1.
Năm 20 tuổi, cha bắt cô lấy chồng, sau khi đã để cho cô tùy ý lựa chọn mà vẫn không tìm được người trong mộng. Dù ông rất thương con gái mình, nhưng ông vẫn tâm niệm câu con gái có thì. Cùng tuổi với cô, có người đã vài mặt con. Cô kiên quyết không chịu, bởi với cô, thà không lấy chồng còn hơn lấy người mình không yêu. Tuổi trẻ thường mơ mộng, mẫu hình của cô lại không có trong đời thực. Bạch mã hoàng tử ngày ấy một là sang du học ở trời Tây, hai là đang thả hồn theo nàng tiên nâu để trốn đi cái thực tại phũ phàng.
Cha cô không chấp nhận việc con mình cãi lại ý, đem cô gả cho một thanh niên làm nghề mò cua bắt ốc. Ngay khi biết tin, cô vùng vằng dọa sẽ bỏ đi biệt xứ. Cha cô không nói không rằng, đẩy cô vào phòng rồi khóa cửa lại, mặc cho cô đập cửa thét gào.
Ngày dạm ngõ, cô khóc như mưa, khi thấy chàng trai ấy thấp hơn mình, lưng lại hơi còng, chỉ có đôi mắt là to tròn đen láy. Trước khi về, chàng trai gõ cửa phòng cô, cất tiếng chào nhè nhẹ, tôi về đây. Đợi chàng trai về hẳn, cô lén kéo khe cửa ra nhìn. Chàng trai đặt một cành nhãn trước cửa, thứ hoa quả mà cô thích ăn nhất. Cô kéo chùm nhãn vào, ăn cho đỡ khát nước sau khi đã khóc như mưa. Vả lại, giận là giận, còn nhãn thì chẳng tội gì không ăn cả.
Mẹ cô bảo thôi con ạ, phận gái mười hai bến nước, may nhờ rủi chịu. Cô gật đầu trong im lặng, vờ như đồng ý. Bởi cô không dám trái lời cha, khi ông đã ấn định ngày cưới ngay khi nhà trai sang dạm ngõ chỉ với cơi trầu vườn nhà. Mẹ cô thở dài, sao ông lại gả con cho nơi nghèo túng thế cơ chứ. Cha cô nghiêm mặt, ý tôi đã quyết thì đừng ai ngăn cản, trước kia gả con cho nơi sang giàu cũng không chịu, thì giờ chấp nhận số phận đi, đừng oán trách.
Đêm tân hôn, cô thắp nến rồi bảo chồng:
- Mình ạ. Tôi không có tình cảm với mình, nhưng tôi không muốn làm cha mẹ bẽ mặt. Nên từ ngày mai, tôi sẽ lên chùa ở. Cứ để ít lâu, rồi mình đi lấy vợ khác, mọi tiếng xấu cứ đổ hết cho tôi.
Chồng cô ngồi yên, không nói gì. Chỉ dặn, cố giữ gìn sức khoẻ.
Sáng sớm hôm sau, cô lẻn đi, sau khi đã đặt ít nữ trang dưới hộc tủ, để chồng cô có chút vốn mà sống tạm những ngày đầu tiên xa cô.
Nghe chuyện của cô, ni sư chỉ khẽ thở dài, rồi sai bà vãi dọn phòng cho cô. Chùa này trước kia cha cô cũng đóng góp ít nhiều công đức, nên đuổi cô đi cũng không đành mọi nhẽ. Ni sư chỉ bảo, con còn nhiều nợ trần, nên không vội xuống tóc, cứ ở đây tĩnh tâm ít ngày rồi về với đời. Cô bảo, con đã quyết chí tu hành. Ni sư cười, con ơi, tu ở đâu chẳng được. Đêm ở chùa tĩnh lặng, cô ngủ rất say, dù đã quyết phải nghĩ cho vẹn mọi bề, để vẻ ngoài tỏ ra sầu thảm để mong ni sư làm lễ xuống tóc cho mình.
Ngày hôm sau, cô lấy dao, ra cái ao nhỏ trong khuôn viên chùa, tự tay xuống tóc. Mặc cho con dao thái thịt không đúng chức năng làm dao cạo ấy gây ra cho cô vài vết thương nhỏ, rỉ máu. Cô lấy thuốc lào rịt vào, khẽ cười, tự nhủ có lẽ kiếp trước mình là người tu hành không chừng.
Nhìn thấy cô quấn khăn, ni sư chỉ biết thở dài. Cô xin ni sư giao việc, vì ở không mãi cũng chán. Ni sư bảo, con cứ ở đây, nhà chùa có gì ăn nấy, bây giờ tâm con đang động, làm việc gì cũng hỏng. Cô bảo, vậy để con quét sân chùa. Ni sư bảo, từ hôm qua đã có người công đức việc ấy. Cô hỏi là ai vậy. Ni sư chỉ cười.
Buổi sáng, cô dậy thật sớm, ngắm hoa cỏ chìm trong sương. Lúc sương bắt đầu tan, cô thấy một bóng người thấp đậm, hơi còng, quẩy quang gánh đi lên, vừa đi vừa khe khẽ hát, giọng thì ngang không thể tả, đã thế lại khê nồng.
Rừng trập trùng
Ôi ôi cao
Ôi ôi sâu
Ôi làng nước ơi bao nhiêu thanh niên đánh nhau cũng vì rừng trập trùng…
Suýt chút nữa cô đã phá lên cười, may mà kìm lại được. Người mà cha mẹ gả cô cho cần mẫn đặt bộ giỏ hom xuống, cầm lấy chổi, quét đều từng nhát. Những chiếc lá cây khô không bay lên cao mà chỉ dịch chuyển từng bước, đủ để tạo ra tiếng khe khẽ. Đoạn rồi người ấy vun lá lại, chất vào giỏ. Rồi người ấy đi ra bụi hoa, nhặt từng chiếc lá sâu, nhẹ nhàng và khoan thai.
Cô lùi lại vào trong khi thấy ni sư bước ra.
- Thôi con ạ. Cứ về đi, bao giờ vợ con bình tĩnh lại cô sẽ khuyên bảo. Chứ con làm thế này tội quá - Ni sư âu yếm nhìn người ấy.
- Sáng nào con chẳng đi đánh giậm từ nửa đêm, tiện chân con qua đây thôi. Với lại, nhà con ở đây nhờ lộc chùa, thì con coi ni sư như mẹ. Ni sư cứ để con trọn đạo. À, con có ít hoa quả vườn nhà, lát nữa nhờ ni sư làm cách nào đó dụ vợ con ăn, đừng nói là của con kẻo cô ấy lại nổi đóa.
Nói xong, chẳng chờ ni sư gật đầu hay không, người ấy xách đồ lên vai, quay đầu bước đi. Trong phòng, cô khóc. Như chưa bao giờ được khóc.
Ni sư bảo, thôi con ạ, chồng con tuy hình thức thì không bằng ai nhưng tốt bụng. Con hãy yêu lấy tấm lòng của người ta. Lại bảo, tâm sinh tướng, sau này con về, chồng con chắc sẽ đẹp dần lên. Cô vùng vằng, ý ni sư là ngăm ngăm da trâu nhìn lâu thấy đẹp chứ gì. Ni sư bảo cũng có ý đấy con ạ, cổ nhân đã nói thì không sai đâu. Chẳng hạn đời Đường bên Trung Quốc, phụ nữ đẹp là phải béo tròn như cối xay cơ mà.
Gần một năm sau, khi tóc đã mọc trở lại, cô theo chồng về nhà. Không phải cô còn cấn cá gì, mà bởi, cô muốn được chiều chuộng nhiều hơn nữa. Bởi sau đó, là hàng ngàn việc không tên đang đợi cô, như bao năm nay chúng vẫn chờ cơ hội mà trèo lên vai người phụ nữ của làng quê Bắc Bộ.
Ngày cô lên chùa, căn nhà tranh chỉ có ba gian. Ngày cô về, căn nhà đã thêm hai gian bên. Vẫn mái gianh nhưng không còn tường đất, mà thay vào đó là tường tre đan. Ngoài sân giăng đầy những bụi hoa. Lại có cây ớt, cây chanh đua mình trong nắng.
Chồng cô bảo:
- Thôi mình ạ, số kiếp đã buộc ta vào với nhau, thì sống cho trọn. Tôi lấy được mình là phúc của tổ tông, nên mình cứ an tâm là như thế. Cứ ở nhà, lo vườn tược, rồi sinh con cho tôi. Mình quen sung sướng, lấy tôi chắc sẽ khổ. Nhưng một khi tôi còn ở trên đời, tôi sẽ lo cho mình.
Cô lúng túng:
- Để em đi thổi cơm.
- Việc đó mình làm không tốt bằng tôi đâu, cứ để tôi. Tôi mồ côi cha từ nhỏ, lớn lên lại mồ côi mẹ, nên việc gì tôi chẳng hay.
Một loáng sau, chồng cô dọn cơm lên. Cô xới cơm ra, khói bay nghi ngút. Hạt cơm dẻo mà không dính vào nhau, nở hết cỡ. Đĩa cá kho thơm phức mùi riềng, mùi của lá chè, lại đậm đà. Cọng rau muống luộc xanh mướt. Bát cà pháo quả nào quả nấy tròn căng, trắng lóa.
Chồng cô lấy đôi đũa cái gắp cá vào bát cô:
- Mình ăn thử đi. Tôi kho từ đêm đến sáng, chắc giờ đã rục xương.
Cô xắn một miếng nhỏ đưa lên. Miếng cá trắm chắc nịch, để được thế này chắc chồng cô phải kho cả chục tiếng chứ không ít hơn. Cô không biết kho cá, do trước khi lấy chồng chỉ học thêu thùa, cầm kì thi họa. Vả lại, có người ăn kẻ ở trong nhà, nên cô chỉ việc làm một tiểu thư đã khiến cha cô hài lòng lắm rồi. Cô chỉ nghe chị bếp nói, khi kho cá, người ta sẽ đặt nồi cá lên, bên cạnh là siêu nước sôi để liu riu. Bao giờ nước trong nồi kho gần cạn lại đổ nước sôi vào, cứ thế chừng chục siêu nước là được. Miếng cá kho lâu sẽ chắc lại, còn xương cá thì đến mức xương dăm gần như tan ra, trong khi xương sống thì mềm.
- Tôi ăn cá kho lại chỉ thích ăn da và xương. Thật. Xương cá mềm, nhai sần sật rất là thống khoái.
Mãi sau này, cô mới biết là hàng vạn người may ra mới có một người thích ăn xương cá hơn ăn thịt cá. Mà người đó chắc chắn không phải chồng cô.
Ít lâu sau, chồng cô bảo:
- Tôi không muốn giấu mình chuyện này, vì đằng nào mình cũng phải biết. Lâu nay, tôi đi làm cách mạng. Cha mình là cấp trên của tôi. Cha còn dặn, đừng nói trước cho mình biết, mà hãy để mình thương tôi thật tình đã. Trước khi cưới, cha mình bảo tôi là cố sinh cho cha nhiều cháu, vì có thể, cách mạng sẽ còn dài. Đời mình không được thì đến đời con mình, cháu mình phải giành lấy độc lập. Người Pháp họ coi mình có khác gì con vật đâu.
Lúc này cô mới vỡ lẽ. Không nói nhiều, cô kéo chồng vào giường, bởi chậm ngày nào là mất đi ngày đó ở trên đời.
2.
Chồng bà cứ đi đi về về, mỗi lần về là bà sinh thêm một người con. Mà không hiểu do ý chí thế nào mà tịnh không có mụn con gái nào. Lúc này, bà đã thành một nông dân đúng nghĩa, không việc gì là không biết. Chỉ có điều, bà vẫn không biết nấu ăn. Đôi lúc bà tự nhủ, giá như ông đừng đỡ chiều bà hơn thì có lẽ các con không phải ăn uống như thể chỉ để qua ngày như thế.
