Không biết giấy khai sinh chú tên gì nhưng ngoài đời người ta cứ gọi chú là chú Cuội. Người quen trong xóm hay đùa: cái tên “lợi hại” thật; bất kể tuổi tác, bất kể tóc trên đầu nửa muối nửa tiêu, lúc nào và ở đâu cũng luôn được gọi “chú Cuội”, nghe rất… trẻ trung! Người khác trêu thêm: cha này chắc… nói láo lắm đây; không thế sao lại mang tên “cuội”? Ai nói sao chú Cuội cũng cười; cái cười hiền khô như con người chú!
Nhà chú Cuội ở tận dưới lũng núi. Một thời chỗ ấy là “khu trung tâm”, có con đường duy nhất ra vô xã. Đường băng qua sông, qua suối rồi vào xóm nhà. Xóm có vài chục nóc. Sau này quy hoạch đổi thay, “khu trung tâm” dời đi nơi khác kéo dân xóm dời theo. Đường “độc đạo” một thời cũng bị bỏ quên do có đường mới thế chân. Xóm cũ giờ còn trơ mỗi nhà chú Cuội; thêm gian trường cũ bỏ hoang và một ngôi chùa nhỏ nữa là ba. Trường được tận dụng làm nơi dạy ban đêm cho các em học trò thuộc diện khó khăn không ra được lớp ngày.
Giáo viên dạy phổ cập là tôi, vừa ra trường được phân công lên miền núi…
Lần đầu tiên tôi biết chú Cuội là trong dịp khai giảng lớp phổ cập. Một ông chú khô đét, xương xẩu, mặt mày khắc khổ nhưng vẻ hiền lành và nhân hậu. Chú đem trao sách vở của đoàn thiện nguyện Phật giáo gửi tặng học trò vùng khó khăn. Hỏi ra, đây là hoạt động thường niên của cộng đồng Phật tử địa phương mà chú Cuội là thành viên tích cực! Nhà gần trường nên chú Cuội giữ giúp chìa khóa phòng học; đêm nào có lớp mới qua bật đèn, mở cửa. Mấy nhỏ học trò vẻ rất quý mến chú. Kỳ lạ, yêu mến mà lại lễ phép, không có chuyện “lờn mặt” sinh hỗn hào dù cho trong đám học trò phổ cập không thiếu “cậu” tính rất hư. Sau này tôi mới hiểu ra: thấy bộ chú hiền nhưng chắc không nhu nhược. Bằng chứng: có lần đêm tôi đang dạy thì một tốp thanh niên xóm uống rượu ngà ngà chui vô trường toan chọc ghẹo. Gọi chú Cuội; chú qua, lẳng lặng dắt tay “ông đầu đảng” ra ngoài nhỏ to gì đó hồi lâu. Rốt cuộc, cả đám kéo nhau đi. Hoàn hồn nhưng tôi vẫn chưa hết lo. “Liệu mấy ổng… có quay lại nữa không chú?”. “Không đâu, cô giáo yên tâm…” - chú Cuội cười. Vẫn cái cười hiền khô. Tôi bán tín bán nghi, phập phồng mất vài hôm; nhưng chú nói đúng thật!
Ngôi trường hai phòng học bỏ hoang nhìn rất thảm. Nhỏ xíu, cũ mèm, lá cây rụng chồng chất lớp trên mái ngói, lớp dày ngoài sân. Nhưng đáng sợ hơn là cảnh hoang vu. Nghe bảo ngày xưa xóm còn thì trường cũng đông vui. Nhưng giờ, nhìn cảnh hai gian phòng bé tẹo rúc sâu giữa không gian cây cối um tùm hệt như cái… Quỷ Cốc! Nói thật, nếu không có ngôi nhà chú Cuội luôn sáng đèn kề bên chắc chắn cái nhiệm vụ này cho kẹo tôi cũng không dám nhận! Đêm, tôi đứng lớp bên này nghe tiếng lá khô va xào xạc, tiếng gió luồn hun hút trên cao mà mắt cứ lom lom qua nhà chú Cuội để được trấn an rằng nhà chú đèn vẫn sáng cửa vẫn mở. Yên tâm bởi chú luôn có nhà, sẵn sàng hỗ trợ nếu cô giáo tôi gặp “nguy nan”…
Gần lâu thành thân, tôi hay qua chú Cuội chơi, đàm đạo những khi đến sớm học trò chưa có mặt. Nhà chú nhỏ, đơn sơ đúng kiểu những ngôi nhà tạm vùng kinh tế mới. “Sao chú không theo dân xóm vào khu trung tâm?”. “Tui lớn tuổi, cần yên tĩnh, vô đó làm chi?”. “Với lại nơi đây gần chùa…”. À, ra vậy. Tôi quên chú Cuội là Phật tử nhiệt tâm. Chú bảo, đêm nào không phải “giữ an ninh” cho tôi chú lại lên chùa…
Có lần tâm sự với anh đồng nghiệp người bản địa, biết rõ về chú Cuội, anh bảo: “Thấy ổng vậy chớ “đại gia” đó, không phải vừa đâu!”. “Đại gia” gì nhà cửa, bộ dạng vậy anh?” - tôi trố mắt không tin. Anh cười: “Là mình… nói ngang, chính xác phải nói con trai ông ấy là “đại gia”. “Chú Cuội có con trai? Vậy sao chú sống một mình?”. “Cái này cô giáo phải hỏi ổng chớ mình thua. Ổng cũng thuộc loại “dị nhân”, ít giao tiếp với ai. Nhưng con trai ổng học hành giỏi giang, mở công ty to làm ăn phát tài trên phố là thật. Trước giờ cậu ấy vẫn hay về quê làm từ thiện, hỗ trợ học sinh nghèo…”. Vậy mà trò chuyện với tôi chú không bao giờ đả động đến chuyện đó.
Tôi đâm tò mò hơn về chú Cuội, người bạn vong niên tôi ngày càng thấy mến. Gần chú, tôi luôn có cảm giác an toàn cho dù không ít người “hù” tôi về những nguy cơ khi kết bạn với một người đàn ông… không vợ, lại còn hay gặp gỡ, chuyện trò nơi vắng vẻ. Kệ, tôi tin vào trực giác phụ nữ. Với chú, tôi như người bạn nhỏ; một người bạn đặc biệt mà chú vừa tôn trọng như cô giáo lại vừa yêu quý như con. Có lần chú bảo: “Xưa, tui rất thèm có đứa con gái như cô”. Nói tới đó, mặt chú chợt thần ra, hiu hắt mất một giây. Chỉ một giây thôi, bởi trong chớp mắt nó đã lại bình thường, dễ thương với nụ cười cố hữu! “Vợ tui thì thích con trai. Kết cục, thằng nhỏ ra đời đúng theo ý nguyện của bả”. Từ lúc quen biết, đây là lần đầu tiên chú hé miệng chuyện riêng tư. Tôi lập tức “tranh thủ thời cơ”: “Vậy cô đâu rồi hả chú?”. “Chết rồi. Bà ấy chết sau khi sinh thằng nhỏ”. Té ra chú một mình làm thân gà trống nuôi con. Té ra chú gắn bó với ngôi nhà này không chỉ bởi muốn sống gần chùa hoặc ưa yên tĩnh.
Bất giác tôi nhìn vô gian thờ bài trí khá khang trang giữa căn nhà nhỏ. Nhìn quanh quất trái phải. Biết ý, chú Cuội bảo: ”Không có ảnh của bà ấy đâu”. “Sao vậy chú?”. “Tại tui muốn bà ấy nhẹ nhàng siêu thoát, “đi” không vấn vương nhà cửa, quyến luyến tình thân”. Ngạc nhiên. Lần đầu tôi nghe cái ý tưởng hơi “đi ngược” lại tập tục thường tình. Bữa ấy, cũng lần đầu tiên chú Cuội giảng cho tôi một bài về lẽ sinh tử theo giáo lý nhà Phật. Học trò cô giáo tôi ngoan ngoãn ngồi nghe “ông thầy” xương xẩu gầy gò “khai thị”. Bể kiến văn của cuộc đời thật mênh mông quá. Tôi, cô giáo từng có tới mười lăm năm đèn sách, từng nghe những vị thầy từ áo quần bình dị cho tới cà vạt com lê đạo mạo giảng bài; nhưng tôi chưa bao giờ hình dung nổi có ngày sẽ được gặp một “ông thầy” trong bộ dạng như chú Cuội.
