Nhà ở giữa nội ô thành phố, nên ban đêm phát hiện một bầy đom đóm đèn thì chẳng khác gì thấy một… tinh thể lạ. Những con đom đóm lập lòe ánh sáng cứ nhấp nháy bên này rồi nhấp nháy bên kia, trên một lùm cây. Đã lâu lắm rồi, mới thấy loại côn trùng hiếm hoi này. Nhất là khi ở đây là nội ô ồn ào âm thanh, sặc sỡ ánh đèn giăng khắp lối.
Thằng Tí đứng trước hàng ba, gọi với vô nhà: “Hai ơi Hai, ra đây coi con gì ngộ lắm nè. Tí thấy nhóc nhách trên chùm cây nè Hai. Lẹ đi!”. Chế Hai của Tí đang nằm trong buồng coi phim hoạt hình Đô-rê-mon chạy ù ra: “Đâu, đâu, con gì?”. Rồi hai chị em xúm lại đứng nhìn lên ngọn cây phía trước nhà, theo hướng tay Tí chỉ. Ơ, đúng rồi, có cả bầy lập lòe ánh sáng trên đó. Chúng như mấy dây đèn màu người ta mắc trên những nhánh cây cổ thụ ven đường Trần Phú, con đường chính của nội ô thành phố mà nhà Tí đang sống. Hai chị em hỏi mẹ: “Con gì ngộ vậy mẹ?”. Tôi trả lời, đó là đom đóm đèn.
Mấy tháng nay, ngọn đèn đường trước nhà tôi bị hư. Nhờ mấy anh bên trung tâm đô thị đến kiểm tra, sửa chữa để đoạn đường không tối om khi đêm xuống. Mà chắc là bận bịu với những tuyến đường lớn, nên con đường nhỏ này chưa có ai đến sửa. Thế là cái xóm vốn heo hút âm thầm lại chịu thêm cảnh tối tăm khi thiếu ánh đèn đường ban đêm. Mấy hôm trước, tôi còn càm ràm. Nhưng hôm nay, khi thấy tụi nhỏ thích thú nhìn đám đom đóm đèn trong lùm cây, tôi thầm nghĩ cũng… nhờ đèn đường hư tụi nhỏ mới có niềm vui mới này. Tí đòi bắt đom đóm nhốt vô hũ thủy tinh để đem vô phòng, tắt điện nhìn coi nó chiếu sáng cỡ nào, chế Hai mắng liền: “Tí ngu quá đi, bắt nó chết hết mai mốt đâu còn cho mình nhìn nữa”. Rồi hai chị em bàn nhau ngày mai sẽ rủ anh Tín, bé Thanh (mấy đứa anh em bà con) đến nhà mình vào ban đêm để khoe xóm mình có đom đóm đèn.
Mang tiếng ở phố thị, nhưng nhà tôi gần như tách biệt với sự ồn ào cách đó không xa. Nhiều người bảo ở chỗ gì mà buồn, mà quạnh hiu. Tôi thì không có thời gian để buồn. Ngày hai buổi đi làm, chạy tất tả ngược xuôi đón đưa con trẻ đến trường. Chiều tối lại về tổ ấm nghỉ ngơi. Thậm chí, hiếm hoi thời gian để giao tiếp với xung quanh. Cho nên chọn cái xóm chỉ lưa thưa nóc nhà, ít bà con lối xóm thì cũng không hẳn là buồn.
Một con kênh cạn trước nhà, những cây bần ổi xòa nhánh xuống ven kênh, có cả những hàng dừa nước mọc hoang hoải… khiến cho phong cảnh nhà tôi như một bức tranh quê chính hiệu. Buổi trưa đi làm về nhiều khi còn nhìn thấy mấy con chim chích bông, chích chòe lửa thụp thò trong rặng dừa nước. Và rất nhiều loại chim nữa mà tôi không biết tên, cũng không phân biệt được tiếng hót. Chỉ riêng tiếng bìm bịp kêu chiều, tiếng chim cu gù thì tôi biết. Ở giữa phố mà có tiếng “bịp bịp”, tiếng “cúc cù cu, cu…” nghe mà cứ tưởng mình đang ở một vùng quê hẻo lánh, khỉ ho cò gáy nào đó vậy.
Hàng xóm tôi tuy không nhiều nhưng sống và đối đãi với nhau bằng cái tình chân quê. Cạnh những hàng dừa nước, cây bần rủ nhánh, hàng xóm tôi cũng biết tận dụng đất hoang để “tăng gia sản xuất”. Họ cuốc thành giồng trồng mấy loại rau ngắn ngày, một số cây ăn trái. Thế là cả xóm có “rau, trái nhà trồng” để ăn. Một nhà trồng nhưng cả xóm được dùng. Nhà này trồng rau tới ngày thu hoạch thì mang biếu nhà khác, nhà nọ trồng chuối tới có buồng chín cây thì đem vô cắt nải mang cho. Chỉ một khoảng sân chung của xóm mà đủ loại cây trồng, cả xóm cùng ăn.
Dân ở phố thường lạnh lùng tình làng nghĩa xóm. Cơm nhà ai nấy ăn, đèn nhà ai nấy sáng. Nhưng cái quê giữa phố ở xóm tôi thì không phải vậy. Nhà nọ vắng nhà thì nói với nhà kề bên một tiếng để nhờ trông ngó nhà giúp vài hôm. Vắng mặt người nọ mấy hôm, người kia cũng với sang hỏi han có đi đâu không, bệnh hoạn gì không mà không thấy mấy bữa nay. Nhà này nấu chè múc cho nhà kia, nhà nọ thịt con gà cũng chia hàng xóm tô cháo gà gọi là ăn lấy thảo. Hôm nọ tôi phát bệnh, khi mới tờ mờ sáng, vậy mà chị hàng xóm luýnh quýnh cầm máy đo huyết áp chạy qua. Sáng tôi nhập viện, chiều về nhà. Tối là hàng xóm chạy qua thăm hỏi, tay cầm theo hai lon sữa bò. Quý nhau chính là ở cái tình.
Hồi đó, về đây dựng xây tổ ấm riêng tư, ai cũng bảo chọn nhà lại chọn cái nơi heo hút. Ấy vậy mà nhờ cái nơi như thế mà tôi có một cái quê giữa phố với đầy ắp cái nghĩa, cái tình. Tiếng chim muông ban sớm hay tiếng “bìm bịp kêu nước lớn” lúc hoàng hôn là những bản tình ca đặc biệt để tôi giảm bớt đi những căng thẳng vì công việc, cuộc sống đầy bon chen. Ánh sáng lập lòe của bầy đom đóm đèn cũng mang lại niềm vui cho bầy trẻ nhỏ.
Có những điều bình thường, giản dị nhưng mang lại niềm vui trong cuộc sống ở một cái quê giữa phố như thế.
Kết Thúc (END) |
|
|