Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Gió Qua Miền Ký Ức Tác Giả: Vũ Thị Thanh Hòa    
    1. Cụ Đương bắc cái ghế ra ngoài bậu cửa sốt ruột nhìn trời. Mưa ròng rã mấy ngày liền mà vẫn chưa ngớt. Đêm qua mưa rơi xuống gõ nhịp mái tôn kêu lộp bộp suốt, tuổi già khó ngủ nằm nghe tiếng mưa rơi mà nẫu cả ruột gan:
    - Mưa gió thế này không biết nhà bà Hường có về được không? Bà ấy hẹn đợt nghỉ lễ sẽ bảo vợ thằng Thành đưa về chơi đấy!
    Mấy bữa nay ngày nào cụ cũng nhắc đến câu đó vài lần như thế. Ông Đoài biết cụ lại nhớ đến bà Hường nên cũng góp lời động viên bố đôi câu:
    - Cụ lo thế làm gì. Nay mưa đấy nhưng biết đâu hôm đó trời sẽ đẹp lên thôi. Năm nào dịp này bác ấy chả về hở cụ? Mà dịp này dịch bệnh Covid 19 lại bùng phát trở lại nhiều nơi thế, cầu mong đường về quê an toàn cụ ạ.
    Cụ Đương lại xách cái ghế quay vào nhà. Ở tuổi này con cháu luôn nhắc nhở, chỉ cần cụ giữ gìn sức khỏe để chúng nó yên tâm làm ăn đã tốt rồi. Ở đâu cụ ngồi yên đấy. Nhưng loanh quanh trong nhà mãi đâm chán, con cháu còn việc trang trại, việc công ty, bận rộn tối ngày, ai hầu chuyện cụ mãi được. Xem ti vi nhiều thì mỏi mắt thế là cụ chống gậy chậm rãi từng bước sang hàng xóm làm chén nước vối, dăm ba câu chuyện với ông Cường, ông Bến dưới gốc cây xoài, rít vài điếu thuốc lào rồi trở về.
    Bà Hường không phải chị em ruột rà với ông Đoài. Bà là con gái lai Tây của cụ Mí. Năm xưa, chính tay cụ Đương trở thành bà đỡ bất đắc dĩ, giúp cụ Mí mẹ tròn con vuông, sinh hạ được bà Hường. Bận khác, trong một lần chống càn cụ cứu vớt được bà Hường bị ngã xuống sông khỏi chết đuối. Ngày ấy bà Hường mới lên ba. May mà được cụ sơ cứu đúng cách kịp thời nên bà Hường mới thoát khỏi bàn tay tử thần. Nhưng từ sau đợt đó bà Hường bị sốt li bì những mấy hôm ròng. Để nuôi dễ, cụ Đương nhận bà làm con nuôi, quý chẳng khác nào con đẻ. Cụ Mí ốm mất cách đây vài năm. Chuyện thuở mới đầu vào Việt Minh, được cụ Mí giới thiệu vào Hội Thanh niên cứu quốc đến bây giờ cụ vẫn còn nhớ như in…
    2. Làng nằm bên cạnh sông, nhà Đương nghèo bữa no bữa đói. Cả nhà đi làm thuê cho nhà địa chủ mà họa hoằn lắm mới được bữa cơm. Nhà có 6 miệng ăn, nhiều khi bát cơm chỉ đơm hết lượt thứ nhất thì nồi cơm đã trơ đáy. Còn lại là những bữa cháo loãng, thêm một nhúm muối cũng đủ bữa cho cả nhà. Sáng ấy dong con trâu cái cày ra đồng, mới cày được nửa luống thì gặp cô Mí đong đưa đôi quang gánh đi đến. Cô ta ngả luôn đòn gánh ngồi xuống bờ mương chỗ ruộng nhà Đương cắt cỏ. Mí tay nhanh thoăn thoắt túm từng nắm cỏ đưa liềm cắt ngọt xớt. Tí đã được lưng xảo. Tuy phải bước đi theo trâu, tay cầm dây thừng tay cầm roi thi thoảng lại quát con trâu “rẽ vào”, “đi nhanh” đến lạc cả giọng mà nó vẫn lười biếng, lúc nào cũng đủng đỉnh nhưng cứ đến đầu bờ Đương lại liếc trộm cô ta một cái. Cô Mí con nhà bà Cả Phiên nổi tiếng là xinh gái nhất nhì làng. Ai mà không biết. Bỗng cô gái dừng tay liềm nhìn Đương thẽ thọt:
    - Anh Đương này, tối nay có bận gì không thế?
    Không nghĩ lại được cô gái xinh nhất nhì làng quan tâm hỏi han, Đương đâm ra lúng túng lạ:
    - À, tối thì có việc gì đâu. Tôi rảnh mà.
    - Tối nay nhá. Gặp nhau ở nhà bà Hai Nhị đi!
    - Đi cày về nhọc lắm. Tối về chỉ muốn nằm kềnh thôi. Chưa chắc đã đến đâu…
    Chả hiểu sao được gái xinh hẹn tự dưng Đương đâm ngại nên nhấm nhẳng thế. Mà sao lại hẹn gặp ở nhà bà Hai Nhị? Đương đâm ra thắc thắc.
    - Có việc này bí mật lắm. Không đến sẽ phải hối hận cho mà xem!
    Câu nói úp mở của Mí khiến anh chàng vừa làm vừa thắc thỏm. Chưa bao giờ Đương lại mong nhanh đến tối như vậy. Vừa trả trâu cho chủ xong, Đương chạy về tìm bộ quần áo lành lặn nhất ra mặc. Đang ngập ngừng trước ngõ nhà bà Hai Nhị thì Mí đon đả:
    - Vào đi chứ. Có người đang đợi anh Đương đấy.
    - Sao? Không phải là Mí đợi, lại còn ai nữa chứ?
    - Tôi đợi. Cả mọi người cũng đang đợi anh!
    Mí láu lỉnh đáp. Rẽ xuống lối này cơ. Mí dẫn Đương đi vòng ra sau nhà. Nơi ấy là cái lán vịt cũ mới được lắp thêm đôi cánh cửa. Cửa kẹt mở, ngọn đèn dầu tù mù được chủ nhà khêu lên cho sáng hơn. Đương ngạc nhiên vì đa phần thanh niên trong xóm có mặt ở đây cả. Họ gật đầu chào Đương như thể đã đợi từ lâu rồi. Đương nhìn kỹ thấy duy nhất có một người đàn ông lạ. Anh ta tuổi ngoài ba mươi dong dỏng cao, đôi mắt sáng và giọng nói trầm ấm:
    - Anh chị sống ổn chứ? Có được ăn no, mặc ấm không? Tôi dám chắc chúng ta ngồi đây chẳng khác gì gia đình tôi, họ hàng tôi. Các anh chị cũng làm lụng chăm chỉ suốt ngày nhưng cuộc sống của chúng ta cực khổ là do đâu? Các anh chị có muốn chúng ta thay đổi nó không?
    Đương ngẩn người nghe người đó nói mà như được khai sáng bao điều mới lạ. Chẳng bao giờ Đương cũng như những thanh niên ngồi ở đây lại dám nghĩ đến việc phản kháng trước bọn cường hào. Bố mẹ Đương làm nai lưng ngoài đồng, ngoài bãi, chăn trâu thả vịt, cắt cỏ cá, thái bèo nấu cám không ngơi tay, nhiều khi đói đến lả người mà cũng bị lão Phán địa chủ mắng xơi xơi. Coi người làm không khác gì con vật. Hóa ra người đó từ huyện về. Người này lại nói:
    - Các anh chị tuyên truyền và giới thiệu tiếp nhé. Chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp trên và sẽ lên danh sách kết nạp vào đội Việt Minh.
    3. Cái hộp gỗ màu gụ của tôi anh để đâu rồi?
    Nói đến chiếc hộp đó ông Đoài biết ngay cụ Đương lại muốn mở ra dòm những lá truyền đơn năm xưa mà cụ bọc cẩn thận trong túi nilon, cất kỹ trong đó. Đón lấy cái hộp gỗ đã bợt nước sơn, cụ Đương run run mở nắp hộp. Ngày được tuyên truyền, vận động, các tầng lớp nhân dân hào hứng tham gia vào các tổ chức, đoàn thể cứu quốc do Việt Minh lãnh đạo. Tất cả già trẻ gái trai đồng tâm hợp lực. Ai cũng mang khát vọng cháy bỏng là được tham gia đấu tranh để thoát khỏi tròng áp bức, nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
    Là nữ thanh niên nhanh nhẹn tháo vát lại trong đội nòng cốt, Mí nhanh chóng được bầu vào Ban Chấp hành Việt Minh của xã, phụ trách Thanh niên cứu quốc hội. Làm việc sát cánh cùng cô gái thông minh, lanh lợi, Đương từ cảm phục dần chuyển sang thương mến lúc nào không rõ. Nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là tuyên truyền, vận động, rải truyền đơn đến tay mọi người, kêu gọi cùng tham gia cách mạng. Để tránh sự theo dõi, đàn áp của địch, nhóm của Đương phải di chuyển qua nhiều địa điểm. Mí cắt cử người canh gác các đầu ngõ ra vào, rải tới từng nhà. Nhưng thật không ngờ trong một lần đi làm nhiệm vụ, Đương đã không bảo vệ được bạn gái của mình. Tối ấy trời đen như mực, Mí đang tìm cách liên lạc với những thành viên trong nhóm để giao nhiệm vụ mới thì gặp 2 tên lính Tây nghênh ngang đi tới. Chúng xổ ra bằng thứ giọng lơ lớ:
    - Này cô em, đi đâu thế?
    - Tôi đến nhà dì Bồng. Dì bị ốm, tôi mang cháo sang. Tránh ra cho tôi đi!
    Đường thì hẹp lại bị chắn ngang, hai thằng Tây to đùng nhìn thấy cô gái đẹp đang cố gắng vượt lên trước thì khoái chí cười hô hố với nhau. Bất ngờ một thằng ôm chầm lấy ngang người Mí, tay kia ghì sát cổ kéo xềnh xệch cô vào vườn cam gần đó...
    Nhìn thấy ánh đèn lập lòe bên vườn chuối, Đương từ xa chạy lại thì chỉ còn nhìn thấy Mí trong bộ dạng nhàu nhĩ, tả tơi. Đương bất lực gào lên một tiếng thất thanh như có ai đó bóp nghẹn trái tim mình. Kể từ lần đó, Mí lảng tránh Đương.
    Tin tức về Tổng khởi nghĩa được truyền đi, hôm đó Ban Chấp hành kêu gọi mọi người tập trung ở đình làng. Người nào cũng hò nhau đi phá kho thóc Nhật bên kia sông. Đương muốn cản Mí lại vì lo sức con gái nhưng Đương vừa lao mình xuống sông, Mí cũng đã nhoay nhoáy theo sau, bơi sang sông như con nhái bén. Mỗi lần Đương gặng hỏi Mí cũng đều cúi đầu lảng tránh: “Tôi không còn là con gái, anh Đương nên tìm người khác sẽ hạnh phúc hơn tôi”. Thời gian sau Mí vào đội du kích, học băng bó cứu thương, cáng thương binh trở về sau những trận đánh. Mí đã nên vợ nên chồng với một anh bộ đội đã góa vợ vì bị Tây sát hại. Một thời gian khá dài, Đương cũng được gia đình vun vén với Nhuệ, người vợ sau này và đã mất sớm khi sinh cậu con trai út được một tháng tròn.
    4. Bà Hường điện về muốn gặp cụ đây này!
    Cụ Đương tay run run cầm chiếc điện thoại đưa lên nghe:
    - Ấy chết, cụ đừng áp vào tai sát quá là tắt máy đấy.
    Lần nào nghe điện cụ cũng được con cháu dặn dò. “Cụ chỉ cần nói vừa phải thôi là bên kia cũng nghe thấy rồi”. Thế mà lần nào cũng y như một, cụ nói to đến nỗi người đi qua ngõ cũng phải nhìn vào. Chưa gọi điện lên để thông báo về tu bổ đình làng mà bà Hường đã biết, gọi về hỏi han ríu rít. “Đúng rồi, con thấy việc này nên làm. Con em trong làng đi xa mỗi khi về thăm đình sẽ nhìn thấy được giá trị văn hóa và lịch sử của làng, thầy ạ. Con sẽ gửi tiền về để ủng hộ”.
    Cụ Đương trầm ngâm. Dạo này làng xôn xao chuyện trùng tu lại ngôi đình. Đình quay hướng tây nam, dựng theo kiểu ba gian hai chái. Trước đây ngôi đình làng là chỗ dựa tinh thần, không chỉ là nơi thờ các vị thần thánh mà còn là nơi dân làng thường đến đây tụ họp, bao nhiêu lễ hội vui chơi được tổ chức ở nơi này. Với người làng, đó còn là ngôi nhà chung chứng kiến bề dày lịch sử của làng, in dấu vết khá đậm trong cụ với những buổi mít tinh tuyên truyền, các cuộc họp bí mật của nhiều đoàn thể cách mạng. Những buổi tế lễ của làng bao giờ cũng có sự tham gia của đông đủ các vị cao niên, thanh niên và trẻ nhỏ, đặc biệt là lễ tế cờ chào mừng thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945. Lâu nay đình ít được quan tâm, lại còn bị gia đình ông Hoằng gần đó lấn chiếm làm vườn. Hôm dự cuộc họp Hội Người cao tuổi, cụ Đương có ý kiến đầu tiên về việc phải trùng tu đình. Không chỉ rất cần người làng đóng góp công sức mà nên vận động con em xa quê ủng hộ kinh phí. Thế là bà Hường đã xung phong, gương mẫu ủng hộ đầu tiên khiến cụ cũng dễ ăn nói với xóm láng.
    Hồi đầu năm, con đường xã cũng mới được trải bê tông xong. Con đường mới mở rộng rãi thuận tiện cho người dân đi lại. Xã đang trên đường về đích xây dựng nông thôn mới. Nếu về đợt này chắc chắn bà Hường sẽ phấn khởi vì diện mạo quê hương có nhiều khởi sắc. Lần trước về, ra thăm trang trại nuôi ốc nhồi của hai bố con, bà Hường hóm hỉnh khen làm ông Đoài cứ vui mãi:
    - Chẳng hổ danh con nhà nòi, vẫn nuôi ý chí cách mạng có khác. Kháng chiến chống cái đói nghèo thắng lợi lớn rồi.
    Ông Đoài chợt mỉm cười. Bao giờ nhắc đến hai chữ “ngày xưa” cụ Đương cũng không giấu nổi niềm tự hào:
    - Tình hình dịch Covid 19 thế này thật đáng lo quá. Mong sao bà con ai cũng tuân thủ nghiêm các biện pháp để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Ngày xưa giặc đế quốc hùng mạnh thế mà dân mình còn đánh thắng, lẽ nào cái con virus nhỏ bé thế lại phải chịu nó sao?
    Chẳng là cụ mong mau chóng hết dịch để bà Hường được về thăm quê. Bất chợt có một làn gió ùa về, thổi qua miền ký ức…

Kết Thúc (END)
Vũ Thị Thanh Hòa
» Sao Băng
» Cách Ly
» Gió Qua Miền Ký Ức
» Vị Ngọt Đồng Làng
» Lỗi Hẹn Mùa Xuân
» Bình Minh Bãi Đáy
» Đọt Nắng Qua Thềm
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