Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Nước Sâm Tác Giả: Trần Xuân Linh    
    Nếu không có ông bán nước sâm từ bên kia đường bất ngờ tung một cú song phi ngang qua mặt lộ để chặn cây dù ngã, chực bay về phía học sinh của trường tiểu học lúc tan trường, xếp hàng qua ngã tư giữa lúc trời giông gió và xe cộ đông nghẹt thì sự thể cũng chưa biết như thế nào. Phụ huynh đón con em và những người có mặt lúc đó đều tỏ lòng khâm phục. Bạn bán hàng cặp bên hông trường học từ đó cũng có thiện cảm hơn với ông bán nước sâm có phần ít nói này.
    Bạn bán hàng chung đường với ông sau sự kiện cây dù ngã cũng nhận ra ở ông bán sâm có nhiều điều là lạ. Ai cũng bất ngờ, rằng ông già lòm khòm, ốm tòng teo kia không ngờ võ nghệ cao cường. Có người hỏi, ông nói rằng, thuở nhỏ ông theo thầy có học mấy miếng phòng thân. Cú song phi bữa nọ, thầy chưa dạy mà ông cũng chưa biết lần nào, chỉ vì trước cơn nguy kịch, thương mấy đứa nhỏ, giật mình tung người một cú thục mạng. May là kịp chặn được cây dù trước khi nó vụt bay.
    Nghe nói vậy, người chung quanh cho rằng ông giấu nghề nhưng cũng không hỏi gì thêm. Ông đậu xe nước sâm ở góc ngã tư này đã được 3 - 4 năm rồi, kế bên cô Sáu bán xôi bì buổi sáng. Nước giải khát ông bán thuở giờ ông không gọi nước sâm. Chỉ là nước mát giải nhiệt thôi, có bổ béo gì đâu mà gọi nước sâm nghe sang trọng quá. Mát theo nghĩa đen và theo nghĩa dân gian thường gọi. Ban đầu nước mát của ông gồm rễ tranh, mía lau, thêm lá cây lẻ bạn, mã đề… Dần dần ông thêm thục địa, rong biển và… vân vân… Nước mát của ông bán từ màu vàng vàng dần dần chuyển sang màu đen đen và hương vị cũng dần dần đổi khác. Có điều, cũng dần dần thơm ngon, hấp dẫn hơn lúc ông mới ra nghề.
    Ông bán nước sâm từ sau khi vợ mất do căn bệnh ngặt nghèo nhiều năm không chữa khỏi. Từ khi đứa con gái duy nhất của ông thi đậu vào trường Đại học Cần Thơ… Những chuyện này thì do cô Sáu bán xôi bì kể lại. Trước đây, căn nhà nhỏ trong hẻm của vợ chồng ông cũng là tiệm tạp hóa nhỏ trong xóm lao động nghèo do vợ ông bán. Ông thì với chiếc xe đẩy từ thuở nhỏ đã cùng vui buồn, ngang dọc khắp cùng ngõ ngách trong cái chợ ven sông này. Thuở vợ ông bán rau cải trên sạp trong chợ, cũng là một trong những “mối ruột” của ông trong việc chuyên chở hàng mua bán, đi về. Chẳng ai bày mà hai người phải lòng nhau rồi thành vợ, thành chồng sau đó. Đó là bất ngờ lớn nhất trong đời ông. Có lần vui, ông kể cho cô Sáu bán xôi bì nghe như vậy.
    
    Thành công thứ hai trong đời ông là việc chế biến nước sâm. Ông nói như vậy. Nước mát do ông chế biến với những nguyên liệu rẻ tiền, dân dã lại phù hợp nên tạo hương vị riêng, hấp dẫn mà lại rẻ tiền. Nhưng người nào mua cũng gọi là nước sâm. Rốt cuộc thành tên theo khách hàng thường gọi - nước sâm! Thành công của ông là cùng một loại nước giải khát bình dân đó ông đã tách thành hai loại - ấm và lạnh! Chính điều này giúp ông bán được cả ngày mưa cũng như ngày nắng, tối ngày. Điều đó trở thành cứu cánh, giúp ông có tiền nhiều hơn nuôi đứa con gái đang học đại học ở xa ông.
    Khách hàng ông vừa lạ cũng vừa quen. Có người uống ngày một hoặc vài bận, có người mỗi bận uống đến hai ly. Những bạn hàng chung đường uống giúp ông. Những cô bán cà phê bên kia đường, buổi trưa cũng mang ly qua mua về quán uống. Khách đến, cặp xe máy, xe đạp bên cạnh xe nước sâm. Chỉ kêu gọn một tiếng “ấm” hoặc “lạnh” là đủ. Mỗi khách hàng, mỗi lần gặp 1 - 2 phút là cùng, vẫn tiếng gọi đó, vẫn thời gian đó, mỗi ngày. Nên gặp là nhớ - chỉ là nhớ gương mặt chớ chẳng có gì hơn mà ông vẫn nghe vui trong lòng. Thường khi nhận hoặc thối lại tiền, với ai ông cũng nói tiếng cảm ơn. Dường như cho bớt trống trải hơn là ý nghĩa hàm ơn nào khác.
    Cô Sáu bán xôi bì bán kề bên nên biết nhiều chuyện của ông. Cô nói ông chỉ uống trà thôi, không uống cà phê. Trong xe ông có một bình trà, đã cũ lắm rồi, nho nhỏ. Thi thoảng ông rót uống một chung, cũng nho nhỏ. Thường là khi ông hút thuốc. Thời buổi bây giờ mà ông còn hút thuốc gò. Điếu thuốc ông vấn nhỏ bằng cái chân nhang, chỉ hút 2 - 3 hơi là đã hết. Nhìn điếu thuốc, người ta không biết ông có ghiền thuốc không, như ông chỉ hút cho vui, để tay chân bớt trống trải lúc rảnh rang. Ngoài mấy chung trà, mấy điếu thuốc gò đều nho nhỏ ấy, mỗi ngày, ông còn hai bữa xôi bì mua của cô Sáu.
    Ông mua hai hộp xôi của cô Sáu lúc cô đã bán hàng xong, chuẩn bị gióng gánh ra về. Một hộp ông ăn liền lúc đó, một hộp ông để dành buổi chiều. Đó là hai bữa ăn chính trong ngày của ông. Hai hộp xôi bán cho ông, cô Sáu bán nhiều hơn người khác đã đành mà còn thêm cho ông phần cơm cháy nữa khi nghe ông nói, hai bữa cơm trong ngày của ông là hai hộp xôi này. Ông nói, ông thích ăn cơm nếp từ nhỏ. Ông ăn cơm nếp thay cơm. Ăn cơm nếp bụng nó êm mà lại no lâu. Hơn nữa, xôi bì của cô Sáu bán rất vừa miệng ông. Một chút mỡ hành phết trên mặt xôi, để bì lên trên xôi, chan nước mắm chua ngọt, rồi dưa chua, ớt bằm… Hương vị đó khó mà quên được. Cũng là cơm, mà lại là cơm nếp nên vị ngọt đậm đà, có mỡ, có thịt hẳn hòi, bữa cơm giá “bèo” của người nghèo, đủ đầy cỡ đó thì còn đòi hỏi gì hơn… Khách hàng của cô Sáu, người lớn, trẻ em, nhiều người khen xôi của cô bán, thật tình chưa ai khen xôi của cô Sáu tới cỡ như ông.
    Cô Sáu nói ăn uống kiểu này, sức đâu mà làm, mà sống. Ông cười. Ông hỏi cô Sáu có thấy người tu hành, mỗi ngày ăn một bữa đúng ngọ đó, thì sao? Người tu hành ăn chay, còn ông ăn mặn, nhưng ông tập tành để giống cái tâm bình an, lòng không xao động chi nhiều. Quá khứ đã qua và đời ông, hối tiếc gì phải nhắc tới? Hiện tại thì ông có một việc làm, thu nhập không nhiều, nhưng không mong cầu gì nhiều thì cũng chấp nhận được. Còn tương lai, ông chỉ một nguyện ước duy nhất, đó là ngày con gái ông tốt nghiệp, ra trường. Không mong cầu điều gì to lớn, tâm bình an, như chiếc xe chạy ga-ăn-ti thôi thì đâu phải tốn nhiều xăng… Biết đủ thì đâu bao giờ thiếu, cô Sáu!
    Giải thích theo kiểu của ông, cô Sáu nghe vừa như có cái gì mông lung, huyền bí mà cũng lạ lẫm lắm. Có điều cô Sáu không hiểu được tận tường, không biết đúng hay không, nên cô chỉ cười.
    
- o O o -

    Ngày thứ hai, không thấy ông bán nước sâm đẩy xe nước sâm ra bán nên buổi trưa, gánh hàng về cô Sáu ghé nhà thăm, mới hay ông bệnh. Ông nấu nước sâm chuẩn bị đi bán nhưng rồi đi không nổi. Ông nói trong lúc rót nước sâm ra ly mời cô Sáu. Cô Sáu hỏi ông có muốn ăn xôi bì không, cô có dành lại cho ông phần xôi như mọi ngày. Ông nói, ông cũng định ra mua xôi mà cũng đi không nổi. Hổm rày, ông nói, dường như có nhiều thứ trong người không chịu nghe lời mình nữa. Ông đi khám bệnh, bác sĩ kêu phải nằm lại để làm nhiều xét nghiệm nữa mới có kết luận sau cùng chính xác được. Ông đang bệnh nặng.
    Thấy cô Sáu lo lắng, ông nói: Tôi nghe nói, cuộc sống vốn vô thường, sống chết cũng là chuyện không nằm ngoài quy luật đó. Chờ thêm một đêm nữa chắc cũng không sao. Con tôi đã tốt nghiệp, ngày mai làm lễ xong, nó về. Nếu là người tu hành thì ngày mai là ngày tôi đắc đạo, bởi nguyện ước của tôi đã thành sự thật. Cô Sáu uống nước sâm đi, đời tôi chẳng có gì đáng giá, chỉ có nước sâm là thứ mát lành.
    Ông trở bệnh, đêm đó lối xóm đưa ông vào bệnh viện nhưng không còn kịp nữa. Ông đi sớm hơn một buổi, trưa mai con gái ông về. Nhiều người ngỡ ngàng, tuy biết điều ước duy nhất của ông đã thành sự thật. Nói theo cách của ông - ông đã đắc đạo. Bởi yêu người, ông đã giành lấy mọi khổ đau, nguy hiểm về mình…

Kết Thúc (END)
Trần Xuân Linh
» Mùa Cóc Chín
» Miền Quê Không Xa
» Nước Sâm
» Hạnh Phúc
» Chuyện Nhỏ
» Chung Màu Mực Tím
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển