Đêm hoàng cung lạnh lẽo. Không gian tĩnh mịch. Chính cung Bùi Thị Nhạn ngồi thẫn thờ trên ghế, thỉnh thoảng liếc ra cửa. Đĩa trái cây để sẵn trên bàn từ lúc chiều vẫn còn nguyên. Chính cung chờ đợi một âm thanh quen thuộc, mường tượng tiếng bước chân mạnh mẽ trên hành lang. Rồi nhà vua xuất hiện, ân cần hỏi: “Hậu có khỏe không?”. Đây là thời khắc vui nhất… Nhưng đã qua giờ Hợi rồi mà bên ngoài vẫn im phăng phắc. Chính cung càng thêm ủ dột. Lại một đêm thấp thỏm ngóng trông rồi thất vọng chán chường. Cung nữ Ngọc Hoa đứng hầu sốt ruột lên tiếng:
- Thưa hoàng hậu, chắc bệ hạ không đến đâu, mời người đi nghỉ ạ!
Chính cung cáu gắt:
- Sao ngươi biết không đến?
Ngọc Hoa cúi mặt xuống, sợ hãi luống cuống. Nhận ra sự nóng nảy vô lí của mình, Bùi Thị Nhạn dịu giọng:
- Có lẽ người đã tới Bắc cung. Thôi, ngươi lui ra. Khi nào cần ta sẽ gọi.
Người cung nữ đi khuất sau cửa hậu. Bùi Thị Nhạn dựa vào thành ghế. Thầm oán trách nhà vua không còn đoái hoài tới chuyện chăn gối với mình. Cung vàng điện ngọc mà chi? Ngôi cao tột đỉnh làm gì khi phải phòng không vò võ? Nỗi thèm khát cồn cào những phút giây mặn nồng ân ái, quằn quại đê mê dưới tấm thân cường tráng người chồng… Giờ chỉ còn trong nuối tiếc. Chỉ tại ả Ngọc Hân đó. Năm Bính Ngọ, Bắc Bình Vương chinh phạt Bắc Hà thắng trận trở về, đem theo nàng công chúa nhà Lê trẻ trung phơi phới, từ đó mê đắm nhan sắc ấy, hễ đi chinh chiến thì thôi, khi về cứ quấn quýt không rời. Nếu không có ả ta thì mình đâu bị ghẻ lạnh như bây giờ…
*
* *
Bùi Thị Nhạn ngậm ngùi nhớ lại buổi đầu gia nhập đội nữ binh Tây Sơn dưới trướng Đại tổng lí Bùi Thị Xuân. Bùi Thị Nhạn là cô ruột nhưng tuổi đời ít hơn, lại không bì được tài đảm lược của Đại tổng lí. Bởi vậy trong quân, Bùi Thị Xuân thường kèm cặp giúp đỡ, tận tình truyền dạy võ nghệ, nhưng không hài lòng khi xem Bùi Thị Nhạn luyện kiếm. Một hôm, sau buổi tập, Bùi Thị Xuân bảo:
- Đường gươm của cô thiếu sắc lạnh, không đủ uy lực dồn ép đối thủ. Khi lâm trận, cô phải tập trung cao độ, quan sát đối thủ, ra tay phải dứt khoát lạnh lùng. Chỉ một thoáng lơ là mất mạng ngay tức khắc.
Bùi Thị Nhạn đáp:
- Cô không có chí xông pha trận mạc, học võ chỉ để phòng thân thôi.
Nghe vậy, Bùi Thị Xuân không nói gì nữa. Thật ra, Bùi Thị Nhạn thấy mình không hợp với nghiệp gươm đao. Vì bản tính vốn đa cảm, thích quan lãm sơn thủy hữu tình, vui cùng chim hót, gió mây. Lại đang thầm thương trộm nhớ một người. Đó là Đại tổng quản Nguyễn Huệ. Đại tổng quản cũng có tình ý với Bùi Thị Nhạn. Mỗi khi từ chiến trường xa trở về, việc trước tiên là tới doanh trại nữ binh ân cần hỏi han tình hình ăn ở, tập luyện, bố phòng, nhưng thực ra chỉ muốn gặp Bùi Thị Nhạn… Không thấy người cần tìm, nghe Đại tổng lí bẩm báo mà tâm trí Nguyễn Huệ lơ đễnh như để đâu đâu. Có lần Bùi Thị Xuân phát cáu: “Ngài có nghe tôi nói không đấy?”. Nguyễn Huệ chống chế: “Có, ta đang nghe, cứ tiếp tục đi…”. Nhưng Nguyễn Huệ đã yên bề gia thất nên không thể mở lời với Bùi Thị Nhạn. Mấy năm sau, chính thất Phạm Thị Liên qua đời vì bạo bệnh. Chờ mãn tang vợ, Nguyễn Huệ trầu cau tới nhà Bùi Thị Nhạn hỏi cưới. Niềm hạnh phúc đong đầy khi con trai đầu lòng là Nguyễn Quang Toản ra đời…
*
* *
Năm Mậu Thân, trước khi xuất binh ra Bắc Hà đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, đóng đô ở Phú Xuân. Nhà Vua bày đại lễ, chiếu cáo thiên hạ tấn phong hai hoàng hậu: Bùi Thị Nhạn làm Chính cung, Lê Ngọc Hân làm Hữu cung. Lập Nguyễn Quang Toản làm Thái tử. Sau khi ca khúc khải hoàn, nhà Vua lại phong Ngọc Hân làm Bắc cung hoàng hậu. Họ Bùi trở thành một thế lực lớn trong triều. Chẳng có tài cán, công trạng gì như Quốc cữu Bùi Đắc Tuyên cũng giữ chức Thị Lang bộ Lễ, xênh xang áo mũ. Cậy em gái là hoàng hậu đương triều, Tuyên ngông nghênh ra vào cung cấm, không ai dám ngăn cản. Quang Toản rất thích người cậu này, mỗi lần Tuyên tới là vui mừng khôn kể. Tuyên thường dẫn Quang Toản ra vườn ngự uyển bày những trò chơi lạ lùng. Quang Toản hết sức thích thú, không ít lần mê mải chơi đến mức bỏ bê việc học. Nghe thầy dạy thái tử bẩm báo, Vua Quang Trung gọi Tuyên và Quang Toản vào nghiêm khắc nhắc nhở. Nhưng việc nước đang căng thẳng, quân Nguyễn có sự giúp sức của bọn Phú Lang Sa đã làm chủ Gia Định, lực lượng không ngừng lớn mạnh. Nhà Vua cùng các bề tôi ngày đêm lo nghĩ mưu tính việc thảo phạt nên không chú ý đến chuyện học của thái tử nữa. Tuyên nhân đó lấn tới, mê hoặc thái tử, nói gì Quang Toản cũng nghe, khiến gì cũng làm theo. Nhìn thái tử chơi đùa ngô nghê, Tuyên mỉm cười đắc ý...
*
* *
Bùi Đắc Tuyên sinh ra trong gia đình cự phú ở làng Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn. Tuyên lêu lổng chơi bời, cờ bạc, rượu chè, la cà tửu điếm, ghẹo nguyệt trêu hoa… Bùi Đắc Lương, cha của Tuyên quở mắng:
- Tao bạc phước mới đẻ ra thằng con hư hỏng như mày. Nếu không tu chỉnh, tao nhất định trị theo gia pháp.
Tuyên giả vờ biết lỗi, hứa tu tâm dưỡng tánh cho qua chuyện. Ít lâu sau, Bùi Đắc Lương qua đời, Tuyên như sổ lồng, càng sống buông tuồng, chơi bời tợn. Tuyên bẻm mép, khôn khéo, dễ lấy lòng người khác. Nghe Tuyên nói, không tỉnh táo rất dễ xuôi chiều. Là huynh muội, hơn ai hết, Bùi Thị Nhạn biết rõ thói hư tật xấu của Tuyên nhưng lúc nào cũng coi là chỗ dựa tin cậy.
Một lần trò chuyện, thấy Bùi Thị Nhạn có vẻ buồn, Bùi Đắc Tuyên gạn hỏi. Bùi Thị Nhạn không giấu giếm, kể hết nỗi lòng mình. Tuyên đăm chiêu:
- Bắc cung đã sinh được hoàng tử Nguyễn Quang Đức. Biết đâu sau này bệ hạ vì quá sủng ái ả mà phế bỏ thái tử, cho con ả kế vị ngôi vua. Khi đó, mẹ con muội sẽ gặp nguy hiểm. Họ Bùi ta cũng không tránh khỏi vạ lây.
Bùi Thị Nhạn lo lắng:
- Vậy phải làm gì đây?
Bùi Đắc Tuyên trấn an:
- Việc này phải tính kĩ, không thể ngày một ngày hai mà xong được. Huynh sẽ liệu cách đối phó. Muội phải giữ kín. Sơ xuất cả họ Bùi ta mất mạng như chơi.
Lời của Tuyên như đốt lửa bỏng rát trong lòng Bùi Thị Nhạn. Còn nhớ, mùng năm tết Kỉ Dậu, Vua Quang Trung tiến quân vào Thăng Long. Lúc ấy, đào Nhật Tân thắm tươi nở rộ. Nhà Vua chọn một cành đang nụ đẹp nhất, buộc chéo bằng lạt giang mềm, ngoài phủ gấm vàng, sai các dịch trạm hỏa tốc đưa vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân báo tin thắng trận. Trông Ngọc Hân vui sướng đón nhận cành đào, Bùi Thị Nhạn chạnh lòng ấm ức. Mặc dù Bắc cung luôn khiêm cung, giữ lễ, chào hỏi đúng phép tắc khi gặp mặt, nhưng Bùi Thị Nhạn lại có cảm giác ả ta diễn trò. Trong đầu đắc ý cười mỉa một kẻ sinh ra chốn dân dã, gặp thời ngồi vào ngôi vị chính cung. Không như mình xuất thân cao quý mang dòng máu hoàng tộc. Càng nghĩ, càng ngun ngút căm giận...
*
* *
Tết Nguyên Tiêu, Vua Quang Trung mở tiệc tại vườn ngự uyển. Trăng tròn sáng tỏ. Đèn lồng lấp lánh trên các lối đi. Xiêm y lượt là, mặt hoa da phấn, sắc hương ngào ngạt. Trên bàn bày sẵn rượu quý và những thức sang trọng… Bàn nhà vua ở vị trí trung tâm, bên hữu là Chính cung, bên tả là Bắc cung. Phi tần, Hoàng tử, Công chúa, các đại thần và phu nhân ngồi theo thứ bậc bên dưới. Nhà Vua bảo:
- Hôm nay, các khanh vui một bữa thỏa thích nhé.
Quang Trung vẫn thế, một đời không dời đổi. Lúc trận mạc thì oai phong lẫm liệt, hiên ngang dũng mãnh, tướng sĩ đội ngũ chỉnh tề, hiệu lệnh răm rắp. Lúc vui vầy thì xuề xòa dễ tính, không câu chấp lễ nghi cung đình. Tiệc đang diễn ra hào hứng. Chợt nhà vua ra hiệu cho tất cả im lặng rồi nói:
- Trẫm một đời chinh chiến, từ áo vải mà dựng nên đế nghiệp. Nhưng với trẫm, trên đời này quý nhất là có được Bắc cung. Chuyến ra Bắc Hà năm ấy có ý nghĩa nhất với trẫm.
Ngọc Hân đứng dậy vòng tay cung kính:
- Thần thiếp vô cùng cảm kích lòng thương tưởng của bệ hạ.
Cơn ghen tức lại trỗi dậy. Nhưng Bùi Thị Nhạn vẫn im lặng. Bất chợt bắt gặp ánh mắt hậm hực của Bùi Đắc Tuyên ở dãy bàn dành cho hoàng thân quốc thích.
Nhà Vua nói tiếp:
- Bắc cung có tài cầm kì thi họa. Đêm nay, các khanh sẽ được thưởng thức tiếng đàn của nàng.
Nhiều người dự tiệc lâu nay chỉ thấy nhan sắc mặn mà, dáng vẻ yểu điệu thanh cao, phong cách nho nhã của Ngọc Hân, còn nghề đàn thì chưa từng biết. Ai cũng háo hức chờ nghe. Ngọc Hân bước tới chiếc ghế kê sẵn dưới mấy khóm hoa. Một cung nữ ôm cây nguyệt cầm bước tới trao cho nàng. Ngọc Hân ôm đàn, ngồi vào ghế, tì gót chân vào thang ghế, so dây nắn phím. Chiếc áo choàng lụa tím làm tôn thêm nét yêu kiều. Mắt nàng long lanh. Đầu ngón tay trái bấm xuống cung đàn. Những ngón mềm mại chạm vào dây tơ như múa trên bầu đàn. Tiếng đàn réo rắt trỗi lên. Điệu chầu văn Bắc mang âm hưởng dân ca vui tươi, trang trọng, mượt mà. Rồi ca Huế với những điệu lí, điệu hò bay bổng khơi gợi cảm xúc xao xuyến, bâng khuâng… Các ngón vê, ngón phi, ngón rung, ngón nhấn, ngón luyến… tạo ra màu âm có sức quyến rũ lạ thường… Trong không gian ảo huyền, những giai điệu dìu dặt, xốn xang làm ngơ ngẩn người nghe. Ngọc Hân ngây ngất theo tiếng đàn. Gương mặt thanh khiết như bầu trời trong veo không một gợn mây…
Bùi Thị Nhạn ngây người trên ghế. Tiếng đàn làm trào dâng trong lòng những rung cảm lạ lùng. Người đánh đàn kia không còn là Bắc cung hoàng hậu nữa, mà đẹp lung linh như một hình ảnh diệu kì của tạo vật. Tiếng đàn dừng hẳn... Một thoáng im lặng... Tiếng vỗ tay chợt rào rào vang lên. Vua Quang Trung vội bước ra khỏi bàn, đi tới dìu Ngọc Hân về bàn tiệc. Nhà Vua nói với Chính cung:
- Mỗi lần nghe tiếng đàn của nàng ấy, dù mệt mỏi, căng thẳng tới đâu, lòng trẫm cũng trở nên thư thái, nhẹ nhõm.
Bao nhiêu năm chung sống, chưa bao giờ Bùi Thị Nhạn thấy ánh mắt nhà vua dịu dàng như thế…
*
* *
Đêm ấy, Bùi Thị Nhạn trằn trọc không sao chợp mắt. Không phải vì mòn mỏi chờ đợi nhà vua như mọi khi. Mà bởi bao ý nghĩ rối bời trong tâm trí. Chơi vơi trong tiếng đàn, Bùi Thị Nhạn đã cảm thấu nét đẹp hồn hậu, trong sáng, ăm ắp yêu thương trong tâm hồn Ngọc Hân. Tâm hồn ấy không có chỗ cho những dung tục, xấu xa, điều tiếng thị phi tầm thường… Mình đã lầm khi oán trách Ngọc Hân. Cứ ngỡ nhà Vua yêu chiều vì đam mê sắc dục, bị quyến dụ bởi tấm thân xuân sắc nõn nà và những ngón nghề chốn phòng the vốn được chỉ bảo tường tận cho các cành vàng lá ngọc khi xuất giá vào cửa quyền quý. Nào ngờ, nhà vua say đắm còn bởi một hồng nhan tài hoa có một không hai. Không riêng gì nhà vua, trước một Ngọc Hân như thế, ai mà không trân trọng yêu mến? Ai mà có thể oán ghét căm hờn…
Bùi Thị Nhạn tới cung Ngọc Hân nhiều lần nữa. Khi thì nghe gảy đàn, đọc thơ, lúc xem những bức tranh mới vẽ. Mối giao tình ngày thêm thân thiết. Tối hôm đó, khi Bùi Thị Nhạn đến, Ngọc Hân không có trong phòng. Người cung nữ của Ngọc Hân cho biết, Bắc cung đi ra vọng lâu ở hoa viên phía sau. Bùi Thị Nhạn rảo bước đến đó. Thấy Ngọc Hân ngồi với dáng vẻ ưu tư. Bùi Thị Nhạn tới gần, lên tiếng:
- Muội có tâm sự gì mà ra đây ngồi một mình?
Ngọc Hân giật mình:
- Không biết tỉ đến, muội thất lễ, xin thứ tội.
Bùi Thị Nhạn nhỏ nhẹ:
- Chỉ có tỉ muội mình, không cần phải lễ nghi. Tỉ nghe muội ở đây, đến trò chuyện thôi mà.
Chính cung nhìn vào mắt Ngọc Hân:
- Muội có chuyện buồn thì phải? Tỉ có thể giúp được gì không?
Bùi Thị Nhạn khích lệ, Ngọc Hân ngập ngừng, thổ lộ:
- Từ khi vào Phú Xuân, mấy năm rồi chưa trở về Thăng Long. Rường cột cũ mục nát, lại qua những trận binh lửa, cung khuyết thêm hoang tàn. Gia đình, dòng tộc bây giờ ra sao. Ai còn, ai mất. Nỗi mong nhớ quặn thắt trong lòng. Tỉ ơi, muội muốn về quê thắp nén hương cho tổ phụ nhưng biết bao giờ mới được?
Bùi Thị Nhạn vỗ về khuyên giải:
- Lòng hiếu thuận của muội trời cao thấu tỏ. Nhưng lúc này bệ hạ bận việc nước, chưa rỗi rảnh lo việc nhà. Đợi khi thư thả, tỉ thưa chuyện với bệ hạ. Tỉ sẽ cùng đi với muội ra thăm thú Bắc Hà một chuyến cho biết.
Úp mặt vào vai Chính cung, Ngọc Hân thổn thức:
- Cảm ơn tỉ đã cảm thông.
Bùi Thị Nhạn xúc động vòng tay ôm lấy Ngọc Hân… Vua Quang Trung đến từ lúc nào. Nhà Vua nghe hết cả. Nhưng cứ đứng lặng yên, mắt rớm lệ. Rồi quay gót khẽ khàng…
*
* *
Năm Nhâm Tí, Vua Quang Trung phát bệnh đột ngột rồi băng hà, triều đình Phú Xuân chìm trong tang tóc. Chỉ có Bùi Đắc Tuyên mừng như mở cờ trong bụng. Tuyên thầm nghĩ: “Trời đã cho ta cơ hội bằng vàng đây”. Nguyễn Quang Toản nối ngôi lấy hiệu là Cảnh Thịnh. Tôn Bùi Thị Nhạn làm Hoàng thái hậu. Bùi Đắc Tuyên được phong chức Thái sư. Cảnh Thịnh còn quá nhỏ, Tuyên nắm quyền phụ chính, phán quyết mọi việc trong triều ngoài cõi. Tuyên lôi kéo bè đảng tạo thêm vây cánh. Nhiều đại thần không ưa gì Tuyên, nhưng thấy thế mạnh, sợ lụy đến thân nên chọn cách dĩ hòa vi quý. Nhưng có một số người bất phục ngấm ngầm chống lại. Tuyên dò biết, định bụng phải tìm cách nhổ những cái gai đó đi. Bấy giờ, nghe tin Quang Trung mất, quân Nguyễn thừa cơ tấn công quyết liệt. Tình thế phương Nam nguy ngập, đất đai, thành trì lần lượt rơi vào tay giặc. Các tướng trấn giữ cấp báo xin quân cứu viện, Tuyên vẫn điềm nhiên, bỏ mặc các tướng tùy nghi đối phó.
Tuyên lo nhất là Ngọc Hân. Người Tuyên căm ghét tận xương tủy. Nếu bọn chống đối kia lấy danh nghĩa tôn phò Hoàng tử Nguyễn Quang Đức nổi dậy lật đổ Cảnh Thịnh thì sao? Chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chi bằng trừ khử đi là thượng sách. Lo tang lễ Quang Trung xong, buổi thiết triều hôm ấy, Bùi Đắc Tuyên đưa ra vấn đề nghị sự:
- Hôm nay có chuyện hệ trọng liên quan đến cái chết của Tiên đế.
Cả triều đình xôn xao không hiểu điều gì đã xảy ra. Tuyên thét bảo lính áp giải Bắc cung vào. Ngọc Hân lê từng bước nặng nề. Vóc dáng tiều tụy, héo hon, tóc không cài trâm, xiêm y rũ rượi… Tuyên lạnh lùng trỏ vào mặt Ngọc Hân, gằn mạnh từng tiếng:
- Bệ hạ băng hà là do bị ả hạ độc.
Ngọc Hân sững sờ trân trân nhìn Thái sư, môi mấp máy, muốn nói mà không thành lời. Quan Hàn lâm viện Đãi chiếu Đinh Sỹ An hỏi:
- Thưa Thái sư, căn cứ vào đâu mà buộc tội Bắc cung?
Tuyên trừng mắt nhìn Đinh Sỹ An:
- Ai mà chẳng rõ. Nhà Lê tuyệt diệt bởi tay Vua ta. Ả ngấm ngầm nuôi hận, rắp tâm trả thù.
Quan Thị lang bộ Lễ Trần Long Vỹ lên tiếng:
- Bẩm thái sư. Theo luật của triều ta, muốn kết tội bất kì ai, thì phải có chứng cứ rõ ràng, đầy đủ. Thứ dân thì có quan địa phương xét xử. Quan lại, hoàng thân quốc thích thì phải giao cho Bộ Hình thụ án rồi dâng cáo trạng cho Hoàng thượng phê chuẩn. Không thể làm trái mà gây oan sai được.
Thái úy Phạm Công Hưng là anh cùng mẹ khác cha với Tuyên, cao giọng bênh vực:
- Các ông to gan thật, không biết trời cao đất dầy, dám trái ý Thái sư à?
Quan Thái tử Trung doãn Võ Văn Cao tính cương trực, liền phản bác:
- Thái úy nói sai rồi. Bắc cung hoàng hậu là bậc Mẫu nghi thiên hạ, danh phận cao quý Không thể buộc tội một cách tùy tiện vô cớ, xúc phạm tôn nghiêm, làm mất thể diện hoàng gia.
Nhiều người gật gù tán đồng. Tuyên học hành ít ỏi, việc triều chính còn lơ mơ, cứ ngỡ nắm quyền lực trong tay, nói gì bá quan cũng phải hùa theo. Nhưng không ngờ lại gặp rắc rối như vậy. Tuyên lúng túng chưa biết xử trí thế nào. Phạm Công Hưng liền nói đỡ:
- Từ lúc tiên đế lâm bệnh đến khi băng hà, Thái hậu ngày đêm bên cạnh lo thuốc thang, chăm sóc. Việc thực hư thế nào, cứ hỏi Thái hậu sẽ rõ, hà tất phải bàn cãi.
Thái sư hớn hở:
- Phải! Phải đấy!
Rồi bảo thái giám:
- Mời Thái hậu đến ngay lập tức.
- Ta đến rồi đây.
Bùi Thị Nhạn bước vào. Lúc nãy, người cung nữ của Ngọc Hân gấp gáp chạy tới báo tin. Biết có chuyện chẳng lành, không kịp thay lễ phục, vội vàng đi ngay. Thái hậu đến bên Ngọc Hân, ôn tồn hỏi:
- Chuyện gì xảy ra với muội vậy?
Ngọc Hân uất ức nghẹn ngào, nét mặt lộ vẻ đau khổ tột cùng. Chưa kịp trả lời, Thái sư đã chen ngang:
- Kính mong Thái hậu nói rõ tội đầu độc Vua của ả để triều đình luận tội.
Nghe lời ấy, Thái hậu giận run người, không còn giữ được bình tĩnh:
- Thái sư là rường cột nước nhà, sao lại nói lời hồ đồ thế?
Thái hậu bước lên chỗ ngai rồng. Cảnh Thịnh đang lo lắng. Không hiểu vì sao mấy ông quan to tiếng với nhau. Thấy mẹ, bụng vui lắm, nhưng vẫn ngồi trơ như phỗng. Thái hậu quắc mắt nhìn khắp các đại thần một lượt:
- Các ngươi nghe rõ đây. Lúc lâm chung, Bệ hạ gọi ta lại trăng trối, bảo phải thay Người chăm lo cho Bắc cung. Kẻ nào dám mạo phạm đến Bắc cung là làm trái ý chỉ của Người. Tội ấy sẽ bị nghiêm trị theo quốc pháp, nghe chưa!
Ai nấy im phăng phắc. Bùi Thị Nhạn bước xuống, nắm tay Ngọc Hân:
- Khổ cho muội nữa rồi. Muội tội nghiệp của ta. Lòng son sắt của muội đối với Bệ hạ không ai hiểu bằng ta đây. Đi về cung với ta nào!
Cả hai cùng ra khỏi điện. Bùi Đắc Tuyên vừa kinh ngạc, vừa tức tối, mặt tái nhợt, đứng sững như trời trồng, hai hàm răng nghiến lại….
*
* *
Ngọc Hân và các con được Thái hậu đưa lên chùa Kim Tiên ở, sai các võ sĩ thân tín ngày đêm túc trực bảo vệ. Lại thường xuyên đến thăm hỏi. Sau sự việc đó, Bùi Đắc Tuyên lạnh nhạt với Thái hậu. Ở triều, Tuyên ngày càng tự tung tự tác, làm nhiều điều càn rỡ, quá quắt. Những bề tôi trung thành với Vua Quang Trung người thì bị bãi chức đuổi về vườn như Võ Văn Cao, Trần Long Vỹ, Đinh Sỹ An… Kẻ bị giết hại tàn độc như Lê Văn Hưng, một trong Tây Sơn thất hổ tướng… Khắp nơi ca thán, thù hận chất chồng. Nhưng Tuyên lại tưởng thiên hạ đã phục tùng mình nên ủ mưu soán nghịch, muốn phế bỏ Cảnh Thịnh, đưa con là Bùi Đắc Trụ đang giữ chức Thị trung Tham mưu lên ngôi báu. Mưu đồ chưa kịp thực hiện, hai cha con Tuyên bị Đại tư đồ Vũ Văn Dũng bắt nhốt vào cũi dìm xuống sông Hương.
Năm Kỉ Mùi, Ngọc Hân phát bệnh nặng. Thái Hậu lo lắng, truyền cho quan ngự y hết sức cứu chữa. Nhưng không qua khỏi. Thái hậu đau đớn khôn xiết, khóc thương thảm thiết. Triều đình tổ chức lễ tang trọng thể theo nghi thức hoàng gia. Phụng chiếu Vua Cảnh Thịnh, quan Thượng thư bộ Lễ Phan Huy Ích soạn bài văn tế, đích thân nhà Vua đọc trước linh sàng. Sau đó triều đình truy tặng thụy hiệu “Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng hậu”, lưu danh đến muôn đời sau.
*
* *
Tháng năm, năm Tân Dậu, Nguyễn Vương tiến đánh Phú Xuân. Tướng Tây Sơn là Phò mã Nguyễn Văn Trị đem quân chống cự. Nhưng thất bại. Xâm xẩm tối, tàn quân Tây Sơn hỗn loạn, táo tác chạy về kinh thành. Đô đốc Bùi Thị Xuân đem đội nữ binh hộ giá Vua Cảnh Thịnh và Thái hậu rời khỏi hoàng cung, nhắm phương Bắc mà đi. Đoàn người lầm lũi bước. Đi đã được khá xa, ai nấy đều mệt lử, Bùi đô đốc cho mọi người tạm nghỉ một lúc. Bùi Thị Nhạn ngậm ngùi trông lại. Lửa cháy đỏ rực một góc trời. Trên không, vầng trăng tỏa một vòm sáng xanh xao. Vầng trăng sao gần gũi thân thiết quá! Vành trăng tròn vạnh giống như cái bầu đàn. Cần đàn là những sợi mây đen lượn lờ trên đỉnh trăng. Không kìm được, Bùi Thị Nhạn bồi hồi thốt lên: “Nguyệt cầm! Đúng là nguyệt cầm…”. Bỗng từ trong tâm tưởng vẳng lên khúc Nam Ai quen thuộc. Giai điệu nhớ tiếc, buồn thương, sầu thảm như một lời nỉ non, ai oán não nùng làm xao động cả trăng đêm…
Kết Thúc (END) |
|
|