Mấy năm gần đây, mỗi năm thời tiết càng có xu hướng cực đoan hơn. Mùa đông thì lạnh căm căm, còn mùa hè thì lại nóng đến chảy mỡ, nắng nóng lan rộng khắp ngày này qua ngày khác. Đỉnh điểm là mỗi tháng Bảy về, cái nắng nóng càng gay gắt, đâu đâu cũng thấy người ta bàn luận về nắng nóng, những thở than, phiền muộn…
Tháng Bảy ngày xưa của thế hệ 8X chúng tôi là những ngày thi đại học căng thẳng. 12 năm đèn sách đứa nào cũng sợ đợt thi đại học vào tháng Bảy, nhớ như in trong đầu ngày ấy cùng với bao lo âu mà bất kể ai từng qua đời học sinh đều phải trải qua. Mồ hôi rịn trên mặt, trên những non nớt của tuổi 18 đáng thương biết nhường nào. Và rồi cũng tháng Bảy chia cắt chúng tôi mỗi người một phương…
Nhớ về tháng Bảy là nhớ những mùa gặt ở quê. Có đến quê vào vụ mùa như cấy, gặt mới thấy sự lam lũ của những người nông dân. Khi cái nắng gắt nhất cũng là lúc lúa bắt đầu chín ruộm. Có người thấy nông dân “trày” mình giữa mùa gặt, cứ thắc mắc “tại sao không đợi trời mát hẵng gặt?”. Nhưng họ đâu biết rằng, gặt mùa nắng, để còn tranh thủ phơi phóng lúa thóc, rơm rạ. Chứ ai cũng muốn gặt vào hôm mát cho khỏe người. Thương nông dân quê mình một, tôi thương mẹ tôi mười. Mẹ đã có thâm niên hơn 20 năm với nghề ruộng. Năm tháng bào mòn thanh xuân của mẹ, đánh đổi bằng những vết đồi mồi, vết chân chim cùng làn da sạm đen. Những ngày tháng Bảy, dường như mẹ không được ngơi nghỉ, quần ống thấp ống cao và mặt thì dính đầy bùn ruộng. Mẹ sinh ra tôi, sinh từ đồng ruộng bùn lầy, tôi thương mẹ đến thiết tha, và thương tháng Bảy quê nhà lòng quặn thắt…
Tháng Bảy, có nỗi buồn trong đôi mắt của ông. Đó là những lần trên truyền hình công chiếu những thước phim về anh bộ độ Cụ Hồ, đầu đội nón tai bèo, tay cầm súng, lưng cõng lương thực trong những lần đánh đuổi giặc ngoại xâm. Những người bạn năm xưa của ông, có người đã mất, có người còn nhưng lưu lạc tứ phương. Người may mắn hơn được gặp lại đồng đội, có cơ hội treo trên ngực những tấm huy chương. Tôi chăm chú nghe ông kể khoảnh khắc lịch sử “hè đỏ lửa”; “81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị”… Còn đau xót gì bằng những “nhân chứng sống” kể giọng run run cùng những giọt nước mắt hoài niệm, trong phút chốc tôi thấy tim mình nhói buốt và đau thương. Những cuộc hành trình lưu lạc đồng đội, không biết qua bao nhiêu năm, trong phút giây ngắn ngủi, những năm cuối của đời người, gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Đồng đội của ông ngồi sát bên nhau, tay nắm chặt và cùng cất những khúc hát hào hùng, để rồi chia tay, những chuyến xe đưa mỗi người đi mỗi ngả, nhưng phút lắng đọng của ngày tháng Bảy là một nén hương lòng nhớ về những người đã nằm xuống cho quê hương.
Thế hệ của tôi sinh ra thời bình, hiểu làm sao hết những công ơn sâu nặng của đấng sinh thành cha ông. Mỗi tháng Bảy thắp nén hương lên mộ những người đã ngả xuống mà lòng nghẹn ngào không nói nên lời. Tỉ mỉ bên ngôi mộ cha ông, chúng tôi quét vôi, dọn dẹp từng cây cỏ dại và thắp hương ngưỡng vọng về cha anh của quê hương, lòng chợt nhẹ tênh trong làn hương trầm tháng Bảy.
Tháng Bảy, nhớ xiết bao những cung đường tình nguyện tới vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh. Tuổi trẻ của tôi in dấu chân sức trẻ, mang trái tim nhiệt huyết sẻ san những yêu thương. Chúng tôi đi để trải nghiệm, để trưởng thành và hơn hết là biết trân trọng những gì bản thân đang có. Vẫn nhớ mãi ánh mắt em thơ trường làng, nhớ người phụ nữ góa bụa bên hàng rào đá với tấm lòng thảo thơm chia chúng tôi từng trái mận, trái bắp… Mỗi phút giây, mỗi khoảnh khắc tháng Bảy đã lưu lại giúp tôi ý nghĩa vô cùng. Suy cho cùng của luật nhân quả, đời thường thì cho đi cũng là nhận lại hạnh phúc.
Tháng Bảy có mùa báo hiếu tới các đấng sinh thành. Làm người hiện hữu trên cõi đời, ai trong tất cả chúng ta đều may mắn vì có ba và mẹ. Ba mẹ đã chắt chiu từng tháng, từng ngày, từng phút, từng giây, từ khi ta còn nằm trong thai nghén. Ba mẹ đã thắp lên những hành trang tươi mới, niềm tin vững chãi, bao bọc, chở che để ta vững bước vào đời. Thật may mắn cho ai vẫn còn ba mẹ để mỗi tháng Bảy cài lên ngực những bông hồng đỏ thắm. Và một bông hồng màu trắng cài lên ngực mình cho tấm lòng hối lỗi, ăn năn như một sự mất mát lớn lao vì lâu nay mình không biết trân trọng tình cảm thiêng liêng khi ba mẹ đang còn.
Gửi về tháng Bảy những bâng khuâng…
Kết Thúc (END) |
|
|