Một hôm, vừa tới nhà, người còn ướt mèm nước mưa, chị hai thả mình xuống giường, nước nơi khóe mắt cứ vô cớ trào ra. Chị mới ở nhà bà Hiếu về, người đàn bà mà chị từng rất căm ghét. Tình cờ, bây giờ, bà lại có con gái đang học lớp do chị chủ nhiệm.
Hồi chị hai đi học mẫu giáo, nhà tôi vẫn thuộc diện nghèo nhất xóm. Ba má chỉ quan tâm làm sao đủ gạo nuôi đàn con. Mỗi buổi sáng, má luồn tay vào vách nứa, rút một thanh làm roi, lùa các con tới trường như lùa một bầy vịt. Chị hai ăn roi suốt đường. Chị học có nửa năm mẫu giáo mà vách nhà tôi đã thủng mất một góc lớn.
Bà Hiếu khi ấy là cô giáo trẻ mới về trường, đón chị bằng một nụ cười thân thiện. Nhưng má vừa quay đi, nụ cười trên môi cô giáo tắt lịm. Thời ấy, thứ quý giá nhất của cả lớp là bộ xếp hình từ những bông hoa bằng nhựa đủ màu sắc, thỉnh thoảng cô mới bày ra. Nhóm học trò ngồi túm tụm thành vòng tròn để xếp thành hình dáng ngôi nhà, cái cây, ông mặt trời... Chị hai luôn bị đẩy ra ngoài cùng như một hành tinh lệch khỏi quỹ đạo. Một lần, bộ đồ chơi thiếu mất vài bông hoa, cô giáo gọi chị lên, hỏi: “Con giấu ở đâu?”. Chị hai chỉ biết cúi gầm mặt khóc, miệng lẩm bẩm: “Con không lấy”. Cô gằn giọng: “Nhìn mặt là biết có tính ăn cắp rồi”.
Chị bị cả lớp “bo xì”, không có bạn. Hôm đó, khi chị đang lủi thủi ngồi nhìn các bạn chơi đùa thì bất ngờ, chiếc ghế dài bổ ngửa về phía sau, đổ vào chân cô bé bàn dưới. Ngón chân của đứa trẻ bật máu. Cô giáo từ bục giảng hầm hầm chạy xuống, giáng cho chị một cái tát quay cuồng. Cô bắt chị đi tìm hái lá mọc dại trong sân, nhai nát để lấy xác lá cầm máu cho bạn.
Ba má tôi không biết chuyện đó. Chị không dám kể, sợ má nghe rồi cũng lôi chị ra đánh đòn. Cho đến một lần, trong giờ học, chị bị một chiếc ghế khác đổ vào chân. Ngón út lủng liểng, muốn đứt rời. Cô giáo hờ hững vò nát vài chiếc lá rồi đắp vào chân cho đứa học trò. Chị nhận ra sự bất công khi lần này cô không mắng hay đánh đứa trẻ nào. Cô vẫn bình thản dạy cho hết giờ học, bỏ mặc chị nhảy lò cò suốt hơn hai cây số về nhà.
Tới đêm muộn, ba má tôi mới đi làm về. Má bủn rủn đưa chị ra trạm xá nhưng nhân viên đã về hết. Má đành đưa chị về nhà băng bó lại. Hôm sau khi tìm được bác sĩ thì ngón chân của chị đã chuyển màu đen, cách nhanh nhất là tháo khớp. Ngày nào chị cũng quệt nước miếng vào chỗ xương ngón cụt mong ngón mới mau mọc lên. Vậy mà má nói: “Không mọc đâu nha, con hai” khiến chị khóc thét tuyệt vọng.
Má dắt chị lên lớp, mắng vốn cô giáo. Cô Hiếu nhìn ngón chân cụt của chị, đổi sắc mặt, nhanh chóng lái sang vấn đề khác: “Chứ chị trây ì đóng học phí, trường trừ điểm thi đua của tui thì ai chịu thiệt? Tui bị cắt bằng khen rồi đó”. Đôi mắt má trợn tròn kinh ngạc, trào ra hai hàng nước. Má nghẹn lên, dắt chị quay về trước khi bật khóc thành tiếng: “Không học nữa, con hai, về”. Vài năm sau, khi cô Hiếu chuyển trường, má mới cho chị hai đi học. Tưởng đó là chuyện trẻ con mau quên, vậy mà cả tuổi thơ lẽ ra đẹp đẽ, chị chỉ ghi nhớ những ngày buồn tủi.
Chị hai không ngờ có ngày gặp lại cô giáo đầu tiên trong vị trí đã hoán đổi. Bà ta khúm núm, gật đầu chào chị mỗi khi đến đón bé Thảo. Sau mấy mươi năm, bà không nhận ra đứa học trò cũ. Chị thì hả hê khi thấy chiếc áo lấm tấm vết kim châm, gấu quần xoăn lại bám đầy đất đỏ của người đàn bà vẻ ngoài lam lũ.
Nghe nói, thời trẻ, bà Hiếu cũng lấy chồng, có được người con trai. Nhưng rồi, ông chồng bỏ đi. Đồng lương giáo viên khi ấy quá bèo bọt, bà phải nghỉ việc, một mình làm rẫy nuôi con. Đến gần 40 tuổi, bà tái giá với một người đàn ông cũng đã có con riêng. Hai người lại có thêm với nhau bé Thảo. Ba năm trước, người chồng đột tử, để vợ gánh trọng trách nuôi bầy con vừa riêng vừa chung.
Những ngày chưa biết bé Thảo là con gái bà Hiếu, chị rất thương cô bé hiền lành có làn da trắng xanh, đôi mắt to, trong vắt. Về sau, cũng là đôi mắt ấy, chị tưởng tượng ra vài nét gian manh, không còn kèm cặp chuyện học hành của nó.
Nhưng cuối năm học, ngày nào con bé cũng lên lớp với gương mặt buồn bã, hai mắt sưng húp. Giờ ra chơi, nó hay ngồi một góc, gục mặt xuống bàn. Chị lặng lẽ nhìn đứa trẻ, cảm nhận nỗi cô độc lây lan sang mình. Chị bước xuống, vừa nắm bàn tay nhỏ xíu, đứa học trò nhỏ đã ôm chầm lấy chị, nức nở: “Ngày mai con không đi học nữa đâu cô ơi... Má con sắp chết. Con đi học vầy, lỡ ở nhà má chết thì sao?”.
Chiều hôm đó mưa tầm tã, chị hỏi thăm mãi mới tìm được căn nhà cấp bốn cũ kỹ của bà Hiếu. Bốn bức tường xám ngoét màu xi măng, xộc lên một mùi của ẩm mốc. Thấy cô giáo đến, người con trai lớn mới lật đật bật đèn. Bà Hiếu nằm trên giường, ngượng ngùng lấy tay che vài lỗ thủng trên chiếc chăn bông cũ sờn, đắp ngang bụng.
Chị lúng túng, không biết nên ngồi hay đứng. Bà Hiếu định nói gì thì bị cản lại bởi một trận ho dữ dội. Chị rùng mình nhìn bàn tay che miệng của bà lấm tấm vài giọt máu tươi: “Cô đi khám đi chớ?”, chị giục. Bà lắc đầu: “Tui biết bịnh của tui mà. Cô giáo thông cảm nha, vài bữa nữa tui đóng học phí cho con Thảo, kẻo cô bị trừ điểm thi đua mà tội”. Chị im lặng, giấu đi một nụ cười chua chát.
“Phiền cô giáo tới tận đây. Chắc nhà cô giáo xa lắm ha? Quê cô giáo ở đâu?”. Bà khó nhọc bắt chuyện. Chị lơ đãng, bịa ra một địa danh xa xôi. Bao nhiêu gai góc cũ trong lòng chị bỗng trở nên mềm oặt. Chị hai bất chợt giật mình, ngồi thụp xuống chiếc ghế đẩu, duỗi chân để vào gầm giường, cố không để bà nhìn thấy bàn chân trần đã cụt một ngón. Lúc này, với chị, người đàn bà khốn khó ấy cũng chỉ là một người mẹ.
Kết Thúc (END) |
|
|