Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Cha Tác Giả: Bùi Việt Phương    
    Hùng đặt điện thoại xuống bàn, vừa lúc lưng chạm vào chiếc ghế êm ái. Cái ghế êm ái nào sinh ra đều chẳng dành cho một vị trí công việc nhiều gai góc. Doanh thu đang sụt giảm do đại dịch Covid-19, lịch công tác chi chít trên bàn, thế mà mẹ anh lại vừa nhập viện. Hùng đưa mắt nhìn ra giò lan phi điệp ngoài hiên, mới ngày nào, giờ nó đã có thêm một nhánh mới. Chỉ có mình Hùng là như cái cành duy nhất sinh ra từ cái cây đơn độc. Bấy nhiêu năm qua hai mẹ con cứ vịn vào nhau trong gió bão. Cứ lủi thủi trong một niềm hoài vọng về cha.
    Thật ra, đã có nhiều lần anh hỏi mẹ: Sao cuộc đời này có những người cứ sống gần nhau mà chưa bao giờ cùng nhìn vào mắt nhau? Ngày bé, mỗi lần nghe Hùng hỏi thế, mẹ đỏ mặt. Chú Lâm bên hàng xóm lúc ấy thì đã có cái điếu cày. Việc gì khó nói, khó nghĩ là chú lại làm cho cái điếu tre tỏa khói mù mịt khiến Hùng ho sặc sụa. Còn khi mẹ lặng thinh nhìn ra cửa sổ cũng là lúc mẹ đã già, chú Lâm tóc đã bạc trắng, hai người mãi mãi là đôi bạn từ ngày còn trẻ, hai người đơn độc. Biết đâu, cuộc đời này sẽ khác đi nếu như không có anh.
    Năm nào, cứ vào hè, chú Lâm lại biến mất một cách khó hiểu. Mãi rồi anh mới biết, chú lại đi tìm mộ cha cho anh. Chú với mẹ anh là bạn học từ nhỏ, rồi đi chiến trường, chú lại làm bạn của cha. Hùng lớn lên, chú lại như người bạn bên anh. “Người ta sống có hồn, có vía, mất rồi cũng phải có nấm mồ để cháu con hương khói”, chú hay lẩm bẩm một mình như thế. Đến lúc Hùng thành một cậu kỹ sư lành nghề, tuổi đã đầu bốn, chú Lâm vẫn lọ mọ đi tìm. “Ông kỹ sư cũng phải có cái gốc, cái gác”, chú nói thế rồi lại mải miết đi. Bốn mươi năm rồi, lần nào về chú chả ốm quay ốm quắt, ba lô lép kẹp, lòng thì thất vọng trống không…
    Những lần như thế, mẹ chỉ nấu canh mồng tơi với tép giã nhỏ rồi giục Hùng mời chú sang ăn cơm. Hùng chẳng thấy mẹ nêm thêm bột canh bao giờ mà chú Lâm vẫn khen canh ngon rồi ăn hết mấy bát cơm. Cái món dân dã ấy như một ký ức đã hằn sâu trong tâm trí chú. Mẹ bảo những ngày mong tin cha ấy, mẹ quên cả cho gà ăn, quên cả tưới rau thì làm sao nhớ nổi mình đã nêm bột canh chưa. Mỗi năm nỗi buồn lại được xới lên như cỏ đồi sau mưa. Mẹ thương chú Lâm, lại vừa giận chú cũng vì sự xới xáo ấy.
    Năm nay, mẹ yếu hẳn. Nhà bên, chú Lâm cũng bắt đầu có những cơn ho dài mỗi khi đêm về. Sớm nay, khi Hùng dắt xe ra cửa đi làm, chị giúp việc đang phơi quần áo trước sân đã nhỏ nhẹ:
    - Em đi làm nếu rảnh gắng về sớm qua viện bón lưng cháo cho bà. Bà chỉ thích em bón.
    Ngừng lại đôi chút, như thể nhớ ra điều gì, chị lại nói tiếp:
    - Mà ông Lâm bên nhà vẫn ho, hôm nay lại thấy xách ba lô, hình như còn đang đợi cậu…
    Hùng đẩy cánh cổng nhà bên bước vào. Cánh cổng sắt vang lên những tiếng cũ xưa. Hình như mưa nắng làm hoen rỉ kim loại đã tạo nên một tiếng vọng sâu vào ký ức. Bên bậc thềm đá cũ, chú Lâm giờ đã là một ông lão bên chiếc ba lô không tuổi đang nhìn anh. Người ta quá tam ba bận, chú thì… định thêm lần thứ41 sao? Hình như ông Lâm đọc được ý nghĩ đó từ ánh mắt Hùng:
    - Lần này không tìm được cha cho con, ta sẽ không bao giờ đi tìm nữa. Tại sao sau trận đánh ấy, xác ông ấy lại biến mất một cách khó hiểu như hơi nước vậy nhỉ? Ta đã tìm kiếm ngần ấy năm. Bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ đều đã đến, bao nhiêu lần tìm kiếm được những người cùng tên, cùng họ thì lại khác quê, cứ có một cái gì đó sai lệch. Lẽ nào ông trời bắt cha con phải khổ đến thế.
    Hùng cúi xuống, nắm lấy bờ vai ông, anh cố gắng nói thật chậm để ông hiểu. Chiến tranh đau thương đã lùi xa. Không ai quên ngày hôm qua nhưng hôm nay đang có những điều cần phải vui, phải nhớ. Và chính anh cũng thấy bình thản. Có thể cha anh là bất kỳ ai trong số những người lính anh đã thấy trong những thước phim tài liệu, hay trong những ngôi mộ nằm ngay ngắn ở những nghĩa trang liệt sĩ cũng được. Nhưng hình như ông Lâm không có định từ bỏ dự định của mình.
    Đang chìm trong dòng suy nghĩ bỗng Hùng nghe thấy có tiếng gõ cửa, vẫn cái điệu bộ hấp tấp, Mạnh bước vào nói giọng tức giận:
    - Thưa anh, lần này thì phải tống cổ lão Chí đi, không thể chịu được nữa…
    Lại lão Chí. Vốn là, từ ngày cái công ty tư nhân của anh chuyển về đây, tay giám đốc nổi hứng tận dụng những khoảnh đất thừa xung quanh các dãy nhà để làm non bộ, bày cây cảnh, trồng lan, chơi chim… tất tật những thứ mà người ta đang chuộng. Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, Hùng lại nghe lời bà tổ trưởng dân phố giới thiệu cho sếp anh một ông lão dáng thấp nhỏ, nói là cụ rất chăm chỉ, thật thà.
    Công bằng mà nói, lão Chí bình thường cũng chịu khó. Tiện có cái bốt ở cổng, anh cho lão tá túc luôn. Nhưng dần dà, lúc thì bảo vệ kêu lão bỏ quên cửa lồng để chim cảnh bay mất. Lần thì lão mang đất vào quên đóng cổng phụ để trộm lẻn vào, may có camera soi nên không bị mất gì. Có lúc lão quên cả tưới hoa…
    - Hình như ông lão ấy có vấn đề, không được bình thường lắm, cậu cũng nên cân nhắc…
    - Không anh ơi, hôm trước bảo vệ kêu mất máy bơm nước, sáng nay có người bắt gặp lão mang máy bơm đi bán.
    - Ôi trời!- Hùng thốt lên.
    - Chưa hết đâu anh, hôm rồi anh Khải ở Phòng Tài vụ đi sang nhà bố vợ thấy ông cụ có con chào mào mới mua thuần lắm. Hỏi ra thì mới biết là cụ mua của ông Chí. Mà đúng cái con chim của sếp Long bị sổng hôm nọ. Lão cứ một mực “tôi quên đóng cửa lồng”. Giờ, anh bảo hai năm rõ mười chưa?
    Chiều ấy khi trời sắp mưa to, những chiếc lá trên tất cả những cái cây trong thành phố hình như đều bị dứt tung, trộn vào hỗn mang của gió bụi mà quăng quật. Hùng tháo kính dụi mắt, cố đẩy được chiếc xe vào mái hiên ngôi nhà bên đường ngay gần công ty thì chân anh dường như đá phải một người. Một người, không, là lão Chí, lão đang nằm. Lúc này thì chẳng còn biết tránh ra đâu nữa. Người lão không hề bị ướt nhưng hình như khuôn mặt lão đang đầm đìa nước mắt. Hùng đỡ lão ngồi dậy. Như chẳng cần biết đang gặp ai (thực ra thì chắc lão cũng đâu có tường mặt anh), lão đang thổn thức trong tiếng nấc.
    Bốn chục tuổi đầu, chưa bao giờ Hùng nghe một người già khóc não nề đến thế. Trong tiếng mưa đang gõ trên mái tôn ồn ã kia, hình như anh nghe lão đang kể một câu chuyện. Chẳng hiểu sao lúc ấy, trong anh lại nảy ra một ý nghĩ quái đản, anh lấy điện thoại, bật ghi âm, nhét vào cổ áo lão Chí rồi thản nhiên sờ túi móc bao thuốc ra hút.
    Lần này Hùng rủ Mạnh, gọi thêm thằng em cùng công ty mang xe ra tận bến đón ông Lâm. Người đàn ông thất bại lần thứ 41 hình như lại đạt đến sự bình thản chưa từng có. Ông nở nụ cười với hai người rồi bình thản kéo cửa xe bước lên, để lại nỗi buồn rớt bên hè phố.
    - Giờ rẽ qua Quán Quê làm chầu bia cho mát đã chú Lâm ạ, hè năm nay nóng kinh.
    - Ờ, thì còn gì để mà vội đâu. Đời tao cũng chỉ loanh quanh…
    Hôm nay, cả Hùng và Mạnh đều bất ngờ thấy ông Lâm uống nhiều thế. Uống như thể để thanh lọc hết những u uất bấy lâu chất chứa trong lòng. Khi đã ngà say, Hùng lấy điện thoại, mở cái đoạn ghi âm lão Chí nói trong tiếng khóc, tiếng mưa.
    - Đấy, lão lại “sáng tác” thêm cái kịch bản mất cắp gì đó. Hàng độc đấy, nay mai lão không còn được làm ở đây nữa, chúng mày muốn nghe cũng chẳng được.
    Hùng vừa đắc ý nói với hai thằng em thì bỗng dưng, ông Lâm giật bắn người, hai mắt mở to nhìn Hùng:
    - Cái gì? Con bảo cái gì? Ai không làm nữa?
    - À, chú yên tâm, là con nói cái ông lão làm việc vặt ở công ty con, chứ giờ con ổn định rồi, không có ý nghĩ “nhảy việc” đâu chú à.
    Ông Lâm như một người bị ai nhập, mắt trợn trừng túm lấy cổ áo Hùng khiến anh cũng ngớ người:
    - Trời ơi, sao mày lại đuổi ông ấy đi, con ơi là con, mày giết tao rồi.
    Mọi người phải cố gắng lắm mới gỡ được đôi tay của ông Lâm ra. Hùng khó chịu sửa lại cổ áo. Ai cũng hiểu ông Lâm đã quá chén nên tìm cách đưa ông về.
    - Thôi còn tiệc tùng gì nữa, chúng mày đưa tao đi tìm ông Chí ấy ngay, không thì hối không kịp…
    Giờ thì Hùng không đủ bình tĩnh để cầm lái. Cả đến Mạnh cũng luống cuống mới đánh xe ra khỏi con ngõ khi nghe tiếng ông Lâm kể thều thào phía ghế sau. Vậy là, bao năm qua, ông đã phải nói dối tất cả. Chẳng có chuyến đi tìm kiếm nào. Bởi, sau cái lần gặp lại ông Khang, người cha của Hùng, ông Khang đã bắt ông Lâm phải bí mật về sự hiện diện của ông. Ông ở ngay khu nhà quay lưng lại dãy nhà của hai mẹ con Hùng. Vết thương chiến tranh đã làm khuôn mặt ông dị dạng. Nhiều khi ông nhớ nhớ quên quên nhưng lúc tỉnh táo nhất, ông Khang vẫn muốn mẹ Hùng và ông Lâm đến với nhau. Ông cố xin vào công ty của Hùng cũng vì được ở gần anh nhất. Sự im lặng đó như một vết dao âm thầm cứa vào tâm can ông Lâm bấy lâu nay.
    Hùng trấn tĩnh lại quay sang hỏi Mạnh:
    - Cậu làm sao tìm lại được cha tôi, dù phải đi đến đâu chăng nữa?
    Phía cuối con đường, những tia nắng chiều tháng bảy vẫn còn rực rỡ.

Kết Thúc (END)
Bùi Việt Phương
» Gã Nhà Quê
» Bên Bến Bún
» Chiếc Áo Của Thầy
» Con Mèo
» Người Cha
» Đồng Đội
» Mùa Mới
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