Ông nhạc sĩ có thói quen uống cà-phê không bao giờ đánh bông bọt. Thứ cà-phê vối hãm đặc, không ngậy và quyến rũ như cà-phê Buôn Mê Thuột chính hiệu, nhưng cũng tạo cảm giác chan chát, đậm, se đầu lưỡi khi nhấp từ từ. Làn hơi mỏng ngoằn ngoèo quấn lấy chiếc muỗng con lúc ông nhẹ nhàng khuấy một chút đường. Con Nhị thể đang nằm gọn trên lòng ông nhạc sĩ. Ông giơ ngón tay vuốt vuốt cái mũi nhung, mịn hồng của nó. Nó chớp mắt, gật đầu dụi dụi. Bao giờ thấy ông nhạc sĩ ngồi một mình uống cà-phê, nó cũng sán lại. Ông không bế và cà cà tay vậy là con Nhị thể quấn lấy chân, không để ông yên.
- Mày tệ lắm, cào ông. Mà độ này mày không chịu bắt chuột gì cả, hả meo.
Cô con gái đứng lặng ngoài cửa ngắm cha nựng con mèo. Ông nhạc sĩ ngẩng lên. Hai cha con cùng cười. Hôm trước, ông nhạc sĩ hì hục chở con và chiếc xe đạp đứt xích trên chiếc Véc-pa cà tàng, ông cũng mặc bộ này. Trời mưa to lắm. Mà lạnh nữa. Ông nhạc sĩ ướt như chuột lội. Rét run. Cái dáng chậm chạp, to béo ém vội trong bộ quần áo không là lượt cùng mái tóc muối tiêu ướt nhèm xoã xượi xuống vầng trán hằn nếp nhăn luôn hiện lên khi cô con gái nhớ đến cha.
- Cha thuộc diện đàn ông quý tướng.
Ông nhạc sĩ vừa giơ ngón tay chỉ lên cục xương nhô cao:
- Phùng tê quán đính đấy con.
Rồi ông cười, nhẹ tênh. Từng đọc sách nhân tướng học mà cô không thấy. Đúng, cha quý tướng. Phàm người có cục xương như nắm đấm trên đầu đều thành đạt, vang dội trên lĩnh vực mình dấn nghiệp. Vậy mà thỉnh thoảng cha lại nói:
- Đàn ông ngủ, nghiến răng là trách mình không khá.
Cô con gái trố mắt:
- Còn những người ngủ không nghiến răng, cha?
- Thì là người không ham muốn. Cha ngủ không nghiến răng.
Ông nhạc sĩ lại cười ngất.
Ông hay ví mình là cây thiên tuế lên chậm, thảo mộc xung quanh thì cứ bời bời. Mình mãi là một nhạc sĩ bình thường, không tên tuổi, tiền bạc, không chức vụ. Vợ ông nhạc sĩ đẹp, sắc sảo nữa. Bà là người thứ hai, vợ cả ông mất từ khi con ông ba tuổi. Ông định không tục huyền, nhưng đến năm ngoái, sao lại chất củi lòng lửa cháy? Về với ông, cũng là trang hai. Trước, bà làm trong một cơ quan công chứng nhà nước. Lương không cao, nhưng ổn định. Chẳng hiểu lý do gì mà bà bỏ cơ quan sau khi bỏ người chồng thứ nhất. Việc của bà bây giờ là trông coi cái quán cà - phê, rồi nội trợ. Cô con gái ông nhạc sĩ tựa bản sao của mẹ đẻ. Nhiều khi nhìn con, ông nhạc sĩ cứ bần thần rồi ước có thể kéo tháng ngày ngược lại.
*
Cô gái lại về nhà vào buổi trưa. Quanh quất ngó không thấy cha đâu, cả chiếc xe Véc-pa chềnh ềnh. Cái quạt giấy to tướng bị tuột đinh chổng tơ hơ. Góc quán, con Nhị thể buồn thiu thiu đang nằm, nhìn thấy cô nó chỉ kêu một tiếng “ngoeo” nhạt nhẽo.
- Ông ấy đi rồi. Đi bán xe.
Giọng bà mẹ kế mõng mượt.
- Nghệ sĩ lại ra chợ xe.
Cô con gái buột miệng. Thế mà bà mẹ kế cũng nghe được. Cô gái thoáng thấy một tiếng “xì” trên khuôn mặt khó chịu của bà. “Tối qua hai người va chạm”. Cô con gái bỗng mường tượng thái độ giông gió đùng đùng của mẹ kế khi bao thứ chi tiêu trong nhà chồng đống. Tiền không có mà cha cứ bình tâm đứng kéo Violon. Tiếng đàn vóng vót làm cơn giông trong bà càng cuồn cuộn. Lương của cha cô tất tật chỉ ngót nghét ba triệu một tháng. Nhà nước bao cấp nhưng cũng phần nào thôi. Việc doanh thu, rồi đóng thuế, nhà hát trông hoàn toàn vào các buổi diễn cố định. Vị trí lại ở thành phố cấp hai này. Khán giả đến rạp lèo tèo cũng bởi đặc thù loại hình sân khấu. Sinh hoạt gia đình tùng tiệm. Công trình phụ lâu ngày quá, giờ xuống cấp, hỏng. Tắc liên tục. Cha làm bộ bàng quan. Với cái lý: Mình đâu phải thợ lề. “Nghệ sĩ ai kiêm nghề móc cống?”. Bà mẹ áy o. Tiền chẳng có. Giở ra, mươi triệu chứ chơi. Bà cằn nhằn, nặng chịch, vậy mà tiếng đàn cứ vóng vót...
Tiếng, mở cà-phê nhưng ở con hẻm khuất này. Quán, thực chất là hai phần ba gian nhà tập thể thu dọn, bố trí dẹp vào. Bên trong là giường ngủ của vợ chồng ông nhạc sĩ. Dịch xéo là khu bếp. Căn gác xép rộng thênh từ xưa là chỗ cô con gái học, ngủ, chơi đàn, có lúc còn tổ chức cả sinh nhật. Giang sơn của cô nhìn thẳng xuống chỗ bán hàng kê đủ ba cái bàn với vài chiếc ghế. Suốt ngày, ông nhạc sĩ tiếp mỗi... bạn bè. Khách vắng hoe. Đôi lúc cũng có một tốp, lạ thì thật lạ. Gần một năm nay ông nhạc sĩ hay phải về quê vì ông cụ bố vợ mắc chứng tiểu đường, chốc chốc lại cấp cứu đi viện. Nhà hát vắng khán giả, lịch diễn thưa, buồn như chấu cắn, thế mà vợ ông cứ ri rỉ chuyện không đâu:
- Lão chủ thầu xây dựng ăn mặc sang thật. Lại chả bao giờ lấy tiền thừa. Điện thoại di động của lão chuyển được cả hình, video mình nhỉ?
Ông nhạc sĩ với tờ báo giơ lên mặt. Vợ ông tủm tỉm. Ông lại với chiếc điều khiển ấn ấn nút volum tivi. Tiếng con kỳ nhông “khìn khịt” trên chương trình tìm hiểu thế giới động vật bỗng to tướng. Bà vợ nhăn mặt, cao tay “dộng” chiếc vung nồi áp xuất đánh boong một cái. Cái van nồi bật tung, lăn lộc cộc dưới nền nhà. Ông nhạc sĩ đặt tờ báo xuống bàn. Giọng cố mềm:
- Mình đừng nhắc thằng lừa đảo đó trước mặt tôi.
- Ô hay, sao ông gọi người ta là lừa đảo.
- Chứ sao.
- Lừa đảo gì tôi không biết. Ba tháng nay, họ nộp cả triệu tiền uống cà-phê đấy.
- Nó nghiện cà-phê vối hay thích ngón tay trắng mịn của bà?
- Ông để ý... Đàn ông gì.
Vợ ông nhạc sĩ hầm hầm dắt xe ra cửa, nổ máy.
Thằng cha chủ thầu xây dựng làm cái sân quần vợt bên đường toàn chọn lúc ông nhạc sĩ đi vắng là sang quán ngồi lỳ rồi rút điện thoại di động nghe nghe, gọi gọi. Lại kêu ít đường. Thêm tí đá cục. Miệng điện thoại mà mắt sàn sạt vào bàn tay mũm mĩm của bà chủ. Cách đây nửa tháng, ông nhạc sĩ gặp một cậu thanh niên tre trẻ, sụt sịt khóc trong quán của ông. “Sao thế?”. Cậu thanh niên ngẩng mặt. Hai bàn tay vàng khè, cáu đầy vôi vữa, cứ vò vò vào nhau. “Chủ thầu không trả tiền công để cháu thanh toán tốp thợ ở quê. Ông ấy bắt ký vào hoá đơn quyết toán cái cống thoát những ba mươi triệu”. “Thế thực làm bao nhiêu?”. “Có năm triệu. Cháu sợ, không ký. Ông ấy không trả tiền”. Cậu thanh niên lại giơ tay quệt nước mắt. “Đồ bóc lột, lừa đảo”. Ông nhạc sĩ bực tức, trút quần áo, bước vào nhà tắm. Khi lòng nhẹ lại, đi ra thì cậu thanh niên đã dời từ lúc nào. Hôm sau, ông nhạc sĩ về sớm. Gã chủ thầu đang ngồi lù lù. Chiếc gạt tàn đầy ụ đầu lọc. Ly cà - phê đã cạn. Bên cạnh là ấm trà. Vợ ông thì đang lục sục tìm gì trên gác xép cô con gái. Gã chủ thầu đứng dậy. Ông nhạc sĩ quay ra thấy tờ bạc năm ngàn đặt dưới ly cà-phê. “Này anh ơi”. Gã chủ thầu nhìn ông khó hiểu. “Một ly cà-phê. Như mọi khi”. “Không”. “Thế bao nhiêu?”. “Một trăm ngàn”. Ông nhạc sĩ buông câu lạnh tanh, đồng thời móc túi rút sợi dây đàn, căng tay vuốt thẳng ra. Mặt thằng cha chủ thầu nhăn lại. “Tôi bán cà-phê. Bán cả sự thư giãn, thảnh thơi cho ông, kia”. Vừa nói, ông nhạc sĩ vừa ghé mắt ngắm sợi dây được vuốt thẳng rồi bất ngờ vung tay vút vù một cái. Tiếng cắt gió lạnh tai. “Này, ông nhạc công. Vô lý vừa thôi”. “Xin lỗi. Tôi là nhạc sĩ. Thời buổi này đầy sự… Có gì lạ. Ngay bên cái sân quần của ông cũng thế thôi”. Tiếng “thế thôi”, ông nhạc sĩ cố kéo dài ra, nghe khó chịu. Mặt thằng cha chủ thầu thoắt ngẩn, hắn lại sởn người bởi tiếng “vút” nữa, quăng vào không khí. Gã chủ thầu rút tờ bạc một trăm ngàn, đặt lên bàn, rồi chuồn thẳng. Cuối ngày hôm đó, ông nhạc sĩ đã nhìn thấy cậu thanh niên đứng đợi ở bến xe buýt. Mỗi lúc nhớ câu chuyện cha mình doạ gã chủ thầu xây dựng cô con gái không sao nhịn được cười, rồi cô cứ bần thần rê bút vẽ khuôn mặt bì bì của gã khi xuất tiền cho cậu thanh niên.
