Diệu ngửa cổ để những tia nắng mặt trời chảy tràn trên khuôn mặt rồi cảm nhận sự ấm áp lan tỏa đi khắp cơ thể. Diệu đưa bàn tay ra và tưởng tượng cô vừa nắm lấy tay mình thủ thỉ: “Em thấy không, dưới ánh mặt trời mọi vật đều ngập tràn năng lượng. Đâu có gì đáng sợ”. Nước mắt Diệu ứa ra chầm chậm tan vào một buổi sáng mùa đông giữa thành phố ồn ào, náo nhiệt. Diệu không chỉ nhớ tới cô lúc chông chênh nhất để có thêm sức mạnh vượt qua những biến cố thăng trầm của đời sống đô thành ập đến mà đứng trước những quyết định quan trọng của cuộc đời Diệu cũng nghĩ về cô như một phép lành. Hôm nay là ngày Diệu cùng các nhân viên trong công ty phát động phong trào gây quỹ “Chung tay vì trẻ em tự kỷ”.
Đã có lúc bệnh cũ tái phát, Diệu thấy sợ con người, sợ ánh sáng mặt trời và chỉ muốn vùi mình trong một căn phòng ngập tràn bóng tối. Hệt như khi tám tuổi Diệu từng tìm cách rời xa cuộc sống xung quanh, rơi tõm vào hố sâu ám ảnh. Ngày ấy nếu không có cô nắm lấy bàn tay đứa học trò bé bỏng dắt ra ngoài vùng sáng thì sẽ chẳng bao giờ có Diệu của ngày hôm nay cả. Từ cô bé bị mắc bệnh tự kỷ Diệu đã vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân để sống, vươn lên như chồi non, lộc biếc. Cô chính là người đã giúp Diệu hồi sinh để sống một cuộc đời mới. Mãi mãi trong tâm trí Diệu là câu nói ấm áp: “Nắm lấy tay cô. Đừng sợ…”.
Nhà Diệu nghèo. Mà thật ra ngày ấy ở làng Diệu có mấy ai không cơ cực vì miếng cơm manh áo. Hạn hán kéo dài, mất mùa liên tục khiến gánh nặng mưu sinh đè lên vai mỗi phận người. Diệu đã quen với những bữa cơm độn sắn ăn lẫn với cá mắm hoặc tép đồng kho. Quen với cảnh ra đồng bòn từng cái rau, xuống sông đãi từng con hến. Quen với tiếng sôi bụng ùng ục vì đói lúc nửa đêm. Nhưng Diệu lại không thể nào quen được những trận cãi vã tối ngày trong gia đình mình. Bố mẹ vốn khắc khẩu vì túng bấn lại càng thêm mâu thuẫn. Diệu thấy mình lọt thỏm trong thế giới âm thanh hỗn loạn. Mỗi lời chửi bới, nhiếc móc của người lớn đều như mũi kim nhọn hoắt đâm vào da thịt Diệu. Âm thanh như được khuếch tán vang dội còn Diệu thì ngày càng co quắp trong sợ hãi. Những lằn roi của bố quất xuống thân thể mẹ là nỗi ám ảnh khiếp đảm đối với một đứa trẻ mới lên tám tuổi. Ngày nhìn thấy máu của mẹ dính vào sợi xích trên tay bố, Diệu như bị một cú đập trời giáng đẩy bật vào thế giới tràn đầy bóng tối. Kể từ đó Diệu rất sợ ánh sáng và không muốn gặp gỡ bất cứ ai. Nghe một tiếng người cũng run rẩy trong tim nỗi sợ. Trong cơn tức giận, bố mẹ chỉ nghe thấy tiếng gào thét của chính bản thân mình. Họ không nhìn thấy âm thanh mà mình phát ra đủ sức mạnh để hủy hoại tâm hồn con trẻ.
Diệu thích ở trong bóng tối để không có bất cứ ai phát hiện ra mình. Ánh sáng mặt trời khiến mắt Diệu nhức nhối. Diệu cảm giác như từng tia nắng có thể khiến cơ thể mình tan chảy. Đến lớp, Diệu ngồi co ro trong xó, tránh xa cửa sổ và không muốn nói chuyện với bạn bè nữa. Từ chỗ là một học sinh giỏi, Diệu sa sút dần, bài kiểm tra nào cũng điểm kém. Ngày họp phụ huynh bố mẹ Diệu bận không đến được. Nhà trường nhắn tình hình học tập về nhà, Diệu lại bị một trận đòn nhừ tử. Câu hỏi “tại sao?” mà bố hỏi lúc quật roi thật mạnh vào da thịt Diệu vốn không phải để trông đợi một lời giải thích. Diệu ngày càng ít nói, không muốn gặp ai và chỉ chơi với những con vật nhỏ. Đó là chú chó con bụ bẫm như cục bông, đàn gà chíp lông vàng mổ cái mỏ xinh xinh xuống bàn tay Diệu. Trưa nào Diệu cũng ru những con vật nhỏ ngủ bằng cách nắm chặt chúng trong tay quay vòng cho đến khi tất cả quay đơ.
Diệu nằm trong bóng tối để quan sát mọi thứ xung quanh. Tiếng mẹ khóc đã âm thầm chảy vào trong tâm trí Diệu mỗi ngày. Diệu nhìn thấu cả những ánh mắt tò mò của hàng xóm đang đứng ngoài hàng rào nhìn vào nhà mình để xem bố mẹ đánh chửi nhau. Trong số họ có cái Hân, thằng Hưng, con Hạnh là bạn cùng trang lứa với Diệu. Ngày mai khi Diệu đến lớp chúng sẽ nhìn Diệu bằng ánh mắt thương hại. Sẽ rỉ tai nhau thì thầm vài câu gì đó, có khi là cười cợt. Còn mẹ, lúc thì mẹ trách thân trách phận: “Gánh cực mà đổ lên non/Cong lưng mà chạy, cực còn theo sau”. Khi thì mẹ trách con: “Mang nặng đẻ đau, nuôi cho lắm vào. Giờ nó nhìn thấy mẹ bị đánh mà không biết nhảy vào can ngăn bảo vệ mẹ. Tôi còn sống để làm gì? Rồi tôi cũng chết trong cái nhà này”. Những lời than trách của mẹ xoáy vào tâm trí Diệu, sắc như một lưỡi dao.
Hồi ấy có một bà đồng ở đâu đó về làng. Bà đi đến đâu là người ta xúm xít lại đó. Thích cổng nhà nào thì bà dừng lại, vào xin chén nước. Bà săm soi bàn thờ, bát hương, hướng nhà rồi rỉ tai gia chủ. Một buổi sáng bà tìm đến nhà Diệu đúng lúc bố đi vắng. Bà nhìn mẹ Diệu rồi thở dài bảo: “Số cô vắn lắm. Chẳng sống được bao lâu nữa đâu. Sớm mà thu vén nhà cửa cho ổn thỏa để nếu tổ tiên có gọi cũng yên lòng nhắm mắt”. Diệu ngồi trong xó tối, từng câu của bà đồng Diệu nghe thấu. Kể từ đấy đêm nào Diệu cũng gặp ác mộng. Diệu mơ thấy mình đội khăn tang trên đầu vừa ôm ảnh mẹ vừa gào khóc trên cánh đồng nham nhở đường cày. Mẹ nằm trong quan tài, Diệu gào khóc cũng không còn nhìn thấy khuôn mặt mà mình yêu thương nữa. Từng xẻng đất được hất xuống, huyệt mộ lấp đầy. Diệu tuyệt vọng kêu gào cho đến khi thấy mình rơi xuống một hố sâu đen ngòm không đáy. Nỗi sợ hãi khiến Diệu bừng tỉnh giữa đêm, ngó sang bên cạnh thấy mẹ đang nằm co quắp.
Diệu đến lớp mang theo nỗi hoảng sợ giấu trong đôi mắt. Không một ai quan tâm đến Diệu cho đến khi cô Hạnh về trường. Diệu vẫn nhớ ngày đầu tiên thầy hiệu trưởng dẫn cô vào nhận lớp. Cô chầm chậm nhìn quanh từng học trò nhỏ của mình. Mắt cô chợt dừng lại ở Diệu, âu yếm nở một nụ cười. Diệu cúi đầu, miết những ngón chân xuống đất. Miết cho đến khi ngón chân xây xát thì Diệu sẽ lặng im để tận hưởng cảm giác đau rát ấy. Đó là khoảng thời gian Diệu thích làm đau mình. Đêm ngủ thường cắn cụt mười đầu ngón tay cho đến khi chảy máu. Bất cứ vật sắc nhọn nào lọt vào tầm mắt Diệu cũng có thể lấy để miết vào da thịt chính mình. Cảm giác đau đớn sẽ lấn át cơn sợ hãi trong đầu Diệu. Nếu không thì lúc nào Diệu cũng thấy có một luồng sáng muốn nhấn chìm mình. Có một vòng tang trắng muốn thắt nghẹn cổ mình. Có một huyệt sâu nào đó muốn chôn vùi mẹ. Ai đã từng mắc phải căn bệnh tự kỷ mới có thể hiểu được một thế giới bấn loạn trong sợ hãi và ám ảnh. Đã có lúc Diệu còn tưởng tượng ra mười ngón tay mình biến thành mười ngọn lửa, phừng phừng cháy thành tàn. Bây giờ nghĩ lại Diệu còn thấy rùng mình.
Cô Hạnh là chủ nhiệm lớp của Diệu. Hồi ấy cô còn trẻ lắm, tụi Diệu là lớp học trò đầu tiên của cô. Diệu nhớ màu áo hoa cô mặc, nhớ mùi thơm hương bồ kết trên mái tóc cô, nhớ những ấm áp dịu dàng mà cô dành cho Diệu trong những tháng ngày chìm sâu vào bóng tối. Nhà cô gần nhà Diệu, cách có một cánh đồng nên sáng nào cô cũng qua nhà đón Diệu tới trường, trưa thì đèo về tận cổng. Trên đường đi cô hay kể chuyện cho Diệu nghe. Qua từng lời của cô một thế giới khác lạ hiện ra tràn ngập âm thanh vui nhộn và ánh sáng diệu kỳ. Mỗi khi kể xong cô đều hỏi: “Em có muốn được một lần đến đó hay không?”. Diệu im lặng nhưng lúc buồn nhất lại thường nghĩ về thế giới lạ xa mà cô từng nhắc đến.
Cô đưa cho Diệu cuốn truyện cổ Grimm và dặn lúc nào rảnh mang ra đọc. Nhờ những cuốn sách của cô mà Diệu nhích dần ra ánh sáng. Vì trong bóng tối những con chữ không thể hiện ra nên mỗi trang sách mà Diệu đọc đều có chút ánh sáng dự phần. Sách cũng giúp Diệu chìm vào giấc ngủ nhẹ nhàng hơn. Những cơn ác mộng mất dần đi, Diệu bắt đầu với giấc mơ kỳ lạ. Cô vẫn luôn ở đó nhẫn nại nghe Diệu kể. Thấp thoáng trong câu chuyện của mình Diệu đôi lần nhắc đến gia đình như bắt đầu cởi bỏ dần dần từng ẩn ức. Bàn tay cô vỗ về trên đôi vai bé nhỏ. Cô nói: “Cuộc sống rồi sẽ tốt đẹp hơn”. Đó là khi mùa màng đã trở lại tốt tươi. Từng cây lúa trĩu bông và những bữa cơm đã không còn độn sắn. Khi nỗi lo cơm áo gạo tiền đã bớt nặng trên vai bố mẹ. Cô vài lần ghé nhà Diệu ngồi chơi. Khi thì gặp mẹ đang phơi lúa ngoài sân. Có lúc gặp bố đang ngồi đan sọt ngay ngoài ngõ. Cô ngồi lâu thật lâu nói chuyện gì Diệu cũng không nghe rõ. Nhưng kể từ đó Diệu không còn phải chứng kiến cảnh cửa nhà ầm ĩ. Những vết thương trên cơ thể mẹ cũng đã lành dần…
Đã có lúc hồi tưởng lại quá khứ Diệu không nghĩ mình có thể vượt qua được những năm tháng đó. Trong số hàng nghìn trẻ bị mắc bệnh tự kỷ không phải ai cũng tìm thấy cơ hội để hòa nhập với cộng đồng. Diệu đã mất gần sáu năm mới có thể bắt nhịp lại với bạn bè cùng trang lứa. Suốt thời gian đó cô giáo giống như tia sáng ấm áp và êm dịu đã bền bỉ đi bên cạnh Diệu. Nếu không có cô thì làm sao có Diệu của hiện tại năng động, tài giỏi và thành đạt trong con mắt người đời. Mỗi lần về quê Diệu đều ghé thăm cô. Hai cô trò thường ngồi dưới tán cây kể cho nhau nghe những câu chuyện đời thường. Diệu thấy mình nhỏ lại như cô bé lên mười được cô cầm tay dắt đi trên thảm cỏ tràn ngập ánh mặt trời. Kể từ đó Diệu là mầm cây được hồi sinh sống cuộc đời xanh ngát. Diệu sẽ nuôi dưỡng tình yêu ấy thành sức mạnh truyền cảm hứng cho những đứa trẻ bị mắc bệnh tự kỷ như mình. Bởi Diệu tin lời cô từng nói: “Dưới ánh mặt trời mọi vật đều ngập tràn năng lượng”.
Kết Thúc (END) |
|
|