Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chung Màu Mực Tím Tác Giả: Trần Xuân Linh    
    Buổi họp lớp diễn ra sau gần 30 năm, Thu là người nhận ra tôi trước. “Ê! Cha này hồi nhỏ hái trộm xoài nhà tui hoài nè! Đi học bữa nào cũng quên bình mực, năn nỉ tôi cho chấm nhờ, nhớ không? Hồi nhỏ phá như quỷ, bây giờ còn quỷ hay thành ma… rồi?”. Liền theo sau là một giọng cười giòn, sang sảng. Giọng cười lôi cuốn theo nhiều tiếng cười khác và rồi kẻ nhớ, người quên, ai cũng đều cố lục lại trong trí nhớ của mình một kỷ niệm nho nhỏ với một bạn nào đó của một thời cắp sách để làm vui trong ngày hội ngộ.
    Nhà Thu, trước sân có một cây xoài rất cao và gốc cũng thật to, chắc đã trồng nhiều năm, bởi từ khi tôi biết thì cây xoài đã có mặt trước sân tự lúc nào rồi. Có điều, tới mùa, cây xoài ra trái thật sai nhưng ăn không ngon lắm, hương vị không giống bất cứ thứ xoài nào mà tôi được biết. Nghe trong xóm có người gọi là xoài núi, xoài rừng, người lại kêu xoài cóc…
    Mùa xoài, trưa trưa, nhìn trước, nhìn sau khi đã chắc mọi người trong nhà Thu đã ngủ, tôi rủ thêm 2 - 3 đứa nữa, núp dưới hàng rào râm bụt, lượm miểng gạch ném xoài. Ném 5 - 10 lần mới trúng chùm xoài một bận. Và 3 - 5 bận mới có trái xoài rụng xuống, mà có khi cũng bị bể, bị nứt chứ ít khi còn nguyên vẹn. Những lần ném gạch quá tay hay không trúng chùm xoài, văng lên mái nhà bên này thì bên này la, bên kia thì bên kia chửi đổng. Dù vậy, nhưng chỉ cần hụp xuống sát đất núp cạnh hàng rào râm bụt chút xíu, người nhà ra cửa nhìn ra không thấy ai thì thôi. Khi “thu hoạch” được vài trái xoài rồi, thì 2 - 3 đứa lấy muối hột ra trước hàng ba nhà nào vắng vẻ, ngồi ăn. Ít có đứa nào ăn hết một trái xoài, dù rất nhỏ, bởi hương vị chua của trái xoài nhà Thu thật đáng nhớ một đời.
    
    Thuở tôi và Thu còn ngồi chung bàn ở các lớp tiểu học trường làng, thi thoảng tôi vẫn chấm nhờ Thu chung một bình mực tím. Tính của nhỏ Thu từ nhỏ đã khó khăn có tiếng trong lớp, hiềm vì nhà tôi và nhà nhỏ ở cạnh nhau trong xóm, nên nhỏ cũng có phần dễ dãi với tôi. Được chấm chung bình mực với người khó tính mà học giỏi nhất lớp như Thu là một điều rất oai trước mặt bạn bè. Tính tôi lơ đễnh, bữa thì quên mang theo bình mực, bữa xỏ ngón tay trỏ qua cái vòng tròn bằng mủ trên nắp bình mực, làm cái quai bị đứt, bị rơi, bị bể bình mực dọc đường, và… nhiều lý do khác mà tôi nhiều lần phải chấm nhờ bình mực tím của Thu.
    Xưa, cấp tiểu học, học trò phải viết bằng ngòi lá tre hoặc ngòi mỏ quạ chấm mực. Bởi vậy, bọn nhóc chúng tôi vẫn thầm mơ, thuở ấy, trong nhiều lý do, sớm lên được bậc trung học là để đi học, được viết bằng viết bi (ngày đó gọi là viết nguyên tử). Chỉ là chút kỷ niệm nho nhỏ của tuổi học trò, vậy mà sau này lớn lên, lúc ra trường mỗi đứa một nơi, đôi khi buồn, nhớ lại và ngẫm ngợi một mình. Một bình mực tím, Thu chấm một lần, tôi chấm một lần. Thu viết một chữ, tôi viết một chữ, như nhau, vậy mà khi ra trường, đời của mỗi đứa hôm nay đã khác nhau biết chừng nào.
    Tính Thu khó khăn vậy mà học hành cũng giỏi giang là vậy. Rời trường trung học Thu học dược và trở thành dược sĩ. Sau đó lại theo gia đình định cư ở nước ngoài, tiếp tục học, làm việc, rồi lập gia đình với người ngoại quốc. Khi về quê dự họp lớp, cả hai đứa con, mang hai dòng máu nhân tiện cũng về thăm cho biết quê mẹ lần đầu. Hai đứa con ngỡ ngàng trước bao điều lạ lẫm khi về quê mẹ lần đầu cũng như nhiều người trong xóm cũ ngỡ ngàng trước sự thay đổi và trước hình ảnh của một nhỏ Thu ngày nào, tính tình khó khăn, sống khép kín, ít khi ra khỏi nhà, giao thiệp bạn bè… Bây giờ Thu năng động, vui vẻ, hoạt bát, gần gũi, thân thiện và hầu như chẳng mấy lúc chịu ngồi yên ắng một nơi.
    Dù đã được chuẩn bị trước đó vài năm, nhưng bạn bè những năm học ngày xưa mỗi người một cảnh, giờ tứ tán khắp nơi, về không đủ mặt. Có những đứa chỉ còn nhớ được là gặp nhau lần cuối cùng ở đâu đó, đã 5 - 10 năm trước rồi không còn gặp nữa. Những bức ảnh ngày trước chụp chung cả lớp, trong những dịp cắm trại, dịp bãi trường… được những người lưu giữ mang ra xem. Nhìn ảnh rồi lại ngắm người mà thấy như là người khác. Nhiều người phải được nhắc tới, nhắc lui, chuyện này, chuyện nọ từ thời điểm bức ảnh ra đời mới mang máng nhận ra hình ảnh cũ của bạn nào đó một thuở rất đỗi thân tình. Bởi chúng tôi xa nhau, thời gian gần bằng thời gian của nửa cuộc đời người. Xa nhau, không gian bằng khoảng cách xa nhất của hai điểm trên hành tinh này - nửa vòng trái đất. Thời gian, tuy mỏng manh như tờ lịch nhưng nó xóa mờ dần ký ức với những kẻ vô tình, và cũng nhân lên được niềm vui, nỗi buồn trong mọi kiếp đời không cách gì từ chối được.
    Bạn bè, hôm nay chí ít cũng vắng gần hai phần ba. Mọi người đã yên ổn với công việc, gia đình sau mấy mươi năm chật vật giữa chốn chợ đời. Khoảng một phần ba số có mặt thành đạt theo nghĩa của sự thành đạt như Thu bây giờ. Đã nên danh vọng, tương lai, tiền đồ rạng rỡ… là những thứ mà cuộc đời của mỗi đứa chúng tôi đều đã từng dõi theo, mong ước trong suốt cuộc đời mình. Có điều thật giống nhau giữa chúng tôi là tất cả đều vất vả bon chen, dồn hết nghị lực, phấn đấu mãnh liệt trước cuộc sống bộn bề, từ khi chúng tôi chia tay, mỗi người một ngả đường theo lối rẽ cuộc đời mình như những ngón trên một bàn tay.
    Xưa, tỉnh lẻ ít người, vắng vẻ, nên cũng không nhiều trường như bây giờ. Có những bạn học nhà chung xóm, cắp sách đến trường chung nhau một con đường từ thời còn tiểu học đến khi thi xong tú tài mới chia tay nhau. Hiểu được tính tình của nhau, thân thiết đến đỗi xa nhau một ngày đã nhớ. Tôi và Thu, một thời còn chấm chung một bình mực tím, dù ngày ấy, Thu viết ngòi lá tre, tôi quen dùng ngòi mỏ quạ, nhưng học chung một thầy, đọc chung bài, viết chung một chữ mà bao nhiêu năm trời gặp lại nhau, phận đời đã chia ra, mỗi người mỗi khác. Có ai ngờ, sự khác biệt có điều gì đó mang ý nghĩa của sự thành bại trong cuộc đời, nó âm thầm mà âm ỉ, thấm đẫm nỗi riêng tư đôi lúc đến ngậm ngùi…

Kết Thúc (END)
Trần Xuân Linh
» Mùa Cóc Chín
» Miền Quê Không Xa
» Nước Sâm
» Hạnh Phúc
» Chuyện Nhỏ
» Chung Màu Mực Tím
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển