Tôi nghĩ rất nhiều về cái chết trên chuyến tàu hỏa trở về Tranh Sơn. Tôi đưa tay lau đi hơi thở làm mờ lớp kính ố vàng ở toa hạng hai, nhìn ra ngoài trời mưa bụi mùa xuân trắng xóa, để âm thanh tàu chạy làm mình mê mỏi. Có lẽ tôi sợ phải dừng lại. Người ta bảo thời gian sẽ trôi chậm hơn khi bạn di chuyển. Tôi sợ già đi, sợ năm tháng cứ thế trôi tuột như những hạt nước rớt qua kẽ ngón tay không sao nắm giữ nổi. Tôi sợ những khoảng lặng bất chợt đến trong ngày, khi tôi đang làm việc, ăn cơm hoặc trò chuyện với một người nào đó, cảm giác ấy chợt xuất hiện làm mình sững sờ. Cảm giác hẫng một cái như thể tôi đã bỏ sót điều gì đó, càng cố, càng không thể nhớ ra.
Bây giờ mấy ai còn đi tàu hỏa nữa?
Chậm chạp, cồng kềnh và ồn ã.
Nhưng dành riêng cho Tranh Sơn, tôi luôn chọn tàu hỏa, như cách tôi rời đi mười mấy năm về trước. Tiết trời hôm ấy cũng giống hệt thế này: cuối tháng ba mưa rả rích, những cánh hoa bưởi cuối cùng rụng lả tả. Thời tiết ảm đạm, nét mặt anh còn ảm đạm hơn. Anh đứng trước mặt tôi, mi mắt trĩu nặng những hạt mưa. Chúng tôi lẳng lặng đi cạnh nhau. Con đường từ đông đến tây thị trấn ngắn ngủi, hai đứa chia tay trước cổng nhà ga, tôi sẽ đi về hướng những con đường, còn anh trở về hướng cánh đồng, mỗi đứa một phương. Trước khi quay đầu bước đi, anh giơ tay lên, nói: “Tạm biệt em!”.
“Gặp lại anh sau”. Tôi đáp.
Lời hẹn gặp ngày hôm ấy, tôi nói theo quán tính, trong lòng chẳng dám nghĩ ngợi nhiều, bước thật nhanh vào dòng người đông đúc để dáng hình mình nhòa đi. Tôi nghĩ mình sẽ quay đầu lại nhìn anh một lần cuối. Tôi thèm nhìn anh chết đi được. Nhưng tôi đã không. Bởi tôi sẽ thèm muốn nhiều thứ hơn nữa. Những thứ tôi không thể có, những thứ rốt cuộc vẫn chỉ là vô nghĩa, những thứ tôi không có can đảm quên và cũng không sao quên nổi. Tôi hèn nhát và yếu đuối, chết lặng tựa vào khung cửa, để mặc đoàn tàu cứ thế kéo mình, đi thật xa. Như thể ra đi có thể bỏ lại phiền muộn, như thể ra đi có thể rũ bỏ hoàn toàn quá khứ.
Ngồi trên tàu để trở về Tranh Sơn, cảm giác của ngày hôm ấy ùa về. Mười mấy năm trời, lòng chẳng đổi khác. Giờ tôi vẫn nghĩ, đó có lẽ là một trong những tâm trạng mình sẽ khắc ghi đến tận ngày tàn.
Tôi cũng nghĩ, vậy thôi, chắc đây là lần cuối cùng về với Tranh Sơn.
Lúc này là cuối xuân. Sống lâu ở thành phố, tôi dường như đã quên mất cảm giác lạnh, sự tê tái áp lấy làn da ngập và tràn đầy. Mùa xuân không có nắng, chỉ có mưa bụi và sương làm Tranh Sơn u ám như một bức tranh mực tàu. Mười mấy năm trời, Tranh Sơn đổi khác quá nhiều, đôi chỗ tôi không còn nhận ra. Nhà lá thành nhà xây, đường đất thành đường nhựa, đến cả hai hàng cây bên đường cũng được thay bằng cột điện, khắp nơi ngồn ngộn màu xám xịt của bê tông. Cũng biết thời gian là thế, tôi vẫn hốt hoảng vì sợ mình về không đúng nơi, sợ lạc đường, sợ không tìm thấy điều phải thấy.
*
* *
Tôi phải vất vả hỏi mới tìm được đến đồng Thoải. Nằm an tĩnh ở phía bắc Tranh Sơn, bao bọc bởi cánh đồng lúa và hoa màu, hình như, chỉ có nơi này, dù đổi thay ít nhiều vẫn giữ được nét xưa trong trí nhớ. Có lẽ vì con người luôn kính sợ cái chết. Bất kể ở đâu, là ai, độ tuổi nào, cái chết đều vây hãm, ám ảnh tâm trí. Đồng Thoải là nghĩa địa của thị trấn, là nơi cất giữ bí mật của những người chết, nên thời gian ở đây cũng chậm đi, mặc kệ thế giới ngoài kia điên cuồng chuyển động.
Lúa lúc này mới cấy, mùi bùn tanh ngọt nồng hơn bao giờ hết. Tôi hít một hơi thật sâu, thứ mùi tưởng chừng đã quên, giờ đột ngột làm sống lại cảnh vật, kéo giật tôi về những kí ức đã cố chôn vùi. Hóa ra Tranh Sơn vẫn nuôi dưỡng và cất giữ kí ức của tôi. Ai cho rằng, kí ức không có sức nặng? Chỉ cần trở về là sức nặng của kí ức tràn tới đè thắt lên lồng ngực làm tôi không sao thở nổi.
Tôi đứng trước mộ bác tôi, thắp ba nén hương...
Tôi nhớ mình từng thích xem những album ảnh cũ. Cái thời mà chụp một tấm ảnh cũng là thứ xa xỉ, thì mỗi bức ảnh lại là một câu chuyện. Những người con gái ở Tranh Sơn thời bác tôi chỉ chụp ảnh vào những dịp đặc biệt. Khi tròn mười lăm tuổi trăng tròn, khi tốt nghiệp trung học (nếu có), khi làm cô dâu, khi sinh đứa con đầu lòng, khi con tròn một, hai, ba tuổi. Khi những đứa trẻ lớn lên và lập gia đình, người con gái giờ là những người phụ nữ đứng tuổi, đã sống hết thanh xuân của đời người, chụp những bức ảnh với vai trò làm mẹ, làm bà… Họ chụp ảnh để ảnh thay họ nhớ, hoài mong, và lưu giữ những câu chuyện.
Có ba bức ảnh vẽ nên chân dung của bác mà tôi sẽ không sao quên được.
Một, tấm hình bác là cô dâu.
Ngày còn nhỏ ấy, ngồi trong lòng bác xem lại những tấm chụp hình ngày cưới, bác tôi xinh đẹp vô cùng, môi tô son đỏ, tóc uốn xoăn và mặc áo dài trắng muốt đứng giữa bạn bè, người thân. Tôi vòi bác kể lại chuyện gặp gỡ, yêu đương rồi kết hôn với bác trai. Bác kể hai người chợt bắt gặp ánh mắt nhau một ngày nào đó, rồi bác trai đến nhà ông bà ngoại chơi buổi tối, trước lúc ra về, gọi người con gái ra dúi vào tay một cái cặp tóc, cười bảo: “Anh cho em đấy”. Vì một cái cặp tóc mà bác tôi phải lòng bác trai giữa biết bao thanh niên làng. Ngày cưới viên mãn, ánh mắt rạng rỡ, khóe môi ngập tràn ý cười. Nhưng giờ mỗi lần nghĩ lại tấm ảnh ấy tôi chỉ thấy buồn, và bác chắc hẳn cũng buồn, nếu biết được khoảnh khắc đẹp nhất đời người phụ nữ của bác, lại chỉ dừng lại ở thời điểm ấy thôi.
Hai là tấm hình bác nắm tay tôi đứng ở bụi cau trước nhà. Bao nhiêu năm rồi không nhìn lại, nhưng tôi vẫn nhớ được đến từng điểm ảnh. Chất ảnh cũ hơi ố vàng, một góc loang lổ vì có lần bị đổ nước chè vào. Ảnh đen trắng, nhưng hồi tưởng về khung cảnh ngày ấy, nhắm mắt lại, tôi sẽ thấy mình trở về buổi chiều đầy màu sắc. Một buổi chiều hè trời không gợn mây khi những cơn nắng gắt nhất mùa đã dịu đi, gió thổi bụi cau nghe xào xạc, mùi vừa nồng vừa ấm. Bác tôi vóc dáng mảnh khảnh, mặc áo gấm ngà, xinh đẹp vô cùng. Còn tôi thì độ bảy tám tuổi gì đó, mặt sưng húp vì mới khóc quá nhiều. Tôi vẫn nhớ thợ ảnh là một người hàng xóm mới tậu máy về muốn thử tay nghề. Vớ được chúng tôi ở đầu ngõ, cười bảo: “Để tôi chụp hai bác cháu một tấm nhé!”.
Và cuối cùng là bức ảnh chúng tôi chụp cùng nhau ít lâu trước ngày tôi bỏ Tranh Sơn mà đi. Mùa mưa ấy nặng hạt hơn bình thường làm hồng xiêm non rụng đầy vườn. Trong họ có đám mừng thọ nên vời thợ chụp ảnh tới. Đợi lễ lạt gần xong, bác tôi kéo thợ ảnh sang một bên, giúi vào tay người ta mấy đồng tiền lẻ bảo: “Anh chụp cho chúng tôi một bức ảnh, cháu nó đã tròn mười tám rồi đấy!”. Chúng tôi đứng cạnh nhau bên bể nước. Mưa làm khung cảnh sau lưng nhạt nhòa, bác tôi cười thật tươi nhìn vào ống kính, còn tôi thì nhìn vào bác, lúc này tôi đã cao hơn bác nửa cái đầu và đã phải nhìn xuống chứ không còn là ngước lên như hồi bé. Tự dưng trong lòng muộn phiền không tả.
Và giờ, tôi biết mình sẽ có thêm một bức ảnh để nhớ. Bức ảnh bác tôi nghiêm trang trên tấm bia đá khắc tên một người đàn bà đơn điệu. Nào ai biết vài dòng giản dị ấy lại là thứ duy nhất còn sót lại trong cuộc đời của một con người. Tôi chết lặng vì cảm giác hụt hẫng chợt dâng lên trong lòng. Chắc hẳn lúc tôi chết, thế giới này cũng chỉ còn một tấm bia mộ.
Những người đàn bà không con, đều là chết đi như vậy, có phải không?
Có phải vậy không? Là tôi đã xong việc.
Giờ tôi có thể rời khỏi Tranh Sơn không còn lưu luyến, trở lại với cuộc sống nơi thành thị náo nhiệt của mình.
*
* *
Bước chậm trên con đường đất từ đồng dẫn ra đường nhựa, tôi đã định về Tranh Sơn thật lặng lẽ. Không gặp gỡ họ hàng hay bạn bè cũ, cứ thế về rồi đi. Nhưng rồi lại gặp anh.
Chẳng rõ là tôi hay anh nhìn thấy đối phương trước, cũng có thể chúng tôi cùng chạm nhau trong một tích tắc, bước chân của anh chậm lại, hai mắt đăm đắm ghim vào tôi. Tôi đếm nhịp thở của chính mình, một hai một hai, đồ rằng vóc dáng kia chỉ là kết quả của nhung nhớ. Nhưng chẳng phải, với vẻ mặt bối rối, Quân khẽ gọi, giọng rất nhỏ như sợ rằng nếu to tiếng một chút, hơi thở thoát ra từ cuống họng có thể thổi bay cái hình dáng nhợt nhạt mơ hồ của tôi. Anh gọi: “Dương à? Phải Dương không?”.
Đã có nhiều lúc đột nhiên nhớ về anh, tôi vẫn cố hình dung từng đường nét trên khuôn mặt Quân. Và không phải lúc nào sự tưởng nhớ về Quân cũng thành công. Đôi khi, trong quá trình khó nhọc ấy, tôi sẽ lạc vào một mê cung khác bởi một vài suy nghĩ bất chợt. Mỗi lần như thế, khuôn mặt của Quân chầm chậm, chầm chậm loang dần, loang dần trong tâm trí rồi biến mất.
Tôi rất sợ rằng có một ngày mình sẽ không còn nhớ được.
Để giờ phút này, vẫn không thể tin đứng trước mặt tôi, anh hoàn toàn trọn vẹn bằng xương thịt, bằng hơi thở và những kí ức riêng của anh. Nhưng mà tôi cũng chằng còn là người thiếu nữ ngây ngô năm nào, sau những giây phút mơ màng đã biết nén lại xáo trộn trong lòng, cười đáp: “Phải”.
Xác nhận đó là tôi rồi, anh chỉ đứng lặng thinh…
Đứng mãi… đứng mãi…
Đến lúc cảm thấy ngột ngạt quá, chúng tôi thở dài kéo nhau về một quán trà gần đấy, gượng gạo nói về cuộc sống của mình, tôi chẳng có nhiều để kể mà chỉ nghe anh nói về mình. Mười mấy năm, tính tròn một chút cũng chẵn hai chục. Cuộc đời rốt cuộc chỉ tóm gọn trong vài câu chữ. Anh làm gì, vợ làm gì, có mấy đứa con, con mấy tuổi.
Tôi hớp một ngụm trà, nghe anh ngập ngừng hỏi: “Còn em thì sao?”.
Tôi cười lắc đầu.
“Em không có gia đình, cũng không có con, làm về xuất nhập khẩu”.
Khi bất chợt gặp anh, rồi nghĩ về những năm tháng của mình, tôi có thể chia nó rõ ràng thành hai nửa. Trước năm mười tám tuổi lớn lên ở Tranh Sơn và sau năm mười tám tuổi ra thành phố làm việc.
Tôi của Tranh Sơn lúc nào cũng là một con bé da đen nhẻm, tóc lòa xòa, đứng ở cửa bếp rụt rè ngó ra thế giới. Mẹ tôi là con út trong một gia đình làm nông bình thường. Cuộc sống êm đềm như thơ. Mùa xuân gieo mạ, mùa hè hái lá mía, mùa thu thu hoạch, mùa đông mò tép. Năm mười tám tuổi, mẹ tôi chửa hoang, gia đình bà ngoại đánh đuổi. Mẹ tôi mang cái bụng bầu lúc này đã quá lớn để bỏ chạy tới nhà chị gái.
Sinh tôi xong mẹ bỏ tôi lên thành phố làm việc, rồi lấy chồng, rồi đẻ con khác. Tình cảm của chúng tôi lưng chừng ở những ngày cuối tuần mẹ về thăm, mua thứ nọ kia cho tôi cứ ngày một thưa dần. Vì thế tôi lớn lên, trong sự nửa giận hờn nửa thương xót của ông bà ngoại và sự che chở ngập ngừng của bác Nhài. Tôi không có nhiều kỉ niệm với mẹ, thành ra yêu thương cũng lạt lẽo. Rồi tôi sẽ lớn đủ để biết giận hờn, ghen tuông. Đủ để hiểu những lời độc ác người lớn lạnh lùng gieo xuống.
“Mẹ mày có em bé mới ở trên thành phố rồi, không về thăm mày nữa đâu!”.
“Mày là con hoang, cái thứ không ai muốn!”.
Rồi khi tôi thấy mẹ về, đứng ở đầu ngõ nhà bà ngoại một buổi chiều hè, hoa mơ tím phủ đầy hàng rào nghe hăng hắc. Tôi chợt ghét người phụ nữ ấy một cách kì lạ. Người phụ nữ tôi gọi là mẹ, nhưng lại không giống mẹ của những đứa trẻ khác, chiếc quần bò bó sát bờ hông, chiếc áo cánh voan điệu đà, màu son đỏ và mái tóc phi dê, tất thảy sao mà kệch cỡm. Người phụ nữ chưa từng và sẽ không ở bên cạnh chăm sóc, dắt tay tôi qua những biến chuyển đầy khắc nghiệt của cái gọi là trưởng thành.
Tôi không còn háo hức với những thứ kẹo bánh quần áo từ thành phố nữa. Tôi ngoắt trở thành một đứa trẻ đầy hằn học và bướng bỉnh. Ông bà ngoại không nói nổi, bất lực quật vào chân tôi cán chổi đau điếng. Tôi chạy ra sau bể nước ngồi khóc nức nở…
*
* *
Tôi nhớ ngày xa xưa ấy, mùa đông đến sớm hơn bây giờ rất nhiều. Giữa tháng chín thời tiết đã trở khí, tôi nghe tiếng phát thanh viên nhắc đến bốn chữ “gió mùa đông bắc”, tuy còn chưa lớn đủ để phân biệt được phương hướng thì cũng biết rằng trời sẽ lạnh lắm. Cái lạnh đến rất nhanh và đột ngột. Hôm nay vừa nắng, không khí chỉ hơi se se, đưa tay lên có thể thấy các tia sáng từ mặt trời xiên qua kẽ ngón tay, tràn vào hai đồng tử, lấp lánh, lấp lánh vàng. Thế mà chỉ sau một đêm, khi gió mùa đông bắc ùa về, sáng sớm thức dậy quét sân đã lạnh đến đông cứng.
Bà ngoại lấy lịch cũ dán những lỗ hổng trên tường lại để gió khỏi lùa. Tối tối, trong ánh đèn cầy lay lắt đơm lên từ chập tối, tôi nằm rúc vào chiếc chăn bông nặng và cứng, lắng tai nghe tiếng đài dự báo thời tiết, để rồi tối hôm sau lại trốn xuống nhà bác Nhài ngủ. Bác là một thợ may, chuyên nhận gia công quần áo rồi đổ buôn về mối chợ, vừa làm may vừa trồng rau. Vào mùa đông, chúng tôi gieo hạt su hào và cải bắp. Nhiệm vụ của tôi mỗi khi đi học về là ra vườn tưới rau. Nước múc từ con mương gần đó, dùng một cái gầu có đục hai lỗ ở đáy, chỉ cần đi lại giữa các luống rau, nước rỉ ra từ gầu sẽ phân chia đồng đều cho mọi chỗ. Từ lúc gieo hạt cho đến lúc rau trưởng thành, luôn luôn phải canh cỏ dại, tìm bắt những ổ sâu cải hoặc bón tro, bón phân. Biết bao việc phải làm dưới tiết trời lạnh giá chẳng găng mũ bảo vệ. Chính vì vậy mà mùa đông nào tay chân tôi cũng bị bỏng lạnh.
Làn sương vẩn lên mỗi sớm trên bờ mương, những giờ đồng hồ làm cỏ ngâm nước khiến cơn bỏng lạnh của tôi chuyển sang giai đoạn tạo mủ bọc đầy những khớp mu bàn tay, cho đến một ngày vỡ nát ra đau đớn không sao kể xiết. Tôi thường nũng nịu khóc ỉ ôi trong lòng bác, kêu công việc vất vả. Bác lại ôm tôi, tóc thơm mùi hoa bưởi, lấy trong tủ ra lọ mỡ đã vơi nửa bôi lên vết thương cho tôi. Trước lúc đi ngủ bác nói: “Mai không cần tưới rau nữa”.
Để rồi mãi về sau, vết bỏng lạnh trên tay tôi dần khỏi, còn vết bỏng trong lòng bác thì không.
*
* *
Mười lăm tuổi tôi mới có kinh nguyệt. Khi ấy tôi đang lội qua con mương để đi tắt sang ruộng rau nhà mình, chợt nhìn thấy một màu đỏ cứ thế loang dần, loang dần như phẩm màu tan trong nước. Tôi sững người không biết phải làm sao, màu đỏ càng đậm trong lòng càng hoảng hốt. Hôm ấy là đầu thu, trời đã đủ lạnh để môi và móng tay tím bầm. Tôi thấy sự sống như đang dần chảy ra khỏi thân thể mình, tôi không biết phải làm gì, đứng đó rất lâu, rất lâu cho đến khi chân gần như không còn cảm giác. Trời bắt đầu tối. Ráng chiều mùa thu đẹp đến bất thường. Đó là lần đầu tiên, tôi nghĩ rằng mình sắp chết.
Giờ nhớ lại mới thấy tâm tình một cô bé gái mười lăm tuổi ngây ngô biết chừng nào. Nếu hôm đó bác Nhài không sốt ruột đi tìm, tôi cũng chẳng biết mình sẽ đứng ở đó bao lâu.
Bác hỏi: “Dương làm gì ở dưới mương đấy? Có biết sắp tối rồi không?”. Tự dưng bao nhiêu tủi hờn trong tôi tuột ra hết, tôi khóc rất to. Bác hiểu chuyện gì rồi. Bác lẳng lặng nhìn tôi rất lâu, cái nhìn sâu thật sâu, rầu thật rầu. Tôi lấy tay lau bừa nước mắt, nước mắt làm cho những vệt nắng cuối ngày bị kéo dài rộng, mà càng lau, nước mắt càng chảy ra lã chã. Mãi sau, bác mới cười gượng như để an ủi tôi: “Có gì mà khóc, con gái ai chẳng trải qua chuyện này!”. Xong bác dắt tôi về, dạy tôi cách xử lí, bên ánh đèn cầy chập chờn, bóng khuôn mặt bác đổ dài trên tường vôi, bảo, giờ tôi đã là một thiếu nữ.
Thật vậy. Kể từ ngày đó, trong tôi có gì đổi khác. Tôi giã từ những hoang dại nghịch ngợm trẻ thơ để ấp vào lòng những suy tư khoăn khoải. Và tâm tính tôi cũng bắt đầu trưởng thành. Tôi học được cách thầm mến một người con trai.
Ở một nơi nhỏ như Tranh Sơn, đám trẻ biết nhau từ tấm bé. Tôi không biết cảm giác trong lòng xuất hiện như thế nào, chỉ biết đột nhiên có một ngày, hai gò má vì sự xuất hiện của anh mà ửng đỏ. Chúng tôi chạm mặt nhau một buổi chiều tan học. Anh chỉ hơn tôi hai tuổi, nhưng cao hơn tôi rất nhiều, cũng có vẻ trưởng thành hơn những cậu trai cùng trang lứa. Anh gọi: “Dương ơi”. Tôi ngập ngừng ngoảnh đầu lại, chẳng dám đáp một lời, nhìn anh, má nóng bừng. Anh lại nói: “Mẹ anh bảo mật ong được rồi, em nhắn bác Nhài hôm nào sang lấy, nhé”. “Vâng”. Đó là những lời đầu tiên hai đứa thực sự nói với nhau.
Giờ phút này, tôi nhìn chàng thiếu niên năm xưa đã trở thành một người đàn ông thực sự, cảm giác vẫn vẹn nguyên. Quân đối với tôi, giống như trăng trong giếng nước. Như những đêm rằm tôi gội đầu muộn, soi mình xuống nước thấy ánh trăng, sáng vô cùng, đẹp vô cùng, dát lên khung cảnh một lớp bàng bạc. Một thứ ánh sáng dịu dàng, tinh khiết. Nhưng mông lung.
Chúng tôi sẽ có nhiều kỉ niệm ở bên nhau, một kiểu hẹn hò trong sáng nhưng kiểu cách. Chúng tôi đi bộ qua ruộng lúa mùa mới cấy, qua đám đông ở chợ huyện, qua đêm rằm làng tổ chức hội cấy trăng. Anh là người đầu tiên mà tôi yêu, người sẽ dạy tôi rất nhiều những thứ “đầu tiên” và cả “cuối cùng” khác. Nhưng cũng sẽ có những thứ tôi làm mà không có anh, như là chuyến tàu hỏa đầu tiên để rời khỏi Tranh Sơn của riêng mình. Tôi đi đến một nơi hoàn toàn khác, tấp nập, xô bồ, ồn ã. Tôi làm nhiều việc để có thể sống, kể cả những việc không lấy gì làm tự hào. Tôi tan vào nhịp điệu hối hả của thế giới mới, choáng ngợp bởi thứ ánh sáng đầy huyễn hoặc của đô thị.
Có lẽ ai cũng sẽ cảm thấy điều ấy, từ một thị trấn nhỏ bước vào một thành phố lớn, cảm giác như chú cá sống ở ao đọng được bơi ra đại dương, chới với bởi những con sóng dập dềnh không bao giờ buông mặt nước, nhưng tự do vô cùng.
Có phải chính vì cảm giác được tự do ấy, cảm giác như người chết đuối đột nhiên được hít thở, cảm giác được vô hình đứng giữa một con phố đông như mắc cửi, cảm giác có thể sống là mình, nói và làm theo một cách riêng mà không ai bàn tán, cảm giác đi trên đường tự dưng muốn khóc thật to, liền có thể cứ thế mà khóc, chẳng có người quen biết chạy đến hỏi, sao mày khóc. Vậy nên mẹ bỏ tôi để xuống thành phố? Có phải không?
Nhiều lần người ta bảo tôi đến tìm mẹ. Ai đời sống cùng một thành phố mà chẳng gặp nhau bao giờ? Tôi giữ chặt mảnh giấy ghi số điện thoại và địa chỉ trong tay, thử tìm đến một khu nhà tập thể xập xệ.
Tôi đứng rất lâu dưới khu tập thể ấy, nhìn lớp tường màu vàng cũ ố bong tróc, nhìn những ô cửa sổ hoen gỉ và quần áo phơi đầy những ban công. Ban công nào là của mẹ? Ban công nào mẹ tôi phơi quần áo cho chồng con?
Tôi nghĩ mãi cũng không có câu trả lời, bèn quay gót về.
Cuộc sống cứ thế chật vật, đơn điệu, sứt mẻ qua đi. Bận rộn học hành rồi làm thêm, tôi không có thời gian kết bạn với bất kì một ai. Có lẽ tôi thực sự giống như lũ bạn cùng làm nói “nó thích ở một mình”.
Sau này, có lần anh bảo tôi: “Từ nhỏ đến lớn, lúc nào cũng thấy em một mình nhỉ?”.
Tôi cười, chẳng biết đáp làm sao. Không, trên đời này không có ai là muốn một mình cả.
*
* *
Anh hỏi tôi: “Bao giờ em lại đi?”.
“Tối nay em đi”. Tôi đáp.
Anh hơi sửng sốt, như thể chưa kịp chuẩn bị vì tái ngộ chưa lâu mà đã lại xa cách. Trà cũng đã nguội. Mưa vẫn không ngớt. Tôi dứt mắt ra khỏi sự quan sát của anh để nhìn ra phía con đường. Nghĩ một lúc, nói: “Gặp lại anh thế này tình cờ quá”.
Anh cứ gạn hỏi về cuộc sống hiện tại, tôi không trả lời được. Mười mấy năm rời khỏi Tranh Sơn, là mười mấy năm cuộc đời tôi phủ một gam xám. Tôi không dám lặng im. Tôi lúc nào cũng di chuyển hoặc làm việc. Trước năm ba mươi tuổi, rất nhiều lần tôi phải giải thích với bạn bè, đồng nghiệp: Tôi không muốn lập gia đình. Có lẽ tôi sinh ra chẳng phải để làm vợ, làm mẹ. Và rất nhiều người đã nhìn tôi hoài nghi, đã cười như thể họ thấu đời, thấu tôi: “Bây giờ em nói thế thôi, đàn bà, ai mà chẳng phải lấy chồng, sinh con!”. Thế nhưng năm tháng qua, tôi vẫn cứ một mình, những người từng nói với tôi điều ấy cũng già và quên đi, lại đến một lớp người trẻ hơn hỏi: “Tại sao chị không muốn lập gia đình?”. Tôi đáp: “Có lẽ chị chưa gặp được một người đàn ông yêu chị đủ nhiều”. Tôi muốn người ta thôi an ủi tôi rằng hãy cứ chờ đợi rồi tình yêu sẽ đến. Rằng rồi sẽ có một người làm tôi thay đổi. Tôi biết điều ấy sẽ chẳng xảy ra, tôi ước nó xảy ra, nhưng tôi biết nó sẽ chẳng, và tôi chấp nhận. Vậy nên xin đừng gieo vào lòng tôi thêm những mong chờ, hi vọng hão huyền.
Rồi không ít lần sóng gió xô đẩy tôi va chạm với người khác, không ít lần ngoài kia người ta hằn học nói với tôi: “Đúng là đồ đàn bà độc không con!”.
Và thật buồn cười khi có những hình ảnh luôn trở về. Tôi thấy mình quay lại ngày nhỏ, trong một chớm xuân theo bác lên chùa cầu tự. Bác nửa ngồi nửa quỳ trên sân chính điện, kính cẩn chắp tay nhắm mắt, miệng lẩm bẩm những lời cầu xin trong tuyệt vọng.
Mùi nhang quấn quýt không khí, lư hương rụng đầy tàn tro.
Cảnh vật yên tĩnh trang nghiêm đến mức một đứa trẻ sáu bảy tuổi đương độ hiếu động cũng không đám đùa nghịch. Tôi ngồi xuống cạnh bác, học theo dáng vẻ thành tâm cầu khấn, chắp tay, nhắm mắt. Mi mắt rung rung như những cánh đào kia.
“Bác xin Phật gì vậy?”.
Tôi tò mò hỏi, bác chỉ cười không đáp.
Rất nhiều năm rồi bác đều lên chùa xin một điều giống nhau mà không được. Tôi ngước đầu lên nhìn đức Phật nghìn tay nghìn mắt mờ mờ qua làn khói, băn khoăn không sao hiểu nổi. Và tôi biết, rất nhiều lần bác đã đi gặp những người chữa hiếm muộn, uống bao nhiêu là thuốc, cả tây cả ta, đến mức đêm về ngủ, giật mình thấy miệng đắng ngắt. Thuốc uống vào thì nhiều, ứa ra lại chỉ toàn nước mắt.
*
* *
Thấy tôi im lặng rất lâu, anh ngập ngừng bảo: “Hình như em không muốn gặp lại anh”.
Tôi cười khẽ. Anh chẳng hiểu tôi gì cả.
Tôi muốn chứ, tôi vẫn luôn muốn gặp anh, và tôi vẫn nhớ mọi điều về anh.
Nếu điều gì đó khiến tôi hiểu được rằng mình có tình cảm với một người thì chỉ đơn giản là khi xa cách, từng cái động chạm, từng ánh mắt, lời nói, rất lâu cũng không thể nguôi ngoai.
Ngày ấy chúng tôi trò chuyện rất nhiều khi ở bên nhau. Tôi thường hay kể anh nghe những chuyện lặt vặt trong cuộc sống. Ở cùng anh, tôi mới biết mình có thể nói nhiều đến nhường nào, tôi vui sướng và bất an, lúc nào cũng cảm giác như anh sẽ trôi tuột ra khỏi tầm tay của mình. Đã mấy lần tôi định thổ lộ với anh điều ấy, mà cuối cùng lại cắn môi im lặng, anh biết tôi có điều muốn nói, nhưng anh không hỏi, có lẽ anh cũng như tôi, sợ những chủ đề không an toàn, sợ rằng giây phút dễ chịu, êm đềm, tuyệt diệu giữa hai đứa sẽ tan đi không còn dấu vết.
Chúng tôi hẹn gặp nhau một buổi tối, tôi muốn nói với anh là tôi sẽ rời đi. Chúng tôi tản bộ quanh con hồ gần nhà bác. Ban ngày, có thể nhìn thấy hồ rất rộng, nước xanh và trong, nhìn rõ được cả các loài thủy sinh ngằn ngặt bên dưới. Đó chính là cái hồ mà tôi câu tôm, tập bơi, thả lá mít xuống mặt nước dưới trời mưa vờ là con thuyền trong lòng đại dương đang gặp bão tố. Ban đêm, ven hồ không khí lạnh. Trong lúc chúng tôi bước cạnh nhau, mấy lần anh hỏi “có mệt không” là mấy lần tôi suýt đáp rằng tôi không mệt. Tôi sẽ làm tất cả chỉ để được bên cạnh anh thêm một chút.
Có lẽ cảm giác sắp chia xa khiến mọi thứ đều trở nên gấp vội. Tôi cứ luẩn quẩn tìm cách nói với anh ý định của mình xong không thành. Ánh trăng thật lạnh. Nhìn vào mắt anh, những gì muốn nói tự dưng chất tụ thành một nụ hôn vội vã. Tôi vừa hoảng loạn vừa khẩn thiết xin anh giữ lấy tôi. Hãy giữ lấy tôi thật chặt, nếu không tôi sẽ trở thành con thuyền không còn mỏ neo, lênh đênh vô định, lạc lối trên đại dương trống vắng. Ngoài anh ra tôi chẳng còn gì để bấu víu.
Anh bối rối vì sự táo bạo của tôi, mấy lần muốn ghìm lại. Nhưng anh không hiểu. Giá mà anh đừng nghĩ ngợi suy tư. Tôi đâu có gì để cho, để mất? Trong vòng tay anh, tôi quên hết tất cả nỗi buồn và niềm vui, chỉ còn lại tôi, vào đúng khoảnh khắc ấy, sống một cách hiện sinh, sống một cách trọn vẹn. Tất cả những ràng buộc trong cuộc đời này tan biến. Chúng tôi chỉ đơn giản là hai con người, vậy thôi.
Sau này tôi không bao giờ còn được trải qua cảm giác của ngày hôm ấy nữa, cái cảm giác như pháo hoa rực rỡ cứ bung nở trên nền trời đêm hết lần này đến lần khác. Trong vòng tay anh, lần đầu tiên tôi nhìn được rõ chính mình.
Ngày tôi ra đi, anh giận không nói một lời. Tôi vẫn nghĩ, giá mà tôi có thể giải thích, giá mà anh có thể hiểu rằng anh có ý nghĩa với tôi đến nhường nào.
Tôi nhìn Quân, cười nói: “Lần này anh lại đi tiễn em nhé, có được không?”.
“Được”, anh không ngập ngừng đáp. “Có gì mà không được?”.
Vì thế chúng tôi lại bước cạnh nhau dưới trời mưa bụi như ngày xưa. Không hiểu sao lần nào tôi ra đi Tranh Sơn cũng đổ lệ. Và anh đã hỏi tôi câu hỏi anh để dành suốt mười mấy năm trời:
“Tại sao em cứ nhất định phải rời khỏi Tranh Sơn?”.
*
* *
Ừ… thì tại sao…?
Năm tôi hơn mười tuổi, bác tôi dồn tiền chắt bóp bao năm lên thành phố làm thụ tinh ống nghiệm, bác đi lại nhiều lần, mỗi lần vài ngày, và lần cuối thì vài tuần. Chiều nào tôi cũng ngồi trước hiên nhà bác nhìn màu xanh của tán cau bị bóng tối đổ về nhuộm đen. Tiếng chó cắn lúc chạng vạng nghe sao mà cô quạnh. Không biết bao giờ bác mới về, không biết bác có mua cho tôi quần áo mới?
Đợi mưa xuân xong hoa bưởi rụng trắng vườn, bác tôi cũng trở về.
Bác bảo rằng có một sinh mệnh đang lớn lên trong bụng bác. Tôi áp tay lên làn da quanh rốn lúc này vẫn còn phẳng lì, tò mò nhìn bác, tò mò lắng nghe. Không có gì động đậy, chỉ có hơi thở bác đều đều ấm nóng.
Rồi bác nghén, cả ngày chỉ nôn thốc nôn tháo, thân thể cũng gầy đi, nhưng tôi không ngờ bác vui sướng đến thế. Tôi nhìn bác ngồi trước hiên nhà, một tay tước đỗ, một tay đặt khẽ lên bụng, gò má ửng đỏ, ánh mắt sáng. Vẻ mặt ấy vừa xa lạ vừa quen thuộc, tôi nhớ mình đã từng gặp ở đâu đó. Tôi vội lật album ảnh để tìm kiếm. Đây rồi, tấm ảnh bác là cô dâu. Tấm ảnh ghi lại thời khắc bác chuẩn bị làm vợ và từ đó mở ra trang mới của cuộc đời. Khi một trang nữa sắp được mở ra, bác tôi chuẩn bị làm mẹ, vẻ đẹp ấy quay trở lại. Đó là lúc người đàn bà xinh đẹp nhất. Còn lúc người đàn bà xấu xí nhất?
Năm tôi mười tám tuổi, bác tôi thắt cổ tự tử ở gian nhà sau. Lúc người ta hô hào gỡ được bác xuống khuôn mặt đã tím bầm, lưỡi xanh ngắt và hai tròng mắt giăng đầy tơ máu.
Anh hỏi tôi tại sao tôi nhất định phải ra đi, tôi không biết đáp làm sao, nhưng có lẽ số mệnh tôi sinh ra là vậy, là sao Kế Đô cho những người tôi yêu thương. Mẹ tôi vì bị người ta lừa gạt phá đời, phải bỏ xứ ra đi, sống gửi thác nhờ nơi đất khách quê người. Ông bà ngoại vì tôi mà nửa cuối cuộc đời chịu biết bao dị nghị, đàm tiếu của hàng xóm láng giềng.
Bệnh viện đã cứu được bác tôi, nhưng trở về bác chỉ còn hai phần hồn. Từ ngày ấy bác chỉ ngơ ngẩn ngồi trên ghế lười ngoài sân, không còn nhìn về nhân thế.
Đã rất nhiều lần tôi không dám nghĩ nhớ về những gì đã xảy ra, mỗi lúc tâm trí bắt đầu dạt về phía ấy như thiêu thân dạt về ánh lửa, tôi phải tát thật mạnh vào khuôn mặt mình để khỏi trôi đi và cháy rụi. Nhưng ngọn lửa ấy vẫn âm ỉ cháy trong tiềm thức, chực chờ thò tay tóm lấy tôi trong mỗi giấc ngủ. Ở càng gần Tranh Sơn, thì ngọn lửa càng bỏng rát, vậy nên cũng năm mười tám tuổi, tôi đã lấy cớ mà bỏ đi thật xa, không dám về. Tự trong thâm tâm, tôi biết mình yếu đuối và hèn nhát, tôi không thể đối mặt với Tranh Sơn và bản thân.
Trước ngày ra đi, tôi đến gặp bác một buổi chiều mưa, người đàn bà bây giờ chỉ còn là một cái xác thẫn thờ, ánh mắt mông lung. Tôi quỳ bên cạnh bác, lần ngón tay cái trên gò má gầy.
Làm gì có đứa trẻ nào lớn lên mà không có một người mẹ trong lòng. Tôi có. Nhưng không phải người đã sinh tôi ra mà là người suốt thời cấp một mỗi khi trời mưa vẫn đón tôi đi học về, bất kể có phải chờ đợi bao lâu, bất kể những đứa trẻ khác đã sớm về, chỉ còn một mình tôi đứng bên hành lang và trời thì dần tối. Tôi biết bác sẽ xuất hiện. Bác đã luôn xuất hiện. Trên chiếc xe đạp cũ màu xanh lam, bác tôi có lúc mặc áo mưa, có lúc đội nói, cười hỏi: “Đợi có lâu không?”. Tôi không kìm được lòng mà hân hoan sà vào vòng tay của bác, tôi tham lam hít những hơi căng tràn mùi thơm êm dịu thương mến mà chỉ bác mới có. Rồi tôi trèo lên xe, chui vào trong áo mưa, tôi nắm chặt lấy vạt áo bác. Mưa đã hấp thụ hết những tạp âm trên đời, chỉ còn tiếng nước gõ lộp bộp trên đỉnh đầu. Thi thoảng tôi lại thò đầu ra ngoài nhìn xem đã về đến đoạn nào rồi. Mặt đường gồ ghề đầy sình dính theo nhịp đạp đôi chân của bác cứ vun vút lao về phía sau. Trong một khoảnh khắc kì diệu, khi tôi ngước mắt ngắm những hạt mưa sáng lên dưới ánh đèn phía xa, mưa dường như không rơi xuống đất mà chạy ngược lên trời.
Mưa trong kí ức lơ lửng đầy không gian.
Tôi đã thấy rất hạnh phúc, rất trọn vẹn. Ngồi yên ấm sau lưng bác dưới vạt áo, biết rằng hành trình đang ngắn lại, phía cuối kia là một ngôi nhà nhỏ có mùi cơm ấm, có mùi vải mới, có chiếc giường êm.
Thì ra có thứ để chờ mong là hạnh phúc.
Tôi vui sướng quá thể, buột miệng gọi: “Mẹ ơi!”.
Mưa đã làm tiếng tôi nghe không rõ, bác hỏi lại: “Cái gì cơ?”.
Nhưng tôi không còn can đảm để gọi hai tiếng ấy thêm một lần nào nữa.
Vì cũng vào một ngày mưa như thế, khi hơn mười tuổi, tôi bị ngã xuống cái hồ gần nhà. Khi nước tràn ngập vào mắt miệng và khoang ngực, tôi đau đớn đến lịm đi, không thể nhìn, không thể nghe. Sau này tôi biết bác đang cách đó một đoạn nhìn thấy tôi rơi xuống nước đã hốt hoảng chạy tới, nhảy xuống kéo tôi lên. Cho đến tận bây giờ, tôi không sao quên nổi khuôn mặt tái nhợt của bác, và phía dưới bụng bác một bông hoa đỏ đang chầm chậm nở ra khắp thảm cỏ, bị mưa xối loang lổ như phẩm màu tan dần trong nước. Bác nhìn tôi, hai hàng nước mắt chảy còn nặng hạt hơn mưa.
Vì là đàn bà, ai rồi cũng phải khóc. Vì thế gian này có đủ nước mắt để chia cho tất cả đàn bà trên đời.
Bác nói hay ai đó nói, tôi chẳng rõ nữa, tất cả cứ lờ mờ trôi đi trong gió.
Thời gian sau chúng tôi vờ như đó không phải lỗi của tôi, rằng vì cứu tôi khỏi chết đuối mà bác bỏ lỡ sinh mệnh đang lớn lên trong mình. Chúng tôi vờ như, đó là số mệnh, rằng có lẽ số mệnh của bác không phải để làm một người mẹ. Chúng tôi tiếp tục cuộc sống. Chúng tôi tiếp tục lờ đi những lời đàm tiếu trong thị trấn: Đồ đàn bà không biết đẻ!
Tôi biết bác giận tôi. Tôi biết có những đêm bác nằm một mình nước mắt chảy đầm gối. Tôi biết có những chiều bác nhìn tôi đăm đắm, giật mình sờ tay lên bụng rồi cắn răng quay mặt đi. Tôi biết tình yêu bác dành cho tôi bị xẻ dăm bảy mảnh. Yêu, xót, giận, hờn… Tôi biết bác trách tôi, và bác càng trách tôi thì bác càng giận chính bản thân mình. Vì trong câu chuyện này tôi vĩnh viễn đóng vai một đứa trẻ đáng thương vô tội. Trẻ con, thì làm gì có lỗi!
Và năm tôi mười tám tuổi, trong họ có đám giỗ, khi cỗ đã ăn xong, chúng tôi chụp một tấm ảnh kỉ niệm. Máy ảnh vừa chớp, chúng tôi thấy bác trai dẫn một người phụ nữ, một đứa trẻ về chính thức ra mắt họ hàng. Bác tôi chết lặng nhìn người đàn ông mình từng yêu nắm tay một người đàn bà trẻ trung hơn, một đứa trẻ không phải máu mủ của mình. Mẹ chồng nói: “Mày không đẻ được, để nó kiếm đứa khác về đẻ!”. Tất cả mọi người đều chấp nhận điều ấy như là đương nhiên. Vì làm đàn bà, nhiệm vụ chính chỉ có đẻ thôi, không đẻ được, thì còn gọi gì là đàn bà nữa. Có đúng không? Những ngày sau đó bác tôi nằm một mình trong viện, tôi nấu cơm đưa vào. Bác đã tỉnh nhưng không nói một lời, chỉ lặng lẽ nhìn ra khung cửa bị vạt nắng chiếu vào chỗ sáng chỗ tối.
Trước lúc tôi rời đi, bác đột ngột tóm lấy cổ tay tôi, vẫn không hé răng một lời, nhưng ánh mắt thì dữ dội đến mức tôi nghe được rõ ràng, bác bảo tôi, đi đi, đừng sống ở chốn này, đừng làm một người đàn bà chỉ để đẻ con như bác và rất nhiều người đàn bà quê khác. Giá mà bác từng có can đảm như mẹ tôi, mạnh mẽ để ra đi, mạnh mẽ làm lại cuộc đời sau mỗi lần vấp ngã, mạnh mẽ vứt bỏ toàn bộ quá khứ, nỗi đau, mọi lời đàm tiếu, mọi ánh mắt khắc nghiệt sắc nhọn như đá mà những người xung quanh ném vào mình. Ra đi để sống một cuộc đời tốt hơn. Ra đi để hiểu.
*
* *
Lần này rời khỏi Tranh Sơn, anh lại tiễn tôi. Trời vẫn còn mưa và mặt đường sũng nước, loang loáng phản chiếu ánh đèn cao áp hai bên đường. Tôi nghe tiếng loa giục người lên tàu, khẽ nói: “Gặp lại anh sau”. Anh chỉ nhìn không đáp. Có lẽ cả hai cùng biết chúng tôi sẽ chẳng bao giờ gặp nhau thêm nữa. Lần này, khi bước đi rồi, tôi cho phép mình quay đầu nhìn anh và Tranh Sơn lần cuối, nhìn những con người, những kí ức tôi bỏ lại nơi đây.
Kể từ đó, tôi đã gặp và yêu và thân mật với nhiều người đàn ông khác. Nhưng không ai giống như anh, không ai là vị thần đứng ở lối vào Tranh Sơn canh giữ biết bao nhiêu là kí ức, canh giữ phần bản thể trần trụi, yếu đuối mà tôi không thể rũ bỏ. Đứng trước anh, tôi mãi mãi là người thiếu nữ mới mười tám ngây thơ, thẹn thùng, háo hức, van nài anh dạy tôi trở thành đàn bà.
Cũng kể từ đó, tôi đã đến và gắn bó và phải lòng với nhiều miền đất khác. Nhưng không đâu giống như Tranh Sơn, không đâu có thể khiến tôi chia xa mà nhớ nhung quay quắt, đến mức mong muốn trở về đã biến thành một nỗi ám ảnh. Biết bao nhiêu lần, muốn quên đi Tranh Sơn thì tôi vẫn thấy mình trở về Tranh Sơn trong vô thức. Tôi thường thấy mình bị gọi dậy bởi một mùi hương, một hình ảnh. Và cảm giác ấy luôn xuất hiện mỗi hoàng hôn, tôi đứng trên đỉnh một tòa nhà cao nhìn về phía mặt trời và thấy bóng tối đang lan dần đến từ phía tây, nỗi khát khao được ở trong lòng Tranh Sơn chợt dữ dội đến mức tôi phải đem cả hai tay ôm giữ lấy trái tim mình.
Tôi muốn nói với anh rằng, toàn bộ cuộc đời này, bất kể tôi đang ở đâu, làm gì, với ai, thì anh và Tranh Sơn vẫn vẹn nguyên trong lòng. Chỉ cần tôi còn có thể nhớ. Và tất cả những đêm sau này bị sự cô đơn kéo giật khỏi giấc ngủ, tôi nằm thao thức một mình ngó ra bao lơn và thấy ánh trăng, tình yêu của tôi sẽ sống lại, tràn đầy.
Và nếu anh cùng Tranh Sơn vẫn nhớ về ngày hôm đó giống như tôi, hãy lại để tôi ra đi, hãy lại lặng yên đứng dưới trời mưa bụi không nói một lời, mi mắt phủ sương trắng…
Kết Thúc (END) |
|
|