Chuông điện thoại reo.
- Con à. Chiều về sớm nhé.
Thật thiêng. Giọng ông nhạc sĩ trầm, âm sắc miền biển. Chắc có vé xem hoà nhạc. Hay chuyện cha bán xe... đúng thật, cái xe bán được giá vì vớ ông khách thích tầm đồ cổ, nhưng phải bân bẩn, cà tàng. Vị trí thường ngày dựng chiếc Véc-pa giờ là chiếc xe đạp Pơ-giô, cũng cũ mèm, được lau sáng bóng. Bóng xói qua cả lớp hoen gỉ bên trong.
- Đồ hiếm đấy. Cha mất công lắm mới tìm được. Từ nay cha sẽ đi làm bằng xe đạp.
Cô con gái tấm tắc khen chiếc Pơ-giô cổ, còn chắc chắn. Hai tay túm vào ghi đông, cô rướn người đạp thật mạnh Pê-đan khi rùn mình trĩu đôi tay làm bánh sau chiếc xe bênh lên. Tiếng xích rào rào guồng. Líp tanh tách. May ơ quay loang loáng. Cô buông câu: “tuyệt”. Bà mẹ kế đang hí húi trong bếp, quay ra gật đầu cười. Thật may, nụ cười không có cơn giông.
- Cả làng họ sưu tầm, chơi xe đạp con à. Họ cất xe như giữ vật báu ấy. Không bán, dù tùng tiệm.
- Sao cha mua được?
Ông nhạc sĩ đứng dậy châm chút nước sôi vào ly cà-phê đã cạn rồi ngả lưng trên ghế, khẽ rung người.
- Cha phải khai lý lịch trước ông già có những bốn chiếc xe - Dừng lại vài khắc, ông nhạc sĩ tiếp: Ông cụ bảo đã thấy trên tivi cha biểu diễn - Ông nhạc sĩ lại chỉ ngón tay lên đầu: Nhờ mái tóc muối tiêu và Phùng tê quán đính này.
Bà mẹ kế bĩu môi.
Tiếng cười ông nhạc sĩ rổn rảng tan trong ánh chiều vàng con ngõ nhỏ.
*
Cả nhà hát lặng phắc. Sân khấu bồng bềnh mờ ảo bởi vài ba ánh nến. Các nhạc công giàn nhạc giao hưởng trông như những bức tượng đổ sáp. Ông nhạc sĩ lúc này tựa Thiên sứ im lìm hướng tới các nhạc công. Không gian bỗng bị cắt lát bởi tiếng rít nhỏ và sắc, thanh âm của dây kim loại xiết vào nhau. Hai đoàn đồng nam, đồng nữ mỗi người cầm trên tay một cây nến, từ hai bên cánh gà bước xuống bậc tam cấp rồi chậm rãi vòng lên giữa sân khấu và lại chậm rãi đi toẽ ra. Tiếng rít của thanh âm kim loại vẫn còn ngân dài. Bóng trăng tròn vạnh trên cao hiện lơ lửng chiếu vầng sáng vàng óng vào góc sâu. Tấm màn mầu thiên thanh từ từ được kéo lên. Một “tiên nữ” trên mình mặc bộ voan trắng, tóc đen óng ngồi trước cây Độc huyền.
Cô con gái ông nhạc sĩ nín thở, căng thẳng chờ đợi. Tiếng Độc huyền thảnh thót, da diết cất lên tựa như “màn” dạo đầu về khúc “Gió Trương Chi...”
- Để biểu diễn thành công bốn mươi phút đồng hồ, giàn nhạc của cha phải tập luyện vất vả cả mấy tháng trời. Không bản nhạc trước mặt đâu. Nhạc công luôn phải sáng tạo. Có nghĩa, tất cả đều cùng “chơi nhạc” với năng lực bùng phát.
Ông nhạc sĩ say sưa nói với con gái nhân một buổi cô đến thăm ông ở nhà hát.
- Thế còn cha?
- Nhạc trưởng lúc này chỉ làm mỗi nhiệm vụ là ghép nối, phát động...
-... Thì sao nhỉ?
Ông nhạc sĩ nhìn con âu yếm:
- Ừ. Buổi biểu diễn hôm sau tất nhiên sẽ có nhiều điều khác biệt buổi hôm trước và khác cả lần tiếp nữa, mặc dù vẫn chỉ “Gió Trương Chi...”
Khuôn mặt ông nhạc sĩ thoắt nhăn, như có cơn đau thoáng đến. Cô con gái ngó cha ái ngại. Cô biết những ngày đầu khi bắt tay vào dựng Gió Trương Chi, cha cô gặp nhiều khó khăn lắm. Từ việc tập hợp nhạc công. Đến bố trí nhạc cụ. Rồi vị trí giàn nhạc thế nào để tạo sự “thăng bằng” phân phối hàm lượng thanh âm. Gió Trương Chi huy động nhạc công không bó khuôn như giàn nhạc giao hưởng truyền thống mà phải thêm nhiều nhạc cụ. Cồng, chiêng, cả sáo trúc, đàn K-lông-pút... Ông nhạc sĩ lo lắng. Liệu những nhạc cụ dân tộc trong bộ dây, bộ gõ này có thay thế, hoà đồng được với Píc-cô-lô, ô-boa, trom-pét... Ông muốn truyền hết ý tưởng của mình tới nhạc công, để thổi bùng Gió Trương Chi thành tác phẩm giao hưởng đặc biệt hoành tráng. “Với” một chút tới duyên dáng êm đềm Hây-đơ-nơ. Sự bồi hồi say đắm Mô-da hay cái chất vĩ đại não lòng Bê-tô-ven mà giàn nhạc chưa làm ông vừa ý. Rồi thuyết phục ban giám đốc, cả hội đồng nghệ thuật nữa. “Những gì cổ điển, tồn tại từ thời Xam-mác-ti-ni hẵng làm cho hết đi. đột phá gì với năng lực âm nhạc thường thường vậy...” Cô con gái cũng cho là thế. Tên của cha ít người biết. Thế mà cha định thể nghiệm phong cách giao hưởng mới. Gió Trương chi soạn ra với ý tưởng âm nhạc hiện đại hoà quện tính dân tộc, cộng hưởng tạo hình theo lối mới. Chương II và III không gián cách. Tất cả sẽ chung mục đích bật lên chủ đề tư tưởng cả ba chương. Thành viên trong hội đồng nghệ thuật bất đồng chính kiến. Người cho rằng nhạc giao hưởng phải chính tắc, nghiêm luật, bảo tồn tính truyền thống. Số ít lại cho đây là bước đột phá, mở ra hướng mới quảng giao âm nhạc giao hưởng trong nước với nước ngoài chứ không mãi trình tấu những bản xô-nát đơn thuần. Cuối cùng, giám đốc nhà hát quyết định dựng Gió Trương Chi, với quan điểm: Cốt tử vẫn là khán giả đến nhà hát thế nào.
Cô con gái không hiểu lắm công việc cha mình. Chỉ thấy cha làm rất nghiêm túc. Mà độ này sức khoẻ ông kém nhiều. Nhiều lúc ông nhạc sĩ cứ một mình trầm ngâm. Bàn tay, những ngón dài nổi đường gân xanh luôn đặt trên đùi. Ngày đi tập, đêm ông nhạc sĩ thao thức trong gối. Rồi ông dậy, tần mần tỉa lá chậu Trắc bá diệp, phun nước vào mấy giò phong lan treo lủng lẳng trước nhà. Ông hay ôm đầu bỏ bữa. Vợ ông cho là chuyện gió máy. Ăn uống thất thường là bản tính lâu nay của ông. Hôm nọ, ông còn “ráo”: “Hè này, cho hai mẹ con đi nghỉ trong Đà Lạt”. Bà bĩu môi... “Tháng sau giỗ cậu Hiền. Muốn bố trí vào Kon Tum đưa hài cốt cậu ra mà chưa làm. Còn mấy triệu tiền bán cái Véc-pa đấy...” Bà, lúc lúc cằn nhằn. Sắc diện ông nhạc sĩ ngày một xấu. Mắt thâm quầng, hốc vào. Đôi lúc tê bại cả mé người bên trái. Cô con gái lo lắm, nèo cha đi bệnh viện khám. Ông nhạc sĩ khất lần. Rồi chiều con, ông cũng đi suốt cả buổi. Khi về, ông nói “Chẳng bệnh gì cả”. Mỗi lúc thấy cha buồn trầm ngâm, cô con gái hay sà vào. Ông nhạc sĩ giơ tay vuốt mái tóc dầy của con, rồi nói “Con có bạn trai à?”. Cô con gái nũng nịu “Dạ, mới ý tứ thôi”. Cô quen, không giấu cha điều gì. Cô thường khoe với bạn bè “Cha là thần tượng của tớ”. Hôm rồi, cô bảo với ông “Khi có lương biên chế, con sẽ tiết kiệm, tìm chuộc chiếc Véc-pa về cho cha”. Ông nhạc sĩ hôn lên trán, rồi khẽ véo vào cái mũi hênh hếch của con.
Chủ nhật, ông nhạc sĩ và con về quê. Suốt dọc đường đi, cô con gái thấy cha ít nói. Với ông nhạc sĩ, mục đích những lần về quê là thăm ông chú ruột, giờ đã tám mươi tuổi. Còn cô con gái muốn lại được xem biển trong lời kể của cha thế nào. Ông chú ruột rất mực kính trọng, người thấp nhỏ, mái tóc phơ phơ, lúc nói, lúc cười, khuôn mặt không thay đổi. “Ông cụ nuôi nấng, chăm lo và hay quất lằn mông cha mình khi cha trốn nhà theo thuyền cá, là thế này”. Lần nào về, gặp ông cụ, cô cũng có ý nghĩ này. Ngày ông nhạc sĩ đi học nước ngoài, ông chú ruột khóc mãi. Nước mắt ông đâu phải thường. “Những năm đằng đẵng ở quê, ông cụ đã hết lòng chăm sóc ông nội. Và cũng một tay chôn cất ông nội khi cha không về được”.
- Có lạng cao trăn. Chú ngâm rượu.
- Vâng. Tôi xin. Chị Tuyết dạo này khoẻ?
- Cám ơn chú, nhà con vẫn bình thường.
- Tôi thấy lạ. Mấy chục năm ở thành phố mà anh không xây nổi cái nhà tử tế. Hay anh tính khi yếu thì về chốn quê - Nhân lúc cô cháu đang bận chọc mấy chùm bồ kết ngoài vườn, ông cụ chú ruột nói - Chả lẽ đến chết anh vẫn đeo cái nghiệp đàn ca. Bằng tuổi anh nhiều người đã nên ông bà.
Ông nhạc sĩ cúi mặt. Ông hiểu, chú mình chỉ thiếu độp cho: Đồ bất hiếu. Chả làm được việc gì. Điều quan trọng ở đây là ông nhạc sĩ không có con trai.
Ông nhạc sĩ và con gái thả bộ trên triền cát ngắm biển.
Dưới kia là những con sóng đang đùa nghịch.
Biển ở đây còn hoang sơ.
Cũng có thể vùng quê này xa đô thị.
Biển hoang sơ thì thật đẹp và trinh bạch.
Sạch và chung thuỷ.
- Biển quê mình không có triều cường, triều hạ nữa.
- Sao vậy cha?
- Vì không ai nhận thấy. Bờ cát cứ sạch, cứ rộng mãi. Biển êm đềm, không ồn ào khi triều cường, không lặng tờ khắc khổ khi triều hạ.
Hai cha con họ ngồi trên dải cát. Trước mặt xanh thẳm, trời nước. Sau lưng xanh ngắt, hàng thông reo. Bỗng ông nhạc sĩ nằm áp vào cát. Ông giơ tay ra hiệu. Cô con gái cũng áp má xuống mặt cát phập phồng.
- Con có thấy gì không?
- Không ạ.
- Ừ, không có tiếng dã tràng đào cát. Miền biển quê mình không có dã tràng đâu.
Cô con gái thoắt ngồi dậy, ngạc nhiên. Thật kỳ lạ, ở đây tại sao không có dã tràng?!
Sẫm chiều, hai cha con về thành phố. Lùng tùng trên xe một bao khoai. Ông cụ chú ruột của ông nhạc sĩ nói với cô cháu gái “Khoai lang vùng biển là ngọt nhất cháu à”. Ông nhạc sĩ muốn ngủ lại quê một tối để lại được xem biển cồn cào giữa đêm... nhưng sáng mai con gái ông phải đi làm rồi. Vài ngày tới ông nhạc sĩ rảnh rang. Gió Trương Chi đã hoàn thành. Bộ dây, bộ gõ, phần múa phụ hoạ vừa khớp nhạc. Chương trình biểu diễn của ông được ban giám đốc nhà hát ấn định vào bốn buổi. Mà phải sau đây mười ngày vì khán trường đang có ba đám cưới đến thuê. Giàn nhạc phải chờ. Ông nhạc sĩ nói với vợ:
- Tranh thủ mấy ngày nghỉ, tôi vào Tây Nguyên.
- Ông đã báo về quê chưa?
- Thôi, sợ đi không được việc, cụ lại buồn. Trưa nay, mình cứ làm cho tôi mâm cơm khấn thần linh.
- Cậu ấy báo mộng thế. Lại nhận được giấy. Ông còn phân vân điều gì?
- Mình vào đường đột. Liệu sở thương binh xã hội trong đó có lo kịp thủ tục. Mà tôi đã có lịch biểu diễn.
- Ối dào...
Ông nhạc sĩ lặng đi. Châm một điếu thuốc, rít sâu. Dạo này ông hút thuốc lại. Chủ nhật vừa rồi ông còn ngồi cả buổi soạn quần áo. Cái nào tốt tốt, cất đi. Cái nào không dùng mang về quê hết, chỉ để mặc mấy bộ xuềnh xoàng. “Ông này thành lập dị”. Vợ ông ca cẩm. Bà nghĩ ông bị sốc, hụt hơi trước công việc ở nhà hát. Xét khía cạnh nghề nghiệp, kiến thức âm nhạc và tay nghề tinh luyện mấy chục năm trời của ông coi như vứt. Ông không làm được điều gì nổi đình đám đâu. Biết vợ nghĩ vậy. Ông nhạc sĩ chẳng quan tâm. Ông rất hy vọng vào bản giao hưởng này. Khí nhạc Gió Trương Chi đem đến hứng khởi lạ thường. Lần đầu tiên trong đời, ông có cái cảm giác âm nhạc dội vào mạnh mẽ thế.
*
Ông nhạc sĩ đi được một tuần, thì vợ ông điện vào “Thư thả. Ở quê bảo phải chờ mươi hôm nữa mới được ngày. Mà ở xã, họ đang chuyển nghĩa trang. Ông cứ ở trong đó nhé”. Ông nhạc sĩ phân vân “Mọi thủ tục giấy tờ đã làm đủ. Đội quy tập cũng chuẩn bị bắt tay triển khai công việc”. Những mười ngày. Ông nhạc sĩ bồn chồn. Cơn đau đầu dâng lên liên tục. Vào trong này, ông phát oải bởi khí hậu khắc nghiệt cao nguyên. Nắng cứ hầm hập, oi ả. Vậy mà nghĩa trang không lúc nào vắng bóng ông lão người dân tộc dọn cỏ bên những hàng mộ liệt sĩ trắng xoá. Nghĩ đi nghĩ lại, ông nhạc sĩ quyết định lên gặp ban quản lý. Hài cốt cậu em vợ vẫn được đưa về. Bà vợ ông nhạc sĩ ngạc nhiên vô cùng khi thấy chồng sừng sựng trước cửa, trên tay là chiếc ca-táp như buổi sáng cách đây tám ngày ông đi. Trước ngực khoác thêm chiếc túi du lịch lớn. Mặt ông nhạc sĩ tái bợt. Ông cẩn thận đặt chiếc túi lên bàn rồi run run mở khoá kéo. Bà vợ nhìn thấy bên trong có một bọc ni lông to bằng hai viên gạch chỉ. Bà trố mắt. Rồi bà kêu rú một tiếng khi chứng kiến ông nhạc sĩ trịnh trọng đưa nắm hài cốt cậu em bà lên bàn thờ. Không để ý đến thái độ của vợ. Ông nhạc sĩ lặng lẽ châm ba nén hương, chắp tay lầm rầm:
“Anh mang tạm cậu về nhà anh. Đúng ngày, sẽ đưa em về quê. Có điều gì không phải mong em tha thứ cho anh chị, cậu Hiền nhé”.
Khấn xong, ông nhạc sĩ mệt mỏi lê bước ra ghế, ngồi xuống. Ông khóc. Xưa, cậu Hiền đâu có biết ông. Nghe kể, tính tình của cậu cũng hiền lành, giống ông. Trần sao âm vậy. Chắc cậu không trách ông đâu. Bà vợ ông nhạc sĩ vẫn đứng như trời trồng. Đến lúc này thì bà hoàn toàn không thể nào hiểu nổi được ông nữa. Hài cốt lại đem về nhà, dù đây là em ruột bà. Điều kiêng kỵ. Mà có phải không dặn. Điện thoại như gió thổi vào tai, chờ cho đúng ngày rồi mang thẳng luôn về quê, thế mà...
Mãi sau, vợ ông nhạc sĩ mới trở lại trạng thái bình thường. Sắc mặt bà vụt đỏ tía nên. Cơn giận dữ tích lâu ngày bùng ra và càng ngùn ngụt khi thấy con người vô tích sự lập dị kia cứ ngồi trầm mặc như một cục nước đá.
Ông nhạc sĩ nói chậm chạp:
- Tôi không thể... lần sau thì... Mình phải viết thư vào cảm ơn sở thương binh xã hội trong đó. Cả ông cụ trông coi nghĩa trang.
Bà vợ dậm chân bành bạch. Giọng rít qua kẽ răng:
- Thôi. Ông đừng thêm câu nào nữa. Càng nói tôi càng lộn ruột. Giời ơi. Tôi biết tỏng sao ông khăng khăng mang cậu ấy về. Gió Trương Chi với cả bão Trương Chi... ông bị “đao” thật rồi.
Ông nhạc sĩ run lên. Người tái nhợt hơn. Ông nhoi dậy, nhoai về phía vợ. Ông muốn tát một cái thật mạnh vào cái mặt người vợ vô tình đang gằm ghè mình. Nhưng thật may, ông kìm lại được. Lúc sau, ông từ từ buông người xuống ghế. Hai bên thái dương lại giật giật. Mạch máu ở đó như muốn bục ra. Phía kia, bà vợ ông nhạc sĩ vẫn chiếu ánh nhìn hằn học sang ông. Rồi bà bỏ vào giường, nằm khóc thút thít.
Lòng ông nhạc sĩ nặng trĩu.
Ông thấy sức lực mình cạn kiệt.
Cứ ngồi vậy.
Ông ngước ánh mắt ra cửa sổ, nơi khóm hoa Trạng nguyên đang rực đỏ. Ở đó, vừa bảng hoảng một cánh chim chao vội.
*
Buổi ra mắt Gió Trương Chi vắng khán giả. Vẫn chỉ lèo tèo mấy chục người đến xem. Buổi thứ hai, thứ ba cũng vậy. Ông nhạc sĩ buồn lắm. Thế là sự cố gắng trong tất cả mọi chuyện đều hỏng cả. Ông cảm thấy có lỗi nhiều với ban giám đốc, với các nhạc công nhà hát. Cơn đau đầu hành hạ ông dữ dội hơn. Lúc nào cũng cảm giác như hàng trăm viên sỏi sắc đang nhẩy nhót trong đầu. Nhân khi bà vợ vắng nhà. Ôm cô con gái vào ngực. Ông nói:
- Cha thất bại rồi. Hoài ạ.
Cô con gái bỗng thấy trên trán mình, có vài giọt nước mắt của cha.
- Không, cha. Con ngưỡng mộ cha mà.
Cô nói vội, rồi cũng bật khóc.
Tiếng con chim khách ở đầu hồi nhà giờ thường reo, hôm nay không hiểu sao thấy vắng. Hai cha con họ cứ đứng vậy, tựa vào nhau rất lâu.
- Tối nay là buổi diễn cuối cùng. Ngày mai, cha sẽ ở nhà. Cha báo cáo hội đồng nghệ thuật nhà hát rồi.
Từ lâu, trong suy nghĩ cô con gái, công việc say đắm cả mấy chục năm trời của cha chỉ là nghề nghiệp. Cũng như bao nghề kiếm sống khác. Sự thành công hay thất bại một bản giao hưởng cũng bình thường thôi. Chỉ lúc này, khi chứng kiến sự đau đớn tuyệt vọng, nhói thót lên từng nếp nhăn trên gương mặt người cha, cô gái mới thấy mình thật có lỗi. Cô thương cha vô cùng.
- Cha nghỉ đi. Chiều làm về, con mua lít bia cho cha nhé.
Cô gái dắt xe đi. Ông nhạc sĩ ngó theo mãi cái dáng nhỏ nhắn khuất hút ở đầu ngõ, rồi ông quay vào nhà hãm phin cà-phê đặc, ngồi uống một mình. Ông chuẩn bị tinh thần cho buổi diễn cuối cùng mà lòng trĩu lại.
*
Nhà hát chật người.
Không thể ngờ, buổi biểu diễn cuối cùng lại đông khán giả vậy. Rất nhiều em học sinh tại trường trẻ em Tình Thương, nơi cô gái con ông nhạc sĩ đang dạy cũng có mặt. Trên tay cô con gái là bó hồng Pha-đơ-na. Thứ hoa ông rất thích. Cô gái vô cùng ngạc nhiên khi bắt gặp một khuôn mặt quen quen, bì bì, của người đàn ông ngồi chếch phía cô hai hàng ghế. “Chắc ông chủ thầu xây dựng cũng chỉ tò mò muốn xem cha biểu diễn thế nào”. Ý nghĩ thoáng qua trong đầu cô khi trên loa phát giọng nói của ông giám đốc:
- Thưa khán giả. Tiền bán vé trong buổi diễn hôm nay nhà hát sẽ dùng hoàn toàn để ủng hộ các em nhỏ trường Tình Thương.
Cô con gái ở hàng ghế bên trái. Cách sân khấu rất xa, thế mà cô vẫn thấy niềm hạnh phúc đang dâng ngập trên gương mặt cha mình.
Gò má cô bỗng xuất hiện hai dòng lệ.
Buổi hoà nhạc bắt đầu...
... đôi tay nhạc trưởng Lê Báu thoắt giơ cao. Tiếng sấm ầm ầm phát ra từ chiếc trống lớn khiến khán giả tưởng tượng thấy một vị thần đang hiển hiện..., tiếp đó, tiếng cồng chiêng cùng lúc rền lên. Tấm màn thiên thanh từ từ hạ. Nền sân khấu hiện từng đợt sóng dồn dập. Đèn vẫn không bật sáng. Không gian bồng bềnh, mờ ảo trong ánh nến. Mé trong bức màn chính diện, tượng hình một người đàn ông, một người đàn bà tạo hình hắt bóng lên theo từng trường đoạn âm nhạc biểu đạt cuộc sống lao động khó nhọc từ thời sơ khai của nền văn minh lúa nước. Trên tay người đàn ông nâng một chiếc “đấu” gỗ hướng lên không trung. Cả khán trường nhà hát bị mê hoặc bởi thứ âm nhạc giầu sức biểu đạt, dồn nén, cắt nghĩa bằng rất nhiều ngôn ngữ thanh âm, tượng hình được cộng hưởng. Bàn tay nhạc trưởng thoắt hướng phía sau, mé trái. Nhạc công xô-lô đứng dậy. Đũa nhạc từ từ quét ngang. Tiếng đàn vĩ cầm vi vút phát ra. Âm thanh réo rắt trên nền nhạc đệm Pi-a-nô. An-lê-grô-áp-pa-xi-ô-na-tô đằm thắm, say mê. Lúc như cơn gió mát. Như dòng suối chảy. Rồi thánh thót tiếng chim. An-lê-grô công gra-đi-a, vui tươi duyên dáng. Đồng lúa vàng. Biển chấp chới cánh buồm. Đôi tay nhạc trưởng Lê Báu tựa có tai, có mắt, lần nữa lại vung lên. Rồi cả giàn nhạc dừng khựng. Vài nhạc công ngơ ngác. Ông nhạc sĩ lảo đảo. Âm thanh trên sân khấu chợt ắng. Phía dưới, khán giả vẫn chăm chắn hướng lên sân khấu. Mọi người không biết điều gì vừa xẩy ra. Họ chỉ nghĩ, khoảng lặng đó là quãng chùng trong tác phẩm. Rồi thân hình ông nhạc trưởng thoát trỗi lên. Khuôn mặt trang nghiêm, ấn tượng. Âm nhạc lại ào ạt, sục sôi hoà âm cộng đồng phát động. Đoàn người cuồn cuộn. Đắp đập. Ngăn sông. Xây nhà. Trẻ em múa hát. Có cả tiếng đồng hồ tích tắc. Ánh sao sa bừng lên trong màn trời ấm áp và rực rỡ. Huy hoàng. Chương ba Gió Trương Chi đẩy lên đến cao trào rồi âm vang kết thúc. Nhà hát bừng sáng bởi tất cả các ngọn đèn đều bật một lúc. Rồi rầm rập tiếng vỗ tay vang lên. Gió Trương Chi thật vô cùng sống động. Tính hiện đại hoà quyện đậm đặc trong âm nhạc dân tộc rất riêng, rất đặc biệt, dư ba. Nhạc trưởng Lê Báu bước đến bắt tay nhạc công xô-lô. Tiếng vỗ tay lần nữa ào ạt dâng. Cô gái con ông nhạc sĩ cầm bó hoa chạy lên sân khấu với nụ cười rạng rỡ. Cô đã không nhận ra, khuôn mặt cha mình đang dại đi.
Tấm màn nhung từ từ buông.
Khán giả ai nấy lục tục ra về.
Bỗng cả giàn nhạc nhao nhác. Nhạc trưởng Lê Báu khuỵ xuống. Cô con gái ông nhạc sĩ linh cảm thấy điều gì không ổn. Cô cứ đứng ở cửa nhà hát chờ mãi mà không thấy cha mình ra. Mọi người thì đã về vãn. Cô vội quay vào, ào lên khán trường. Ông nhạc sĩ lúc này đang bất động trên tay các nhạc công.
Nhìn thấy con gái. Ông nhạc sĩ phều phào:
- Cha bị khối u trong não. Có lẽ...
Cô con gái rú lên thất thanh, ôm lấy cha mình.
Hai bàn tay nhỏ nhắn run run cứ vơ vẩn sờ nắn khắp người ông nhạc sĩ. Khoé miệng ông nhạc sĩ chợt thoáng nụ cười. Buổi biểu diễn cuối cùng trong đời ông cũng là buổi diễn thành công nhất. Nước mắt cô gái lã chã và tiếng nấc mỗi lúc càng se thắt. Cô cứ gọi “Cha ơi” mãi mà ông nhạc sĩ không thể cất được lời nào. Cuối cùng, cô con gái cũng đọc được trong ánh mắt hiền từ của cha mình câu nói về miền đất không có dã tràng... ông nhạc sĩ ra đi mang theo điều bí mật của con gái:
“Chiều hôm đó cô gái đã giấu cha đi rút số tiền tiết kiệm mà cha mẹ giành dụm cho cô, khi mẹ còn sống. Cô dùng tất cả để mua vé và cùng với mấy người bạn cô đến từng gia đình, cả những người lao động bình thường chưa bao giờ biết đến nhạc giao hưởng. Cô tặng họ những tấm vé, kèm theo một lời cầu khẩn...”
*
Ngày vẫn trôi và cuộc đời vẫn hiện diện phía trước.
Bà mẹ kế vay tiền, nới rộng thêm cái quán cà-phê.
Cô con gái thì đã đi lấy chồng rồi.
Mỗi lần nhớ đến những tháng ngày hạnh phúc bên cha, cô gái như vẫn còn nghe thấy rõ ràng tiếng đàn vĩ cầm vọng lại. Nhưng điều đọng lại vô cùng lớn lao trong cô là hình ảnh người cha thân yêu với dáng ngồi chậm chạp, mái tóc muối tiêu xoà xuống. Cô mường tượng và luôn hỏi: “Linh hồn cha giờ ở đâu?” Rồi cô lại tự trả lời: “Cha đã đi qua hết buồn vui hữu hạn đời cha. Có lẽ bây giờ ông đang thảnh thơi trở về miền biển quê mình”. Ở đó, có những con sóng êm đềm, có nắng và một bãi cát dài, trung trinh.n
Kết Thúc (END) |
|
|