Thôn Màn Trầu có từ bao đời nay, chừng mấy chục nóc nhà nằm rải rác dưới tán những cây nhãn, khóm tre, khóm chuối. Đường rẽ vào thôn, từ mặt đê đi xuống là một con dốc thoai thoải, bên phải dốc là một đầm sen quanh năm ăm ắp, nước trong văn vắt. Vào mùa sen nở, gió đưa hương thơm ngan ngát bao trùm xóm làng. Phía bên trái có một khu nhà cấp bốn, đã xuống cấp, tường vôi từng đám bong tróc, lởm chởm, hoen mốc. Khu nhà này chính là Trạm Y tế của xã Tân Tiến, xung quanh cây cối um tùm. Cứ mỗi khi đi đâu qua đây Định lại se sắt lòng nhớ về một kỷ niệm.
Ngày ấy Định đưa Vĩnh về giới thiệu với bố mẹ, bố mẹ chị mừng lắm, bà Hạt bảo, hai đứa là bạn thân cùng xóm, lại quý nhau từ khi còn nhỏ, bây giờ lại thành đôi thì còn gì bằng.
Nhà Vĩnh chỉ cách nhà Định có một hàng cây râm bụt. Hai nhà gần nhau thế đấy, nhưng mẹ Định vẫn ra điều kiện, sau khi cưới, Vĩnh phải về ở rể nhà Định, vì chị là con gái duy nhất của ông bà. Vĩnh về thưa chuyện với mẹ. Bà Thăng, nghe con trai trình bày xong, vẻ mặt đăm chiêu, nghĩ ngợi một lúc rồi bảo: Anh cả và em út con, tuy đã có gia đình ra ngoài ở riêng rồi, nhưng anh em, vợ chồng, con cái chúng nó vài ngày lại đưa các cháu về thăm mẹ, con ở rể mẹ cũng không lo, mẹ chỉ lo người ta định kiến, đi ở rể là kém cỏi, hãm tài, ăn bám nhà vợ nên...
Bà Thăng bỏ dở câu nói, nét mặt trầm tư. Vĩnh rót chén nước để trên bàn mời mẹ uống. Bà Thăng cầm chén nước đưa lên miệng nhấp một ngụm, rồi lại đặt chén nước xuống mặt bàn. Vĩnh hồi hộp, trống ngực đập thình thịch. Lúc này, anh mới có cơ hội nhìn kỹ mẹ mình. Khuôn mặt bà khắc khổ, với những nếp nhăn hằn sâu và rải rác nốt đồi mồi, đôi mắt buồn thăm thẳm. Mẹ đã góa bụa từ khi chưa đầy ba mươi tuổi, ở vậy tần tảo, thắt lưng buộc bụng nuôi các con, nhà bây giờ, chỉ còn một mẹ một con, phải đưa mẹ vào sự lựa chọn này, Vĩnh cảm thấy áy náy và thương mẹ vô cùng. Không khí trầm lắng, một lúc rồi bà Thăng cất tiếng, giọng buồn buồn:
- Dù sao thì mẹ cũng còn đông con nhiều cháu hơn ông bà Hạt. Con về ở rể bên ấy cũng được.
- Nhưng còn mẹ?
- Con không phải lo cho mẹ đâu. Mẹ đã nói với con rồi. Vợ chồng con cái anh cả và cô út con chẳng phải vẫn thường xuyên qua lại thăm mẹ đấy ư? Với lại hai nhà sát vách nhau, bên này ới một tiếng bên kia đã nghe thấy tiếng rồi, con lo gì cho mẹ chứ? Các con cứ hạnh phúc là mẹ vui rồi.
- Con cảm ơn mẹ!
Vĩnh ngậm ngùi, xúc động. Bà Thăng đưa tay lên vỗ vỗ nhẹ vào vai con trai, an ủi. Vĩnh nói tiếp:
- Vậy thì ngày nào con cũng sẽ qua thăm mẹ. Có việc gì mẹ cứ gọi con, con sẽ qua ngay ạ. Tiếng là đi ở rể, nhưng chỉ một bước chân là con đã về bên mẹ rồi mà.
Vĩnh động viên mẹ thế thôi, nhưng trong lòng cảm giác như sắp phải xa mẹ rồi, anh càng thấy thương mẹ hơn.
*
Hàng cây râm bụt ngăn cách giữa nhà Định và nhà Vĩnh, ngày xưa bà Thăng trồng để làm mốc giới, giữa phần đất của hai nhà. Ngày mới trồng cây chỉ cao chưa đầy một mét, bây giờ rậm rạp, thân cây cao quá đầu người, chen chúc nhau, ken dày, kín như một bức tường. Sáng nay bà Thăng gọi bà Hạt bảo:
- Tôi chặt vợi vài cây làm lối đi, để hai nhà qua lại nhà nhau cho tiện bà à.
- Vâng, thế thì tốt quá, hai nhà qua lại sẽ tiện hơn nhiều bà ạ
Rồi Định và Vĩnh, với cả bà Hạt nữa, cùng xúm vào, mỗi người một tay, cùng với bà Thăng, cắt tỉa dọn cành gọn gàng, thoáng đãng và chặt vợi một đoạn cây rộng chừng hơn một mét, làm lối đi. Khoảng sân của hai nhà không còn bị cây chắn như trước nữa. Chẳng hiểu sao cũng từ hôm ấy, hàng cây râm bụt tươi tốt hơn xưa, những bông hoa to như cái bát, thi nhau trổ, sắc hoa thắm đỏ, trên những tán lá xanh um, như một bức tranh rất đẹp. Cũng từ ngày có lối đi thông sang nhà bà Hạt, con mực nhà Vĩnh ngày nào cũng qua đùa với con vàng nhà Định. Mỗi lần cho con vàng nhà mình ăn, Định lại cho con mực nhà Vĩnh ăn. Như đã thành quen, cứ đến giờ ấy là y như rằng chú mực nhà Vĩnh lại sang sân bên này chơi với chú vàng nhà Định chờ đến giờ ăn. Nhưng có lẽ vui nhất vẫn là Định và Vĩnh, vì tót một cái là hai người đã ở bên nhau rồi, chứ không phải như ngày trước mỗi khi qua nhà nhau, lại phải vòng ra cửa trước, rồi ra ngõ nữa. Cũng từ hôm ấy, bà Hạt thường xuyên tranh thủ qua nhà bà Thăng chơi, bà Thăng cũng vậy, năng qua nhà bà Hạt chơi hơn ngày trước. Hai bên gia đình trở nên thân thiện hơn xưa.
Đám cưới của Vĩnh và Định. Nhà trai và nhà gái cùng là hàng xóm, dây nọ quấn rễ kia, hai bên gia đình mời hai họ và cả xóm cùng đến dự tiệc mừng, ai cũng bảo, hiếm mới có thông gia được gần nhau như thế này, thật là may.
Như cây đã đến ngày trưởng thành nhanh ra hoa kết trái. Định và Vĩnh cưới nhau không lâu thì Định có bầu, suốt cả buổi chiều từ khi biết tin, Định cứ tủm tỉm cười một mình:
- Em có gì vui, mà cứ cười tủm suốt thế?
- Hôm nào em chả vui.
- Nhưng hôm nay anh thấy em vui hơn.
Định chỉ tủm tỉm cười, đợi đến lúc đi ngủ chị mới vùi đầu vào ngực chồng thỏ thẻ:
- Em báo cho anh một tin vui, anh phải thưởng quà cho em cơ?
- Ừ, ừ tin vui gì, em nói đi anh sẽ thưởng quà cho, nhanh lên!
- Em có bầu rồi!
Vĩnh ôm Định, hôn tới tấp:
- Anh thưởng quà cho em đây, vui quá, chúng mình sắp có con rồi, cảm ơn em yêu! - Vĩnh áp má mình lên bụng vợ, thì thầm:
- Con ngoan nhé, đợi khi nào con chào đời, bố mẹ sẽ đón con. Con yêu...- Rồi anh nhìn Định âu yếm, bảo:
- Sinh con là đau lắm đấy!
- Có anh ở bên, em không đau đâu!- Định cười, nũng nịu.
Rồi Vĩnh kể cho Định nghe.
- Có một lần tình cờ vào thăm người bạn bị ốm nằm điều trị trong bệnh viện, đi ngang qua khoa sản, anh nhìn thấy mấy bà bầu đang chuyển dạ đẻ, bà thì bíu chặt lấy song sắt cửa nghiến răng trì mông xuống, bà thì bíu chặt lấy vai chồng, tay đấm thùm thụp vào lưng chồng, miệng la hét. Ông chồng không đẻ mà mặt méo xệch, mồ hôi túa ra nhễ nhại, trông hài lắm. Nhưng em cứ yên tâm, lúc ấy anh sẽ là chỗ dựa cho em níu, tha hồ mà xả cơn đau, nhưng đấm anh nhẹ thôi đấy nhé!
- Em sẽ cấu anh thật đau, như thế được chưa, có đau không? - Định nói, rồi véo vào cạnh sườn Vĩnh một cái, anh co người lại, cả hai cùng khúc khích cười.
- Anh thích con trai hay con gái?
- Con nào anh cũng thích, nhưng anh thích con gái đầu lòng hơn.
- Nếu sinh con gái, mình đặt tên con là gì hả anh?
- Mình đặt tên con là Vi được không em?
- Đúng rồi, em cũng thích tên con vần với tên anh, mà anh hứa rồi đấy nhé, lúc ấy sẽ là chỗ dựa để cho em xả cơn đau nghe chưa?
- Anh biết rồi, biết rồi! - Định lại beo vào má Vĩnh một cái, rồi hai người cười như địa chủ được mùa.
Đêm hôm đó, Định và Vĩnh ôn lại kỷ niệm ngày hai đứa còn nhỏ, miên man cho tới khi trăng thượng tuần đã sà xuống ngang tầm cửa sổ. Vĩnh vòng tay ôm ngang người Định, gối đầu tay cho vợ ngủ. Vừa chợp mắt, Định đã mơ cùng chồng đưa con gái đi dạo. Con gái chị mũm mĩm, xinh xắn, rất dễ thương bi bô bên bố mẹ, dưới ánh bình minh vàng như rót mật, hoa lá trong vườn tươi xanh rung rinh trong làn gió nhẹ, như đang chào đón gia đình nhỏ bé của chị:
- Sáng rồi, dậy đi em!
Vẫn đang chìm trong giấc mơ, Định nghe tiếng chồng thì thầm bên tai, chị tỉnh dậy, thì ánh bình minh đã le lói, rọi một tia sáng qua ô cửa sổ, ngoài sân, tiếng chích chích của đôi chim sâu trên cành mộc nghe như một nốt nhạc vui.
Chị tíu tít cùng chồng chuẩn bị bữa sáng. Bà Hạt dậy từ khi nào, đã ra đồng. Bà chẳng mấy khi ăn bữa sáng. Bà có tiếng là chăm chỉ, mở mắt ra đã vội vội vàng vàng quang gánh ra đồng. Đồng đất ở đây, mùa này chủ yếu là trồng cây dong riềng. Cây dong riềng lúc này đang vào thời kỳ bung hoa, thắp đỏ cả cánh bãi. Cánh hoa mềm như môi thiếu nữ. Ngày còn nhỏ mỗi lần theo mẹ ra bãi, Định thường hái những bông hoa, rồi đưa lên miệng mút mát, vì ở cuống mỗi bông hoa dong riềng đều có chứa một túi mật rất ngọt mà nhiều loài hoa không có. Mùa thu hoạch dong riềng, nhà nào cũng dậy sớm, chuẩn bị quang gánh, dao, cuốc, đồ ăn trưa, rồi đổ ra cánh bãi làm thông cho đến chiều muộn mới về, gom củ lại cân buôn cho mấy nhà kinh tế khá hơn có máy xát bột để làm miến. Miến quê Định nổi tiếng là ngon.
Loáng một cái hai vợ chồng Vĩnh đã nấu xong bữa sáng, Định cùng chồng tíu tít dọn đồ ăn ra bàn, rồi mời bố ra cùng dùng bữa. Vĩnh ăn xong trước. Anh xin phép đứng dậy ra bàn tráng ấm pha trà. Ông Duyên vừa buông bát đứng lên.
- Con mời bố ra uống nước ạ.
Vĩnh rót chén trà để trên bàn, trước mặt bố vợ. Ông Duyên cầm chén trà nóng vừa đưa lên miệng đã tấm tắc khen.
- Trà thơm, ngon quá.
- Dạ! Trà con ướp bằng hoa bưởi vườn nhà mình đấy bố ạ.
Ông Duyên nhấp thêm một ngụm, vẻ ưng ý. Từ khi con gái lấy chồng, ông có vẻ vui hơn. Một phần có lẽ là do có Vĩnh ở rể, lại hợp tính ông, nhà có thêm người trò chuyện, nên ông vui hơn cũng đúng thôi.
Chẳng biết ở nơi khác thế nào, chứ quê Định, đa phần người ta vẫn có suy nghĩ “Dâu là con, rể là khách”. Họ gọi con rể bằng anh, thậm chí còn xưng tôi. Con rể đến nhà bố vợ chơi. Bố vợ tự tay đi lấy phích, tráng ấm pha trà, mời con rể uống nước. Nhưng vợ chồng bà Hạt thì không thế. Ông bà coi Vĩnh như con trai của mình. Vĩnh hợp tính bố vợ lắm. Hai bố con, cứ ríu ran bố bố, con con, ngọt xớt. Bà Hạt cũng vậy, coi Vĩnh như con trai, chẳng hề giữ ý một chút nào. Mỗi lần đi làm về, vừa đến ngõ bà đã í ới gọi: “Vĩnh đâu rồi, ra đỡ cho mẹ gánh cỏ nào. Rồi Vĩnh đâu rồi, ra đây nhanh lên, mẹ nhờ chút nào...”. Bà Thăng bên kia và cả những nhà xung quanh đều nghe thấy tiếng, bà Hạt hàng ngày gọi con rể, họ xì xào bàn tán: “Con rể còn trẻ, cũng không thể coi như trẻ con được, vẫn phải chừng mực chứ. Mẹ vợ mà sai khiến con rể như vậy là không được rồi... “. Lời của mấy người hàng xóm, đều đến tai bà Thăng. Bà Thăng ấm ức trong lòng, nhưng không muốn nói ra. Còn bà Hạt thì vẫn vô tư, ngay cả những lúc Vĩnh đang ở bên nhà mẹ đẻ, bà vẫn gọi về, sai việc nọ việc kia. Tính bà Hạt, sồn sồn, ruột để ngoài da, nói xong rồi thôi, không để bụng bao giờ. Bà Hạt ở nhà cũng thế mà đi đâu cũng vậy, chưa về đến ngõ là mọi người đã nghe thấy tiếng í ới gọi Vĩnh sai việc rồi.
Hôm nay, bà Thăng thấy trong người không được khỏe, bà định nghỉ ở nhà, nhưng rồi bà lại quẩy quang gánh ra bãi, nhân thể lúc về vơ thêm ít cỏ về làm củi đun. Trên đường đi, có một đám người đang ngồi tụ tập ở quán nước bên rìa đường. Một người trong đám người kia cất tiếng:
- Bà Thăng hôm nay ra bãi muộn thế, sao không bảo thằng Vĩnh nó đi làm cùng với bà. Bà già rồi cứ lủi thủi một mình, làm đến bao giờ mới hết việc...
Bà Thăng cố tình như không nghe thấy tiếng. Rồi họ lại bắt đầu bàn tán, bảo bà Hạt coi khinh con rể, suốt ngày sai con rể như thằng ở. Rồi họ bảo ở rể như chó chui gầm chạn. Người ta vẫn có câu. “Nhàn cư vi bất thiện”. Bà Thăng vốn là người chăm làm, lại kiệm lời, nên rất ghét nhóm người này, vẫn biết nhóm người này thường tụ tập, bàn tán chuyện người này, chuyện người kia. Hở ra một tý là đồn thổi, có một đồn mười, thậm chí bịa đặt, kiếm chuyện làm quà, đâm bị thóc, chọc bị gạo, chẳng muốn cho ai hay. Vậy mà lời họ nói vẫn như gai đâm vào tai bà. Bà cố tình lờ đi, như không nghe tiếng. Thế nhưng lời nói hình viên đạn vẫn đuổi theo găm vào đầu bà. Chân bước mà đầu bà vẫn nghĩ, đến ruộng nhà mình rồi bà mới biết. Cả thửa ruộng nhà bà, hoa dong riềng nở đỏ, rung rinh trong ánh nắng buổi sáng, như vẫy chào, mừng chủ nhà đã đến chăm sóc cho cây. Bà ngồi ngây ra ở đầu ruộng, bất chợt văng vẳng bên tai bà, tiếng bà Hạt í ới gọi con rể sai việc. Bà Thăng giận bà thông gia vô cùng, buồn chán, chẳng thể làm được việc gì, chân tay rời rã. - “Mình đã làm khổ con trai mình rồi ư? “. Bà thầm nghĩ, rồi cất bước trở về nhà. Mặc cho cây dong riềng như đang cố tình níu bà ở lại.
Vừa bước vào sân, bà đã nghe tiếng bà Hạt gọi con rể “Vĩnh ơi, xuống bếp xách cho mẹ siêu nước!”. Qua lối thông sang sân nhà bà Hạt, bà nhìn thấy con trai đi như chạy xuống bếp, đang sẵn buồn bực trong người, ba máu sáu cơn, bà quẳng đôi quang gánh ở sân, chạy như lao sang nhà bà Hạt. Túm tay con trai, rồi quát:
- Về ngay, bắt đầu từ hôm nay, tao cấm mày không được ở bên này nữa.
Bà Hạt nhìn thấy bà Thăng vẻ mặt tức giận, tay kéo con trai về, miệng nói những lời nặng như chì. “Không biết có chuyện gì, nhưng thông gia như thế thì còn gì là thông gia chứ?”. Bà Hạt nghĩ vậy. Sẵn tính nóng, không kiềm chế nổi, bà cũng khùng lên:
- Sao bỗng dưng bà lại nuốt lời, sấp mặt như thế là không nên đâu?
Bà Hạt ném theo bà Thăng một câu, khi bà Thăng đã lôi con trai về đến sân nhà mình. Bà Thăng đứng bên sân nhà mình, một tay chắp hông, một tay chỉ sang nhà bà Hạt:
- Bà xem lại cách xử sự của bà với con rể đi. Tôi cho con trai tôi về ở rể nhà bà, chứ không phải tôi cho con tôi đi làm người ở cho nhà bà. Bà đi hỏi cả cái xóm này xem, người ta đang nói ầm cả lên là bà khinh thường con rể, sai khiến con rể như người ở, nên tôi cấm con trai tôi đấy...
Bây giờ thì bà Hạt mới lờ mờ nhận ra, vì sao bà Thăng lại xử sự như vậy. Thực lòng, bà coi con rể như con trai. Con nào chẳng là con, chẳng lẽ bố mẹ với con cái cùng ở chung một nhà, mà lại còn phải giữ ý, giữ tứ thì làm sao gần gũi, thân thiện nhau được chứ?. - Nếu bà ấy không thích thế hoặc nghe người ta nói gì thì cứ gặp mình góp ý một câu. Ai lại đi xử sự với thông gia như thế chứ? Bà Hạt không ngờ, chuyện đã âm ỉ trong đầu bà Thăng, như than vùi trong trấu, đổ thêm dầu vào lửa là mấy người rỗi hơi, nên mới ra nông nỗi này?
Sáng hôm sau, bà Thăng đùng đùng mang mấy đoạn tre ra, chẻ thành từng thanh, đan thành cái cửa, chắn lối thông sang nhà bà Hạt lại, rồi dùng dây thép, buộc cho thật chặt. Mỗi khi ra sân nhìn thấy cánh cửa tre bịt chặn lối đi giữa hai nhà, Định lại ứa nước mắt. Mỗi lần chị cho con vàng nhà mình ăn, con mực bên nhà Vinh lại đứng, bên cái cửa ấy nhìn sang nhà Định, khẽ sủa gâu gâu hai mắt tròn xoe, rân rấn nước. Con mực có ý gọi Định mở cửa cho nó. Định cũng muốn gỡ bỏ cái cửa tre chắn giữa hai nhà, để chị qua thăm mẹ chồng như mọi khi cho tiện, để con mực nhà Vĩnh lại sang đùa với con vàng nhà chị. Con vàng nhà chị từ hôm ấy, không qua chơi được với con mực cũng buồn thiu.
Đúng lúc ấy chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ. “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Vĩnh cùng bao thanh niên cả nước lên đường ra trận. Trước khi vợ chồng xa nhau, anh gặp Định căn dặn, an ủi, động viên, hẹn Định ngày chiến thắng, anh sẽ trở lại đoàn tụ cùng vợ con. Định cũng ý thức được điều đó, chị an ủi, động viên chồng, yên tâm lên đường, ở nhà đã có chị chăm sóc mẹ.
Cũng từ hôm Vĩnh lên đường nhập ngũ, không thấy bà Thăng xa cạnh bóng gió ném sang nhà bà Hạt nữa. Và bà Hạt cũng không xa xôi bóng gió ném qua nhà bà Thăng nữa. Cả hai bà cùng có vẻ trầm tư hơn. Định như đã hứa với chồng, chị ngày nào cũng tranh thủ tạt qua thăm, đỡ đần mẹ chồng những việc nặng.
Rồi một hôm, bà Hạt đang ở trong buồng, vợi chum thóc ra để lát nữa ông Duyên qua thăm ông bạn, thôn bên vừa khỏi ốm ở bệnh viện về, sẵn có thóc đó chỉ việc xay. Trước khi ông Duyên đi, bà đã dặn ông rồi mà. Bà nhanh nhanh chóng chóng, để còn ra đồng làm, không muộn rồi. Định vừa chào mẹ, bảo ra Ủy ban xã. Chị làm Bí thư đoàn thanh niên của xã. Gâu gâu gâu... “Quái lạ, có chuyện gì mà con mực nhà bà Thăng sủa dồn dập thế chứ?” Bà Hạt chưa bao giờ thấy nó sủa như thế. “Hay bên nhà bà Thăng có khách đến chơi? Mà có bao giờ thấy bà Thăng có khách đâu?” Tiếng con mực sủa dồn dập hơn. Bà Hạt vội vàng bỏ dở thúng thóc ở trong buồng chạy ra, nhìn thấy con mực nhà bà Thăng đang đứng bên cái cửa, tre chắn giữa hai nhà, mắt nhìn bà Hạt, miệng vẫn tiếp tục sủa, cuống cuồng, như đang cầu cứu bà điều gì. Bà Hạt nhìn ra cổng nhà bà Thăng thấy vẫn khóa bên trong. “Trong nhà có người mà sao không lên tiếng nhỉ?” Bà ngửi thấy có mùi gì khen khét, rồi bà nhìn thấy một làn khói từ trong nhà bà Thăng bay ra. Bà chột dạ: “Chết rồi, nhà bà Thăng bị cháy rồi”.
Bà Hạt vội vàng chạy vào trong nhà, tay cầm con dao rựa chạy ra, dùng hết sức vừa chặt cái cửa tre, vừa kêu:
- Cháy, cháy rồi, nhà bà Thăng cháy rồi, có ai không cứu với, cứu với...
Nhưng xóm làng lúc này, xung quanh đã ra đồng cả. Bà Hạt chạy vào nhà bà Thăng, thì thấy bà Thăng đang nằm trên giường bất tỉnh. Cái đèn dầu bị đổ xuống giường, lửa đang cháy lem xuống chiếu. Bà Hạt vội vàng dập lửa, rồi bế vội bà Thăng sang nhà mình. Bà Thăng người mềm oặt trên tay bà Hạt. Bà Hạt vừa lay vừa gọi bà Thăng:
- Bà Thăng, bà tỉnh lại đi, bà Thăng...
Định về đến sân, nghe tiếng, chạy nhanh vào nhà. Vội vàng ôm lấy mẹ chồng vừa khóc, vừa nói:
- Mẹ ơi! Con đã có lỗi với mẹ, con là nàng dâu không tốt, để mẹ xảy ra nông nỗi này mẹ ơi! Mẹ tỉnh lại đi, mẹ ơi!
Bà Thăng vẫn nằm bất động. Định cùng bà Hạt vội vàng đưa bà Thăng ra trạm Y tế xã. Bà Thăng đột ngột bị hạ huyết áp, ngất xỉu, được cấp cứu kịp thời, tỉnh dần. Lơ mơ nghe như tiếng bà Hạt gọi tên mình. “Mình đang ở đâu thế này. Mà sao bà Hạt lại gọi mình cơ chứ?” Bà khẽ mở mắt, thấy bà Hạt, đang ngồi bên cạnh bà. Bàn tay bà lạnh toát đang nằm trong bàn tay ấm áp của bà Hạt. Bà Hạt cuống lên:
- Bà tỉnh rồi à? May quá, bà Thăng tỉnh lại rồi Định ơi!
Định đang sắp xếp đồ, để vào tủ đầu giường cho gọn, nghe bà Hạt nói vội vàng chạy lại, nhìn bà Thăng, xúc động, mừng ứa nước mắt. “ Vậy là mẹ đã tỉnh lại rồi!” Bà Thăng chớp chớp mắt, nhìn con dâu, rồi nhìn bà Hạt, khẽ nói lời cảm ơn, rồi lại nhắm mắt lại, từ trong khóe mắt bà Thăng ứa ra hai giọt nước mắt. Bà Hạt cầm khăn lau mặt cho bà thông gia, rồi nhẹ nhàng an ủi:
- Bà nằm im nghỉ ngơi, cô y sĩ đang truyền dịch cho bà đấy. Bà tỉnh dậy là may lắm rồi.
Bà Thăng lờ mờ hiểu sự việc xảy ra trước đấy, bà xúc động, khẽ nói giọng yếu ớt:
- Tôi có lỗi với ông bà bên ấy. Tôi đã làm khổ ông bà, làm khổ các con rồi, bà thông cảm cho tôi.
- Thôi chuyện cũng đã qua rồi. Tôi cũng có lỗi với bà. Tôi cũng mong bà bỏ quá cho tôi, bà nhé.
Tay bà Thăng trong tay bà Hạt ấm dần lên. Trạm Y tế xã, Tân Tiến. Trong phòng cấp cứu, nắng tràn qua ô cửa sổ, vàng như rót mật. Phía bên kia con dốc, đầm sen vẫn ăm ắp, nước trong văn vắt, lá sen đã ngoi lên mặt nước xanh ngăn ngắt, chuẩn bị cho mùa hoa sắp tới.
Kết Thúc (END) |
|
|