Sắp xếp cho bạn chỗ nghỉ ngơi đâu vào đó, chủ nhà vẫn chưa an lòng, ra hàng hiên ngồi suy nghĩ vu vơ. Mà vu vơ thế nào được, chẳng lẽ nói với bạn ở quê là vợ tớ nó quá quắt lắm, nghe khách đến nhà chơi vài ngày là sẽ giãy nảy lên…
Hai người quen nhau từ trại sáng tác của Hội VH-NT tỉnh tổ chức. Người quê kẻ phố, biết nhau qua trang viết nên khi gặp thì có lắm chuyện để bù khú, hàn huyên. Chuyện trên trời dưới đất, chuyện nọ xọ chuyện kia từ đầu đêm đến mờ sáng.
Rồi bạn phố về thăm chơi nhà bạn quê năm ba ngày, bạn quê tiếp đón nồng hậu chân tình, cơm quê ngày ba bữa, rượu quê uống tì tì. Gác chuyện đồng áng sang một bên, bạn quê đưa bạn phố đi đây đi đó, thăm thú nơi này nơi kia. Ngày về, quà quê lỉnh kỉnh, nào là bánh trái “cây nhà lá vườn”, gà, vịt… Bạn phố cảm động lắm, cảm ơn rối rít mời vợ chồng quê có dịp lên thành phố ghé nhà mình chơi.
…Năm sau, bạn quê lên phố tìm nhà trọ học cho con. Đứng trước các dãy phòng trọ gần trường con sẽ học nhưng bạn quê cứ phải bâng khuâng bởi sự xô bồ, ồn ào của phố xá, xe cộ. Thế này thì học hành gì cho được. Suy tính thiệt hơn, bạn quê móc điện thoại ra gọi bạn phố: “Ông đang làm gì đấy, tôi đang ở gần nhà ông đây”. “Chỗ nào, đường nào?” - bạn phố vồn vã hỏi. “Cổng trường đại học X.”. “Đứng yên đấy nhé, tôi đến ngay”.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng, sau hồi hàn huyên bạn quê thật tình: “Tôi không tính ghé nhà ông nên không có quà cáp gì…”. “Không sao, nhưng đã lên đây mà không ghé nhà thì còn là bạn bè gì nữa, ông lên xe tôi chở về”. Chạy được một đoạn, bạn phố ghé vào hàng quán bên đường: “Uống với nhau chút đỉnh nhé, ông chẳng phải lo chuyện phòng trọ cho con. Để tôi bàn với vợ tôi xem có chỗ cho cháu trọ học không”. Sau vài chung thù tạc, bạn phố như dịu cơn “nam nhi chi chí”, nghĩ đến tính tình vợ mình mà ngao ngán. “Tiến thoái lưỡng nan”, không mời bạn về nhà thì không được, tri kỷ văn chương gì lạ thế. Bạn phố chợt nghĩ được một sách kế hay. “Ông ngồi chờ tôi một lát nhé, tôi đi có việc, xong trở lại đây ngay”. Bạn phố vù chạy ra chợ, mua cặp gà, ít quà bánh rồi chạy về nhà đưa cho vợ: “Có bạn ở quê lên chơi, bạn ngày trước tôi xuống ở nhà người ta ấy mà. Bạn có chút quà, tôi đem về trước nhờ mẹ nó lo bữa trưa bữa chiều…”. “Ở lại đây luôn à?”. “Ăn nhiều chứ ngủ bao nhiêu, hai đứa tôi nằm phòng khách cũng được. Thời buổi này hở một tí là cả thế giới đều biết, liệu mà cư xử để tôi còn mặt mũi nhìn người này, người kia”. Vợ lườm chồng đến… rách cả mắt. Chạnh nghĩ chồng mình cũng tên tuổi này nọ, chí ít thì cả khu phố này ai cũng biết ông ấy là nhà văn, mà nhà văn thì oách lắm, thanh cao lắm.
Bữa trưa được dọn ra với đủ thứ sơn hào hải vị, nào xúc xích, thịt xông khói, bánh mì, cá ngừ, thịt bò chấm mù tạt… Bạn quê khép nép không dám gắp thức gì, không biết ăn cách nào.
“Nhà em chỉ có rau dưa đạm bạc, mời anh dùng tạm”. “Mẹ nó tự nhiên đi, để tôi lo cho ông ấy” - người chồng lên tiếng rồi lấy cái chén nhỏ cho mù tạt, xì dầu và nước cốt chanh vào trộn đều rồi gắp thịt cá ngừ và thịt bò ngâm vào đấy. “Thấy thịt ngả tái là ăn được, món này uống với rượu sa kê là đúng bài”. Bạn quê gắp một miếng cho vào miệng thì ôi thôi, nước mũi nước dãi thi nhau chảy, sặc sụa không ngớt. Mùi mù tạt cay nồng lên cả mắt, cả tai. Nuốt vào chẳng thể, nhả ra không dám, đành ngậm miệng lại cắn răng chờ cho cái mùi khủng khiếp ấy tan đi. Vợ bạn phố không nhịn được cười, thoái thác: “Chiều em đi sinh nhật bạn, anh ở nhà giúp em làm gà nấu cơm đãi khách”. Bạn phố trầm ngâm không nói gì bởi quá biết vợ mình, một cách tiễn khách tế nhị. Khi vợ bạn phố buông đũa đi nghỉ thì bạn quê cũng xin cáo từ. “Chiều nay tôi về, ông ạ”. “Sao thế? Tôi đã hẹn với vài bạn văn tiếp ông rồi”. “Nhưng tôi ngại ông vất vả nấu nướng…”. “Lo gì, anh em mình cứ kéo nhau ra quán”.
Buổi chiều, họ cùng gặp nhau ở nhà của một bạn văn vùng ngoại ô. Nói là ngoại ô chứ chỉ cách trung tâm thành phố chừng 3 - 4km. Ở đây đất rộng, người thưa, cư dân sống bằng nghề trồng hoa cây kiểng, công việc cũng nhàn nhã, tuy không giàu nhưng chắc chắn là không nghèo. Nhà người bạn văn này có cả xe hơi, bạn quê phục lắm. Sau khi dẫn bạn bè xem vườn cây, ao cá thỏa thích thì mâm cỗ cũng đã được vợ gia chủ bày lên. Cá rô chiên xù chấm nước mắm tỏi ớt, cải cúc nhúng lẩu đuôi bò, ít cá khô chấm nước mắm me và vài chai rượu thuốc. Các món này thì bạn quê rất hảo. Sau vài câu thưa gởi, chủ nhà cho ly lượn vòng chào hỏi khắp mâm tiệc, bạn quê thích ý không cần khách sáo: “Viết văn mà sắm được nhà lầu, xe hơi thế này thì chỉ có ông, xin bái phục”. “Có gì đâu. Ông nghĩ xem, hai vợ chồng tôi không may chẳng có con cái thì để tiền làm gì. Muốn làm vừa đủ ăn nhưng nó cứ dôi ra nên mới có chuyện văn chương thi phú đó chứ”. Nói rồi chủ nhà ực cạn ly rượu, xong rót cho khách. “À, mà chị nhà đâu, chúng tôi xin diện kiến”. “Bà ơi, ra đây hầu các nhà văn lớn giúp tôi” - gia chủ nói vọng vào phòng. “Mấy ông vui vẻ đi, tôi đàn bà có biết gì đâu”. Tuy nói vậy nhưng chị vợ cũng bước ra và ngồi xuống cạnh chồng. Bạn quê mắt nhìn không chớp: “Chị đây là…”. “Anh Phong đúng không?”. “Chính tôi, mấy chục năm rồi…”. “Phải, mấy chục năm rồi”. Vợ kể cho chồng nghe chuyện chị và Phong học chung trường huyện, chị lên phố học đại học và lấy chồng, đến giờ mới gặp lại. Sau một hồi hàn huyên tâm sự, vợ chồng gia chủ biết bạn quê đang tìm nhà cho con trọ học thì họ cương quyết không cho, bảo phải ở nhà mình. Người vợ chân tình: “Anh biết rồi đấy, ở lứa tuổi con anh dễ sa ngã, dễ bị cám dỗ. Nếu anh ngại thì hàng tháng đóng cho chúng tôi 20kg gạo là đủ. Cây nhà lá vườn, có gì ăn đó, con anh không đến nỗi khổ đâu”. Người chồng sung sướng choàng tay qua vai bạn quê cười sảng khoái: “Ông cũng phải chia sẻ để cho tôi có đứa hầu chén trà, ly rượu với chứ. Vợ chồng tôi thèm có tiếng con cái trong nhà lắm”.
Bạn quê không nói nên lời, vòng tay ôm cứng chủ nhà như đôi bạn tình đã lâu không gặp, họ chia nhau đến giọt rượu cuối cùng rồi mới ra về.
Kết Thúc (END) |
|
|