Tiếng mõ dồn thúc. Sân chùa ắng lặng không một cọng lá cạo vào gờ gạch. Đêm ba mươi sao cứ trắng nhờ, dớp dính thế không biết? Cang lẩm nhẩm và bước đi như con chồn đất. Luồn lách, vừa ngạo nghệ, vụng trộm mà không che được sự phấn khích, khoái lạc. Bóng hắn loang loáng, len trong tiếng mõ, lấp giữa những khoảng sáng tối của vô khối vệt nến nhà bái đường hắt ra. Lúc trước, hắn đã qua được tam quan. Cửa chùa hôm nay không chặt tràng then đứng. Hai con chó Vá và Nu chạy thụt vào hậu điện khi thấy bóng hắn.
Nam mô a di đà phật!
Nam mô a di đà phật!
Hơi thở Cang nóng hôi hổi. Hắn không dừng lại, miết người qua khe hở cánh cửa bức bàn gian bái đường. Ánh nến lờ mờ. Cang ngợp đi khi thấy tấm lưng của sư thầy Đàm Thái. Đêm nay sư thầy không tụng kinh ở gian chính điện? Cang chồm lên như một con báo gấm. Hắn không cần nhìn gì trên kia. Các pho tượng nhà bái đường, cả ở gian chính điện vẫn cứ yên phắc, an nhiên nhòm xuống.
- Nam mô a di đà phật! Nếu thí chủ còn chút thiện lương, xin hãy dừng lại. Hậu đường đã chuẩn bị rượu vang và đồ nhắm, mời thí chủ và không tiễn. Sau nữa, bần tăng sẽ chẳng bao giờ tha thứ nếu thí chủ bước lên tam cấp điện!
Hắn nghe rõ mồn một, nhưng không hề đọng lại bởi hình ảnh thân thể nõn nà của sư thầy Đàm Thái ở tư gia chiều nay cứ hiện ra lồ lộ khiến hắn không ngừng nảy sinh ý nghĩ quái gở trong cái đầu đặc quánh mưu mô và dục vọng…
Hắn lao vào tiếng mõ.
Tiếng mõ cuộn dồn.
Tiếng mõ tắt lịm.
Các ngọn nến cũng tắt lịm.
Không gian đông xắn. Thế giới cảm xúc và thế giới vật chất vò nhục, lẫn lộn, tan rữa. Đầu óc Cang bỗng nhẹ bẫng. Mồ hôi hắn túa ra nhớp nháp. Cảm giác thân thể lúc này như được cấu tạo bằng một hoạt chất sền sệt. Mọi cử động dường được lập trình, bản năng... Và khi bàn chân hắn sắp chạm vào tam cấp điện thì bất ngờ các ánh nến ở hai bên, cả trên biệt ngà bừng sáng choang. Tám cánh cửa bức bàn gian tiền điện bật tung. Một sức mạnh không rõ từ đâu nặng như bão ngầm, trong suôn suốt hất Cang văng ra ngoài, cách đến mươi mét. Tuyệt nhiên, cơ thể hắn chẳng hề hấn gì. Rơi nhẹ như chiếc lá. Phải đến vài khắc Cang mới định thần lại được. Lúc đó, cảm giác xâm chiếm toàn não bộ hắn là sự hoảng loạn, thất vọng, tan loãng. Cang đứng dậy, đi giật lùi ra chỗ đậu xe. Trước khi rồ ga phóng qua tam quan, hắn còn ngoái lại gian tiền đường nơi sư thầy Đàm Thái vẫn đang ngồi yên phắc.
Dưới nhà tăng đường, sư bác Đàm Tư bện người trên chiếc tràng kỷ, nước mắt ròng ròng. Có cả máu lẫn trong nước mắt của sư bác Đàm Tư. Tiếng mõ tụng kinh trên nhà bái đường thì vẫn lúc ngắt, lúc dồn, lúc lại cuồn cuộn như thác đổ.
Trời sáng tự bao giờ.
Từng vệt sương lạnh đầm đìa gờ giếng Ngọc.
Các phật tử đến chùa Phúc Tảo cầu kinh sớm, ngạc nhiên cửa chùa hôm nay sao đóng im ỉm. Ngó nhìn vào, mọi người thấy sư bác Đàm Tư đang ngồi thất thần giữa sân chùa như được vài ngày rồi.
Cũng từ hôm đó, không ai còn trông thấy sư thầy Đàm Thái lên điện nhang đèn nữa.
*
* *
Chùa Phúc Tảo kiến trúc kiểu chữ Đinh, có đủ bái đường, chính điện, hậu điện, nhưng đất xung quanh chùa lại hẹp. Mé trong tam quan tràn chục khuôn gạch, là sân chính. Ở giữa tọa cây lựu già. Chạm bên là chiếc giếng đất trông như một cái ao. Qua giếng, bước rệ ngay vào tiền điện. Ngách điện tả hữu là hành lang rộng khoảng hai mét, nơi dành cho các đệ tử chuẩn bị cơm chay, nhang đèn các kỳ thuế ngọa đản sinh, tu tập trong năm. Kế đến là gian nhà ngang, đầu hồi là hai phòng nghỉ của sư thầy Đàm Thái, sư bác Đàm Tư. Sân trong kín đáo bởi bờ ruối rậm rịt. An ninh của ngôi chùa phụ thuộc hoàn toàn vào hai con chó Vá và Nu. Mảnh sân trước thường khi là nơi sư thầy Đàm Thái, sư bác Đàm Tư chuẩn bị các đồ hành lễ. Chùa tồn tại cả trăm năm nay thế mà không hiểu sao tháng trước lại có tờ giấy báo, huyện mở con đường cạnh khu quy hoạch Tộ Cam. Không biết đầu kia, đi tới đâu. Theo chú dẫn, con đường sẽ xén vẹt mảnh vườn phía đông chùa. Mà suốt cả năm nay rồi, sư thầy Đàm Thái đôn đáo khắp nơi muốn xin thêm vạt đất rộng hơn một sào, định bụng dựng căn nhà năm gian hai chái làm nơi tá túc, nuôi dưỡng hai mươi tám đứa trẻ sắp được đưa về sau những chuyến sư thầy đi xa cứu rỗi. Xuân thu nhị kỳ, việc gửi đơn cứ như ném gió vào gió. Chẳng biết địa chính xã Linh Sở tháng trước có mang đơn lên địa chính huyện thật không, và địa chính huyện có đẩy đơn sang phòng văn hóa bởi lý do liên quan đến chùa chiền, tín ngưỡng. Số phận lá đơn giờ lậm lụi ở đâu hay mấy người chức việc giấu, không nói nó đã thành giấy gói xôi cho lũ trẻ con trường tiểu học Ngò. Sư thầy Đàm Thái nhiều đêm thức trắng, suy ngẫm. Căn nhà năm gian muốn mọc lên nhà chùa phải giữ được vạt đất phía đông và nếu con đường kẻ thẳng thì nửa dãy nhà ngang hiện tại sẽ nằm trong chỉ giới, nói gì đến việc xin đất, dựng nhà mới cho lũ trẻ nữa.
- Hy vọng tắt ngấm rồi thầy ạ. - Sư bác Đàm Tư cúi đầu thưa.
Sư thầy Đàm Thái yên phắc, chôn chân, thực ra sư thầy không dám nhìn sâu vào mắt sư bác Đàm Tư. Bàn tay sư thầy cứ vò vò, dạt cả vạt áo tràng đang mặc. Nhìn vẻ mặt buồn nản và dáng ngồi đoan khoán của sư thầy Đàm Thái, sư bác Đàm Tư thoắt rùng mình. Sư bác đã mường tượng mồn một điều ghê gớm đang vật vã trong lòng thầy mình!
*
* *
Ngày Cang nhận quyết định lên công tác ở Ban Địa chính huyện trong tình trạng say ói cả dạ dày ra đằng miệng. Chân nam đá chân chiêu, đường chính chẳng đi, hắn lội tắt ba cánh ruộng, lôi cả cóc ngóe, đỉa đói về nhà. Ấp tờ quyết định vào bụng, suốt đêm mắt hắn cứ trợn trừng, chốc chốc lại rú vài tiếng khiến cái Se, cái Lượn tưởng bố rồ nặng. Tâm trạng như hoa mướp nở, hắn khăn gói tay nải lên treo chân thúc thủ ở gian nhà tập thể rộng tuyếnh toáng trong cơ quan huyện. Buồn nẫu ruột. Hết giờ, cả khu nhà vắng như nghĩa địa. Nhưng ron bụng, điều khoái là hắn đã trở thành anh công chức, cũng mỗi tuần một lượt, cũng xe pháo như ai bon về Hư Tuần thăm vợ, thăm con. Đầu tháng lĩnh lương. “Đưa vài đồng cho tôi, lại cầm mấy cân gạo, bắt đi con gà. Quá tội”. Vợ hắn mắng yêu hắn thế. Thời gian rót xuống dần dà. Không rõ can cớ đâu, cán mốc hai năm lên huyện công tác, Cang được cất nhắc chức Phó ban Kinh tài, chuyên thẩm định, đề xuất việc thêm nới, quy hoạch đất đai. Hắn lại cười như nghê, lại thục mạng phóng xe về Hư Tuần khoe vợ. Công việc Ban Kinh tài bận rộn, nhưng có đồng ra đồng vào nhờ quà cáp, cám ơn cám huệ từ những giấy tờ văn bản hắn thực thi. Cang nhặt nhạnh. Mỗi khi dự án về, huyện mở mới đường điện nông thôn, xây dăm cái trạm bơm dưới xã… có lúc hắn chẳng thèm ngó ngàng tới lương. Ngày tháng sáu âm, nóng như kho người. Cang sồng sộc về vợ. “Ối giời, kinh”. Bà Đậu, bán đậu phụ đầu làng và lũ choai choai rỗi việc, lác cả mắt khi thấy hắn cưỡi xe tay ga, bên trên chở cái tivi có chuôi, kèm chiếc máy nghe nói có thể lọc nước ao thành nước tinh khiết. Uống luôn. Ba đồng ăn một, bốn đồng ăn hai. Nhà Cang tiêu chậm, tiền tích cóp lại có dịp thêm thêm. Nửa năm sau, vợ hắn trông bánh tẻ, đỏ da, hàm răng như đỡ vổ, mà độ rày, mụ hay diện nguyên cây tím Huế. Mông thì nhúng nha nhúng nhính.
Mọi chuyện đang khuôn, đột nhiên không ai trông thấy Cang đến huyện làm việc nữa. Hắn mất tăm, bí hiểm. Vài người tọc mạch cố tìm hiểu nguyên do, cuối cùng cũng chỉ phong thanh Cang dính kỷ luật, bị buộc thôi việc vì đánh bạc... Rời huyện nửa năm, mọi người lần nữa lại tròn mắt chứng kiến Cang tậu miếng đất ba sào sát thị trấn Ngò, xây ngay ngôi nhà bốn tầng, trộn Á, trộn Âu, có sân, vườn, mấy chục ô cửa thụt thò, ốp gỗ, tường vách búa xua trong ngoài. Thợ thuyền thi công mộc, ngõa, đúng một năm hai tháng mới xong. Cang phất nhanh, căn cớ cũng từ chuyện “tự dưng” có người tới cửa nhà nhờ hắn đứng tên bán ngôi biệt thự thời Pháp trên thành phố - giúp bà cô họ. Như than hoa gặp lửa, Cang ngược xuôi giấy tờ thủ tục hơn tháng trời, rốt ráo, ngôi nhà bán được. Cũng kín hở từ cái mồm vổ mụ vợ Cang... Thực ra, hắn đã lừa dẹo vợ chồng “bà cô họ” định cư ở nước ngoài, lừa luôn cả người “tự nhiên” nhờ hắn. Cang nuốt phần nửa số tiền bán ngôi biệt thự. Một đồn hai, hai đồn bốn, chuyện loang khắp thị trấn Ngò. Cang hểnh mặt “Việc nhà tao, chúng mày thối mồm à. Muốn chết không?!” Lời đồn tắt tịt, chỉ còn những ánh mắt xa xôi, ganh tị. Bây giờ, Cang có cơm ăn chọn món, có thời gian biểu khi uống từng loại rượu và hắn thay két đựng tiền to hơn để ở tầng ba. Điều đáng nói là hắn không còn công tác ở huyện nhưng việc đất đai cấp đổi, dựng nhà, xin mở trạm bán xăng, gặp khó khăn, mọi người hay rỉ tai nhau: “Bẩu chó đá”- cái tên húy của Cang, không biết tự bao giờ. Xong luôn. “Việc”, dù có lệch chuyên môn chính là “đất” như chuyển trường, cho con cái du học… vẫn chạy băng. Lạ, Cang cũng chỉ đường đi nước bước như người khác.
Tháng Ba cậm cạch kéo rê cái lạnh sang tháng Tư âm. Năm nay trời độc. Mối làm ăn về nhiều, đầu óc Cang càng minh mẫn và ma mãnh. “Nhất dạ sinh bách kế”. Chiêu trò kiếm tiền xuất hiện đa dạng trong các phi vụ hắn “giơ tay giúp người”. Của nả lại lần lần vào nhà hắn như gió hút ở hành lang. Dạo này, tính khí Cang chuyển lạnh lùng, khô khẳng, như rào tre mùa nóng ấy. Ngày lúc dài, lúc ngắn. Tháng năm nhìn lại ngại như bắt đầu sòng cái ao to. Hắn than thở, thèm đận thảnh thơi kiêu bạc lái máy cày trên cánh đồng Hư Tuần. Thèm húp bát cháo gà đêm thoảng mùi ruộng, mùi cào cào châu chấu trộn tiếng mèo hoang quện rắn trên bãi tha ma rợm bóng cây đa nơi chị Nhậng xóm Quắt thất tình ra treo cổ tự tử. “Sao ngày trước ở huyện, bố cái hĩm không cố làm kiếm tí chế độ?” - Vợ hắn thỉnh thoảng lại thẽ thọt. Cang gãi mũi: “Chẳng thiết chung bàn với lũ đái không qua ngọn xà lách”. Nghe chồng buông, thị vợ choàng choạc cười, như muốn quăng bỏ hàm răng bàn cuốc ra ngoài. Giờ, Cang béo lắm, ra vóc dáng. Tiếp xúc, người ta không nhớ giọng nói, hình dạng, tuổi tác hắn ra sao nhưng lại như in khuôn mặt. Từ cánh mũi thâm xịt trở xuống, lúc nào cũng ngọ nguậy, nhấp nháy liên hồi. Còn nửa mặt phía bên trên tịch mịch, âm âm, đông như sáp.
Chùa Phúc Tảo nằm trong địa hạt đất đai Cang quản lý trước kia, cũng là nơi duy nhất hắn thường qua lại nhang đèn, xin khấn. Đầu năm dâng lễ, cuối năm trả lộc, quan chức trong huyện rập rình đền chùa các chốn, Cang tuyệt nhiên không tham gia. Một phần hắn chẳng tin chuyện lễ lạt, cầu may, phần đã nhiều năm nay rồi Cang nảy nòi tơ tưởng tấm lưng vị sư trẻ trụ trì chùa Phúc Tảo. Cang ước ao được gặp, rồi bắn tin sẽ giúp kinh phí để mở mang chùa, thế mà sư thầy cứ chùng chình tránh mặt. Càng như vậy, Cang càng vấn vương, vọng tưởng. Những buổi đi lễ chùa về, Cang thường lẩn mẩn vào ra, chẳng thiết làm việc gì. Cang vẫn kiên trì chờ cơ hội để tiếp cận sư thầy Đàm Thái, bởi từ lâu lắm rồi, hắn luôn tâm niệm, sự được, thường khi chỉ đơn giản là chờ đợi.
*
* *
“Nó nên người một phần cũng do xởi lởi thôi”.
Ở đâu lại có tiếng chim “chóp bóp” ban ngày, rơi trên đám lá rụng cợm góc hành lang văn phòng ủy ban hành chính huyện. Từng cơn gió hầm hập đưa mấy câu rỉ rả đàm tiếu ở khe cửa màu vàng dội vào tai sư bác Đàm Tư đang ngồi yên phắc chờ đến lượt mình vào hầu chuyện. Sắc mặt vị sư thoáng biến đổi. “Lại là người đàn ông ấy”.
… Đấy là câu cửa miệng xuýt xoa của lão phó chủ tịch thị trấn Ngò mỗi bận ai đó nhắc đến Cang.
“Ô, hình như lão ta có họ xa với hắn”.
“Cua cắn một cây. Đến cha mẹ, nó còn chẳng biết là ai, sao thõi anh em”.
“Chắc xưa bè nhau vụ đất nền ở Nhồn, công ty bao bì Singapore về xin, nên xúng xính thành anh thành em vậy”.
Ai lạ lẫm, ngoác mồm, chưa rõ Cang, cái lão phó chủ tịch thị trấn lại phát một mạch, như là chuyện nằm lòng, chuyện trong nhà:
- Còn phải nói. Có ông trên tỉnh, nửa đời bỗng sinh thú chơi gỗ lũa, nghe đồn thằng “Chó đá” sở hữu bộ lũa rồng chằn nước, nguyên thủy. Trước, nó cạy cục tận miền Trung tuyển từ vũng gỗ rừng vùi lấp cả trăm năm rữa thành lũa “độc”. Ông ta đánh tiếng mua, Cang bán rẻ. Mà ban đầu Cang đâu biết. Ân nghĩa làm ăn, lúc lấy lũa, giá như bèo. Sau, nghe cao thủ Hà Nội về chơi, mách con rồng chằn nước giá bạc tỷ. Hô hô, Cang ngã ngửa. Rồi đôi chim câu đang nuôi trong chiếc chuồng đại, trưng ở sảnh nhà ông chủ tịch huyện, cũng do chú ấy tầm từ vài con nhập tận Úc. Cho luôn. Mấy chục triệu, đáng gì.
Lần nào kể xong, lão cũng ôm mồm cười khùng khục.
Trời chuyển mây đen vần vũ. Từng bụm nắng biến đi đâu mất. Dưới nền gạch xỉn ẩn hiện những bóng mờ sáng tối. Mọi người đã xong việc về hết. Sư bác Đàm Tư vẫn ngồi yên, không còn muốn nhúc nhắc bước vào gặp những người chức việc để hỏi về lá đơn. Tâm trạng sư bác lúc này tựa như người chuẩn bị muối dưa lại tuột tay làm vỡ mất cái vại. Không có lẽ vạt đất nhà chùa định xin, hay chuyện to tát mở con đường cái lại phụ thuộc một người, nệ vào những điều hỷ nộ ái ố nhảm nhí mà hắn nghĩ ra. Nhà sư rùng mình lần nữa, xong, quén vạt áo tràng, đứng dậy, lầm lũi đi ra cổng cơ quan huyện.
Một buổi chiều sau tết Đoan ngọ, khi những giọi nắng vàng nhạt vảy váng sân chùa, sư thầy Đàm Thái tay cầm tờ đơn cất bước đưa chân đến tư gia người đàn ông có khuôn mặt chữ “Do”- trên thuôn dưới bạnh, có giọng nói khàn khàn. Mùng một, ngày rằm ông ta thường vãng chùa Phúc Tảo dâng lễ.
*
* *
Cang chấm bút lên tờ đơn sư thầy Đàm Thái vừa mang đến.
Chiếc bút đổ nghiêng.
Mắt hắn lim dim.
“Con đường Khánh Hạ đội đít chùa Phúc Tảo sẽ rẽ xéo. Khu quy hoạch Tộ Cam có nảy một cái từ mé phải đường sang mé trái, sẽ định đoạt vào buổi chiều nay!”. Cang thảnh thang ngả người lên chiếc ghế giường, khoét từ gỗ nguyên khối. Gió quất hàng ngói ống trên mái nhà, réo ồ ồ. Đúng quá. Hắn “duyệt quy hoạch” mà! “Đám đất rộng mấy chục héc ta ấy ăn theo, lấy đường làm chuẩn, còn con đường sẽ ngật ngưỡng bởi ngòi bút của ta chứ đâu phải ông Phồn phụ trách đất đai, kinh tài huyện!”- Cang lẩm nhẩm rồi ngoắc tay ra hiệu cho sư thầy Đàm Thái đang chờ ngoài đại sảnh, bước vào gần.
Đó là thời khắc buổi chiều vàng như mật. Cái ngày mặt trời không còn sức lực nấu bầu trời. Chút dư thừa nắng cuối mùa chỉ làm ráng chiều hừng lên vàng vọt. Cang nheo mắt, ngửa cổ dốc ngược chai vang Sauvigon. Loại rượu chiết từ giống nho Cebernet Sauvignon thượng thặng chỉ trồng được ở thung lũng rượu vang Maipo nổi tiếng của Chilê. Cũng lạ, con người lấm láp như hắn lại có cái thú xài duy nhất thứ nước đậm đặc biểu cảm, cân bằng thoảng mùi thảo mộc quện vani. Và tất cả dư vị phải lưu ủ hàng năm trong loại thùng làm bằng gỗ sồi. Vòm họng Cang chai lỳ, sần sùi. Có lẽ chỉ nhờ thứ hương Sauvignon tuyệt diệu này mới mong dịu.
… Hắn khoan khoái chiếu ánh mắt ra và thấy quang cảnh ngoài kia như đang rơi ngược lại, đọng trong veo trên vạt áo tràng rách tướp của sư thầy Đàm Thái. Vạt áo bị Cang dứt buột thảm hại. Tấm thân trinh trắng của sư thầy bỗng chốc bị bàn tay xám ngoắt, cái miệng thâm xịt và mỏng quẹt chuyên ăn thứ hiếm, nói lời khéo của hắn gầu gò, mườm trượp, cầy tróc. Một giờ dài như thế kỷ. Sư thầy thả lỏng tịnh uất toàn thân thể. Mọi dày vò thi gan cùng với các giác quan lao về bĩ cực, hạn giới của sự chịu đựng...
Sư thầy Đàm Thái bâng khuâng đứng dậy, ấp vạt áo tràng rách tướp, bước vào vòng tay của sư bác Đàm Tư, không rõ ai khiền, đứng chờ tự bao giờ trước gian phòng dựng toàn thứ gỗ thơm, phủ màu cánh gián.
*
* *
Sư thầy Đàm Thái bỏ ra đi thấm thoát ba năm rồi.
Ngôi nhà nhiều ô cửa thụt thò cạnh thị trấn Ngò nghe đồn chủ nhân cũng đi rồi. Đi tỉnh khác, hay ra nước ngoài, chẳng ai chắc. Có người kể, một lần thoáng thấy Cang trên tivi nói nói cười cười gì ở sân buổi lễ khởi công nhà phục hồi chức năng một bệnh viện tâm thần. Vẫn nửa mặt phía bên trên không động đậy.
Con đường mới mở được khánh thành nhưng thưa vắng người đi; khu quy hoạch Tộ Cam dựng lên chiếc cổng to như ngôi nhà bốn tầng, hiềm là bên trong mọc toàn cỏ xanh tuôn. Vạt đất giống lá cờ đuôi nheo hình thành khi con đường rẽ hướng nay bỏ hoang bởi trong cuộc họp làng Linh Sở có người nói đó là giọt đất huyệt, xấu, không thể dựng nhà cho các cháu. Bốn hộ dân phía Tây chùa tự nguyện hiến hai sào đất đủ để sư bác Đàm Tư cất căn nhà rộng rãi đón mấy chục đứa trẻ con về ở. Mà bây giờ là hai chín đứa.
Mỗi bận nhìn miếng đất hình đuôi nheo sư bác Đàm Tư lại rùng mình. Đất đâu có tội. Chỉ có con người làm điều ác. Hai mươi chín đứa trẻ cuối cùng vẫn yên ổn trú ngụ bởi các tín đồ làng Linh Sở. Ngày ngày nghe tiếng trẻ con bi bô ở sân chùa và cứ mỗi đêm cuối tháng khi gió cuộn từ vạt đất hoang vun vút, nhà sư lại lật bật sai chú tiểu, cổng ngõ chặt tràng
Tháng 4 năm 2014
Kết Thúc (END) |
|
|