Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Thương Lắm Chợ Đời Tác Giả: An Xuyên    
    Tôi có ý nghĩ, liên tưởng chợ truyền thống như là chợ đời - bởi nó gắn bó sâu nặng với cuộc đời, muôn màu, muôn vẻ và đong đầy cảm xúc. Tôi thấy chứa đựng trong cái chợ bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn, sự lo toan, vất vả của bao nhiêu số phận con người; cả mưa nắng, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều thấm đẫm vào cái chợ… rất đời ấy.
    Bây giờ, với nếp sống hiện đại, siêu thị xuất hiện ngày càng nhiều để phục vụ nhu cầu, tiện ích của con người. Vào siêu thị mua sắm, có máy điều hòa không khí mát mẻ, dễ chịu, có đủ loại hàng hóa, có cả những món ăn truyền thống và thức ăn theo phong cách phương Tây. Sự tiện lợi của nó thu hút ngày càng đông khách hàng, từ những người lao động bình thường đến những người giàu có, sang trọng; rất tiện cho công nhân, viên chức, người lao động hết giờ làm việc tạt qua mua vội vàng những món ăn đã sơ chế hoặc nấu sẵn để tiết kiệm thời gian; cho học sinh, sinh viên có nhiều lựa chọn cho bữa ăn khiêm tốn của mình... Nhưng, những ngôi chợ truyền thống với cái không khí huyên náo quen thuộc, gần gũi, ai cũng có thể đến đó mua bán một cách thoải mái, dễ dàng, nói chuyện, giao tiếp giữa người bán với người mua có khi rất thân tình, vẫn có sức thu hút một cách tự nhiên, với những thuận tiện vốn có.
    
    Tự nhiên tôi liên tưởng, siêu thị giống như một cô gái xinh đẹp, mỹ miều; còn chợ truyền thống như một người phụ nữ tần tảo, chịu thương, chịu khó. Cái chợ rất đời ấy quanh năm tất bật với hoạt động mua bán, gắn bó với cuộc sống của biết bao người, với bao hoàn cảnh, số phận, những người tìm kế sinh nhai; đó là những chị bán rau, bán cá, anh bán thịt heo, cô bán trái cây, người tiểu thương với cái sạp bán các loại gia vị, đặc sản địa phương. Vào một ngôi chợ như thế này thấy cái gì cũng có, được mang đến từ những nơi sản xuất, vùng ngoại ô hay những vùng lân cận và được bày bán từ rất sớm; khoảng từ 2 - 3 giờ sáng, khi còn chưa rõ mặt người, các kệ thịt heo đã bắt đầu bán để các tiệm, quán ăn mua về chế biến các món điểm tâm; các hàng cá, hàng rau và các loại thực phẩm khác cũng được dọn ra từ lúc tinh mơ, rất thuận tiện cho những người cần đi chợ sớm. Ở đây có những hàng hóa bình thường, đến những “sản vật” tương đối hiếm, và có những thứ bán theo mùa, được trồng ở vườn, hoặc chỉ có trong tự nhiên, mọc hoang dã nơi ruộng đồng, những thứ rất bình thường nhưng khó tìm, trong siêu thị không thể có, như trái giác, đọt choại, lá hẹ, rau dừa…, những loại rau đồng làm cho món ăn ngon và đặc sắc hơn như canh chua, mắm kho… Mới thấy cái hay, đặc biệt và cần thiết của chợ truyền thống.
     Ở những ngôi chợ này, có những người suốt cả một đời gắn bó, rồi tiếp nối đời con, cháu; họ sống vui buồn, quen thuộc như hơi thở, với cái không khí, mùi vị chợ, với bạn hàng, trong cái đông đúc, nhộn nhịp của mua bán buổi sớm và eo sèo của những buổi chợ chiều; với niềm vui của những ngày mua may bán đắt và nỗi buồn của những lúc buôn bán ế ẩm. Cô bạn tôi mỗi khi ghé chợ mua những thứ ở quê, như bó bạc hà, đọt rau lang, mớ mồng tơi, bù ngót... của những bà con ở vườn, ở ruộng đem ra bán là không bao giờ trả giá, vì thấy thương, nghĩ đến bà con của mình ở dưới quê, chắt chiu từng con cá, mớ rau, trái cà, trái khế, để dành dụm thêm đôi chút cho cuộc sống hằng ngày, vậy làm sao “cò kè bớt một thêm hai” cho đành.
    Đi chợ truyền thống cũng là một việc thú vị. Hình ảnh đời thường, âm thanh náo nhiệt và không khí sôi động nối tiếp không ngừng giống như cuộc đời thu nhỏ; tiếng nói cười lao xao của chợ là một âm thanh quen thuộc đã đi vào tâm thức, rất đặc trưng mà ai cũng có thể hình dung ra được; người ta mời gọi mua hàng, trả giá, cãi nhau, âm thanh phát ra từ một chiếc loa quảng cáo một sản phẩm nào đó với câu chữ, vần điệu gây sự chú ý, tức cười để kéo khách... Cái “hơi thở của chợ” ấy có ở tất cả các chợ truyền thống. Điều thú vị nữa là, ở mỗi chợ luôn có vài loại sản vật đặc trưng địa phương mà những nơi khác không có. Người ta còn đi chợ để nhìn thấy hình ảnh sinh hoạt, hàng hóa, phong cách của bạn hàng và giá cả để có thể hiểu được phần nào tập quán sinh hoạt, sự phong phú, đa dạng của sản vật và qua đó, đánh giá được mức độ trù phú của vùng đất, địa phương đó. Cả những hình ảnh, văn hóa của chợ, cách ứng xử của người bán, người mua cũng nói lên nhiều điều. Hãy đến một ngôi chợ truyền thống ở bất cứ đâu, để biết, để cảm nhận và thấy được những điều rất hay, rất đặc biệt, chứa đựng phần nào cái bản sắc riêng, độc đáo của vùng, miền.
    Chợ truyền thống chứa đựng trong đó bao nhiêu cảm xúc, mang trong đó hình ảnh cuộc đời, gắn bó với mỗi người từ lúc còn thơ bé cho đến khi trưởng thành; vừa giống nhau, vừa mang phong vị riêng, đặc trưng, độc đáo, bao đời thấm sâu vào tình cảm, tập quán. Để bất cứ ai cũng có thể nhớ, yêu thương, vui buồn với chợ; đến nỗi dù lớn lên, đi xa vẫn nhắc, ở góc chợ đó hồi trước có chú Ba bán cà phê pha bằng vợt, có bà Tư bán cháo lòng ăn với giò cháo quẩy ngon hết sẩy, và khi đi đâu đó lâu lắm trở về, vẫn cố tìm ăn lại món bún nước lèo hồi xưa bán bên thềm chợ… Nên cái chợ truyền thống, rất tình và rất đời ấy, vẫn sẽ luôn gắn bó, gần gũi, thân thiết, như cuộc sống chứa đựng những vui buồn của một đời người, chan đầy kỷ niệm, luôn mang trong lòng mình những câu chuyện khó quên. Chợ có cái hồn, có cái tình cái nghĩa của con người đối với nhau, cùng bươn chải mưu sinh, cùng dãi nắng dầm mưa, theo từng năm tháng, thân thiết với tất cả mọi người.

Kết Thúc (END)
An Xuyên
» Thương Lắm Chợ Đời
» Còn Thương Rau Đắng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết