Tôi với Tân là bạn cùng xóm hẻm chợ Ngã Năm. Lớn lên, mỗi đứa một nơi. Tuy vậy, chúng tôi vẫn thường xuyên liên hệ, gặp gỡ nhau vào những ngày cuối tuần… Thực hiện quy định giãn cách xã hội, không gặp trực tiếp, chúng tôi điện thoại thăm hỏi, động viên nhau. Thằng Tân hay đùa “chịu khó cô đơn, cả nước sẽ biết ơn”.
Nói vậy thôi chớ tôi biết, thằng Tân là cái chân đi nên nó mới chọn nghề tiếp thị hàng hoá ở các chợ. Thật không sai, vừa nghe tin Cà Mau tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 14 ngày, nó đã điện thoại cho tôi:
- Ăn, ngủ rồi loanh quanh trong nhà gần một tháng, khi “tái xuất giang hồ” chắc khách hàng không nhận ra tao vì “mặt bư”. Thiệt lòng, mấy ngày nay nghe loa phát thanh liên tục, thấy đường phố vắng tanh vào ban đêm, tao nhớ hồi đó Cà Mau mình cũng mấy lần giới nghiêm.
- Cũng có nét hao hao. Tao thì thấy người dân đóng góp vật chất để trợ giúp những người nơi tuyến đầu chống dịch, người nghèo; người dân được phát phiếu đi chợ theo ngày, mua thực phẩm ở siêu thị phải giữ khoảng cách với nhau… lại nhớ hồi đó xóm mình có "hũ gạo nuôi quân", nhà nhà mua hàng hoá bằng tem, phiếu, xếp hàng chờ đến lượt…
Tôi và Tân nói chuyện nay mà nhớ chuyện... hồi đó. Cứ thế ký ức tuổi thơ chúng tôi về thời bao cấp khó khăn đủ thứ lại ùa về. Tân và tôi sinh cùng năm. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, chúng tôi chỉ mới 5 tuổi và cả tuổi thơ chúng tôi gần như sống trọn với hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn 1976-1986. Thời đó, đất nước mới vào công cuộc xây dựng và phát triển với muôn vàn khó khăn. Ðời sống vật chất thiếu thốn nhưng người dân luôn thể hiện tinh thần lạc quan, đoàn kết, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo.
Gói gọn những câu chuyện ký ức tuổi thơ ở xóm thôi, trong chúng tôi cũng đã biết bao điều gợi nhớ. Bà Ba Giếng có con trai hy sinh, bà sống với mẹ già. Gia đình chỉ có hai mẹ con và không rõ mối quan hệ thế nào mà người lớn trong xóm thì gọi bà là thím Ba, còn bọn trẻ chúng tôi thì gọi là bà Thím. Tính bà phóng khoáng, giọng nói sang sảng, thấy bà con trong xóm làm gì trái quấy, trẻ con nghịch ngợm là bà răn dạy ngay. Thấy bà luôn dứt khoát khi tham gia các vấn đề xã hội, nên có người gọi bà là “Mẹ liệt sĩ”. Có lẽ trìu mến “Mẹ liệt sĩ” mà nhà bà thường có bộ đội ghé thăm, khi thì tá túc vài ba ngày… Thế là bà Thím mang cái khạp da bò đặt ngay trước cửa nhà, trên đó có dán mảnh giấy “Hũ gạo nuôi quân”, người dân trong xóm tuỳ điều kiện và tấm lòng mà mang gạo bỏ vào khạp. Và, hũ gạo ấy luôn đầy.
Giai đoạn 1976-1986 còn được ví von là thời tem phiếu. Hồi ấy không gọi là quán ăn hay nhà hàng, mà gọi chung là cửa hàng ăn uống. Ai vào đây, muốn uống cà phê, ăn cơm tấm, hay hủ tiếu mì… trước tiên phải mua phiếu trả tiền ngay, sau đó người phục vụ mang thức ăn ra và thu phiếu, thực khách dùng xong cứ ung dung ra về. Mỗi hộ gia đình (tính trên đầu người) được cấp sổ, tem phiếu mua nhu yếu phẩm do Nhà nước phân phối tại các cửa hàng mậu dịch.
Nhà tôi ở gần UBND Phường 3 (sau này được ghép chung với Phường 2), kế bên trụ sở uỷ ban là cửa hàng mậu dịch. Tuy là những mặt hàng thiết yếu, nhưng người mua phải xếp hàng, thứ tự lần lượt, chớ không chen lấn xô đẩy và tới lượt mình thì có gì mua nấy, không được thắc mắc. Có người đợi đến lượt thì hết thịt heo, chỉ còn mỡ, hoặc có khi thời điểm đó cửa hàng đã hết thịt. Không chỉ thịt heo, mà nhiều nhu yếu phẩm khác cũng thế. Ðôi lúc, không phải là hàng hoá khan hiếm, mà do thủ kho cố tình dìm hàng và tuồn cửa sau bán cho dân chợ đen. Bởi vậy, thời đó thủ kho rất “oách” và có thể câu nói “thủ kho to hơn thủ trưởng” xuất xứ từ đây.
Thiếu thốn đến nỗi mỡ heo (được thắng thành nước) và tóp mỡ người ta vô cal, tôm khô đóng gói và mang đi bán ở TP Hồ Chí Minh, sau đó mua những mặt hàng thiết yếu ở thành phố về bán lại, gọi là đi buôn. Những người dạng này phải nhanh nhạy và khéo léo để qua trạm, nếu không thì trắng tay như chơi, vì thời đó đi buôn là vi phạm quy định Nhà nước.
Xóm tôi nhà thì đông nhưng hộ có tivi đếm trên đầu ngón tay. Lúc đó cũng không có nhiều chương trình giải trí để xem như bây giờ, chủ yếu là cuối tuần có cải lương thì nhà có tivi lúc nào cũng đông nghẹt. Người lớn không biết tâm trạng coi ké thế nào, nhưng bọn trẻ chúng tôi thì phải biết “xạo” với thằng con chủ nhà cùng lứa với mình để nó cho vào trong nhà ngồi coi, bằng ngược lại vừa thấy mặt là nó đuổi ra ngoài sân.
Ðiện, nước sinh hoạt cũng là một vấn đề. Ðiện thì ngày có ngày cúp, có tuần cúp 2 ngày liên tục. Còn nước thì chỉ vài hộ có được cây nước khoan rồi họ bơm ra hồ chứa, bà con trong xóm đến đó đổi (hình thức mua) và gánh về nhà xài. Xã hội chưa phát triển nên không có các dịch vụ như bây giờ. Nhà nào có đám tang, tiệc cưới thì cả xóm xúm lại, người lo mượn cây dựng rạp, người lo mượn bàn ghế, chén dĩa, xoong nồi… rồi cùng phụ nấu nướng. Ðâu phải mượn một chỗ là đủ, mà phải mượn nhiều nhà, rồi phải đánh dấu cẩn thận để qua đám mang trả đúng chính chủ.
Thời đó, người dân xóm tôi đâu dám mơ chuyện ăn ngon mặc đẹp. Sữa đâu đa dạng và được uống tự do, nhà có hộp sữa Ông Thọ, đứa nào bị bệnh mới khui pha cho 1 ly mà thật ra nước nhiều chớ có bao nhiêu sữa đâu, rồi để trữ lại hộp sữa thì đặt vào trong cái chén có nước cho kiến khỏi bu chớ đâu có tủ lạnh mà cất. Bữa cơm nào có thịt kho tàu là coi như ăn sang! Lo được bữa ăn đã vất vả, nên quần áo lành lặn là quý rồi. Hầu như nhà nào cũng thế, quần áo đứa lớn mặc chật thì đến đứa nhỏ, qua nhiều “xác” vải vóc cũng bị bào mòn, nhưng rách thì vá nhiều lần mới chịu bỏ. Tụi nhỏ chúng tôi hay tinh nghịch, chà lết nên quần tà lỏn thường rách phần sau và được vá lại bằng miếng vải cắt vuông, nên hay bị chọc là mặc quần có gắn “tivi”.
Nhắc chuyện này lại nể phục trí nhanh nhạy của thằng Tân. Tết, nó được ba nó mua cho bộ đồ mới (áo tay ngắn, quần cụt) ở cửa hàng may sẵn. Sáng mồng Một, sau khi đã “rảo” một vòng trong xóm để kiếm lì xì, Tân với tôi và vài đứa nữa ra Ngã Năm lên xe lôi đi một vòng trong thị xã theo thú vui ngày Tết. Vừa bước lên xe thì quần thằng Tân bị rách đáy. Nhanh chóng, nó nhảy xuống, cởi áo buộc ngang thắt lưng rồi cong một tay phía trước, tay còn lại giơ lên quơ quơ và nói: “Thôi tụi bây đi đi, tao thích làm anh hùng cưỡi ngựa đánh giặc” và với tư thế đó nó chạy thẳng về nhà. Chuyện này, thằng Tân không nhỏ to với tôi thì chắc cũng không ai biết nội tình mà có thể cho là nó bị “tưng”.
Suy cho cùng, thời bao cấp tuy có những hạn chế làm chậm tiến xã hội, nhưng cũng có mặt tích cực nhất định là không tạo khoảng cách giàu nghèo, mọi người dân đều hưởng chế độ trợ cấp bằng nhau, được miễn phí giáo dục, y tế… Có thể nói, giai đoạn “nghèo mà vui” ấy có biết bao câu chuyện bi, hài xảy ra trên toàn quốc.
Ðiều gợi chúng tôi nhớ về ký ức chính là tinh thần đoàn kết, là sự thuỷ chung của người dân Việt. Mỗi giai đoạn phát triển xã hội có những điều kiện, hoàn cảnh ở từng nơi, từng gia đình khác nhau. Nhưng, khi đất nước gặp khó khăn, người người như một, chung tay đóng góp tài lực để cùng nhau vượt qua. Và trong cuộc chiến cam go với đại dịch Covid-19 này cũng thế./.
Kết Thúc (END) |
|
|