Năm nay ông Nguyện vừa tròn sáu mươi tuổi. Trông ông còn khoẻ lắm. Ông khoẻ là đúng. Bởi vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ ông có được sung sướng một ngày nào đâu. Lam lũ vất vả, đầu tắt mặt tối gần hết một cuộc đời. Có lẽ vì thế mà ông trời thương tình đã cho ông được hưởng một cái lộc cao quý nhất trên đời.
Đó là sức khoẻ. Nhờ đấy mà ông đã có được một trang trại trồng dứa đẹp như mơ, lọt thỏm trong thung lũng mà ba mặt là một dẫy núi đá vôi được phủ kín bằng thảm xanh của cây rừng. Và cũng nhờ đấy mà ông đã làm lụng bươn chải và sống được để nuôi hai đứa con trai khôn lớn bằng nghề nông truyền thống của gia đình. Cái trang trai ấy rộng hơn hai hecta. Tính ra là hơn sáu mẫu Bắc Bộ kia đấy. Ông nghe người ta kể lại rằng ngày xưa, ông bà nội ông chỉ có gần năm mẫu ruộng tư điền mà đã bị cho là địa chủ. Và rồi hai chữ địa chủ đã đè nặng lên cả cuộc đời của ông cụ thân sinh ra ông. Một con người ham học vào loại bậc nhất trong làng. Đã lăn lội từ Thái Bình vào tận xứ Thanh để đi học. Năm 1954, học hết lớp chín và đã có bằng tốt nghiệp cấp ba của Trường trung học kháng chiến Nguyễn Thượng Hiền nhưng ông cũng không được gọi đi học đại học và cũng không được cất nhắc một công việc gì. Ông về quê lấy vợ để yên tâm làm ruộng. Năm 1965, khi đã có bốn mặt con rồi ông vẫn viết đơn xin đi bộ đội. Sau mười năm chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ ông xuất ngũ và trở về quê tiếp tục gắn bó với ruộng đồng.
Đấy là mấy dòng nói qua về cuộc đời của ông cụ thân sinh ra ông. Còn đối với ông, con trai trưởng có cái tên là Bùi Chí Nguyện thì tuy có vất vẩ đôi chút nhưng an bình hơn nhiều. Ông chỉ được học hết lớp bẩy rồi đi bộ đội nghĩa vụ. Ra quân ông được người bà con thân thiết bên ngoại xin vào làm làm công nhân nuôi trồng cây cà phê của một nông trường lớn nhất miền bắc thời bấy giờ. Cuối năm 1991, tình hình thế giới có sự thay đổi lớn. Thị trường truyền thống nhập khẩu cà phê và dứa đông lạnh của nông trường không còn nữa. Kiểu cách làm ăn theo mô hình kế hoạch hoá dần dần bị đẩy lùi, nông trường bước vào thời kỳ cạnh tranh ác liệt theo cơ chế thị trường. Vài ba năm sau nông trường bắt đầu có chủ trương chia đất để người công nhân thực sự được làm chủ trên chính mảnh đất của mình. Rất nhiều người vì đã gắn bó quá lâu với cách làm ăn của thời bao cấp nên không dám nhận. Ông Nguyện suy nghĩ mãi. Cuối cùng ông cũng liều nhận một hécta dứa vụ một ở thung lũng Đền Dâu này. Nhờ chịu khó lam làm nên hết chu kỳ cây dứa năm ấy, ông thắng lớn. Nhận thấy dứa đúng là một loại cây trồng cứu cánh cho mọi nhà nên ông đã đem giấy tờ nhà đất của mình làm vật thế chấp để vay tiền của quỹ Tín dụng nhân dân. Chính vì thế mà ông đã mua thêm được hơn một hecta đất liền mảnh cho tiện bề chăm sóc. Thế là từ đó cái trang trại ấy đã trở thành niềm vui cho cả cuộc đời của ông. Ông gọi nó là điền trang cho thêm phần phấn khích.
Năm ba mươi tuổi ông lấy vợ rồi lần lượt sinh được hai đứa con trai kháu khỉnh cách nhau chín tuổi. Đang yên đang lành trong sự ấm cúng của một gia đình thì đùng một cái, vợ ông đột ngột qua đời vì căn bệnh nhồi máu cơ tim khi tuổi đời còn quá trẻ. Ông đau đớn như chết lặng đi, nhưng rồi ông cũng tự động viên là phải can đảm lên để mà sống, để mà nuôi hai đứa con trai còn đang thơ dại. Ông dồn hết sức lực để làm sao cho các con của ông được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng thật buồn là chúng không có năng khiếu học tập. Cả hai không vượt qua được kỳ thi vào lớp mười của Trường trung học phổ thông. Không học lên được thì phải học nghề. Rồi lần lượt, cũng cách nhau chín năm, đứa trước học xây dựng, đứa sau học cây trồng. Còn ông thì vẫn mạnh khoẻ để đảm đang được cộng việc rất vất vả nhưng mà vui ở điền trang của mình. Nhưng, lại một chữ nhưng nữa rồi. Cách nay chừng năm năm, có một lần đi ngoài ra máu, ông liền đi khám ở bệnh viện và được các thầy thuốc cho biết là ông đã mắc chứng bệnh ung thư đại tràng. Hơn một năm trời qua hai lần đại phẫu và nhiều lần truyền hoá chất mãi tận Đức Giang - Hà Nội, rồi như có một điều kỳ diệu đã giúp ông đã vượt qua tất cả. Bây giờ thì trời đã cho ông được sống và cho ông một thể lực dồi dào không thua gì thời trai trẻ.
Cho đến năm nay, cũng lại là năm nay nữa, gia đình ông có chuyện đại sự, nhưng là chuyện vui. Thằng con trai cả của ông nó đòi cưới vợ. Thật tình thì ông muốn có chuyện vui này từ lâu rồi, từ khi biết nó có người yêu kia, nhưng rồi mọi chuyện cứ im bặt. Nó yêu từ khi cô bé ấy đang học lớp mười một, còn nó đang là thợ nề trong tốp người xây dựng ngôi nhà hai tầng của chính gia đình cô bé. Hai đứa ấy cứ yêu nhau, cứ gắn bó nhau như hình với bóng nhưng không dẫn đến hôn nhân được. Bởi vì cô bé ấy thì cứ đi học những bốn năm ở Hà Nôi. Ra trường cũng lại làm việc ở Hà Nội. Và gia đình cô bé nghe đâu cũng lại không muốn cho hai đứa ấy lấy nhau. Biết chuyện, ông Nguyện và những người thân thích trong gia đình đều khuyền nhủ nó, nếu không về được với nhau thì mạnh dạn cắt đứt đi, việc gì phải đeo đuổi phải đợi chờ mãi thế. Nhưng nó cứ để ngoài tai. Rồi trong một buổi tối đẹp trời trăng sao vằng vặc, nó nói với bố bằng cả một đoạn văn đã được chuẩn bị từ trước:
- Bố ạ. Gia đình bên nhà Yến (là tên của cô bé ấy) đã vui vẻ và đồng ý để chúng con đi lại với nhau. Yến không làm ở Hà Nội nữa và đã xin được việc ở gần nhà rồi. Lát nữa Yến sẽ đến nhà ta để thăm bố. Bố giúp con chu toàn các thủ tục để chúng con làm được đám cưới ngay trong năm sửu này. Đám cưới ngày có dịch nên đơn giản thôi, không tốn kém lắm đâu bố ạ.
Nghe thằng con trai nói được những lời như thế, ông Nguyện vui như mở cờ trong bụng. Ông vui vì nó đã thực sự là người lớn rồi, chứ không còn thờ ơ vô tình như ông nghĩ nữa. Ông vui vì nó giống ông. Chân thành chung thuỷ trong tình yêu như một câu thơ của ai đó “Yêu ai thì bảo rằng yêu/ Ghét ai thì bảo rằng ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu”. Ông suy tính một phút rồi nói với con:
- Bố chúc mừng anh vì đã có quyết định đúng đắn. Bố sẽ làm tất cả để đám cưới của anh chu toàn không để ai chê cười được. Theo bố thì anh chị nên ra phường đăng ký kết hôn trước. Bố sẽ bố trí cho hai gia đình thăm nhà nhau để bàn bạc thống nhất. Đến khi hết dịch sẽ chính thức tổ chức đám cưới cũng phải phép thôi con ạ. Bố tin là dư luận sẽ thông cảm mà ủng hộ bố con ta.
- Bố cứ làm theo suy nghĩ của bố. Chúng con đồng ý.
Nói xong được câu ấy, thằng con trai Bùi Đức Thắng của ông với khuôn mặt rạng rỡ đi nhanh ra ngoài. Một lúc sau, người yêu của nó bước vào:
- Cháu chào bác.
