Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Đoạn Trường Thảo Kiêu Hãnh Tác Giả: V.T.X.H    
    Đoạn trường thảo long lanh sương mai
    Đoạn trường thảo u sầu trong gió
    Lúc ấy trời còn chưa sáng. Mùi cỏ mật từ trong thung dâng lên triền dốc một mùi thơm quá đỗi ngọt ngào. Mà hình như không chỉ là cỏ mật. Suốt dọc con dốc lên bản, hai bên rừng cây non đang lên. Dấu vết của những cuộc rượt đuổi truy hoan, những vật lộn tranh giành đêm qua vẫn còn đọng trên từng búi cây ngọn cỏ, dù sương đang phả xuống phủ kín che đậy. Mùi thú hôi nồng và ngầy ngậy, thứ mùi giao bôi của những li rượu rót xuống từ dải thiên hà, đãi đằng những giống loài chìm khuất trong màn đêm, tạo nên những giống loài nối tiếp giống loài…
    Sương nhàn nhạt. Vuốt mặt không thấy nước. Mà cứ nhớp nháp khó chịu như bị dính muôn ngàn giọt li ti nước trời.
    Những giọt vô hình vô ảnh ấy phả hơi lạnh thấm vào tận tâm can.
    Bản Sa chìm trong màn sương kì ảo, cứ chìm chìm nổi nổi bập bềnh giống như bản đang trôi trong biển nước trời.
    Tôi đã đi trong vô định. Không tính trước sẽ đi đâu. Lên xe ra khỏi thành phố. Đi đến những phố thị tỉnh lẻ. Bước chân xuống những vỉa hè lát gạch chở dưới xuôi lên. Leo lên những tòa tháp cổ, những ngôi chùa, đền miếu phủ đầy rêu phong cũ kĩ. Chui vào những bản làng, những cánh rừng cùng người bản xứ. Leo lên những triền đá. Nhìn ngó, hỏi han. Bắt chuyện vô cớ với những người tình cờ gặp trên chặng đường.
    Và rồi bước chân đưa tôi lên đây.
    Lão Muôn chủ cái quán ăn án ngữ đầu thị trấn Tả Giang vừa khoắng cái muôi to vật vào chảo đun nước phở vịt, vừa lầm bầm:
    “Tao nói rồi, lên bản Sa tiết khí này không thấy được cái mặt trời đâu. Không có mặt trời, không nhìn ra cái nhánh lá đoạn trường thảo lúc sớm mai, lúc mà nó đang tươi tắn nhất đấy”.
    Tôi tò mò:
    “Tươi tắn nhất thì ít chứa độc hả bác?”.
    Lão Muôn ném cái muôi gỗ vào thúng, chùi hai bàn tay to như hai cái bắp chuối vào cái khăn đã ố vàng, cóc cẳn:
    “Lúc ấy là lúc lá có màu nõn đẹp lắm. Sương đọng trên lá non, sương ánh lên dưới những tia sáng đầu tiên, rồi từ từ lăn xuống như nước mắt. Ăn lá ấy vào tim dần dần lịm đi, hệt như được trôi trên thảm nhung sa của cõi trời. Nhìn thấy những giấc mơ xa xưa lần lượt hiện về. Êm ái lắm”.
    Lão nói mà hai tay xoa xoa nhau y như tả về một giấc mơ tuyệt đẹp nào đó.
    Tôi ngạc nhiên:
    “Sao bác biết rõ thế?”.
    “Tao ăn cái lá ấy rồi”.
    “Bác đùa?”.
    Bà vợ lão Muôn từ dưới khoang rửa bát đĩa thò cái đầu ra góp chuyện:
    “Không đùa đâu”.
    Lão gật gừ cái đầu như đầu con gà gô, với bộ tóc dường như đã lâu không thèm gội, như một cái ổ rơm khô.
    “Ừ. Không đùa đâu. Ăn rồi đấy. Tao thất tình, lên núi vào sáng sớm lúc con gà trống trong chuồng nhà tao còn chưa gáy canh ba. Tao đi lên đấy hăm hở lắm, chỉ để một góc buồn khi nghĩ đến nàng”.
    “Nàng?”.
    Tôi nhìn lão Muôn mà không tin những gì được thốt ra từ cái miệng thô kệch nhấp nhô bộ răng vàng xỉn. Gương mặt lão già trong ánh nắng quái cứ vàng ệch ra như kẻ đang mộng du trong giấc mơ ban ngày.
    Bà vợ lão đi thập thễnh từ dưới bếp lên. Cố hình dung một cô gái ngày xưa duyên dáng, để khiến có thể thay thế được ai đó là “nàng”, nhưng tôi chỉ hình dung thấy một gái bản vừa thấp vừa gù, hai cẳng chân đung đưa vụng về như hai bắp chuối, gương mặt không sao đoán được tuổi, và hình như cái miệng thường xuyên phải bận rộn với một vật gì đó, một cái miệng gái bản không biết cười.
    Bà vợ lão Muôn dõi con mắt nhìn tôi, không ra dò xét, không ra thân thiện.
    Rồi bà ta bỗng hỏi:
    “Cô nói lên đây đi tìm những câu chuyện bí truyền để viết à?”.
    Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Bà già này biết dùng cả những từ của giới ngôn ngữ học.
    “Vâng. Nhưng sao bác lại biết?”.
    Bà ta chỉ tay vào chồng:
    “Ông ấy có nhiều câu chuyện bí truyền đấy. Hồi xưa lão yêu con bé Đan bạn thân của tôi. Lão đâu có yêu tôi”.
    Lão Muôn bỗng gầm lên:
    “Con mụ này, sao lại gọi người ta là con bé, hả? Nàng ấy về bẻ gãy răng mụ”.
    Bà vợ lão Muôn bỗng thét lên the thé:
    “Về đi. Về đây đi cái nàng tên Đan kia. Nàng về đi cho lão già chết tiệt kia tha hồ trụy lạc lên thân thể gái già này”.
    Sau này tôi mới hiểu cái đoản khúc đắng đót của bà vợ lão Muôn.
    Thì ra, nàng tên Đan kia cứ mượn thân xác bạn gái mình mà nhập về để tình tứ với người mình yêu. Người bạn gái lưng gù, chân đi bè hai bên, mặt nhô ra trước như tảng đá xám mặc sức làm tình với người trai đẹp nhất bản, giỏi săn mồi và lùng trầm hương, lại đêm đêm thổi những điệu sáo làm đau con tim hết thảy gái bản.
    Từ độ nàng Đan khuất bóng, lão Muôn không thèm thổi sáo nữa. Cây sáo trúc được bà vợ lau cẩn thận, cất sâu vào cái hòm gỗ đựng mấy đồ trang sức và bộ váy khi cưới. Khi cất cây sáo bà cười nụ cười mãn nguyện nhưng méo mó. Dù sao bà cũng mê những khúc Đan tình của lão. Những đêm trăng sáng khi xưa, nàng Đan thường túm vai bạn gái rủ ra một góc suối ngồi nghe chàng Muôn thổi sáo. Hình như nàng Đan không cho bạn gái ngồi một mình mơ tưởng đến chàng. Nàng Đan ghen nhẹ lắm, như bông gió thổi qua những triền dốc, khiến những cành phong hương bên dốc khẽ rì rào, những cây nam mộc trong rừng sâu vặn mình đẩy gió đi như cuộc rượt đuổi của hai thân thể người trai bản và gái bản, như sự gắn quyện vào nhau dưới đất trời, không thể chia lìa.
    Tôi hỏi một câu thật ngớ ngẩn:
    “Nàng Đan ấy… chắc là rất đẹp?”.
    Lão Muôn đặt tảng thịt trâu rừng lên thớt, chặt quỳnh quỵch, miếng thịt được chặt long ra thô thiển.
    Lát sau lão ngẩng lên:
    “Trên đời này không từ đẹp nào xứng với nàng”.
    Bà vợ lầu bầu trong cổ họng:
    “Không khiến ông khen bạn tôi”.
    Tôi tìm đến nơi xưa kia có hai người bạn gái cùng yêu một chàng trai dũng mãnh nhất vùng, thổi sáo hay nhất vùng.
    Mấy đứa trẻ đang nghịch đất lắc đầu không biết cái tảng đá ngày xưa lão Muôn hay ngồi thổi sáo, và rồi nàng Đan đã lết về gục bên tảng đá ấy. Một vài cụ già ngồi thờ thẫn bên bục cửa bằng gỗ, thấy khách lạ dưới xuôi lên bỗng hấp háy đôi con mắt chào đón khách bằng thứ tiếng dân tộc như chim hót. Họ chỉ cho tôi tảng đá ấy, và chỉ lối lên vạt rừng có tên Đoạn Trường Thảo.
    Khi ấy những tia nắng đột nhiên le lói bên kia núi. Những tia nắng mới lên chưa đủ sức xuyên thủng màn sương mù dày đặc, nhưng đủ cho bước chân tôi bắt đầu cuộc tìm kiếm những cánh lá đoạn trường thảo.
    Tôi tìm những chiếc lá ấy để làm gì?
    Thực ra, tôi chỉ là vì tò mò muốn biết vào cái thời khắc đẹp nhất trong ngày, cái thời khắc chuẩn bị cho bình minh, loài cây đáng thương kia kiêu sa đến mức nào dưới bầu trời.
    
    *
    * *
    Tôi hăm hở rảo bước. Đường lên vạt rừng thưa phía xa trầy trượt. Tôi vấp phải một cái rễ cây chìa ra ngang đường nhưng vì được che kín bởi đám lá mục nên người đi rừng lạ lẫm như tôi không thể nhìn ra. Người nhao lên, suýt thì ngã sấp mặt.
    Thốt nhiên có tiếng nói ngay sau:
    “Chị không nên đi rừng một mình”.
    Tôi ngoảnh lại. Một chàng trai có vẻ đang rất vội. Trên vai khoác khẩu súng săn. Tay cầm con dao quắm sáng quắc.
    Anh nhìn lướt qua tôi vẻ dò xét:
    “Thấy mẹ tôi bảo có cô gái dưới xuôi tìm lên cái vạt rừng kia. Tôi nhân thể đi lên rừng thử khẩu súng săn này, phải chạy vội theo chị. Chị có sao không?”.
    Tôi nghe xong câu ấy thì nhoẻn miệng cười:
    “Anh thấy tôi giống người muốn ăn cái thứ lá đoạn trường thảo hay sao?”.
    Chàng trai bản Sa khẽ nhíu đôi mày nhìn tôi một cách thận trọng:
    “Chị tìm lên đấy làm gì? Chị là người bên viện nghiên cứu hay sao? Tôi nom chị không giống nhà khoa học”.
    Tôi không nỡ làm cho anh cảm thấy lo lắng. Có lẽ người bản Sa luôn phải lo lắng vì họ thường phải chứng kiến những cảnh đoạn trường.
    “Tôi nghe câu chuyện về nàng Đan nơi vùng rừng này. Và tôi muốn biết những câu chuyện đau thương, muốn biết về những số phận liên quan tới loài cây bất hạnh kia… Để viết truyện”.
    “Nàng Đan… Chị là nhà văn sao? Câu chuyện nàng Đan vì quá đẹp, vì quá nhiều chàng trai muốn tranh giành, khiến vùng này cách đây mấy chục năm lâm vào cảnh đàn ông con trai đánh chém nhau. Sau rồi thầy mo phán nàng ấy là con hồ li, không được phép sống chung với người. Nàng Đan tuyệt vọng đã ăn cái thứ lá giết người kia. Nghe đâu ăn nhiều lắm. Người ta ăn vài lá đã chết. Nàng Đan ăn một cây, hai cây, ba cây… Rồi lết về cái tảng đá bên bờ suối dưới kia mới chịu gục xuống. Người yêu của bà ấy quấn lá dầu vào người, đốt thành cây đuốc chạy đến nhà mo đốt cháy trụi cả điện thờ cả cái nhà sàn đẹp nhất bản. Sau ông ấy sống lại được là nhờ người bạn gái của nàng Đan cứu. Họ bỏ bản đi lâu rồi. Giờ hình như họ đang bán hàng dưới thị trấn”.
    “Vậy thì đâu phải tội lỗi của đoạn trường thảo”.
    “Lỗi do con người. Ở bản Sa này chứng kiến nhiều cảnh lắm rồi. Chúng tôi đã phát động việc hủy loài cây có cái tên mĩ miều như chị vừa gọi ra đấy. Nhưng loài cây ấy còn mạnh hơn cả cỏ dại. Chúng mọc rất nhanh sau mỗi trận mưa. Chúng khiến cho người già bản Sa chúng tôi luôn mất ngủ. Khiến lũ trẻ con mới sinh đã phải quen với cái mùi rừng thoang thoảng hương hăng hắc của loài cây thuốc độc”.
    “Anh chính người bản Sa à?”.
    “Vâng. Tôi sinh ra ở đây. Tôi đã đi học ở trường lâm nghiệp, rồi về lại bản Sa”.
    Chúng tôi cứ thế đi bên cạnh nhau trên đoạn đường rừng. Tôi liếc nhìn chàng trai. Nom anh xanh xao và buồn buồn, như thể vừa đi qua một trận ốm. Ngang qua một cụm đá nổi ngang lưng dốc, anh dừng lại, bảo:
    “Chị đi cùng tôi đến kia chứ?”.
    Chàng trai chỉ tay về phía gò đất xa xa.
    Tôi gật đầu. Dường như tôi bị thuyết phục hoàn toàn vì vẻ chân thật của anh ta. Hay là vì núi rừng vào thời khắc ấy trong trẻo đến độ khiến con người ta quên đi những bất trắc.
    Đến trước một nấm mộ được đắp toàn đá tảng trắng xung quanh, chàng trai lấy dao phạt hết những búi cỏ mọc lên giữa những hòn đá. Rồi anh quỳ thụp bên cạnh mộ, quên sự có mặt của tôi, quên rất lâu.
    Lúc này tôi khá sốt ruột, vì sợ mặt trời sắp lên rực rỡ. Mà lão Muôn nói thời khắc đẹp nhất của loài đoạn trường thảo là thời khắc sắp chớm bình minh. Nhưng nhìn vẻ sầu muộn của một người trai trẻ trước nấm mộ đá trắng, trong vạt rừng xanh đến nao lòng kia, tôi không nỡ giục anh đứng dậy.
    Tôi nghe trong gió những lời của chàng trai, như vọng ra từ những triền núi cao lấp ló sau lớp lớp rừng già.
    “Mà chị là ai? Sao tôi lại muốn kể với chị câu chuyện của chúng tôi nhỉ? Cô ấy nếu không nằm đây, thì những ngày này chúng tôi sẽ bận rộn với con trẻ. Chị muốn biết câu chuyện đau thương của chúng tôi không? Cô ấy đẹp lắm. Với tôi, cô ấy là người đẹp nhất. Thằng Phả con trai lão thầy mo tên Cương mê Ngạn lắm. Nó rình gặp cô ấy ở những nơi nào cô ấy có thể đi qua. Để được nhìn mặt, hoặc lao đến cầm tay. Ngạn nhất định từ chối tình cảm của Phả, một lòng đợi tôi học xong về lại bản.
    Thằng Phả nó cũng người tốt thôi. Nó sinh ra là con nhà mo, lại là con trai duy nhất của thầy mo Cương. Nó là niềm hi vọng, là người nối nghiệp thầy mo. Nó học nghiệp mo rất nhanh. Nó thường đi làm những lễ đơn giản thay bố. Nhưng nó mắc bệnh si tình và yếu đuối. Căn bệnh si tình đã giết chết ý chí của một thầy mo. Thằng Phả có ý định cướp vợ rồi đấy. Nhưng lão mo không cho tiền để cướp. Lão bảo lấy con vợ này về thì thằng Phả mất nghiệp mo, thì ai nối nghiệp? Lão truyền nghiệp cho ai? Dòng tộc lão mỗi đời cứ phải có một thầy mo làm phúc cho thiên hạ để trả nghiệp.
    Thằng Phả bị ngăn cấm, chiều chiều mang cây sáo ra thổi trên vạt rừng kia. Những khúc nhạc sáo bay lên, chứa chất nỗi đau buồn. Nhưng so ra tiếng sáo của thằng Phả chỉ đi là là trên đất bản Sa, chui qua những cánh cửa nhà sàn chứ không vút lên tận tầng trời cao xanh kia được như tôi. Thằng Phả ngày qua ngày không chịu nổi nỗi đau không có được Ngạn. Một ngày nó lên rừng, nhúm vài cái lá nhét vào miệng. Nó nằm trên đấy mãi hết mặt trời mới có người biết mà đưa nó về.
    Lão Cương như hóa điên. Chôn thằng Phả xong, lão quay ra thù hận Ngạn.
    Lão thù hận thì có nhiều cách. Mà sao lão lại chọn cái cách ấy…”.
    Chàng trai bản Sa gục xuống dưới những tia nắng đã bắt đầu vàng óng trên cánh lá rừng.
    Tôi hỏi, giọng lạc đâu đó trong những triền đá xếp chất chồng huyền ảo, trong lớp lớp sương mù vẫn đang dâng lên.
    “Thù hận lại có nhiều cách thế sao?”.
    *
    * *
    Thầy mo Cương từ trong hang đá đi ra. Thực ra lão không đi mà lướt. Hương hoa mận còn thơm vương vất trên cơ thể chưa hề rúm ró của lão. Không biết bao nhiêu tuần trăng đã đi qua, trong hang đá độc chiếm, lão làm những việc người trần mắt thịt không thể hiểu được.
    Cha con gã thường luyện võ trong hang núi này. Hang khá rộng và dài. Vòm hang như mái che của bầu trời, lấp lánh nhũ đá kim cương và thạch anh. Thằng Phả con trai gã nom cũng khá công tử. Phải tội có con mắt hơi ướt và đục. Thằng Phả được cha truyền võ, lại được truyền nghề thầy mo, nên nó có sức mạnh. Nhưng phải tội con mắt nó là con mắt của kẻ say tình, không hợp với người làm mo.
    Gặp đám nào dễ xử lí, gã cho con trai tập làm thầy mo dần cho quen việc. Có những việc thực ra chỉ là giải pháp tâm lí, vừa cúng cho gia chủ, vừa nắn cho gia chủ việc nào nên làm việc nào không cần thiết. Thằng Phả lại làm giỏi việc tâm lí, nên nó luôn được cánh trai gái bản tìm tâm sự.
    Trong hang đá này ngày trước cha lão đã gây dựng nên một điện thờ đủ uy nghi, đủ tạo dựng một đế chế tự phong, một đế chế chỉ cho phép mỗi đời chọn ra một gã con trai để truyền nghiệp, cùng với một đội ngũ âm binh được nuôi dạy rất công phu hà khắc. Chẳng ai dám lai vãng đến gần nơi lão thầy mo kì dị là cha lão khi ông ta lập điện. Dân trong vùng không ai biết tuổi của cha lão. Cũng không ai biết cha lão đã vắng đàn bà bao nhiêu năm trong cái kiếp đời riêng biệt ấy, vì mẹ lão đã mất từ khi mới sinh ra lão. Chỉ có thằng con trai ngỗ ngược là lão biết cha mình không lúc nào có thể thiếu được đàn bà.
    Nhưng cha lão luôn thiếu vắng một người, một người mà ông ta không bao giờ có được. Đó là nàng Đan.
    Khi gần mất, cha lão mới nói thật:
    “Tao cả đời muốn con đàn bà nào là sai âm binh khiển về được. Riêng bà ấy, tao sai toàn đội trai khỏe ốp mọi ngả, mà không khiển được người về. Tao cả đời hiên ngang, không muốn cưỡng ép bà ấy. Tao lên hương xin mẹ mày. Vậy mà nàng Đan quyết chết. Bà ấy lên rừng ăn hết cả vạt đoạn trường thảo là do tốp âm binh cố níu lại. Ăn ba cái lá đã đủ lịm đi. Đằng này ăn cả vạt cây. Tốp âm binh ấy của tao về sau chết yểu theo bà ấy hết…”.
    Cha lão dừng lại thở hắt những hơi cuối cùng.
    Lão nom thấy một giọt nước mắt của cha lăn ra nơi khóe mắt. Cả đời lão chưa thấy giọt nước mắt nào của người cha kì bí hiên ngang này.
    “Tao biết mình sẽ phải gặp bà ấy ở nơi không dễ chịu chút nào. Mày hãy nuôi dạy thằng Phả bớt đi thói hung hăng khinh mạn người của cái dòng họ này. Cứu giúp người bất kể giàu nghèo. Ai cũng có nỗi khổ của họ. May ra giữ lại được phúc. Mày nhớ lời cha dặn đây. Hằng năm vào ngày x tháng x hãy lên vạt rừng kia thắp cho bà ấy với những người phải chết vì tình nén nhang. Được vậy may ra tao mới thoát khỏi địa ngục...”.
    Câu cuối cùng cha lão nói trong hơi thở đã mỏng.
    “Lão Muôn ấy… Tiếng sáo của lão hay quá con ạ. Làm cho cả đội quân âm binh của cha ngả nghiêng hết. Hóa ra không đội quân nào, không sức mạnh nào có thể thắng được cho dù chỉ là một khúc nhạc mỏng manh…”.
    Lão đưa cha đi chôn ở cái mỏm đá gần vạt rừng Đoạn Trường Thảo. Khi liệm thân xác cha, lão ngạc nhiên thấy cái vật đàn ông của cha vẫn cương cứng, không hề xẹp xuống. Lão phải phủ lên cái ấy một đạo bùa chú, hứa với cha rằng lão sẽ làm đúng những lời ông ta dặn.
    Không ai biết những bi kịch của dòng nhà mo.
    Thằng Phả mê say con bé Ngạn. Đôi lúc lão giật mình: con bé ấy có nét gì hao hao nàng Đan khi xưa.
    Lão đã nhắm cho thằng Phả đám trên thị trấn. Lão dự tính cho thằng Phả lên phố ở rể. Lão biết làm mo ở bản có thể kiếm được ít đồng bạc, hoặc con gà con lợn, củ măng… Nhưng làm mo trên phố kiếm ra khá hơn nhiều. Bây giờ ở đâu người ta cũng cần mo, nhà nhà hương nhang cúng lễ chùa chiền đền miếu. Chẳng mấy ai vững tin ở đời sống thật tại cõi dương. Có tiền sẽ cho công đức xây cái miếu trên vạt rừng ác nghiệt kia. Rồi làm lễ xin tổ nghiệp cho thằng Phả truyền nghiệp cho cả mấy thằng con trai mà nó sẽ có. Truyền cho một thằng dễ thất truyền như chơi. Mà một thằng cũng không làm xuể. Thiên hạ cần thầy mo quá rồi.
    Đột nhiên thằng Phả đòi cướp vợ. Lão lên mộ cha xin.
    “Cha sống linh chết linh. Giờ chắc thoát được địa ngục, thoát được bà ấy rồi. Cha gặp mẹ tôi chưa? Giờ thằng Phả bị gánh nghiệp rồi đấy. Nó với con Ngạn kia, khác gì cha với nàng Đan khi xưa. Cha dẫn lối chỉ đường cho tôi giải quyết vụ này đi”.
    Không biết ông già dưới âm dẫn lối chỉ đường ra sao. Hay là chưa thoát kiếp địa ngục? Hay đã quên hết đường dương thế mà đi theo cõi Phật?
    Sự việc thằng Phả ăn cái lá chết người để nằm xuống vĩnh viễn, như dấu chấm lửng cho nghiệp tổ của một dòng mo.
    
    *
    * *
    Đêm ấy Ngạn lần mò lên nơi thằng Phả nằm.
    Dù không yêu Phả, nhưng Ngạn cảm thấy vô cùng áy náy. Phả là người trai bản tốt. Phả có nhiều người bạn khắp nơi, ngỗ ngược có, nho nhã có. Cô đều biết hết vì đám bạn Phả thường hay ghé qua cài cắm vài câu giúp Phả.
    Nhưng cô vẫn đợi người ấy học xong về bản Sa.
    Người bản ai cũng nói Ngạn có những nét của nàng Đan. Soi ra mấy dòng, cô chỉ có họ rất xa với nàng Đan. Mà nếu soi kĩ thì cả bản này hầu hết đều có dính dáng máu huyết với nhau.
    Ngạn đi học ở trường nội trú được hai năm thì bố mất nên phải về đi nương với mẹ để nuôi em trai ăn học. Cô không mấy để ý chuyện người xưa. Sống thì cứ sống thôi. Càng sống cô càng thấy nhiều người bảo cô đẹp. Trai bản và trai trong huyện cứ loanh quanh tìm kiếm Ngạn. Nhưng cô luôn đi nương cùng mẹ, nên cũng tránh được nhiều kẻ dòm ngó.
    Chỉ có Phả là cô không tránh được. Nhưng cũng không thể phũ phàng đuổi đi. Vì Phả cũng rất tử tế với cô.
    Nay Phả vì không cưới được cô mà chết tủi, lúc nào Ngạn cũng thấy đôi mắt của Phả nhìn cô đắm đuối. Cô đi xuống suối, đôi mắt Phả nhìn từ dưới suối lên. Cô vào bếp, đôi mắt Phả từ trong lửa nhìn ra. Cô lên rừng, Phả nhìn cô từ trên những tán lá, xuyên qua lớp lớp không gian mờ đục và trần tục.
    Thôi thì đi thắp cho người ta nén hương.
    Ngạn đi lúc nhập nhoạng tối. Rừng này quen thuộc như lòng bàn tay. Cô cũng không sợ rắn rết. Cả đời sống bản sống rừng, cô không biết rằng thứ hương thơm dịu nhẹ tỏa ra từ thân thể cô có thể khiến cho rắn rết cũng phải ngoan hiền.
    Ngạn không biết, đêm đó chính là cái đêm định mệnh của cô.
    Lão ngồi bên mộ con trai. Không khóc không khấn. Lão ngồi từ rất lâu rồi, như kẻ mộng du. Hết trưa sang chiều rồi đến khi màn đêm buông xuống, lão vẫn chưa đứng lên.
    Đêm qua lão đã quyết định làm một đạo bùa trả thù. Lão yểm bùa cho con bé kia phải ăn cái lá độc mà chết theo con trai lão. Con bé sẽ sống dở chết dở, sẽ không ăn không ngủ được, cứ ngứa ngáy và rồi phải lao lên rừng bứt lá kia ăn.
    Lão làm xong bùa yểm thì trời vừa sáng. Lần mò lên mộ thằng Phả và ngồi cả ngày cho đến khi đêm xuống vẫn ngồi ngây dại như để sám hối với con. Lão nghĩ đến nhiều chuyện từ cổ chí kim của dòng tộc. Đến việc không còn kẻ nối nghiệp. Đến việc có thể lão vẫn còn cơ hội để có được một thằng con trai mới.
    Lúc đó Ngạn đột ngột từ đâu đến bên mộ Phả.
    Lúc đó lão chỉ nhìn thấy một thằng con trai mới được phôi thai từ thân thể người con gái đẹp và thơm như bông hoa rừng đại ngàn. Lão quên hết mọi sự. Phúc phận hay lòng thiện. Tất cả chỉ còn như bong bóng đang bay đi dưới bầu trời đêm gian trá, trêu gan lão. Đất trời đã kết nối cuộc gặp này. Mọi sự được che đậy trong màn đêm đen thẫm. Lão tê dại toàn thân. Tê dại trí não. Lão không thể đừng được trước cái tạo vật đẹp dường kia.
    Và chuyện gì xảy ra đã xảy ra…
    Lão đẩy cái vật của mình vào thân thể nàng.
    Lúc ấy lão cứ hình dung cái vật của cha lão khi xưa. Và giờ đây lão đang thực hiện thiên chức đàn ông. Lão mạnh mẽ và đầy khí chất đàn ông. Còn nàng đang là tù nhân của lão.
    Rừng che đậy những giọt máu trinh nữ rỏ xuống oan nghiệt.
    Rừng cũng che đậy câu chuyện, rằng có một người con gái đã lết đến một mỏm đá trên cao để nhảy xuống vực sâu.
    Khi nàng nhảy xuống, có ai đó đã giang tay đỡ khiến cho thân xác nàng nhẹ bỗng và thanh sạch.
    Nàng nghe trong gió hoang hoải tiếng một người đàn bà:
    “Con ơi, ta đây. Con hãy đi với ta… Chúng ta tự do trong cõi trời đẹp vô cùng… Mỉm cười đi con…”.
    
    *
    * *
    Khi tôi lên được đến vạt rừng kia, vừa kịp lúc nắng bắt đầu nhả ra những tia vàng lấp lánh. Cả vạt rừng đoạn trường thảo xanh mướt mát trải trước mắt. Những lá cây đong đưa, ánh lên màu xanh như ngọc. Những hạt sương li ti đọng trên lá, như những hạt kim cương đẹp đến nao lòng.
    Trong rừng ai đó đang hát. Thực ra tôi không hiểu ai đó đang hát gì. Lời bài hát bằng thứ tiếng Tày, Dao hay Nùng, tôi cũng không phân biệt được.
    Sau này khi về ngồi viết lại những gì mình đã trải qua, tôi ngồi im lặng giữa những khoảnh khắc gõ chữ trên bàn phím.
    Im lặng và nhớ lại.
    Dường như những ca từ ai đó hát hôm ấy đang dần kết nối lại câu chuyện này, lần lượt chạy về trong trí não, cất lên thanh âm run rẩy mà thanh khiết, nghiệt ngã mà ủy mị, lại vô cùng lạnh lùng, tàn nhẫn.
    Tôi đã chép bằng tiềm thức lời bài hát ấy như sau:
    Đoạn trường thảo long lanh sương mai
    Đoạn trường thảo u sầu trong gió
    Hoàng hôn tím thẫm bầu trời dang dở
    Muôn ngàn kiếm sắc muôn ánh sao xa
    Rừng hoang kền kền vỗ cánh
    Xám lạnh những bông vàng. Lá rụng chốn trần ai…(1)
    Lúc tôi ngoảnh lại, chàng trai bản Sa đã đi khuất trong rừng sâu.
    Tôi sực nhớ còn chưa kịp hỏi tên anh, chưa kịp hỏi chân nhà sàn của anh ở góc nào.
    Nhưng thôi, tôi nghĩ nếu có duyên sẽ còn gặp lại
    
    2/4/2019, đêm sương
    

Kết Thúc (END)
V.T.X.H
» Đoạn Trường Thảo Kiêu Hãnh
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết
» Xác Ngọc Lam