Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ngày Tóc Rụng Rơi Tác Giả: Diệu Ái    
    Trong một cuốn sách nào đó đã đọc, Ý nhớ người ta viết rằng, cứ tầm tháng tư và tháng tám là mùa tóc rụng. Nghĩa là vào khoảng thời gian đó, tóc sẽ rụng nhiều hơn bình thường.
    Đàn bà, ai mà chẳng sợ rụng tóc, mà có ai là không rụng tóc, chẳng qua rụng ít hay nhiều thôi. Có người rụng từng đợt, có người rụng theo mùa như sách vở nói, có người như Ý, rụng mải miết bất kể mùa, bất kể ngày.
    Thi chưa bao giờ quan tâm nguyên do tại sao tóc Ý rụng, dù anh đếm tóc chị rụng rơi bao nhiêu sợi để càu nhàu. Có bữa, Thi than van ngày hôm đó, tóc Ý rụng cả ngàn sợi. Chúng vương đầy nhà, trên nền gạch hoa, trên ghế sô pha, trên mặt gối, trên tấm nệm, trong phòng tắm, trong cuốn sách mà Ý đọc dở dang. Mỗi sợi tóc nằm rơi vãi đâu đó như châm chích, chọc ghẹo từng thớ thịt của Thi khiến anh bứt rứt khó chịu. Ý thì lấy lý do như bao lâu nay, không thể thấy hết tóc mình vương góc nào để nhặt, tại mắt kém.
    Hồi mới về ở với nhau, Ý hơi sốc vì tính nết của Thi. Dù biết trước anh là người sạch sẽ, gọn gàng nhưng không ngờ Thi mong muốn sạch sẽ đến tuyệt đối. Sau này, chị nghĩ Thi mắc hội chứng OCD, một kiểu rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Người mắc chứng này luôn muốn mọi thứ xung quanh phải gọn gàng, ngăn nắp và dị ứng với thứ gì đó. Với Thi, thứ anh khó chịu nhất chính là tóc rụng. Cũng nhiều người khó chịu khi thấy tóc rụng nhưng đến mức ám ảnh như Thi thì chị chưa thấy bao giờ.
    Có lần, Thi thấy một sợi tóc trong đĩa rau. Anh kéo sợi tóc ra rồi buông đũa. Cũng lạ, người ăn trúng hạt sạn trong nồi cơm, ăn trúng xương vụn dưới đáy nồi hay dính mắc sợi tóc trong rau không bao giờ là Ý mà luôn là anh. Những lúc ấy, Ý nói trong tâm tưởng, trời, sợi tóc vô duyên, sao không rơi vào bát của tau mà cứ rơi vô bát người ta làm gì. Trong khi Ý tự hục hặc trong đầu mình thì Thi cũng vậy, anh lấy một tờ giấy lau miệng để gói sợi tóc cẩn thận rồi đem vứt sọt rác. Vẻ hậm hực thể hiện qua nét mặt, Thi nói anh no rồi. Sợi tóc nhẹ hều lại làm bữa cơm kết thúc nhanh chóng như vài lần trước đó.
    Ý đoán tóc mình đã mọc lên trong lúc chị ngủ, mọc nhanh là đằng khác. Hệt như đám cỏ xanh, sau một đêm mưa sẽ lên rào rạt. Sớm dậy, người ta ra vườn đã thấy một đám cỏ xanh rờn, lại thở than, lạ lùng, mới cuốc xới mấy hôm đây mà. Đám tóc chị phải mọc lên nhanh, mọc lên kịp để có thứ mà rụng xuống. Vì lẽ đó, mái tóc của Ý vẫn dày, vẫn đẹp chứ không phải ít ỏi chỉ còn trơ một nắm.
    Lúc nào chải tóc, Ý cũng đứng một góc riêng, chải xong sẽ vơ nắm sợi rụng rồi đem vứt. Thế mà, tụi nó vẫn rụng thản nhiên lúc chị đi đứng nằm ngồi, chúng rớt nhẹ nhàng khi nào chị chẳng hay. Mà cũng nhờ có đám tóc ấy, tụi chị mới có cơ hội để nói chuyện. Nhờ có tụi nó, Thi mới mở lời với chị dăm ba câu. Ngó bộ tụi này khi rời đi vẫn hữu ích, giúp mối quan hệ của tụi chị còn có cớ tương tác. Dù lời của Thi không mấy nhẹ nhàng, êm ả hay đúng ra là khá gắt gỏng. Có lần nằm mơ, Ý thấy mình không còn tóc. Nỗi sợ mơ hồ tràn ngập người Ý những ngày sau đó, chị sợ tới lúc ấy, hai đứa chẳng còn chuyện chi để nói.
    Hồi mới quen nhau, Ý biết tính Thi ít nói năng. Chị nghĩ đàn ông chừng đó tuổi mà thâm trầm sâu sắc như vậy là hiếm, không bô ba bỗ bã như mấy gã cùng tuổi. Về chung đụng với nhau, mới thấy sự kiệm lời của bạn đời đôi khi khiến đàn bà hụt hẫng. Ngó vợ chồng người ta tíu tít nói cười vui lắm, đâu như nhà chị. Tụi chị không cãi nhau, không gây gổ nhưng không trò chuyện. Nên sau này, có người hỏi, vợ chồng chị từng hạnh phúc hay không, Ý không biết nói sao. Hôn nhân tụi chị như một sợi dây thẳng căng, điểm chùng nếu có, chỉ là trong khoảnh khắc.
    Có lần cùng nhau, khi Thi đang cắm cúi trong im lặng, Ý nhìn lên trần nhà, bất giác ngó chiếc bóng đèn trên cao, chị buột miệng bảo, mai nhớ thay bóng đèn nghe. Anh dừng lại ngay lập tức. Phải biết một người luôn muốn chỉn chu và trọn vẹn mọi thứ như Thi, lời vừa rồi chẳng khác chi nhát dao cắt nhịp của anh, cắt đứt cả ý nghĩ muốn chạm vào Ý những lần sau đó. Khổ, Ý biết vậy mà tự nhiên không nín được lời. Vì thế về sau chị nhịn, không dám mở lời nhiều là vậy.
    Lắm lúc Ý ước nhà mình như nhà hàng xóm. Vợ chồng họ to tiếng suốt ngày. Họ cãi nhau vì vợ quên cắm cơm, vì chồng đi nhậu về muộn, vì vợ mua nhiều quần áo, vì con cái không chịu ăn, vì con chó bên nhà đó tự dưng sủa bậy… Đại khái cũng là những chuyện tương tự xảy ra ở nhà chị. Có điều tụi chị không ồn ào, chỉ mình Thi mang sự khó chịu âm ỉ qua vài ba câu dằn hắt ngắn gọn, Ý im lặng nuốt từng lời nên sự náo động không hề có. Bên đó hay lắm, cứ cãi tanh bành buổi sáng, tới chiều tối vợ chồng con cái vui vẻ dắt nhau đi chơi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Sự bung xả thoải mái đó làm Ý khát thèm.
    Nhiều lúc, Ý tưởng tượng mắt Thi như kính hiển vi. Hễ thức giấc, anh lại dùng cặp mắt của mình để soi vết bẩn trong nhà và quan trọng hơn là tìm từng sợi tóc rơi vãi đâu đó của Ý. Nên sau này, có đợt Ý gội đầu ngày ba bữa cốt để tóc rụng nhiều hơn, với mong muốn Thi về đó mà nhặt tóc. Tính ra, đã mấy năm rồi chị không được nhìn mặt Thi. Biết vậy, ngày còn thấy nhau, chị sẽ nhìn lâu hơn chút. Những lúc anh ngủ, chị sẽ ngắm gương mặt khó đăm đăm của anh. Người ta nói, ai cũng hiền trong lúc ngủ, hoặc là sẽ lộ ra vẻ bình an, thư giãn. Thi tội lắm, ngay cả lúc ngủ, vẻ mặt anh cũng căng thẳng, vầng trán nhăn nhăn, hai lông mày nhíu lại. Ý sẽ ngắm kỹ hơn bộ râu lơ thơ của Thi. Chị biết, anh để râu bởi sợ người ta so sánh. Anh muốn trông già dặn hơn Ý. Hệt như Nhân bây giờ, Nhân cứ mặc mấy cái áo sơ mi tối màu, quần âu chững chạc, cốt ra vẻ già dặn hơn chị. Ý có gương mặt tròn vạnh, vóc người nhỏ nhắn nên dù lớn hơn Thi sáu tuổi hay lớn hơn Nhân năm tuổi, sánh bên hai người đó, chị không hề già hơn.
    Lạ lùng là hồi con gái, tóc Ý không hề rụng. Tụi nó chỉ rụng từ ngày Ý về ở với Thi. Qua một lần sinh đẻ, đám tóc càng rụng ngang nhiên hơn. Hồi đó, tóc Ý dày lắm, dày đến nỗi cảm thấy nặng nề. Nên dại dột, có lần chị ước chúng rụng bớt cho nhẹ đầu. Nói như bọn trẻ bây giờ, có khi đây là khẩu nghiệp. Mẹ thì hay nói kiểu “đói rụng râu, sầu rụng tóc” khi đinh ninh con gái mình sống với chồng hình như mang nhiều tâm sự. Ý xua tay bảo không có, đâu ai sầu não được ngày này qua ngày khác mà không nói năng bộc bạch gì.
    Ý không biết mình may mắn hay lận đận trong tình yêu. Bạn chị bảo lấy người lớn tuổi sẽ có cảm giác chở che, nương tựa. Ý lần nào cũng thương người nhỏ tuổi nhưng ai cũng cho chị cảm giác nhỏ bé so với người ta. Mà lý do để thương cũng đơn giản, tại họ thương Ý nhiều. Nhân nói nhìn vẻ của Ý lại muốn dang tay che chở, vẻ mỏng manh của chị khiến anh không thể cầm lòng. Lời đó y hệt lời của Thi trước kia. Hai người có nhiều điểm giống nhau, thì đàn bà vốn vậy, nếu đã thương người trước sâu nặng ra sao, lần sau cũng na ná vậy mà thương người khác. Cái khác biệt là Nhân luôn tìm lý do khiến Ý bị rụng tóc và những càm ràm từ môi anh tuôn ra cũng chỉ bởi chuyện này. Thật buồn cười, hồi trước mong muốn được người ta tìm nguyên do bao nhiêu thì giờ Ý lại tránh né bấy nhiêu. Nhân ngỏ lời đưa Ý đi khám nhưng chị không chịu. Phải có lý do gì đó nên tóc mới rụng. Rụng tóc nhiều, rụng đều đặn vậy, ắt là bệnh lý. Nhân khẳng khái và giục Ý đi kiểm tra. Ý thấy mãn nguyện, vậy là đủ rồi.
    Lần đầu tiếp xúc thân thể, Nhân đã vuốt nhẹ và hôn tóc Ý trước tiên. Anh nhẹ nhàng như thể chị là con mèo cưng bé nhỏ. Nhân bảo chị thay đổi dầu gội thử xem, có khi đó là nguyên nhân gây rụng tóc nhiều. Hoặc thử cắt ngắn một bữa để bớt rụng, sau này tụi nó sẽ dài ra. Ý nói mấy bệnh liên quan đến tóc rụng nhiều lắm, nguy hiểm nhất là ung thư. Nhân cười hiền, rụng tóc không phải bị ung thư, dù người bị ung thư sẽ gặp vấn đề rụng tóc khi họ làm hóa trị. Thật không, sao mấy bộ phim Ý coi, cứ thấy ai vuốt tóc rơi từng nắm thì sắp ra đi vậy. Nhân cười, véo má Ý bảo chị đáng yêu. Trời, hơn người ta năm tuổi mà sao thơ ngây quá.
    Nhân quét nhà dịu dàng lắm. Anh cẩn thận lấy một đoạn keo dán, dán một mảnh dài ở đầu chổi rồi quét, cách này sẽ không bỏ qua một sợi tóc rụng hay hạt bụi nào. Nhân chẳng chút phiền hà vì đám tóc ấy. Chúng cũng là của em mà, cái gì của em thì anh cũng thương hết. Đó, cảm giác với Nhân là vậy, anh trân trọng những thứ của Ý, từng là của Ý. Như bữa giỗ Thi, chính Nhân loay hoay lo hoa trái bày biện bàn thờ. Anh hỏi những món Thi thích ăn rồi soạn sửa để hai vợ chồng đi chợ chuẩn bị mâm cỗ đàng hoàng.
    Mẹ nói có khi Ý có căn duyên chi đó với mấy đứa nhỏ tuổi. Hồi quen Thi, đem Thi về nhà giới thiệu, Ý dặn anh, mẹ hỏi tuổi thì nói dối là hai đứa bằng tuổi. Nhưng tính Thi cương trực, anh bảo mắc mớ chi, đây có chi nói nấy. Bữa đó, ba mẹ làm ầm lên. Hết người sao đi quen cái thằng đáng tuổi em út. Mẹ bảo, cưới về, chỉ cần có một đứa con bây sẽ già hơn hắn, đi ra đường liệu yên ổn với lời thiên hạ không, chưa kể thấy vợ già nó chán chê mau lắm. Ý hỏi Nhân, trong ba năm qua, Nhân có khi nào chán Ý chưa (phải hỏi ngay, chứ sáu năm với Thi, Ý không biết có lúc nào Thi chán chị không). Nhân thơm chị rồi bảo, làm sao chán được, về sau cũng không bao giờ chán. Hay thật, vậy mà Ý đang chán chính mình, chán thân thể đang dần tàn tạ, chán cả chùm suy nghĩ mắc mớ đan xen giữa hai người đàn ông của mình. Ngay cả mấy sợi tóc, lúc tụi nó rụng đi không ngừng, chị ngao ngán đến độ chẳng còn thương tiếc.
    Lúc Thi mất, Ý vẫn không tin Thi sẽ mất trước chị. Ý nghĩ hai đứa sẽ sống vậy tới lúc già, rồi dĩ nhiên vì lớn tuổi hơn nên chị sẽ chết trước Thi. Nên Ý sợ rồi Nhân cũng bỏ mình mà đi trước, rủi ro bây giờ đâu tính được. Những đêm khó ngủ, ngó qua thấy nhịp thở của Nhân nhẹ đi, chị bất giác đưa tay lên mũi của anh để kiểm tra. Cơn lẩn thẩn cứ quanh quẩn như vậy, những lúc Nhân chơi thể thao, Nhân đi tắm hay anh làm gì đó khuất mặt khuất mày chị, cả lúc anh hiện diện cùng, Ý vẫn sợ. Thì bữa đó Thi cũng ở cạnh chị như thế, rồi rời đi trong tích tắc. Chẳng thà lúc sắp đi, họ có dấu hiệu gì đó để thay một lời từ biệt. Một tín hiệu nào đó như bỗng dưng đăm chiêu về cuộc đời hay rốt ráo làm việc gì cho xong trọn vẹn, hoặc dặn dò bâng quơ.
    Nghĩ vậy nhưng tới lượt mình, Ý chẳng thể nói một lời nào xác đáng với Nhân. Chị coi đợt tóc rụng lả tả chẳng kịp mọc lên như dạo trước là một tín hiệu dành cho anh. Cứ nghĩ sẽ nhiều băn khoăn và thắc mắc lắm, tới khi chuyện xảy ra, Ý đón nhận từ tốn như thể biết trước. Tóc cứ rơi rụng mà chẳng cần đụng chạm, Ý đinh ninh nhiều khi chị chỉ cần khởi lên một ý nghĩ trong đầu thôi cũng có vài cọng tóc rớt. Tụi nó rốt cuộc cũng làm chị hoang mang khi rời đi vĩnh viễn.
    Cuối cùng, Ý đi trước Nhân. Thật may, chị không phải thấy cảnh Nhân rời đi để ám ảnh và day dứt. Người ở lại bao giờ cũng gian nan hơn khi mắc mớ giữa hiện tại, quá khứ và tương lai. Giữa lúc rơi vào hư không, Ý thấy Nhân đang ôm cu Bi. Chị biết, Bi sẽ sống êm ả với Nhân như hai anh em, hai chú cháu hay hai cha con gì cũng được. Nhân thương Bi vì thằng cu là một phần của Ý. Hồi trước mẹ bảo ráng đẻ với Nhân một đứa con để gắn kết, chị không thể nói rằng mình đã thôi làm đàn bà mà chuyển sang trạng thái bà già được mấy năm nay. Mãn kinh trước tuổi năm mươi như Ý cũng không phải là hiếm. Ngó lại xác thân bợt bã của mình, Ý thương đám tóc trên đầu lúc này chỉ lơ thơ vài sợi. Rồi cũng có ngày, tụi nó ngừng rơi rụng đó thôi.

Kết Thúc (END)
Diệu Ái
» Người Dưng
» Ngã Ba Nhà Ngoại
» Ký Ức Sau Màn Khói
» Duới Những Mênh Mông
» Mùa Xuân Trong Ngôi Nhà Lạ
» Ngày Tóc Rụng Rơi
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Quà Giáng Sinh
» Người Dưng Làm Má
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Bầu Trời Của Người Cha
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đánh Thơ
» Đời Khổ