Trời chớm hè. Nắng cái, mưa rào. Cây lá mỡ màng, vạn vật sinh sôi. Đôi bồ câu chúi cái đầu xinh xinh ngó bể nước, đứng rỉa lông và gù nhau trước mái hiên thật tình tứ. Hoa sứ đỏ lối đi, phong lan lặng lẽ tỏa hương trên giàn. Con Anh Vũ thi thoảng lại rít lên cái giọng khàn khàn như của người hút thuốc lào lâu ngày: “Có khách... có khách...”. Mọi khi cất tiếng hót như thế thì nó sẽ được lão Thự âu yếm bóc cho quả chuối, nhưng hôm nay thì khác. Tiếng kêu của nó càng làm cho lão Thự điên tiết. Đôi bồ câu âu yếm nhau lại khiến lão mủi lòng. Đã hơn một năm lão phòng không gối chiếc. Ai bảo mụ vợ đẻ cho lão tám mặt con lại không ở cả đời với lão mà vội ra đi sau cơn cảm xoàng. Không có người rót rượu xới cơm cho, đêm hôm lạnh lẽo khiến lão tủi thân. So với các cụ trong làng thì lão cũng sắp thất thập cổ lai hy, còn cơm cháo non nước gì mà tủi thân trách phận. Nhưng lão Thự lại không bằng lòng với sự sắp đặt của ông giời. Gừng càng già càng cay nhé! Trống trải thế này bố ai mà chịu được.
Ngày xưa lão Thự cũng oai phong ra phết. Đội trưởng đội bèo dâu, chủ nhiệm hợp tác xã rồi chủ tịch xã hai khóa. Lão hát hay, đàn giỏi và cải lương thì mùi phải biết. Lúc cao hứng lão hát khúc Xàng Xê, thanh vắng lão đổ khúc Dạ Cổ Hoài Lang, khiến các chị các cô có chồng bộ đội cứ buồn não nuột. Thế nhưng các bà vẫn thì thầm vào tai nhau gặp lão Thự là phải cảnh giác. Chồng đi vắng nhớ để con dao ở đầu giường kẻo có ngày gặp họa. Có chị đang vớt bèo hoa dâu thấy lão đi qua thì lờ tít ấy thế mà lão vẫn véo von câu Vọng cổ:
- Em có thương anh thì đừng vội lấy chồng. Chồng của em giờ cách xa ngàn dặm, đâu có thương bằng tình của anh đâu...
Mặc xác lão, chị vẫn lúi húi vớt bèo. Biết rằng hát mãi cũng chẳng xong lão lội đại xuống ao:
- Mình không nghe anh hát hay sao? Lời thương anh tỏ cả vào câu hát rồi đấy.
Chị vẫn mải vớt bèo và lẩm bẩm:
- Hát thì mặc xác ông, thương nhớ gì cũng mặc nhà ông. Tránh ra cho tôi với bèo kẻo trưa rồi.
Chẳng để cho chị nói tiếp, lão nắm lấy tay người vớt bèo chớt nhả:
- Ở đây chẳng ai biết đâu, chỉ có mình với ta, xong việc như vứt đá xuống ao bèo tấm ấy mà. Mình ừ đi nhé!
Ừ này! Cái tát như trời giáng vào khuôn mặt đang nhăn nhở của lão Thự. Không ngờ vớ phải mụ đàn bà đáo để, Thự vừa tức vừa tiếc, bước đi và tự an ủi: Có sao đâu! Đàn bà tát là nó tát yêu ấy mà. Con ấy rõ dại thèm bỏ cha đi mà còn sĩ, đã thế bố đếch cần nữa. Để mà muối dưa.
Lão Thự biết tí chữ nho mà cũng bày đặt cảnh quất lắm nhé! Cái đận thằng con trên rừng biếu cân chè móc câu, lão thường súc ấm pha trà rồi ngân nga như tao nhân mặc khách: “Bình minh nhất ẩm trà, lương y bất đáo gia...” ra chiều khoan khoái lắm.
Gió xuân thổi nhẹ, trời mờ sương. Người ta bảo tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, cái lạnh sớm mai của làng quê khiến ông giáo Hàn rùng mình. Ông khoác thêm chiếc áo dạ rồi ra sân bách bộ. Cây đào phai bên thềm đã tàn hết hoa giờ đã kết thành những quả xanh mướt, được bọc sương sớm óng mướt lên. Ông giáo bần thần nhớ câu thơ của Thôi Hộ: “Đào hoa y cựu tiếu đông phong”. Ông giáo mê cổ thi, về hưu con cái ở xa nên ông chỉ lấy thú vui chăm cây cảnh, đọc sách, dịch Đường thi làm bầu bạn. Sương mai lay động tứ thơ trong lòng ông, định vào nhà cầm bút thì lão Thự xuất hiện. Ông giáo Hàn hơi bực vì lão xuất hiện không đúng lúc. Có nhiều lúc lão ngồi chơi cả buổi không chịu đứng lên mà giáo Hàn lại chúa ghét cái thói khoe chữ của lão. Mỗi bận lão đi qua, thường ghé vào bắn điếu thuốc lào:
- Ông giáo ạ! Khổng Tử dạy rằng quân tử là phải nhất ngôn. Nhưng tôi thì lại nghĩ rằng: Quân tử nhất ngôn là quân tử dại. Quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn. Cũng tùy thời mà vận dụng ông giáo nhỉ?
Lão hút thuốc lào, chiêu ngụm nước chè đặc, thao thao bất tuyệt nói về sách thánh hiền cứ như mình uyên bác lắm.
Ông giáo Hàn nhẫn nại ngồi nghe không còn cách nào tiễn khách được phải ngước nhìn đồng hồ mấy lần, lão Thự mới phủi quần đứng lên:
- Mải nói chuyện mà đã gần đứng bóng. Thôi tôi ra thăm đồng còn đến ủy ban kẻo muộn. Hẹn ông giáo khi khác nhé.
Lão Thự cất bước trong cái cười mủm mỉm của ông giáo Hàn.
Mới sáng tinh mơ, rồi chiều tối ngay cả buổi trưa dân làng Hà vừa đặt cơm lên miệng, chưa kịp nuốt thì đài phát thanh xã đã oang oang tuyên truyền vấn đề sinh đẻ có kế hoạch. Thôi thì suốt ngày ra rả về vấn đề dân số. Cô trạm trưởng y tế và lão trưởng ban văn hóa xã còn đến tận các nhà động viên tuyên truyền tích cực. Qua ngõ nhà chủ tịch, tám đứa con của lão lít nhít chạy theo loa ra. Vợ Thự đang cấy rau muống dưới ao, thấy cô y tá vào liền nhanh chóng lỉnh ra sau nhà coi như đi vắng. Mấy đưa con ngây thơ cứ réo ầm lên:
- U ơi! Có khách...U ơi có khách tìm này...
Lũ trẻ con thật thà gọi mãi mà mẹ nó không lên tiếng. Ông trưởng ban văn hóa xã và cô y tá đứng đợi mãi ở sân không ai lên tiếng, đành vác loa sang tuyên truyền nhà khác. Trưa, mấy đứa bị mẹ mắng cho một trận tơi tả vì cái tội khôn nhà dại chợ.
Lại nói cái thằng biếu chè lão không phải dòng chính thất đâu nhé! Con rơi đấy. Vợ lão Thự nho nhỏ mà mắn như gà di. Tám đứa con trứng gà trứng vịt, nồi còn khói mà cơm thì hết nhẵn. Tiếng là chủ tịch xã nhưng nhà lão cũng chẳng hơn nhà thường dân, đôi lúc còn thiếu ăn ấy chứ. Cái đận xã thực hiện phong trào sinh đẻ có kế hoạch, về to nhỏ với vợ mãi không xong lão liền hô quyết tâm: mình là đảng viên cán bộ chủ chốt xã phải đầu tàu gương mẫu, đã thế lão sẽ đi triệt sản cho mà coi. Tám đứa con rồi, lão cần gì nữa. Nhưng thần hồn nát thần tính, tới bệnh viện Thự nghĩ ngay ra cái kế, dúi vào tay cô bác sĩ cái phong bì với nụ cười nịnh bợ rồi cầm giấy ra về nhận tiền bồi dưỡng của xã. Thự lại được tiếng là tiên phong trong phong trào dân số kế hoạch hoá xã nhà. Có tiền bồi dưỡng, về đến đầu ngõ lão đã oang oang cái mồm:
- Bu mày đâu! Chúng mày đâu. Ra chợ mua ngay cho tao cân thịt để trưa nay bồi dưỡng nhé! Tao mệt quá...
Nhìn cái mặt hơn hớn của lão, mụ vợ buông lời:
- Đi triệt sản mà sao ông vui thế? Cứ như là giả vờ ấy. Không khéo ông trốn à?
Nghe vợ nói thế hắn ngoằn mắt lườm vợ:
- Be bé cái mồm! Đàn bà biết gì mà bép xép. Đi mua rượu đi để tôi bồi dưỡng trưa nay. Aí chà đau hết cả cơ quan đoàn thể...
Nói đoạn lão kềnh ra giường tỏ vẻ mệt nhọc lắm. Lão còn sai vợ bỏ màn. Vợ lão bần thần lo lắng:
- Mình đau lắm phải không? Đưa tôi xem nào họ ấy làm thế nào?
- Vớ vẩn! Đàn bà biết cái gì mà nhìn vào để yên cho tôi ngủ chút. Chốc nữa chúng nó tới thăm cam với đường. Mình nhớ ghi chép lại cẩn thẩn nhé! Đàn bà đúng là rách việc. Chả có tí cơ mưu nào cả.
Cô thư kí chưa chồng thích văn nghệ văn riềng phải biết, những lần đại hội xã viên bao giờ cũng phải tranh lên loa hát: “Em xinh là xinh như cây lúa...” giọng hát chèo chua như dấm thanh thế nhưng mà luôn được lão Thự động viên:
- Hay hát còn hơn hát hay em ạ! Để hôm nào anh hướng dẫn luyện giọng cho vài buổi là hay luôn ấy mà. Em mềm mại thắt đáy lưng ong thế này nếu tập múa thì dẻo lắm đây. Ăn đứt văn công ấy chứ lị... Cứ yên tâm! Cố gắng lên.
Cô thư kí ủy ban lườm lão Thự bằng con mắt lá răm ướt rượt. Lão thích chí cười tít mắt.
Ấy thế mà thật. Đêm tháng hai nồng nàn hương bưởi, hoa chanh vướng tóc kẻ tắt lối sang vườn nhà ai. Cá đớp trăng lóp bóp dưới ao. Hai con mèo gầm tình vờn nhau đầu ngõ, nghe bước chân lão Thự đi qua chúng thôi cả tình tứ mỗi con dạt một nẻo:
- Bố khỉ gầm gừ suốt ngày không chán hay sao mà đêm không để cho hàng xóm người ta yên giấc. Cô Hoa có nhà không đấy? Gớm ngủ sớm thế không biết. Ngủ sớm làm gì? Phí thế cơ chứ?
Cô thư kí ủy ban nghe tiếng quen, vén màn chui ra. Sống áo lả lơi, tóc dài bơi trên bờ vai thon thả. Dưới trăng xuân, nàng đẹp mơn mơn khiến lão Thự thấy khát khô cả họng. Lão luống cuống cầm lấy tay nàng. Hoa giật lùi xa một chút. Thự khàn cả giọng lập cập móc túi lấy ra một xấp tiền:
- Này em! Em cầm lấy số tiền mua sắm váy áo. Đợt tới anh sẽ cho dựng đội văn nghệ xã nhà, em là chủ chốt, đào chính hoa khôi đội văn nghệ. Anh quan hệ rộng lắm! Biết đâu sẽ giới thiệu em vào văn công tỉnh ấy chứ.
Nghe những lời đường mật và xếp tiền Hoa thấy mủi lòng, nhìn lão Thự trìu mến hơn. Nàng thầm nghĩ: “Từ trước tới nay có ai đánh giá tài năng của mình đúng như thế này đâu? Chỉ có chủ tịch xã Thự mới có tầm nhìn xa trông rộng”. Hoa thấy mình được vuốt ve, nàng sung sướng lắm. Trăng dãi trên giàn thiên lý ngan ngát, trăng tắm trên hương cau ngào ngạt. Cảnh vật sinh tình, lời dịu dàng làm cô thư kí ủy ban bối rối. Uống nước vối đặc chán, Lão Thự sốt ruột liền giả vờ ôm bụng nhăn nhó:
- Anh đau bụng quá! Nó cứ cồn lên thắt ruột không chịu được.
Hoa luống cuống sợ hãi không biết làm cách nào thì lão Thự đã xuất chiêu tiếp:
- Ở đây gió lắm! Em cho anh vào buồng nằm nhờ một lúc khi nào đỡ anh sẽ về ngay.
Hoa càng hốt hoảng:
- Không được đâu! Để em chạy sang gọi chị nhà đưa anh về, chứ ở nhà em nếu anh bị làm sao thì em mang tiếng chết.
Thự càng nhăn nhó xua tay:
- Không sao đâu, em dìu anh vào buồng ngay. Đừng để cho mụ Hoạn Thư nhà anh biết. Nó nghi ngờ anh em mình là chết đấy. Anh biết bệnh của anh, chỉ một lúc là dịu cơn thôi.
Cực chẳng đã, Hoa chép miệng và chìa vai cho lão Thự bám vào buồng. Vừa tới giường lão đã ôm chặt lấy Hoa khiến cô thư kí ủy ban chỉ còn ú ớ chống đỡ một cách yếu ớt. Thôi thì chép miệng cho xong. Càng làm to chuyện càng xấu hổ, chỉ có mình với lão. Lão ấy triệt sản rồi chắc chẳng sao đâu? Duyên phận phải chiều này ai ơi... Trăng ngoài ngõ vẫn dãi lên vườn chè mướt mát.
Nếu không có đêm tháng giêng ấy thì sẽ chẳng bao giờ có cái thằng biếu chè cho lão ngâm nga như ngày hôm nay.
Cô thư kí ủy ban lưng ong xinh đẹp giờ thèm quả chua lắm.
Nước mắt lưng tròng, cổ nổi gân xanh thở nghi ngóp. Nàng mếu máo:
- Ông hại tôi rồi! Sao bảo đi triệt sản mà tôi vẫn bị thế này.
Nàng chỉ vào bụng khóc nức nở. Lão Thự lúng túng như gà mắc tóc, rồi cố trấn an dỗ dành Hoa:
- Bình tĩnh đi em! Hay là anh đưa em sang bệnh viện huyện bên giải quyết. Đừng khóc lóc ầm ĩ càng làm anh rối ruột thêm.
Cô thư kí chỉ nghĩ tới cái phòng sản đã sợ xanh mặt, nàng giẫy nảy và càng khóc to hơn:
- Mặc kệ ông! Tôi không đâu... tôi sợ lắm...
Hức hức... Nước mắt tèm nhem, tưởng chỉ là chơi bời nhưng giờ đây nhìn thấy cái bụng nàng phập phồng lão Thự chợt thấy xót xa ái ngại. Dù sao nó cũng là giọt máu của mình, bỏ đi e mang tội. Cô thư kí ủy ban giờ bám chặt lấy cánh tay càng làm lão bối rối. Lão ra sức dỗ dành an ủi, sau một đêm thức trắng lão đã nghĩ cách đưa Hoa lên vùng cao gửi vào lâm trường trồng chè của anh bạn.
Chẳng bao giờ Hoa đi xa thế này. Lũy tre làng mờ xa, cây đa bến nước con đò mất hút. Từng dãy núi mờ xa tím biếc cứ dần hiện ra. Núi đồi lô xô như bát úp, vừa say xe cộng với cơn nghén làm Hoa tối tăm mặt mũi. Tình thế đã đẩy nàng cột chặt sinh mạng mình vào tay lão Thự.
Đêm sơn cước trăng lạnh não nùng, khí núi ùa vào lán tập thể công nhân lâm trường ở tạm. Hoa khóc lả đi trên tay Thự, rồi đây lạ nước lạ cái Hoa sẽ xoay sở thế nào lúc bụng mang dạ chửa. Nàng khóc khiến lão Thự cũng chảy nước mắt nhưng vội quay đi đẩy thêm củi vào bếp. Lão cố tìm những lời lẽ tốt đẹp an ủi Hoa. Sáng hôm sau, gà rừng gáy lần thứ nhất lão Thự trở dậy vuốt mái tóc rối bời của Hoa và móc hết số tiền lão ứng tạm của hợp tác xã trước lúc đi dúi vào cô thư kí ủy ban.
- Mình cố gắng chịu đựng nhé! Mẹ tròn con vuông đi. Tôi sẽ cố gắng kiếm thêm tiền và thi thoảng lên với mẹ con mình. Tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi mình và con đâu. Thề có giời đất. Tôi mà nói sai thì giời hại...
Gạt nước mắt, Hoa lấy tay bịt miệng lão lại:
- Phỉ phui đi... Em tin anh. Mau mau mà lên với mẹ con em nhé!
Và từ đấy lão tiết kiệm giấu vợ dấm dúi tiền gửi lên cho mẹ con Hoa. Chẳng được nhiều nhưng mẹ con nàng cũng đỡ tủi phận vì không bị mang tiếng bỏ rơi. Nhờ trời thằng bé giống lão Thự như đúc nhưng học giỏi và thông minh lắm chỉ tủi nỗi chưa bao giờ lão Thự dám dắt con về làng.
“Quan nhất thời dân vạn đại”, ngày thôi chức chủ tịch, Thự vẫn cười nói với hàng xóm như vậy. Thự nhanh chóng chuyển sang buôn cây cảnh và trồng lan vì thế mà kinh tế của lão phất lên xem ra còn khá hơn cái ngày làm cán bộ ấy chứ. Lão mua đất làm nhà và gây dựng cho các con mỗi đứa một cơ ngơi tuy chẳng to tát nhưng cũng tạm yên ấm. Lũ con lão cũng chẳng có gì xuất chúng, chúng chỉ bám vào cái mà lão ban cho.
Dạo này dân làng Hà thi nhau bàn tán, quái cái nhà lão Thự cách vài tháng lại đi chơi xa mà khi trở về thì ăn mặc bảnh bao ra trò. Mũ phới, comple, giày đen kính trắng, như một quí ông sang trọng. Con mụ Tý sát nách nhà lão thì thề rằng:
- Cha mẹ ơi! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa gặp ai trong làng mình nhiều tiền như lão Thự. Hôm vừa rồi tôi thấy lão móc ví đưa biếu ông chú họ toàn tiền to mới cứng nhé!
Lão ấy lấy đâu ra tiền mà giầu thế không biết. Chưa hết đâu, lão còn mua cho tám đứa con, mỗi đứa một cái ti vi đời mới mà cả làng này chưa ai có cả. Rồi lại gom tiền cho họ trùng tu lại nhà thờ tổ nữa chứ. Khéo mà cứ cái đà này thì lão Thự giàu nhất làng. Có kẻ thì thầm vào tai nhau: Hay lão ấy buôn hàng quốc cấm. Ai nói gì mặc họ, lão Thự cứ đi đi về về như thế.
Trâu đã được tháo ách cày khoan thai đứng trên bờ ruộng gặm cỏ, anh cu Bờm lùa vịt lên đường làng về chuồng. Trẻ con như ong vỡ tổ, ùa ra từ cổng trường chen chúc nhau chạy về nhà. Mấy bà đi chợ huyện đang kháo nhau sao hôm nay thức ăn đắt thế. Ngày biển động có khác, tôm cá trốn đi đâu không biết. Mụ Lanh ở xóm cầu thì tỏ ra là người hiểu biết và thông thái nhất xóm, cái loa truyền tin cấm có bao giờ sai đã lên tiếng:
- Các bà biết không tôi nghe đồn bảo rằng xã mình sắp tới có đại gia làm ăn nơi xa, giầu có lắm sẽ tài trợ rất nhiều tiền cho làng mình mở con đường lên tới chợ huyện đấy. Gớm! Con cái nhà ai mà giầu có thế không biết? Thấy bảo con đường này nhiều tỷ lắm đây.
Mụ Lanh đang giòn chuyện thì một chiếc xe hơi bóng lộn, tiếng máy nổ êm ru dừng lại. Lũ trẻ con đi học về xúm lại xem trầm trồ bình phẩm. Mọi người càng ngỡ ngàng hơn khi người thanh niên đẹp trai ăn mặc lịch sự cất tiếng hỏi thăm nhà lão Thự.
Đùng một cái cả làng mới ngớ ra, xôn xao đồn đại, rằng con trai lão Thự làm tổng giám đốc một công ty có tiếng ở phía Nam. Vừa buôn bán chè và cà phê vừa xuất nhập khẩu ra nước ngoài. Đó là một doanh nghiệp thành đạt. Tiền con lão rót về mở mang đường làng ngõ xóm, xây dựng trường học trùng tu đền chùa. Đã có truyền hình, báo chí tìm tới tận nơi đưa tin viết bài. Lão Thự đi đâu giờ mát mặt lắm. Chẳng cần phải giấu diếm như ngày xưa. Kể cả những kẻ ngày xưa hay dè bỉu lão không đứng đắn, cứ trông thấy gái là rối tinh rối mù lên, giờ đây gặp lão là cúc cung ra chiều kính trọng. Lão cũng vốn tính cả nể nên thực hiện đúng vai trò một người làm quan cả họ được nhờ. Lũ lượt con cái làng Hà được vào làm công trong công ty của con trai lão. Có kẻ chê: thì cũng đi làm thuê chứ có gì sang trọng đâu, có kẻ lại khen rằng con trai lão Thự rất vô tư giúp ai không lấy một hào nào kể cả một hớp nước.
Lễ thanh minh, con cháu dòng họ về đông đủ, trong khói hương nghi ngút lão chỉ vào thằng con tổng giám đốc đang quỳ trước sân từ thành kính:
- Trình lạy tổ tiên, thưa họ mạc, đây là thằng con lưu lạc của tôi. Vì hoàn cảnh cháu phải tha hương giờ thành đạt mới trở về vấn tổ tầm tông. Nó mới chính là thằng cả của tôi.
Con trai lão cúi lạy trước bàn thờ, còn thằng con đầu bà cả, bị truất ngôi ức chảy máu mắt nhưng sợ bố vẫn phải im thin thít. Bởi thực sự người anh em cùng cha khác mẹ từ ngày xuất hiện đã trợ cấp cho nhà hắn bao nhiêu tiền của. Thôi thì cố đấm ăn xôi may ra thì được xôi trắng.
Thằng trưởng giả quả là thằng biết nghĩ, đã nhiều lần nó muốn đem mẹ về trùng phùng với cha. Nhưng khổ nỗi bà ấy cứ đòi danh phận:
- Đời mẹ con tôi khổ nhiều rồi! Phải tha phương cầu thực lánh nạn, nay con tôi đã công thành danh toại mà ông vẫn tiếc tôi một chút danh phận hay sao? Nếu ông không cho tôi quyết không bao giờ quay về làng cũ nữa.
Biết làm sao đây? Lão Thự cũng nghĩ nát óc rồi? Còn tám đứa con và làng xóm nhìn vào nữa chứ.
Thằng con tổng giám đốc là đứa biết nghĩ. Nó thấy thương cha chưa đầy bảy mươi đã mồ côi vợ cả. Nó thương mẹ bao nhiêu năm phải dấm dúi khóc thầm. Mà già cả rồi sống được bao lâu nữa đâu.
Qua làn khói hương nghi ngút, thằng con rơi của lão Thự quỳ trước bàn thờ vợ cả lãoThự kêu xin:
- Con là đứa trẻ bất đắc dĩ được sinh ra trên cõi đời này. Con thiếu thốn tình cảm của cha, con không may mắn như các anh các chị là được biết mẹ cả. Con tìm về đến đây thì mẹ đã ra đi. Cúi xin vong linh mẹ bao bọc cho con được trùng phùng với tám anh chị em trong gia đình. Con xin mẹ hãy thương mà nhận con, cho con đỡ tủi phận.
Trong khói hương, vợ lão Thự như bằng lòng. Thằng con cả đưa tay đỡ thằng em tổng giám đốc đứng dậy ra chiều thông cảm lắm!
Cuộc họp đại gia đình được tổ chức, quyền huynh thế huỵch, lũ con bà cả dù không thích cũng chẳng dám chống đối trước lời lẽ đầy thuyết phục:
- Bố chúng ta đã già rồi cũng chẳng sống được bao lâu nữa. Nhìn bố hiu hắt mà em buốt ruột. Mẹ cả mất rồi chẳng ai lo cho bố khi trái gió trở trời. Ở nơi xa em không yên lòng. Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông. Em nghĩ thế này chúng ta tìm người về thay lo cho bố. Có được không ạ?
Nói rồi nó hướng mắt sang anh cả:
- Em nghĩ việc này chỉ có anh cả đứng ra lo liệu thì mọi việc mới êm ả và danh chính ngôn thuận. Còn chuyện tiền bạc anh để em lo.
Thằng cả đờ mặt ra, bị cú hích và cái gật đầu của vợ mới vội gật đầu.
Tổng giám đốc nghĩ tới mẹ mình chảy nước mắt. Tám đứa lặng đi, có đứa sụt sịt khóc theo.
Những ngày cuối năm tất bật, trong giá buốt, hoa đào vẫn e ấp như phong kín hàng vạn điều bí mật. Hồng chín đỏ như thắp đèn lồng giữa vườn nhà, đàn con lão Thự hối hả lo đám cưới cho cha.
Đám cưới lão Thự to nhất làng. Một dàn xe hoa sang trọng. Xe của đối tác quan hệ với con trai lão. Có những chiếc xe nhiều tỷ nối đuôi nhau đưa cô dâu về nhà chồng.
Bỗng đằng sau xuất hiện chiếc xe vôi bóp còi inh ỏi, tiếng chào hàng vang lên trong loa: “bà con cô bác mua vôi về xây nhà, về quét chuồng gà... ơ ơ”. Gã chủ xe vôi không vượt lên được những chiếc xe hơi đi thật chậm như một cuộc diễu binh biểu dương lực lượng thì bực mình buông tiếng chửi thề:
- Bố khỉ, cưới với chả xin. Dửng mỡ.
Dân làng Hà kháo nhau từ trước tới nay chưa có đám cưới nào to và sang trọng như đám cưới lần hai của lão Thự.
Lão Thự ứa nước mắt nhìn vợ và con trai và chợt giật mình: may mà trời Phật còn thương. Đứa con mà lão suýt xui cô thư ký ủy ban phá thai thì giờ đây lại hiếu nghĩa tài giỏi thế này, còn người vợ mà lão chẳng bao giờ dám mơ trùng phùng đàng hoàng thì đang ngồi bên cạnh. Sự đời chẳng ai ngờ được như hôm nay.
Nhìn ra ngoài trời tiếng cây nêu phần phật trong gió bấc, hương trầm nhà ai ngan ngát, lão Thự bâng khuâng thao thiết nhớ rồi chợt buông tiếng. Tết! Tết thật rồi.
Kết Thúc (END) |
|
|