Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Quản Trang Vàm Tân Dinh Tác Giả: Hồ Tĩnh Tâm    
    Trong chuyến đi viết sử ở vàm Tân Dinh, tôi quen và kết thân được với ông Ấn. Ông Ấn giữ chân quản trang nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Bao nhiêu là bia mộ. Đủ thứ chức vụ, cấp bậc. Đủ thứ quê quán từ Nam chí Bắc. Một tay ông quản tất cả. Công việc cũng chẳng có gì vất vả, cực nhọc; mỗi năm có tới mấy lần, cán bộ các cơ quan ban ngành với học sinh tới làm cỏ. Còn lại trong nghĩa trang chỉ toàn hoa kiểng với cây xanh rợp mát. Việc của ông là tưới cây, tưới hoa. Cắm cái ống cao su dài thòn vào máy Yamaha, giật một cái là nước phun phì phì. Vậy là hết còn biết làm gì. Ông xoay qua nuôi gà tre, gà lôi, nuôi cá. Còn cả một cuộc đất rộng rinh, mút mít phía sau nghĩa trang, tha hồ cho ông thi thố tài chăn nuôi, trồng trọt.
    Công việc sưu tầm tư liệu khiến tôi phải đi lại nhiều, đôi khi phải ăn dầm nằm dề cả tuần lễ tại cơ sở. Tôi thuộc vùng vàm Tân Dinh như thuộc lòng bàn tay. Ấy vậy mà đối với tôi, ông Ấn vẫn cứ bí hiểm thế nào. Bình thường ông ăn uống quấy quá với tương chao, rau luộc. Nhưng khi nổi hứng, ông nhậu cả kí cá, cả con gà lôi không chừng. Đồ đạc chẳng sắm sanh gì, đến cái đài cũng không có. Báo chí thỉnh thoảng mới đọc rình, đọc ké của người ta. Bởi vậy, có vẻ như ông Ấn không hiểu biết gì nhiều ngoài xã hội. Khi ngồi nhậu, ông chỉ nói quanh quẩn chuyện tào lao thiên địa. Chuyện riêng của ông thì cấm bao giờ động tới. Sợi dây liên lạc với cuộc đời ông là cái điện thoại bàn. Ngoài ra, ít khi nào ông chịu đi đâu khỏi nghĩa trang. Mà ông cũng chỉ nghe điện thoại mỗi khi ngoài huyện người ta nhắc nhở chuyện gì đó. Hình như ông không có bạn thì phải.
    Ông Ấn ăn nói chậm rãi, tóc trắng như bông gáo. Nếu ông vận bộ bà ba màu đen thì ngỡ ông ngoài bảy mươi. Còn nếu ông cởi trần, phơi ra hai tảng ngực vuông vức như hai thớt đá, thì hẳn ai cũng phải nói ông mới ngoài bốn mươi chút đỉnh. Bởi vậy tôi mới hạp với ông, mới được ông đãi nhậu tới lết càng mỗi khi ghé lại. Cái duyên của tôi với ông là duyên trời định, chẳng ai hỏi chuyện riêng của ai, cứ vậy mà kết thân.
    Một lần ông rủ tôi đi ăn đám giỗ ở Bàu Ráng. Nói đám giỗ chứ thực tình chỉ có tôi, ông và bà chủ nhà. Bà sống một mình, gương mặt hồi trẻ chắc là đẹp lắm. Bà làm đám cho chồng. Chồng bà ngồi trong tấm ảnh treo trên bàn thờ, đôi mắt ánh lên vẻ nghi ngại, thắc mắc về cuộc đời.
    Đêm ấy, lúc trở về nghĩa trang, ông Ấn nướng khô cá bống kèo ngồi lai rai với tôi tới quá nửa đêm. Đó là lần đầu tiên ông kể chuyện cuộc đời mình cho tôi nghe.
    *
    * *
    Bấy giờ cô Tư là người đẹp có tiếng ở Bàu Ráng. Ông Ấn lúc còn trai trẻ phải lòng cô Tư hơn ai hết. Ngặt đời cô lại động lòng, thâm tình với người khác. Người đó về sau trở thành cảnh sát quận, bà con gọi là cảnh sát Hồng. Cảnh sát Hồng là con trai lớn của ông Hội đồng Hưng giàu nứt đố đổ vách. Hồng mới vô cảnh sát được vài năm đã dùng tiền mua lon trung úy. Mà tay Hồng ngoài tiền còn có tài bắn súng khơi khơi, trăm phát trăm trúng. Đi trên đường thấy ai không vừa mắt là lấy làm bia ngắm bắn. Người vùng này thấy Hồng là nấp thật nhanh, nếu không nhẹ thì què chân, nặng thì mất mạng. Cha của ông Ấn một lần đi chợ về, gặp Hồng, không chào. Đi ngang qua một quãng bỗng thấy tiếng đạn nổ, nhói phía sau lưng, đổ xuống. Hồng chỉ định bắn dọa nhưng thế nào lại trúng. Cha chết, Ấn hận Hồng đến xương tủy.
    Ngày Hội đồng Hưng tổ chức rước dâu bằng ghe máy, Ấn chăng một sợi dây chìm dưới nước, chờ cho ghe chở cô dâu gần tới liền giật cho sợi dây nổi lên. Chiếc ghe bị sợi dây vướng vào chân vịt, xoay ngang, lắc lắc mấy cái rồi chìm lỉm. Giữa lúc đám rước tán loạn, hốt hoảng, Ấn cui cúi theo bờ đìa về nhà. Đêm hợp cẩn của Hồng với cô Tư, Ấn một mình uống hết lít rượu, chặt đứt lóng tay út bàn tay phải, thề độc sẽ giết Hồng để trả thù cho cha, cho mình.
    Cảnh sát Hồng cưới cô Tư xong, bỏ tiền cất tiệm tạp hóa ở chợ quận cho cô bán hàng. Từ đó cô Tư trở thành người ăn trắng mặc trơn, không còn tay lấm chân bùn ngày càng đẹp ra. Nỗi đau đớn của Ấn càng cắt cứa.
    Vào một đêm mịt mùng mưa gió, Ấn phát hiện cảnh sát Hồng một mình về thăm vợ. Ấn nong theo con rạch sau hông chợ tìm đến, dùng dao cạy cửa bếp lần đến cửa buồng cô Tư lách vào. Căn buồng có thắp ngọn đèn bình đỏ như trái ớt hiểm. Vợ chồng trẻ ôm nhau ngủ say trong tấm chăn chiên vải lanh. Quần áo vắt trên ghế tựa, bên trên là sợi dây lưng to bản bằng da, khẩu súng và con dao găm. Ấn lôi cái áo vải màu hoa cà của cô Tư, rưới vào đó cả chai thuốc mê ăn cắp được trong bệnh viện, khẽ khàng đặt phía trên đầu họ.
    Xong Ấn ra ngoài ngồi đợi lúc lâu mới trở vào ra tay.
    Lưỡi dao vung lên, máu Hồng túa ra. Ngoài trời mưa gió sấm sét giật đùng đùng. Trên mái tôn, mưa quất rào rào xối xả. Sẵn chai rượu Hồng uống dở, Ấn mở nắp tu liền mấy hớp. Men rượu mạnh ngấm vào máu rần rật, đốt phừng phừng ngọn lửa dục trong tim. Sao Ấn muốn điên lên làm vậy! Nhưng mùi máu tanh muốn ói. Ấn thấy mình ngạt thở. Thù giết cha đã trả xong. Không thể phạm tội thêm nữa. Tình yêu đâu phải là sự chiếm đoạt...
    Chuyện ấy xảy ra trước ngày miền Nam đồng khởi một năm. Bấy giờ Ấn hai mươi bốn tuổi. Cô Tư chính là chủ nhân đám giỗ mà tôi với ông Ấn tới dự. Người ngồi trên bàn thờ nhìn chúng tôi chính là cảnh sát Hồng. Nhưng giờ ông ta đâu còn bắn ai được nữa.
    *
    * *
    Chuyện đời nhiều biến chuyển. Vào một ngày mà tôi không nhớ rõ tháng mấy, trên đường đi sưu tập tư liệu bổ sung cho cuốn sử, tôi bị mắc mưa, phải vào đụt trong một ngôi nhà lợp lá dừa nước ở Xẻo Quýt. Tại đây tôi gặp con gái ông Ấn đang sống cùng đứa con nuôi xin ở xóm Bàu. Chuyện của chị về cha mình uất nghẹn, trải bao năm vẫn mới in như ngày hôm qua...
    
    Từ khi cô Tư thành vợ của Hồng, Ấn buồn tình uống rượu tối ngày sáng đêm. Bữa nọ say quắc cần câu, ngủ lăn trên bộ ngựa tại nhà người bạn. Nửa đêm mắc tiểu ra ngoài, lúc trở vô chun nhầm mùng chị hai của người bạn nhậu. Cô này có tình ý với Ấn từ lâu. Cái gì đến thì phải đến, chàng trai hừng hực tuổi xuân quyện lấy cô gái bốc lửa trong cơn say mềm mã. Ấn say sáng ngày không nhớ mình làm gì. Mà cô gái biết cột chân Ấn thêm một đêm nữa. Mới chín giờ sáng cô đã giết gà nấu cháo, phục cho Ấn và em trai say mềm. Lần này thì không phải Ấn chun mùng, mà ngược lại cô tấn công hùng hục thân xác say nhừ, khiến Ấn lử lả, bấy bá như nùi giẻ.
    Dù không yêu, nhưng ngựa quen đường cũ, từ đó, Ấn lao như thiêu thân vào tấm thân người con gái quyến rũ. Hễ cứ nhìn thấy nhau là ập vào. Rừng rực đê mê. Rừng rực cuồng dại. Nhưng mà Ấn không chịu cưới ngay cả khi cô đã tòi cho Ấn một đứa con. Ấn chỉ tìm đến cho phỉ sức xuân.
    Rồi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm sáu tám, Ấn là lính đặc công đánh vào sân bay, bị thương và bị bắt sống đày ra Phú Quốc. Tới tận năm bảy ba, khi Hiệp định Paris kí kết, Ấn được trao trả ở Lộc Ninh. Từ Lộc Ninh, Ấn theo đường giao liên tìm về lại vàm Tân Dinh bổn xứ. Tại đây Ấn sung vào du kích xã. Đánh mù trời. Rồi từ du kích được điều sang ban an ninh của công an tỉnh. Trong một chuyến công tác đặc tình, trên đường đột nhập vào vùng lõm chữ V, Ấn bất ngờ gặp Bỉnh. Bỉnh bấy giờ là bộ đội địa phương quân của huyện. Cha! Cái thằng từng chiêu hồi, từng đánh anh em tù tới sặc máu, vậy mà giờ này còn dám vác mặt theo cách mạng. Ấn nhớ lại những nhát dùi cui ba trắc mà Bỉnh từng nện lên ngực, lưng, đầu gối của mình sôi máu nhào tới, nắm chặt nòng khẩu K54 quật túi bụi. May mà anh em cùng phân đội kịp ôm ghì lại.
    Đêm ấy, trên đường thọc sâu vào vùng lõm, phân đội đặc nhiệm của Ấn gặp tao ngộ chiến. Hai bên quần nhau tới sáng thì trực thăng của địch từ trên quận bay tới đổ quân, vây chặt bằng hỏa lực bộ binh. Anh em lần lượt hi sinh. Lúc chỉ còn lại năm người, họ co cụm vào đìa rau mác, xếp số lựu đạn còn lại ra trước mặt, quyết tử thủ tới người cuối cùng. Đúng lúc ấy thì đội hình địch bỗng nhiên tán loạn vì bị quân chi viện của ta đánh xuyên hông. Đạn B40 nổ ùng ùng. Đạn RPĐ quất veo véo. Lựu đạn dồn dập gầm lên chát chúa. Sườn trái đội hình địch bị vỡ, xác lính chủ lực trung đoàn 10 sư 7 nằm xếp lớp. Ấn dẫn phân đội nhào lên, cướp vũ khí địch, đứng xổng lưng bắn. Người đầu tiên Ấn chạm mặt là Bỉnh. Anh ta đã bắn hết cơ số bảy trái B40 nên tai ù điếc đặc. Bấy giờ Bỉnh đeo chéo B40 sau lưng, tay cầm lăm lăm khẩu M79, người quấn đạn vàng chóe. Anh ta gập nòng M79, nạp đạn bắn không tiếc tay. Vừa bắn anh ta vừa khoát tay chỉ cho Ấn hướng thoát về kinh Tám Ngàn.
