- Phát ơi! Ăn gì để mẹ mua.
- Tí ra ngoài ăn một thể, hôm nay con đi làm - Y ưỡn người mỏi mệt, giọng nhừa nhựa.
- Vậy cứ nghỉ thêm mấy hôm, để mẹ điện, các chú ấy thông cảm mà. - Bà già y nói vọng lên, giọng lo lắng.
Các chú ở đây là sếp của y trong ngân hàng. Sếp lớn nhất là đàn em cũ ông già. Và đúng như bà già nói, y có nghỉ thêm dăm bữa nửa tháng nữa cũng chẳng sao giăng gì. Nhưng nằm nhà mãi ươn người nên y muốn ra ngoài một tí.
Y mở tủ, tùy tiện lôi ra bộ quần áo. Trong ấy toàn đồ xịn bà già mua. Khi cất để rất ngăn nắp, loại nào riêng loại ấy, thành ra y mặc phứa vẫn ổn. Nhiều khi đến chỗ làm chẳng biết mình mặc gì, lúc người ta xuýt xoa khen đồ mới, y mới ngẩn ra.
Y lái xe vòng vòng qua các con đường buổi sớm. Chẳng nhìn đường, nhìn người mà cũng chẳng biết có ý định gì, đi đâu. Xe thuộc dạng tầm tầm, nhưng chẳng phải ông bà già không mua cho thứ xịn hơn, mà bởi y lái quen tay rồi, không muốn đổi. Ba bốn năm nay y vẫn đi con xe đó, từ hồi mới tốt nghiệp đại học.
Hồi học đại học y thuộc dạng ngoan, hiểu theo nghĩa thông dụng nhất, và bây giờ vẫn thế. Không cúp tiết, không bài bạc, game online, không rượu chè, học tằng tằng rồi ra trường, thỉnh thoảng có thi lại, điểm rả chẳng đến nỗi nào. Ông bà già bảo sao làm vậy, bảo không thì không, không hề cảm thấy bó buộc hay miễn cưỡng. Đôi khi muốn làm gì đó theo ý mình, một cái gì thật đặc biệt, ý nghĩa. Nhưng mà y cũng chẳng biết thứ ấy thế quái nào. Lúc thế này, lúc thế khác, rồi lại thấy chỉ muôn muốn thế thôi, chẳng ai bảo làm nên y cũng chẳng làm. Có lần y muốn lừa một con bé tên là Miến, mới quê lên. Chẳng phải vì ham hố gì, chỉ là y nghĩ như vậy thì cuộc sống của mình đỡ chùng chùng rệu rã. Nhưng ngay cả việc đó y cũng chỉ muốn mà không làm, bởi vì y thấy chùng chùng rệu rã chẳng hại gì, mà căng thẳng náo nhiệt cũng chẳng ích lợi gì.
Y đậu xe lại vì nhận thấy mình đang đi ra ngoại thành. Có lẽ từ trong sâu thẳm y muốn đi khỏi Hà Nội chăng? Không phải, đi đâu cũng thế thôi, giàu sang hay nghèo hèn cũng thế thôi, nhàn hạ hay vất vả cũng thế thôi, thành phố hay thôn quê cũng thế thôi, đối với y chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt. Y lơ đãng lái xe ra ngoài thành phố cũng bởi lẽ ấy, và bây giờ, dừng lại, cũng bởi lẽ ấy.
Y mở cửa bước ra khỏi xe, chậm rãi đi bộ trên vỉa hè. Có một vẻ rất khác biệt với trung tâm, không ồn ào chen chúc bằng nhưng lại hối hả, mạnh mẽ hơn rất nhiều. Xe cộ chạy với tốc độ cao, dòng người cuồn cuộn đổ về các hướng, rồi các hướng cuồn cuộn đổ về, cứ như mỗi người đều có một ngọn lửa bên trong. À, chính xác là một ngọn lửa đốt đằng sau đuôi, không chạy không được.
Ý nghĩ ấy khiến y suýt phì cười.
Y chẳng bao giờ có ngọn lửa ấy. Tất cả đều rất dễ dàng, thậm chí chẳng cần động hề mà việc vẫn thành. Có lẽ y cần một chút khó khăn. Nhưng không biết có thứ khó khăn gì có thể thúc vào lưng khiến y chạy lên như điên được. Y rất ít tiêu tiền, thậm chí chẳng có trò vui nào để tiêu tiền. Y chưa bao giờ yêu đương, cũng chẳng ham muốn cái gì đặc biệt. Y có thể nhịn đói vài ngày không phàn nàn, hoặc ăn vớ vẩn cái gì cũng được. Diện quần áo đẹp hay cởi trần, đi xe xịn hay cuốc bộ, đối với y cũng chẳng có gì khác biệt. Bởi vậy y không tin trên đời này có thứ gì khiến y chạy cuống lên. Một thằng cướp đuổi sau lưng cũng vậy. “Nó muốn lấy cái gì thì lấy, y nghĩ, thậm chí vớ phải thằng cướp đồng tính nó đè mình ra mà hiếp cũng chẳng có gì kinh khủng lắm”. Chỉ khi bị đe dọa tính mạng, thì may ra bản năng cầu sống mới thúc được y chạy thục mạng chăng? Cái đó cũng chưa chắc, nhưng cứ coi như một khả năng đi.
- Xe không chú?
Y hơi giật mình quay sang, thấy khuôn mặt chừng ngoài ba mươi tuổi, khắc khổ và nhăn nhúm. Khuôn mặt ấy đang cố nặn ra một nụ cười nên càng đặc biệt khắc khổ nhăn nhúm. Y nhã nhặn từ chối, khẽ lẩm bẩm: “Xe ôm!”
- Trời nắng thế này đi bộ làm gì cho khổ. Chú lên anh chở, rẻ thôi.
Ở đất nước nhiệt đới này, nhất là cái thành phố bụi bặm này, người ta như vậy, càng ra ngoại ô càng như vậy. Người ta rất khó tin rằng một người có thể đi dạo dưới trời nắng. Họ không hiểu được rằng trên đời vẫn có những thằng cớm nắng. Y không buồn trả lời nữa, chỉ khẽ lắc đầu rồi đi tiếp. Gã xe ôm vẫn chưa buông tha, cứ vừa lẽo đẽo theo sau vừa chào mời. Có lẽ gã thấy y đã đi bộ được một quãng xa, mồ hôi tươm ướt áo, và trước mặt là đồng không mông quạnh, có lẽ còn đi xa lắm. Gã hi vọng y sẽ mỏi chân, sẽ nóng bức, sẽ muốn lên xe.
Y chợt quay sang:
- Bác chở xe ôm thế này mỗi ngày được bao nhiêu tiền?
Gã xe ôm ngẩn người ra một chút:
- Trừ tiền xăng ra, thường ngày trăm hơn trăm, hiếm họa có hôm được hai ba trăm.
- Vậy cũng khá nhỉ.
Gã xe ôm nhếch mép:
- Khá gì. Thời nay xe bus nhiều, taxi rẻ, mấy người đi xe ôm nữa đâu. Rồi còn tiền hao mòn sửa chữa xe, tiền ăn cơm uống nước ngoài đường... Bây giờ cái gì cũng đắt, tiếng là mỗi tháng kiếm bốn năm triệu, nhưng mang về cho vợ chẳng được bao nhiêu, có tháng còn chẳng được đồng nào.
Y lại hỏi:
- Thế nhà bác ở đâu?
Gã xe ôm chán nản:
- Chú có đi cho anh một cuốc thì đi, hỏi han gì nhiều thế. Từ sáng đến giờ đen quá.
Y ngẫm nghĩ một chút rồi trả lời:
- Vâng, thế bác chở em một quãng.
Gã xe ôm tươi hẳn giọng:
- Chú đi đâu?
Y ngồi lên sau xe, thủng thẳng:
- Quay lại, chừng hơn hai cây.
Gã xe ôm ý chừng hơi thắc mắc, nhưng cũng chẳng hỏi han nhiều, cứ thế làm theo, trái đường mà đi vèo vèo.
Y trỏ về phía xe của mình, gã xe ôm đòi 20 nghìn.
Y móc tiền, lòng chẳng cảm xúc, lẳng lặng lên xe rồi quay về.
Y nghĩ đến nghề xe ôm. Một trong những nghề đơn giản nhất thế giới, vất vả mà cũng khá bèo bọt. Y bỗng nảy ra ý nghĩ muốn làm một anh xe ôm chơi. Y phì cười, cái mã y đi làm xe ôm, không biết có há mồm ra mà mời khách được không.
Y đánh xe về.
Bà già đi chợ rồi, nhà chỉ còn mình y, rộng mênh mông. Lên phòng, vật ngang rồi lại vật ngửa, nhấc điện thoại lên bấm bấm rồi lại quẳng xuống, bật nhạc lên nghe nhưng được một lúc mới nhận ra mình chẳng hề nghe. Y đã sống như vậy gần ba chục năm...”Không biết như vậy có phải là sống không?”
Y thường cười những kẻ suốt đời chạy như điên, bao trí tuệ sức vóc đều cống hiến hết cho tiền, giàu rồi vẫn cố kiếm thêm, sắp xuống lỗ vẫn không từ bỏ. Y không hiểu họ tìm kiếm cái gì trên cuộc đời này. Một cuộc sống sung túc? Hay kết cục an nhàn? Thì y đang sung túc, đang an nhàn đấy. Y rất muốn cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình, nhưng lại không tìm được lí do nào, chẳng lẽ họ muốn được như y bây giờ sao?
Y nhổm dậy, lấy điện thoại gọi cho ông già.
- Con nghỉ làm, tìm nghề khác nhé.
- Điên à. Chỗ đấy bao nhiêu đứa mơ không được. Thế mày muốn làm gì?
- Con định - Y ngẫm nghĩ một chút rồi buột miệng: - Con định làm xe ôm.
Ông già tưởng y nói đùa nên cười:
- Ừ, làm xe ôm cũng được. Tao đang bận, lúc khác bàn tiếp nhé. Mày thích làm gì cứ nói, tao sắp xếp cho, không nhất thiết cứ phải làm ở ngân hàng.
Y là đứa con ngoan, thành ra ông bà già rất chiều, muốn gì cũng được. Nhưng xưa nay chưa thấy y nói muốn gì. Y định nói cho ông già biết ý định của mình nghiêm túc, nhưng không tìm ra lời giải thích thỏa đáng, thế nên đành nói:
- Vâng, nhưng con tự sắp xếp được ạ.
- Thế thì tao với mẹ mày được nhờ. Thôi nhé, tao đang bận.
Y cúp máy, đoán ông già y chưa nhận ra chuyện này nghiêm túc. Cũng chẳng sao, đằng nào y cũng quyết rồi. Và ông già đã không phản đối, như vậy là ổn.
Y móc cái thẻ ATM nhét vào ví rồi đi rút tiền. Y không có nhiều bởi bà già quản, sợ y cầm tiền rồi sinh hư. Rõ buồn cười.
Y còn hơn chín triệu trong thẻ, kể ra cũng không đến nỗi. Y bắt xe bus xuống chợ xe máy Chùa Hà, hỏi một con Dream cũ. Gã bán hàng bảo tám triệu, y chẳng biết đắt rẻ xấu tốt ra làm sao, trả bảy triệu rưỡi, thế là mua.
Y bỏ ra ba mươi nghìn đổ xăng rồi cưỡi con Dream lòng vòng qua mấy hàng quần áo Sida, chọn đại một vài bộ; loanh quanh mấy xóm trọ sinh viên, thuê đại một phòng. Kể cũng tháo vát ra phết. Y cười thành tiếng tự khen mình.
Y nằm ở nhà trọ suốt buổi chiều, điện thoại không bật, lặng lẽ tận hưởng cảm giác là lạ dâng lên. Trong ví còn tám trăm nghìn. “Không biết thời buổi này tám trăm nghìn thì sống được mấy ngày nhỉ?”.
Y thấy bụng đoi đói, liền lững thững ra phố tìm cái gì ăn. Phố xá đông đúc và ngột ngạt, cái gì cũng bày ngay ra vệ đường. Từ sách báo đến đồ nhựa đồ nhôm, từ quần áo giày dép đến đồ ăn thức uống. Người Việt rất lạ, cái gì cũng đặt chữ “tiện” lên đầu, khói bụi cống rãnh cũng chẳng cản được người ta rệ ra vỉa hè mà ăn uống. Y vốn dễ tính, nên cũng ngồi thụp xuống một hàng bún đậu mắm tôm ngay trên cái nắp cống, rồi nhìn cách người ta ăn mà ăn. Y ăn vốn không khỏe, nên no căng bụng cũng chỉ hết có mười lăm nghìn, vậy là tám trăm nghìn của y ăn được dăm chục bữa, muốn chết đói cũng còn khó. Ăn xong, y về lấy xe ra tìm bến đỗ. Đi lòng vòng mãi thấy chỗ nào cũng không ổn. Chỗ có những tay xe ôm khác đứng sẵn rồi thì y ngại, không muốn đến tranh giành. Chỗ không có ai đứng thì heo hút khuất nẻo quá, chắc chờ cả đêm cũng chẳng có khách.
Cuối cùng y chọn gầm cầu vượt.
Chờ từ lúc nhập nhoạng tới hơn mười giờ đêm, cuối cùng cũng có một người hỏi đến. Đó là một ông lão chừng hơn bảy mươi, hình như ở nhà quê lên, chỉ còn mười tám nghìn, muốn y chở xuống Trương Định. Tới đó chắc cũng phải dăm cây, so với giá y đi lúc sáng rẻ hơn rất nhiều, nhưng y vẫn chở. Cầm mười tám nghìn trong tay, y lẩn thẩn nghĩ, không biết hồi sáng mình bị tay chuyên nghiệp kia bóp hay bây giờ chở hớ. Y phân vân lâu lắm, phân vân tới khi về đến nhà trọ.
Dù vậy, y vẫn thấy vui vui. Trằn trọc mãi, gần sáng mới ngủ được.
Y làm xe ôm được hơn ba tháng, giá cả, đường lối dần dần quen, các điểm chờ khách có “tiềm năng” cũng nhớ nằm lòng. Y ngày càng sành sỏi, không những mời chào dẻo quẹo, mặc cả tiền nong đâu ra đấy, mà thậm chí còn dám tranh khách của những xe ôm khác. Thực ra cũng không hẳn là tranh. Y chỉ mang xe ra ngồi lù lù ở đấy, ai nói gì cũng bơ đi. Y trẻ tuổi, tuy hơi gầy nhưng khá to xác, nên những lão xe ôm cứng cứng tuổi một chút chẳng dám làm căng với y. Đôi khi gặp tay trẻ hăng máu, y cũng biết đường nhịn đi một tí, vì vậy chưa xảy ra vụ xô xát nào đáng kể.
Y chạy xe ôm như người ta tham gia một trò chơi, tiền kiếm được cũng như “điểm thưởng”. Y kiếm cũng khá, lại chẳng biết tiêu vào việc gì, ăn uống thì rất tùng tiệm, thành ra mới ba tháng mà đã để ra được gần chục triệu, coi như hoàn vốn ban đầu. Với số tiền đó, y chẳng có dự định, cũng chẳng có cảm xúc gì đặc biệt, cứ dồn lại thành một mớ trong hòm sắt để thỉnh thoảng mang ra đếm chơi, vậy thôi.
Dần, y đã có thể hòa nhập được với các mối quan hệ trong xóm trọ, đôi khi tụ tập liên hoan khá vui vẻ. Rồi y để ý một em sinh viên, thỉnh thoảng lại lân la làm quen nhưng không được. Em kia mới quê lên, hình như nghe danh “xe ôm Hà Nội” đã lâu nên cảnh giác vô cùng. Y dùng đủ mọi mưu kế cái đầu của y nặn được ra, nhưng chẳng có tác dụng gì.
Đến gần tết, y thấy bọn sinh viên trong xóm tự nhiên chăm học hơn hẳn. Y nhớ ra rằng đã đến đợt thi hết kì. Em gái mà y để ý cũng học suốt ngày, đến rạc cả người, mặt lo âu hoảng hốt. Một hôm y lân la mò sang, hỏi han chuyện thi cử. Em trả lời nhát gừng, tỏ ý khó chịu. Nản, định bỏ về, nhưng nghĩ thương, bèn mang những kinh nghiệm thi cử học hành trước đây của mình ra bày cho em. Y nói rất bình thản, lúc đầu em không chú ý, nhưng rồi chẳng mấy chốc há hốc miệng nghe. Y nhòm vào quyển giáo trình toán cao cấp mở trên giường, rồi lại thủng thẳng nói tới phần nào nên rèn luyện kĩ, phần nào chỉ lướt qua. Thậm chí đề thi của mấy năm về trước trúng vào những phần nào y cũng nhớ. Quả thật, trí nhớ y kinh người.
Y mang hết sự ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác cho em gái. Sức học của y cũng khá, môn toán lại đặc biệt nhanh nhạy. Y cứ ngồi nói một mình, từng loại bài tập, từng phương pháp giải, từng thủ thuật ghi nhớ. Cuối cùng y xanh rờn: Chỉ cần học cho đúng cách thì hai đêm đã là đủ, rồi bảo có thắc mắc gì cứ hỏi. Một loạt những thắc mắc được nêu ra, nhưng không phải về môn toán mà về cuộc đời y. Giờ thì ngược lại. Em hỏi vồn vã, y lại nhát gừng, chán nản. Y không có cách nào giải thích cho em hiểu tại sao một gã đã tốt nghiệp đại học lại đi chạy xe ôm. Y chán không giải thích nữa, chào em rồi về.
Từ đấy y không sang nhà em nữa, nhưng em lại sang nhà y. Hình như y là sự tò mò vô cùng vô tận của em. Y không thích nhưng cũng không phản đối, vẫn nhẫn nại trả lời những câu hỏi lặp đi lặp lại cả trăm lần. Còn câu hỏi của y chỉ có một: Liệu em có thể lấy người như y làm chồng không. Nhưng chưa kịp hỏi thì em đã lên xe hoa với một anh chàng giàu có. Lí do, em trả lời tỉnh queo:
- Vì công tử là công tử, còn anh chỉ là Phát xe ôm.
Sau câu trả lời của em, y quyết định về nhà.
Mấy năm tiếp theo, y sống đích thực như một “nhị thế tổ” lẫy lừng. Từ ngày mẹ mất, y càng lột bỏ chút dấu vết cuối cùng của một thằng con ngoan trò giỏi, để trở thành công tử ăn chơi khét tiếng đất Hà thành.
Hào hoa, phóng khoáng, thượng đẳng. Làm công tử mới thú làm sao.
*
* *
Mở mắt ra thấy gió lạnh, Công Tử không kịp về nhà, đành mặc quần đùi áo ba lỗ, co ro ngồi trên vỉa hè đợi người.
Miến ngồi bên cạnh Công Tử, cô gái nhỏ ấy vẫn ung dung bình thản trong bộ đồ thời trang xẻ trên xẻ dưới, thân hình cong cong dù ngồi trên ghế nhựa vỉa hè cũng đảm bảo tư thế tiêu chuẩn, vừa điệu đà vừa nghiêm trang. Miến chính là cô gái Công Tử muốn lừa mà chưa lừa, từ thời xa lắc lơ. Lắm lúc y cứ nghĩ mãi, không biết tại sao Miến lại dễ dàng bị y lừa thế. Hôm ấy, y gặp lại nàng trong buổi tiệc sinh nhật – cô gái mà rất nhiều thiếu gia muốn lừa ấy, lại dễ dàng xiêu lòng trước một cái vòng nhựa bảy màu, loại của trẻ con mà y mua đại của thằng bán rong. Lúc ấy nàng đang khóc, chả biết là khóc vì cái gì, y chỉ đưa cái vòng ra và nói: “Cười lên rồi anh cho”. Thế là nàng cười. Nụ cười đẹp đến nỗi y phải nói thêm một câu: “Từ nay trước mặt anh, chỉ được cười, không được khóc”. Và nàng cứ thế yên lặng ở bên cạnh y, bất cứ lúc nào y gọi, bình thản nhận mọi thứ y tặng, tiêu sạch bách tất cả số tiền mà y đưa cho, theo đúng chất một cô gái ăn chơi đào mỏ thượng hạng. Quan trọng là nàng vẫn nhớ lời y, luôn luôn mỉm cười. Xinh đẹp, ngoan ngoãn, nghe lời – nàng là mảnh ghép cuối cùng, tuyệt phối hoàn hảo với bức tranh công tử mà y dày công xây dựng.
- Em không lạnh à.
- Em có, lạnh lắm. – Miến trả lời bằng thứ giọng hơi nặng, tay cô mân mê chiếc vòng nhựa. Chiếc vòng của trẻ con bảy màu, sặc sỡ đến mức kệch cỡm.
Công Tử liếc nàng rồi nhìn cửa hàng thời trang ở bên kia đường.
- Cầm thẻ sang kia mà mua cái áo khoác.
- Hãng đó xấu.
- Lạnh chết mẹ còn xấu với đẹp gì. Sang rồi tiện mua cho anh một cái.
- Nhưng đó là cửa hàng nữ.
- Nữ thì làm sao?
Nói thế thôi, cũng chẳng miễn cưỡng, quan điểm của Công Tử xưa nay là không ép ai làm cái gì. Y chỉ kinh ngạc vì cô gái luôn nghe lời ấy, hôm nay lại không.
- Em tính chia tay.
Công Tử liếc khẽ sang - một bình hoa mà thôi, đổi là được. Y tự phụ là con nhà giàu, chất chơi, cá tính hấp dẫn. Nhưng y biết trên đời những kẻ giàu hơn y, chơi hay hơn y, cá tính đặc biệt hơn y có đầy rẫy. Thế nên y cũng chỉ nhìn một chút vậy và hỏi bâng quơ.
- Em nghĩ kĩ chưa.
- Dạ, chưa.
Thái độ kì lạ, câu trả lời rất bất ngờ, cách nói ngắt quãng cũng thật đặc biệt. Điều đó khiến Công Tử bật cười. Miến lại nói tiếp:
- Những chuyện như vậy đâu cần phải tốn công suy nghĩ.
Công Tử gật đầu:
- Đúng vậy, chỉ là một thằng nào đó tốt hơn anh mà thôi.
Y nhấn mạnh chữ “tốt”, rồi dừng. Hai người im lặng một lúc lâu. Gió có vẻ càng lúc càng lạnh, Công Tử co ro hơn một chút. Y hơi húng hắng ho:
- Mẹ kiếp, lâu quá. - Y quay sang Miến, hỏi bằng vẻ thản nhiên: - Anh chỉ hơi lạ, em bên cạnh anh cả ngày lẫn đêm, thậm chí điện thoại cũng không dùng, vậy sao quen được “người tốt” đó?
Miến cúi đầu. Công Tử cảm thấy không hợp lí lắm, cái cúi đầu của Miến có điều gì đó khác lạ, cô thường bình thản và tự nhiên, nói năng thẳng thắn, hình như chẳng có điều gì có thể khiến cô im lặng mà cúi đầu như vậy. Ngạc nhiên thì ngạc nhiên, Công Tử cũng chẳng coi là chuyện quan trọng, dù có nguyên nhân gì đằng sau, dù cô gái này thực sự yêu y và vì một lí do bất khả kháng nào đó mà phải rời xa thì đó cũng là chuyện bình thường mà thôi. Chia tay là chia tay, tình cảm mất rồi lại có, không phải với người này thì với người khác.
Công Tử cầm li trà đá, uống một ngụm lạnh buốt, rồi lại ho. Cơn ho hơi dài, chợt ngừng khi thấy mình bị ôm lấy bằng một vòng tay cũng đã lạnh ngắt vì gió. Công Tử quay sang, nhìn bờ vai rung rung, cảm nhận nước mắt nóng hổi của Miến rơi xuống đùi mình.
- Đã bảo trước mặt anh chỉ được cười thôi, sao lại khóc.
Miến không trả lời, cứ ôm lấy Công Tử một lúc, nín dần. Rồi cô ngẩng mặt lên, lau nước mắt một cách thoải mái và nhẹ nhõm:
- Em đi.
Công Tử vuốt tóc Miến, khẽ chạm môi vào vành tai rồi vỗ vỗ bờ vai trần, nơi có hình bông hoa mặt người uỷ mị mà y đã bắt cô phải xăm bằng được.
Miến hiểu ý, đứng dậy. Cô vẫy chiếc Grab gần đó. Gã xe ôm mặt non choẹt trong bộ đồ xanh, có lẽ là sinh viên, hồ hởi đẩy xe xuống đường rồi phóng tới. Miến chợt quay lại:
- Em quên mang tiền.
Công Tử bật cười:
- Anh cũng không có tiền mặt, tiền trà đá còn phải đợi người đến trả đây.
Miến chỉnh lại đầu tóc, quần áo:
- Vậy em sẽ trả anh ta bằng thứ khác.
- May mắn cho nó.
Công Tử vẫy tay. Miến trèo lên sau yên xe, ôm lấy cậu sinh viên đang há hốc miệng kinh ngạc vì màn đối thoại. Miến áp mặt vào tấm lưng run rẩy của cậu ta, thì thào:
- Em lạnh.
Cậu sinh viên vội vã tăng ga, chiếc xe loạng choạng trong cơn gió đầu mùa đông, khuất dần vào đám đông hỗn loạn buổi sáng. Công Tử bỗng thấy buồn cười. Buồn cười quá. Khi hắn làm Phát xe ôm, có cô gái bỏ hắn đi theo một công tử. Nay hắn thành công tử, một cô gái bỏ hắn theo thằng xe ôm.
- Đàn bà đúng là khó hiểu nhất trên đời.
*
* *
Công Tử chờ mãi không có người đón, đành tự sang cửa hàng đối diện mua một cái áo nữ, loại choàng lông thú ngoại cỡ.
Khép chặt vạt, vẫn lạnh, cơ thể phơi gió đã lâu không thể nào ấm ngay lên được, lòng dạ cũng thế.
Ra quầy thanh toán, Công Tử đưa thẻ cho cô em thu ngân, tiện tay rút một bông hoa trên bàn đưa lên mũi ngửi, cứ như làm vậy thì mọi người sẽ nghĩ y đang rất thư thái thoải mái vậy.
- Em tập Yoga phải không? Nhìn eo của em là anh biết.
Cô em thu ngân mỉm cười chớp nhoáng, rồi mặt lại lạnh như tiền. Lẽ ra Công Tử không nói nữa, nhưng chả hiểu sao cảm thấy không khí nhạt thếch, nên lại tiếp:
- Tập gym có nhiều cơ bụng, cử động cũng cứng hơn, ảnh hưởng đến dáng đi. Anh vẫn thích con gái tập Yoga, mềm mại như nước ấy.
Em thu ngân ngẩng lên:
- Thẻ của anh bị khóa ạ.
Công Tử hơi khựng lại, ngó vào màn hình, thẻ khóa thật.
- Cho anh mượn điện thoại của em một chút được không? Anh không mang điện thoại.
Cô thu ngân ngần ngừ, nhưng nghĩ tới chiếc áo khoác có thể cõng cả ngày doanh thu, cô đành đưa. Công Tử nhận lấy, không quên nhếch mép mỉm cười đầy sành điệu.
Tút… tút…
Lại bấm lại, một giọng đàn ông lạ hoắc vang lên.
- Xin hỏi, đầu dây là ai?
Công Tử hơi cau mày:
- Tao phải hỏi mày câu ấy mới đúng!
Giọng lạ:
- Tôi là công an, chủ nhân của chiếc điện thoại này đã tự sát.
Công Tử hơi khựng lại:
- Lại tự sát? - Mẹ y năm xưa cũng tự sát.
- Xin hỏi, quan hệ của anh với nạn nhân là…
- Con trai.
- Ồ, tôi biết anh, anh là Phát, biệt danh Phát Công Tử. Anh có thể tới trụ sở công an quận ngay bây giờ được không?
Công Tử:
- Được, nhưng các ông phải đến đón tôi.
Công Tử cúp máy, đưa trả điện thoại, cởi áo lông ra treo lên mắc, rồi lại quần đùi áo ba lỗ đi ra ngoài.
Gió có vẻ lạnh hơn cả lúc nãy.
Y chắp tay sau lưng, đứng ở vỉa hè nhìn ra đường, hiên ngang như một kẻ yêng hùng. Y biết, những ngày huy hoàng đã kết thúc. Y không hỏi vì sao ông già tự sát, cũng không hỏi vì sao thẻ tín dụng của y bị khóa, càng không thèm quan tâm đến vấn đề thừa kế, vì mấy tháng gần đây đã có dấu hiệu rồi.
Ông già lộ chuyện, án có thể lên tới tử hình.
*
* *
Sau đám tang, Công Tử vẫn còn thời hạn một tháng để dọn ra khỏi nhà, bởi vì tài sản đều bị đấu giá để khắc phục hậu quả. Người làm đi hết, người thân chẳng có ai, nên thứ duy nhất Công Tử còn lưu luyến là mấy thằng bạn cùng đội.
- Công Tử!
Gã bạn cũ đỗ xe ngay trước mặt y, mỉm cười và gọi. Giọng nói vẫn như mọi khi, nụ cười vẫn thế, chỉ khác ở chỗ cánh tay trái vắt trên cửa xe kia, nếu là trước đây sẽ giơ hai ngón tay lên một cách điệu đàng, còn bây giờ lại buông thõng một cách thờ ơ.
Đúng là thờ ơ.
“Công tử” là gì. Công tử để chỉ con trai nhà giàu hoặc có thần có thế, một danh từ chung. Con nhà giàu ở đất này rất nhiều, nhưng người được gọi là Công Tử - theo kiểu danh từ riêng viết hoa thì chỉ mình y. Đó là biệt danh độc nhất vô nhị, bất khả xâm phạm, không ai dám trùng, không ai dám nhầm lẫn. Đáng tiếc là người cha giàu của y đã tự sát cùng với một núi nợ, và vì thế, khi gã bạn cũ gọi y là Công Tử, cái ngoảnh mặt sang, cái mỉm cười, điệu bộ nhếch môi một giây trước khi nói, tất cả vẫn thế. Chỉ khác, tay trái lại không giơ lên và chào xong thì đi luôn.
Cũng chẳng biết đó là chế giễu một cách tinh tế, hay xã giao một cách vụng về, nhưng lạnh lùng thì rõ.
Công Tử vẫn là Công Tử. Không nhà, không xe, không tiền, không gái, không đệ tử, không bạn bè thì vẫn là Công Tử. Y không muốn hai chữ “Công Tử” ấy bị hoen ố, bởi vậy y quyết định biến mất.
*
* *
Đáng tiếc, Công Tử không còn đủ tiền để mua ngay cả một chiếc xe Dream ghẻ như ngày xưa nữa. Y không làm được xe ôm, đành đi xin việc khác, nhưng mà thói “công tử” đã ăn vào máu rồi, người ta hơi nói nặng tí là y sửng cồ, nên chả chỗ nào làm được lâu ngày. Cho đến một hôm, có một đoạn nói chuyện thế này trên phố:
“- Anh ơi, cho em làm với!
- Hả?
- Cho em làm với, em đói quá.
- Nhưng…
- Em lạy anh, cho em làm với!
- Ôi, thằng em.. Anh mày là ăn xin mà.
- Vâng vâng, anh dạy em xin ăn với!
- Thôi, anh cũng lạy mày. Mày lượn đi cho anh còn kiếm ăn.
- Anh ơi…
- Cút!”
Hôm ấy, lão trời già ác nghiệt giữa mùa đông rắc thêm chút mưa phùn. Công Tử khoanh tay đứng giữa ngã tư đường vắng ngắt, nhìn con phố càng lúc càng sậm xuống. Cũng may, y có đủ quần áo ấm, chỉ có mặt mũi là cứng đờ tê dại, chân dần dần mất cảm giác đứng trên mặt đất. Y không dám đi, bởi y biết hai bàn chân giờ đứng yên thì được, bước là ngã ngay.
Một quầy bán bánh đa cua đẩy qua, mùi nước dùng và hành khô nhức nhối như sợi thép nung đỏ luồn từ mũi vào tận ruột. Công Tử không tưởng tượng được thì ra mùi thơm còn có thể tác động cả đến xúc giác như vậy.
Không dám nhìn, y quay mặt vào bức tường bên cạnh, đầu cúi gằm xuống.
- Làm ơn. E hèm…
Giọng khê quá, như thổi ra từ cái ống rách đầy nước vậy.
- Làm ơn làm phúc…
Không có phản ứng gì. Công Tử nhắm mắt lại, gầm gừ bằng thứ âm thanh thản nhiên nhất có thể.
- Ba ngày rồi không ăn. Cái gì cũng được, cho xin một miếng!
Vẫn không tiếng trả lời. Công Tử nắm chặt hai bàn tay, run run vì nỗi tức giận không rõ nguyên do.
- Một lần này thôi, chỉ mặt dày xin một lần này thôi...
Công Tử không kêu nữa, vì tiếng bánh xe nghiến trên nền đường đã đi qua. Y vẫn cúi mặt, đầu hơi chạm vào tường, trong lòng trống không như bị moi hết. Y quyết định đứng như vậy, không bao giờ quay mặt ra nữa.
Đúng vào lúc ấy, y nghe có tiếng dép loẹt quẹt, rồi mùi thơm càng lúc càng thơm.
Một ngón tay của ai đó khẽ chạm vào vai, Công Tử ngập ngừng quay đầu lại.
Trước mặt y là một bát bánh đa nóng hổi.
Suýt nữa bật khóc, Công Tử run rẩy chìa tay ra, những ngón tay khao khát vươn về phía bát bánh đa như vươn vào bầu ngực đàn bà. Chợt y nhìn thấy trên cổ tay cô gái có chiếc vòng nhựa.
Một cú nháng điện trong phần nghìn giây
Y giật mình rụt tay lại như đỉa phải vôi, bát bánh đa nóng hổi rơi xuống đất.
Công Tử cúi gằm mặt cứ thế cắm đầu bỏ chạy. Y không hiểu sao mình chạy nổi, cũng không hiểu chạy bao lâu, cho đến khi ngã sấp, đập mặt xuống nền đường lạnh cứng.
Cơn đau đến bất ngờ và choáng váng. Bằng thứ sức mạnh kì lạ, y cố lăn vào vỉa hè, rồi bò lên, kiên cường bám tay vào bờ tường, tiếp tục lê bước.
Trời sầm sậm tối dần, gió như đao xuyên qua ruột gan, mưa kim đâm vào cốt tủy, tấm thân tàn tạ của Công Tử vừa đi vừa gập xuống trong những cơn ho rũ rượi.
- Đừng khóc, đừng khóc nhé...
Tiếng thì thào khản đặc, như khóc, lại như cười.
Tiếng kẽo kẹt của bánh xe nghiến xuống đường vẫn cứ dai dẳng đuổi theo, như thực, lại như mộng.
*
* *
Ở góc phố, người đàn bà trung niên vừa mân mê chiếc vòng tay bảy màu của mình, vừa nhìn theo gã ăn mày trẻ tuổi kì lạ. Bà ta cúi xuống nhặt những mảnh bát vỡ, bực dọc chửi:
- Mẹ sư thằng điên!
Kết Thúc (END) |
|
|