Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ngược Chiều Đón Tết Tác Giả: Sưu Tầm    
    Mấy năm sau ngày mãn tang chồng và sau nhiều năn nỉ của con, người mẹ rời quê lên phố ở với dâu con và cháu nội. Trước khi đi, bà gọi các con lại bảo, không được bán nhà bởi bà không muốn có quê mà chẳng có nhà, lại còn lo xa, sau này con cháu về không có chỗ trú chân rồi phai nhạt quê cha đất tổ. Cô con gái có chồng ở gần sẽ thay mẹ chăm sóc vườn cây, nhà cửa, ngày rằm, mùng một dâng hương tổ tiên. Điều mong muốn thứ hai của mẹ là giỗ chạp, ngày Tết phải đưa bà về quê tế lễ cũng được các con nhiệt liệt tán đồng.
    
    Người mẹ từng trải những ngày lê thê ở nơi tha hương, nhẩm tính các dịp lễ trọng trong năm. Từ hiệp kị của tộc đến ngày giỗ ông bà cố, ông bà nội… cả ngày kị của những “hữu danh vô vị” bà đều nhớ. Lễ đơn giản thì bà bày hương hoa, bánh trái lên bàn thờ, vái vọng về quê nhà; giỗ lớn thì bà về lại ngôi nhà của mình, có khi về trước mấy ngày lau chùi nhà cửa, sắm sửa, trưng bày.
    Khi những đợt mưa dầm đã thưa và trời bắt đầu se lạnh, bà về quê nhiều hơn; ấy là dịp chạp mả. Bà chẳng bao giờ quên ngày tôn tạo mộ phần tổ tiên từ bên nội đến bên ngoại của tứ thân phụ mẫu. Nếu ốm không về được, bà lại áy náy, thấy chưa tròn đạo nghĩa với người đã khuất; thế là nung nấu, chờ đến năm sau. Tết thì bà về nhà cả tháng liền.
    
    Tết đến, người mẹ và con trai dường như đi hai hướng ngược nhau-con đi lên và mẹ đi lui. Bà lui về quê cùng người xưa và những tháng năm xưa. Bà đi khắp xóm thăm bà con, họ hàng và những người thân quen từ thời còn để chỏm; xa xưa lại quay về và họ cùng ngồi lại ngoái đầu thương dĩ vãng. Bà còn qua bên kia sông thăm lại nơi từng nương nhờ trong những năm tản cư, chạy giặc. Ở đó có nhiều gia đình sẵn lòng che chở mẹ con bà, nhất là bà Hai Đang.
    
    Thăm ông đồ già từng dạy mình thuở bình dân học vụ, bà luôn mồm “dạ” và “thưa thầy”. Người thầy chẳng qua trường lớp sư phạm nào từng dạy bà cùng đám trẻ nghèo trong xóm gần năm; tính ngày thì chẳng được bao nhiêu nhưng đã cho họ biết đọc, biết viết. Thấy bà hết mực cung kính, ông cụ không hài lòng: “Tôi chỉ bày cho các cô được đôi chữ, tôn xưng quá, tôi ngại lắm!” Nhưng bà không chịu, vẫn giữ cái lý “nhất tự vi sư…”.
    
    Trong khi đó, Tết với con trai bà vất vả hơn ngày thường rất nhiều. Lịch làm việc của anh trong dịp Tết, nếu gọi đúng là “kế hoạch công tác Tết”. Không chỉ lo sản xuất, kinh doanh, bảo vệ an ninh và thực hiện các chế độ chính sách mà Tết còn là dịp kết nối quan hệ, nhất là với cấp trên. Đôi khi anh lẩn thẩn nghĩ, từ “quan hệ” sao đa nghĩa, sao được hiểu linh động đến thế.
    
    Người không giỏi quan hệ có khi còn bị cho không thức thời; đã thế, “vua” không biết mặt “chúa” không biết tên thì mong gì ưu ái với nâng đỡ. Tất nhiên, xa xôi cách trở thì không thể thắt chặt quan hệ được mà phải lại gần, thật gần và hơn thế nữa. Vậy nên, lối đi lên quen thuộc của anh trong dịp Tết là hướng đến cơ quan hay nhà riêng các sếp.
    
    Đã có lần bà loáng thoáng nghe con “khai sáng” cho một đồng nghiệp, không phải về kinh nghiệm công tác hay kiến thức gì mà là về sở thích của sếp. Từ việc sếp đi giày số mấy, thích trang phục màu gì và của hãng nào, cả loại nước hoa vợ sếp hay dùng… đều được con bà kể vanh vách. Bà ngu ngơ nghĩ, sao soi mói vào riêng tư của người ta như thế để làm gì. Sau đó, nghe con trai bảo vợ mua mấy thứ quà tặng sếp với những chỉ số tiêu chí nghiêm ngặt, bà mới tỉnh ra.
    
    Trong khi hình ảnh con trai tươi cười rạng rỡ trao quà cho người nghèo, người tàn tật trong dịp Tết in trên các báo thì người mẹ lặng lẽ với việc làm tương tự. Về quê, bà tìm đến những gia đình nghèo hoặc có người đau ốm, những trẻ mồ côi trong xóm thăm và tặng quà. Khi bà cùng con gái đến thăm một ông cụ cô đơn ở gần thì gặp mấy bà láng giềng cũng đến chơi.
    
    Chuyện dài miên man khiến con gái sốt ruột, mấy lần nhắc về nhưng mẹ chẳng muốn dứt ra. Chờ mấy bà về hết, mẹ bảo con ra ngõ trước rồi ngồi với chủ nhà một lúc nữa. Trên đường về, con hỏi: “Mẹ sao lâu thế?” Bà nói khẽ: “Mẹ nán lại biếu cụ mấy trăm; lúc nãy có các bà nên không tiện.” Thấy con ngó ngó, ý chừng thắc mắc, bà giãi bày: “Dù mình chân thành đến đâu khi cho quà thì người nhận cũng dễ tủi thân. Mẹ không muốn cụ buồn tủi trước đông người.”
    
    Người mẹ lấy làm lạ khi thấy thủ trưởng cũ của con ở cùng phố rất ít người đến thăm kể từ ngày về hưu, con trai bà cũng chẳng lai vãng. Chả bù khi ông còn tại vị, cứ vào dịp trước Tết, người xe nghìn nghịt như đi trẩy hội, nhiều người phải chờ khá lâu mới đến lượt diện kiến, tặng quà sếp. Con trai bà là đệ ruột của sếp, đến cốc bia hơi, ly rượu gạo cũng gọi nhau, nay thì khác.
    
    Nghe mẹ nhắc đến thăm thủ trưởng cũ, con cười cười rồi lảng đi. Mẹ nhắc lại, con lấp lửng: “Mẹ đừng làm khó con?” “Khó sao?” Trước vẻ ngơ ngác của mẹ, con bộc toạc: “Cuộc sống luôn thay đổi, người ta phải theo những mối quan hệ mới, mẹ ạ. Giả dụ con em đã vào đại học mà phụ huynh vẫn lễ nghĩa chu đáo từ cô dạy mẫu giáo trở đi thì kẹt quá!”. Bà không cãi nhưng chẳng thể chia sẻ cái lý ăn xổi ở thì ấy.
    
    Một phần lo “nâng giấc” các sếp nên con trai bà có những cái Tết loáng thoáng ở quê; về chốc lát rồi đi ngay, dù quê chỉ cách nhà trên phố gần ba mươi cây số. Cả lễ cúng rước ông bà ngày ba mươi và lễ đưa các cụ vào chiều mùng ba Tết, anh cũng hay vắng; nếu có thì chỉ mỗi việc thắp hương, khấn vái; bày dọn sắp đặt lễ tế là việc của mẹ và vợ. Đã mấy lần bà nhắc con bớt chút thời giờ đến thăm bà con thân tộc, thăm những nơi từng nương nhờ thời đạn bom nhưng con lờ đi. Bà định kể những ân tình của ngày xưa chưa xa nhưng thấy con nhăn nhó, nói “bận quá” nên thôi.
    
    Một cái Tết nữa lại đến, từ rằm tháng chạp bà đã nôn nao muốn về quê. Tết năm trước, bà về nhà được mấy ngày thì đổ bệnh, con tức tốc đánh xe về đón lên. Đó là lần đầu bà đón Tết ở thành phố cùng con cháu. Đã thế, Tết này bà không thể ở xa. Nghe mẹ nhắc về quê, con trai và con dâu đều giả như không nghe; mẹ nhắc riết thì cả hai tìm cách trì hoãn: “Thư thư đã mẹ.” Mẹ im lặng thì con cũng quên luôn.
    
    Thấy bà chuẩn bị tư trang, nói là ra đón xe buýt về quê, con dâu ngăn lại: “Để vài bữa nữa nhà con đánh xe đưa mẹ về; ở quê mấy ngày rồi mẹ lên trên này đón Tết với chúng con.” Nghe bà nói sẽ ở lại quê đến sau Tết, con luôn miệng năn nỉ mẹ lên ăn Tết cùng. Nói đi nói lại vẫn không chuyển được ý định của mẹ, chị có vẻ bực: “Tết năm trước mẹ ở đây, được những mấy chục triệu còn gì!?”
    
    Bà bật ngửa người ra sau, sững sờ nhìn con như nhìn người lạ; phải một lúc mới bình tâm. Là ý con dâu nói tiền mừng tuổi của người thân, chủ yếu là thuộc cấp của con cho mẹ đấy. Tết vừa rồi, bà hết mực từ chối, thậm chí vào phòng riêng đóng cửa lại nhưng cũng không tránh được những chiếc phong bì màu hồng do thuộc cấp của con dúi vào tay, nhét vào túi áo. Tò mò, bà mở thử mấy chiếc, giật mình thấy số tiền quá lớn nên đâm lo, không mở nữa. Sau Tết, bà dồn hết mớ phòng bì đó đưa cho con dâu.
    
    Giờ nghe con gợi lại, bà lặng người trong đắng cay, bởi đã hiểu vì sao con cố giữ mẹ ở lại đón Tết. Giọng trầm buồn nhưng dứt khoát, bà nói mà không nhìn con: “Con đã nói thế thì mẹ càng không nên ở đây trong dịp Tết.” Ngừng một lát rồi bà ngó thẳng mặt con, rành rọt từng lời: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ, nhưng mẹ không có gì đáp lại họ, áy náy lắm! Đã thế, các con phải trả thay; không trả được thì biết đâu sẽ khó xử trong quan hệ công việc sau này. Mẹ không muốn thế!”. Nói rồi, bà về phòng riêng. Mặc con dâu năn nỉ để chồng đưa về nhưng người mẹ vẫn dấn bước ra đi, tới ngõ đã có xe buýt đón. Chị đứng sững nhìn theo mẹ hồi lâu rồi cúi đầu lặng lẽ.
    
    Bà có cái Tết không vui ở quê bởi ngày cuối năm còn tiễn biệt người thân. Đó là bà Hai Đang, người từng cưu mang mẹ con bà trong những tháng năm chạy giặc, bà sinh con trai ngay trong nhà người phụ nữ tốt bụng đó.
    
    Mùng ba Tết, con trai về mới biết chuyện buồn. Anh trách: “Sao mẹ không cho biết sớm để con đi viếng?” Người mẹ không nén được bực tức: “Điện cho con thì không được; điện cho mẹ sắp nhỏ thì biết con đi chúc Tết sếp. Còn trách cái gì!?” Bà vẫn chưa nguôi buồn bực: “Đã mấy Tết rồi, mẹ nhắc con về thăm bà cụ nhưng con có nghe đâu, cứ mãi chạy theo cung phụng cấp trên.” Nói ra những lời cay đắng hình như cho bà nhẹ lòng. Và rồi, giọng bà trĩu nặng xa xăm khi nhắc lại chuyện xưa.
    
    Hồi đó, bà sắp sinh con trai độc nhất nhưng chạy sang ở nhờ nhà bà Hai Đang bên kia sông để tránh bom đạn. Dân quê kiêng để người ngoài sinh nở trong nhà mình nên bà Hai làm cái chòi ở góc vườn cho bà, chờ ngày vượt cạn. Chủ nhà chặt tre, đan phên, đánh tranh rồi leo lên mái lợp, vừa làm vừa than giữa trời, nước mắt thấm trong từng lời: “Bom đạn ác quá, chẳng chừa cho mình gã đàn ông chẻ cái lạt.” Phải mất ba ngày, bà Hai mới làm xong cái chòi tranh vừa chỗ kê chiếc chõng cho bà.
    
    Đúng hôm bà chuyển bụng thì chủ nhà chạy ra thầm thì rằng, trên đường cái xe pháo chạy rầm rầm cùng lính tráng đông nghịt, ở đây thì bộ đội du kích đào hầm hào dọc bờ sông, chắc đêm nay đánh nhau to; rồi bảo: “Cô vào hầm tránh pháo nhà tôi mà núp.” Bà ngần ngại: “Có nên không bác?” Hiểu ý, chủ nhà nắm tay bà kéo đi: “Không kiêng cữ gì cả, cô theo tôi!” Thế là bà sinh con dưới hầm tránh pháo, trong tiếng gào man dại của bom đạn. Hôm sau, chui lên khỏi miệng hầm, nhìn cái chòi dành cho mình ở góc vườn đã biến thành hố ca-nông sâu hoắm, bà rùng mình.
    
    Mẹ dừng lời, ngồi lặng. Con cũng lặng đi trong nỗi buồn chợt đến.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Lời Cuối Cho Anh
» Mảnh Tình Sầu
» Cho Tôi Xin
» Một Thoáng Yêu Đương
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Người Ấy
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Mơ Xuân
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Con Trai Của Vova
» Thổn Thức Dây Tơ
» Vẫn Chưa Đâu 1