- Chào lại đi. - Cùng lúc đó Thắng đã đứng ở đằng sau nhắc nhẹ - Chào bố chứ. - Rồi hai đứa lại đấm nhẹ vào lưng của nhau trong tiếng cười khúc khích.
- Từ Hà Nội về con có phải đi cách ly không. - Ông hỏi chân tình.
- Con đã cách ly nửa tháng ở Nho Quan. Đã tiêm vắc xin đủ hai liều rồi bố ạ. Chiều nay hết hạn được về là con sang thăm bố ngay.
Niềm vui hạnh phúc bỗng trào dâng trong lòng. Lần đầu tiên ông cảm thấy hơn mười năm vò võ nuôi con một mình đã trở nên ý nghĩa lớn lao. Và cũng là lần đầu tiên ông cảm thấy quyết định ở vậy nuôi con của ông là đúng đắn. Ông không hổ thẹn với chính mình. Ông đưa tay lên gạt nhẹ những giọt nước mắt cứ tự nhiên lăn trên đôi gò má đã bắt đầu có nếp nhăn nho nhỏ.
- Bố ạ. Trước khi cưới chúng con có một nguyện vọng và cũng là một ước mơ. - Thắng ngập ngừng nhìn ông như để thăm dò.
- Có nguyện vọng gì anh chị cứ nói. Đừng ngại.
- Chúng con muốn có một ngôi nhà để được ở riêng. Con biết việc này không dễ dàng gì với hoàn cảnh nhà ta nhưng nó lại là xu hướng chung của các gia đình hiện thời. Con mong bố suy nghĩ để cùng chúng con thực hiện được ước mơ này.
Đề nghị ấy của Thắng không phải là đột ngột nhưng đã làm cho ông ngỡ ngàng đôi chút. Bởi vì đó là một nguyện vọng đúng và là một trào lưu khá phổ biến ở thành phố này. Khi nói về đạo đức người ta thường đề cao hiện tượng tam đại tứ đại đồng đường, nhưng khi có con trai con gái dựng vợ gả chồng thì nhà nào nhà ấy đều lập tức xây ngay nhà mới cho các con được ở riêng. Rồi đến khi có cháu ra đời thì có đôi vợ chồng nào tự mình nuôi con được đâu mà phải nhờ ông bà chăm nom bế ẫm. Ý kiến của Thắng nói ra lúc này là chính đáng đòi hỏi các bậc làm cha làm mẹ như ông phải tìm ra lời giải đáp. Nhưng ông làm gì có tiền có tài sản để mua đất và làm nhà mới, ngoài cái trang trại kia. Chả lẽ phải bán nó đi à. Không thể được. Bởi vì nó là cuộc sống của ông, là nguồn vui của ông, là của để dành cho các con các cháu của ông. Biết đâu sau này có đứa làm ăn không được thì đã có đất. Chỉ cần rắc vài hạt ngô, dâm vài ba dây khoai lang xuống đất là chúng đã sống được rồi. Suy nghĩ hồi lâu, nhớ ra là phải trả lời để các con yên tâm, ông chậm rãi:
- Đây là một việc lớn trong đời, ai cũng phải trải qua. Anh chị cứ yên tâm để bố suy nghĩ đã nhé.
- Vâng. Con biết làm được việc này là khó. Con cũng đã suy nghĩ đủ đường rồi. Chỉ còn một cách duy nhất để nhà ta có đủ tiền để làm nhà thôi bố ạ.
- Cách gì. - Ông Nguyện sửng sốt.
- Bán đất ở quê.
- Không được. Anh có biết không. Đấy là mảnh đất thiêng, là chốn cội nguồn để gia đình ta, để các thế hệ sau của bố còn đi về mỗi khi nhớ về quê cha đất tổ. Là tài sản của tổ tiên ông bà để lại. Bán đất hương hoả là phạm vào tội bất hiếu đấy. Các anh còn trẻ nên chưa biết việc này đâu.
- Bố ơi. Đất nhà ta ở quê rộng lắm, những hơn hai sào kia. Chỉ cần bán đi một trăm mét vuông là đủ. Bố đã lập nghiệp ở vùng đất Tam Điệp này gần bốn mươi năm rồi. Chúng con cũng vậy, không đứa nào về quê đâu. Bố không thể để bà nội ở một mình mãi trong cái cơ ngơi rộng lớn ấy được. Đã đến lúc bố phải đón bà vào trong này.
Thấy con nói có phần nào đúng với suy nghĩ của mình, ông Nguyện dịu lại:
- Anh đã nói vậy thì để bố về quê một chuyến xem sao.
- Bao giờ bố về.
- Ngày mai.
Chuyên đi ấy của ông Nguyện thật đặc biệt. Mang theo tờ giấy chứng nhận đã tiêm đủ hai liều vắc xin ngừa Covid và hai lần test nhanh ở đầu cầu Non Nước và Tân Đệ, ông an tâm về quê để vấn an mẹ già và thăm bà con thân thích nội ngoại. Kể từ tết Tân Sửu đến giờ, hôm nay ông mới có dịp về thăm quê nên khi thấy mẹ khoẻ mạnh, đi lại thoăn thoắt như con sóc, ông vui lắm. Có lẽ vì đánh tiếng ngay khi về đến đầu làng nên tối hôm ấy cụ Lãm trưởng tộc họ Bùi của làng Thông đã vào thăm mẹ con ông. Sau một tuần nước chè ngon, cụ trưởng tộc vào đề ngay:
- Nghe nói anh sắp làm nhà cưới vợ cho con trai, bác mừng lắm. Bác đến để chúc mừng anh.
- Cảm ơn bác đã có lời mừng. Tiện đây cháu muốn trình bày với bác luôn. Ở trong chúng cháu nhà nào cũng vậy đã cưới vợ cho con là phải làm nhà cho chúng nó ở riêng. Gia đình cháu cũng bị cuốn theo phong trào ấy nên không thể nào làm khác được, nhưng cháu lại không có đủ tiền để mua đất làm nhà cho con. Cháu muốn bán một ít đất bác ạ. Bác thấy thế nào.
Được nghe đứa cháu của dòng họ nói những lời tâm huyết, cụ Lâm thấy nghèn nghẹn ở trong cổ họng. Cụ không thể nào nói ra những ngôn từ cứng rắn mang tính áp đặt của một vị cao tuổi được trọng vọng trong dòng tộc. Cụ đã lựa lời nói nhẹ, ấm áp, và chân tình với đứa cháu đã lớn tuổi của mình:
- Anh Nguyện à. Việc bán đất là chuyện đại sự, là quyền của gia đình anh. Tôi chỉ muốn anh suy nghĩ cho thật thấu đáo để rồi có quyết định đúng đắn. Từ xưa đến nay cả làng ta ai cũng biết cơ ngơi này là của các bậc tiền bối nhiều đời ở cành Bính truyền lại cho gia đình anh. Họ Bùi ta ở làng Thông này to lắm, có những bốn cành là Giáp Ất Bính Đinh. Trước kia họ Bùi cũng có ngôi từ đường bề thế lắm, nhưng trong một trận càn đầu năm 1951, quân Pháp đã đánh mìn cho sụp đổ hoàn toàn. Những năm sáu mươi, hợp tác xã toàn xã lại mở một con đường lên đê nên đất từ đường cũng không còn nữa. Cách đây hai mươi năm, có lẽ anh đã biết, phong trào xây từ đường của các dòng họ lên cao. Một số vị vừa có tâm vừa có tầm trong họ ta có ý định đầu tư khôi phục lại ngôi từ đường họ Bùi. Trong một lần họp mặt các bô lão ở đình làng, được sự gợi ý, động viên, khích lệ của mọi người, ông cụ thân sinh của anh đã đồng ý để họ tộc xây dựng, đại tu, mở rộng căn nhà thờ của cành Bính thành ngôi từ đường chung của họ Bùi.
Nói đến đây cụ Lãm dừng lại, nhấm nháp một chén trà rồi lấy từ trong chiếc cặp da một xấp giấy tờ:
- Đây là những văn bản bác đã làm khi đại tu ngôi từ đường, trong đó có di bút và chữ ký của ông cụ thân sinh anh, có dấu đỏ chứng kiến của xã và của huyện. Gọi là từ đường nhưng bà con anh em họ hàng trong dòng tộc chỉ có mặt đông đủ để cúng tế và ăn cỗ trong những ngày giỗ họ. Những cuộc gặp mặt như thế thường là vui lắm anh ạ. Còn việc trông nom, thắp hương tư rằm mồng một đều do mẹ anh quán xuyến cả. Dòng họ luôn ghi nhận và cám ơn tấm lòng thơm thảo của gia đình anh.
Nhìn thấy tập giấy tờ trên tay cụ Lãm, ông Nguyện vội thưa:
- Cháu trân trọng những ý kiến mà bố mẹ cháu đã ghi trong văn bản này. Cháu đã biết rồi. Đang lúc túng bấn cháu chỉ muốn bán đi một ít thôi bác ạ. Đất hai bên ngôi từ đường còn rộng lắm. Có được không bác.
- Anh đã hỏi thì tôi, một ông già đã gần đất xa giời xin khuyên anh một câu. Anh đừng giận mà tội nghiệp cho tôi.
- Bác cứ nói. Cháu xin nghe mà.
- Anh suy nghĩ lại đi. Tôi biết anh và các con anh đều là người tử tế, quan hệ rộng nên anh sẽ tìm được phương án mua đất làm nhà cho con thôi. Anh có thể xây dựng một ngôi nhà thật hoành tráng thật to ngay trên mảnh đất này rồi cho một đứa con trai về định cư ở quê cha đất tổ là tốt nhất. Chứ đừng nên bán đất của tổ tiên ông bà anh ạ. Nhãn tiền đấy. Ở làng ta có những người vì quẫn bách tạm thời mà phải bán đất hương hoả của tổ tiên đi đều gặp bất hạnh cả. Có những gia đình mặc dầu sống rất tử tế, làm ăn siêng năng tần tảo nhưng không thể nào sáng sủa được nữa. Có những gia đình gặp hết tai nạn này đến tai nạn khác mà không thể nào giải thích được.
Tiễn cụ trưởng tộc đã gần chín mươi tuổi về nhà, cả đêm hôm ấy ông cứ trằn trọc không thể nào chợp mắt được. Lời khuyên của cụ Lãm không phải là mới, nhưng hôm nay giữa đêm khuya thanh vắng ở trong nhà của cha mẹ và cũng là ngôi từ đường của dòng tộc, tự nhiên ông thấy nó thiêng liêng vô cùng. Là một người đã từng trải ông không thể nào vô tư và thờ ơ để nhắm mắt cho qua. Tuy chỉ mới sáu mươi nhưng ông đã chứng kiến một vài chuyện như cụ Lãm kể rồi. Ở trong ông, một số gia đình có thổ đất rộng, không phải là đất của ông bà tổ tiên để lại mà là đất của nông trường cấp, là đất trời cho như bọn trẻ nói đã bán đi để tiêu dùng thì hầu hết đều gặp những chuyện chẳng lành. Những người có học thì nói đó là tài sản không có lao động quá khứ, bán đi để mua đất mới thì được, chứ để ăn tiêu cho thoải mái thì thật là tai bay vạ gió.
Phân vân rồi suy nghĩ cả đêm, đến sáng hôm sau, ông mời mẹ ngồi vào bàn rồi thưa chuyện:
- Chắc mẹ đã nghe hết câu chuyện giữa con và bác Lãm đêm qua. Con sẽ nghe lời bác trưởng tộc mẹ ạ. Con sẽ không bán đất nữa. Ngày mai về nhà con sẽ cho nâng cấp căn nhà đang ở, xây thêm tầng hai, sửa sang lại cho khang trang rồi cưới vợ cho thằng cả. Con và thằng em sẽ vào trong điền trang của con. Điền trang của con đẹp lắm. Chỉ cách đường Một có năm trăm mét, cách nhà có ba cây số thôi. Ở đó đã có một căn nhà cấp bốn. Ở đó con đã trồng được hơn một trăm cây xoan. Cuối năm nay con sẽ làm một ngôi nhà toàn bằng gỗ xoan theo kiểu truyền thống, tiền bẩy hậu kẻ, chồng giường, tư hàng xà. Con và các cháu sẽ đón mẹ vào ở với chúng con. Mẹ ừ đi cho con vui lòng.
- Trẻ cậy cha, già cậy con. Mẹ đồng ý. Dưng mà anh đã hỏi ý kiến hai thằng cháu đích tôn của mẹ chưa.
- Đêm qua con đã nói chuyện với hai cháu qua điện thoại rồi. Chúng nó đều tán thành cả. Đặc biệt là thằng em. Nó bảo vào điền trang mà xây dựng cơ nghiệp lâu dài là ước mơ của nó từ lâu rồi. Chính vì thế mà nó mới theo học ngành trồng trọt đấy mẹ ạ.
Kết Thúc (END) |
|
|