Những ngày giãn cách xã hội do dịch bệnh, cái tất bật, vội vã hàng ngày không còn nữa, lễ Vu lan vào rằm tháng Bảy cũng không được tổ chức theo thông lệ hàng năm. Vào ngày này ít nhiều cũng gợi nhớ cho những ai đã từng được cài hoa hồng khi Vu lan đến, ai còn đủ hai đấng sinh thành thì được cài hoa hồng màu đỏ, còn chỉ một thôi thì cài hoa màu hồng, nếu cha mẹ đều đã mãn phần thì cài hoa màu trắng. Ðây là những nghi thức hình như được mặc định từ lâu trong lễ Vu lan.
…Tôi sinh ra ở vùng quê, do chiến tranh nên ba má tôi chạy ra thành để tránh bom đạn và cho các con đi học. Ba má tôi được một người bà con cho ở nhờ trong khu vườn ven thị xã, ba tôi chèo đò còn má tôi thì ngày ngày xay bột, xe bánh, nạo dừa… làm món bánh tằm nước cốt dừa để bán.
Năm 1969, tôi vừa thi đậu đệ thất, tức lớp 6 bây giờ. Lần đầu tiên được mặc áo dài trắng đồng phục, trong lòng dâng lên niềm vui khó tả. Ngày hai lượt đi về, tôi vẫn ung dung cảm nhận niềm hạnh phúc khi trở thành nữ sinh trung học. Trong buổi liên hoan chuẩn bị nghỉ hè, vô tình tôi được nghe câu nói của mấy đứa con nhà giàu: “Nhỏ tóc dài đó là con bà bán bánh tằm đó mậy! Nhìn cái áo dài là biết con nhà nghèo rồi!”. Thời gian còn lại của buổi liên hoan tôi thấy mình lạc lõng và nghe cay đắng trong lòng. Khi về nhà nỗi buồn ấy cứ theo tôi. Tôi thầm trách ba má sao không chọn nghề gì khác mà bán bánh tằm để bạn bè chê mình nghèo như vậy chứ? Sao tụi nó cái gì cũng có còn mình thiếu thốn. Ước gì, ước gì…
Thấm thoát rồi cũng hết trung học, tôi may mắn vào được đại học sư phạm, 4 năm sau tôi ra trường và trở thành cô giáo. Không bao lâu mẹ tôi lâm bệnh nặng rồi qua đời, ba tôi thì buồn rầu cũng sinh bệnh và không còn chèo nổi chiếc đò cũ kỹ năm nào. Vậy mà ba cũng gắng gượng thêm 6 năm mới theo má tôi về với ông bà.
Tôi bây giờ đã là mẹ của 2 đứa con, tuy cuộc sống không dư dả nhưng dù sao lương giáo viên của 2 vợ chồng cũng đủ xoay xở. Rồi các con tôi lớn lên, cũng học hành rồi có danh phận trong xã hội, lúc này tôi không phải lo kinh tế gia đình mà dành thời gian làm việc từ thiện và hay đến chùa để cúng dường, lễ Phật.
Những ngày tháng Bảy, mùa Vu lan lại về, tôi thấy nhớ ba má hơn bao giờ hết. Hình như đến lúc những ký ức hiện về đầy đủ nhất và cũng là lúc tôi “đo đếm” lại chữ hiếu của mình hơn nửa đời người.
Tôi nhớ lại thuở xưa, lúc tôi chỉ biết đòi hỏi, mong cầu, so sánh… mà chưa hề nghĩ đến công lao khó nhọc của ba má tôi, để tôi được học hành chu đáo trong thời kỳ khó khăn, vất vả trăm bề.
Công việc của má tôi bắt đầu từ 3 giờ sáng, đầu tiên là đem mớ bột đã xay sẵn chiều hôm qua đã dằn ráo, sau đó nhồi nhuyễn, bắc lên chảo ráo trùng (cho bột chín phân nửa), đem xuống nhồi tới dẻo tay là bắt đầu xe bánh rồi đem hấp. Lúc này má quay sang nạo dừa thắng nước cốt, xắt dưa, rau, làm nước mắm và soạn các vật dụng vào đôi gióng gánh, 6 giờ sáng là má bắt đầu đi bán.
Chừng 10 giờ là hết gánh bánh tằm, má mua vài con cá, mớ rau về lo bữa cơm. Cứ ngày này qua ngày khác, hình như má tôi không có thời gian thư giãn, giải trí, thậm chí quần áo bao nhiêu lâu vẫn vậy, Tết nhất chỉ mua sắm cho con thôi. Ðôi dép má mang, ba tôi cũng vá, cũng buộc lại nhiều lần, vậy mà chẳng bao giờ nghe má than vãn hay mơ ước được như người này, người nọ.
Ðể có củi hấp bánh, má đi làm cỏ vườn cho những chủ gần nhà, họ cho cây tạp, má đem về không phải tốn tiền mua củi. Tới bữa cơm mấy đứa con ăn hết phần ngon, còn cù cặn là phần của ba má. Vậy mà tôi cứ vô tư, thỉnh thoảng còn mơ cái này, ước cái nọ, coi nghề “mua gánh bán bưng” của má là một thiệt thòi, sĩ diện với bạn bè.
Nếu không có những giọt mồ hôi đổ suốt chặng đường quang gánh của má, hay của ba xuôi ngược trên sông chở khách mỗi ngày thì làm gì có được một sinh viên ăn trắng mặc trơn, rồi một cô giáo bảnh bao trên bục giảng?
Kết Thúc (END) |
|
|