Tháng bảy vu lan khói trầm sũng ướt. Cây thị già co ro trong mưa thu. Ngõ nhỏ hiu hắt, lả tả lá vàng rụng xuống mặt ao. Tiếng hồ trầm buồn réo rắt giai âm sũng nước kể lể thập ân của người xẩm mù xóm chợ khiến bước chân của bà thêm luống cuống. Bà thương phận mình, thương tiếng vọng cổ thường cất lên trong khuya lạnh canh trường đến não nùng. Cây thị già còn đây nhưng tiếng hát ấy và người xưa đã hóa vào mây trắng mất rồi.
Người đàn ông lịch lãm trong bộ véc sang trọng từ trên xe hơi bước xuống cầm tay bà cụ tóc trắng như khói mấy bước vào ngõ nhỏ. Nước thời gian không thể làm tàn tạ hết được vẻ đẹp đài các ngày xưa vẫn còn lưu dấu trên khuôn mặt của bà. Đến gần cây thị già nua bà bật khóc, lấy tay bám vào thân cây đã mốc thếch theo thời gian. Kỉ niệm xưa và quá khứ sống lại trong lòng bà như thước phim quay chậm.
Gánh hát tản cư chạy giặc về tận miền ven biển. Gánh hát nghèo với dăm đào kép rách rưới cũng làm xóm chợ sáng lên trong những ngày tăm tối. Cất đi manh áo cộc bạc màu rách vai bên ngày, họ khoác lên mình tấm áo xanh đỏ và khuôn mặt nhồi phấn thoa son hóa thân vào nhân vật của các tích tuồng cũng làm đắm say người nơi xóm chợ. Trẻ con người lớn chỉ mong tới buổi tối là lại được ra đình làng thả hồn theo nụ cười và tích hát của chiếu chèo. Đào Lan trẻ đẹp là nữ chính của gánh hát. Nàng vào vai Thị Kính nghẹn ngào trong nước mắt, vai Thoại Khanh làm người xem cũng phải bật khóc theo. Có buổi gánh hát soạn tuồng cải lương vở mới khi nàng xuống ca: “Lưu Bình ơi dù gió lạnh tàn canh sương mờ rơi rắc ngõ, dù bếp lạnh tro than không mùi hương lửa nhưng anh chưa thi đỗ thì đôi ta chưa nên vợ nên chồng...” giọng hát thật mùi của câu vọng cổ đổ xuống tiếng vỗ tay rào rào không dứt. Có một người ngồi xem dưới cứ lặng người đi, tim xốn xang vì vẻ thùy mị đoan trang và giọng hát đắm thắm của cô đào Lan. Người đó là cậu Quế con bà Phán giàu có của phố huyện. Quế ngơ ngẩn đắm đuối đến tương tư, rồi một chiều mưa anh ngập ngừng với mẹ:
- Mẹ ơi! Con muốn cưới đào Lan ở gánh hát mới về làng ta làm vợ. Con xin mẹ thuận lòng mà hỏi cưới người ta cho con.
Đang ngồi xếp lại những quân bài tam cúc để chuẩn bị mời các bà bạn vào chiếu chiều nay, bà Phán giật mình ném quân tam cúc xuống chiếu:
- Rõ vô phúc. Con gái trong thiên hạ chết hết rồi hay sao mà con phải bắt mẹ rước cái đám xướng ca vô loài ấy về nhà.
Quế vốn là người hiếu thuận nhưng nghe mẹ nói thế lòng buồn như dao cắt cũng cố vớt vát.
- Mẹ không cho con lấy người ta, thì con bỏ nhà theo hẳn họ cho mà xem.
Bà Phán cười nhạt, nhưng lòng mà đã dấy lên mưu kế: Để xem, con trai bà liệu có thắng nổi bà không? Rước cái ngữ xướng ca vô loài ấy về mà bại hoại gia phong hay sao?
Ây thế mà đùng một cái gánh hát bị đuổi khỏi làng với lí do là một số vở diễn trái với thuần phong. Ông chủ gánh hát ngơ ngác với lệnh trục xuất đó. Thôi thì nghiệp cầm ca trôi nổi ông đành ứa nước mắt giục đào kép xếp quần áo phụ trang nồi niêu bát đũa vào bồ lên đường.
Tháng giêng mưa nặng hạt lạnh bờ vai quang gánh đường xa. Đôi vai gầy của đào Lan như muốn rũ xuống vì gió lạnh. Bàn chân thất thểu bám vào bờ đê trơn như mỡ, lũ trẻ con nhìn theo gánh hát tiếc rẻ buồn buồn. Nàng mệt quá muốn ngất đi vì đêm qua hát khuya sáng lại phải đi sớm, đói lạnh làm cơn đau bụng của nàng tái phát. Mồ hôi đổ túa trên đôi trán thanh tân, Lan gục xuống. Gánh hát xao xác bối rối giữa cơn mưa xuân ngày thêm nặng hạt. Bỗng tiếng chân hối hả và giọng nói từ xa vọng lại:
- Để tôi đỡ cho.
Ông bầu gánh hát quay lại mừng rỡ khi thấy một thanh niên đẹp trai tuấn tú, áo trắng quần tây, đầu đẫm nước mưa đang cúi xuống xốc cô đào Lan lên vai. Đào nương của gánh hát ngất lịm trên bờ vai ấm áp của người thanh niên phố huyện. Bờ đê dài rồi cũng ngắn lại trong bước chân mạnh mẽ của kẻ tình si.
Giờ thì gánh hát thêm một kép mới. Kép Quế đẹp trai luôn sắm vai cùng đào chính của gánh hát. Quế thông minh chỉ mươi bữa mà đã thuộc gần hết các vở tuồng. Ông chủ gánh hát mừng rỡ, khi được kép Quế dúi vào tay chiếc xuyến vàng nhờ ông bán đi sắm sanh phục chế lại quần áo cho vở diễn bắt mắt. Ông còn mừng rỡ hơn khi từ ngày có kép hát đẹp trai giọng ngọt như mía lùi thì người đến xem hát càng đông hơn. “Đầu mày cuối mắt, trai tài gái sắc, ân tình chứa chan. Cũng mong duyên sắt cầm chẳng lạt phai í a...” vở diễn càng đông thì tình của Lan và Quế càng nồng. Có lẽ kiếp này họ sẽ chẳng thể nào thiếu nhau được nữa. Thôi thì cũng là mừng cho cô đào Lan của gánh hát này.
Khi nụ cười đang nở trên môi cũng là lúc bà Phán cay đắng trong lòng. Bà không ngờ đứa con trai duy nhất của bà, thằng đích tôn trưởng tộc họ Phan danh gia vọng tộc của miền duyên hải này sắp đỗ bằng Tú tài đem làm rạng danh dòng họ lại đi phải lòng con đào hát. Nó ăn phải bùa mê thuốc lú gì mà dám bỏ học, bỏ mẹ ở nhà để làm kép hát quẩn quanh bên con hồ ly đó chứ. Thật là điếm nhục gia phong. Càng nghĩ bà càng cay cú và đau xót. Ừ thì vỏ quýt dày có móng tay nhọn, chả lẽ bà đành thua chúng hay sao.
Bà nhờ người đánh tiếng tới nơi mà gánh hát lưu diễn: bà bảo cậu dẫn cô Lan đào hát về nhà. Quế mừng rỡ từ biệt mọi người dẫn người yêu về ra mắt mẹ.
Tháng bảy mưa ngâu. Mưa ướt đầm đôi vai gầy mảnh dẻ của người con gái bước vào ngõ nhà chồng. Hương móng rồng ngan ngát, ngõ thu lạnh mà xa cách ngàn trùng. Run rẩy nàng bước vào thềm, dãy hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng uy nghi. Bà Phán to béo ngồi trên tấm phản khảm chân quỳ sang trọng đang ngước nhìn nàng. Ánh mắt sáng quắc đầy hung quang khiến nàng ớn lạnh:
- Lạy mẹ! Chúng con đã về ạ!
Nhổ toẹt nước cốt trầu vào ống nhổ, đưa đôi bàn tay mập mạp óng ánh nhẫn vàng, bà Phán vuốt môi rồi chép miệng nguýt dâu mới dài một cái mặt lanh tanh:
- Anh chị về ở với nhau cố sống cho tử tế để tôi khỏi phải nhục nhã với họ mạc vì không biết dạy con.
Không đám cưới, không trầu cau. Chỉ là biện một mâm cơm cúng tổ tiên rồi hai kẻ thành vợ thành chồng. Nước mắt Lan đẫm gối, nhưng nàng gượng cười để chồng vui. Đêm khuya lạnh gục vào vai chồng nàng thủ thỉ:
- Chúng mình được về ở với nhau là sung sướng lắm rồi. Giời thương sẽ có ngày mẹ thương em mình ạ! Mình đừng bận lòng nhé! Mình trở về trường cũ học lại đi kẻo mẹ phiền lòng.
Lan vẫn âm thầm sống trong ánh nhìn sắc như dao và lạnh băng của mẹ chồng. Lan gầy rộc đi, đôi mắt thâm quầng mất ngủ vì chồng quay lại trường học. Nàng thường thẫn thờ câm nín và quán xuyến công việc gia đình không một tiếng kêu ca. Da trắng tóc dài, môi đỏ mọng như dâu tây càng khiến bà Phán nhìn nàng với ánh mắt khinh bỉ. Cái ngữ con hát lăn lộn trên chiếu chèo làm sao có thể làm vợ hiền dâu thảo được cơ chứ. Mà thằng con trai bà cứ như ăn phải bùa mê thuốc lú, đi học xa nhà thì không sao nhưng về tới nhà là nó quấn lấy vợ mới gai mắt..
Tháng ba hoa bưởi trắng ngát bên thềm. Lan xõa suối tóc dài mê mải óng mượt vào cái thau đồng chật tóc. Từng gáo nước lá thơm được dội lên mớ tóc đen nhánh, khoe cái ót trắng ngần. Quế mê mẩn ngắm vợ, rồi không đừng được anh tiến lại gần:
- Tóc mình dài quá! Mỗi lần gội thế này vất vả lắm. Ngồi lên ghế đẩu kỉa rồi cúi xuống để anh dội nước cho mà gội... mẹ đi vắng rồi em đừng sợ nhé!
Mùi hương nhu và lá chanh thơm ngát, bàn tay âu yếm dịu dàng của chồng cho Lan cảm giác thật hạnh phúc. Tiếng cười trong trẻo của đôi uyên ương đã làm bà Phán tức điên khi vừa về tới ngõ. Khuôn mặt bừng đỏ bà bước vào buồng khép chặt cửa lại. Một ý nghĩ đen tối đã nảy sinh trong đầu bà, nhất là khi hôm nay bà qua phố huyện gặp con gái người bạn cũ. Cái vẻ giàu sang của con gái nhà thế gia càng khiến bà quyết tâm thực hiện ý đồ đen tối độc ác của mình.
Lan dạo này ốm lắm, chính vì thế chồng nàng lại càng lấy cớ để về nhà. Rón rén nhẹ nhàng đi vào ngõ nhỏ, Quế cố gắng đi thật khẽ muốn dành cho vợ một sự bất ngờ. Quế ngỡ ngàng khi thấy mẹ mình bỏ một gói thuốc bột vào bát cháo rồi quấy đều bưng vào buồng khẽ gọi rất dịu dàng:
- Vợ Quế ơi dậy mà ăn bát cháo gà mẹ vừa nấu cho nhanh khỏi ốm này. Ăn đi cho nóng kẻo nguội cháo mất ngon.
Quế chợt rùng mình khi nghe giọng nói cố tỏ ra dịu dàng của mẹ. Anh chạy vội vào đỡ lấy bát cháo từ tay mẹ mình:
- Mẹ cho con xin, để chút nữa nhà con ăn,
Bà Phán tái mét mặt, giật mạnh bát cháo đổ tung tóe ra mặt đất. Bà lớn tiếng mắng át đi:
- Sao mày không ở lại trường mà học, nay về mai về, chết vì đàn bà là dang dở cả đời con ạ!
Quế cố nuốt nước mắt nhìn theo bóng mẹ bước ra ngoài sân, rồi vội vàng vơ lấy chút cháo vừa đổ giấu vào chỗ khuất. Đến tối Quế liền gọi con chó vện mà cho con chó ăn chút cháo gà đã đổ chiều nay. Trời đất ơi! Không thể nào tin được khi con chó ăn xong liền lăn quay ra sùi bọt mép. Quế lạnh toát cả chân tay sợ hãi, nếu như mình về chậm hôm nay thì anh sẽ mất Lan vĩnh viễn. Đau đớn tột cùng anh gọi mẹ ra nhìn con chó chết bên thềm. Bà Phán cười nhạt và chối bay chối biến. Vì chữ hiếu anh đành cắn răng im lặng, nhưng đêm đó anh cũng phải dặn vợ phòng ngừa sự độc ác của mẹ mình.
Chồng vừa đi hôm trước Lan đã bị mẹ mình đuổi ra khỏi nhà với cái lí do là cô không thể làm vợ Quế mãi được. Dâu mà bà đã kén cho con là con nhà đại gia phố huyện, sẽ cưới xin linh đình trong nay mai, nếu Lan còn bén mảng ở đất này bà quyết cho người hạ thủ.
Sợ hãi và thương đứa con vừa tượng hình Lan liền dứt áo ra đi trong đêm đông lạnh lẽo. Bóng chim tăm cá biền biệt từ đó mà đi.
Quế hốc hác vì ôn thi và lo lắng chuyện nhà. Chỉ sợ mẹ anh hành hạ vợ những ngày anh đi vắng. Thương những đêm khuya Lan héo rũ âu sầu vì thương nhớ chồng. Như sét đánh ngang tai khi anh bước chân vào cái sân gạch rêu phong ủ rủ. Tiếng nói lạnh tanh và ánh mắt thị uy của bà Phán cất lên:
- Con về nhà mà trông. Con đào hát hư hỏng ấy đã bỏ xéo rồi. Khi đi nó còn cuỗm theo hộp nữ trang của mẹ. Con đừng tiếc làm gì loại xướng ca vô loài ấy nữa. Mẹ đã dạm cho con một đám trên phố huyện xinh đẹp và giầu có nhé! Chuẩn bị đi... sang tháng tốt ngày mẹ sẽ triệu tập họ hàng ăn hỏi rồi cưới trước Tết nhé.
Sau lời thông báo lạnh lùng đó, bà Phán cất lên tiếng cười giòn đấy hả hê sung sướng.
Tái xanh đau đớn Quế bàng hoàng như không tin vào sự thật. Trời đất ơi... vợ anh hiền lành dại khờ làm sao dám bỏ nhà cuỗm nữ trang của mẹ chồng bỏ đi đâu cơ chứ. Mẹ ơi! Sao thông báo cho con cái tin này mà mẹ ráo hoảnh như nói chuyện thiên hạ vậy? Giờ này không biết Lan đang phiêu bạt nơi nào? Thân gái dặm trường bóng chim tăm cá biết tìm Lan ở nơi đâu? Mà hình như... Quế lại nhớ tới khuôn mặt xanh xao của vợ cùng với cơn ập ọa úa khan mà anh tái lòng. Có lẽ Lan đã có mang giọt máu của anh rồi cũng lên.
Vật vã trên chiếc giường còn vương hơi ấm của vợ. Quế đau đớn và xót xa thương nhớ Lan. Cả đêm anh không ngủ được. Chuông nhà thờ Quần Phương vừa gióng lên hồi thứ nhất gọi con chiên đi lễ, thì Quế đã bật dậy, lặng lẽ gom vật dụng và xách túi đi ra khỏi ngõ. Tiếng gọi giật của bà Phán đuổi theo anh:
- Mày về nhà ngay cho mẹ. Con ơi là con sao mày ngu và si dại thế này hả con? Mày giết mẹ đi cho xong.
Quế gạt nước mắt:
- Lạy mẹ! Con bất hiếu... xin mẹ cho con đi tìm nhà con... rồi con sẽ về.
Bước chân chạy nhanh qua ngõ vắng Bà Phán ngồi phịch xuống sân gạch òa khóc... bà biết từ nay mình mất con rồi.
Một tháng trời tìm kiếm, Quế đã tìm đến quê cũ của Lan nhưng bặt vô âm tín. Tìm về gánh hát cũ đang phiêu bạt cũng chỉ gặp cái lắc đầu thương cảm của ông bầu chủ gánh hát... chỉ nghe người ta đồn là hình như cô đã theo một chị nữ giao liên vào vùng địch hậu rồi.
Quế buồn bã lo sợ đau đớn tới cuống cuồng, hình bóng người vợ hiền dịu dàng và giọng hát ngọt ngào vẫn đau đáu từng đêm thương nhớ. Cái cảm giác trống vắng khiến anh trào nước mắt khi đêm về. Thương vợ càng khiến anh nung nấu khổ đau. Bà Phán mặc kệ giọt nước mắt khổ đau của con trai, vẫn sắm trầu cau phủ lụa điều và lễ vật sang trọng chuẩn bị đám hỏi vợ cho Quế. Nhưng cái ngày mà cùng họ hàng dẫn lễ đến nhà gái thì chú rể biến mất. Đi tìm khắp nơi nhưng chẳng ai biết Quế đi đâu.
Hai mươi năm sau... có một người thương binh áo lính bạc màu, cánh tay buông thõng khoác ba lô chậm chạp đi về ngõ thị. Bước chân thất thểu như lắng nghe con tim đập mạnh. Nhà xưa vẫn còn đây, mái ngói âm dương rêu mốc, chiếc cột nhà già nua như muốn đổ sụp xuống. Người lính ngơ ngác dõi nhìn sự hoang phế buồn bã của ngôi nhà. Anh chợt mừng rỡ khi thấy người nằm trên giường. Tim anh thắt lại, nước mắt ứa ra môi mấp máy tiến lại gần người nằm trên giường:
- Mẹ ơi... mẹ con về rồi đây.
Đôi mắt đục mờ cố mở ra thảng thốt:
- Ai vậy... anh có biết thằng Quế con tôi không? Tôi nhớ nó lắm… Anh có gặp nó không? Nhớ bảo nó về với tôi nhé!
Tiếng thều thào đứt đoạn của người già khiến anh nghẹn ngào. Đôi bàn tay gày gò của bà Phán nắm vào ống tay áo buông thõng, bà bàng hoàng bừng tỉnh cố ngồi dậy. Nhìn thấy anh bộ đội với những nét thân quen. Đôi bàn tay sờ sẫm khắp khuôn mặt. Rồi bà bật khóc khi nhận ra con bà. Nỗi mừng tủi làm cho nước mắt người già ầng ậc.
Quế đã bỏ nhà bỏ học lên căn cứ, anh mong tìm được Lan của anh. Bao nhiêu lần anh dò hỏi các vùng địch hậu, cũng có người nói cố ấy vào buôn bán vùng địch và xây dựng cơ sở nơi đó. Càng hy vọng kiếm tìm bóng nhạn càng mù xa. Có những lần đơn vị anh hành quân, có văn công phục vụ, nghe giọng nữ nào hát hay anh cũng cố dò hỏi tìm Lan. Nhưng có lẽ do phận số anh vẫn chẳng gặp được cô.
Ngõ nhỏ chiều nay có người năm mươi năm mới trở lại. Người đàn bà đẹp tóc như mây gió cầm tay cho con trai dắt về chốn cũ. Hương trầm vu lan ngan ngát khiến tim bà càng thổn thức nhớ thương. Giàn thiên lý dịu dàng càng khiến bà thao thiết nhớ người xưa. Bà như muốn quỵ xuống lả đi trong vòng tay con trai khi nhìn thấy người đàn ông với một cánh tay buông thõng đang ngơ ngác tiến về phía mình. Ông ngơ ngác, bà òa khóc. Nhìn nét mặt người con trai đang dìu mẹ có những nét thân quen như phiên bản của chính mình. Ông run run khi nghe bà thốt lên:
- Mình ơi... em đem con về đây.
Kết Thúc (END) |
|
|