Trời chưa sáng hẳn, Hùng đứng thần người nhìn phố xá.
Trời đen, đất đen. Ngay ả điếm mà hắn vừa mới thoát khỏi cũng đen. Từ ngoài vào trong, từ nước da đến cái vía. Chưa sáng đã hết tiền, lại bị cái vía ấy ám, ngày hôm nay cứ xác định như hũ nút.
Sớm quá chả biết nên đi đâu, Hùng phó mặc bước chân mình.
Đường phố vắng ngắt, nhà cửa lười biếng nằm im lìm, trời lúc mưa lúc tạnh, thị trấn ướt nhẹp như một miếng giẻ rách. Giữa không gian u ám nhếch nhác ấy, tiếng đàn cò nhão nhoẹt của lão xẩm mù như muốn nói với người ta rằng: Thế gian này chẳng hi vọng gì đâu, thà chết quách còn hơn.
Chả biết cái anh già mù lòa này ngồi hát từ lúc nào, có lẽ sớm tinh mơ hoặc đêm qua vì giọng hát đã khê lắm. Hùng dừng lại nghe một lúc, thấy não ruột quá, bèn lại gần. Trong cái mũ cói của lão có một mớ tiền lẻ, không hiểu đứa rửng mỡ nào cho sớm thế. Hùng móc hết túi nọ túi kia mới tìm được một tờ năm ngàn nhàu nát, hắn phất phất tờ tiền trước mặt lão khiến cái mũi nhíu theo đánh hơi như một con chó con. Hắn phì cười, nhét tờ tiền vào túi áo ngực cho lão, còn vỗ vỗ vai một cách thân thiết rồi đứng dậy.
Lão xẩm có vẻ cảm động lắm, rối rít cám ơn, nắn nắn túi áo ngực như thể cố gắng cảm nhận chút hơi ấm còn sót lại.
Mưa gió hiu hắt lạnh lẽo, tình người đáng quý biết bao.
Hùng dừng lại trước một cửa hàng, soi mình trong tấm kính, dùng nước mưa vuốt lại tóc, nhếch mép cười một cách rất cool ngầu rồi bước vào quán cà phê.
Nỗi cảm động vẫn nghẹn ở cổ khiến lão xẩm mù chưa hát tiếp được. Lão vẫn chưa phát hiện ra sự thay đổi ở cái mũ trên tay mình.
*
* *
Táo Đỏ năm nay bảy tuổi, là một cậu bé ngoan, ai cũng nói thế.
Táo Đỏ với mẹ ngồi ở góc quán cà phê trong buổi sáng vắng khách. Mẹ nó chúi đầu vào điện thoại, còn nó, vì không có việc nên khi một người đàn ông vừa bước vào quán, nó giương mắt quan sát.
Người đàn ông quần áo bảnh bao, tóc tai chải mượt, gọi cà phê và thuốc lá rồi tiện tay cầm tờ báo cũ từ đời nào đọc như một trí thức đích thực. Táo Đỏ nghe thấy nhân viên quán gọi ông ta là Anh Hùng.
Táo Đỏ thì thào:
- Mẹ ơi, chú kia là anh hùng.
- Không phải anh hùng đâu, lưu manh đấy. Đồ ngốc.
- Chú ấy là anh hùng thật mà! Con nghe rõ.
Mẹ Táo Đỏ ngừng chơi điện thoại, nhìn Hùng một chút.
- Của anh Hùng đây ạ - Nhân viên quán đặt cà phê và thuốc lá lên bàn.
Táo Đỏ trợn đôi mắt vốn đã thô lố, nói một cách sung sướng:
- Đấy, mẹ thấy chưa? Con rất thích được làm anh hùng như chú ấy!
Mẹ Táo Đỏ suy nghĩ một chút, rồi chợt cười rất tươi gọi trả tiền rồi đưa Táo Đỏ đi trước.
Hùng không để ý, ngồi đó nhấm nháp cà phê, phì phèo thuốc lá, ung dung đọc báo, hệt một thị dân cơ bản. Cà phê cạn, thuốc hết, báo không còn, Hùng vỗ mông đứng lên.
Hùng đi trên phố, nghĩ đến mớ tiền lẻ mới lấy được đã vơi gần hết chợt nghĩ ngợi lung tung.
Lấy tiền của một lão ăn xin mù có khốn nạn không? Hùng cho là khốn nạn, rất khốn nạn. Nhưng Hùng không nề hà việc khốn nạn thêm mấy lần để ngày hôm nay trôi qua được thoải mái một chút. Hắn biết mình là một kẻ thối tha, thối từ trong ra ngoài, thối từ mấy chục năm trước thối đến bây giờ, thối như phân. Mà phân thì sợ gì thối thêm. Càng thối càng tốt. Hắn được cha mẹ đặt tên cho là Anh Hùng, cái tên nghe khiếp người, nhưng hắn là lưu manh.
Lưu manh là thế nào? Lưu manh cũng có lắm loại, phân chia tầng lớp đàng hoàng.
Có loại lưu manh thượng đẳng, quyền cao chức trọng, luồn lách chốn quan trường, nịnh trên nạt dưới bất chấp thủ đoạn.
Có loại lừa gạt xoay xở trong thương trường, rồi khi vận đến liền biến thành đại gia được vạn người ngưỡng vọng.
Có loại chữ nghĩa đầy đầu, âm hiểm giảo trá, giết người không cần dao, bề ngoài vẫn trí thức đạo mạo như bậc sĩ phu cao khiết.
Có loại vai u thịt bắp, hung dữ máu lạnh, dùng án tích làm thanh danh, đếm vết thương làm thành tích, qua đó xác định địa vị giang hồ.
Hùng không có quyền chức, vốn liếng, chữ nghĩa hay cơ bắp, bởi thế hắn thuộc loại hạ đẳng trong bọn hạ đẳng, lưu manh của giới lưu manh. Đó là đẳng cấp coi cờ gian bạc lận làm mục tiêu lâu dài, lấy trộm gà bắt chó làm kế ngắn hạn, cho dù là lừa gạt bà già hay hãm hại trẻ con - miễn là có miếng ăn.
Làm hạng lưu manh bét cùng bét tận ấy cũng không đơn giản, ở cái xó này người ta đã nhẵn mặt hắn rồi, đến mức muốn lừa cái bánh rán của bà bán rong cũng khó, thậm chí chơi gái cũng phải trả tiền trước. Đã thế, tuổi Hùng cũng không còn nhỏ nữa, sức khỏe lẫn tinh thần đều rệu rã, sinh kế dường như sắp đi vào ngõ cụt.
Đang ngó nghiêng, chợt nhìn thấy một “cây nấm” ở giữa đường, Hùng bật cười. Nghĩ đến phân thì nhìn thấy nấm, rõ là sự kết hợp tuyệt vời. Thực ra “cây nấm” đó là một cái ô. Hắn nhấc “cây nấm” lên, bên trong là một thằng bé. Hắn không biết thằng bé này, nhưng thấy nó có vẻ căng thẳng, bèn mỉm cười gật gật đầu với nó.
May quá, đúng lúc trời mưa nặng hạt hơn, Hùng định tuyên bố tịch thu cái ô thì thằng nhóc đã chìa ra một mảnh giấy viết sai chính tả be bét. Đêm 17 tháng 10, măm 1997. Anh còn nhớ không? Người đào hoa như anh chắc là quên mất rồi, nhưng dả đời em vẫn nhớ. Trúng ta tuy trỉ ở cùng nhau có một đêm nhưng thằng nhóc Táo Đỏ này trính là kết quả của đêm ấy. Anh sem, mắt nó, chán nó, tai nó, đều là của anh hết, nó rống anh như lột.
Hùng trừng trừng nhìn. Mắt, trán, tai… chả hiểu có giống hay không nữa. Càng nghĩ càng thấy sợ, Hùng tặc lưỡi vò tờ giấy cho vào mồm nhai ngấu nghiến. Táo Đỏ trố cặp mắt kinh hoàng lên, chắc nó chưa thấy người ta ăn giấy bao giờ. Nuốt xong tờ giấy, Hùng nói:
- Này thằng cứt, à không, Táo Đỏ yêu quý, con đi về với mẹ nhé, chú có việc đi trước đây.
- Nhưng không biết mẹ ở đâu.
- Không sao, cứ đứng yên ở đây, lát nữa mẹ sẽ đến đón.
- Mẹ nói sẽ không đón, bảo đi theo chú nếu không sẽ chết đói.
- Chà chà, đúng đúng, con phải đi theo chú chứ! Đứng đây đợi chú đi mua kem cho mà ăn, nhá!
Táo Đỏ không bị lừa, nó nắm chặt lấy ống quần Hùng không buông. Hùng gạt tay nó, rồi bỏ chạy thục mạng. Táo Đỏ chạy theo, hai chân vấp vào nhau, xúc mặt xuống bùn.
Hùng thấy mình chạy nhanh lắm.
Hắn không nhớ thật, không nhớ một tí gì. Ngày xưa còn trẻ, con gái qua tay nhiều không đếm hết, có khi một tuần qua lại đến mấy chỗ, nhiều lần say lử say lừ mặt mũi cũng chả thèm nhìn. Cuộc đời hắn cho dù nhiều phen khổ nhục, nhưng lúc nào cũng thư thái ung dung, chưa bao giờ cảm thấy lằng nhằng như lúc này. Hắn thấy mình bỏ chạy là hợp lí, không chạy mới là ngu. Thế mà không hiểu sao hắn vẫn thấy càng lúc càng khó chịu, lòng dạ cộn lên những cơn nôn nao khó tả, vừa bứt rứt như kiến gặm trong xương, vừa râm ran như trăm ngàn mụn nhọt cùng lúc mọc trên người. Cái cảm giác ấy lúc đầu chỉ hơi phảng phất, giờ mỗi lúc mỗi sâu hơn. Sâu lắm! Sâu đến nỗi hắn cho rằng dù có róc xương xẻ thịt cũng không moi ra được, dù có chạy đến chân trời góc biển cũng không bứt thoát được.
*
* *
Trời chiều, Hùng về nhà, trong lòng thầm chứng thực độ xúi quẩy vô hạn nhiễm phải từ ả điếm buổi sáng. Nhà hắn ở “xóm liều” gồm dăm ba căn nhà tồi tàn nằm vô tội vạ gần bãi rác. Hùng cắm đầu cắm cổ mà bước, chả để ý gì đến xung quanh. Đến cửa, hắn ngẩng đầu lên và chợt khựng lại. Táo Đỏ không hiểu bằng cách nào đã đứng lù lù ở đấy, mặt mũi lấm lem, mồm toét ra cười, trước bụng ôm khư khư cái bọc vải. Thấy Hùng về, nó bẽn lẽn nghiêng đầu sang một bên, không nói gì. Hùng sau phút đầu tiên ngỡ ngàng, đã bình tâm lại, mặt lạnh như sắt đi thẳng vào trong nhà. Gọi là nhà nhưng nó nhỏ, chỉ kê vừa khít một cái giường, ngoài ra chẳng có đồ đạc gì. Hắn hay đi vắng, mỗi khi về nhà thường là mệt mỏi hoặc say khướt ra rồi, lại thêm bản tính lười biếng, nên căn nhà không những bẩn thỉu tồi tàn mà còn thủng đông rách tây, dột trên nát dưới, ngay cả cánh cửa hỏng đã lâu mà hắn cũng chưa buồn thay, cứ lay lắt dính vào khung gỗ. Lần này Hùng vào nhà, việc đầu tiên là đóng sầm cái cánh cửa đó lại, khiến cho cái bản lề rời ra, cả tấm gỗ rơi uỳnh xuống. Hùng tức giận gầm lên, nhấc cả cái cánh cửa phản chủ quẳng ra ngoài. Hắn quay lại nhìn Táo Đỏ đầy căm giận, rồi mệt nhọc nằm vật ra giường.
Táo Đỏ hết nhìn Hùng lại nhìn cái cánh cửa bị quẳng đi, nó có vẻ rất hoảng sợ, chôn chân đứng giữa trời. Khi còn lại một mình, cơn hoảng sợ có vẻ dịu bớt, một lát, nó tiu nghỉu ngồi xuống gốc cây cổ thụ. Trời bắt đầu đổ mưa, nhỏ thôi, nhưng nước đọng trên lá cây rơi lên người từng giọt to đùng, lành lạnh, khiến nó rùng mình không ngớt.
Hùng nằm một lát, hết lật bên trái lại lật bên phải, mãi vẫn không sao ngủ được. Hắn ngồi dậy lầm bầm chửi mấy tiếng, nặng nhọc khoác cái áo ấm rồi đứng lên. Táo Đỏ thấy hắn cử động, cũng nhổm đứng dậy, khuôn mặt giãn ra, ánh mắt khấp khởi hi vọng. Không ngờ Hùng chỉ lầm lũi đi qua, mặt vẫn nặng như chì, không buồn liếc lấy một cái, thoáng chốc đã khuất bóng.
Trời sâm sẩm, ánh sáng tắt đi rất nhanh, mưa mù giăng xám xịt.
*
* *
Hùng vào trong phố, tìm một quán rượu còn sáng đèn, ngồi uống mãi mà chưa say. Hắn đứng dậy trả tiền rồi bước ra đường.
Trên đầu là nước, dưới chân là bùn, không gian chỉ có tiếng mưa nôn nao.
Con người sinh ra, có lẽ bất cứ ai cũng sẽ một lần băn khoăn về ý nghĩa của cuộc đời mình. Nếu không băn khoăn gì, cứ thế vô tư mà sống như cây cỏ muông thú sẽ thật vô nghĩa. Nhưng nếu băn khoăn mà không trả lời nổi thì thật bất hạnh, đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng không biết chừng đó sung sướng khổ đau, chừng đó yêu thương thù hận, rốt cuộc có ý nghĩa gì. Lừa gạt, hại người, gây sự đánh nhau, chơi gái, đánh bạc, uống rượu... gần bốn mươi tuổi, lần đầu tiên Hùng cảm thấy không biết nên sống tiếp như thế nào. Lang thang một lúc, đôi chân lại đưa hắn về tới nhà. Người trong xóm đã ngủ hết, không gian chỉ còn tiếng mưa rơi từ thinh không vời vợi, tiếng gió thổi từ đêm tối xa xăm. Khi nhận ra trong thế giới mưa gió ấy không có thằng bé, Hùng bỗng thấy sự thiếu vắng khủng khiếp nào đó mà hắn không sao cắt nghĩa được. Hắn vốn cho rằng đời mình không có gì, nên cũng chẳng sợ mất cái gì. Nhưng cái cảm giác thiếu vắng vừa mới xuất hiện này, đó có phải là mất mát không?
Đứng lặng hồi lâu, hắn chợt bật ra một tiếng cười khô khốc rồi tặc lưỡi: Thôi kệ!
Hắn vào nhà, vẫn vắng lạnh như trước, nhưng trên tấm phản có một thằng nhóc nằm cù khoeo ngủ ngon lành. Cái bánh bao chưa nỡ ăn hết vẫn nắm chặt trong bàn tay nhỏ bé.
Hùng lại tặc lưỡi: Thôi kệ! Sao cũng được.
*
* *
Mấy ngày sau đó vẫn vậy. Tiền cứ có rồi lại hết theo thời vận may rủi. Táo Đỏ vẫn nhảy nhót bên cạnh Hùng khắp nơi, dường như nó chẳng hề có vấn đề gì với sự thiếu vắng của mẹ. Lúc hai người ngồi trong quán phở, ông chủ đang lúi húi trong bếp. Trong khi chờ, Hùng nhìn Táo Đỏ hỏi:
- Nhóc! Mày không nhớ mẹ à?
Táo Đỏ lắc đầu. Hùng lại hỏi:
- Làm sao mà không nhớ?
- Không biết.
- Thế ngoài mẹ ra, mày còn ở với ai?
- Ở với các chú!
- Bao nhiêu chú?
- Nhiều chú!
Hùng cười, đứng lên, giả lả lại gần ông bán phở:
- Bác ơi, nhà mình có cần thuê người làm không ạ?
Ông chủ cười:
- Sao? Chú định làm người lương thiện à?
Hùng sửng sốt:
- Ô hay, bác nói cứ như em không lương thiện ấy!
- Ừ thì lương thiện, nhưng mà quán anh không cần thuê người.
- Bác ạ, hoàn cảnh em nó khổ lắm. Đến như Chí Phèo còn muốn có lương thiện nữa là em. Nhưng mà tuổi trẻ thất nghiệp sinh ra lắm tật, lại vì lắm tật mà xin việc không được. Cái vòng tròn ác tính ấy nó siết chặt lấy đời em, chẳng mấy chốc mà thấy mình đã già rồi.
Giọng Hùng bùi ngùi, cái câu “siết chặt lấy đời em” còn nghẹn như sắp khóc. Nhưng mà bàn tay đang thò vào ngăn kéo của Hùng lại bị siết chặt bởi tay ông chủ quán. Cú bóp mạnh khiến Hùng rời tay khỏi mớ tiền.
- Hoàn cảnh hả? Hay ăn lười làm nó là nết, gian vặt nó là tính, hèn hạ nó là bản chất, đếch phải do hoàn cảnh!
Hùng và Táo Đỏ bị tống cổ ra ngoài. Táo Đỏ hỏi:
- Ông ấy mắng ai đấy ạ?
Hùng cười gượng:
- À, chắc mắng người xấu.
Rồi muốn đánh trống lảng, Hùng dạy Táo Đỏ hát. Khốn nỗi kho dữ liệu về bài hát thiếu nhi trong não hắn hỏng lâu rồi, nhớ mãi mới nặn ra được mấy câu.
Đứng bên sông mà trông chú cò, trưa nắng hè cò ta đi mò, ấy thế mà không chịu đội mũ, uống nước lã rồi lại quả xanh…
- Uống nước là phải nấu lên.
Hát đến đây hắn dạy Táo Đỏ thế. Hắn cho rằng người bình thường khác với lưu manh ở chỗ, một đằng thì sống có nguyên tắc, một đằng không. Nguyên tắc pháp luật, nguyên tắc đạo đức, nguyên tắc sinh hoạt các kiểu, và uống nước đun sôi là một nguyên tắc như thế, cho dù nhỏ. Thế nên mặc dù hắn thường ngồi xổm lên mọi thứ nguyên tắc, hắn vẫn nghĩ hôm nào phải tìm thêm mấy bài hát thiếu nhi nữa mới được.
Tiền kiếm càng ngày càng khó, chi tiêu từ lúc có thêm Táo Đỏ thì lại phình ra nên Hùng bấn lắm. Tính làm một vố lớn, nhưng sợ Táo Đỏ đi theo vướng chân, Hùng bắt nó ở nhà. Trước khi đi còn dọa. Ở yên đây, ra ngoài tao chặt chân! Hùng ra ngoài một mình, vố lớn chả thấy đâu, chỉ nốc được bữa rượu. Đến khuya, loạng choạng theo con đường quen thuộc về nhà, Hùng thấy ánh lửa hắt lên từ phía đằng xa. Hùng rùng mình một cái, lập tức tỉnh rượu, thục mạng chạy về.
Căn lều bốc cháy đùng đùng, người đứng xem lố nhố, chỉ trỏ cười cợt.
Hùng gào lên, lao vào đám lửa, rồi lại lao ra, trên tay ôm chặt Táo Đỏ. Hai người khom lưng ho sặc sụa, Hùng vừa ho vừa vuốt lưng cho thằng bé.
Táo Đỏ vừa ho vừa thanh minh. Táo Đỏ là đứa trẻ ngoan, Hùng bảo nó uống nước là phải nấu, nên nó nấu.
Đám đông đứng xem có vẻ chột dạ, người ta thì thào nói với nhau gì đó, có vẻ không ai ngờ trong nhà có một đứa bé. Họ bỏ đi trong sự áy náy, nhưng có một gã thanh niên quay lại, cười khẩy:
- Cái giống khốn nạn chết bớt đi càng tốt, để nó lớn lên lại giống mày thôi!
Nỗi phẫn uất trào lên, nhưng Hùng không biết phải phản ứng thế nào, bởi vì người ta nói đúng quá. Không kìm chế được, Hùng vung tay tát một cái vào má Táo Đỏ, khiến thằng bé lệch cả người sang, liêu xiêu suýt ngã.
Nước mắt giàn giụa, nhưng Táo Đỏ không dám khóc, nó vừa nấc vừa nói:
- Con… con không ra ngoài, đừng… chặt… chân!
Rõ ràng mà, trẻ ngoan nói gì cũng nghe, nói gì cũng tin.
Hùng khuỵu xuống, ôm chặt lấy Táo Đỏ, khóc lên ồ ồ. Sau bao nhiêu năm lừa lọc đĩ bợm, tiếng khóc của hắn đã trở nên vô cùng lạ lẫm, như thể quên mất cả cách khóc sao cho đúng.
Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, hắn chưa từng được ai yêu quý, lời nói của hắn chưa từng được ai tôn trọng. Bây giờ thằng bé này coi hắn là thần tượng, coi mọi lời nói của hắn là chân lí, bởi vì nó nghĩ hắn là anh hùng.
Nó muốn làm anh hùng, nên phải nghe lời anh hùng.
Lúc nhỏ đứa nào chả muốn làm anh hùng, nhưng lớn lên sao lại toàn là lưu manh? Đâu đâu cũng thấy lưu manh.
Táo Đỏ cũng mơ ước làm anh hùng, nhưng nó là con của lưu manh.
Con của lưu manh có thể thành anh hùng được hay sao?
*
* *
Không còn nhà, hai cha con lang thang khắp nơi.
Hùng nghiễm nhiên chấp nhận khái niệm đó (cha con), dù vẫn xưng hô như cũ. Hùng đi kiếm việc làm, tìm nhiều nơi nhưng không ai nhận, tất nhiên. Cuối cùng van xin ông bán phở, gần như khóc, và nhận được chân bưng bê. Làm được ba ngày, ông bán phở phát hiện ra mất mấy trăm nghìn trong ngăn kéo. Dù hắn ra sức thanh minh, van xin, rằng mình không lấy nhưng vô ích. Ông bán phở vẫn đuổi hai bố con đi, kèm theo câu quen thuộc: Hay ăn lười làm nó là nết, gian vặt nó là tính. Hùng cầm tiền công mấy ngày, dắt Táo Đỏ lếch thếch trên phố, nghĩ thế này là xong rồi, chắc chết đói. Khổ nỗi trước đây Hùng sẵn sàng chết đói, cũng chả làm sao cả, nhưng bây giờ...
Tiền cứ cạn dần, nỗi lo lắng tăng lên.
Hùng nhặt nhạnh ván gỗ dựng lại ngôi lều cũ, mua gạo bắc bếp nấu cơm cho rẻ, lại bỏ rượu bỏ thuốc, nhưng cũng chẳng ăn thua. Không kiếm được việc làm thì tiết kiệm đến mấy cũng chết. Hùng cũng thường dắt theo Táo Đỏ đi lung tung, hi vọng nó có thể nhìn thấy mẹ, nhưng cái mụ Hiên gì gì đó vẫn bặt tăm, có vẻ như mụ yên tâm lắm khi giao Táo Đỏ cho Hùng.
Tiên sư nó, cái loại mẹ gì không biết.
Hôm nay, Hùng quyết định gom hết số tiền lẻ còn lại, ra ga. Hùng quyết định bán xới đi nơi khác, may ra còn có đường sống. Ôm cái bụng rỗng tuếch, hai cha con đi qua con phố ga cũ kĩ. Táo Đỏ mặt buồn thiu, chắc đói lắm nhưng không dám kêu. Ở góc đường, có một đám đang ngồi quây quần, cười nói quát tháo cãi cọ ầm ĩ. Hùng biết đấy là cái gì, nhưng hắn không để ý đến chúng, bọn này dữ lắm không xơi được. Nhưng Táo Đỏ lại rất tò mò:
- Họ làm gì đấy hả chú?
- À, đánh bài ấy mà.
- Chú biết đánh bài không?
- Ờ... biết!
Thế là Hùng sà vào sới dã chiến. Táo Đỏ háo hức xem, một lúc không hiểu gì ngồi đuổi kiến, lại thêm một lúc nữa, nó gục xuống ngủ ngon lành trên vỉa hè.
Táo Đỏ ngủ lâu lắm, cho đến khi nó choàng tỉnh bởi tiếng huyên náo thì trời đã tối sẫm.
- Mẹ mày, lòi mặt chuột rồi nhá!
- Đánh chết thằng chó ấy đi!
Tiếng gào thét, đấm đá hỗn loạn khiến Táo Đỏ hoảng sợ, không hiểu chuyện gì xảy ra. Nó nhìn thấy một đám người đang đánh một người. Kẻ bị đánh co ro ôm đầu rúc vào trong góc đường, tiếng van xin bị vùi lấp bởi vô số thứ âm thanh chát chúa khác.
Kẻ bị đánh nhào ra ngoài, định chạy nhưng rồi không hiểu sao lại khựng lại. Hắn nhìn về phía Táo Đỏ, rồi quỳ sụp xuống chắp tay lạy đám lưu manh:
- Con lạy các ông, con còn phải nuôi con con! Con lạy các ông! Con con nó đang nhìn!
Một bàn chân đi giày đạp thẳng vào mặt khiến tiếng van xin im bặt. Kẻ khốn khổ ôm lấy cái mũi phun máu, tiếng van xin bị nghẹt lại.
“Rắc!”.
Một cây gậy gỗ to dài vung lên, quật xuống đầu gối. Gậy gãy làm đôi, chân cũng gập ngửa ra thành một góc độ kì dị. Đám đông im lặng trong giây lát, rồi ra hiệu cho nhau bỏ đi, chỉ để lại thân hình máu me tàn tạ của kẻ khốn khổ, miệng vẫn lảm nhảm như mê sảng.
Táo Đỏ run lẩy bẩy lại gần. Đến bây giờ nó vẫn chưa nhận ra kẻ đó là ai. Giọng thì khàn quá, mặt mũi người ngợm cũng nát cả rồi.
Phố ga, đêm khuya, người vắng.
“Cái xác” im lặng dần.
Táo Đỏ loay hoay không biết nên làm gì.
Tiếng đàn nhị nhão nhoẹt, giọng hát khê nặc.
Góc đường gần đó, lão ăn xin mù vẫn tưởng trời còn sáng.
- Nghĩa sinh thành, chớ có quên... công cha ngãi mẹ sinh thành. Mẹ mang con chín tháng, khai sinh một giờ. Ở trong lòng mẹ chả ngại tanh dơ...
*
* *
Thế gian có hai loại nhà. Nhà của người sáng mắt, và nhà của người mù.
Nhà của kẻ sáng mắt cần gọn gàng sạch sẽ, cần đẹp mắt, tiện nghi, thoáng mát. Những kẻ sáng mắt có khi phấn đấu cả đời chỉ để bồi đắp cho ngôi nhà đó, chăm chút từng vết sơn góc tường, từng chậu cây bông hoa, từng cái đinh chân ghế, chỉ để một lúc nào đó ngồi pha ấm trà, nhìn ngắm và thầm nhủ: Đây là nhà mình.
Nhà của kẻ mù đơn giản hơn nhiều, chỉ cần một chữ: tiện!
Bếp gas du lịch đặt ở cuối giường, chạn bát và chậu rửa ở bên trái, bồn cầu ở bên phải, thùng rác ngay dưới đầu giường, và chỉ cần đặt chân xuống đất sẽ với ngay được cánh cửa.
Hùng mở mắt một lúc lâu mới xác định được rằng mình vẫn sống, còn sống là tốt. Hắn nhận ra căn nhà này còn có một đặc điểm, ấy là không hề có bóng điện. Hẳn rồi. Hùng thấy phía dưới trống trống, sờ xuống, phát hiện ra một cái chân đã không còn. Thôi, còn sống là tốt. Hùng tặc lưỡi. Hắn nghe thấy tiếng một già một trẻ ríu rít nói chuyện gì đó có vẻ hợp cạ lắm. Hùng nhận ra giọng Táo Đỏ và lão xẩm mù đã từng bị hắn lấy hết mớ tiền lẻ trong cái mũ. Một chút, hai người vào nhà, vui mừng khi thấy Hùng đã tỉnh. Lão già mù thay băng cho Hùng một cách thiện nghệ, cứ như người sáng mắt. Táo Đỏ thì liên mồm hỏi: “Có đau không?”. Rồi hai người ríu rít đi nấu cơm như thể không hề biết rằng tương lai phía trước đen tối đến nhường nào.
Qua lời của lão mù, Hùng biết rằng mình được đi bệnh viện để cưa chân, nhưng mà bây giờ tiền mua thuốc đã không đủ, sống chết đành dựa vào số giời vậy. Sang ngày hôm sau, vết thương có vẻ nhiễm trùng, Hùng lên cơn sốt càng lúc càng cao. Có lúc mê man, Hùng thấy mình biến thành con giun to, bò trên con phố nhầy nhụa, khắp nơi đều là bùn đất tha hồ ăn. Táo Đỏ biến thành con giun nhỏ. Người đi đường giẫm lên hai con giun khiến chúng quằn lại nhưng vẫn vui vẻ vô cùng. Có cái ăn, bị giẫm một chút đã làm sao. Có lúc tỉnh lại được một chút, Hùng lại thấy Táo Đỏ cứ hí hoáy làm gì đó dưới cái chân cụt, hỏi thì nó bảo là gắp dòi. Chân toàn dòi là dòi, có con to bằng con giun, nhưng lão mù bảo thế là có cơ sống, không dòi mới chết. Hùng bệnh càng nặng, Táo Đỏ càng ít ra ngoài, nó cứ quanh quẩn ở đó, cố nhét thức ăn vào mồm cho Hùng, và mỗi lần như thế Hùng đều cố gắng nuốt xuống, bất kể thứ đó là gì, bất kể mồm miệng vẫn rách nát sưng vù, còn cổ tắc nghẹn đau đớn. Hùng sợ mình không sống nổi, mà dù có sống nổi cũng khó có thể nuôi được Táo Đỏ. Nghĩ thế nên hắn nhờ lão mù ra phố để ý xem có thấy con mẹ kia không. Khổ nỗi lão mù đâu có nhìn thấy gì. Bảo lão dắt Táo Đỏ theo thì nó không chịu, nhất định cứ ở nhà bón cơm bón nước với gắp dòi cho Hùng. Một thằng nhóc ở tuổi đó mà biết chăm sóc người bệnh khiến Hùng ngạc nhiên vô cùng, hỏi thì nó bảo mỗi lần mẹ ốm mẹ cũng bắt nó chăm, không chăm là ăn đòn, thành ra nó biết chăm người từ mấy năm trước.
Có lẽ trời còn thương xót, có lẽ do sức mạnh tinh thần nào đó đến từ nỗi lo lắng cho tương lai của con trẻ, hoặc đơn giản là mấy viên thuốc kháng sinh mà thỉnh thoảng lão mù gom tiền mua được phát huy tác dụng nên Hùng hạ sốt.
Ngay khi cơn sốt hạ xuống, việc đầu tiên Hùng làm là đóng một đôi nạng. Hắn muốn đứng lên nhanh nhất có thể, bởi vì thời gian nằm an dưỡng đã hết từ lâu, hắn không được quyền nằm tiếp nữa. Khi cây nạng đóng xong, Hùng liền theo lão mù ra phố, dắt theo cả Táo Đỏ. Nhờ cái chân gãy không hề giả tạo, lại thêm một đứa trẻ con và một lão mù làm trợ thủ, nên cuộc khởi nghiệp trong ngành ăn xin của Hùng không đến nỗi tệ. Ngay cả lão bán phở cũng cho tiền mấy lần, còn khá xôm, có lẽ do đã tìm thấy chỗ tiền mà lão nghi Hùng ăn cắp.
Lần đầu tiên trong đời, Hùng cảm nhận được cái khoái cảm của việc nhận tiền bố thí, nó không hề bẽ bàng cực nhọc như người ta vẫn tưởng, cứ mỗi đồng tiền nhận được đều khiến hi vọng của Hùng bừng lên. Nhưng đó là cái hi vọng gì, Hùng không biết. Rồi dần dần, Hùng nhận ra rằng mình bẵng hẳn những trò lưu manh khi trước. Nghề ăn xin tuy phải đi nhiều, hát nhiều, nhưng lại an toàn, và hơn hết là trong sạch. Trong sạch thì có ý nghĩa gì? Đối với Hùng, nó chả có ý nghĩa gì, nhưng Hùng nghĩ một đứa trẻ được nuôi bằng những đồng tiền trong sạch chắc hẳn phải khác một đứa trẻ được nuôi bằng lừa đảo trộm cướp. Có lẽ, đó chính là cái hi vọng mà Hùng nghĩ tới.
Cho đến một hôm, khi ba người đi ăn xin trên phố gặp một phụ nữ. Ả chằm chằm nhìn ba người. Hùng cố nhớ xem là ai, gặp gỡ trong trường hợp nào, nhưng chịu. Thế nhưng Táo Đỏ lại quen, nó reo lên mừng rỡ.
- Mẹ!
À, hóa ra là mẹ Táo Đỏ. Ả không liên quan đến Hùng. Thế nên Táo Đỏ cũng không liên quan đến Hùng.
Rất logic, rất rõ ràng.
Hùng đứng chết lặng ở đó, toàn thân như bị rút sạch sức sống, tai cũng ù đi, tầm nhìn xuất hiện những quầng xám loang dần ra, cho đến khi cả không gian biến thành một màn đen.
Lão mù không nhìn thấy vẻ mặt của Hùng, lão chỉ nghe thấy hai mẹ con líu ríu trò chuyện vui vẻ.
- Đến mà nhận vợ đi chứ! Còn ngượng cái gì?
Lão già mù lẩm bẩm mấy câu “giá mà”. Hình như lão kể lại câu chuyện lão đã từng có những cơ hội để có vợ có con. Cuối cùng lão chép miệng:
- Sau này vợ chồng dựa vào nhau mà sống, cố gắng nuôi thằng bé ấy nên người. Đúng là hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai nhỉ!
Hùng không biết hồi thái lai là cái hồi nào, nhưng hắn biết rằng tất cả thế là hết. Hắn không cay cú vì bị lừa, cũng chẳng đau đớn bởi chịu đủ tai ương vì một mối quan hệ giời ơi. Hắn chỉ cảm thấy ý nghĩa cuộc đời mình không còn, thứ ý nghĩa mấy tháng trước bỗng nhiên hắn tìm thấy và nâng niu nó. Thứ ý nghĩa giúp hắn có mơ ước khao khát, thấy ấm áp sum vầy. Những đêm mưa, những ngày nắng, ngọn lửa trong đêm khuya, cái tát xót ruột, đủ thứ hình ảnh lướt qua vèo vèo. Đau đớn như thế, bồi hồi như thế, tinh khiết như thế...
Mẹ Táo Đỏ dắt nó đến trước mặt Hùng, bắt nó tạm biệt. Táo Đỏ khóc toáng lên, bám chặt lấy hắn không chịu rời ra.
- Con đi với mẹ đi, chú không muốn ở với con nữa.
Hắn nói rất dứt khoát. Có một khối tình cảm tinh khiết nào đó của hắn đã bị khơi ra và hắn không muốn nó bị đùa bỡn sỉ nhục, nên hắn hủy diệt nó.
Táo Đỏ liền thôi khóc, nhìn Hùng chết lặng.
Lúc được mẹ dắt đi, nó vẫn nhìn lại mãi.
Tự nhiên Hùng lại nhớ đến lúc nó lúi húi gắp dòi, bàn tay vụng về thỉnh thoảng chọc hai cái que vào vết thương lở loét của Hùng, nhói buốt đến tận tim gan.
Có lẽ, thứ mà Hùng vừa mới hủy diệt, không phải là của hắn.
*
* *
Mấy tháng qua đi, Hùng vẫn đi cùng lão mù trên phố, bắt đầu học hát rong. Thường thường, Hùng bụng đeo loa, mồm đeo mic, vừa chống nạng đi vừa hát. Lão già được Hùng kéo bằng một sợi dây đằng sau chơi đàn nhị. Lão già mù tuy còn cả hai chân nhưng lại không đi khỏe bằng Hùng bởi lão có bệnh đau khớp – di chứng của nhiều năm ăn gió mặc sương. Lão hay kiếm cớ ngồi nghỉ để Hùng đi xin một mình.
Hôm nay Hùng cũng đi một mình như thế, xin một lúc thì đội mũ lên đầu rồi chống nạng loanh quanh khắp nơi. Vẫn những ngõ phố ấy, vẫn những khuôn mặt mấy chục năm thường nhìn, nhưng không hiểu sao Hùng thấy xa lạ vô cùng. Thực ra Hùng biết, thứ trở nên xa lạ chính là bản thân hắn. Hắn giờ gầy trơ xương, mặt mũi hốc hác, râu tóc um tùm, nhưng khác nhất là ở trong lòng. Cả ngày hắn chỉ hát, không nói, không cười, không mắng chửi ai nữa. Hắn không biết mình sống để làm gì, nhưng vẫn cứ sống như vậy. Hát, lấy tiền, ăn, ngủ, ngày qua ngày lặp đi lặp lại như một cỗ máy.
Lại có đám đánh nhau. Cái thị trấn này thanh niên rảnh rỗi nhiều, ngày nào cũng vài ba trận ẩu đả. Hùng vốn không để ý, vì chẳng có gì mới lạ, nhưng khi nghe có tiếng phụ nữ trẻ em khóc lóc thì Hùng không đi được nữa.
- Không được đánh mẹ! Không được đánh mẹ!
Là Táo Đỏ đang khóc, Hùng nhận ra!
Cây nạng chọc xuống đất cồm cộp, Hùng gần như lướt đi với một tốc độ mà người lành lặn cũng chưa chắc bì kịp. Qua mấy khúc quanh, Hùng thấy một đám người đang đấm đá người phụ nữ, còn con của chị ta – Táo Đỏ, lao vào rồi bị gạt phăng ra, ngã dúi dụi.
Hùng gào lên một tiếng đau đớn, vung nạng đập thẳng vào lưng một gã lực lưỡng. Đám lưu manh liền quay lại. Hùng vẫn xông tới không màng sống chết, mắt trợn trừng trừng, tóc tai xõa sượt, cây nạng múa vù vù, hung hãn như một tướng quân giữa trận. Nhưng rồi “tướng quân” cũng bị đám đông +gạt ngã ra đất, dù vậy, hai cây nạng vẫn nắm chắc trong tay, dù lăn lê bò toài vẫn không quên đập người, dù bị ăn đòn liên tục vẫn cứng cỏi chống trả, lấy đòn trả đòn, dùng máu đổi máu. Tiếng gào thét của Hùng càng lúc càng lớn, sức lực không biết từ đâu. Lũ lưu manh thấy không ăn được, bèn chửi đổng dọa dẫm mấy câu rồi rút. Hùng bò lồm cồm dưới đất, loạng choạng vội vã vịn nạng đứng dậy, trừng trừng nhìn theo, thở hồng hộc như trâu.
Mẹ con Táo Đỏ nhìn Hùng. Cả hai có vẻ rất sợ hãi. Có lẽ cuộc đời họ chưa thấy kẻ tàn tật nào có vẻ ngoài dữ tợn và thái độ hung hãn đến thế. Lưng hắn gầy gò, một số chỗ bị đánh rách áo, lòi cả máu thịt và không ngớt run rẩy, nhưng vẫn mang lại cảm giác cứng cỏi vững chãi kì lạ.
- Cám... cám ơn! Cám ơn!
Táo Đỏ lại quan tâm đến một vấn đề khác:
- Chú ơi, chú có phải anh hùng chuyên cứu người không?
May quá, vẻ ngoài của Hùng đã thay đổi quá nhiều, nó không nhận ra.
Hùng lúc này mới hoàn hồn, toàn thân trên dưới đau đớn không sót một chỗ nào, sức lực kiệt quệ. Hắn cố gắng giữ cho mình không ngã, lại cố gắng giữ cho mình không quay đầu lại nhìn Táo Đỏ, cứ thế run rẩy chống nạng đi.
Mẹ Táo Đỏ vỗ vỗ vai con, rồi dắt thằng bé đi hướng ngược lại. Có lẽ chị ta cũng không muốn quá thân cận với con quái vật kia, dù nó vừa cứu mình.
Đi một lúc, Táo Đỏ bỗng dừng lại, giằng tay mẹ nó ra.
- Chú Anh Hùng!
Táo Đỏ chạy theo hướng Hùng vừa đi.
- Chú, chú ơi, chú ơi!
*
* *
Hùng chống nạng đi được một lúc thì đau quá, mắt mũi tối sầm hết lại, tiếng thở khò khè càng lúc càng nặng, bắt đầu đẩy máu ra khỏi mũi và miệng.
Máu tràn xuống ngực, cùng với máu từ những vết thương ngoài da khác nhỏ xuống đường, dính theo những bước chân thành hai vệt kéo dài.
Hùng loạng choạng ngả nghiêng rẽ vào một ngõ nhỏ, run rẩy tựa vào bờ tường rồi từ từ trượt xuống.
Má hắn áp xuống mặt đường, máu trào ra càng nhiều hơn, nhưng mắt nhìn về phía chân tường đối diện không hiểu sao lại rõ đến thế, thấy từng vệt rêu, vết nứt. Một lúc lâu sau, đôi mắt ấy mới mờ dần, mờ dần, rồi từ từ nhắm lại. Muốn ngủ một giấc thật lâu.
- Chú! Chú ơi! Chú ơi!
Tiếng gọi lanh lảnh từ mãi đâu vọng về. Đôi môi khô khốc của hắn chợt nhoẻn cười.
Trại sáng tác Tam Đảo, 5/2019
Kết Thúc (END) |
|
|