Thành phố thuở còn là thị xã. Cuối năm 1978. Phía bên đây cầu Kim Sơn nhờ phố xá và khu chợ đêm tụ tập nhiều người tới lui ăn uống nên náo nhiệt hơn. Bên kia cầu Kim Sơn thì lặng lẽ, đường sá xuống cấp, nhiều ổ gà và nhất là ban đêm, đèn đường xa xa một bóng tròn đo đỏ trông rất ảm đạm, u hoài. Hai bờ của thị xã cách nhau một con sông, nối bằng chiếc cầu gỗ sườn sắt gập ghềnh còn lại sau chiến tranh. Phía bên kia thị xã, ban đêm, có dịp đi đâu đó với nhau về, chúng tôi vẫn thường hát - thành phố nào, nhớ không em… bởi chúng tôi gọi với nhau, thị xã mình là thành phố buồn…
Thắm ở tầng trên của cơ quan có 2 tầng, ban đêm chỉ có một bóng đèn ở trước căn phòng chính giữa. Vì dãy nhà cách xa cổng rào nên ánh sáng vàng vọt của bóng đèn tròn càng làm cho không gian thêm âm u, huyền hoặc. Thắm tốt nghiệp cao đẳng ở TP. HCM về nhận nhiệm vụ ở TX. Bạc Liêu. Chưa có bạn nhiều, lại tạm trú ở cơ quan khu vực xa trung tâm, có lần tôi hỏi Thắm có buồn, có nhớ nhà không. Thắm nói nhớ nhà thì bao giờ Thắm cũng nhớ, nhớ từ khi lên 9 lên 10, nhưng buồn thì cũng không mấy gì buồn, trừ nỗi buồn trong lòng đã trót mang từ thuở mới lớn lên mà Thắm chưa bao giờ thổ lộ với ai.
Tôi quen Thắm qua một người bạn khác và trong một dịp cũng thật tình cờ. Đêm đó chi đoàn cơ quan tôi tổ chức một buổi văn nghệ biểu diễn trong lễ tốt nghiệp của một khóa học chính trị. Lúc chia tay, tôi và người bạn đưa Thắm về cơ quan. Thắm rất kỹ tính. Nằn nì mấy Thắm cũng không bằng lòng cho hai đứa tôi qua cổng rào cơ quan, dù người bạn của Thắm và tôi là bạn rất thân. Vài tháng sau, sau nhiều lần gặp nhau giữa 3 đứa chúng tôi thì tôi mới được bước vào cơ quan Thắm ban đêm. Nhưng tôi cũng chỉ được phép dừng lại trước hành lang, nơi nhìn xuống khoảng sân có vài cây hoa anh đào chập chờn trong ánh sáng vàng vọt từ bóng đèn tròn xa xa trước phòng chính ở tầng dưới cơ quan.
Một đêm, Thắm tiễn tôi về, lúc bước xuống cầu thang hai cánh tay chúng tôi vô tình chạm nhau. Bàn tay tôi tìm được bàn tay Thắm. Chúng tôi đi chậm lại, từng bậc trên lối cầu thang ngập ngừng bóng đêm và dần dần xuống thấp. Khá lâu tôi mới nói được: “Anh muốn nói với em một câu thôi, nhưng rất quan trọng, em có sẵn lòng nghe không?”. Một khoảng lặng khá lâu, tôi không đoán được gương mặt em lúc ấy trong bóng tối chập chờn. Thắm nói: “Anh đừng nói, nhưng hãy xem như em đã nghe rồi. Em hiểu mà”. Và Thắm khóc… “Bất ngờ quá phải không?” - tôi hỏi. “Không! Em bất hạnh. Em xin lỗi, là vì chuyện của riêng em. Bất chợt em nhớ ngoại, nhớ mẹ, nhớ em của em…”.
* * *
Chuyện cũ: Bất ngờ cha mất vì tai nạn lao động khi em vừa lên 9 tuổi. Sau đó là những chuỗi ngày còn lại thật buồn. Buồn mất cha và 3 mẹ con bắt đầu tất tả cùng lo cho cuộc sống của gia đình. Mẹ mua gánh bán bưng, em theo tiếp mẹ. Con Thía còn nhỏ không thể để nó ở nhà một mình, nên cũng dắt theo. Mấy mẹ con rong ruổi hết đường ngang, ngõ tắt trong một thị trấn nghèo. Buổi chiều mẹ làm công chuyện nhà, em và con Thía cắp sách đến trường. Mọi chuyện theo thời gian cũng thành nếp nên quen, là công việc thường ngày và do việc mưu sinh khó nhọc, do thiếu thốn trăm bề, nỗi buồn dần nguôi ngoai, dành thời gian cho việc mưu sinh.
Chuyện bắt đầu từ khi vài năm sau có một người đàn ông ra tay cưu mang 3 mẹ con em sau một cơn bão cuốn phăng căn nhà lá nhỏ xiêu vẹo cặp bờ kênh, trên đất của người hàng xóm cho mượn. Sự kiện người đàn ông đó bước vào đời sống gia đình của 3 mẹ con em, mẹ xem như một điều may mắn cho cảnh ngộ ngặt nghèo. Nhưng sự yên ổn cũng chỉ có chút ý nghĩa trong vài tháng đầu tiên. Sau đó, mẹ lại tiếp tục dọn lại gánh hàng và hàng ngày lại rong ruổi khắp phố phường, hẻm xóm. Khi người đàn ông bắt đầu xưng “tao” và gọi 2 chị em em là “mày” và luôn luôn phiền hà trách mắng vì những công việc lặt vặt không đáng trong nhà hàng ngày. Đó là những chiều ông say rượu, mà hầu như chiều nào về đến nhà là ông đã say.
Những khi ấy, 2 chị em thường ôm nhau khóc với lý do đúng trong mọi trường hợp - nhớ ba! Và khi những lời mắng nhiếc, thô lỗ cộc cằn kia lan qua mẹ, dù mẹ rất cực khổ kiếm tiền trên đôi quang gánh nặng oằn vai. Số tiền ít ỏi mẹ kiếm được đã san sớt một phần từ bữa ăn đạm bạc cho những chai rượu tối ngày của dượng. Vai mẹ oằn hơn, tuổi đời chồng lên, buồn tủi và vì phải chăm chút thêm cho một người lớn nữa. Dù vậy, khi chỉ có 3 mẹ con, mẹ vẫn thường nói lời ngắn gọn nhưng chống chế cho mọi tình huống của gia đình lúc bấy giờ, và cho cả cuộc đời mình: “Không tình thì cũng nghĩa mà con!”.
Trước lời giải thích của mẹ, con Thía thường viện dẫn nhiều lý do để chứng minh mình không có lỗi về chuyện này, chuyện nọ khiến dượng phải la rầy, chưởi mắng. Em chỉ yên lặng. Em cố gắng chịu đựng, cả việc cố gắng không để rơi giọt nước mắt nào trước mặt mẹ. Tất cả mọi chuyện đều đã qua rồi, qua thật lâu rồi nhưng niềm đau còn ở lại, vẫn vẹn nguyên như vậy, thấm thía và u buồn cho cảnh đời không may của mẹ.
Mọi việc rồi cũng yên ổn một phần khi ngày kia - chắc cũng là những ngày khô hạn như bây giờ, ngoại tìm đến nơi và kêu 3 mẹ con em về quê sinh sống. Tụi em hớn hở khi gặp ngoại như gặp được bà tiên trong câu chuyện cổ tích, vì sống bên ngoại, sẽ thôi buồn, hết khổ. Con Thía luýnh quýnh gom một bộ đồ rưỡi guộn tròn ôm vô bụng. Nó cũng chỉ có bằng chừng ấy. Có điều em không hiểu, không hiểu cho đến tận bây giờ là vì sao lúc đó mẹ đã quyết định không về cùng ngoại, dù mẹ cũng rơi những giọt nước mắt ngắn dài. Ngoại cũng khóc nhưng lúc đó, 3 bà cháu không nói thêm lời nào với mẹ…
* * *
Một đêm, tiễn tôi về, vẫn với không gian ngập ngừng ánh sáng và những bậc thang dần dần xuống thấp mà sau này mới biết đó là lần sau cùng tôi và Thắm gặp nhau. Thắm dùng dằng mãi ở cổng rào và lần này Thắm chủ động nắm bàn tay tôi. Vẫn những giọt nước mắt rơi như lần đầu tôi định ngỏ lời cầu hôn. Lần này đã khác: “Em xin lỗi. Bởi dù không để anh nói ra nhưng em đã âm thầm nhận lời của anh rồi từ đêm đó. Chính điều đó đã làm em ray rứt mãi, không yên. Em từ chối lời anh chỉ vì em không thể. Lỗi là ở em. Ngưỡng cửa hôn nhân, có điều gì đó khiến em không dám tin mình có thể bước qua trọn vẹn… Chúng mình vẫn là bạn tốt của nhau mà!”.
Đó là lời từ hôn của Thắm từ hơn 30 năm về trước. Ngày đó, dẫu có biết rõ sự tình, hoàn cảnh của Thắm tôi cũng không thể lý giải được điều gì. Trong quãng thời gian ngắn của một quãng đời buồn tủi đắng cay của mẹ đã để lại trong em hình ảnh một thân phận, một cái bóng đen đằng sau cuộc hôn phối lỡ làng, không trọn vẹn, nhiều đắng cay, buồn tủi. Cuộc đời vẫn thường nhiều bão tố, phong ba. Hơn 30 năm sau, thật ra tôi cũng chẳng chắt lọc được gì nhiều nhưng chắc tôi cũng dễ dàng chấp nhận một điều, và đó là điều tôi muốn nói với Thắm bây giờ: Hạnh phúc bao giờ cũng bao gồm cả những đắng cay…
Kết Thúc (END) |
|
|