    Đêm ấy, từ kinh Tám Ngàn, phân đội của Ấn cùng với đơn vị bộ đội địa phương của Bỉnh hành quân tới địa điểm tập kết chuẩn bị vượt lộ. Bỉnh đi trước Ấn chừng năm mét. Anh ta không nói không rằng, cúi đầu đi chúi, lặng lẽ như cái bóng. Khi gần tới mặt lộ, không may Bỉnh đạp nhầm trái gài. Ấn chỉ kịp thấy quầng lửa lóe sáng, sau đó bị hất văng xuống ruộng. Lúc bò được lên bờ Ấn thấy Bỉnh nằm vả sấp hai bàn tay, hai ống chân từ đầu gối trở xuống bị phạt mất, ngực rách toác. Lúc đưa Bỉnh về tuyến sau chôn cất, Ấn mới biết Bỉnh là người cùng làng, là chồng người đàn bà đã sanh cho mình đứa con gái.
    Số là Bỉnh được kẻ thù trao trả trước Ấn gần nửa năm trời vì đã từng làm trật tự viên cho chúng. Khi đã nhúng tay vào chàm thì Bỉnh cũng như những tên chiêu hồi khác. Chính Ấn đã từng nhiều lần đối mặt trước cây dùi bằng gỗ ba trắc của Bỉnh.
    Vào mùa mưa năm bảy mươi, Ấn cùng anh em tù đào hầm tính vượt ngục. Hầm đã đào gần tới vòng hàng rào dây kẽm gai ngoài cùng, chẳng may lũ núi tràn về làm sạt lộ ra. Lập tức Ấn cùng đồng đội bị tụi quân cảnh và bọn giám ngục lôi ra đánh đập tra khảo. Trong số tham gia đánh hội đồng đó có Bỉnh. Không hiểu vì cơn cớ gì mà Bỉnh đánh anh em tù bằng những miếng đòn rất hiểm. Khỏe như Ấn mà cũng phải gục xuống bất tỉnh trước cây ba trắc tới hơn chục lần. Chính Bỉnh cũng tưởng Ấn đã chết. Sau hai tháng biệt giam, Ấn bị chở bằng trực thăng về Cần Thơ kêu án hai mươi năm. Trước vành móng ngựa, khi nghe tuyên án, Ấn há mồm, nhe hai cái lợi trọi lỏi, xòe hai bàn tay mất móng, hét váng lên: “Vậy chớ ai chịu án thay tui bởi cảnh mất răng, mất móng như vầy?”. Đám nhà báo đổ xô tới, bấm máy, quay phim lia lịa. Quay lại, thấy thằng cảnh sát cầm gậy ba trắc đứng sát rạt sau lưng, Ấn giựt phắt cây gậy của nó vụt đánh véo lên hội đồng nghị án. Vậy là đeo thêm tội cố sát người đương chức tại tòa. Án tử hình kêu xong, Ấn bị đày ra Côn Đảo chờ ngày hành quyết. Khi có lệnh trao trả tù binh, không hiểu sao Ấn lại được thả.
    Phần Bỉnh, do say máu đánh đập tù binh, bị anh em tổ chức dụ vào chẹn cửa nện cho một trận dở sống dở chết. Sau trận đòn đánh cảnh cáo, Bỉnh lâm bệnh cả tuần lễ, không ăn không uống được. Dứt cơn bệnh, tự nhiên Bỉnh đâm ra âm thầm lặng lẽ, suốt ngày không ai cạy miệng được một tiếng. Khi được trao trả, sau thời gian học tập, Bỉnh xin về quê. Tại đây, Bỉnh đã gặp và cưới cô vợ hờ của Ấn. Sống với vợ tròm trèm được hơn hai tháng, Bỉnh nhờ người chú ruột móc nối xin vào bộ đội địa phương của huyện. Nếu không gặp Ấn, huyện đội không bao giờ có thể ngờ là Bỉnh đã từng chiêu hồi, đã từng tra tấn đánh đập anh em mình ngoài Phú Quốc. Họ chỉ biết, Bỉnh là một chiến sĩ đánh giặc rất chì.
    *
    * *
    Đầu năm bảy nhăm, Ấn tìm về làng báo tin Bỉnh đã hi sinh. Buổi chiều, Ấn với tay công an xã ngồi nhậu bên bờ sông Ba Sắc lộng gió, bất chợt chiếc đầm già vè vè bay tới. Người đàn bà chạy ra nhắc hai người đàn ông xuống hầm, bởi nếu chiếc đầm già thấy họ, nhất định nó sẽ xối đạn trọng liên ằng ặc.
    Tay công an say khướt, nói với Ấn:
    - Ông nhát thì ông chun xuống hầm, còn gan thì ngồi nhậu tiếp. Tụi nó thua tới đít, sức mấy dám bắn!
    Ấn cũng đã say quắt, gục gặc đầu:
    - Tui coi tụi nó ra con khỉ khô gì! Để tui cho nó một phát nhớ đời.
    Nói xong, Ấn vớ AK lên đạn cái rốp. Chiếc đầm già vè vè đảo lại sát rạt đọt dừa. Ấn ngoéo cò. Mấy viên đạn bay véo lên trời. Chiếc đầm già xịt khói, bay niễng niễng như tàu bay giấy của con nít, rồi té chúi nhủi xuống Bàu Ráng hửi bùn. Không đầy năm phút sau pháo từ các chi khu dội xuống đùng đùng.
    Dứt trận pháo kinh hoàng hai người đàn ông tỉnh queo hơi rượu chạy trở vô căn nhà lá, cả hai thấy bà vợ hờ của Ấn, bà vợ có cưới xin của Bỉnh nằm sấp trên nền đất. Bà chết mà người không hề vương giọt máu, cũng không tìm thấy vết thương. Chừng tắm rửa thi thể để chuẩn bị chôn cất mới phát hiện người đàn bà xấu số bị một miểng pháo mảnh như lá lúa ghim trúng giữa thóp đầu.
    *
    * *
    Đầu tháng 9 năm 2000, tôi lại tới vàm Tân Dinh thông qua bản thảo cuốn sử. Công việc xong xuôi, tôi tìm tới nghĩa trang thăm ông Ấn. Ông nói với tôi:
    - Ngày hăm tám tháng sau bà Tư làm đám giỗ, chú về chơi cho vui.
    Thấy ông đang vui, tôi nói:
    - Hai người sống hai nơi đơn độc như vầy, xáp phứt lại, chung gạo nấu cơm cho rồi.
    Ông ngồi trầm ngâm một lúc, rồi mới đằng hắng trả lời:
    - Tui sái với bả nhiều quá.
    Tôi kể cho ông nghe về buổi tối tình cờ nghỉ lại nhà người con gái của ông. Kể bà Tư vẫn tới chơi và ngủ lại ở đấy. Ông nghe, gõ mạnh li rượu xuống bàn.
    - Vậy mới tủi đó chú. Cả hai đều là đàn bà cô độc, họ ngồi với nhau như hai giọt buồn nhểu xuống cuộc đời. Bởi vậy tui đâm ra sợ phải lánh né cả hai. Chú coi đó, tới tiền bán cá tui gởi nó cũng trả lại không sót một cắc.
    Sợ khơi thêm nỗi đau cắt cứa trong lòng ông, tôi nói lảng sang chuyện khác.
    *
    * *
    Trước khi ngồi viết truyện này tôi vừa về vàm Tân Dinh đưa linh ông Ấn. Đám ma ông diễn ra trong mưa tầm mưa tã. Giông gió giật tơi bời, sấm sét rền vang chói lói. Ngoài tốp đạo tì làm phước, chỉ chừng mươi người đưa ông ra huyệt mộ. Khi hạ huyệt, vì nước ngập lỏng bỏng, phải tới năm sáu người nhảy xuống, dùng sức nặng đè quan tài xuống đáy. Cả tôi cũng nhảy xuống. Tôi nghe dưới chân mình, hình như ông Ấn đang cựa quậy. Hay là ông đang nói. “Chú mầy đừng quên đám giỗ nhé. Đúng ngày hăm tám tháng sau nghen!”. Cô con gái đen giòn của ông Ấn đang lả đi trong vòng tay yếu ớt của bà Tư. Mấy người đàn ông cui cúi xúc từng xẻng đất hất xuống miệng huyệt. Cứ đất lấp tới đâu thì chúng tôi nhích chân lên tới đó. Vậy mà đất vẫn cứ nhão ra. Hơn cả tiếng đồng hồ mới đắp được lùm lùm nấm mộ cho người đã khuất.
    Người ta kể rằng, mới sáng sớm đã thấy ông Ấn thả đàn gà, nổi lửa đốt mấy cái chuồng cháy đùng đùng, rồi gõ xoong nồi inh ỏi, xua đàn gà lôi, gà tre, hoảng loạn chạy tứ tán. Tới cái ao cá rộng hơn bốn công đất, ông cũng xẻ đường mương, xả nước cho cá thoát hết ra ngoài. Ông Ấn chết thế nào không ai biết. Chỉ biết ông đã tắm rửa sạch sẽ, đã thay bộ bà ba đen. Đến cái bao gối, mền chỉ cũng giặt sạch, phơi nắng thơm phức. Cái mền ấy được ông xếp gọn lại, vắt ngang qua bụng chừng một gang tay. Như vậy là ông biết trước sẽ ra đi.
    Làm sao ông biết trước ngày giờ Chúa gọi ông lên thiên đàng cơ chứ? Tôi nhớ có lần ông nói với tôi rằng đêm qua ông nằm mơ. Đầu tiên ông mơ thấy người bạn tù của ông hiện về. Anh ta nói, ra đem cái hầm bí mật ngoài Phú Quốc về, đặt nó vô nghĩa trang mà dẫn nước tưới cho hoa kiểng. Ông nghe lời bạn, khòm lưng móc cái hầm ấy lên. Cái hầm nặng chình chịch, khiến ông phải gồng cả người. Bỗng nghe rắc một tiếng nơi cột sống, ngang chỗ thắt lưng, đau nhói chạy rần rần khắp cơ thể. Ông té lăn xuống đất, nằm gọn lỏn dưới cái hầm chật chội đỏ hoét màu đất núi. Người bạn tù cũng nằm chết trần truồng bên cạnh. Thân hình quắt quéo của anh rách bấy bá vì roi đuôi cá đuối. Mười ngón tay của anh đỏ lòm vì vừa bị rút móng. Miệng anh cũng đỏ lòm những máu vì vừa bị đục sạch cả hai hàm răng. Nhìn một lúc, tự dưng ông Ấn thấy xác người đồng đội rùng rùng chuyển động. Lòa nhòa, lóa nhóa. Hệt như lúc ông bị tụi giám thị dùng củi gộc nện vào thắt lưng tới ngất xỉu. Đầu ông Ấn ong ong nhức nhối, mồ hôi tứa tướp đầm đìa. Tỉnh dậy, ông thấy đau rần nơi thắt lưng và đỉnh đầu; gần tháng trời không nhúc nhắc chân tay làm được việc gì nên chuyện.
    Buổi tối, tôi ngồi uống rượu đưa linh ông tại ngôi nhà quản trang. Đang say, bỗng giật mình, đằng sau nghĩa trang, trong cánh rừng dầu, mấy ngàn con cò nổi lên đập cánh rào rào hoảng loạn. Bây giờ ông Ấn đã nằm xuống, ai sẽ là người thổi linh hồn cho hoa kiểng trong nghĩa trang? Ai sẽ thay ông Ấn giữ phần hồn cho người đã khuất, giữ luôn cả phần xác cho người đang sống đây?

Kết Thúc (END)
Hồ Tĩnh Tâm
» Huyền Thoại Về Con Cọp Trắng
» Người Đàn Bà Điên
» Em Bé Và Ông Lão Bán Bóng
» Cô Gái Gọi Mặt Trời
» Bốn Mùa Bông Súng Nở
» Bập Bùng Giai Điệu
» Cha Con Người Phố Hẹ
» Người Quản Trang Vàm Tân Dinh
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen