Lần nào cũng vậy, nói tới chuyện chồng con là Trâm kiếm cớ giả lả rồi láy sang chuyện khác, có khi lại ngúng nguẩy bỏ đi rớt lại câu nói: “Con đã nói là kiếm được việc làm con mới nghĩ đến chuyện chồng con mà má thúc ép hoài”. Cỡ tuổi Trâm, mấy đứa bạn cùng xóm đã con cái đề huề, hỏi sao má không nóng lòng. Tụi nó được gả về làm dâu rồi chỉ lo chuyện bếp núc, con cái, còn Trâm vẫn đang chờ ngày lấy tấm bằng cử nhân để đi xin việc làm…
“Tổ cha bây, cái thau đồ mới giặt xong hổng phơi, đi phơi mớ đồ khô má mới dọn vô, con gái con lứa, sờ tay vào không phân biệt được đồ ướt với đồ khô hả con”. Hèn chi, lúc treo áo vô cái móc, Trâm còn nghĩ trong bụng, ủa sao bữa nay cái máy giặt nó sấy đồ khô dữ vậy ta, chắc thằng Út nó chỉnh chế độ gì rồi… Tâm trí Trâm để ở… cái máy điện thoại chứ đâu! Nào giờ Trâm có thèm để ý đến nó, vậy mà bây giờ Trâm giữ nó khư khư. Trâm chờ tiếng tút tút của âm thanh tin nhắn… “Con phơi… lộn, để con phơi lại mà má”, Trâm nói mà con mắt vẫn liếc ngang cái màn hình điện thoại. Chỉ có tấm hình chân dung thiệt là đẹp của Trâm trên đó. Tấm hình mà Trâm rất ưng ý khi cài nó làm màn hình nền, ấy vậy mà bây giờ Trâm đâm ghét nó quá chừng, Trâm chỉ muốn nó biến mất để thay vào đó là dòng chữ “có tin nhắn mới”…
Hôm bữa, Trâm chạy xe máy qua xóm bên mua cho má ký bún, mấy ngàn đồng mắm sặc, ít giá, hẹ, con cá lóc để má nấu bún nước lèo ăn cho đỡ ngán. Mới qua tết, chẳng ai muốn ăn cơm với thịt nữa. Về, Trâm để nguyên cái giỏ với lỉnh kỉnh đồ rồi chui tọt vô buồng nằm, má thấy lạ, hỏi trỏng vô, sao không ra tiếp má một tay, Trâm nói vọng ra, con nhức đầu quá má, chắc là… trúng nắng. Má làm từ từ nghen… Má quơ cái giỏ, nhặt luôn cái khẩu trang của Trâm để kế đó, chèn ơi, cái khẩu trang ướt nhẹp ngay chỗ che hai con mắt. Má nghĩ bụng con nhỏ chắc làm rớt xuống nước đây nè, con gái với con lứa…
Không. Là Trâm dùng khẩu trang để che những giọt nước mắt. Trâm vừa chạy xe vừa khóc mà. Nước mắt thấm ướt một vạt khẩu trang. Hôm đó, khi vừa ra tới đầu ngõ, cái điện thoại của Trâm rung lên âm thanh quen thuộc (đi mua bún chút xíu về cũng mang theo điện thoại), Trâm hồi hộp móc điện thoại ra khỏi túi, dòng tin hiện lên: “Hay quen tat ca, anh that tiec vi minh khong the…”.
… Hơn ba tháng trước, Trâm làm luận văn tốt nghiệp, qua sự giới thiệu của người bạn, Trâm quen với anh. Anh đã xuất hiện và đặt vào trái tim chưa từng có dáng hình ai của Trâm - những rung cảm mãnh liệt. Anh học trước Trâm bốn khóa, giờ đã đứng trên bục giảng đại học với tấm bằng thạc sĩ và đang chuẩn bị các thủ tục để học tiến sĩ ở nước ngoài. Anh hướng dẫn cho Trâm không chỉ bằng những kiến thức cô đang cần để sau đó Trâm bảo vệ luận văn với điểm cao nhất lớp, mà còn bằng sự ấm áp chân thành toát lên từ mỗi cử chỉ lời nói, sau đó còn là những dòng tin nhắn với toàn chữ nhớ, chữ thương, và những dòng thơ nữa… Trâm, lúc đó đã hiểu thế nào là yêu một người…
Vẫn là chiếc điện thoại khư khư bên mình, bất kể là ở đâu, bất cứ là khi nào, Trâm luôn giữ nó. Nhưng giờ đây không phải là để chờ những dòng tin nhắn của anh. Trâm dùng nó để tìm thấy… lòng mình qua những bài thơ trên… mạng xã hội (Trâm yêu anh cũng bắt đầu từ những vần thơ anh gửi vào tin nhắn mà). Trời ơi, ở đâu lại có những đoạn thơ như chính con tim đang thổn thức, đang ngập ngụa trong nước mắt mà Trâm đã ép từ khóe mắt cố cho nó chảy ngược vào trong. “Anh nói: Thế giới này nhỏ lắm/ Ấy vậy mà ta đã lạc mất nhau…/ Không phải lời hứa hẹn nào cũng được giữ đến bạc đầu/ Cho mất mát hóa thành ký ức…”. “Bao lần nước mắt rơi âm thầm dang dở/ Là bao lần tập nuốt ngược vào trong, nhoẻn miệng cười/ Mình đã từng sống trọn vẹn, thế thôi…/ Nên không phải đường đi lúc nào cũng cần chung lối…”, giống quá vậy trời, người ta viết y như nỗi lòng của Trâm. Vậy thì đâu chỉ mình Trâm đau vì yêu, khổ vì lạc mất nhau…
Rồi có lần, khi lang thang trên Facebook, Trâm đọc được một bức thư tuyệt mệnh của một cô gái để lại trước khi trầm mình xuống sông tự vẫn. Bức thư tình thật xúc động, có những đoạn đọc mà tưởng tượng như Trâm đang viết cho anh vậy, cũng yêu nồng nàn và dâng hiến trọn vẹn, để rồi… lạc mất nhau.
Nhưng Trâm còn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng, chết vì tình không đáng, dù khi yêu người ta hay nói mình có thể chết vì tình yêu, yêu người kia hơn cả bản thân mình… Những tháng ngày ngắn ngủi dù yêu người ta bằng cả trái tim, nhưng làm sao đong bằng thời gian đằng đẵng ba má gánh gồng nuôi Trâm ăn học, tâm hồn Trâm đã dâng trọn cho anh nhưng hình hài này là của ba má Trâm đã tạo ra bằng cả suối nguồn thương yêu. Đó, vậy thì chỉ được khóc cho đã (Trâm ghét cái luận điệu “khi xa nhau, xin em đừng khóc”, vì Trâm không làm được) và… nhớ đến da diết thôi nghen. Rồi sẽ đến lúc nước mắt sẽ cạn, nỗi nhớ sẽ êm dịu đi (chớ không quên được đâu). Tự dưng lúc này đây, Trâm nhớ đến lời bài hát Cẩm Ly ca nghe hay… nức nở mà lúc trước Trâm thường nói hát gì nghe… kỳ, lời ca vầy nè: “Dậy đi em đừng ngủ dây dưa, dậy ra coi lòng hết đau chưa…”.
Kết Thúc (END) |
|
|