Mùa hè năm trước, tôi dẫn hai đứa cháu ngoại về quê, dừng ở bến xe huyện phải đi bộ qua chợ mới tới nhà, thằng cháu lớn níu tay tôi lại và chỉ vào mấy trái lạ mắt, hỏi: “Ông ngoại ơi! Người ta bán cây gì vậy?”. Tôi nhìn theo tay cháu, trả lời: “Trái ô môi đó con!”. Nó cãi lại: “Không phải trái ngoại ơi! Cái cây mà!”.
Đâu chỉ tụi nhỏ mà bạn bè tôi ở thành phố mới theo tôi về quê nghỉ hè năm nay cũng ngạc nhiên vì vẻ đẹp rực rỡ của bông ô môi nên đã reo lên: “Ồ, hoa anh đào!”. - “Không phải anh đào, hoa ô môi đó!”. - “Trời ơi! Nào giờ chỉ biết cái tên ô môi trên sách báo, hay người ta nói lóng để ám chỉ giới tính của mấy đứa “bê đê” chớ đâu biết xứ này có loại hoa đẹp quá trời quá đất vầy nè!”. Khi tôi khẳng định tên của hoa là ô môi thì cả xe đều tập trung vào hàng cây phía trước rực rỡ màu hồng đào và thân cây hầu như không còn lá, hoa đã tạo thành một vòm cong hình cây nấm, đến gần mới thấy rõ từng chùm, từng nhánh và từng cánh hoa để tin vào mắt mình: hoa ô môi đẹp đến nao lòng!
Tôi bắt đầu ba hoa về thứ cây có trái chín sần sùi màu đen xì, dài khẳng khiu treo lơ lửng trên cao. Hoa ô môi nở rộ khi nắng hè chói chang, đến khi chín đám trẻ trong xóm mỗi buổi chiều tập hợp nhau leo trèo hái trái. Loại trái này dài khoảng 5 - 6 tấc, phải hái bằng cách trèo lên cao, dùng tay vặn cuống nhiều vòng nó mới rời ra rồi mang xuống đất, đừng vội ăn vì vỏ rất cứng, phải chặt thành từng khúc chừng 2 tấc, dùng dao rọc dọc chừa lại hai đường gân, khi tróc hết vỏ sẽ lộ ra những miếng ô môi chín màu nâu sẫm, dùng tay đẩy lệch một đường gân những miếng ô môi dễ tách ta, thế là thưởng thức. Ô môi ngọt gắt, có vị hơi nồng, ăn nhiều sẽ bị gắt cổ. Hạt ô môi ngâm nước vài ba ngày, bóc đi vỏ màu vàng sậm sẽ lộ ra cái nhân màu trắng trong ăn rất dẻo…
Mấy đứa bạn tôi vểnh tai nghe kể mà không đứa nào hỏi lại. Xe tiếp tục tiến về phía cuối xóm, dọc đường từng chùm hoa ô môi làm bừng sáng con đường quen thuộc. Ngày cũ bỗng hiện về, có hai đứa trẻ nghèo cùng học chung lớp, với bộ quần áo không thể cũ hơn và đôi dép chực chờ sứt quai bất cứ lúc nào, vậy mà vui lắm, thích lắm khi cùng đến trường trên con đường này mỗi ngày. Những lúc trời mưa, hai đứa ướt loi ngoi mà vẫn cười dù đôi môi nhợt nhạt vì lạnh cóng, có lúc tôi nhường áo cho em khoác nhưng em từ chối vì “anh cũng lạnh mà!”. Những lúc nắng như thiêu như đốt, hai đứa học trò nghèo cũng cần mẫn đến trường đều đặn, vẫn tíu tít khoe những khúc ô môi mới róc, vừa đi vừa ăn. Một hồi nhìn lại, tôi thấy môi em màu đỏ thắm, trông em khác hẳn, tôi trêu: “Bày đặt thoa môi son nữa nghen!”. Em thẹn thùng: “Hổng có đâu, em ăn ô môi chớ bộ!”. Tới mùa bông ô môi nở rộ, báo hiệu mùa hè đã đến, cô bé hay đòi tôi hái để chơi nhà chòi, tóc cài bông ô môi làm cô dâu trong ngày cưới.
Vậy đó! Cây ô môi tới mùa trái chín, bọn trẻ có được món ăn vừa ngon, vừa vui. Riêng tôi còn có kỷ niệm êm đềm và thật đẹp với người bạn nghèo thuở nhỏ, nhớ màu ô môi chín trên môi cô bé chưa đến tuổi trăng tròn, nhớ cái hạt ô môi mềm mềm, dẻo dẻo, cô bé lấy ra từ túi áo rồi kéo tay tôi và bảo: “Nè, anh ăn đi”… Vậy đó! Hồn nhiên, chân chất như cây ô môi chỉ sống lặng lẽ nơi ruộng vườn, đâu dám “chen chân” giữa phồn hoa đô hội nhưng vẻ đẹp của nó làm người ta thổn thức đến nao lòng!
Thế rồi lớn lên, em và tôi mỗi người một hướng. Khi có dịp về lại nơi này, tôi đều tìm cách hỏi thăm em, nhưng mọi người có chung một câu trả lời: “Nó lấy chồng rồi biệt tăm tới giờ…”. Mùa ô môi chín cũng là lúc nỗi nhớ trong tôi cũng ửng lên màu đỏ thắm như môi em từng được tô hồng từ trái ô môi.
Kết Thúc (END) |
|
|