Sau tiếp quản Thủ đô chừng ít tháng, chồng bà về. Ông bảo:
- Tôi cũng xong việc rồi, giờ về hẳn với mình. Sau này, việc thống nhất đất nước là của các con. Mình yên tâm, nước mình năm nào cũng vậy, cứ hòa bình là được mùa. Tôi nhìn con trăng thì biết, năm tới nghề đánh giậm của tôi không thể không khá.
Bà nhìn cái giỏ hom của ông rồi hỏi:
- Sao lại đan thưa thế này hả mình?
- Đan thưa là để con nào bé thì thoát ra được mình ạ. Nghề nào cũng vậy, cứ tận diệt là đời sau chẳng có mà ăn.
Năm ấy con nước lên cao rồi rút cũng nhanh. Chồng bà bắt được cơ man là cá, đem đổi gạo. Buồng chứa thóc của nhà không còn chỗ, đến mức ông phải mang gửi nhờ nhà hàng xóm. Người khác thấy ông đánh được, cũng mang lưới ra đánh. Họ ra cả cái mương gần đồn Pháp cũ mà bủa lưới. Biết tin, ông chạy ra cản. Gần đến nơi, vướng mìn cũ của quân Pháp còn cài lại. Cuối cùng, người liều thì không chết mà chết người biết.
Bà trân trối nhìn xác chồng nằm trên mặt nước. Hình ảnh đó ám ảnh bà mãi về sau. Mỗi lần thắp hương chồng, bà luôn để xương và da cá lên đĩa, và khóc một người đánh giậm luôn nhường phần ngon cho vợ con. Người con cả bảo, từ nay, con sẽ ăn xương và da cá, như truyền thống của gia đình ta, để sau này các thế hệ sau phải học được tính nhường nhịn. Bà bảo, thôi bây giờ cũng khá hơn rồi, con chẳng cần phải làm như thế. Người con cả ôm mặt khóc, bởi đến lúc biết thương cha thì cha không còn trên đời nữa.
Mấy năm sau, chiến sự bắt đầu căng thẳng. Bà bảo người con trai cả:
- Con lên đường đi, ở nhà đã có mẹ và các em. Bao giờ hết bom đạn thì về. Mẹ để dành cho con vuông đất bên nhà ông bà ngoại, phần của mẹ. Chỗ đất đó tốt, sau này con về trồng hoa lên hoa trồng liễu tốt liễu.
Người con cả bảo:
- Hay để con cưới vợ cho mẹ có con dâu cháu nội ở nhà cho nhà ấm cúng?
- Mẹ nói không là không - Bà lạnh lùng trả lời.
Người con cả thấy gờn gợn trong lòng. Mẹ mình vốn yêu trẻ, tại sao lại không đồng ý. Chắc cũng không phải cảnh nghèo, bởi thời chiến, có mấy ai là giàu có đâu, cùng lắm là đủ ăn. Mọi thứ đều phải san sẻ cho chiến trường.
- Cô ấy cũng thông cảm cho hoàn cảnh nhà mình mà mẹ. Lại rất thương mẹ.
- Mẹ biết con bé đó. Thôi được rồi, lẽ ra mẹ không muốn nói, nhưng cũng nên nói một lần cho con hiểu. Mẹ góa bụa thế này cũng vất vả lắm rồi, sao mẹ để người khác phải như mẹ. Con cứ đi đi, sau này về thì lấy nhau. Có lời hẹn, con cũng có thêm quyết tâm. Nhưng nếu sau này con bé ấy không chờ được con, thì cũng đừng trách nó.
Người con cả lặng thinh, chỉ khẽ gật đầu. Hôm sau sang nhà người yêu để từ giã. Bà len lén đi theo. Khi hai người chia tay ở đầu làng, bà khẽ thở dài ngao ngán, thầm trách con trai mình sao không mạnh mẽ lên một chút. Chỉ cần có thế, sau này bà sẽ sang tận nơi xin con xin cháu. Nói thì nói vậy để sau này rủi có bề gì đỡ áy náy, nhưng sao lại không muốn có con có cháu cơ chứ. Nhìn mặt con bé đỏ hồng lên dưới ánh trăng, nhìn ánh mắt đầy trách móc ấy, bà chỉ muốn túm cố con trai mình bạt tai cho vài cái. Sao nó vẫn nhút nhát như cha nó thế cơ chứ, chẳng hiểu gì lẽ đời lẽ yêu cả. Con gái nhà người ta một khi mặt đỏ hồng mà không phải do thổi lửa làm bếp thì phải hiểu là muốn gì chứ. Phí cả công bà kể cho con câu chuyện về hai vợ chồng nhà kia, lúc ham muốn thì người con gái phải đỏ mặt lên làm hiệu. Một hôm cô vợ làm bếp nhân ngày giỗ, lúc lên nhà thấy mặt đỏ chồng tức quá quát sao nhè lúc giỗ mà đòi là làm sao.
Trước khi người con cả lên đường, bà bảo con ra trồng một bụi hoa, để mỗi ngày bà ngắm hoa cho nguôi nỗi nhớ. Cây cối hoa lá luôn mang hồn vía của người trồng, nếu hoa tươi tốt thì mẹ biết là ở chiến trường con vẫn bình yên. Người con cả cao lớn, ít nói lẳng lặng ra vườn trồng một đóa mẫu đơn. Ngày người con trai cả lên đường, bà ra tiễn với nụ cười sảng khoái. Để đến đêm, bà lại chong đèn khóc một mình. Rồi ra sân khấn cho con mình bình an trở về.
Hai năm sau, bà lại giục người con thứ lên đường. Chủ tịch xã là cháu họ bảo, bà ơi cứ để em nó ở nhà, sau này sẽ gọi sau. Bà bảo, đàn ông thời chiến ở nhà nó hèn người đi. Chủ tịch xã cười, bà không phải nói xóc, năm sau cháu cũng lên đường thôi. Bà thanh minh, ấy dà mỗi người một việc mà, không có bác ai lo việc hậu phương. Người con thứ trồng một bụi cúc vạn thọ, với mong muốn mẹ già sẽ sống lâu cùng với thời gian. Bà cười bảo, mẹ chẳng cần sống lâu, chỉ cần sống ngày nào vui với các con ngày ấy là đủ.
Ba năm sau, người con thứ đào ngũ trở về, lấy lí do là lo cho mẹ già và em thơ. Địa phương nể trọng bà, không bắt đeo biển “Ai cũng như tôi thì mất nước”. Về được vài tháng thì bắt bà lấy vợ và chia đất cho. Bà chỉ tay vào mặt người con thứ mà rằng:
- Mày lấy cớ là mày hèn nhát mẹ không nói. Nhưng từ lúc đẻ mày ra đến giờ, mẹ có cần mày chăm lo gì đâu mà mày nói thế. Con ơi, mỗi lời nói nó đều vận vào người đó con ơi.
Người con áp út không chịu nổi cảnh có anh đào ngũ, xin đi bộ đội khi đang học dở lớp 10. Bà bảo:
- Nhà mình mọi người đều thường thường, chỉ có con là thông minh nhất. Thực lòng mẹ không muốn con đi chút nào cả. Nhưng mẹ không cản con đâu. Chỉ cần con luôn nghĩ là sẽ về với mẹ để mỗi tối đọc truyện cho mẹ nghe, là thể nào con cũng trở về.
Người con thứ vốn lãng mạn, trồng cho bà một bụi hoa hồng, nữ hoàng của các loài hoa. Bà cười bảo, ngày xưa mẹ cũng đẹp lắm, lấy phải bố con người ở nhà đầu đã ra đến chợ. Người con thứ bảo, chẳng lẽ con lại trồng hoa nhài. Bà cười, cha bố anh, chỉ được cái nói vui là không ai bằng. Lại kể, ngày trước cũng có người ác ý nói mẹ thế, mẹ mới bảo, hoa sống được là nhờ những thứ đó đấy, lại nói, ông ấy xấu mà được tôi yêu thì phải có cái gì đó hơn người đấy.
Mấy tháng sau ngày người con áp út lên đường, người cháu họ bà về thăm. Người cháu trở về sau khi chỉ còn một tay và một chân. Bà hỏi, anh có gặp em nó lên đường dạo nọ không. Người cháu bảo, con không gặp được, nhưng nghe nói em nó vào bộ đội chủ lực, lúc làm lễ xuất quân cũng là lễ truy điệu của cả đơn vị, một đi không hẹn ngày trở lại. Bà xây xẩm mặt mày, khiến người cháu phải nói nhẹ đi, dì ơi bọn cháu trước cũng thế, đời bộ đội mà, tinh thần không lên cao thì sao mà ra trận được.
Tiễn người cháu về, ngay lập tức bà chống gậy sang nhà người con thứ. Thấy bà sang, vợ chồng người con thứ lao ra sân đón. Lâu lắm rồi, bà không sang chơi, dù thi thoảng bà vẫn sang thăm hàng xóm của con mình.
- Thằng khốn nạn! Vì mày mà em mày phải lao vào hòn tên mũi đạn mày biết chưa. Nhục nhã cho tôi chưa, đẻ ra thằng con đào ngũ.
Hai vợ chồng người con thứ lùi dần vào trong nhà, trốn vào trong buồng. Cũng không dám đóng cửa lại, vì có đóng thì tiếng của bà vẫn dội vào trong nhà, mà không dội vào trong nhà thì cũng đủ để dội vào người họ. Đứa cháu nội mới lên hai òa khóc. Bà xông vào, bế đứa cháu vào lòng, vừa nựng cháu vừa ru:
À ơi
Mấy đời bánh đúc có xương à ơi
Mấy đời giặc cướp à ơi… có thương dân mình…
À ơ ở ơi…
Đứa cháu nội nhoẻn miệng cười, rồi ngủ trong lòng bà, mặt trắng hồng hào, chòm tóc lơ thơ đung đưa trong gió.
- Bà ơi để con đưa cháu vào - Con dâu bà ấp úng.
- Để đó mẹ ru cháu - Bà thầm thì - Trẻ con lớn lên lúc ngủ con ạ.
- Con xin lỗi mẹ - Cô con dâu nói mà mắt âng ấng nước - Lỗi là do con. Chính những lá thư của con khiến anh ấy về.
- Con có lỗi gì đâu. Con đã cho mẹ một đứa cháu xinh đẹp thế này. Lỗi là ở mẹ không dạy con mình chu đáo thôi con.
Bà nói xong mới nhìn vào trong nhà. Căn nhà trống hoác, chỉ có bộ chõng tre và một chiếc hòm gỗ xoan đã ngả màu. Lúc lấy nhau, bà giận nên không cho vợ chồng một chút gì là có. Họ cũng chẳng dám đến xin bà, bởi biết tính bà một khi đã giận là không ai có thể nói được gì.
- Ngày mai con sang sớm đi, sang sớm mới không ai biết. Mẹ mới bán được ít xoan, mẹ đưa cho mà sắm sửa.
Cô con dâu gật đầu, ôm lấy mặt.
Ít lâu sau, người con trai út xin lên đường. Chủ tịch xã, lúc này đã là người khác, trẻ hơn, lại là thương binh, bảo bà:
- Con để chú ấy ở nhà bà nhé. Chứ ai lại để bà một mình thế này.
- Cứ để em nó đi con ạ - Bà bình thản - Ở nhà mợ tự lo được. Không kinh qua trận mạc, sao mà lớn khôn được hả con.
Người con út tính tình thực tế hơn, không trồng hoa mà trồng cho bà một cây na dai. Người con út bảo, con nhẹ vía với cây ăn quả, chứ con trồng hoa thì chẳng bao giờ nở. Mẹ cứ yên tâm, chúng ta có thua ai bao giờ đâu, khi nào con về cây ra quả là vừa. Bà bảo, con nói thế thì mẹ chẳng còn gì phải lo nữa. Người con út bảo, bom đạn nó biết tránh con mà mẹ.
Người con út đi rồi, chỉ còn mình bà trong căn nhà gianh năm gian. Đêm nào cũng thế, bà thắp hương xin cho các con trở về bình an. Sáng ra, bà tưới cây, tưới hoa. Cứ thấy cây và hoa không trụi lá, không ngả màu bà mới hết âu lo.
Hai năm sau, giấy báo tử của người con áp út, người mà bà đặt nhiều hi vọng nhất, được gửi về địa phương. Bà ngồi giữa nhà, khóc nấc lên từng hồi. Chủ tịch xã, người thương binh cùng tất cả không ai nói câu gì, xếp thành hàng, đặt giấy báo tử lên bàn thờ, thắp hương, rồi cúi đầu nghẹn ngào:
- Mợ ơi, sao em lại đi thế mợ ơi. Em còn bảo con là sẽ về để cùng con đi thả diều cơ mà.
Bà nhìn ra sân:
- Mợ vẫn thấy em ở đây mà con. Kìa con nhìn xem, em đang rung bụi hoa kia kìa.
Chủ tịch xã nhìn về phía tay bà chỉ, hốt hoảng:
- Mợ ơi, bụi hoa phía này cơ mà.
Chủ tịch xã nhìn bà. Mắt bà đỏ au, rồi trắng dần.
- Mợ chóng mặt quá. Sao đã đêm rồi hả con.
- Mợ ơi - Chủ tịch xã oà lên - Sao mắt mợ lại thế này. Bây giờ là ban ngày mà mợ.
Chủ tịch xã ôm chặt lấy bà. Mấy năm nay, chủ tịch xã vẫn thường phải làm như vậy, kể từ ngày mẹ mình cũng ngất lên ngất xuống khi nghe tin người con cả mãi mãi không về.
- Thôi các con về đi, mợ tự lo được - Bà phẩy tay.
Biết tính bà, chủ tịch xã làm hiệu cho mọi người dậm chân làm bộ đi về, rồi khẽ đặt cây gậy cạnh chỗ bà ngồi. Sao mà có thể về được lúc này, khi bà chỉ có một mình trong căn nhà lâu rồi gần như không còn tiếng cười, không còn sinh khí.
Bà đứng dậy, lấy tay lần cây gậy, rồi đứng lên. Bà lảo đảo. Chủ tịch xã kịp đỡ bà.
Người con thứ lao vào, quỳ xuống ôm lấy chân bà:
- Mẹ ơi, mẹ đánh chết con đi. Vì con mà em mất rồi. Con không về thì em có phải đi chiến trường đâu.
- Có phải vì con đâu - Bà nấc lên - Con cũng là con của mẹ mà.
3.
Rồi bà cũng quen với việc chỉ nhìn thấy lờ mờ mọi vật. Sáng nào, bà cũng ra tưới bụi hoa hồng trước tiên, bụi hoa mà trước khi người con áp út ra đi, đã ngắt lấy một bông cho vào áo ngực. Cậu học sinh lớp 10 ngày ấy, khi lên xe còn khe khẽ hát, còn cười tươi bảo bà là khi con về chắc chắn sẽ đưa mẹ đi chơi khắp nơi. Cậu học sinh ngày ấy mấy ngày trước khi đi, còn đun một nồi nước bồ kết lá bưởi để gội đầu cho bà, vừa gội vừa tinh nghịch bảo sao mẹ không để tóc như ngày về lại với cha con. Bà cười mắng, chỉ được thế là nhanh, trước kia mẹ cũng định như thế, nhưng cha con bảo, việc gì phải đọa đày thân mình như thế, mình cứ để tóc cho đẹp, tôi thích nhìn tóc mình bay trong gió. Cậu học sinh lại bảo, thế mà mẹ chê cha con là sao. Bà bảo, thì mẹ thấy cha con vừa lùn vừa xấu, có biết đâu cha con lại được như thế. Lại cười bảo, ông ngoại con đã chọn thì đâu có thể sai được.
Một sáng đẹp trời, bà thấy gió thổi mạnh mà lại không phải bão về. Bà kê ghế ra ngồi trước bụi hoa hồng. Đứa cháu con người con thứ thấy vậy, cũng đi ra theo để hóng chuyện. Thường là những lúc thế này bà hay kể chuyện cổ tích. Câu chuyện của bà luôn dài hơn câu chuyện của người khác, không hiểu tại sao. Chẳng hạn khi bà kể về Thạch Sanh, thì bà kể rất kĩ bố Thạch Sanh tên là Thạch Nghĩa đã nói ra sao, rồi Lý Thông lúc gặp Thạch Sanh mặc áo màu gì quần màu gì.
Đứa cháu con người con thứ bảo bà:
- Để con ngồi bên bà cho mát nhé.
- Con ngồi đây, bà kể cho con nghe. Bụi hoa này là chú con trồng trước khi đi, nên con có thấy lúc nào nó cũng nở hoa không. Chú con không muốn bà buồn, nên hiện về hóa thành những bông hoa đó con ạ. Thỉnh thoảng con nói chuyện với hoa nhé. Con phải nói con là cháu của chú thì chú mới biết, chú sẽ phù hộ cho con học giỏi, khỏe mạnh.
- Bà ơi có phải trước khi chết chú đã giết được hàng trăm quân địch không ạ? - Đứa cháu tò mò.
- Bà không biết. Chỉ biết chú con là anh hùng.
- Con chỉ muốn cha con cũng anh hùng như chú - Đứa cháu buồn rầu.
Nó muốn ở nhà bà cũng là vì lẽ chỉ ở đây nó mới tránh được ánh mắt của làng xóm. Mỗi lúc nó đi qua đâu đó, người ta lại xì xào, cha nó đào ngũ. Ở với bà thì không ai dám nói gì.
- Cha con không phải là anh hùng đánh giặc, nhưng vẫn là cha của con - Bà bình thản giải thích - Vì cha con luôn chăm lo cho mẹ con con thật chu đáo. Sau này không bao giờ con được trách cha nghe chưa.
Đứa cháu gật đầu.
- Bà ơi, khi nào con lớn con sẽ đi trả thù cho chú.
Bà cố nén tiếng thở dài, ôm cháu vào lòng:
- Con lớn lên thì sẽ hòa bình.
- Thật không hả bà?
Bà chưa đáp ngay. Từ ngày đứa bé sang ở với bà thường xuyên, mỗi khi trả lời cháu, bà thường phải nghĩ một lúc. Có khi, bà phải khất sang hôm sau. Trẻ con mà, mỗi lời nói đều như mực vẽ lên giấy, đâu có thể phai mờ. Bà không chắc chiến tranh bao giờ kết thúc, chỉ mơ hồ thấy sẽ không còn kéo dài được nữa. Nhiều năm quá rồi, con người làm sao mà chịu nổi. Ngày trước, cha bà kể, có những thời kì chiến tranh dài đến mức cỏ ngoài đồng còn không có thời gian mọc do ngựa xéo nát thường xuyên.
- Con có thấy bà nói dối con điều gì chưa. Bà dạy con thế nào?
- Bà dạy là mình nói dối sẽ luôn bị người ta lừa lọc. Mình nói thật thì đất khô cũng nở hoa - Đứa cháu ngây thơ đáp, đôi mắt trong trẻo nhìn bà như nhìn bà tiên lạc từ thượng giới.
Bà gật đầu cười. Gió thổi mạnh hơn. Bà ngửi thấy hương hoa hồng thoang thoảng. Bà hít một hơi, nhắm nghiền mắt vào. Mùi hương gần quá, thơm quá, thấu tận vào phổi, vào gan. Hoa cũng như mọi sinh vật khác, với bà, đều có hồn cốt.
Bà mở mắt ra. Tự nhiên bà thấy mọi thứ sáng lòa. Cố nhắm vào để tránh ánh sáng nhưng không được.
Bụi hoa hồng như nhảy múa trước mắt bà với ánh sáng cực mạnh. Bà lảo đảo. Rồi bà ngã xuống.
Đứa cháu kêu lên thất thanh, vội đặt bà vào ghế. Bà ngồi im như tượng, mắt không chớp.
- Bà làm sao thế bà ơi!
Bà không thể biết rằng, ngày bà về với ông, cũng là ngày người con áp út được trở về, sau hiệp định Paris
Kết Thúc (END) |
|
|