Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Khoảng Nắng Mông Lung Tác Giả: Cẩm Thi    
    Tôi về nhà. Má đang ngồi vo gạo nấu cơm. Tôi cười: “Trời! Má biết con về hay sao mà nấu nồi cơm to vậy?”. Má tỉnh rụi: “Bây về thì ăn cơm nguội cũng được, cái này má nấu cho mấy đứa đi vác lúa nhà mình ăn”. Tôi nhìn ra cánh đồng đang rộn ràng mùa gặt, hỏi: “Ba có kêu anh Thảo qua phụ không má?” - “Có, nó đang ở ngoài ấy”. Vậy là tôi lấy cớ mang nước ra đồng cho mấy người khuân vác uống đỡ mệt.
    Ngoài đồng những chiếc máy kéo thi nhau phình phịch khói, những làn khói đen xì cuộn tròn vướng vào trong gốc rạ mới cắt. Mùi lúa mới bốc lên thơm lừng. Nhìn cảnh này tôi bùi ngùi nhớ những ngày mình từng hì hục lội theo mấy đường máy kéo để bắt mấy con ốc, cá sặc, cá rô… Bây giờ quen sống ở phố nên cảnh này dòm tôi như xa lạ, ý như hỏi “ai vậy?, ai mà lạ quá nhìn không ra?”. Nhìn không ra vì lâu quá tôi mới về, vì móng chân tôi đã không đóng phèn đất. Nhưng anh Thảo vẫn nhận ra tôi, vẫn cái mỉm cười đôn hậu.
    Anh nói vừa vác xong mấy chục bao lúa lên máy kéo, còn chừng 3 chuyến nữa là xong. Làm nhanh kẻo chiều trời mưa thì khổ. Ngồi bệt trên liếp tràm, trán lã chã mồ hôi, anh hỏi tôi về chừng nào đi. Dường như ai cũng mặc định cho tôi sinh ra để về phố sống, tôi là con người của chữ nghĩa, chứ không thuộc về chốn ruộng đồng. Mà đâu biết là tôi cũng yêu thương chốn quê nhà lắm chứ, nếu không thương nhớ tôi về làm gì, lấy cớ xách nước ra ruộng chi cho dơ chân, nắng cháy tóc. Tôi đáp anh bằng một ánh nhìn tinh nghịch: “Không có. Em về lần này rồi ở nhà luôn. Anh Thảo khỏe hả? Anh có gặp lại Ngọc không?”. Câu hỏi của tôi vô tình chạm vào đáy lòng anh, làm vết thương xưa đứt chỉ, máu chảy. Sau câu hỏi ấy, tôi thấy lòng mình chùn lại, trước mắt tôi là gương mặt chữ điền rám nắng của người thanh niên 31 tuổi. Hình như anh đang nhớ Ngọc - người con gái tưởng sẽ cùng anh đi suốt cả cuộc đời nhưng ai ngờ vào buổi chiều nhóm họ, cô dâu nói đi ra chợ trang điểm rồi đón đò đi mất. Đám cưới mất cô dâu, hai họ ngỡ ngàng chạy kiếm tìm khắp nơi, chỉ có chú rể lặng lẽ ngồi ngay cửa an ủi má vợ đang khóc sụt sùi. Anh nói: “Tại con, má đừng trách cổ. Tháng trước Ngọc có nói con với cổ nghèo quá, hai đứa cưới lại thì biết lấy gì mà ăn. Ý cổ là muốn lấy chồng về phố sống để được đổi đời với người ta. Mà tại con thương Ngọc quá, con tính cưới cổ về rồi con lấy số tiền dành dụm hồi giờ cho cổ ra chợ buôn bán với người ta, ai dè…”. Rồi anh khóc...
    Anh Thảo có tiếng là hiếu thảo nhất xóm này. Nhà anh Thảo nghèo, mới học xong lớp 9, ba anh mất nên anh nghỉ học rồi lao vào chuyện mưu sinh. Má anh sau nhiều lần phát bệnh không có tiền chữa trị nên đôi mắt bà không còn thấy đường và mọi thứ trong nhà anh phải một mình lo liệu. Anh đi thăm đồng về thì lụi hụi xuống bếp nấu cơm. Củi ngoài vườn anh chẻ chất đầy cựa, nước xách đầy lu, rảnh thì chạy ra vườn thả giàn cho mấy dây mướp... Có bữa còn thấy anh dẫy nền nhà bóng láng, hỏi anh dẫy chi cho cực vậy? Anh nói, cho má dễ đi. Tánh anh hiền lành, siêng năng không chê vào đâu được, nhưng chỉ có mỗi cái tội nghèo. Mà cũng tại cái nghèo nên Ngọc mới bỏ anh. Từ thuở nhỏ 3 đứa chơi chung, tôi đã biết anh thích Ngọc. Nhà Ngọc cũng nghèo, lại chị em đông, Ngọc lớn nhất nên 12 tuổi đã biết lăn lộn ở chợ cá, chợ rau. Chỉ có tôi gia đình khá giả, được ăn học đàng hoàng. Tôi lại mến anh Thảo. Anh Thảo thường qua nhà rủ tôi đi bẻ ổi, nhưng hễ có trái nào to nhất, ngon nhất là ảnh đều để dành cho Ngọc. Tôi về nhà buồn thiu mà không dám nói với má. Học hết cấp 3 ở trường làng, thi đậu đại học, bữa sang nhà anh Thảo, thưa bác Tám - má ảnh - tôi đi, bác Tám cầm bàn tay tôi dặn dò: “Đi mạnh giỏi, lên thành phố ráng học nghe con, sau này làm cô giáo”. Tôi cười, nhìn anh Thảo, phải chi anh nắm tay tôi một cái, hoặc nói với tôi một lời gì đó, đằng này anh chỉ đứng ngay hàng lu nước nhìn tôi đi xuống bến sông.
    Bốn năm ở thành phố, tôi quen với cảnh phồn hoa, những kỷ niệm ngày xưa dần chìm vào quên lãng. Tôi cũng bắt đầu biết yêu đương, mộng mơ về một mái gia đình sau khi tốt nghiệp. Nhưng rồi người tôi yêu lại nói với tôi lời hẹn 5 năm khi người ta đã chuẩn bị du học, nghĩa là tôi phải chờ đợi. Nhưng rồi đã 7 mùa lá đổ, tôi vẫn một mình hoài vọng xa xăm.
    Mỗi năm tôi về thăm nhà vào dịp tết, tôi nghe má nhắc chuyện bên nhà bác Tám, chuyện anh Thảo với Ngọc mà buồn, ba đứa tôi cùng một tuổi thơ, vậy mà lớn lên mỗi đứa buồn một chuyện, cánh chim trời hẹn với tôi một lời rồi bay đi biền biệt, còn Ngọc bỏ anh Thảo để đi tìm hạnh phúc xa xôi, không biết Ngọc đi có để lại lời hẹn nào không sao anh Thảo cứ ở vậy chờ hoài? Mà phải chi hồi xưa anh Thảo chịu nói một lời hứa hẹn với tôi thì chắc tôi đã sớm quay về thay anh nấu cơm, châm dầu đèn mỗi tối. Tôi hỏi má: “Anh Thảo có tính cưới vợ nữa không má?”. Má tôi trở giọng: “Con này, sao má biết, sao bây không hỏi nó đi?”. Thì lần này gặp anh tôi sẽ hỏi, gần 30 tuổi rồi ai lại mắc cỡ với yêu thương. Nhưng mà nhìn vào đôi mắt anh, tôi không thấy bóng mình trong đó, chỉ có một khoảng nắng mông lung. Tôi phải cười, đành nói: “Bữa nay nắng quá anh Thảo hen!”.

Kết Thúc (END)
Cẩm Thi
» Thôi Đành Lạc Mất
» Sau Mùa Gặt
» Khoảng Nắng Mông Lung
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò