Giàn lan tỏi tím trước nhà Hạnh ngó vậy mà có nhiều phúc khí. Từ ngày trồng mớ dây hoa leo này, quán cơm bé con con của Hạnh nườm nượp khách ghé lui. Sau mưa, trời hưng hửng nắng là chùm lan tỏi nở bung. Những bông hoa hình chuông năm cánh mỏng tựa giấy, chụm cuống lại thành từng chùm, tím phớt, tím đậm xen kẽ tầng tầng, đẹp lãng mạn như một bài thơ tình. Hoa tím nở dày đặc che kín cả lá. Tím à ơi quyến rũ lòng người, xinh yêu là thế, nhưng hoa lan tỏi lại mang mùi nồng còn hơn tỏi. Thứ hương cay hăng đậm đặc tỏa ra từ lá và hoa, hiếm có người ghiền được.
Con gái lớn của Hạnh bứt hoa lan tỏi cài tóc. Sau một hồi bóp bóp vò vò, con bé la oai oái. Má ơi, hoa chi hôi nghí hôi rình mà má còn trồng. Vuốt nhẹ mái tóc con gái, Hạnh thả ánh mắt lên giàn lan tỏi tím biêng biếc.
Gần bờ suối, nơi con sông Rù Rì chảy qua làng, từng có một trang trại nuôi rắn làm thuốc của hội Đông y tự phát. Nếu bào chế đúng cách, nọc độc của rắn có thể làm thuốc chữa bệnh. Thịt rắn, rượu rắn rất ngon, nghe đồn trị phong thấp khá tốt. Trang trại rắn thu lợi không ít, nên nhiều kẻ lăm le lắm đứa dòm ngó. Cái đợt trong hội cãi vã giành quyền trưởng phó, có cậu bé con len lén ra sau mở hết cửa chuồng. Hội Đông y im ỉm đóng, vài kẻ bỏ xứ trốn biệt vì sợ liên đới trách nhiệm.
Rắn hổ mang đất, rắn lục đuôi đỏ, rắn lục sừng, rắn lục đầu bạc, rắn cạp nong, rắn ráo, rắn ri voi, rắn sọc dưa… thè lưỡi tứ phía. Chúng chọn những bụi rậm, chui vào đống củi, đống lá mục, vắt mình nơi những tán cây um tùm. Cả xóm nháo nhào, run rẩy vì bỗng dưng rắn bò khắp nơi. Họ phát quang, trảy cành, đốt lá khói mù trời.
Ông Năm trồng thêm mấy bụi sả, vài cây lan tỏi quanh vườn để đuổi rắn. Hương thơm tinh dầu tiết ra từ cây sả, và mùi nồng hắc từ cây lan tỏi là cách hữu hiệu để xua lũ rắn. Nhưng cây nhà ông rậm quá, không cách nào tránh được bọn lục đuôi đỏ đu mình. Thằng Kỳ con trai ông Năm là cái đứa trời đánh trật búa, sét sượt bên cạnh người mà còn sống nhăn, nó nào có biết sợ con rắn tí ti. Kỳ túm được con rắn lục đuôi đỏ, chặt phứt bay đầu, lấy cây đinh sắt đóng thẳng thân rắn lên cây khế. Máu chảy ròng ròng. Tanh tưởi. Thẫm đỏ. Ông Năm sợ bọn rắn thù dai sẽ tới báo oán, lặng lẽ gỡ xác con rắn xuống chôn dưới gốc, lau sạch vết máu.
Tụi rắn tới thiệt. Không chỉ một, hai con mà mấy con một ngày. Bọn chúng quần khắp chồng lá mía khô trong chòi bếp. Bò ngang cây khế. Kỳ túm được con nào thì đem ra quán nhậu liền.
Hạnh mồ côi ba má hồi bé xíu, sống với bà nội là bên cạnh nhà ông Năm. Hạnh quý ông Năm lắm, hồi nhỏ qua nhà ông chơi, cô từng ganh tỵ với Kỳ, ước được có ba cõng trên lưng như anh.
Từ cái lần Kỳ cứu cô khỏi chết đuối, trong lòng Hạnh bắt đầu nhen nhóm chút cảm xúc lạ lẫm. Bận đó cô mới tám tuổi, chiều đi học về thì vào bếp lục cơm nguội ăn lót bụng để còn ra chợ phụ bà nội dọn hàng. Cô cúi xuống và miếng cơm chan nước cá kho vào miệng, vừa ngẩng mặt lên thì có cặp mắt nhìn như xoáy sâu vào tận óc. Một con rắn vằn vện đang ngóc đầu thách thức cô. Hạnh hét toáng, tô cơm rơi. Cô chạy sút dép ra cổng, trượt chân té xuống nước. Cô ngâm mình dưới đó, cứ nghĩ rằng rắn sẽ không bơi xuống nước mà đuổi theo. Ai ngờ chân Hạnh tê cứng ngắc, người cô chìm dần, chìm dần.
Đúng lúc Kỳ đi ngang qua, nhảy xuống kéo Hạnh lên bờ. Anh lao vào nhà Hạnh, cầm khều móc thọc hết các khe hở, góc xó, móc thân con rắn ra, túm đuôi xoay tít cho giãn khớp rồi đập thẳng đầu xuống nền gạch.
Hạnh mang máng nhận ra mình dần phải lòng anh chàng hàng xóm cục súc sau mỗi lần hàm ơn. Đó là vào năm cô học mười hai. Giữa hè, gặp bữa mưa giông đầm đìa trước hiên nhà. Tối đến trời tạnh hẳn, lành lạnh nên bà nội đi ngủ sớm. Hạnh nằm một mình ở gian nhà trước trên chiếc võng lưới đung đưa ôn bài. Cơn ngáp kéo tới liên hồi. Hạnh tính vào giường đi ngủ. Cô vừa thả bàn chân xuống nền đất tìm dép, đụng ngay một cục cuộn tròn bên cạnh. Chạm nhẹ xíu thôi, cái thứ trơn loáng nhẵn nhụi và lạnh tanh đó theo dây thần kinh chạy thẳng lên não Hạnh, suýt nữa làm cô tê liệt. Hạnh thu chân lên la làng “Rắn! Rắn! Nội ơi, cứu con. Nội!” Bà nội Hạnh xé mùng trong buồng chạy ra, lúng túng đứng ngó.
Kỳ đạp tung cánh cửa vào nhà Hạnh, tay cầm lăm lăm cây gậy sắt. Phải công nhận Kỳ thính tai thiệt, đang nhậu trước hiên bên kia mà nghe kêu cứu bên này là nhảy vọt qua hàng rào. Trong khi Hạnh đang ngồi chu hu trên võng thì Kỳ lấy cây khoèo vào dưới mép tủ. Con rắn ri voi ngoe nguẩy đuôi bò ra. Cốp! Bẹp! Chỉ sau hai lần đập, đầu con rắn dẹp lép, máu tươi phẹt ra. Kỳ cười hắc hắc.
Dường như Hạnh càng sợ rắn thì càng hay gặp chúng, cả thực lẫn mơ. Những con rắn dài ngoằng, đủ thứ hoa văn sắc mầu, lưỡi khè phì phò mắt long sòng sọc cứ đuổi cô chạy mãi trong mỗi giấc ngủ. Hạnh xoay rẽ hướng nào, chúng đón đầu ngả đó.
Ông Năm bứng gốc mấy cây lan tỏi bé xíu từ vườn lên, mang qua nhà Hạnh trồng ngay góc sân. Kỳ không phải lúc nào cũng có mặt kịp thời, cứ để cái cây mùi nồng đặng đuổi bầy rắn bu quanh. Lan tỏi nhanh rụng nhanh nở, chỉ cần trận mưa to tạt ngang cùng gió là từng chùm hoa dập nát tả tơi, nhưng nắng vừa lên là cây lại bung sắc tím.
Hồi đó Hạnh hay bứt bông lan tỏi để cắm trong nhà. Gam mầu phơn phớt tím mơ màng giăng mắc nỗi nhớ của cô gái mới lớn dành cho anh hàng xóm nhà bên. Quanh đi quẩn lại, tới cuối cùng hai đứa cũng nên vợ thành chồng. Ngày Hạnh lạy gia tiên, lan tỏi tím rợp trời chúc phúc cho một chuyện tình thủy chung. Kỳ tuy cục súc, nhưng ngoài việc ưa đập rắn ra, anh chưa khi nào đụng tay khua chén với Hạnh.
Để kiếm thêm chút ít tiền chợ cho gia đình, ngoài việc chạy xe thồ, Kỳ bắt đầu lập nhóm lùng bắt rắn. Anh xách lồng chuột, ếch đi khắp xóm để dụ rắn. Nhà nào gọi anh bắt giùm thì đưa dăm ba chục tiền bồi dưỡng. Con rắn bắt được, Kỳ sẽ bán cho mối quen quán nhậu. Rắn xóm này, một tay Kỳ bắt gần hết. Trong nhà anh luôn ngâm mấy hũ rượu rắn để dành. Làm vợ Kỳ bao nhiêu năm, nhưng Hạnh vẫn không thể ăn được. Cái bữa anh lóc hết xương, xào sả nghệ rồi phỉnh Hạnh là cháo lươn, cô đã nôn thốc tháo. Đó là ngày con gái Hạnh thông báo về sự có mặt của nó trên cuộc đời.
Hạnh nghén mùi rắn và tất cả những gì liên quan. Có lẽ là do ám ảnh thuở nhỏ của Hạnh đã lây sang con bé con trong bụng. Kỳ phải bỏ nghề bắt rắn, bỏ cả những bữa thịt rắn cho tới khi Hạnh sinh xong đứa con đầu lòng. Khoảng thời gian đó, anh cứ như người vừa mất của, bứt rứt bồn chồn.
Vừa về tới đầu cổng, Hạnh thảng thốt vứt giỏ đi chợ. Con gái cô đang bò trườn ở nền đất lạnh, khóc ré lạc giọng. Kỳ nằm sóng sượt trên chiếc võng lưới phía trên. Dây thần kinh phản xạ của Hạnh nhanh nhạy hơn cả suy nghĩ. Ngay lập tức cô quơ đại cái cây gần đó đập thẳng vào đầu con rắn lục đuôi đỏ. Một phát. Hai nhát. Con lục ngắc ngư oằn mình gãy gập đuôi. Cái đầu hình tam giác xanh lét dập nát ấn dí xuống.
Vẫn chưa tin tưởng rằng con vật hung dữ nanh nọc kia đã chết, để chắc chắn hơn, Hạnh khều đầu nó lên, hất qua phía sân tráng xi-măng, nhanh tay cầm cục đá đập bốp bốp.
Hạnh bồng con gái trên tay, vạch áo vén tóc sờ khắp người để kiểm tra vết cắn. Tim cô vẫn đập những nhịp run rẩy sợ hãi trong lồng ngực. Từ hồi còn nhỏ, Hạnh đã sợ rắn hơn bất cứ thứ gì trên đời. Cô chưa từng nghĩ mình sẽ dám đối diện ra tay dứt khoát với một con rắn như vậy.
Tự dưng cô nhớ những lần ông Năm lụi cụi trồng sả, trồng lan tỏi, rắc hùng hoàng quanh nhà. Ông hiền lành thiện lương, không hại rắn vì nghĩ chúng chỉ đi kiếm ăn cho đàn con. Nhưng ông luôn tìm cách khác để bảo vệ con trai và đứa con dâu là cô. Bất kể con người ta yếu đuối cỡ nào, khi đã có thứ cần phải bảo vệ, họ sẽ tự khắc trở nên mạnh mẽ lạ thường. Một người mẹ chính là kẻ can đảm nhất trên đời này, người có thể làm tất cả vì con.
Sau khi xem xét con gái xong, Hạnh giật mình quay sang chồng. Mắt anh nhắm nghiền. Mùi rượu xộc thẳng vào mũi cô. Ánh nhìn của cô dừng sững nơi hai dấu đỏ sưng nề trên tay Kỳ. Hạnh vội vàng buộc cổ tay sơ cứu rồi gọi người chở Kỳ đi bệnh viện. Con kỳ đà chuyên bắt rắn, cuối cùng cũng có ngày bị rắn cắn thành ngơ ngơ dại dại.
Hạnh giật mình tỉnh dậy sau một hồi bị rắn vờn trong giấc mơ. Như thường lệ, việc đầu tiên của cô là bật dậy kiểm tra khắp mình hai đứa con. Da con nít trắng trẻo, dễ nhìn thấy những dấu chấm dù là nhỏ nhất. Cô phải sờ mó lúc lâu để xem kỹ làn da sẫm mầu của Kỳ có vết cắn nào không.
Chuyện đã qua lâu lắm rồi. Bây chừ những con rắn đã bỏ xóm này trốn mất tăm tích. Thế nhưng, thỉnh thoảng nỗi ám ảnh vẫn trở đi quay lại trong cuộc sống của vợ chồng Hạnh. Trong cơn mê sảng hôm trước, Kỳ mếu máo thừa nhận anh chính là cậu bé ngày xưa lỡ tay mở cửa chuồng thả rắn. Vì một phút táy máy chơi dại mà anh đã phải đánh đổi cả một đời. Xóm này không thiếu nhà chịu ơn Kỳ những lần bắt rắn cứu người. Họ nghe được chuyện, biết anh đã phải trả cái giá đắt quá, đành thương xót chẳng trách mắng gì.
Trời sáng rõ, Hạnh ra suối tìm cắt rau dớn về xào thịt. Chồng cô khoái nhất món này. Lúc anh tỉnh táo thì không sao, chứ chỉ cần tưng tửng lên cơn là luôn đòi ra suối hái rau dớn. Thứ rau rừng vừa nhớt mềm, vừa giòn sực đó cũng làm hai đứa con cô mê tít tranh nhau.
Sông Rù Rì trong veo, lóng lánh từng tia nắng, soi rõ bóng cây dáng người. Trang trại rắn bỏ hoang hai mấy năm gãy sụp cả mái. Gần sát đó, lùm lan tỏi tím đang bừng nở sắc hoa.
Kết Thúc (END) |
|
|