ khiến lão Phồn không thể bênh Thùy Dương mãi. Đầu tiên là việc bà Phồn chứng kiến Thùy Dương lên tiếng phê bình thằng Lanh. Lanh là nhân viên đóng gói dây chuyền chế biến thương phẩm. Buổi thứ hai, ngoài chín giờ cậu mới lò dò có mặt. “Lanh ạ, em còn vô tổ chức thế này, có ngày Phồn Chim buộc phải cho thôi việc đấy!” - Thùy Dương nghiêm khắc. Cô vừa vào phòng, bà Phồn đã theo sát sau gót. “Cháu nói vậy với thằng Lanh, bác thực không hài lòng. Cháu phải biết, ông nội thằng Lanh có ân nghĩa sinh tử với bác trai. Ngày xưa, không nhờ ông ấy đập con hổ mang bạnh quấn tay ông Phồn thì bố thằng Phương có khi đã xanh cỏ từ đời tám hoánh. Cháu mắng nó vậy, mang tiếng hai bác quá. Có những thứ lỡ lời, bạc vạn chẳng mua được”. “Dạ, thưa bác, cháu nghĩ ân nghĩa trả bằng ân nghĩa và có rất nhiều cách. Còn khi đã là nhân viên của Phồn Chim, phải tuân thủ quy chế làm việc. Đúng khi khách chờ lấy hàng, Lanh ở khâu then chốt cuối cùng mà muộn cả giờ đồng hồ khiến mọi việc bị ùn rồi rối tinh, rối mù thì không thể chấp nhận bác ạ” - Thùy Dương cự lại. Bà Phồn mặt nặng, mày nhẹ quay ra. Lần này thì lão Phồn ngồi im. Cho đến hôm con bé cháu họ trong thôn đưa bà Phồn xem đoạn đối thoại trên “phây” giữa thằng Phương với người yêu thì mặt bà xám lại. Tối đó, lão Phồn từ đầm về, vừa ló mặt vào nhà, bà vợ đã kể tội con bé. “Chúng nó mới chỉ yêu đương mà đã xưng vợ vợ, chồng chồng ông bảo có loạn không? Thứ con gái bên tây về, dễ dãi kiểu này, làm vợ con trai mình, ông xem có ổn?” Lão Phồn cũng buột ra cục ấm ức trong dạ. Thì vừa nãy thôi, Phương gọi về cho bố, sau khi hỏi han một lèo liền ra giọng trách cứ. “Nay con hỏi Thùy Dương việc Phồn Chim trả lương cho cô ấy ra sao. Cô ấy bảo vẫn chưa thấy bố nói gì. Đây là vấn đề riêng của bố với bạn con, con để bố và Thùy Dương tự thỏa thuận. Đã gần hai tháng trôi qua, con nghĩ bố phải chủ động xúc tiến”. Nghe thằng con nhắc vậy, lão Phồn nhăn mặt rồi như muốn bốc hỏa: “Nó về đây, là xác định trước sau cũng làm vợ của mày. Rồi thì vài năm, bọn tao già, cơ ngơi này đều thuộc chúng mày chứ ai nào tranh mất. Cũng như vợ chồng con Lân, con Là, con Lượt, chẳng đứa nào dám đòi hỏi lương bổng mà tao có để chúng phải thiệt tý nào đâu. Ba tháng mà cũng vẽ ra trả lương, vừa khách khí, xa cách, lại chẳng đâu ra đâu. Xem ra, con nhỏ này có suy nghĩ, toan tính thực dụng quá”.
    Thế là cuối tuần đó Phương về, một cuộc tranh luận, tra khảo riêng đã xảy ra giữa vợ chồng lão Phồn với thằng con út có học. Mày trả lời u, chúng mày ăn nằm với nhau lâu chưa mà xưng hô chồng vợ tự nhiên như không. “Dạ, đó là chuyện riêng của con với Thùy Dương. Giờ là thời nào rồi mà u cổ hủ vậy”. “Thời nào cũng thế. Tao thấy rất chướng. Còn chuyện nó có ý đòi lương, rõ là con này đầy thực dụng, tính toán”. “Bố mẹ phải hiểu, Thùy Dương lớn lên bên châu Âu, văn hóa bên đó cái gì cũng cần sự rành mạch, rõ ràng. Dù con với Dương có kết hôn hay không, thì việc cô ấy dành ba tháng về Phồn Chim, bố và công ty phải coi là đi thuê lao động chất lượng cao. Để rời ngoài kia về đây, ngoài tạm nghỉ việc lương tháng mấy ngàn đô, Thùy Dương còn phải xa thị thành, cô đơn với đầm, chuồng, chuốc bao khó khăn, áp lực”. “Có bao giờ mày tự đặt câu hỏi, nó thấy nhà mình khá giả, cặp với mày để đào mỏ, rồi sau sẽ chuồn không?” - Bà Phồn xổ thẳng. Phương bật cười: “Ở bên kia, nhà cô ấy có trang trại nho, giá trị gấp mấy lần công ty Phồn Chim nhà ta. Cô ấy về Việt Nam vì yêu con, muốn gắn bó, làm việc trong nước với người mình yêu thôi. Về tài chính, con với Thùy Dương đã cam kết sau này kết hôn, tiền ai nấy giữ, nấy tiêu. Xu thế đó, giờ không phải hiếm trong giới trẻ”. Vợ chồng lão Phồn há hốc mồm. Sao có kiểu vợ chồng gì kỳ lạ thế hở giời.
    Đủ tinh tế để nhận ra những bất đồng không thể sớm san lấp, kết thúc ba tháng, Anna Thùy Dương thu xếp gọn công việc, nhận hỗ trợ Phồn Chim từ xa một số mảng việc rồi xin phép vợ chồng lão Phồn về thủ đô. Buổi tiễn chân con bé, lão Phồn có tâm trạng rất khó diễn tả. Ngoài hai việc lớn con bé giúp gỡ khó thì phải thừa nhận, chỉ thời gian ngắn, nó đã nâng chất Phồn Chim, mở mang kinh doanh, quản trị quy củ và làm mới bao việc. Nhưng sự khác biệt hiển hiện, quá lớn. Thôi thì trên nền tảng con bé xây dựng, trước mắt chưa có ai thay, lại tạm phải yêu cầu sự hỗ trợ từ Phi, đợt này đã rảnh rang hơn. Dù gì, nó còn mươi phần trăm cổ phần, mấy năm qua đã cùng lão khôn lên nhiều sau bao ngọt bùi, sóng gió.
    * * *
    “Trả lại vốn quỹ đầu tư không dễ đâu bố ạ. Hợp đồng ghi rõ, trường hợp này mình phải hoàn gốc kèm mức lãi gấp ba lần vay ngân hàng ở thời điểm thực hiện” - Phi nói nhỏ, giọng không giấu lo lắng. “Có điều đó nữa à? - Lão Phồn thưỡn mặt - Nếu vậy thì dãy ra được, phải trả thêm đống tiền. Sao hôm ký cót hợp tác, mày không nhắc tao kỹ”. “Bố hôm đó mải vui vì kế hoạch phát triển Phồn Chim mà quên chuyện đó thôi. Cả con với đối tác đều đưa bố đọc mấy lần, chưa hiểu gì cứ hỏi. Con đã xem mẫu hợp đồng họ ký với các doanh nghiệp khác, mọi ràng buộc, trách nhiệm đều cơ bản thế cả. Có vậy, họ mới rót vốn cho ta đầu tư. Theo con, bố cứ mượn tạm dải đất vỡ hoang của ông Khởi ven bờ mương, đưa bầy trĩ tạm lánh qua đó rồi tính tiếp”.
    Thì tất cả cũng nảy sinh từ đợt Anna Thùy Dương về giúp sức Phồn Chim. Có bạn gái của con, các việc khó trước đây của công ty phút chốc ngon nghẻ cả. Riêng phần chuồng, đàn, chăn, thả đã có lũ “vịt giời” cùng đám rể bao trọn. Bất ngờ, lão Phồn trở nên rỗi việc. Nhàn cư, lão theo Hội Cựu chiến binh huyện đi thăm một vị Đại tá về hưu là bạn đồng ngũ ngày trước. Lần đầu tiên, lão được chứng kiến khu trại nuôi chim trĩ bảy màu, đủ ba dòng vàng, đỏ, xanh tại nhà người đồng đội năm xưa. Dù từng tiếp xúc với bao loại chim trời đẹp đến mê man nhưng không loài nào lão bị dẫn dụ, chinh phục từ cái nhìn đầu tiên như thể loài trĩ cảnh. Ngoài việc bị mê hoặc bởi thế giới màu sắc, từng chi tiết trên bộ lông ngỡ như nhung, gấm, tiếng lành về loài chim quý sẽ đem lại phúc lộc cho người nuôi khiến lão thêm ham. Thích là nhích. Bọn trẻ thường bảo thế. Sau hôm đó về, Phồn Chim có thêm khu chuồng nuôi trĩ mấy chục đôi. Rồi cả lứa trĩ non được đưa về cùng quy trình chăm sóc riêng biệt. Một khoản đầu tư không nhỏ. Là giống chim quý, chủ yếu chơi cảnh, bán dù cao giá, nhưng lão Phồn thừa nhận, về mặt kinh tế, nuôi trĩ không thể so với nhiều loại gia cầm. Sự việc được Mỹ Linh báo cáo về quỹ rồi xảy ra cuộc xung đột, tranh cãi.
    Không thể trả lại vốn góp, thôi đành đất phải chịu giời. Di rời đàn trĩ ra khỏi khu chuồng, sự ấm ức với lão Phồn giờ đây là danh dự. Khốn nạn thay, quyết đáp cái gì cũng phải tuân theo sự đồng ý của chúng nó. Thì Phồn Chim là tài sản chung, đâu của riêng lão với Phi. Tự nhiên, lão khao khát sự tự do như thủa nào quá đỗi. Với lão, tuổi này, tiền đâu phải là tất cả, mà còn là sự đam mê. Xem ra, đám tỷ phú thế giới cũng khối cái phải thua gã chủ chim đồng làng.
     Dù đã tự thưởng cho một ngày thư giãn bên đàn trĩ, nhưng sớm nay lão Phồn vẫn không thể bỏ qua các cuộc gọi. Hai cuộc đầu của Mỹ Linh, lão nhủ đếch thèm nghe. Đàn trĩ tao đã tách ra nuôi riêng, đúng ý chúng mày, còn đòi hỏi gì nữa hử. Việc bằng giời phát sinh lúc này cũng vớ vẩn cả nhá. Nhưng lần thứ ba cô gái gọi thì lão phải bắt máy. Bác à, mai bác bố trí tiếp đoàn khách quỹ cháu đưa về ạ. Chúng cháu dự định sẽ thoái vốn, bán cổ phần Phồn Chim cho ba cổ đông nay mai. Đây cũng là việc làm bình thường trong đầu tư khi đạt lợi nhuận kỳ vọng. Cháu nói rõ thêm, trong ba cổ đông mới, có một là đối tác ngoại quốc. Họ tìm hiểu và đánh giá rất cao tiềm năng của Phồn Chim, rất muốn đầu tư mở rộng lĩnh vực của công ty nay mai.
    Nghe tới đây, chẳng biết tự khi nào lão Phồn lại bần thần vì bất ngờ và choáng. Cảm giác giống lần đầu Phi dẫn đại diện quỹ X về đầm. Một cổ đông như chúng nó, còn bao phen ngỡ đái ra quần. Giờ số lượng gấp ba, thêm cả đám nước ngoài thì đúng là quá hoảng. Vừa lúc Phi cũng lò dò đứng cửa, gãi đầu. “Chắc bố đã biết tin mới. Về nguyên tắc, họ muốn bán phần vốn cho bao nhiêu người mình đều phải chấp nhận. Phồn Chim giờ trên đường trở thành công ty đại chúng. Nếu không muốn, chỉ còn cách chi ra khoản tiền thật lớn mua lại cổ phần đối tác đang nắm giữ. Giá trị Phồn Chim tăng trưởng nên khoản đó không rẻ. Bố con mình đành sống chung với thay đổi đó thôi”. Tự nhiên, lão Phồn cảm thấy nghèn nghẹn, khó thở.
    Sau một đêm trằn trọc, bốn giờ sáng lão Phồn đã tỉnh dậy. Lão lịch kịch pha trà thì bà vợ già đã ngồi sát kế bên. “Thấy ông cứ vật mình, tôi ngủ nào có yên. Công ty lại có chuyện gì khiến ông phải nghĩ suy, khó nhọc?” Bất chợt, lão Phồn nắm tay vợ. Giọng lão nghèn nghẹn, xúc động. “Tôi có chuyện này quan trọng, muốn tâm sự với bà. Bà có nhớ, mới ngày nào tôi với bà lấy nhau, thầy u sẻ cho đàn vịt làm vốn, vợ chồng ra lều hưởng tuần trăng mật. Rồi cả bốn đứa con cấn thai ngoài đồng, nay chúng đều phương trưởng đề huề, hạnh phúc đủ đầy, còn điều gì mong hơn. Đất nước thanh bình, thời vận đổi thay, tôi chẳng thể ngờ, từ ruộng đầm, có ngày mình lên hàng doanh nhân, chúa biết tên, vua biết mặt. Để có cơ nghiệp như Phồn Chim hôm nay, chẳng kể hết bao nhọc nhằn, gian khó. Ngoài biết ơn muôn người đổ mồ hôi khuya sớm giúp mình, không thể quên ơn chính quyền cùng phúc phần tiên tổ. Nay Phồn Chim đã lớn, tới đây có cổ đông mới, cả ngoại quốc thì mừng nhiều nhưng cũng thêm lo. Mừng là Phồn Chim đi lên, là điển hình của cả vùng ta, nhưng lo là thích nghi, đồng hành với đổi thay sao đây, không khéo mà lụn bại. Nếu điều đó xảy ra, mình là người đắc tội với tất cả. Tôi tự ngẫm thấy vợ chồng mình ít học, già rồi, được là doanh nhân đồng làng đã vẻ vang quá đỗi. Trước viễn cảnh Phồn Chim nâng tầm, làm ăn quy mô, tôi thấy mình cố mấy cũng đuối sức, hụt hơi. Đêm qua, tôi đã nghĩ chín và đi đến quyết định. Sau đám cưới thằng Phương nhà mình với con Thùy Dương tới đây, tôi sẽ giao lại cơ ngơi này cho vợ chồng nó với đám con gái, con rể. Đã tới lúc phải lui về phía sau thôi. Tôi sẽ chỉ chăm đàn trĩ quý làm vui, bà rảnh đi chùa, thỉnh thoảng cùng tôi du lịch, thăm thú đám bạn già. Con Thùy Dương giỏi giang, lo gì Phồn Chim không khá. Vợ chồng nó quấn quýt, yêu nhau, thế là quá đủ. Đã tới lúc mình phải quyết định kẻo sẽ làm khó công ty. Bà thấy thế ổn không?”
    Nép vào vai chồng, bà Phồn thở nhẹ: “Sau hôm con Thùy Dương đi, tôi bỗng thấy nhớ con bé. Nhờ lọ thuốc tê thấp nó gửi mua bên kia mà tôi đỡ hẳn bệnh đau nhức bao năm. Tôi cũng nghĩ kỹ, khác biệt nào cũng có thể san lấp miễn là chúng nó yêu thương nhau thực lòng, cùng sẻ chia, gắn bó. Mọi cái khác, rồi thì ổn thôi ông ạ”.
    Chẳng biết tự lúc nào, vợ chồng lão Phồn đã dắt nhau ra đồng. Trong ánh bình minh đỏ rực, mấy con trĩ non đang xõa cánh tập bay như những cục màu lung linh. Thấy có bóng người, lũ vịt giời, lele rộ tiếng xao lao đòi ăn. Tự nhiên, lòng vợ chồng lão Phồn tràn ngập niềm thơ thới, nhẹ nhõm.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Một Thoáng Yêu Đương
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Mơ Xuân
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Con Trai Của Vova
» Thổn Thức Dây Tơ
» Vẫn Chưa Đâu 1