Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mẹ Chồng Tôi Tác Giả: Vũ Thị Huyền Trang    
    Tôi đứng trong bếp rán món trứng mà con trai thích. Chỗ tôi đứng nhìn xéo sang phòng mẹ chồng. Bà ngồi ngoài ban công bên chiếc máy tính cũ màn hình lúc nào cũng tối đen. Bà nghĩ ngợi gì đó rất lâu, bỏ mặc những tiếng ồn từ phố vọng vào. Thỉnh thoảng như giật mình bừng tỉnh bà khua những ngón tay gầy guộc lên bàn phím. Màn hình bừng sáng, vài ký tự hiện lên qua tiếng lạch tạch khô khốc của bàn phím. Tôi không hiểu tại sao trên đời lại tồn tại một kiểu người nghĩ ngợi triền miên từ năm này qua năm khác. Mẹ chồng tôi gần như không có giây phút nào đầu óc được thảnh thơi. Ngay cả trong bữa cơm, tôi tưởng như bà gắp món này món kia đều không chủ ý. Bà chỉ thực sự thoát ra khỏi trang viết khi hoàn thành một tác phẩm nào đó. Bà vươn vai đứng dậy khỏi chiếc ghế gỗ của mình, nhìn mọi thứ bằng con mắt lấp lánh như thiếu nữ. Bà ôm các cháu vào lòng thủ thỉ chuyện mầm cây vừa nở, bông hoa sắp tàn. Bà đi chợ gần hết buổi sáng, mua từ củ hành củ tỏi. Bà vào bếp với dưa cà mắm muối, món nào cũng dậy mùi hấp dẫn. Tôi thích ngắm bà vào những ngày hiếm hoi như thế. Vui vẻ và hoạt bát, khác hẳn bà của mớ suy nghĩ và ngôn từ hỗn độn. Lần đầu tiên khi bước chân về nhà này, tôi đã nghĩ phải tôn trọng thế giới của mẹ. Mà thật ra mẹ không nhìn vào thái độ của bất kỳ ai để sống. Khi mẹ ngồi với những trang văn thì mọi thứ xung quanh dù ồn ào hay tĩnh lặng đều không thể nào tác động.
    - Mẹ ơi. Có phải chữ của bà có thể nở hoa?
    - Còn có thể biến thành những đám mây, thành tiếng chim và con chuồn chuồn ớt nữa đấy con trai.
    - Kỳ diệu thật mẹ nhỉ. Nhưng sao chữ của con lại không thể? Cô giáo nói đọc bài văn miêu tả của con khô như gạch ngói.
    - Thế đã bao giờ con yêu những câu văn của mình chưa? Chưa đúng không nào? Mẹ nghĩ là con nên trò chuyện cùng bà.
    Nhưng tụi nhỏ bị trận bóng cuối ngõ phố cuốn đi. Chúng thường trở về nhà khi mồ hôi ướt đầm người và bữa tối đã chuẩn bị xong xuôi. Chúng nhai ngấu nghiến mọi thứ và quên khuấy bài văn miêu tả của mình. Mẹ chồng tôi thường khá mệt vào lúc cuối ngày. Công việc trí óc vắt kiệt sức lực bà. Thỉnh thoảng bà bị nghẹn dù tôi không bao giờ nấu cơm khô. Có thể chỉ vì vài ý tưởng khó nhằn hoặc một câu văn chưa ưng ý. Tôi thường nài nỉ mẹ ăn thêm chút ít nhưng lần nào bà cũng bảo: “Mẹ có làm việc tay chân đâu mà ăn nhiều. Ăn xong ngồi nhiều dễ béo phì. Mà béo thì lắm bệnh lại khổ con khổ cháu”. Rồi mẹ cười, bao nhiêu năm vẫn nụ cười hiền hậu ấy. Nụ cười từng khiến tôi yên tâm khi bước chân về làm dâu nhà mẹ. Chồng tôi chẳng rõ là tính xuề xòa hay kiểu người vô tâm. Anh lúc nào cũng bảo: “May mà mình không nhiễm máu văn chương của mẹ”. Trong mắt anh nghề của mẹ “cứ vô bổ làm sao ấy. Thời buổi này người ta vắt kiệt mình vì một cái gì đó mang lại lợi nhuận hoặc chí ít cũng được người khác quan tâm. Mẹ vắt kiệt mình vì những con chữ ế ẩm đầy ngoài hiệu sách. Chả ma nào thèm đọc”. Vậy mà sáng chủ nhật tôi hay ghé sạp báo gần chợ để lật tìm một vài báo lớn xem có đăng truyện mẹ không. Cô chủ sạp báo đã quen mặt tôi, thỉnh thoảng lại một câu hỏi cũ: “Chẳng biết chị tìm gì?”. Có lần hứng chí tôi khoe: “Chị tìm truyện của mẹ chồng. Bà thường hay đăng báo”. Chẳng hiểu sao cô ấy không tin.
    Hôm nào mẹ có bài đăng, tôi thường hay mua báo về nhà. Mẹ vui lắm, ngắm nghía từng con chữ. Bà không mang khoe người khác như các bác trong hội người cao tuổi mỗi khi làm xong một bài thơ. Bà lặng lẽ đọc lại tác phẩm của mình, có khi rưng rưng, có khi tiếc nuối. Rồi bà xếp chúng lên giá sách, coi như đã hoàn thành số phận một tác phẩm. Nó đã đến với bạn đọc một cách nỗ lực nhất trước khi được tập hợp in thành sách. Nhưng đó là cách nỗ lực của mẹ chứ không phải của tất cả những người viết khác. Chồng tôi từng có lần hỏi mẹ:
    - Sao mẹ không tổ chức ra sách như nhiều người khác? Mời vài cơ quan báo chí, nhờ bạn bè trong ngành viết PR? Như thế mới bán được sách. Mà bán được sách thì số lượng in được nhiều, nhuận bút mới tăng. Giờ mỗi tập sách mẹ in, nhuận bút chả đủ mời cà phê bạn bè. À, mà mẹ cũng đâu có thói quen quán xá cà phê nhỉ. Nhà văn phải đi nhiều, giao lưu rộng. Mẹ cứ thu hẹp mình như thế viết không thấy nhàm sao?
    - Văn chương vốn không ồn ào. Hoặc là mẹ thấy như thế thì hơn.
    Mẹ lại cười bao dung, tôi thấy lòng nhẹ nhõm. Tôi về làm dâu con trong nhà chưa bao giờ phải gồng mình lên vì bất cứ thứ gì. Mẹ bảo: “Nhà chỉ có từng ấy mét vuông, từng ấy con người. Con sống sao thấy vui vẻ thoải mái là được”. Mẹ chẳng giao bất cứ trách nhiệm gì, cũng chẳng bao giờ xét nét con dâu. Hồi tôi còn đi làm mẹ một mình quán xuyến gia đình, chăm sóc con cháu. Sau này tôi nghỉ làm mẹ mới có thời gian dành cho công việc của mình. Thỉnh thoảng mẹ đưa tôi ít tiền nhuận bút: “Con cầm lấy thêm thắt chợ búa”. Tôi không cầm mà mua con lợn đất để mẹ nuôi tặng cho các cháu. Thật ra tôi chỉ muốn mẹ không cần phải bận tâm về chuyện tiền nong. Mẹ một đời khổ cực, từng gồng gánh cả gia đình bằng những đồng nhuận bút ít ỏi của mình. Lúc con còn nhỏ, lúc chồng bệnh nặng, mẹ đã phải cắn răng viết những thứ mình chẳng hề rung động. Tuy mẹ chẳng bao giờ ôn nghèo kể khổ với con cháu trong nhà, nhưng tôi lén đọc được trong những trang văn của bà về một thời khó khăn vất vả.
    Mẹ ốm. Suốt một tuần không ăn uống gì ngoài mấy hụm cháo loãng nhưng mẹ vẫn gắng gượng ngồi dậy viết mỗi ngày. Chồng tôi gắt:
    - Mẹ cứ tham công tiếc việc chẳng biết để làm gì. Vì mấy đồng nhuận bút còm cõi hay là vì yêu nghề? Con nói thật, thời buổi này người ta còn lo đủ thứ từ miếng cơm manh áo đến những thứ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống như thực phẩm bẩn, bệnh ung thư, ô nhiễm môi trường. Chứ chẳng mấy ai đau đáu về văn chương đâu mà mẹ nhọc lòng.
    - Mẹ viết như một thói quen suốt bao năm. Có như thế mẹ mới thấy mình đang sống.
    Mẹ nói câu ấy hình như không phải với chúng tôi mà dường như mẹ nói với cơ thể đang ngày càng yếu đi của mình. Trang viết dang dở đang đợi mẹ. Nhiều ý tưởng còn chưa chắp bút. Mẹ còn biết bao điều muốn bày tỏ với đời. Ở đâu đó trong cuộc đời này còn có người ngóng đợi tác phẩm của mẹ trên vài trang báo. Một người nghệ sĩ chân chính luôn sẵn sàng tận hiến ngay cả khi chỉ còn một tâm hồn hướng về phía họ. Thậm chí tôi tin mẹ vẫn viết ngay cả khi mọi người đều quên lãng những trang văn của mẹ. Không! Sẽ không bao giờ như thế bởi ít ra mẹ còn có tôi là độc giả trung thành. Người luôn mua dư những số báo mẹ đăng để lặng lẽ nhấm nháp từng con chữ một mình. Tôi đọc vào lúc chồng mải mê xem đá bóng, các con xem phim hài cười sằng sặc. Mẹ ngồi ở ban công nhìn ánh đèn từ các ô cửa sổ hắt ra một vệt sáng nhờ nhợ yếu ớt và ảm đạm. Tôi thấy mình được gần mẹ hơn bao giờ hết. Nhưng mấy hôm nay sức khỏe mẹ yếu hơn. Ngay cả việc ngồi dậy cũng khó khăn. Mắt mẹ hướng ra phía ban công, vời vợi. Tôi đỡ mẹ ngồi, đặt chiếc máy tính thân thuộc ngay trước mặt bà. Nhưng tay mẹ run lập cập, những ký tự líu ríu va đập vào nhau, lộn xộn và bất lực. Tôi bảo: “Đã đến lúc mẹ nghỉ ngơi rồi”. Chẳng hiểu sao khi nói câu ấy tôi bật khóc. Tôi đã quen với hình ảnh mẹ cặm cụi với công việc viết văn. Mẹ sống và dốc lòng vì nó. Tôi không muốn nhìn mẹ mỗi ngày mỗi yếu đi như thế. Lòng tôi thấy bất an…
    Mùa bão về thành phố, nhổ bật gốc cây xà cừ ở trước nhà. Ngọn cây làm sập một phần mái nhà vào ngay phòng của mẹ. Ơn trời là mẹ không sao nhưng toàn bộ giá sách bị sập xuống, ướt và hư hại nhiều. Đó là tài sản của mẹ gồm sách của bạn viết, sách hay “mẹ để dành cho con cháu sau này, biết đâu cần đến”. Phần còn lại là mấy chục đầu sách của mẹ và đến cả tấn báo biếu chứ không phải ít. Chúng chồng chất lên nhau suốt bao năm, một phần đã bị mối mọt ăn mất. Có những tờ báo chữ đã bay màu hết, chỉ còn lại giấy đã ố màu. Chồng tôi nhìn nhà cửa bề bộn bực mình lắm, bảo tôi: “Gọi mấy bà đồng nát đến cho nhặt giấy vụn hết giữ làm gì chỉ tổ chật nhà”. Mẹ nằm trên giường nước mắt chảy dài. Tôi không nỡ mang cho đồng nát. Nhưng trời mưa suốt, tôi chẳng có cách nào cứu nổi đống sách báo bị ướt nhẹp nằm chồng chất lên nhau. Mẹ được chuyển qua phòng khác rộng rãi hơn để tiện nghỉ ngơi. Tôi bận lo thợ thuyền sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa nên chẳng có thời gian qua phòng mẹ thường xuyên. Có hôm mở cửa ra thấy mẹ nằm cô quạnh trong bóng tối. Khi ánh sáng lấp đầy khắp căn phòng tôi vẫn chỉ nhìn thấy bóng tối trong mắt mẹ.
    Qua trận bão mẹ gần như sức tàn lực kiệt, nói cũng không rõ nữa. Một hôm khi tôi bước vào phòng, mẹ ra hiệu cho tôi lại gần rồi cố nói gì đó. Tuy không hiểu lắm, nhưng tôi đoán mẹ muốn nói đến sách. Tôi sang phòng mẹ lấy một cuốn sách văn học trên giá. Tôi đọc cho mẹ nghe, chầm chậm. Mắt mẹ nhắm lại, thở đều. Tôi đoán mùi sách khiến mẹ dễ chịu, từng câu chữ đã giúp mẹ ngủ ngon. Tôi để lại cuốn sách trên giường, khép cửa phòng lại.
    Những ngôn từ đã dẫn mẹ đi…

Kết Thúc (END)
Vũ Thị Huyền Trang
» Hái Trăng Trên Đỉnh Núi
» Chuyến Xe Số 18
» Lá Bay
» Trăm Năm Cuộc Hẹn
» Ngôi Nhà Ngột Ngạt
» Lá Bay
» Cá Nhỏ Lội Ngược Dòng
» Phương
» Tìm Lại Bình Yên
» Chồng Cũ
» Chuỗi Ngọc
» Sau Cơn Mưa
» Mặt Trời Vừa Rụng
» Đi Bộ Trong Cô Đơn
» Đi Qua Đống Đổ Nát
» Trái Tim Người Mẹ
» Đám Cưới Của Bố
» Lối Thoát
» Bẫy Của Đám Đông
» Suốt Đời Bên Mẹ
» Ba Ngày Ở Viện
» Một Đêm Khó Ngủ
» Nước Chảy Hoa Trôi
» Chuông Xoay
» Đám Cưới Mùa Xuân