Bệnh viện huyện nằm bên ruộng lúa. Hình như ở đây cái gì cũng nằm bên bờ ruộng. Hàng bánh xèo, quán bún cá, quán nem nướng, cà phê... đều nhìn ra ruộng lúa. Hầu hết những con đường lớn nhỏ đều chạy xuyên giữa cánh đồng.
Tôi đến đây để thăm một người quen bị tai nạn, cũng chỉ ở lại từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau. Cái tôi nhìn thấy đầu tiên là khu bệnh viện mới đang được xây dựng ngay bên cạnh bệnh viện cũ xập xệ. Bệnh viện mới đã lên được ba tầng. Nghe nói ngoài các phòng bệnh bình thường sẽ có thêm nhiều loại phòng mới cho người bệnh tự chọn, gọi là “phòng theo yêu cầu”. Ðó là các loại phòng sáu giường, bốn giường, hai giường kèm các tiện nghi và chế độ chăm sóc khác nhau tùy mức giá. Có cả loại phòng đặc biệt một giường được thiết kế theo kiểu phòng khách sạn... Nhưng đó là trong tương lai, còn hiện tại khu bệnh viện cũ vẫn đang được sử dụng. Trước cửa phòng khám có rất nhiều người cầm thẻ bảo hiểm chờ gọi tên. Lại có nhiều người nữa đi đi lại lại tìm các phòng siêu âm hoặc xét nghiệm. Họ gọi nhau, chào nhau, hỏi chuyện người quen rôm rả như trong hội chợ.
Phòng hậu phẫu nằm sâu phía trong. Phòng có bốn giường thì hai giường đã có người. Mỗi người bệnh phải có ít nhất một người nhà đi theo phục vụ, chưa kể người quen đến thăm và những người ở các phòng bên cạnh sang chơi, nên trong phòng luôn có ít nhất bốn người trở lên, có lúc tới hơn chục người. Ngoài hai người bệnh phải nằm im còn mọi người đều chuyện trò rôm rả thoải mái. Xin bắt đầu từ giường số một. Người nằm giường số một là một ông già ngoài bảy mươi, mổ dạ dày. Người chăm nuôi ông là bà vợ cũng ngoài bảy mươi. Bà được những người có mặt trong phòng lúc đó phong cho danh hiệu “người đẹp”, bắt đầu từ lúc bà ra ngoài cổng bệnh viện mua về một hộp cơm. Bà sẻ nửa phần cơm ra nắp hộp cho mình, phần còn lại và toàn bộ thức ăn bà để lại cho ông chồng. Vừa đỡ ông ngồi dậy bà vừa nói: “Ở đây cho ăn rơm, về nhà cho ăn cỏ non”. Câu nói của bà làm những người có mặt trong phòng thích thú. Ai đó nói:
- Bà già vui ghê. Hồi trẻ chắc phải cỡ hoa hậu chứ không đùa.
Nghe khen, bà già liền giơ cao bàn tay phải có một ngón bị tật cứng đơ ra cho mọi người nhìn, kể:
- Bởi vậy mới nói Trăng rằm rời rợi sáng soi/Anh mải coi nhan sắc không coi cái trui cày này.
- Lại còn hay thơ nữa.
- Không phải của tui - Bà già cải chính ngay - Ðó là tui ăn cắp của bà chị ổng. Lúc cưới tui về rồi bà chị ổng mới nhìn thấy thằng này (tức ngón tay bị tật). Bả hỏi thằng Ba nó có biết không, tui nói không. Nhưng tui không có giấu. Tại ổng làm biếng nắm tay tui nên không biết chứ tui đâu có giấu...
- Ổng làm biếng nắm tay nhưng làm siêng cái khác phải không?
- Phải, cái khác thì ổng làm siêng lắm. Nghe vậy bà chị bả mới nói: “Thôi rồi, vậy là Trăng rằm rời rợi sáng soi/Anh mải coi nhan sắc không coi cái trui cày (là cái tay cùi) rồi”. Nhưng thằng này nó không phải cùi. Nó bị lên mụt càng cua, nhưng hồi đó không biết chữa nên mới thành ra vầy.
- Con cái đâu, sao không thấy đứa nào?
- Nó còn phải đi làm. Có con mà nhờ cũng đỡ lắm. May có tiền tụi nó đưa về cho mới đi hết viện này tới viện kia chứ không thôi... Còn bên đó? Bị sao vậy?
Bây giờ mối quan tâm được chuyển sang giường thứ hai. Nằm giường thứ hai là một người đàn ông mổ chấn thương sọ não. Người đi theo phục vụ là bà vợ khoảng 50 tuổi. Khi được hỏi về nguyên nhân khiến ông phải vào viện, bà vợ kể, đại khái: Mấy ông trong xóm rủ nhau gầy độ nhậu ở nhà ông A. Sắp hết một can rồi mà vẫn chưa đã, ông B mới đứng dậy nói: “Thôi đi qua bên tao uống tiếp, đi”. Cả đám đứng lên kéo nhau qua nhà ông B tiếp tục nhậu. Ðang nhậu dở chừng thì chủ nhà tự nhiên đứng dậy xua tay đuổi: “Về, về. Ði về!”. Cả đám ngơ ngác chưa hiểu ra sao thì chủ nhà đã chạy ra sau vác một cây củi ra, sừng sộ: “Tao nói về không về hả!”, rồi vung cây củi quật thí xác vào đám bạn nhậu. Khi đó mấy cha mới tá hóa bỏ chạy. Ông này (tức nạn nhân đang nằm đây, tức ông chồng bà) tiếc đôi dép, ráng đứng lại nên mới bị một gậy vào đầu té lăn xuống trúng hòn đá...
- Có vụ gì mà nhậu dữ vậy?
- Có gì - Bà vợ nạn nhân đáp - Mấy cha đó cần gì phải có gì. Ở nhà bên kia thì có chén mắm ruốc với mấy que tăm. Mỗi ông cầm một que tăm quẹt vô chén mắm. Một cái tợp một hụm. Sang bên này thì ớt chỉ thiên. Dĩa ớt để giữa, mỗi ông lãnh một trái, cắn một miếng ngửa cổ uống một hớp. Vậy mà cũng hết mấy can nữa là...
- Cũng vui. Kể ra nhậu vậy cũng còn hơn mấy bà đánh bài - Một người nói - Lúc uống vô rồi là rượu nó quậy nó nói chứ đâu phải tụi tôi.
- Mấy ông cứ đổ tại rượu. Tôi chưa nghe rượu nói bao giờ, chỉ nghe mấy ông nói không à. Ông nào nói giọng ông nấy mà cứ đổ tại rượu nói.
Mọi người chợt im bặt vì nghe bên ngoài có tiếng ồn ào, rồi ngay lúc đó một người mới được đưa vào giường số ba. Người này là một thanh niên bị băng nẹp ở cánh tay. Người nhà đi theo là mẹ anh ta. Nhiều người ở các phòng bên cạnh cũng ùa sang. Họ xúm lại hỏi: “Sao vậy? Sao vậy?”. Người nhà quê sốt sắng quan tâm và cũng dễ bộc bạch. Bà mẹ nhìn anh con trai đang thiêm thiếp trên giường, kể đầu đuôi ngọn ngành:
- Nó mới hai mốt tuổi. Vợ nó đẻ con được bảy ngày thì bỏ đi...
- Sao lại bỏ đi?
- Tự nhiên nó bỏ đi không nói tiếng nào. Như là nó đã định đi từ trước hay sao nên nó không chịu cho con bú. Con nó nhỏ quá thành ra tôi phải nuôi. Tôi nói coi liệu kiếm ai về ở cùng còn cơm nước con cái, chứ má già rồi chân tay đâu có mạnh được bao nhiêu nữa. Nhưng nó không chịu là không chịu. Nó nói con sợ đàn bà quá rồi.
- Nó làm gì?
- Làm mướn. Ai mướn gì làm nấy. Tháng trước mưa nhiều, cả tuần liền nó không kiếm được việc làm. Nó sang hỏi mượn thằng anh nó bốn chục ngàn mua sữa cho con. Tới hồi nó mang sang trả, thằng anh nó hỏi: “Sao có bốn chục? Còn tiền lời tao đâu?”. Thằng này mới nói có mấy chục ngàn đó mà lời lãi gì. Thằng kia nói mày tính xù hả, mày xù tao xả một nhát cho mày chết mẹ mày luôn. Thằng này mới nói má tôi cũng là má anh sao anh nói vậy. Nói qua nói lại sao đó rồi thằng kia xách dao ra chém một nhát gần lìa cánh tay thằng này. Vô viện từ hồi hôm, bác sĩ nối gân bó xương lại tới giờ mới xong.
- Trời đất! Vậy thằng anh nó đâu rồi?
- Ui da. Thằng đó rượu vô nó còn vác dao đuổi cha nó chạy trối chết chứ em nó mà nhằm nhò gì. Cha nó chạy trốn vô nhà ông trưởng thôn, nó còn kêu cả trưởng thôn ra hăm, đến trưởng thôn cũng ớn. Vợ nó nó còn hành cho tới chết. Con nó nhỏ quá dì dượng mang về nuôi giùm, nó tới kêu cổng nói con tui ai mượn mấy người nuôi, nó đòi lại rồi đem bỏ trại trẻ mồ côi...
Câu chuyện làm không khí lắng xuống buồn bã. Người ta chia sẻ bằng cách đưa nước uống, đưa bánh mì cho bà, rồi mọi người tản dần.
Khuya. Hai bà vợ của hai bệnh nhân ở giường số 1 và số 2 lôi ghế xếp dưới gầm giường ra ngả lưng. Bà mẹ của bệnh nhân giường số 3 vẫn mở mắt ngồi như tượng bên chân giường cậu con trai. Ðến gần sáng người ta thấy nước uống, bánh mì vẫn còn nguyên như bà chưa hề động tới.
Gần sáng, đó là lúc người thứ tư được đưa vào chiếc giường cuối cùng trong phòng hậu phẫu. Một phụ nữ bị gãy chân. Người đi theo phục vụ là cô con gái khoảng 19, 20. Qua cô con gái, người ta được biết người phụ nữ này bị xe tung. Một người say rượu phóng xe máy tung phải làm chị té xuống đường gãy chân, còn kẻ say cũng bị bay bổng lên trời rồi rớt bịch xuống cách đó chục bước. Cái chân gãy của người phụ nữ vừa được mổ ra xếp lại xương và đóng đinh bắt vít gì đó.
Khi nạn nhân giường thứ tư mở mắt, ngạc nhiên nhìn cô gái đang cầm bịch đá lạnh chườm cái chân đau cho mình, hỏi: “Con là ai?”. “Dạ, con là... con của người tung phải cô”, thì người ta mới biết họ không phải mẹ con. Nhìn lại mới thấy đúng là hai người không thể là mẹ con được.
Cô gái dấp nước lạnh vào khăn, vừa lau mặt, lau tay cho người phụ nữ vừa kể với những người ở các phòng bên cạnh đã kịp có mặt trong phòng:
- Ba con ổng không uống được nhiều nhưng hay uống. Chỉ cần có một chút xíu rượu vô là ổng quậy như giặc vậy. Hồi nhỏ mỗi lần nghe tiếng ổng réo từ đầu ngõ là mấy chị em con vội vàng kêu nhau chạy. “Chạy giặc, chạy giặc tụi bây”. Ðang ăn cơm cũng bỏ đó chạy. Chỉ tội má con. Má không khi nào dám chạy, cứ phải ngồi lại đợi ổng bước vô nhà. Ổng trói má vô cột, chắp tay sau lưng nói: “Cười”, là má con phải cười hờ hờ cho tới khi nào ổng giơ một ngón tay lên nói: “Thôi. Khóc”, má lại phải khóc. Ổng nói “Nín” là phải nín lập tức. Ổng bắt hát má con cũng phải hát, giống như tuồng cải lương vậy. Hồi đó tụi con ngu lắm, có bữa còn đứng rình coi, còn cười nữa chứ.
Cô gái cười. Những người xung quanh cũng cười.
- Bây giờ còn vậy không?
- Bây giờ tụi con lớn rồi không sợ ổng nữa. Mấy đứa em con nó bỏ nhà vô thành phố hết. Con lấy chồng, đưa má con về ở với vợ chồng con luôn. Nhà đó giờ còn có một mình ổng.
- Có chồng rồi hả? Mới bây lớn mà đã có chồng rồi?
- Dạ, tại lúc đó con chỉ muốn có chồng để đi khỏi nhà cho rồi - Cô gái lại cười ngượng nghịu.
Ngoài cửa phòng xuất hiện một người đàn ông dáng khẳng khiu, mặt mũi xây xước tím bầm thò đầu vào ngó nghiêng. Cô gái nhìn thấy liền đi ra. Không cần nói mọi người cũng đoán biết đó là “ông cha vui tính” mà cô gái vừa nói đến. Ông ta thì thào:
- Cái bà đó bả tỉnh chưa?
- Rồi - Cô gái đáp.
- Nghe nói bả làm lớn lắm hả?
- Không biết.
- Mầy có bao nhiêu đó rồi?
- Tui còn có hai trăm, mượn thêm dì Tư được ba trăm nữa là năm trăm. Nhưng bác sĩ nói tiền mổ tiền thuốc ít ra cũng phải hết chục triệu đồng.
- Chục triệu? - Mặt người đàn ông nghệt ra - Giờ mày tính sao?
Cô gái bỏ mặc ông ta đứng đó, vội vã chạy đến bên giường người phụ nữ. “Con đây. Sao cô? Con làm nước cho cô uống nghen?”. Nói rồi cô gái lấy đá lạnh trong bình ra đập nhỏ cho vào bịch ni lông. Ông cha đứng nhìn một lúc rồi khật khưỡng bỏ đi.
Cô gái lấy chiếc phong bì trong giỏ xách ra, rụt rè nói:
- Cô... Ðây là năm trăm ngàn đồng. Bác sĩ nói hết chục triệu, nhưng con mới lo được vậy thôi, cô cầm đỡ, có gì con tính sau.
- Thôi, chuyện đâu còn có đó khoan hãy nói, bây giờ cô đang như thế này...
Nói vậy, nhưng chị lại hỏi:
- Con nói tính sau là tính thế nào?
- Dạ, con tính bán ruộng, nhưng chắc phải còn lâu mới bán được.
Trời sáng từ lúc nào. Tiếng rao của những người bán đồ ăn sáng bắt đầu vọng đến các phòng bệnh. Phòng hậu phẫu chẳng mấy chốc đã đông nghẹt người. Hầu hết là học trò và cha mẹ học trò. Họ đến thăm người phụ nữ nằm giường số bốn. Lúc này người ta mới biết chị là cô giáo. Trong phòng tưởng không còn chỗ chứa nữa, vậy mà từ ngoài cửa người vẫn tiếp tục tràn vào. Họ đứng ngồi ở bất cứ chỗ nào có thể đứng được. Chỉ có vài người may mắn được đứng gần giường cô giáo nghe cô kể về vụ tai nạn. Vài người hỏi thăm viện phí hết bao nhiêu? Nhiều ít? Kẻ gây tai nạn có đền bồi gì chưa? “Chưa”. Cô giáo đáp và chuyển sang nói về số tiền viện phí một chục triệu đồng và chiếc phong bì 500 nghìn của cô gái con kẻ gây tai nạn. Cô nói:
- Tiền thì ai cũng khó, nhưng bây giờ bắt nó bán ruộng bán vườn cũng tội. Người lo là nó chứ có phải cha nó đâu. Mà con nhỏ này nó ngoan lắm. Chu đáo, sạch sẽ, nhẹ nhàng, biết chăm người bệnh lắm. Hồi giờ ước có một đứa con gái như vậy mà không được, ra toàn con trai không. Thôi, xóa nợ cho nó thì còn tình còn nghĩa. Coi như mình lại được thêm một đứa con gái.
- Ðúng lúc đó, tiếng cô y tá trực vang lên: “Ðến giờ thăm bệnh rồi. Mời người nhà ra ngoài cho bác sĩ làm việc”. Mọi người ùn ùn đi ra. Căn phòng nhanh chóng được giải phóng. Cô gái nhân tiện bưng cái bô dưới gầm giường đi đổ. Bà già có ngón tay bị tật chặn cô lại ở hành lang, nói nhỏ: “Ráng mà trả nghe con. Chục triệu cũng phải trả. Người ta không lấy cũng trả. Trả một lúc không được thì trả dần. Mỗi tháng năm, ba trăm, không có nữa thì tháng năm, ba chục cũng được. Trả cho đến khi nào hết thì thôi, đừng mắc nợ, nghe con”. “Dạ...?”, cô gái mở to mắt nhìn bà già, không hiểu.
Bỗng nghe trong phòng tiếng vị bác sĩ kêu to: “Bệnh nhân giường số ba đâu rồi?”. Lúc này mọi người mới ngơ ngác: giường số ba trống trơn. Anh chàng bị chém đứt cánh tay và cả bà mẹ anh ta nữa đã biến mất từ lúc nào. ‘Trốn rồi. Trốn rồi!’. Vị bác sĩ như đã quen với cảnh này, lắc đầu: “Cái tay đó phải điều trị ít nhất một tuần đến 10 ngày mới xuất viện được. Bỏ đi như vậy rồi sao?”. Cô y tá chia buồn: “Vậy là bác sĩ phải đền tiền thuốc?”.
Ðến đây thì tôi rời bệnh viện. Khí trời buổi sáng và màu xanh lúa non trải rộng trước mắt làm tôi thấy dễ chịu hẳn. Ở một quán hàng ngoài cổng đã có một người đàn ông đang đứng mua rượu. Những hàng quán dạng này như mới dựng lên chủ yếu để bán cho cánh thợ đông đúc đang làm việc bên khu bệnh viện mới. Chủ quán là một người đàn bà đang vừa đậy nắp can vừa nói: “Ai nói sao chứ tôi thích đàn ông phải biết uống à. Ðàn ông mà không biết uống nhìn tướng nó hãm tài bần tiện sao sao, không có phóng khoáng, phải vậy không?”.
Tôi lại nhớ đến câu nói đã nghe trong phòng hậu phẫu hồi đêm: “Mấy ông cứ đổ tại rượu. Tôi chưa nghe thấy rượu nói bao giờ...”. Ðúng vậy. Tôi cũng chưa nghe rượu nói bao giờ, chỉ mới nghe người bán rượu nói. Những người bán rượu ở vùng này nghe đâu toàn là đàn bà con gái cả.
Kết Thúc (END) |
|
|