Dung ngồi chăm chú đọc cuốn “Cơ sở lý luận báo chí”. Sách này chị đã học từ ngày mới “nhập môn” vào trường đại học báo chí. Nhưng hôm nay phải đọc lại vì sáng mai chị có giờ lên lớp cho những người yêu thích nghề viết báo. Dung không phải là giáo viên. Chị chỉ là người sống lâu năm, lại là người có nhiều ý kiến sắc sảo về nghề báo. Câu lạc bộ “Những người yêu thích nghề báo” mỗi năm mời chị nói chuyện một hai lần. Công việc của một trưởng ban ở một tòa sạn báo đã chiếm hết thời gian trong ngày của chị. Mắt Dung nhìn vào sách mà chẳng đọc nổi chữ nào. Tiếng cười nói xôn xao của cánh phóng viên trẻ đang chăng đèn kết hoa, căng băng rôn treo cờ ngoài sân chuẩn bị hướng tới Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam khiến chị phân tâm. Dung đứng dậy khép bớt cửa sổ. Chị lật giở từng trang như một thói quen. Vẫn không có chữ nào đọng lại trong đầu. Tâm trí chị đang trôi về ký ức xa xôi của những ngày đầu nuôi ước mơ trở thành phóng viên.
Ngày ấy đã hai chục năm có lẻ. Dung mới là cô bé học lớp 12. Cũng như bao người bạn cùng lớp, ước mơ và hy vọng luôn tràn đầy nhưng cũng không ít băn khoăn. Chọn nghề gì đây? Không ai có thể đoán trước được tương lai của mình. Nhiều lúc mải đắn đo suy nghĩ mà Dung như kẻ trầm cảm, mộng du. Làm mà không biết mình đang làm gì. Nói mà không biết mình vừa nói gì. Dung băn khoăn giữa sư phạm và báo chí. Thực ra ngành sư phạm là do bố mẹ định hướng cho Dung ngay từ hồi đang học cấp 2. Mẹ Dung là cô giáo. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, mẹ Dung thủ thỉ. Bà vẽ ra trước mắt Dung hình ảnh vinh quang và tự hào của người dạy học, “nhất tự vi sư bán tự vi sư”. Ban đầu Dung định thuận theo lời bố mẹ khuyên bảo. Nhưng một hôm ông Nghênh, anh họ của bố Dung, người làng bên, hỏi: “Cháu có yêu nghề sư phạm không?”. Không đắn đo, Dung trả lời: “Cháu không yêu ạ”. Ông Nghênh ôn tồn: “Bác không dám khuyên cháu theo học nghề gì. Nghề nào cũng tốt. Bác chỉ nói với cháu một câu thôi. Cháu yêu nghề nào thì hãy theo học nghề đó”.
Ông Nghênh là phóng viên của một tờ báo chuyên ngành. Dung chẳng mấy khi thấy ông ở nhà. Một lần thấy bà Nghênh đang lụi cụi tưới rau, Dung vô tình hỏi: “Bác trai cháu hôm nay không được nghỉ ngày lễ hả bác?”. Như bắt được nơi xả mọi nỗi muộn phiền, bà Nghênh bảo, vừa như than thở vừa như tự hào: “Ối giời, bác chị đi như ngựa vía suốt ngày. Hễ về đến nhà lại ngồi viết viết, xóa xóa. Chẳng biết ông ấy viết cái gì mà lắm thế. Nếu có hỏi thì ông ấy bảo: Làm cái anh phóng viên mà không đi, không nghe, không tìm hiểu cho rõ đầu nguồn, lạch sông thì viết cái gì? May mà dạo này có cái máy vi tính nên nhàn hơn chút ít. Ông ấy nói xa xôi quá. Bác quê mùa chả hiểu gì cả. Chán chẳng buồn hỏi nữa”. Rồi bà cười thoải mái như vừa cấy xong thửa ruộng. Dung biết bác dâu mình thuộc diện “khẩu xà tâm phật”. Những lúc ông Nghênh ngồi viết bài thì bà Nghênh cùng những đứa con nếu có làm gì cũng đều nhẹ tay, tránh gây ra tiếng động. Đủ thấy bà yêu chồng, tôn trọng chồng biết nhường nào.
Dung kính trọng người bác họ đi nhiều, hiểu nhiều và luôn gợi ý cho Dung những điều rất bổ ích. Những tối sang học cùng con gái bác, Dung đều thấy bác Nghênh cặm cụi viết. Hình ảnh ấy khắc sâu vào tâm trí Dung. Dung khâm phục nghị lực tràn đầy của ông. Một lần chắc vừa viết xong, ông Nghênh ngẩng lên hỏi Dung: “Cháu đã đăng ký nguyện vọng chưa? Sắp hết hạn rồi đấy”. Dung nói: “Bố mẹ cháu chưa thông với nguyện vọng của cháu”. “Thế cháu chọn nghề gì?”. Dung đáp: “Dạ, cháu chọn khoa báo chí ạ”. “Cháu đừng thấy cô phóng viên này, anh phóng viên kia được vinh danh trên báo chí, trên truyền hình mà nghĩ rằng nghề báo toàn là màu hồng”. Ông Nghênh hỏi tiếp: “Cháu có yêu nghề đó không?’. “Dạ. Cháu yêu lắm ạ”. Vẻ hài lòng hiện lên trên khuôn mặt ông Nghênh. Tuy vậy ông vẫn bảo: “Phóng viên báo chí là một nghề vất vả và nguy hiểm, nhiều cám dỗ. Người phóng viên phải đi nhiều nơi, rất khó có điều kiện chăm sóc bản thân, gia đình. Gia đình ở đây ý bác nói chuyện chồng con sau này đấy”.
Sắp hết thời hạn đăng ký nguyện vọng, Dung buộc phải thưa chuyện với bố mẹ. Bố Dung bảo: “Nghề giáo viên ít va chạm lại nhàn nhã, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”. Mẹ Dung lại lo lắng cho cuộc sống của con gái. Bà sợ con phải cực nhọc khi suốt ngày lang thang nay đây mai đó. Rồi còn phải chồng con nữa chứ. Dung cố gắng giải thích cho bố mẹ hiểu rằng nghề gì, việc gì cũng có hai mặt. Mẹ Dung chừng nóng mắt: “Chị khỏi phải dạy khôn tôi”. Dung thưa: “Con không thể trở thành một cô giáo tốt khi không có tình yêu nghề, yêu trẻ”. Bố mẹ Dung nhìn nhau khẽ thở dài. Bố Dung bảo: “Thôi tùy con, sau này sướng hưởng, khổ chịu”.
Niềm vui sướng qua nhanh nhường chỗ cho mọi lo toan khi Dung hội nhập vào môi trường mới. Ngồi trên giảng đường nghe giáo viên giảng về những môn chuyên ngành vừa hấp dẫn, vừa hụt hẫng. Mọi điều không như Dung nghĩ. Hình như người phóng viên có phần được cường điệu để tạo nên những vầng sáng lung linh. Không có mồ hôi, không có nước mắt, không có những đêm thức trắng viết bài như bác Nghênh từng nói, từng làm. Lại thêm bạn bè trong lớp bảo Dung: “Mày sống nội tâm, ít bộc lộ cảm xúc, trong khi yêu cầu của nghề báo thì ngược lại. Vậy theo nghề thế nào đây?”. Dung lo lắng lắm. Đôi lúc cô tự hỏi: “Hay mình đã ngộ nhận?”. Không thể nhầm được. Dung đã qua cái thời dở xanh dở chín rồi. Dung thần tượng nghề báo từ ngày còn đang học lớp 9. Dung muốn được nói, được nghĩ, được viết những điều mình suy nghĩ. Bác Nghênh có lần bảo: “Ở một góc độ nào đó, nghề viết báo như cái lò lửa rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ. Sống trong cái lò lửa ấy đừng để bị lửa thiêu cháy mình”. Thầy chủ nhiệm khoa bảo: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Phải học, học không ngừng”. Nghe theo lời động viên của thầy, Dung lao vào học. Dung tập nói, tập diễn đạt ý nghĩ của mình, mở rộng quan hệ. Dần dần Dung thấy mình tự tin, không còn sợ khi tiếp xúc, không còn run khi mở lời. Sau này, các chuyến đi trải nghiệm đã giúp Dung nâng cao nghiệp vụ.
“Hết giờ rồi, em chưa về sao?”. Thoảng, chồng Dung, một cán bộ quản lý của tòa soạn cắt đứt dòng hồi ức của Dung. Chị bừng tỉnh. Dung vừa thu xếp giấy tờ, vừa bảo chồng: “Anh rẽ qua trường đón cu Bin nhé. Em vào chợ khá lâu đấy. Hôm nay sinh nhật cu Bin, cũng phải có chút quà tặng cho nó phấn khởi chứ”. “Ừ, vậy anh về trước”. Nhìn theo bóng chồng, Dung thấy mình thật hạnh phúc. Thoảng học trước Dung ba khóa. Nhà báo lấy nhà báo thì không còn gì hợp hơn. Ai cũng nghĩ thế. Bản thân Dung và Thoảng cũng nghĩ thế. Hai người sẽ thông cảm sẻ chia mọi khó khăn, vất vả trên con đường công tác. Ngờ đâu hai người cứ như sao mai, sao hôm. Người này về thì người kia đi. Hồi còn đang yêu, Dung không nhớ bao lần Thoảng hẹn đưa Dung về ra mắt bố mẹ. Tuần này rồi tuần sau, tuần sau nữa. Lúc người này đi công tác, khi lại người kia đi công tác. Một lần Thoảng bảo: “Hay em tự đến, anh sẽ gọi điện báo trước”. Dung cười: “Em chưa thấy ai làm thế”. Cũng may, bố mẹ Thoảng tuy chỉ là người buôn bán nhỏ nhưng tỏ ra rất bắt kịp thời đại. Ông bà cảm thông với hoàn cảnh của đôi trẻ. Áp lực công việc, áp lực thời gian đôi khi biến vợ chồng Dung thành người thất hứa vô tâm.
Nhớ lần bài báo đầu tiên Dung viết được chính Tổng Biên tập duyệt. Ông đọc rất chăm chú. Đọc xong, ông thốt lên: “Quyết liệt quá. Đao to búa lớn quá. Sắp thành bãi chiến trường đến nơi rồi”. Dung ngỡ ngàng chưa hiểu ý ông Tổng muốn nói gì. Tiếng ông thân mật bảo: “Trách nhiệm của người phóng viên thời sự vẫn biết phải viết về mọi hiện thực và khách quan, nhưng phải dựa trên tinh thần nhân văn, nhân đạo. Một bài báo tốt phải gắn liền với lương tâm. Thế này nhé, cô cầm về sửa lại, chiều mai đưa tôi, cần cân nhắc từng câu, từng chữ khi đặt bút”. Dung nhận lại bản thảo mà lòng buồn vời vợi. Dung phải mất một đêm dỡ tung bài báo cũ và viết lại. Bài báo lên trang đúng như dự kiến tuy ngắn hơn. Dung vui lắm. Ôi chao, người ngoài nghề cứ tưởng nghề báo là sung sướng. Thật ra để có được một bài báo đúng nghĩa, người viết phải đổ bao tâm huyết, lao động cực kỳ nghiêm túc. Bài học vỡ lòng đầu tiên bác Nghênh đúc kết: “Đọc - đi - viết - nghĩ. Mệt hơn cày ruộng”. Nay Dung biết thêm một thành ngữ mới: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Một người làm báo giỏi về chuyên môn là chưa đủ mà còn phải có trách nhiệm và lương tâm trước những điều mình viết. Ông Tổng thường nhắc: “Vô cảm là khởi đầu cho vô trách nhiệm”.
Nói thì nói vậy, một đôi lần do áp lực quá Dung đã tính chuyện chuyển nghề, muốn “trả hết cho người”. Lâu lâu mới có dịp về thăm bố mẹ đẻ. Ngồi chưa ấm chỗ đã tính chuyện “mã hồi”. Chẳng mấy khi ở quê được nổi hai ngày. “Công việc của con còn dang dở”. Mẹ nhìn Dung âu yếm: “Dạo này con gầy và đen quá. Vất vả lắm hả con? Mẹ cứ nhìn bác Nghênh là suy ra công việc của con. Còn tính chuyện chồng con nữa chứ. Cuộc đời có nhiều lựa chọn, tại sao không chọn niềm vui?”. Lần nào soi gương cũng khiến Dung thoáng buồn. Nhưng lỡ vương nghề viết mất rồi. Dung sẽ làm hết mình thỏa mãn khát khao, ước mơ còn hơn để tuổi trẻ trôi qua trong tiếc nuối. Còn gì vui sướng hơn được làm cầu nối giữa người hảo tâm với người nghèo khó, hoạn nạn. Giữa những doanh nghiệp với người bất hạnh cần giúp đỡ. Cũng không có gì hạnh phúc hơn khi một bài báo chỉ vài trăm chữ mà một gia đình nghèo khó được dọn vào căn nhà tình thương trước ngày Tết Nguyên đán. Vậy thì cá nhân Dung có là gì đâu. Thế là Dung lại gắn bó với con đường mình đã chọn như một sự đa mang.
Lâu lâu hôm nay Dung mới có dịp đến thăm người bác kính yêu của mình. Ông Nghênh đã nghỉ hưu từ chục năm nay. Nhưng chưa khi nào ông ngừng viết. Ông bảo: “Nghề báo không có tuổi. Tuổi càng cao đồng nghĩa với thời gian dành cho viết, cho nghề sẽ ngắn lại. Vậy hãy viết, viết bằng chính tâm hồn mình”. Dung học ở ông biết bao kinh nghiệm quý giá mà hồi ở trường chưa bao giờ được nghe. Ông Nghênh bảo: “Bác luôn theo dõi từng bước chân cháu đi, từng bài báo cháu viết. Khá lắm con ạ. Nhưng con nên nhớ rằng, năng khiếu chỉ là yếu tố giúp người ta tiếp thu nhanh. Dấn thân và đam mê. Năng động và sáng tạo. Cao hơn là trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm công dân trước bài viết của mình”. Vâng. Hơn hai chục năm qua Dung luôn làm theo lời ông dạy. Cộng với sự dấn thân không biết mệt đã giúp Dung trưởng thành.
Hạnh phúc không phải lúc nào cũng có thể khoe được. Hạnh phúc của Dung là mỗi ngày được cống hiến hết mình với nghề viết. Được thấy những “đứa con tinh thần” của mình xuất hiện trên mặt báo. Lỡ vương nghề viết mất rồi.
Kết Thúc (END) |
|
|