Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Con Nuôi Giải Phóng Tác Giả: Nguyễn Sỹ Đoàn    
    Đại đội trưởng hỏi tôi: “Trước khi nhập ngũ, cậu làm thủ kho hả?”. “Báo cáo, tôi có ba năm làm thủ kho của HTX nông nghiệp”. Đại đội trưởng nói tiếp: “Cậu có một giờ đồng hồ để thu xếp quân tư trang. Sau đó lên gặp trung đoàn trưởng, nhận nhiệm vụ mới”. Gặp trung đoàn trưởng còn có anh Thắng là trung đội phó, đại đội 4. Tôi quen anh từ ngày học chung lớp cảm tình Đảng, do tiểu đoàn tổ chức. Anh hơn tôi bốn tuổi, vào chiến trường trước tôi hai năm. Ngày nhập ngũ, anh đã có vợ và một đứa con gái. Anh Thắng là người thành phố. Trước khi nhập ngũ, anh Thắng từng là thủ kho của một nhà máy lớn.
    Nơi chúng tôi đến là một cái kho vũ khí của trung đoàn, nằm kín đáo trong một thung lũng nhỏ và hẹp, kẹp giữa hai dãy núi trùng điệp và hiểm trở tên là Thung Ma. Đó là những ngày tháng chạp năm 1972. Con đường vào Thung Ma chỉ đủ lối cho hai xe đạp thồ tránh nhau. Bên kia núi về hướng tây là một bản người dân tộc, có chừng hai chục nóc nhà sàn. Xa hơn chút nữa là biên giới Campuchia. Ngày cũng như đêm, sương mù từ hốc núi đùn ra trắng như sữa, lạnh buốt. Gần trưa mới nhìn thấy mặt trời qua kẽ lá. Nửa đêm về sáng, cái rét thật ghê gớm. Bao nhiêu áo quần đều mặc vào hết mà vẫn rét. Củi quanh kho thì đầy, nhưng không dám đốt vì phải giữ bí mật. Buổi trưa thì ngược lại, nóng cháy da, khét tóc. Anh Thắng hơn tôi về chức vụ, tuổi quân lẫn tuổi đời nên chỉ huy trung đoàn đã chỉ định làm nhóm trưởng. Anh có tác phong của người công nhân, ngay từ nếp ăn ở gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Tôi tính quê mùa, luộm thuộm đã quen. Chúng tôi có trách nhiệm bảo quản trông nom kho vũ khí. Cuộc sống của hai chúng tôi cứ trôi qua như thế.
    Một lần, chúng tôi vào rừng đào măng. Từ xa đã nghe thấy tiếng đào đất thình thịch. Sau khi xác định phương hướng, chúng tôi cảnh giác tiếp cận. Có hai thanh niên đang hì hục đào đất. Một ông già chừng 50 tuổi ngồi gần đó. Cả ba đều là người dân tộc. Một cỗ quan tài để cạnh nơi đang đào đất. Họ đào hố chôn người chết. Điều lạ lùng là cạnh cỗ quan tài có một đứa trẻ đang khóc. Đứa trẻ được bọc kín bằng vải, chỉ để hở mỗi cái mặt. Tôi nhìn anh Thắng dò hỏi. Thắng phất tay. Tôi lặng lẽ quay lui. Nhưng đã muộn. Tiếng ông già cất lên: “Đứng lại. Các ông là ai?”. Biết không thể tránh được, tôi và anh Thắng bước ra. Ông già nhắc lại câu hỏi. Anh Thắng từ tốn: “Chúng tôi là quân giải phóng bị lạc đơn vị”. Ông già nhìn chúng tôi từ đầu đến chân. Hai người đàn ông cầm ngang cái cuốc trong tay như chuẩn bị giao chiến. Có lẽ ông già đã tin lời anh Thắng qua cái giọng Bắc. Ông gật nhẹ: “Khu rừng này nhiều rắn độc lắm đấy. Lũ mày phải cẩn thận”. Tôi thưa: “Cảm ơn ông đã chỉ bảo”. Từ lúc đó quan hệ đôi bên bớt căng thẳng. Tôi đánh bạo hỏi: “Đi chôn người chết sao ông còn mang đứa trẻ này? Nó là con người chết à?”. “Ờ, mẹ nó không muốn ở với tao nữa thì phải cho nó đi theo mẹ, cho có bầu, có bạn”. Tôi rùng mình. Hồi còn ở ngoài Bắc tôi được nghe kể có một, hai bộ tộc ít người còn giữ hủ tục chôn con theo mẹ, nếu nó còn đang bú. Khủng khiếp quá. Tôi kéo tay anh Thắng hỏi thầm: “Phải can ông cụ chứ”. Anh Thắng bảo: “Tao muốn xin đứa bé”. “Nhưng lấy gì nuôi nó?”- tôi nói. Anh Thắng dứt khoát: “Cứ biết cứu nó đã mọi việc tính sau. Thấy người sắp chết mà không cứu là có tội”. Tôi chưa kịp nói gì đã nghe tiếng anh nói với ông già: “Nhưng đứa bé đã chết đâu”. “Ờ, nhưng đây là phong tục mà. Nếu không, con ma sẽ về bắt những ai nuôi đứa bé”. Thắng nhẹ nhàng: “Tôi là quân giải phóng, bộ đội Cụ Hồ, đứng ra xin ông đứa trẻ này. Nếu mẹ nó về bắt thì sẽ bắt chúng tôi”. Ông già kéo con trai mình ra. Họ nói với nhau bằng tiếng dân tộc. Mấy phút sau, ông già quay lại bảo: “Bố nó đồng ý rồi. Cho chúng mày. Sau này xảy ra chuyện gì đừng trách chúng tao không nói trước. Mày tên gì? Còn tao tên Trừng ở bên kia núi”. Anh Thắng giới thiệu tên chúng tôi.
    Việc đầu tiên là đặt cho thằng bé một cái tên. Tôi nói: “Đặt tên là Lợi. Bố Thắng, con Lợi”. “Sao lại là con của riêng tao. Cả mày nữa chứ. Theo tao đặt tên là Phóng. Đó là tâm nguyện của toàn dân tộc ta giải phóng miền Nam”. Chúng tôi quyết định đặt tên cho bé là Nguyễn Trần Giải Phóng. Nguyễn là họ của Thắng, còn Trần là họ của tôi. Việc nuôi một đứa trẻ chưa đầy năm không hề đơn giản như chúng tôi nghĩ. Những ngày đầu thật vất vả. Chúng tôi nuôi thằng Phóng bằng sữa bột, bằng nước cơm, nước sắn. Bọc cho nó bằng những cái áo, cái quần của chúng tôi còn mới. Dường như thằng Phóng cũng biết thân phận mình nên ngoan lắm. Tuy vậy, thằng Phóng cũng có vài lần làm chúng tôi phát hoảng. Một lần, vào lúc nửa đêm vang lên tiếng gọi gấp gáp của anh Thắng: “Tuấn ơi, Tuấn ơi”. Như cái lò xo, tôi nhảy mấy bước là tới giường anh. Thằng Phóng nằm co quắp như con tôm, rên hừ hừ, mắt mở trừng trừng, môi khô, người nóng như lửa, mê sảng. Nửa đêm, thằng Phóng tỉnh như sáo, kêu đói. Tôi nhìn anh Thắng lo lắng. Sống ở Trường Sơn, những cơn sốt chợt đến, chợt đi là chuyện bình thường. Nhưng những ai sốt mê man, chợt tỉnh táo, đòi ăn thì coi chừng. Đó là sốt ác tính. Anh Thắng bảo: “Mày ở lại trông kho cẩn thận. Tao đưa nó vào trạm 10”. Đường vào binh trạm 10 mất chừng hơn một giờ đi bộ. Anh Thắng lưng đeo ba lô, hai tay ôm thằng Phóng được quấn trong một cái chăn mỏng lao vào bóng đêm. Trong cái không gian lạnh lẽo ấy, tôi thương thằng Phóng vô hạn. Thấy mình bất lực. Giá như có thể ốm thay nó được. Rất may, ơn trời, những đận sài đẹn ấy rồi cũng qua...
    Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ba tháng sau, chúng tôi được lệnh bàn giao kho, trở về đơn vị. Anh Thắng quyết định mang thằng Phóng đi theo. Cấp trên vài lần gợi ý hoặc đưa nó về gia đình hoặc đưa nó vào trại trẻ mồ côi. Anh Thắng buồn phát khóc. Lựa chọn nào cũng không ổn. Cuối năm 1975, cấp trên cho anh xuất ngũ. Đó cũng là giải pháp ổn thỏa cho tất cả.
    Đất nước hòa bình rồi, cuộc sống sẽ dần ổn định. Nhưng việc anh Thắng dẫn một thằng bé ba tuổi trở về lại khiến gia đình anh không hề yên ổn. Không ai tin lời anh Thắng giải thích, nhất là vợ anh. Ngay các cấp lãnh đạo đơn vị ngày ấy cũng có mấy ai tin. Những lời biện hộ của tôi đều bị cấp trên gạt đi. Có lẽ việc xuất ngũ nhanh chóng của anh Thắng chủ yếu vì nguyên nhân này. Cái ghen của người đàn bà thật ghê gớm. Thà "tan vàng nát ngọc" chứ không chịu cảnh chồng chung. Vợ anh Thắng ôm con gái về bên ngoại. Đau khổ và buồn bực, anh Thắng viết thư chia sẻ cùng tôi. Tôi không ngờ cái kết của việc nhận con nuôi lại tệ hại đến mức này. Tôi viết thư kể cặn kẽ cho vợ anh nghe, kèm theo cả lời thề nữa. Chị trả lời: “Nếu mọi lời thề mà thành sự thật thì chẳng ai dám thề”. Năm sau, nhân đợt nghỉ phép, tôi về thăm anh chị Thắng. Từ đó gia đình anh mới tạm yên ổn. Đôi lần anh Thắng viết thư than thở: “Vợ tao đến giờ vẫn còn nghi ngờ”.
    Mười lăm năm trôi qua. Một buổi sáng tôi chuẩn bị đi làm thì có một chàng trai chừng 20 tuổi bước vào: “Cháu chào chú, cho cháu hỏi đây có phải nhà chú Tuấn không ạ”. Nhìn chàng trai, tôi ngờ ngợ, nhưng vẫn trả lời: “Vâng, tôi là Tuấn đây”. Chàng trai đổi cách xưng hô: “Bố Tuấn, con là Phóng! Nguyễn Trần Giải Phóng đây!”. Trời ơi, thằng Phóng đây sao? Lần gặp anh Thắng cuối cùng cách nay cũng đã 10 năm. Từ một thằng bé 8 tuổi gầy đen, thế mà hôm nay vụt trở thành chàng trai cao to vạm vỡ. Chỉ nước da ngăm ngăm thì không thay đổi. Chúng tôi ôm nhau mừng mừng, tủi tủi. Chờ cho sự xúc động lắng xuống, tôi hỏi: “Con vào thăm bố mẹ và các em thế là quý lắm. Vậy còn chuyện gì khác không?”. Chừng như Phóng cân nhắc xem vào chuyện bằng cách nào. Lâu sau, nó mới nói: “Thưa bố. Con có một câu hỏi, mong bố giải đáp. Con có phải là con nuôi của bố với bố Thắng không?”. Tôi nhổm dậy như ngồi phải lửa: “Ai nói với con chuyện này?”. “Thưa bố, không ai nói với con cả. Bố đừng giấu con nữa. Công lao dưỡng dục của hai bố, suốt đời con ghi tạc. Nhưng nước có nguồn, cây có cội”. Những câu nói thiết tha của Phóng khiến tôi cảm động. Tôi thầm xin anh Thắng tha lỗi và kể cho Phóng nghe.
    Mùa xuân năm 1991, tôi dẫn Phóng về nơi sinh ra nó. Từ xa tôi đã nghe thấy tiếng chiêng, tiếng trống. Hình như bản đang mở hội. Hết đường to, chúng tôi rẽ men theo đường nhỏ leo lên bản. Đến một căn nhà sàn khá lớn, phái nữ đang hối hả làm cơm. Phái nam đang chơi nhạc cụ. Đàn sáo tưng bừng. Một cô gái ăn mặc sắc phục ngày hội, chạy ra mời: “Mời khách quý vào dự hội ạ”. Sống cùng đồng bào dân tộc vài năm, tôi biết những ngày hội này mà có khách lạ đến thăm là họ mừng lắm. Nó như khách xông nhà năm mới dưới xuôi. Tôi hỏi thăm nhà cụ Trừng. Cô gái chạy đến chân cầu thang, gọi: “Cha à, có hai khách quý hỏi thăm cha đấy”. Có tiếng nói vọng xuống: “Ờ, ờ… Cha xuống đây”. Giữa cửa nhà xuất hiện một ông già quắc thước, râu dài ngang ngực. Chúng tôi nhận ra nhau ngay. Cụ Trừng quay vào trong gọi vợ và con trai: “Bà Trừng ơi, thằng Pạc ơi, ra chào khách quý”. Anh Pạc có vẻ già hơn so với tuổi. Chúng tôi ôm nhau trước con mắt ngỡ ngàng của dân bản. Cụ Trừng giới thiệu: “Đây là bộ đội Tuấn, người năm xưa đã cứu con thằng Pạc đó”. Tôi vội vàng cải chính: “Dạ, không phải cháu. Anh Thắng mới là người cứu thằng bé”. Cụ Trừng nói như than thở: “Độ này trí nhớ kém quá rồi. Đúng, đúng, bộ đội Thắng. Mà bộ đội Thắng đâu? Thằng bé năm xưa đâu?”. Tôi đẩy thằng Phóng ra trước mặt cụ Trừng: “Cụ có nhận ra ai đây không?”. Cụ Trừng, anh Pạc chăm chú nhìn. Rất lâu sau, cụ lắc đầu: “Chưa gặp bao giờ, lạ lắm”. Anh Pạc cũng lắc đầu. Tôi cười to: “Thằng bé năm xưa đấy, tên nó là Phóng”. Cụ Trừng nửa tin nửa ngờ: “Giàng ơi, thật không? Mày không nói dối tao chứ, Tuấn ơi”. Nói vậy, nhưng cụ Trừng vẫn ôm lấy thằng Phóng, nước mắt ràn rụa: “Tao biết lấy gì đền đáp công ơn trời biển của bộ đội giải phóng đây? Phóng ơi, ở lại đây với ông, với bố nhé”. Tôi nhẹ nhàng: “Chưa được cụ ơi. Chờ vài năm nữa xong đại học, nó sẽ về ở hẳn với dân bản”. Mọi người vây quanh hai chúng tôi. Ai cũng vui mừng khôn xiết. Những bát rượu lớn rót tràn. Một cô gái rất xinh, rất trẻ, mi dài cong, sống mũi cao, nước da bánh mật, trao cho Phóng một cành mai trắng muốt: “Em tặng anh, khi nào ra Bắc cho em đi theo với nhé”.
    Ba ngày ở với dân bản thật vui và cảm động. Sớm nay, khi mặt trời vừa ló rạng, bố con tôi chào mọi người ra về. Trên đường về, qua nghĩa trang liệt sĩ của xã, Phóng rẽ vào đặt cành mai trắng dưới chân đài Tổ quốc ghi công và dâng hương. Anh thầm thì...

Kết Thúc (END)
Nguyễn Sỹ Đoàn
» Mẹ Tôi
» Cuốn Sổ Tiết Kiệm
» Nhà Có Hai Người Bà
» Anh Tôi
» Nhà Có Hai Đào
» Hạnh Phục Không Xa
» Hiệp Sĩ Của Bẫy Cò
» Vượt Lên Nghịch Cảnh
» AnhTôi
» Mối Tình Câm
» Mảnh Vàng Còn Lại
» Lỡ Vuơng Nghề Viết
» Con Nuôi Giải Phóng
» Cha Và Những Đứa Con
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh