Rốt cuộc, miếng vườn của ông Tư, chỉ mấy cây cóc trước sân là quến khách gần như suốt mùa. Nhất là khi con lộ nhỏ trong xóm hoàn thành, nhiều người qua lại. Từ khi cây cóc mới ra trái non thì đám con nít trong xóm đã xà quần thăm dò dưới gốc, đứa nào qua lại cũng ghé xin vài trái ăn chơi. Nói vài trái chứ kỳ thật đứa nào cũng bẻ chí ít là một chùm trái non. Những nhánh gần tầm tay bị lặt gần hết trái thì cóc cũng lớn, ít người ghé xin hơn vì nhánh cao, khó bẻ. Vài tháng, khi cóc bắt đầu có vài trái ngả màu vàng xanh báo hiệu mùa cóc chín cũng báo hiệu có thêm một đợt khách nữa tới thăm vườn.
Hôm nay khách là một người lạ và cũng bất ngờ. Lúc ngưng bản đờn, ông Tư dựng cây đờn kìm cặp gốc cây cóc chồm đứng lên thì có tiếng người phụ nữ từ bờ sông vói lên. “Sao không đờn nữa, ông anh?”. - “Ờ… biết có mấy chữ đâu, buồn đờn cho vui vậy mà. Ủa, bà chị muốn hỏi thăm ai?”. - “Không hỏi thăm ai hết trơn, đi đám ngoài vàm, bơi tới đây thấy hàng tràm êm quá, ghé đụt nắng, ai dè, nghe tiếng đờn, với lại nhìn mấy chùm cóc chín tòn ten ngon quá trời, đi hổng nổi…”. - “Ờ, vậy hả… bà chị bước lên đi, cây nhà lá vườn có gì mà ngại…”.
Khách chờ chủ mời một tiếng liền bước lên bờ. Ông Tư lui cui đi tìm cây móc cho khách móc cóc. Nhưng khách khỏa tay, nói có gì đâu mà gấp, kêu chủ trở lại võng rồi tự tay lấy cây đờn kìm đưa cho ông Tư và kêu ông đờn tiếp cái bản đờn hồi nãy đờn mới có nửa bài… Ông Tư khá bất ngờ trước lời đề nghị đó nhưng cũng làm theo. Ông rao, tiếng đờn chậm rãi rơi giữa không gian tĩnh lặng. Khách từ đám giỗ về, có lẽ còn chút men rượu trong mình, vừa rời sòng đờn ca trong đám nên vô liền một lớp Phụng hoàng làm cho chủ không khỏi bàng hoàng, mê mẩn…
Hát xong, khách tự lấy cây móc bẻ chùm cóc chín trước khi từ giã ra về. Chủ nói vói theo mời hôm nào có dịp ngang qua ghé chơi, đờn ca một bữa. Hôm nay gặp được tri âm rồi, quý lắm! Khách cười giòn giã vừa đi vừa hứa: “Anh yên tâm đi, chừng nào mấy cây cóc này còn trái chín, thể nào tôi cũng còn ghé nữa, lo gì…”.
- o O o -
Miếng vườn nhà ông Tư tròm trèm bốn công tầm cấy của cha mẹ để lại trước giờ. Miếng đất mà hầu như ông dành hết thời gian để tu bổ, sắp xếp, bố trí trồng theo cách tính toán của ông, vừa hợp lý để mang lại hiệu quả nhất lại vừa đẹp mắt nữa để không phụ lòng cha mẹ. “Là của hồi môn cho con Thu sau này đó mà”, khi có ai hỏi ông Tư nói vậy.
Bao quanh miếng vườn là hai hàng cây tràm đã hơn hai chục năm tuổi ken nhau. Nơi trú ngụ của nhiều loài chim mỗi chiều về tá túc, chút chít kể chuyện trong ngày. Đây còn là nơi yên ắng cho mấy tổ ong giấu mình, vo ve hút mật. Kế bên chân hàng tràm là con mương một tầm ngang thông với miếng ruộng sau vườn. Nơi để các loại cá tập trung về khi nước trên đồng cuối mùa giựt xuống.
Ngoài căn nhà lá ba căn cửa hướng ra phía bờ sông, phần đất còn lại là các loại cây ăn trái quanh năm, loại rau củ theo mùa đều được ông Tư bố trí thẳng thớm, thuận tiện đường đi. Phía cuối vườn còn có chòi lá cho bầy gà, vịt kề nhau. Nhiều lối đi trong vườn ông Tư đã đổ đất đỏ qua nhiều năm tiện bề đi lại. Nhìn miếng vườn đã biết tánh tình chủ nhà ngăn nắp, gọn gàng. Trong xóm chưa ai chê miếng vườn điều gì, không tiếc lời khen ông chăm chút, chí thú với công việc ruộng vườn.
Mấy năm trước, khi xóm hùn nhau làm con lộ nhỏ trước mặt nhà. Con lộ cắt một phần đất, tách hàng tràm phía trước khỏi sân vườn. Ông trồng lại bằng cây dâm bụt làm hàng rào phía trong. Hàng rào dâm bụt trồng mấy năm rồi cũng chỉ cao đến ngực. Buổi trưa, nằm trên võng trước sân, bên gốc cây cóc nhìn ra bờ sông, thi thoảng ông còn nghe tiếng róc rách của con sóng vỗ bờ. Con sông tưởng chỉ nước lớn, nước ròng, bẵng đi thời gian, nhớ lại nó rộng hơn ngày xưa biết mấy. Hàng tràm cặp bờ sông từ khi tách khỏi miếng vườn vì con lộ nhỏ cũng bắt đầu ngã nghiêng theo những lần bờ sông sạt lở. Thấy đó mà không biết mất đi lúc nào. Vô thường là vậy.
Miếng vườn ông chăm chút và được như ngày nay trong xóm ai cũng biết khởi nguồn từ nỗi buồn không thể nguôi ngoai. Đó là từ ngày bà Tư ra chợ vui với cuộc sống mới, để lại hai cha con ông với miếng vườn còi cọc trống hoang. Lúc con Thu mới 5 - 6 tuổi. Chuyện cũ lắm rồi, đã gần hai mươi năm. Ngày ấy buồn ông đờn, ông uống rượu kêu trời kêu đất tối ngày. Trời cao, đất gần nhưng kêu hoài cũng không thấu, không vơi được nỗi buồn. Đỡ một điều, còn nhỏ vậy mà con Thu không khóc. Nó chỉ ngồi yên ở ngạch cửa hay trên giường, trên võng. Gặp ông nó trân trân nhìn, không nói, cũng không đòi ông ẵm bồng. Nó không làm ông rối rắm thêm, chỉ đôi mắt thăm thẳm lặng thinh mà đủ trăm điều quặn thắt lòng ông.
Cuộc đời cần được tiếp tục, vẫn phải sống. Dần dần ông gửi được nỗi buồn trong công việc ruộng vườn và niềm vui lớn dần với cha con ông qua từng mùa cây trái. Hôm nào đi ruộng thì con Thu ngồi trước mũi xuồng. Nó đưa tay khỏa nước hát mấy bài quen thuộc như: “Bắc kim thang”, “Con cò bé bé”… Hôm nào làm vườn ở nhà thì nó ngồi trước hàng ba chơi một mình với con búp bê cũ mèm, trụi lũi không còn quần áo. Lâu lâu ông Tư kêu Thu một tiếng, nghe tiếng "dạ" để biết nó vẫn còn ngồi đó, rồi lại tiếp tục làm…
Con Thu lớn lên cũng mê trái cóc hơn nhiều thứ cây trái khác trong vườn. Nó bắc ghế bẻ từ lúc trái còn nhỏ xíu. Mấy năm trước nó đã chọn cây tre, lấy mắc áo bẻ ra làm cây móc để móc cóc. Mùa này, thi thoảng ông Tư kêu Thu một tiếng coi nó làm gì, ở đâu thì y như rằng nó ở loanh quanh bên gốc cóc. Nhìn con ngước cổ, nhón chân vói bẻ mấy trái chín trên cao, ông Tư thầm mừng vì con đã trưởng thành, khôn lớn.
Sực nhớ điều gì ông Tư dặn: “Nè! Bẻ gì bẻ chừa cho cha mấy chùm trái chín trên ngọn để lỡ nay mai có khách ghé chơi, nghen!...”.
Cà Mau, tháng mười một, hai ngàn mười tám
Kết Thúc (END) |
|
|