Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Nguồn Sáng Tác Giả: Trần Văn Thước    
    1.
    Chiều, lũ bạn vào chơi, tôi khoe đã phân biệt được cỏ gấu, cỏ gà, hoa hồng, hoa giấy. Cỏ gấu lá dài mùi cay cay, cỏ gà nhánh mềm lá nhỏ nhấm ngòn ngọt đầu lưỡi. Hoa giấy cánh mỏng không mùi; hoa hồng thơm ngát, cánh giòn dễ bứt. Lũ bạn vỗ tay thán phục. Rồi một đứa đưa cho tôi hai chiếc thước kẻ gỗ, đố phân biệt được chiếc đỏ chiếc xanh. Biết không thể nhưng tôi vẫn nhận lời để chúng vui. Và tôi thua. Có tiếng bước chân rón rén ra vườn rau. Lát sau một đứa đặt vào tay tôi mớ cành lá: “Đây là cành rau ngót và cành lá khế. Cậu phân biệt được chúng tớ xí xóa trò thước kẻ. Hẹn giờ này chiều mai trả kết quả”.
    Tôi vân vê mớ cành lá định hình định mùi, vận dụng trí nhớ. Ngày nào mẹ nấu canh rau ngót cua đồng… Bà ngoại vò lá khế tắm rôm sảy… Hai lần… Ba lần… sờ - hít - hít - sờ… Đến lần thứ bảy thì tôi dám chắc thành công. Lá khế mềm mỏng, vị chua chua; lá rau ngót dày hơn, giòn, mùi hăng hăng. Bố đi làm về, tôi nhờ kiểm tra kết quả “bài học”. Bố gõ thước xây lên tường nhà như thầy giáo gõ thước vào bảng đen: “Con giỏi lắm. Rất chính xác”.
    Lũ bạn tiếp tục thử thách tôi. Chúng nó đứng đầu ngõ hét toáng lên: “Thường ơi ra tớ bảo… Có cái này hay lắm”. Hô hét là thế, rồi cả lũ nấp đâu đó chờ tôi ra là bịt mũi đổi giọng. “Đố biết tớ là đứa nào… Thách tìm thấy tớ”. Lũ con trai ít có mùi đặc trưng, tôi thua nhiều hơn thắng. Họa may có lần thằng Bảo chịu thua vì mùi bánh rán, thằng Viễn sặc mùi nhựa sung bẫy chim. Với lũ con gái tôi không mấy khó tìm trúng chỗ nấp chỉ đúng tên nhờ biết cái Hải hay gội đầu nước lá hương nhu, cái May nghiện gài hoa nhài trên mái tóc… Chớm mùa hoa móng rồng, mùa thị, mùa ổi thì mười đứa con gái thách đố, tôi chỉ đúng tên tìm đúng chỗ cả mười.
    Tôi lần theo bờ giậu cúc tần ra cổng. Trong khuôn viên nhà mình, ra vườn vào bếp,… tôi đã “định vị” từ ngày lẫm chẫm tập đi nên không cần gậy dò. Đi hết bờ cúc tần là đến cây vọng cách cột cổng. Bố tôi kể ông nội tôi trồng hai cây vọng cách, chăm tỉa bảy năm kết thành vòm cổng ai đi qua cũng khen đẹp.
    Tôi lần ra hai phía cổng sang bên kia đường. Nửa chừng động tác hít hà tôi gặp mùi hoa móng rồng. Mỗi mùa hoa móng rồng chẳng riêng con gái, con trai cũng ủ hoa trong túi áo, cặp sách. Hoa móng rồng nhỏ nhoi, cánh mỏng mềm mà nồng nàn bền lâu mùi thơm như nhìn thấy, cầm giữ được. Vì mùi hoa ấy mà một lần tôi nhầm thằng Tải với cái Chanh.
    Tôi lần bước về phía mùi hoa.
    “Ùm”.
    Âm thanh ấy dội lên cùng lúc tôi hụt bước chân. Nước bùn tanh xộc vào miệng vào mũi. Tôi sực nhớ chiều hôm trước sau khi để lại trò đố “chọn lá”, cái May giục cả bọn đi hái hoa móng rồng bờ ao nhà ông Cam. Nghe nói ao ông Cam rộng và sâu lắm. Tôi càng cố ngoi lên càng bị chìm sâu. Khi bàn tay quờ quạng gặp bùn ao, tôi hít được mùi bố. Mùi bố nồng nàn quyết liệt đánh trả sức hút của bùn, lực đè của nước. Từ ngày còn bú mẹ tôi thường được bố bế úp mặt vào ngực vào bờ vai… Mùi bố khi thoảng khi đằm, ngọt ngào, buồn vui. Đêm đêm rúc bú đến xẹp hai bầu vú mẹ tôi quay sang úp mặt vào ngực bố ngủ tít. Khi tôi lẫm chẫm tập đi bố hay bày trò chơi trốn tìm. Bố áp mặt tôi vào ngực một lúc rồi buông ra nấp đâu đó. Tôi lắng nghe tiếng động khịt mũi tìm mùi, dễ dàng bắt được bố khi ở góc nhà, lúc dưới gầm bàn, sau cánh tủ. Dần dà bố tôi mở rộng vùng trốn tìm ra sân ra vườn. Bố nhanh chóng bị thua. Mùi bố nồng nàn và ấm áp rất khó biểu đạt bằng câu chữ, có đem trộn lẫn trăm nghìn thứ mùi tôi vẫn nhận ra.
    Chỉ một thoáng chơi vơi tôi thấy bùn sắp ngập qua sống mũi. Tôi ngậm miệng nín thở. Có chìm xuống tận đáy bùn đen tôi cũng quyết không để nhạt mùi bố.
    - Nó sống rồi… Hãy khoan bế qua giọt gianh.
    - Các cụ dạy thế… Đặt nó nằm chỗ này.
    - Vâng… Bà nào tốt giọng gọi hồn cho nó.
    - Ới ơi… Ba hồn bảy vía thằng Thường ơi. Ao sâu buông thả sông cả rủ lòng. Ba hồn bảy vía thằng Thường mau mau…
    Tôi quờ tay chạm phải những viên gạch nong nóng, biết mình được đặt nằm ở góc sân gần cửa bếp, chỗ này đẫy nắng từ sáng đến chiều. Tôi lắc đầu, nước trong lỗ tai rỉ ra sền sệt, lành lạnh. Tôi ngửi thấy mùi hoa nhài bờ giậu. Trong bếp có tiếng mèo kêu “eo… meo”, chắc là con mướp thấy đông người sợ chạy nấp trong bồ trấu.
    - May mà chú tinh ý kịp quay lại…
    - Vâng ạ. Đẩy xe thồ phân đến quãng ấy nghe tiếng nước thì thũm, tôi nghĩ là cá quẫy. Đi mấy bước sực nhớ ra ao ấy mới đánh vét làm gì còn cá, tôi vội bỏ xe quay lại nhìn thấy đám tăm nước sủi lạ. Tôi lao xuống lôi nó lên xốc ngược chạy một quãng nghe có tiếng nước ộc ra, cánh tay cựa quậy biết là nó sống rồi.
    Tiếng bước chân người gấp gáp vào ngõ. Tôi ngửi thấy mùi bố. Bố tôi là thợ xây đi làm ở làng bên từ sáng sớm. Ai đó hay tin dữ sang đón bố. Bàn tay và mùi bố đỡ tôi đứng lên. Bố ấp bàn tay to bè lên đầu tôi, lời nói lẫn vào tiếng nấc:
    - Cảm ơn mọi người. Bà con đã sinh ra cháu lần thứ hai. Lạy ơn bà con đi con.
    Tôi chắp tay trước ngực xoay quanh vòng người. Tôi là kẻ được hai lần sinh hạ. Lần thứ nhất tôi chào đời bằng tiếng khóc “oe… oe”, lần thứ hai mồm mũi ộc ra nước bùn ao.
    2.
    Bố giục tôi đi ngủ sớm nhưng ông lại ra hiên ngồi. Bố tôi thường vò võ khi trong nhà khi ngoài hiên với cái điếu, ấm chè. Có đêm ông lên giường chợp mắt một lúc là rộ tiếng gà canh cuối.
    Tôi không đành nhắc bố đêm đã rất khuya. Đêm nay mau qua đi là điều bố con tôi cùng mong muốn.
    Tôi vẫn vững vàng niềm tin mẹ sẽ khỏi bệnh khi đứa con khoe rằng nó đã nhìn thấy ánh sáng. Thực sự đã hơn một lần trong bóng đêm mịt mùng tôi nhìn thấy ánh sáng. Bữa tối cả nhà quây quần quanh mâm cơm đặt giữa tấm chiếu hoa trải trên hiên nhà. Ánh trăng mười tư đầy ắp vuông sân tràn lên hiên làm vàng sáng hơn chiếc mâm đồng cổ. Món ăn toàn là cá ban chiều mẹ với bạn thợ cấy be tát quãng ngòi. Cá rô rán. Cá trê om. Cá diếc nấu chua. Bố gỡ nạc khúc cá trê bỏ vào chiếc bát hoa: “Ăn đi con...”. Mẹ nhanh tay gắp con cá rô rán vào bát của bố. Bố nhâm nhi chén rượu. Và một buổi chiều, ngoài ngõ rộ lên tiếng bước chân lon ton, tiếng gọi líu ríu: “Anh ơi... Đưa chúng em đi chơi”. Hai đứa em, tôi từng sờ biết đứa em gái u cục thịt bầy nhầy sau lưng, đứa em trai không đủ tay chân. Đứng kia thật là các em tôi ư? Cô em gái da trắng môi hồng tóc tết đuôi sam buông trước ngực, chú em trai như trang hoàng tử trong bộ đồ thể thao màu đỏ sọc vàng. Đúng là các em tôi. Nước mắt của mẹ, những vò võ đêm của bố, nỗi khổ đau và hi vọng của anh trai đã thành thuốc thành thang chạy chữa cho hai đứa thay đổi hình hài, lớn khôn. Tôi ôm chầm các em. “Anh em mình tung tăng nào”. Ngày đang vào chiều, nắng thu xuyên qua vòm cây gieo vô vàn chấm hoa vàng trên mặt đường. Anh em tôi chạy qua ngã ba làng, rẽ vào lối lên bờ đê sông Lăng. Dòng sông đã qua cơn lũ đang êm lại dòng trôi. Bên kia sông là quê ngoại. Hình như dòng sông thương miền quê nghèo, lắng đọng phù sa cho hai triền bãi bốn mùa đủ thứ rau màu. Anh em tôi dung dăng ra bến đò. Cô lái vừa cắm sào giữ im con đò cho khách lên bờ. Cô lái đò tên Trúc. Lâu lâu trước, chớm một mùa hoa móng rồng tôi đã nhầm vỗ bàn tay vào ngực Trúc, đắc thắng một lần chơi: “Hắn là thằng Từ lém. Chịu thua chưa?”. Hình như Trúc từ lâu chờ cuộc vui này. Con đò ra đến giữa dòng quay mũi ngược dòng chảy. Hai bên bờ sông một quãng dài bờ lau hoa trắng, tiếp một quãng dừa nước lá xanh hoa tím nhụy vàng. Khi hai em tôi thắc mắc việc đò đi ngược, Trúc bảo: “Ngược dòng mới nghe rõ tiếng sóng vỗ...”. Tôi lắng nghe. Rất gần đâu đây tiếng bàn tay mẹ vỗ mông em bé nhưng mẹ không cất nổi tiếng ru. Vẫn trong bóng tối vào một buổi trưa tôi nhìn thấy tổ chim sâu trên cây khế góc vườn. Con chim non ra đứng mép tổ ngóng mẹ bị cơn gió mạnh hắt rơi xuống đất kêu váng lên. Tôi đã nhanh hơn con mèo, ủ con chim trong lòng tay. Tôi nhìn lên ngọn cây đổ xuống tiếng chim non thống thiết gọi chị gọi em. Mẹ tôi đi ra: “Để mẹ giúp con”. Mẹ đón con chim đưa lên hà hơi và xòe bàn tay. Tức thì con chim bay vút lên tổ thả xuống những tiếng “ích... chích...”. Tôi cầm tay mẹ thì thầm: “Mẹ tài thật”. Mẹ ghì tôi vào vồng ngực trắng ngần thơm nức mùi sữa. Tôi vân vê mái tóc dài mẹ buông xõa trước ngực. Dân làng bảo mẹ tôi đẹp nhất làng. Vâng, mẹ tôi đẹp nhất ngũ làng vùng cửa sông Lăng, đẹp nhất tỉnh này... “Mẹ ơi...”. Tôi bừng tỉnh vì tiếng gọi của chính mình. Bố tôi ngoài hiên chạy vào cầm bàn tay tôi. “Mẹ con ở đây... Ngủ đi”.
    Mỗi lần bố nắm bàn tay tôi, cái đau khe khẽ lan lan khắp người, tôi thấy mình lớn lên. Bao cám bố mua về tôi bê một lèo vào góc bếp. Vẫn là xô cám đầy thế, hôm nay thấy nhẹ tay hơn hôm qua. Cành cây nhãn làm xà đu dần rồi không phải kiễng với. Ai cũng bảo tôi cao to, sức lực hơn bạn bè trang lứa. Tôi nắm cánh tay xoa vồng ngực mình, sờ nắn cơ thể bạn trai thấy lời nhận xét là chính xác. Bạn bè hay đùa trêu: “Mày nhiều may mắn hơn bọn tao. Cái may lớn nhất là không phải nhìn thấy cơ man những trò người tử tế phải nhắm mắt lại...”. Có lần đang ầm ĩ với nhau lũ bạn bỗng lặng phắc khiến tôi ngơ ngác: “Sao thế?”. Lập tức đứa véo tai, đứa vỗ đầu tôi: “Mày đóng bộ, đeo kính râm vào để chúng tao cho thuê làm phù rể. Diễn viên Hô Li Út phải xếp hàng xách dép”. Góc sân vuông hiên nhà tôi thưa vắng dần. Bao nhiêu vui buồn giận dỗi đã là kỉ niệm. Tôi cũng đã trải qua những giấc mơ đàn ông. Vỡ giấc ngơ ngác, tôi xấu hổ với chính giấc mơ của mình.
    - Dậy đi con. Trời đang ra sáng - Bố tôi gọi.
    - Vâng - Tôi đáp, giả vờ ngái ngủ để bố tin đêm rồi tôi ngủ ngon.
    Tôi lần ra sân, cảm giác trời im gió, không khí oi oi. Lẽ nào bản tin thời tiết thông báo sai. Trời nắng nóng, trong phòng bệnh chật chội chứng bệnh của mẹ tôi rất dễ tăng phát. Tháng trước vợ chồng chú Sinh lên thăm trở về với hơn một nỗi buồn. Mẹ tôi cởi áo kết thành em bé bế đi quanh phòng, lúc ru hời, lúc khóc... Tôi ngửa mặt cầu xin trời cao xanh bớt gay gắt nắng một ngày.
    Có tiếng xe máy vào ngõ. Chú Sinh sang là bắt đầu chuyến đi. Nhưng không phải chú Sinh. Người đi xe máy từ chối lời mời vào nhà của bố tôi.
    - Việc gấp chú ạ. Bệnh viện đã cho người đi tìm. Cháu về báo cho gia đình phối hợp. Chú đi với cháu.
    Bố dìu tôi lên hiên nhà rồi rảo đi.
    Chuông nhà thờ Quảng Lăng điểm mười hai giờ.
    Mẹ tôi về. Rất đông người về cùng.
    Mẹ tôi được lau người bằng nước của chín thứ lá thơm, mặc quần áo mới. Tôi cầm tay mẹ lần lần. Không có mái tóc dài buông xõa trước ngực. Không có bầu vú căng đầy... Như không phải mẹ tôi. Mẹ tôi đâu rồi? Mẹ ơi... Hình như mẹ đang ở xa xa... Ông trời thấu cảnh đã thôi đổ nắng gắt. Tôi rối rít khoe với mẹ về mùa hoa nhãn đầu tiên, về đàn lợn hay ăn chóng lớn... Trong mịt mùng bóng tối vây bủa từ thuở lọt lòng con trai mẹ đã tìm thấy nguồn sáng.
    Đêm trăng sáng, mẹ tôi lầm tưởng dòng sông là đường về nhà. Bước vui bỗng hóa bước sa. Đang cữ nước ròng mẹ tôi dừng lại với vạt hoa dừa tím giữa quãng sông Lăng lượn hình yên ngựa.
    3.
    Ấp bàn tay lên mặt viên gạch lát hiên thấy man mát, tôi biết ngày đã xế chiều. Tôi đi thăm chú Sinh ở bệnh viện về từ ba hôm trước. Nhà chú cuối xóm nhưng tôi quen bước như ngõ nhà mình. Ra cổng rẽ trái, đầu gậy chạm mười chín gốc cây là đến quãng dài bờ duối nhà cụ Đác. Đi hết bờ duối rẽ trái gõ chín gốc cây nữa là gặp cây vối đầu ngõ bác Bầu, sang đường có lối vào nhà chú Sinh. Tôi dừng lại với cây vối đang mùa hoa mùi hăng hăng. Cây vối bác Bầu bằng tuổi cây vối góc vườn nhà bà ngoại tôi. Ngày tôi bé bỏng, mẹ bế sang bà ngoại trải manh chiếu gốc cây cho tôi lê la. Mẹ hái nụ vối thả vào manh chiếu cho tôi vày vò. Còn tươi, nụ vối hăng hăng, sau khi sao vàng hạ thổ nó săn tròn óng màu nhộng tằm thơm ngọt. Mùi nụ mùi hoa tôi hít hà thẩm nhuần từ bé bỏng nhưng màu hoa màu nụ tôi chỉ biết qua lời mẹ lời bà. Bà tôi đi với tổ tiên đã hơn hai mươi mùa hoa vối. Mẹ tôi đi theo bà đã chín mùa hoa. Tôi vịn thân cây hít đầy lồng ngực mùi hoa rồi mới sang đường.
    “Xoành...”.
    Không rõ tôi xô vào xe đạp hay xe xô tôi. Rất may chiếc gậy không văng xa. Tôi đứng lên. Lời xin lỗi bị chặn lại vì bàn tay thộp ngực áo giật mạnh.
    - Mù hả! Nhặt dép đặt vào chân cô ấy. Mau!
    - Kìa anh…
    Bàn tay túm ngực áo tôi buông ra. Bàn tay nhỏ nhắn dắt tay tôi sang đường.
    - Tớ xin… nỗi… Cậu vào ngõ đi. Hẹn gặp nại sau.
    Giọng con gái rất quen. Tôi ngoái theo tiếng bước chân cố nhớ nhưng nỗi ấm ức lấn át trí nhớ. Lần đầu tiên ở làng có người quát vào mặt tôi: “Đồ mù”.
    Giá mà khóc lên được.
    Chú Sinh đưa cho tôi mảnh đạn nhỏ, mỏng như vảy ốc.
    - Lẻ ba mươi năm mới được cầm trong tay món “quà tặng” của chiến tranh.
    Tôi lành lạnh bàn tay nhưng lòng khấp khởi mừng. Từ nay chú Sinh bớt những cơn đau vật vã vài tháng lại một lần đi bệnh viện. Tôi đưa trả chú mảnh đạn.
    - Chú đem món này ngâm rượu. Nay mai họp đồng ngũ tha hồ vỡ li.
    Chú Sinh vỗ vai tôi.
    - Đúng là bố nào con ấy. Sáng nay bố mày với bạn thợ vào họp hội nước chè. Có việc chưa xong anh em bàn tiếp. Xem ra bố mày có lí. Tạm gác việc lấy vợ cho bố mày lại, còn mày bằng này tuổi rồi phải tính đến việc vợ con, không thể để cảnh nhà có hai con gà trống.
    Ít lâu sau ngày sang cát cho mẹ tôi, bà con bạn bè khuyên ép bố tôi đi bước nữa. Tôi tán thành việc rất hợp lí với gia cảnh và tuổi tác bố tôi. Có người đứng ra mai mối, có dì có cô tự nguyện. Bố tôi cảm ơn và từ chối. Ông không muốn thêm một người phụ nữ phải chia sẻ nỗi đau vết thương vô hình, phải đối mặt với nguy cơ sinh ra những đứa con khiếm khuyết. Còn tôi, gạt đi những mặc cảm, tôi đủ thông minh để hiểu, để biết xưa cũng như nay, tình yêu, cuộc sống gia đình không hoàn toàn trông cậy vào tấm lòng cao cả.
    - Cháu xin gắng như lệnh hội nước chè - Tôi nói để chú Sinh yên tâm. Thực ra là tự dối lòng mình.
    Chú Sinh đi cùng tôi ra đến cổng rồi trở vào ngay. Tôi luôn biết ơn cách ứng xử tinh tế của chú. Ngày cũng như đêm, tôi có nguồn sáng riêng soi khắp làng mình. Tôi lần bước. Nỗi ấm ức vì tiếng quát “đồ mù” tan biến trước niềm vui chú Sinh đã lôi ra khỏi đầu “món quà chiến tranh”. Tôi cố nhớ ra những giọng nói quen tai. Suốt quãng bờ duối trong đầu tôi cứ vang dần hai tiếng “nỗi… nại”. Chính cái điệp khúc ấy giúp tôi nhận ra trong số bạn bè trang lứa chỉ có Trúc là thi thoảng nói nhịu en lờ thành en.. nờ, nhất là những lúc cảm động đột ngột. Trúc là con gái duy nhất của vợ chồng bác Lân chủ bến đò. Tôi huơ gậy, bước nhanh. Một câu hỏi chợt lóe trong đầu: Trúc đi với kẻ nào? Chắc là kẻ lạ nên không biết. Không biết thì không thèm chấp.
    - Chào Thường.
    Tôi sững lại ngay khi bước vào sân nhà mình. Mười mươi là Trúc. Tôi bối rối đến nỗi để lời chào đáp biến thành câu hỏi:
    - Sao hắn đang đi với bạn lại vào nhà tớ?
    Tiếng bước chân nhanh rồi im lại cách tôi rất gần.
    - Tớ vào để xin lỗi chuyện lúc nãy.
    - Lỗi tại tớ - Tôi cắt ngang lời Trúc - Tớ huơ gậy trúng bánh xe. Sao hắn lại bắt bạn trai đứng chờ đâu đó. Hắn đi đi, đừng bắt người ta chờ quá lâu. Cho tớ gửi lời xin lỗi.
    Trúc cầm bàn tay tôi xiết nhanh buông nhanh.
    - Cho qua hay không tùy hắn. Thôi, dẹp chuyện ấy đi. Tớ xin phép đi thẩm tra lời khen của làng. Vào chỗ ngày xưa chờ tớ.
    Tôi bật cười. Chỗ ngày xưa là hiên nhà tôi rộng rãi lát gạch Bát Tràng cổ. Ngày nào hiên nhà là sân chơi đủ trò chí chóe trẻ con. Lớn lên mỗi khi có dịp gặp nhau, trừ khi thời tiết bất cập, chúng tôi thường quây quần dưới mái hiên. Tôi chịu lời Trúc, lần vào ngồi trên hiên. Cô bạn này từ thuở học trò đã nổi bật tính cách thẳng thắn, quyết đoán, thích bắt người khác theo ý mình. Bây giờ bạn bè vẫn hay chỉ trích Trúc: “Đừng cậy Trúc xinh quen bài bắt nạt...”.
    Trúc trở vào ngồi gần cột hiên. Hắn với lấy chiếc gậy của tôi gõ gõ lên mặt sân.
    - Đàn lợn, vườn cây của hắn đến nông dân giỏi cấp quốc gia cũng phải chào thua. Tớ phục tài hắn đấy.
    Tôi kể với Trúc vườn và cây dãy chuồng là bố con tôi làm theo lời chỉ dẫn của giấc mơ. Mấy năm trước, một đêm, tôi mơ cùng các em đi chơi. Đêm trăng sáng, ba anh em tung tăng khắp làng. Trở về, hai đứa em chạy ngay ra vườn. Hai đứa đồng thanh: “Anh ơi. Nhìn này”. Tôi nhìn ra vườn, hết sức ngạc nhiên. Hai đứa em chạy đâu mất. Chỗ đứa em gái đứng là vườn nhãn lồng trĩu quả, chỗ đứa em trai vừa chạy đi mọc lên dãy ba ô chuồng sáu chú ỉn đang sục máng. Giấc mơ vừa ám ảnh vừa thôi thúc. Bố tôi lo con trai mù lòa làm việc của người khỏe chân mạnh tay. Tôi phải nhờ chú Sinh thuyết phục bố tôi mới đồng ý. Ròng ba tuần, mọi người giúp hoàn tất khu chuồng ba ô, khu vườn trồng nhãn.
    Trúc đặt trả chiếc gậy tận tay tôi. Tôi cảm giác khoảng cách giữa chúng tôi chỉ còn là bề rộng viên gạch cổ. Thoáng đắn đo tôi kể với Trúc phần giữa của giấc mơ.
    - Anh em tớ tung tăng ra bến đò. Bờ tre cao vút thế mà các em tớ như chim bay lên tận ngọn. Ba anh em xuống đến cầu bến đúng lúc con đò áp bờ. Hắn đón anh em tớ lên đò. Con đò lướt ngược một quãng rồi trở xuôi. Lên bờ, loáng cái đã đến nhà, hai đứa em chạy ngay ra vườn.
    Cảm giác buồn buồn bờ vai, tôi đưa tay lên chạm phải những sợi tóc. Thì ra cơn gió quẩn thổi sợi tóc bay sang. Khoảng cách giữa chúng tôi từ lúc nào chỉ còn là hai phần viên gạch cổ. Có lẽ tôi vô tình trong lúc kể về giấc mơ. Tôi đang định đứng lên Trúc đã nhanh hơn, ấp bàn tay lên vai tôi ấn nhẹ như ngày nào muốn việc gì theo ý mình là cậy bài “trúc xinh” ra lệnh.
    - Những người đã khuất linh thiêng báo mộng phù hộ nhà ta. Tớ sẽ giúp hắn phần còn lại của giấc mơ. Tớ về nhé.
    Tôi lắng nghe tiếng bước chân cô bạn. Hình như bước chân Trúc nhanh chậm khác thường.
    4.
    Trúc đến, nhưng là cả tuần sau buổi chiều để lại lời hẹn “tớ sẽ giúp”. Trúc nói ngay:
    - Tớ có việc cần thu xếp.
    - Tớ cũng có việc ngồi đếm một ngày hẹn bằng chín ngày thường.
    - Coi như hòa. Đi nào.
    Linh cảm mách bảo tôi đây là lần đầu tiên xuống bến đò quê và sẽ không phải là lần duy nhất. Ra khỏi cổng mấy bước tôi đi sát lề đường gõ gậy đếm và nhớ số gốc cây bên đường. Lần đầu tiên đi cùng người mù một quãng đường dài mà lại đi trong buổi tối, chắc là Trúc rất ngạc nhiên. Tôi chủ động giải thích:
    - Tớ gõ gốc cây đánh dấu đường.
    - Tớ hiểu. Tớ cũng đếm giúp hắn. Cây vừa đi qua là số ba ba. Hắn có biết là cây gì không?
    - Đếm thì chính xác nhưng đoán chỉ tương đối thôi. Cây số ba ba là bạch đàn. Lùi lại, cây số hai chín là phượng vĩ.
    - Rất chính xác - Trúc như reo lên - Làm sao mà hắn đoán được?
    Tôi gõ vào gốc cây thứ ba mươi sáu.
    - Tớ nghe âm thanh bật ra. Ví như cây này là bàng, vỏ dày, đầu gậy gõ vào bật ra tiếng “bịch” trầm. Cây bạch đàn vỏ mỏng đầu gậy nẩy nhanh, tiếng va ngắn và giòn.
    Đến gốc cây thứ năm mươi chín tôi rẽ trái theo lời Trúc. Lề đường hình như hẹp hơn nhưng bên đường nhiều gốc cây hơn. Sau cây thứ chín mươi sáu đầu gậy chạm vào bật ra âm thanh rất nhẹ và có tiếng cành lá xao động.
    - Bờ tre đấy - Trúc nói và khẽ đập vào cánh tay tôi.
    Tôi bước lại huơ tay, gặp cành tre lòa xòa, luồn tay vào gặp những gióng tre nhỏ, dài nhẵn mịn mát. Bờ tre này tôi được nghe kể từ ngày ông nội còn sống. Dọc hai bên lối xuống bến đò cao vút hai bờ tre dây. Giống tre dây thân nhỏ gióng dài, dẻo dai, từng khóm kết thành bờ cao vút. Không một tầm cấp giông bão nào đủ sức quật đổ bờ tre dây. Dân làng lấy giống cây bé nhỏ mà kiêu hùng đặt tên cho bến đò quê: Bến Tre.
    Tôi huơ gậy tìm lối xuống bến. Tôi nhớ đến giấc mơ ba anh em tung tăng. Trong mơ, sông Lăng đã qua cơn lũ đang êm lại dòng trôi. Trong mơ, con đò lướt ngược dòng chảy, tiếng sóng vỗ mạn thuyền… Có Trúc bên cạnh nhưng tôi vẫn ra giữa lối định hướng đi. Cứ ngược chiều cơn gió mát lành đem vào hơi thở mùi hoa sông bãi là gặp sông gặp bến. Tôi huơ gậy rảo bước. Khi đầu gậy vang lên tiếng tõm, tôi ngồi xuống thảm bê tông, nhích xuống. Tôi vục tay vào lòng sông quê vốc nước vỗ lên mặt. Từng vốc… từng vốc nước ngòn ngọt, mát lịm. Trúc bảo đang kì nước đứng, có nghĩa là dòng sông lắng xuống màu nước ắt trong xanh. Từ lúc nào Trúc ngồi bên tôi, bờ vai chạm bờ vai. Tôi thầm cảm ơn sự im lặng tế nhị của cô bạn. Nếu không, chỉ một lời hướng dẫn hoặc chia sẻ của Trúc vào lúc này tôi sẽ òa khóc. Hai mươi bảy tuổi đầu tôi mới được vốc nước sông quê vỗ lên da mặt, uống vào trong dạ.
    Trở lên, chúng tôi đi hết bờ tre, dừng lại chia tay bên gốc cây xà cừ. Tôi dứt khoát từ chối việc Trúc đưa về.
    - Tớ sẽ không lỡ sảy dù chỉ nửa bước chân nếu được biết trước khi bắt đầu chuyến đi này hắn có việc gì mà phải cả tuần thu xếp. Việc ấy xong chưa?
    Trúc đặt bàn tay vào thân cây rất gần chỗ bàn tay tôi vịn. Tôi biết được như thế nhờ tiếng móng tay cấu vỏ cây.
    - Hắn vẫn như ngày xưa, muốn biết cái gì là truy hỏi bằng được. Nghe này, hôm ấy đưa hắn vào ngõ tớ đi ngay vì xấu hổ. Đến ngõ nhà hắn tớ xuống xe bảo anh ta vào nhà chờ hắn về để xin lỗi. Anh ta không chịu còn nói những lời khó nghe. Thôi nhé, chào anh. Tớ nói thế rồi bước vào sập ngay cánh cổng. Hắn biết tính tớ rồi đấy. - Đột ngột Trúc ấp bàn tay lên bàn tay tôi - Tớ phải cảm ơn hắn.
    Bạn bè trong kí ức tôi không in gương mặt vóc dáng, mà là giọng nói, tiếng cười, tính nết. Thằng Bảo nóng tính nhưng hết cơn “lôi đình” là cười hì hì. Cô nàng May cãi nhau mà rủ rỉ như tâm sự. Thằng Tải việc gì cỏn con cũng chỉ đạo bằng cái giọng “lệnh vỡ”. Hân khểnh sắp hai mặt con mà vẫn nguyên bài hờn dỗi thuở học trò; hơn một lần anh giáo Trí, chồng Hân sang nhà ấn điện thoại di động vào tay tôi “Cậu giúp tớ… Hai ngày nay hắn chỉ ăn mì tôm…”. Trúc in những dấu đậm riêng bởi tính thẳng thắn đôi chút con trai và thỉnh thoảng lại “cây trúc xinh…”. Trong những dấu đậm riêng, có dấu là cả một câu chuyện.
    Một đêm trăng muộn, ông Lân trả khách trở lên lưng dốc bến liền sững bước vì tiếng khóc trẻ con. Người đâu ẵm trẻ sang sông khuya khoắt mà không lên tiếng? Ông rảo lại và thấy có đứa trẻ được đặt trong lòng thúng buộc vào bờ tre. Sực nhớ người đàn bà trùm khăn kín mặt vừa qua đò, ông Lân vội bế đứa bé xuống thuyền chèo gấp. Đò lướt được vài sải, đứa bé rúc vào ngực ông khóc thét lên. Dỗ dành thế nào nó vẫn không nín, ông Lân kéo vạt áo lau nước mắt: “Cơ duyên sắp đặt cho ta gặp con. Con nằm bên bờ tre, ta đặt tên con là Trúc. Chịu nhận tên làm con ta thì nín đi”. Đứa bé nín ngay, tóp tép miệng khát sữa. Chỉ hôm sau khắp làng xôn xao chuyện đứa trẻ trong thúng. Nhiều người chê trách ông Lân vợ chết chưa được giỗ đầu đã léng phéng rồi “chạy làng” nên người ta đem trả “hậu quả”. Những người hiểu tính nết ông thì cho rằng ở hiền gặp lành, ông trời có mắt. Ông Lân đi bộ đội ngót chục năm ở chiến trường Tây Nguyên. Sau ngày đất nước thống nhất ông về quê làm chồng cô bạn từ thuở cắt cỏ chăn trâu. Mấy năm sau vâng lời mẹ già vợ chồng ông tiếp việc đò giang. Bà Lân ba lần hữu sinh vô dưỡng. Sau chuyến đò chở khách thập phương về hội đền Vông bà đột ngột bỏ chồng bỏ bến. Các bác sĩ nói căn bệnh nan y đường đột ấy thường đổ vào những người cả thương cả nghĩ. Sống hiền thác linh, bà Lân xui khiến cô gái trót dại đem đứa trẻ đến bến đò cho chồng được làm bố.
    Tôi “oe oe” chào đời ba ngày trước đêm dốc Bến Tre vang lên tiếng khóc trong thúng của Trúc.
    5.
    Nghe tiếng va đầu gậy tôi biết đã đến bệ ngồi chờ đò. Tôi bám cọc treo phao ngồi xuống hướng ra sông, lắng nghe.
    Rõ dần tiếng đò lướt ngang mặt sông. Mới thoáng nghe tiếng cắm sào in đò đã thấy Trúc ngồi cạnh tôi. Thì ra Trúc đùa tôi, nhón chân đi phía sau bệ chờ. Trúc vui với “chiến thắng” một lần đùa.
    - Ra đến giữa sông tớ “hắt xì” mấy cái liền. Bác khách bảo chắc có người có việc gấp qua sông. Hóa ra hắn.
    - Nếu “hắt” vì tớ thì hắn phải “xì” mệt nghỉ từ trưa.
    - Vì việc gì nào?
    - Các ông bố “hội quân” đi thăm chiến trường xưa. Con cái ở làng cũng nên ngồi với nhau.
    - Việc quá hay! Sao hắn không hô chúng tớ đến chỗ ngày xưa?
    - Chỗ ngày xưa còn đó nhưng quân xưa “chiến đấu” khắp nơi. Ở làng chỉ còn ba chiến sĩ. Hân khểnh đi học. Ới hắn đến nhà tớ thì ai trông bến.
    - Ờ nhỉ. - Trúc thốt lên đầy vẻ luyến tiếc.
    Có tiếng chân người trên dốc bến. Trúc đặt trả chiếc gậy vào tay tôi, đứng lên.
    - Anh đi đâu vậy?
    - Anh có việc cần sang làng bên.
    - Anh không đùa chứ?
    - Sao em lại nghĩ là anh đùa. Cứ xem anh như người phải lụy đò. Đi em.
    Tiếng nói của Trúc rất khác thường. Giọng đàn ông nhũn nhịn xun xoe. Linh cảm mách bảo tôi chuyến đò không bình thường. Tôi nhích xuống phía bệ chờ gần mép bến lắng nghe.
    - Có việc gì anh nói ngay đi. Không cần phải giả vờ sang sông.
    - Anh có việc thật mà...
    Có tiếng nhổ sào. Con đò lướt. Hình như con đò dừng lại.
    - Trúc... Anh đã nói rồi. Anh... em...
    - Không... không bao giờ... Tôi sẽ hét lên bây giờ... Anh... buông...
    Tôi vớ chiếc phao trên cọc khoác vào người. Lối quen, tôi huơ gậy bước nhanh. Tiếng Trúc vọng vào chứng tỏ con đò cách bờ chưa xa. Tôi định hướng vị trí tiếng Trúc đang gắt lên, lao xuống sông.
    - Ôi! Thường, Đừng! - Trúc thét lên.
    Kệ Trúc. Tôi sải mấy sải đã chạm tay được vào mạn đò. Có lẽ Trúc mạnh tay sào cho con đò nhanh đến với tôi.
    - Đưa tay đây!
    - Khỏi lo! - Tôi thản nhiên - Tớ có phao rồi. Hắn cứ làm việc của hắn đi.
    Con đò nhanh chóng cặp bờ. Tiếng Trúc giận dữ ném theo người vừa rời đò:
    - Anh đừng quên hôm nay tôi cố kiềm chế không hất anh xuống sông.
    Trúc giúp tôi cởi áo phao, dắt tay ngược dốc bến. Dốc bến này tôi đã quen bước, thuận thàng như ngõ nhà mình, ra vườn, đến nhà chú Sinh... Nhưng Trúc đang nắm chặt bàn tay. Một lần hiếm hoi tôi để người khác dắt đi trên lối quen. Vào nhà Trúc ấn một bộ quần áo khô vào tay tôi bắt thay ngay, rồi đi ra sân. Khi tôi mặc xong, Trúc trở vào, giọng vui vẻ như không có chuyện vừa xảy ra ở bến sông.
    - Con trai lính được mặc quần áo cựu binh, sướng nhé!
    Tôi thấy mình thoải mái trong bộ quần áo của bác Lân. Lại “bị” dắt tay. Nghe tiếng gió trên cao biết đã ra đến bờ tre lưng dốc bến, tôi dừng lại hỏi Trúc:
    - Người lúc nãy là ai thế?
    Trúc khẽ xiết bàn tay tôi:
    - Là kẻ không đáng để cho tớ và hắn nhắc đến tên. Ai có chút gì với kẻ ấy hãy mau gỡ ra ném vào sọt rác.
    Mỗi lần Trúc nắm bàn tay tôi lại thấy con người mình khác lắm, nửa bồi hồi với những tháng ngày qua, nửa bối rối trước những gợi mở rất mới lạ. Đôi nửa ấy khi tách bạch khi tổng hòa thành nỗi ám ảnh, làm thao thức mất ngủ. Tôi từng hi vọng được nhìn thấy ánh sáng, mẹ tôi sẽ khỏi bệnh. Nỗi thất vọng dồn dập đến nỗi người trong cuộc manh nha ý muốn chấm hết cuộc đời. Cuộc sống làng quê với rất nhiều tác động thân thiện hữu hình vô hình đã cho tôi nguồn sáng vô cùng tận. Tôi chằm bặp với công việc và công việc cho tôi thành quả lao động, niềm tin yêu cuộc sống...
    - Đi nào - Trúc kéo tay tôi đi một quãng, dừng lại sát bờ tre - Đây là nơi tớ được sinh ra lần thứ hai.
    Tôi bám vào bờ tre ken dày những thân tròn nhẵn mịn mát. Tôi “nhìn” thấy bờ tre xanh thẳm kiêu hùng thì thầm mách bảo, tôi và Trúc là hai đứa trẻ hiếm hoi được hai lần sinh ra. Trúc bên bờ tre cao vút, tôi từ đáy ao thăm thẳm. Trộn vào cái chung ấy là rất nhiều cái chung khác suốt từ thuở góc sân đố lá đến bây giờ là bờ tre bến quê. Từ sau buổi tối đếm gốc cây trên quãng đường xuống bến đò Tre tôi mắc nhiều đêm mất ngủ. Rất nhiều òa hiện trong kí ức. Bờ tre là nguồn sáng vô cùng với gương mặt cô lái đò đêm nào chở ba anh em gã trai mù lướt đi trong giấc mơ khai sáng. Tôi biết mình đã yêu. Tôi phải dối trái tim tôi. Người ta như thế... Nhà ngươi như thế này. Mặc cảm không vô hình vô ảnh mà là rất nhiều tảng đá chất chồng lên vồng ngực chỗ trái tim.
    Nhưng mà hôm qua đã qua rồi.
    Dòng sông Lăng đã hóa giải vòng kim cô mặc cảm từ lúc tôi lao xuống bám tay vào mạn con đò tròng trành. Tôi phải thực lòng với Trúc. Cho dù lời được nhận về là “không...” tôi cũng chẳng quá buồn. Tôi là trai làng, dù là gã trai mù thì vẫn có quyền yêu, biết yêu và đã yêu rất đàng hoàng. Chỉ thế thôi, là đủ

Kết Thúc (END)
Trần Văn Thước
» Nguồn Sáng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết
» Xác Ngọc Lam