1. Tiếng còi xe kiên nhẫn tuýt thêm một hồi dài “bim bim” lần nữa nhưng đám người vẫn chẳng chịu nhường đường. Họ đang mải mê cuốc, rẫy cỏ bên lề và san cát ra lòng đường như chẳng hề biết có chiếc ô tô đang chờ đợi mình ở đằng sau. Hiệp sốt ruột mở cửa xe, bước ra.
- Không thấy tấm biển “Phía trước là công trường. Xin tránh đường” to lù lù dựng ở bên kia đường hay sao mà còn tuýt còi?
Người phụ nữ mặc bộ quần áo bảo hộ lao động, mang đôi găng tay, bịt kín khẩu trang chỉ hở đôi mắt vừa thấy Hiệp đã vội buông giọng trách móc. Hiệp đưa mắt nhìn theo tay người phụ nữ chỉ. Tấm biển đã bị đổ từ lúc nào. Hết sức ngỡ ngàng, vừa vội thanh minh, chị ta nhanh chân đi tới dựng lại:
“Ấy chết, chắc vừa rồi có xe chở vật liệu ngang qua va quệt vào nên nó mới bị đổ vậy. Xin lỗi. Anh không thấy cũng phải”.
- Xã mình đang làm đường sao? Vậy mà tôi không biết. Xe muốn vào UBND xã bây giờ đi lối nào được hả chị?
Hiệp ái ngại nhìn con đường, ngổn ngang nguyên vật liệu. Phía xa máy ủi, máy cẩu, máy trộn bê tông đang tất bật với công việc của mình.
- Anh quay xe lại chừng 200 m rồi rẽ phải. Có con đường dẫn lên đê, đi hơn 1 km, có lối rẽ xuống cánh đồng dẫn về làng. Đi dọc hàng cây phi lao của ngôi làng ấy, nhìn sang trái là ủy ban đó.
- Cảm ơn!
Hiệp buông một câu gọn lỏn. Nói xong nhận thấy mình hơi vô lý vì đâu phải chị ta là nguyên nhân chính khiến xe anh phải quay đầu.
- Này anh gì ơi, không thể đi xe trên đê được đâu. Anh phải đỗ ngoài đường to kia rồi đi bộ vào nhé.
Hiệp chuẩn bị nổ máy rồi mà vẫn còn nghe chị ta dặn với. Hiệp cho xe tấp vào sát mép đường, đang ái ngại vì đoạn đường trước mặt thì ông Chủ tịch Hội Nông dân điện thoại bảo đang cho người ra đón. Có thế chứ. Hiệp thở phào.
Trung tâm của anh chọn Hoàng Tín là địa phương để hỗ trợ vốn vay, đầu tư cây giống, loại dưa lê Kim Hoàng Hậu, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm. Chẳng là hôm duyệt dự án từ các địa phương đưa lên, ban giám đốc thấy HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tín mang tính khả thi hơn so với những nơi khác. Chất đất tốt, hệ thống thủy lợi nội đồng phát triển bảo đảm việc giữ độ ẩm trên đồng ruộng và có thể thoát hết nước ngay khi gặp mưa nhiều. Anh thanh niên chở Hiệp hồ hởi khoe, xã chuẩn bị về đích nông thôn mới nên nhiều tiêu chí đang ở giai đoạn hoàn thành.
Chà. Nhanh thật. Còn nhớ mấy năm trước về đây làm nhiệm vụ khảo sát tình hình và mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật giúp dân thoát nghèo, Hiệp thấy đường sá gập ghềnh những ổ gà, ổ voi, UBND xã còn là mấy dãy nhà cấp 4 lụp xụp, ngôi trường THCS với những phòng học một tầng loang lổ vết chắp vá, Trạm Y tế với cổng tường xiêu vẹo. Vậy mà giờ được xây dựng khang trang to đẹp hẳn.
Hiệp bồi hồi. Đi trên đê, bao kỷ niệm tuổi thơ cùng mùa hoa vừng, hoa cải bên lũ trẻ trâu rộn tiếng cười và những chiều mải chơi phải mỏi chân đi tìm trâu lại hiện về.
2. Người thanh niên hăm hở chở Hiệp ra cánh đồng. Cả một vùng rộng mênh mông với màu xanh của dưa đang thời kỳ chuẩn bị ra quả. Hiệp xắn quần bước xuống ruộng. Trước đây vùng này chỉ trồng lúa nên người dân thu nhập thấp, sau này mới chuyển sang chuyên canh rau màu, có khá hơn nhưng năng suất không cao. Công ty của Hiệp về gợi lên ý tưởng chuyển đổi sang trồng giống cây dưa kim vàng. Ở một số địa phương đã thành công với mô hình trồng loại dưa này. Mới đầu nhiều hộ còn lăn tăn, chần chừ không đăng ký vì sợ chưa quen, không hiểu rõ đặc tính của giống dưa kim mới sẽ gặp khó khăn trong quá trình chăm bẵm. Sau nhờ được xem video quay cảnh thu hoạch dưa và sự phấn khởi ra mặt của bà con ở An Thạnh chia sẻ đã thử nghiệm thành công, nhiều hộ mới tham gia.
- Ối chà, anh cán bộ về rồi. Chúng tôi cứ mong mãi. Anh xem hộ cho chứ bao công chăm bón đến thời điểm này bỗng dưng cây sinh bệnh thế này là sao? Trồng dưa mà chẳng khác nào nuôi con thơ.
- Biết thế này vẫn theo lối canh tác cũ là xong. Chuyển đổi rồi gặp rủi ro thì chúng tôi chịu thiệt lớn à?
Người đàn ông quần áo lấm láp, vừa đến đã thở dài ngao ngán. Hiệp hiểu tâm trạng của họ lúc này. Đầu tư với diện tích lớn mà cây trồng gặp sâu bệnh, năng suất thấp, lợi nhuận đâu chẳng thấy, số nợ lại cõng trên lưng. Nhưng nếu không mạnh dạn thử sức thì thu nhập đối với rau màu cũng chỉ lẹt đẹt.
Mấy gia đình nữa biết Hiệp về cũng kéo nhau sang nhà cô Hiên để hỏi kinh nghiệm. Quan sát kỹ luống dưa, Hiệp ngắt mấy cái lá bị bệnh đưa lên xem. Chiếc lá không còn là màu xanh mà đã chuyển sang màu vàng. Một lớp nấm trắng xám dày đặc như bột phấn phủ lên cả phiến lá. May mà thân cành vẫn còn tươi. Lá chưa bị khô cháy chứ nếu không sẽ làm cho hoa khô và chết. Hiệp nhận ra ngay đây là bệnh phấn trắng. Hiệp đi hết một lượt ruộng, thấy đã có lác đác những chiếc lá vàng rụng xuống rãnh luống. Bệnh đang lây lan bằng bào tử nhờ không khí và gió. Thế này nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình quang hợp. Không điều trị kịp thời sẽ khiến cây sinh trưởng kém, năng suất giảm rõ rệt.
- Gặp loại bệnh này trước hết các bác phải ngắt hết những chiếc lá bị bệnh đi ngay và tiêu diệt cỏ dại, phun thuốc diệt trừ ngay mới được ạ.
Hiệp ôn tồn giải thích. Nguyên nhân là tỷ lệ phân bón chưa được hợp lý. Nhiều đạm quá, cây phát triển thân, lá mạnh. Lá sum suê dễ bị sâu bệnh. Chỉ bón phân hóa học thôi thì thân lá, rễ cây mềm yếu. Phân chuồng do ít nên việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh sẽ cực kỳ vất vả. Lẽ ra phải tỉa bỏ các nhánh phụ ở các nách lá, lá gốc sớm hơn để tạo độ thông thoáng, hạn chế sâu bệnh và tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Anh mở ba lô tìm các gói thuốc để phát cho họ. Anh cẩn thận dặn dò họ cách pha chế đúng tỷ lệ và liều lượng. Những gương mặt đã bớt lo âu. Hiệp thoáng mỉm cười nhẹ nhõm.
- Thật may có anh về kịp thời. Bà con chúng tôi yên tâm hơn nhiều rồi. Lại còn tư vấn, phát thuốc trừ sâu miễn phí nữa chứ. Chỉ mong vụ thu hoạch này sẽ cho mùa quả ngọt, đem lại mùa vàng.
- Đúng là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ có khác. Chị Hiên ăn nói văn vẻ quá. Tại đây là giống mới, chưa hiểu hết đặc tính của nó chứ chị ấy giỏi lắm. Vừa làm công tác hội, dạo trước chị ấy còn bơi ra đào ao thả cá, trồng rau màu chuyên canh, bãi nhà chị ấy luôn là nhất thôn đấy anh cán bộ ạ.
Nghe mấy bà nói chuyện, Hiệp giật mình. Chị ấy tên Hiên à? Có phải chị đang học cuối năm thứ ba thì lấy chồng không? Chị ấy từ bỏ giấc mơ đại học chỉ vì gia đình ép về quê lấy chồng sớm? Ra là chị Hiên ở ngay Hoàng Tín này. Và cũng chính vì vậy mà Hoàng Tín được Trưởng phòng Biền chú ý hơn cả. Hôm trước biết Hiệp sẽ về đây, anh ấy cứ dặn dò nhớ phải tỉ mỉ giải đáp cặn kẽ cho bà con. Về khoản thuốc trừ sâu, công ty sẽ cấp miễn phí hết. Trước đây nghe anh Biền kể Hiệp thấy tiếc cho mối tình tuyệt đẹp của họ. Họ yêu nhau ngay từ năm thứ nhất. Thề non hẹn biển, giúp đỡ nhau trong học tập. Cùng cảnh sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố, họ luôn động viên nhau, chia sẻ cuộc sống thiếu thốn khi xa nhà. Cuối năm thứ ba, Hiên đột ngột trở về quê chỉ nhắn lại cho Biền lời chia tay ngắn ngủi: “Em phải về quê lấy chồng. Sẽ không trở lại giảng đường nữa. Chúc anh hạnh phúc!”. Biền choáng váng nghe như sét đánh bên tai. Anh hết gọi điện, nhắn tin nhưng Hiên không một lần trả lời. Mất một thời gian học hành sa sút, Biền cũng dần nguôi ngoai và miệt mài học tập trở lại. Rồi tốt nghiệp ra trường và có công ăn việc làm.
- Không phải vậy đâu. Năm ấy mẹ mất vì tai nạn, sau đó bố phát hiện bị ung thư, gia đình gặp chuyện nên cô ấy mới phải về quê, gác bỏ chuyện học hành vì còn lo cho các em. Mấy năm sau Hiên mới xây dựng gia đình với anh Duẫn cùng làng chứ đâu.
Người đàn ông khi nghe Hiệp hỏi thì lắc đầu quả quyết. Ra vậy, có lẽ chị ấy không muốn trở thành gánh nặng cho người mình yêu nên đã lặng lẽ buông bỏ rời xa.
3. Đi qua phố huyện một đoạn, Hiệp đã thấy nhấp nhổm. Đúng mùa vụ, lần này Hiệp lại theo xe công ty về Hoàng Tín thu mua. Cũng nhanh thật, sau vụ thu hoạch dưa kim lần đầu, thấy hiệu quả chưa được như mong muốn, công ty họp bàn và thống nhất triển khai việc trồng dưa nhà màng để tăng năng suất, thu nhập. Nếu hơn 1.000 m2 diện tích, một vụ sẽ thu được 4,5 tấn dưa, giá bán tại ruộng là 25.000/kg. Năm trồng 3 vụ cũng thu lời 100 triệu đồng. Mới độ nào anh còn về hướng dẫn người dân cách dùng màng phủ mặt lu ống. Giờ đã đến mùa nhộn nhịp cắt hái quả. Hiệp hồi hộp chờ xem sau những vất vả và áp dụng kỹ thuật, nông dân có được mùa quả như ý không.
Hiệp sững sờ. Trước mắt anh, những quả dưa vàng rực vào vụ tròn căng, nổi bật trên các luống. Mã dưa đẹp bắt mắt, mùi thơm thoang thoảng bay khắp cánh đồng.
- Chưa nhìn thấy dưa chín bao giờ hay sao mà còn cứ đứng ngắm mãi thế anh cán bộ?
Cô gái dáng người thanh mảnh, chân đi giày ba ta đội chiếc nón trắng tất bật cắt dưa để gom về xe kéo thấy Hiệp đứng ngẩn người ra thì trêu.
- À, chưa bao giờ được nhìn thấy cô thôn nữ đẹp, chăm làm đến thế nên anh mới bị đơ vậy đấy cô gái!
- Thế thì còn ngại gì mà anh không giúp cô ấy một tay chứ?
Phải như khi bị trêu thế, các cô gái khác đã đỏ mặt, ngượng ngùng. Sự bạo dạn, vui tính của cô gái làm Hiệp thấy thú vị. Anh xăm xắn khênh dưa cùng cô. Đúng con nhà nông chính hiệu, trong khi Hiệp bắt đầu thấy mỏi tay thì cô gái vẫn nhanh nhẹn với những bao dưa nặng trĩu. Trời mát mẻ mà lưng áo cô đã đầm đìa mồ hôi. Hiệp ngạc nhiên khi chị Hiên giới thiệu cô ta là em gái chị. Nhìn Mai không có nét gì giống chị gái, có giống chắc chỉ là sự hoạt bát, nhanh nhẹn, tràn đầy năng lượng.
- Em ra trường đã xin về đâu chưa?
- Được về quê là thích nhất rồi anh ạ. Em dự tính về UBND xã làm việc, vừa có thể giúp bà con ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất lại có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Sinh viên ra trường bây giờ đa phần thích ở lại thành phố hơn là về quê. Ý nghĩ của Mai khiến Hiệp tò mò hơn về cô gái này. Ghé qua thăm nhà, Hiệp chợt sững sờ bởi dưới Mai còn có một người em trai. Cậu thanh niên với đôi chân tật nguyền, thân hình cong vẹo và khuôn mặt già như một ông lão mà cách nói chuyện lại như một đứa bé lên năm. Nhìn cách Mai đỡ cậu em dậy, Hiệp hiểu hẳn là chị em Mai đã phải vất vả với cậu em mình như thế nào. Thảo nào chị Hiên ngày xưa phải dở dang học đại học. Hiệp đã rõ vì sao Mai lại chọn quê nhà là nơi trở về.
Có tiếng xôn xao đầu ngõ. “Vụ dưa này, nhà cô Hiên bội thu rồi phải không cô Mai?”. “Vâng, trồng trong nhà màng cho năng suất cao bà ạ”. “Vui rồi, cứ đà này thì các gia đình trong HTX mấy mà giàu. Cần gì phải ly hương, bỏ đất, đâu cần cứ phải vào công ty, tối mò ra mới về”. Bất giác Mai liếc nhìn Hiệp tủm tỉm: “Đất quê mình giữ người mà bà”.
Lòng lâng lâng trong cảm xúc. Hiệp đăm đắm nhìn đôi bàn tay Mai khéo léo bổ quả dưa to nhất, bày ra đĩa, cắt tỉa đẹp mắt. Vỏ trơn, quả mịn, thịt dưa giòn, đầy đặn với màu vàng ruộm tỏa ra thơm lựng...
Kết Thúc (END) |
|
|