Tôi nhìn lại lần nữa gian thờ trong ngôi nhà nhỏ. Bên trên đóng trang thờ Phật; dưới thấp là bàn thờ gia tiên. Không có bất cứ tấm ảnh nào của người đã khuất ngoài bình hoa, cỗ trái, bát hương. Phải rồi, chắc chú không muốn người khuất mặt quyến luyến... “Không như cô giáo nghĩ đâu, đây có lý do khác!” - chú Cuội lại cười. Giật nảy cả mình. Giờ thì tôi tin anh bạn đồng nghiệp không nói chơi. Chú Cuội đúng là “dị nhân”, đọc được cả ý nghĩ. Trấn tĩnh, tôi giả lả: “Lý do gì vậy chú?”. “Vì tui không có mẹ cha. Chính xác, tui không biết mặt mẹ cha. Tui lớn lên trong trại mồ côi”.
Ra vậy, hết bất ngờ này tới bất ngờ khác. Lần đầu tiên chú Cuội cởi mở với tôi về thân thế. Chắc thâm tình lắm chú mới kể. Một tuổi thơ bất hạnh, bị bỏ rơi ngay từ lúc mới lọt lòng. Người mẹ nào lại nỡ nhẫn tâm với đứa con mình rứt ruột đẻ ra đến vậy tôi thật không hiểu? Tôi nhớ đến chuyện tôi: mẹ không cho vô thành phố học đại học báo chí dù tôi trúng tuyển; lý do không đủ tiền. Mẹ bảo tôi nhập học trường cao đẳng sư phạm địa phương. Con gái đi theo nghề giáo là hợp tạng; học sư phạm gần nhà, còn được miễn học phí - mẹ tính toán, kết luận gọn hơ. Có vậy mà tôi giận mẹ suốt mấy năm, quy cho mẹ cái “tội” ngáng trở ước mơ con cái!
Tháng Bảy âm lịch, tôi ghé chú Cuội chơi nghe chú hỏi: “Rằm này cô giáo muốn lên chùa không?”. Tôi ngần ngừ: “Dạ lâu nay cháu chưa đi”. “ Rằm tháng Bảy người ta về chùa cầu an hoặc cầu siêu cho cha mẹ. Năm nào tui cũng đi. Cô giáo coi nè”. Chú mở tủ thờ, lấy ra cái hộp giấy. Bên trong hộp là một xấp những bông hồng trắng. “Chú lên chùa cầu siêu cho mẹ?” - tôi run giọng. “Phải đó cô giáo. Chắc cô nghĩ rằng tui hận mẹ? Không đâu, gì thì gì, tui vẫn mang ơn vì mẹ đã mang nặng đẻ đau, đưa tui đến thế giới này” - chú Cuội lại cười, hiền khô.
Tôi im lặng. Nghĩ đến mẹ mình, suýt chút bật khóc.
Ngày mai, tôi biết mình sẽ phải tức tốc đón xe về ngay với mẹ. Về để tạ lỗi cùng mẹ cái tội đã giận hờn ngu ngốc suốt bao năm. Vu lan này, nhất định tôi sẽ lên chùa để cầu an cho mẹ cha, để tạ ơn Như Lai vẫn còn cho tôi cơ hội cài lên ngực đóa hoa hồng đỏ. Văng vẳng trong tai câu nói của chú Cuội cứ vang lên giống như lời nhắn nhủ: “Gì thì gì, tui vẫn mang ơn vì mẹ đã mang nặng đẻ đau, đưa tui đến thế giới này…”.
Kết Thúc (END) |
|
|