Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Trở Về Tác Giả: Trần Thúy Lành    
    Máy bay bắt đầu hạ cánh. Ông Phục nhắm nghiền mắt, cảm giác như mình đang rơi tự do. Lòng ông xốn xang, háo hức, vui sướng như một đứa trẻ lạc đường bỗng tìm được lối về nhà. Chỉ ít phút nữa thôi, ông sẽ được đặt chân lên mảnh đất quê hương, về nơi quê cha đất tổ mà bấy lâu nay ông vẫn đau đáu trong tâm can. Gần ba mươi năm định cư ở nước Đức xa xôi, những lần ông trở lại thăm quê nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lần nào ông về nước cũng vì lý do có người thân ốm nặng hoặc qua đời bởi “nghĩa tử là nghĩa tận”. Lần ông về thăm nhà gần nhất cách đây đã 11 năm. Khi đó cha ông ốm nặng. Ông về cũng chỉ kịp lo hậu sự cho cha chứ cũng không chăm sóc cha được ngày nào. Nghĩ lại khóe mắt ông cay xè. Nỗi xót xa trào lên nghẹn ứ nơi cổ họng. Lần này, biết tin bà Thắm, người vợ cũ ốm nặng, ông đã quyết định về ngay. Lòng ông nóng như lửa đốt. Ông chỉ sợ mình về không kịp thì lại ân hận suốt quãng đời còn lại. Vợ chồng hết tình vẫn còn nghĩa, một ngày cũng nên nghĩa, huống hồ bà ấy đã sinh cho ông hai đứa con, một gái, một trai. Ông đi biền biệt ngần ấy năm, một tay bà Thắm nuôi dạy các con ăn học, khôn lớn, trưởng thành. Ngày con gái lớn xây dựng gia đình, ông cũng không về được...
    Máy bay đã tiếp xuống đường băng. Nhìn qua cửa kính, ông Phục thấy bầu trời mùa thu của quê hương hiện ra với màu xanh ngắt, trong veo không một gợn mây. Nắng chiều vàng ươm trải khắp không gian mênh mông. Ra khỏi máy bay, ông tiến nhanh đến băng chuyền hàng để nhận va li. Chiếc xe Vios của người cùng làng Thượng được con trai ông thuê đã chờ sẵn. Vậy là chẳng có ai đi đón ông. Cũng phải thôi, các con còn phải chăm sóc mẹ chúng trong bệnh viện. Các anh trai của ông đã nhiều tuổi, già yếu. Các cháu họ thì bận đi làm công ty. Ông về giữa tuần như thế này thì lấy ai mà đi đón. Ông không có quyền trách móc bởi ngần ấy năm đi xa biền biệt, ông cũng chẳng quan tâm được đến người thân, họ hàng ở quê nhà.
    - Bác bay lâu thế có mệt không ạ? - anh lái xe vừa cất chiếc va li của ông Phục vào cốp, vừa cười hỏi.
    - Có tuổi rồi, cũng hơi mệt anh ạ!
    - Ôi! Chắc bác không nhận ra cháu. Cháu là thằng Bờm, à thằng Biên con ông Đông đây mà. Lần trước bác về quê, cháu còn được bác chia cho kẹo mút đấy.
    Ông Phục ngạc nhiên:
    - Thằng Bờm à! Con trai ông Đông đã lớn bằng ngần này rồi cơ đấy? Cháu làm nghề lái taxi lâu chưa? Tự mua được xe này cơ à? Giỏi nhỉ?
    - Cháu có giỏi gì đâu. Học hết cấp ba, cháu đi nghĩa vụ quân sự hai năm rồi về quê làm kinh tế vườn với bố mẹ cháu. Quê mình bây giờ thay đổi nhiều rồi bác ạ. Không ít gia đình mua được xe hơi, kinh doanh vận tải hàng hóa hoặc taxi. Hành khách muốn đi đến đâu thì chúng cháu chở tận nơi. Nhờ chính sách phát triển kinh tế của tỉnh mà nông sản quê mình có đầu ra, xuất khẩu sang cả các nước phát triển nên nhiều gia đình khá giả lắm.
    - Vậy thì mừng rồi! - ông Phục thở dài.
    Biên thắc mắc:
    - Mừng mà sao bác lại buồn thế? Bác có chuyện gì không vui à? Hay bác bị mệt thì bác cứ ngủ một giấc đi. Cháu đưa bác đi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì chỉ một loáng là về đến nhà.
    Ông Phục ngạc nhiên:
    - Có đường cao tốc về quê mình cơ à? Mọi thứ thay đổi nhanh nhỉ? Chẳng ai kể với bác nên bác có biết gì đâu.
    - Vâng! Đường cao tốc này khánh thành cách đây mấy năm rồi. Lát nữa về đến phà Gùa bác còn ngạc nhiên nữa cơ. Phà đã được thay bằng cầu Hợp Thanh rồi, bác có biết không? Có cây cầu ấy tiện thật bác ạ. Mặc dù cây cầu không hoành tráng nhưng đã đáp ứng được niềm mong đợi của bà con suốt bao nhiêu năm. Ngày trước mỗi khi đến mùa thu hoạch vải, vận chuyển đặc sản quê mình lên thành phố, lên Thủ đô, đi các tỉnh khác là cả một vấn đề bác nhỉ? - Biên hồ hởi - À! Còn cầu Quang Thanh nữa bác ạ, kết nối quê mình với Hải Phòng nên việc đi lại, nhất là vận chuyển nông sản, hàng hóa của người dân khu đảo Hà Đông tới các nơi sẽ thuận lợi hơn trước rất nhiều. Chưa khi nào Hải Dương lại có nhiều cầu được xây dựng như mấy năm gần đây bác ạ! Các cây cầu mới không chỉ giải quyết vấn đề đi lại mà còn đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương ở tỉnh ta, kết nối những vùng miền vốn bị ngăn trở bởi sông nước suốt cả trăm năm qua. Hà Đông không còn bị gọi là vùng sâu vùng xa nữa bác ạ! Cháu tin là du lịch sinh thái ở quê mình sẽ ngày càng phát triển, thu hút khách thập phương.
    Ông Phục vừa nhìn hai bên đường cao tốc, vừa thủng thẳng kể chuyện:
    - Ngày trước, bác từng ra sông Gùa đánh giậm, thả lưới. Bác làm đủ nghề từ sửa xe đến phụ hồ, trồng cây ăn quả... mãi mà chẳng ngóc đầu lên được cháu ạ! Trồng vải hồi ấy vừa vất vả vừa không thoát được nghèo. Vợ chồng trẻ cắn rứt nhau vì tiền bạc, vì gánh nặng mưu sinh nên bác quyết tâm đi xuất khẩu lao động với hy vọng đổi đời. Cứ nghĩ đi vài năm, có ít vốn về xây nhà, kinh doanh, nuôi con ăn học. Ai ngờ dòng đời xô đẩy, đi rồi ở miết.
    - A! Cháu biết rồi nhé! Bác có bà hai bên đó nên bị bà ấy giữ chân không cho về chứ gì? Công nhận bác có số đào hoa. Tội nghiệp bác Thắm. Hai anh chị đi học đại học là bác ấy thui thủi một mình. Khi biết hai bác đã ly hôn, cũng có khối ông cùng cảnh đến đặt vấn đề nhưng bác Thắm đều từ chối.
    Ông Phục lại thở dài:
    - Ừ! Tại bác. Giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh thì cũng chẳng ai tin và thông cảm. Nhưng ở nơi đất khách quê người, lúc hoạn nạn thân cô thế cô, người ta cưu mang đùm bọc mình. Không có bà ấy, bác bị nhốt vào trại tị nạn chẳng biết bao giờ mới ra được để về quê.
    - Thật thế hả bác? Dù sao thì mọi chuyện cũng đã rồi. Bác đừng nghĩ ngợi nữa. Bác về lần này có ở chơi được lâu không? Anh Vụ nhà bác dặn cháu rằng bác muốn đi đâu thì cháu chở bác đi đó. Sắp đến cầu Hợp Thanh rồi bác ạ! Lát nữa là về đến làng mình thôi.
    - Nhanh quá cháu nhỉ? Đường nhựa bây giờ phẳng lì, xe chạy bon bon chứ không như ngày xưa. Khi nào đến cầu, cháu cho bác xuống xe một lúc nhé. Hơn chục năm rồi, bác muốn ngắm dòng sông quê mình một chút.
    Biên thay đĩa nhạc. Giọng hát quen thuộc của ca sĩ Anh Thơ vang lên đằm thắm, ngọt ngào: “Qua nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê. Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ. Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn...”. Ông Phục lặng người đi. Nỗi xúc động trào dâng trong lòng khiến ông rơm rớm nước mắt. Ông nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ những ngày lặn lội dưới dòng sông hiền hòa kia để kiếm bữa ăn. Bao nhiêu năm sống nơi đất khách quê người, hình ảnh dòng sông quê vẫn chập chờn trong những giấc mơ của ông.
    Biên cất tiếng khe khẽ hát: “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình. Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ. Con sông tôi tắm mát. Con sông tôi đã hát. Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà...”
    - Cháu hát hay lắm! - ông Phục xuýt xoa khen khi Biên vừa dứt lời.
    Biên khoe:
    - Cháu còn làm MC cho các đám cưới bác ạ! Nếu quê mình phát triển du lịch sinh thái, cháu sẽ xin một chân hướng dẫn viên. Các bạn cháu đua nhau lên thành phố kiếm việc nhưng cháu thấy ở quê mình bây giờ cũng có nhiều công ăn việc làm. Anh Vụ nhà bác tốt nghiệp đại học cũng về quê lập nghiệp. Anh ấy không chỉ trồng vải thiều mà còn trồng bưởi đào, ổi VietGAP và có cả một trang trại nuôi gà đẻ trứng. Chẳng mấy mà thành triệu phú bác nhỉ? Việc gì phải đi đâu... - Biên chợt sững lại vì biết mình lỡ lời - À! Không! Bác đừng để bụng nhé. Ý cháu nói là bây giờ thanh niên bọn cháu có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê mình. Thôi! Bác cháu mình lên xe về làng kẻo tối!
    - Ừ! Bác mừng cho các cháu. Xưa kia bất đắc dĩ bác mới phải ra đi. Mỗi lần trở về, bác thấy quê mình đều đổi thay nhưng quả thật, lần này diện mạo quê hương thay da đổi thịt. Khác quá!
    - Đúng đấy bác ạ! Nông thôn bây giờ cũng được xây dựng kiểu mới, hiện đại và khang trang lắm. Làng mình chẳng thiếu thứ gì. Dịch vụ ship hàng đến tận cửa nhà. Các quán tạp hóa, bia hơi, karaoke, cà phê, trà sữa... mọc lên khắp nơi. Cháu mà để bác ở cổng làng có khi bác không tìm được đường về nhà ấy chứ - Biên bật cười - Đấy! Bác nhận ra cổng chào làng mình chưa?
    Ông Phục căng mắt nhìn qua cửa kính ô tô, ngỡ ngàng, thắc mắc:
    - Ơ! Cây đa đầu làng mình đâu mất rồi! Bác nhớ chỗ kia có cây đa to cơ mà.
    - Vì mở rộng đường nông thôn nên phải chặt rồi bác ạ! Cái giếng làng cũng bị lấp để xây nhà văn hóa rồi.
    - Tiếc nhỉ! - ông Phục ngẩn ngơ.
    - Thôi! Bác đừng tiếc làm gì? Quy luật của sự phát triển mà. Bây giờ bác muốn về đâu để cháu đưa bác về ạ?
    Ông Phục đắn đo giây lát rồi quyết định:
    - Cháu cho bác vào nghĩa trang. Bác thắp nén hương... - giọng ông run run - Lâu quá rồi... Rồi cháu chở bác về nhà ông Cả, anh trai của bác. Chứ bác làm gì có nhà mà về - giọng ông buồn buồn.
    Từ ngày lo hậu sự cho cha ông xong, ông trở lại nước Đức. Công việc cứ cuốn ông đi. Không có lý do chính đáng, bà ấy cũng không cho ông về Việt Nam. Bà ấy không chỉ là vợ mà còn là ân nhân của ông nên ông nhẫn nhịn chiều lòng. Vừa rồi con trai ông gọi điện thông báo mẹ nó ốm nặng, khó mà qua khỏi nên ông thu xếp công việc, nhất định trở về. Thời gian sống với bà Thắm có vài năm nhưng mỗi khi nhớ đến bà ấy là lòng ông day dứt, không yên.
    Trước mặt ông Phục bây giờ là người đàn bà gầy guộc, nằm trên giường bệnh đang truyền nước. Vụ ngồi cuối giường, luôn tay xoa bóp hai bắp chân của mẹ. Ông rất muốn chạy lại, ôm chầm lấy cậu con trai sau bao năm xa cách nhưng Vụ chỉ thốt ra một tiếng: “Bố!” khiến bước chân ông ngập ngừng rồi chững lại. Ông kéo ghế ngồi cạnh giường bệnh, thủ thỉ:
    - Bà đỡ nhiều chưa?
    Vụ lặng lẽ đi ra hành lang bệnh viện. Anh không muốn xen vào cuộc đoàn tụ của hai người.
    - Ông đã về rồi đấy ư? – Từ khóe mắt trũng sâu của bà Thắm ứa ra hai dòng lệ - Thằng Vụ sắp lấy vợ. Ông về thì đứng ra lo cho con để nó đỡ tủi thân. Nó cần có bố chứ không cần tiền ông gửi về như hồi chị nó lấy chồng. Tôi chỉ bị bướu cổ, phát hiện muộn nên cơ thể suy nhược, sút cân chứ không phải bị ung thư.
    Ông Phục mừng rỡ nắm bàn tay bà Thắm:
    - Tốt quá! Tốt quá! Vậy thì tôi yên tâm rồi. Nhất định tôi sẽ đứng ra tổ chức lễ cưới cho con. Thế mà nó giấu tôi. Bà cũng phải mau mau bình phục nhé!
    Suốt buổi tối hôm ấy, ông Phục ngồi tâm sự với con trai ở hiên nhà. Ông kể về những việc đã qua, ông nghe con nói về những dự định sắp tới. Chưa có lần nào ông trở về quê hương mà lại được đón nhận niềm vui lớn lao như vậy. Trăng giữa tháng chiếu sáng cả một khoảng vườn xanh mênh mông khiến lòng ông cảm thấy bình yên đến lạ. Ước gì ông được trở về đây mãi mãi...

Kết Thúc (END)
Trần Thúy Lành
» Điểm Tựa
» Hồi Hương
» Trở Về
» Sau Cánh Cửa
» Thiên Chức
» Điều Giản Dị
» Cách Ly
» Ngôi Nhà Thừa Kế
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen