Nắng lên, chỗ tường ấy là một khoảng trống mênh mông. Thì bao năm bộ quân phục ông Lãm vẫn treo ở đấy, gài thêm cái mũ cối. Mà nhà vắng bàn tay đàn ông bao năm rồi, cả bốn bức tường cũng chỉ có mỗi cái đinh ấy.
Ông cụ đi có trăm cây số mà nghe xa xôi quá. Sáng nay là một ngày khác với mọi ngày, cô con gái út chạy khắp làng hỏi mượn cái khóa, thứ duy nhất ở căn nhà này chả bao giờ có. Mượn được khóa rồi, mắc lên hai cái tai khóa đã hoen rỉ từ năm nảo năm nào, bà Lãm đi chợ, ra đến cổng còn ngẩn ngơ nhìn vào nhà. Tai bà còn văng vẳng câu nói hôm nào của anh bộ đội có thân hình cường tráng cầm cái khăn mặt ra giếng nước nói vọng vào:
- Từ nay tôi sẽ ở nhà trông nom cơ nghiệp với mình cả đời.
Nhưng lần này ông phải cất công một chuyến đi thật.
Không đi thì cái cây và tảng đá cứ ám ảnh ông mãi. Đã có cả chục lần đoàn tìm kiếm hài cốt dùng bản đồ định vị, bao cuộc đào xới tìm kiếm nhưng mà chừng ấy năm, đến cây rừng còn khô mục, suối đã đổi dòng rồi mưa lũ, biết cái mộ chôn vội ấy ở đâu mà tìm.
Một sáng, mưa phùn lay phay, bà Liên, vợ của người đồng đội cũ lặn lội từ Bắc Ninh lên ngồi trước hiên, khuôn mặt như một miền hoang mạc đã khô những dòng sông lệ. Bà nói bình thản như chuyện của người khác.
- Ông nhà em không may nằm lại chỗ ấy, vật đổi sao dời, chừng ấy lần đi, chắc ở đâu quen đấy, ông chẳng muốn về với mẹ con, bà cháu em nữa rồi bác ạ!
Ngừng lại một chút, bà Liên nói tiếp:
- Năm nay, nhờ giời làm ăn có bát ăn, bát để, các cháu định sửa sang lại cái nhà từ đường, rồi định... nhưng mà nào có biết di cốt ở đâu mà xây.
Cũng chẳng phải lần đầu ông thấy ngậm ngùi nghe câu nói ấy. Chừng ấy năm, nuôi mấy đứa con ăn học, dựng vợ gả chồng, có lúc chính ông còn lãng quên những năm tháng chiến đấu, đánh mất ký ức của mình nơi cánh rừng già ấy. Nhưng mà cái gì đã ám ảnh thì luôn nhức nhối. Có đêm tỉnh giấc, giữa không gian làng quê vắng lặng, ông chợt nghĩ: "Mình đã đi chừng ấy năm nhưng vẫn còn nợ một chuyến đi". Hôm nay, câu nói của người vợ một người đồng đội như dội vào tim ông.
Ông Lãm thức trắng một đêm. Mặt đất có đổi thay, dấu vết của rừng già dẫu được xóa nhòa thì nào có ai xóa nổi cái cây và hòn đá ấy trong lòng ông. Giờ đoàn quy tập mộ liệt sĩ, có cả các bạn cựu chiến binh Lào, nghe bảo trong rừng vẫn còn hàng trăm người lính nằm lại. Tuy ở nhà, nhưng đã có bao lần ông được nghe bạn bè gọi điện về, có khi là cuộc gọi từ chính chân núi Long Chẹng, nơi đất mẹ đang ôm trong mình nắm xương của những người lính trẻ.
Đêm ấy, cao điểm của bọn phỉ nắm giữ tối đen như mực. Đêm không trăng ở miền đất lạ càng mênh mông. Trinh sát đã thám thính, cũng chỉ một con đường duy nhất, men theo vách đá, có chỗ non một bàn chân, người nào muốn leo lên phải giữ thăng bằng. Nếu mất bình tĩnh, giật mình bám tay vào một mỏm đá, một bụi dây leo hay làm một con chim rừng giật mình vỗ cánh phát ra tiếng động, sẽ làm mồi cho khẩu trung liên trên kia. Trên cao, gió thổi ù ù bên tai, gió như thổi từ họng súng. Trong cuộc chiến này, nếu không bắt những họng súng khát máu kia câm họng, sẽ còn bao sinh linh người Lào, người Việt vô tội phải ngã xuống.
Tất cả những người lính lặng lẽ bám theo nhau trong đêm. Thường ngày, họ là những người quê Bắc Ninh, Bắc Giang, giọng nói lúc nào cũng như nước giếng Đền Cùng sóng sánh lời quan họ. Người Nam Định mang tiếng nói khẳng khái của miền biển, mấy cậu quê Hòa Bình, Phú Thọ, có tý rừng núi lúc nào cũng nhanh nhảu kiếm thức ăn cải thiện bữa cơm dã chiến. Giờ đây tất cả đều lầm lũi giẫm lên dấu chân nhau. Miền đất của triệu voi hiền hòa. Ngay cả đến những người lính xứ sở triệu voi này đang cầm súng cũng không thể ngờ được trên quê hương của mình lại có những tên thổ phỉ thâm độc. Bao mùa trăng rừng chảy máu, cả những thớt voi lừng lững gục xuống, người Lào ly tán, điệu Lăm Vông chẳng còn được múa trong đêm bình yên như thuở nào.
Qua những gian nan tưởng như không thể vượt lên, họ đã tiếp cận tới điểm cao, cảm giác họng súng đen ngòm nhìn mình như con quái vật. Thoáng chút rùng mình nhưng Lãm đã kịp trấn tĩnh, sợ là đồng lõa với cái chết, phải can đảm tìm tới tử huyệt mà kết liễu nó. Lặng lẽ, đá vẫn sắc và lạnh như ngày nào bước chân trên dãy Trường Sơn, từng người một cắp súng luồn sâu vào hang ổ địch. Súng đã nổ, chát chúa, tiếng súng địch đáp trả gay gắt không kém... Trận chiến quyết liệt, có lúc địch bị đánh lui nhưng lại phản công. Rất may là bên ta ít thương vong. Càng về sáng, cuộc giằng co càng quyết liệt. Lãm không nhớ được mình đã bị thương vào cánh tay phải như thế nào nhưng toàn bộ lực lượng của địch chốt giữ cao điểm đã bị tiêu diệt.
Phải nhanh chóng rút quân trước lúc trời sáng, đã có lệnh từ cấp trên báo xuống, lực lượng ta mỏng cần chi viện mới có thể chắc chắn chốt giữ. Đêm đặc quánh, sau trận chiến súng nổ chát chúa, không gian lại yên tĩnh rợn ngợp. Rừng xanh trở lại sự thanh bình. Trong đêm tối, Lãm sờ nắn, anh nhận ra cánh tay bên phải đau buốt đã bắt đầu rỉ máu ở chỗ vải băng bó, buông thõng, khẩu AK báng gập khoác trên vai. May là mảnh đạn chỉ găm vào phần mềm nhưng anh thấy choáng váng. Lãm cố hết sức mà không kéo nổi Hùng nhích lên khỏi mặt đất. Lúc này đơn vị đã rút. Ban nãy, khi hết đạn, anh đã phải sử dụng cả khẩu AR-15 của địch nên chắc nghe tiếng súng nổ, đồng đội không nhận ra bên mình, nghĩ rằng còn tên địch nào đó đang cố thủ. Người Hùng mềm nhũn như một miếng thịt, trong bóng tối Lãm vẫn cảm nhận được hơi thở yếu dần. Ở giữa nơi rừng núi, lúc đất trời hòa làm một, con người ta cảm nhận rõ hơn lẽ sinh tử, sống và chết chỉ trong gang tấc. Mình sẽ bế được Hùng lên, cả một miền quan họ đang bừng sáng trong tâm trí anh. “Tất cả đang đợi mày đó Hùng!”, Lãm nói như nghẹn lại, anh với tay tìm lỗ mũi bạn, mới thôi mà, tưởng hơi thở vừa qua đây, nhưng mà Hùng ơi...
Còn nhớ lúc chiều, cái buổi chiều không ngờ sẽ đi vào ký ức ấy, khi nghiên cứu địa hình, quan sát và cùng đồng đội báo cáo chỉ huy không thể tiếp cận mục tiêu khi còn ánh mặt trời, ông Lãm đã ngắm rất kỹ cái cây có những cái chạc rất đẹp. Miền đất này sẽ được giải phóng, nhất định anh sẽ về thăm lại. Đêm ấy, anh đã vùi đất chôn cất Hùng bằng trí nhớ trước khi ánh mặt trời tắt. Tảng đá anh vần để vùi lên, không quên bỏ vào chiếc bi đông nước một cây bút anh luôn gài trên ngực áo. Đêm đen không cho anh ghi một dòng tên Hùng trên đó, tất cả chỉ có thể đánh dấu được như thế. Ai ngờ sau đêm ấy, Lãm xa nơi này mãi.
*
Một bàn tay đập nhẹ vào vai ông Lãm. Ông Lợi, tiểu đội trưởng đã đứng bên ông từ lúc nào. Đã hơn 30 năm, từ cái chiều hôm ấy ông mới lại nhìn thấy ánh mặt trời gác trên đỉnh núi nơi đây, vẫn vầng đỏ ối ấy, vẫn màu trời xanh bình yên.
- Cánh mình già rồi, có lục tung cánh rừng cũng không thấy đâu ông Lãm à, mà cái chân ông giờ còn nhúc nhắc được không - tiếng ông Lợi ồm ồm.
- Ông để tôi thử nốt một lần - ông Lãm quả quyết nói với người đồng đội già.
Ông đi, cảm thấy như toàn thân đang chống lại mình, mình mẩy đau ê ẩm. "Nhưng mà có phải cậu chờ mình không Hùng? Đợi mình đến cậu mới cho mọi người tìm thấy cậu? Trước lúc quay lưng rút đi mình đã hứa với cậu mình sẽ trở lại. Ba mươi năm có lẻ, ừ, ba mươi năm thì mình vẫn lên đây tìm cậu".
Ông Lãm đi mãi, vẫn quanh sườn dốc ấy, mà sao không có một cái cây hay tảng đá nào. Ông bình thản, mình thất bại, lại thêm một lần thất bại như cái đêm không đưa được Hùng về tuyến sau. Ông lặng lẽ châm thuốc hút. Làn khói bay ngơ ngác giữa rừng già. Ông cúi xuống một mô đất rồi thì thầm như lời tạ tội, mắt ông nhòe đi...
Bất chợt, ông thấy một cánh chim vụt bay lên từ mỏm núi, cái mỏm núi sao nhìn quen đến vậy, ông càng cố gắng nhớ càng thấy khó, ờ, đúng rồi, cũng góc núi này, trời... Hùng ơi. Cái cây, tảng đá đâu rồi, mình đã già rồi có đâu trẻ mãi như cậu ngày nào. Cậu đây rồi, ngay tại chỗ này…
Đoàn người vỡ òa hạnh phúc, những chàng thanh niên sinh ra sau chiến tranh nhẹ nhàng nâng niu từng mảnh xương còn sót lại của người chiến sĩ năm nào. Ông Lãm run run nâng chiếc bi đông nước, thời gian đã làm chiếc nắp hoen rỉ nhưng bên trong, chiếc bút máy vẫn còn khá nguyên vẹn. Nhớ ngày mới hành quân, đã nhiều lần Hùng mượn ông chiếc bút ấy để viết những lá thư về nhà. Mỗi lần đưa trả, Hùng vẫn thường hay đùa: “Sao chữ mình viết đẹp thế mà cậu không tặng mình chiếc bút này nhỉ?”. Thì đã hơn ba mươi năm, những đứa con của cậu đã trưởng thành, cậu đã là ông nội và ông ngoại, chỉ có cây bút này giữa rừng làm bạn cậu có buồn không? Những ý nghĩ ấy cứ văng vẳng trong đầu ông suốt hành trình đưa Hùng về với miền quê Kinh Bắc. Cho đến khi viên đá cẩm thạch cuối cùng được ốp lên ngôi mộ khang trang của bạn, ông Lãm mới lặng lẽ lên xe về nhà. Chuyến đi đầy may mắn và thành công. Ông cảm thấy lòng thảnh thơi như thuở nào còn khoác khẩu súng lên đường hành quân vào chiến trường C. Những giọt nước mắt rồi sẽ ngưng đọng lại thành ký ức, mình đã kịp đưa Hùng về với gia đình, để hằng ngày cậu vẫn được nghe tiếng hát quan họ vang lên trên quê hương. Tiếng hát thanh bình nhờ có cả máu xương và tuổi thanh xuân của cậu đấy Hùng ạ. Đôi mắt ông nhòe đi khi bóng chiều đã ngả bên kia con dốc, lại một buổi chiều như vừa tiếp nối của buổi chiều ký ức ấy.
Chiều ấy về đến nhà, ông Lãm lại treo bộ quân phục cũ kỹ lên góc tường. Bà Lãm nhìn chồng, đôi mắt nhòe đi nhưng ánh lên một niềm vui.
- Lần này ông không đi nữa chứ?
- Ừ, bà ạ, tôi sẽ ở nhà trông đàn gà với bà và dắt thằng cu Bi tập đi. Mà sao bà không lấy cho tôi cái khăn tắm ra giếng rửa mặt cho mát chứ?
Kết Thúc (END) |
|
|