Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Cởi Áo Tác Giả: Cẩm Thúy    
    Nghe cái tựa hết hồn vậy chớ, “cởi áo” ở đây là chuyện về hưu thôi. Anh cán bộ, viên chức nhà nước nào cũng sẽ có ngày… cởi áo. Người cởi áo, về hưu sớm do sự cố hoặc hoàn cảnh riêng tư gì đó bắt buộc. Người đúng tuổi thì về. Có người đủ tuổi thật nhưng chưa đủ tuổi trên… giấy tờ nên ở lại thêm vài năm. Chung quy, sớm muộn gì ai cũng cởi áo người cán bộ, viên chức để mặc lại chiếc áo dân thường. Nhẹ tênh, an nhiên hay nuối tiếc, trĩu nặng nỗi niềm tùy vào mỗi người, không ai giống ai.
    Nếu có theo dõi tập 1 bộ phim Việt Nam “Hoàng hôn dịu dàng”, bạn sẽ thấy cảnh quay ông cán bộ nhà nước về hưu xách cặp quần áo đi bộ về làng. Mấy ông bạn thời nối khố đang quần quật phơi lưng trên đồng ruộng hỏi “xe đâu không rước mà ông đi bộ vậy?” (chắc là vì trước đây ông ta về làng có xe hơi đưa đón). Ông cán bộ trả lời đại khái là về hưu rồi, xe cộ nào mà đưa rước nữa, mình đi tự túc vầy mà khỏe. Không biết ông có nói thật lòng không mà quay cận cảnh thấy nét mặt ông ra vẻ chạnh lòng.
    Cái sự chạnh lòng ấy có người có, người không. Nếu ai đó nghĩ rằng chuyện mặc áo quan là thời “lên voi”, khi cởi áo quan, mặc áo dân thường rồi là lúc “xuống chó” thì chạnh lòng là điều có thật! Nhưng có người lại nghĩ mặc áo quan, làm người Nhà nước, từng giữ chức phận gì đó trong xã hội… chỉ là trọng trách, nhiệm vụ mà xã hội trao cho mình nắm giữ; thì khi ấy, cởi áo chỉ là trao trả lại. Mình lại là chính mình, không còn ràng buộc, không đeo mang bổn phận, trách nhiệm với xã hội nữa, thì sẽ thấy nhẹ tênh!
    
    Cái phòng làm việc nó thân quen với một anh cán bộ, viên chức nhà nước, thậm chí còn hơn cái phòng ngủ với vợ anh ta mỗi đêm. Vì phòng ngủ thì chỉ không tới tám tiếng đồng hồ mình được ở trong đó. Còn phòng làm việc, anh ta phải túc trực gần như trọn khung giờ làm việc ngày 8 tiếng đồng hồ. Chưa kể, những khi cơ quan, đơn vị có việc nhiều, anh phải ở lại phòng làm việc trong giờ đáng lẽ được ở phòng ngủ của nhà mình. Thân quen như vậy, nên xa vài bữa nửa tháng đã thấy nhớ; chia tay nó hỏi sao không ngậm ngùi?! Nhớ cái bộ salon cũ kỹ mình vẫn tiếp khách mỗi ngày. Cái ấm trà sử dụng lâu nên cái vòi sứt một góc nhỏ nhưng vẫn không thay mới. Nhớ cái bức tranh Bác Hồ ngồi chăm chú viết. Cái tủ sách với đầy ắp những tài liệu mà hàng ngày anh ta vẫn tìm để phục vụ công việc chuyên môn. Thường lục lọi, tìm kiếm nên nó bề bộn lắm. Thời gian làm việc còn không đủ nên ít khi anh sắp xếp nó lại. Những thứ vô tri hàng ngày như thế nhiều khi ta không để ý nhưng cầm trên tay quyết định về hưu, bỗng thấy chúng thân thương.
    Đồ vô tri vô giác ta còn thấy nhớ khi rời xa thì huống hồ gì tình cảm anh em, đồng nghiệp ở cơ quan mình. Từ điển định nghĩa “đồng nghiệp” là những người làm cùng một nghề với nhau. Như vậy, đồng nghiệp không có nghĩa là đồng chí hướng, đồng suy nghĩ. Mà không đồng những thứ đó thì đồng nghiệp đôi khi “bằng mặt mà không bằng lòng” là lẽ đương nhiên. Nhân viên cấp dưới có thể vâng, dạ với cấp trên mình, nhưng quay lưng đi thì nói xấu ông đó, bà đó thế này, thế khác. Người làm lãnh đạo uy quyền cấp mấy cũng là đồng nghiệp với cấp dưới của mình. Nhưng có người thích làm kẻ bề trên, tối ngày chỉ đạo, ra lệnh mà không chịu thấu hiểu, san sẻ những tâm tư, nguyện vọng của cấp dưới. Ngược lại, may thay có những cán bộ mặc áo quan, có chức có quyền nhưng họ như một người anh lớn, một người chị cả trong cơ quan, đơn vị của mình. Cấp dưới khi nể, sợ lãnh đạo thì cũng là sự nể, sợ của một người em, người cháu đối với người anh, người chú có uy tín, có năng lực thực thụ, rầy la là để em cháu lớn lên, tiến bộ. Chứ không phải như sợ, nể một cán bộ lãnh đạo đầy quyền uy nhưng độc đoán!
    Đồng nghiệp nhiều khi lại là một tình bạn tốt theo nhau cả đời. Đồng nghiệp có khi dẫn đến một tình nghĩa vợ chồng sắt son, chung thủy, cùng nhau sát cánh ở đơn vị lẫn khi về chung mái ấm. Đồng nghiệp có khi là tình anh em, chị em thân thiết hơn cả anh chị em ruột trong nhà. Những mối quan hệ đồng nghiệp ấy, khi cộng sự với nhau thì hết lòng hết dạ, chơi “sạch ruột gan” mà không phải đề phòng. Nhưng, đồng nghiệp đôi khi đơn giản chỉ là cùng một nghề như cái định nghĩa. Trong công việc, việc ai nấy làm. Tình cảm với nhau nhạt như nước lã khi việc đã xong. Cởi áo về hưu, vì vậy mà lắm nỗi niềm. Nhớ những đồ vật vô tri, nhớ những đồng nghiệp từng đồng cam cộng khổ hay cởi áo rồi là giũ sạch, cũng tùy lúc mình còn mặc áo quan mà thôi.
    Tuổi nghỉ hưu sẽ được tăng lên vài năm, thông tin đó không biết là nên mừng hay lo đối với những người ăn lương Nhà nước. Thêm vài năm để cống hiến cho xã hội hay kéo dài vài năm để ganh đua, bon chen lợi lộc, chức quyền? Dài thêm hành trình với sự nghiệp cũng đồng thời ngắn đi thời gian bên cuộc sống an nhàn, tự tại cùng những người thân của mình? Nghĩ cách nào đều tùy thuộc cách sống, cách nghĩ và hoàn cảnh mỗi người. Có những người về hưu, cởi áo quan thấy chạnh lòng, nuối tiếc. Cũng có người thấy nhẹ tênh, vì xem như ta đã tròn trọng trách với xã hội. Chiếc áo ta từng mặc, dù là “áo mão cân đai” hay chỉ đơn giản là áo màu viên chức thì đó cũng chỉ là chiếc áo ta mặc để phụng sự cuộc đời, mà cuộc đời thì có chung và riêng.
    “Cởi áo/ Trống/ Nhẹ tênh/ Thả rơi những buộc ràng một thời cố níu/ Đôi vai trụi trần/ Buồn vui dan díu/ Bỏ gánh đa đoan trĩu nặng đời người/ Ngoài sân nắng thơm ngày mới/ Cố quên đêm dài đắng mộng phiêu diêu…. Cởi áo/ Thoát/ Cuồng xoay/ Trắng đen mơ hồ giấc mơ nghiệt ngã/ Chớp mắt/ Ngày mới xanh non xa lạ/ Cây tươi màu trổ lá/ Tỉnh giấc phù vân/ Lao đao vòng xoáy/ Cô đơn soi mình lặng lẽ/ Lòng an nhiên/ Cởi áo… quan trường” (trích bài thơ “Cởi áo”, tác giả Ngọc Yến). Chắc là, phải đến khi cởi áo, về hưu, ta mới hiểu nổi ý tứ của những câu thơ này.

Kết Thúc (END)
Cẩm Thúy
» Quê Giữa Phố
» Hè Sang
» Cởi Áo
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò