Bản Xô-nat Ánh trăng, chính nó, âm thanh đã tái hiện mồn một khí, hồn và ảnh của một đêm thanh, ánh trăng đang lắng xuống từng lớp, từng lớp, trước cửa ngôi nhà ấy. Ánh trăng lắng xuống, trầm tích ánh trăng dày lên, dày lên thời gian chờ đợi, rạo rực chờ đợi, mòn mỏi chờ đợi, chìm, tan trong bản hoan ca chờ đợi.
Chính nó, bản nhạc Vũ đàn thực hành hơn ba năm, bản nhạc mà vị nhạc sĩ gia sư được mời với giá cao ngất ngưởng ấy khi Vũ yêu cầu quá tha thiết đã chiều theo mà ngắt ra từng phân đoạn muốn Vũ đàn như một bài tập chạy ngón. Theo lời vị nhạc sĩ ấy, dù có năng khiếu nhưng Vũ sẽ không bao giờ sạch nước cản với kiểu học “chưa đi đã chạy” này, mà cái vị trí đứng đầu huyện trăm công ngàn việc của Vũ cũng không cho phép tập trung hơn. Thoạt đầu cái ý mời gia sư về nhà dạy đàn cho cả hai vợ chồng chỉ vì một doanh nhân thân hữu tặng vợ Vũ cây dương cầm, loại đàn đắt tiền và có hệ thống âm giai phong phú, phức tạp nhất trong các loại đàn, gọi là biết ơn về vụ đất đai vừa qua và “biết chị nhà rất thích cây đàn này”. Thật ra ước muốn có được cây dương cầm từ xưa đã là ý nguyện của Vũ, không vô cớ.
Các ngón tay của cả hai vợ chồng cứ đơ đơ lóng ngóng, học trước quên sau, những nốt nhạc chui từ tai này qua tai khác, những âm giai chỉ là những chuỗi âm thanh kèn kẹt đùng đục khó tính trơ lạnh. Người lớn tuổi như vợ chồng Vũ mà phải tập luyện để có được đôi bàn tay mềm dẻo, có được đôi tai biết thẩm âm thật khó.
Vậy mà đêm nay nó như một hoài thai định mệnh. Sự sống và hư không duyên phận gì với nhau mà đêm nay căn phòng Vũ tràn ngập ánh trăng, mát lạnh hồn trăng. Bàn tay Vũ cuống cuồng bấn loạn, tâm hồn Vũ lúc chìm trong nỗi sầu man mác lúc lặng đi trong cô đơn tận cùng, chỉ có âm thanh huyền bí của bản nhạc cứ bật lên réo rắt như phát ra từ một cõi xa xôi nào đó. Chợt khựng lại. Chỉ có trăng suông thì chưa đủ làm nên đêm nồng. Chỉ có trăng suông thì tâm hồn ta mãi chỉ là một bến đợi, đợi đến mãn kiếp. Những gì lắng đọng qua tháng năm của một người chờ đợi? Một bó hồng móc hờ trên chiếc bản lề gỉ sét? Một tiếng mở cửa khẽ khàng chỉ có trong tưởng tượng khát khao? Một cánh chim vụt bay đi giận dỗi để lại vệt sáng ảo mờ trong đêm? Không gì cả. Nói cách khác chỉ là những bông phong du ảo mờ, mỏng manh đến như vô ảnh.
Nhắm mắt. Nhắc nhở hơi thở mình dịu nhẹ, dịu nhẹ, những ngón tay Vũ bị điều khiển rải nhẹ trên phím, lướt nhẹ, lướt nhẹ... Trong lớp lớp trầm tích ánh trăng, Vũ quay ánh mắt vào bên trong, lắng, thật lắng để khẽ khàng mở ngăn tủ ký ức chính mình, càng cố gắng càng chỉ nhìn thấy những hình bóng ảo mờ lung linh thoắt hiện lên thoắt lại biến tan lộn vòng theo dải âm thanh kêu đòi thao thiết, khiến con người chết lặng yên từ sâu thẳm. Từ cõi ấy, những bông phong du giờ đã hiện dần, những đốm trắng vẫn còn nhảy nhót, lung linh, bay lượn qua nhau, ký ức đang chơi trò trốn tìm ngày xưa nhưng dù sao những bông hoa bé xíu mỏng manh tinh tuyền ấy cũng đã hiện lên. Phong du trắng trời. Phong du trắng. Chỉ có phong du ngày ấy mới trắng như vậy.
Các ngón tay Vũ đột ngột dập mạnh xuống bàn phím rồi lặng đi như đêm đã thật sự đi vào khuya vắng. Ước muốn dẫn con người đi, bào mòn con người mà không bao giờ cho con người ấy tới nơi, cứ cố sà xuống đậu lại nhưng rồi nhanh chóng bay đi, lả tả bay đi cùng trăm ngàn sợi trắng khô mỏng, như triệu triệu bông trắng khô mỏng, như tỉ tỉ nhân sinh khô mỏng rơi lao lung vào trong hư vô.
2
Tôi nhặt từ tâm hồn tôi bông cỏ trắng
Trao tặng em đầu những ngày xuân,
Bông cỏ trắng trinh nguyên
Vừa bay vừa nở
Chỉ nhọc nhằn ở lại
Chỉ trĩu buồn cư trú đáy tim…
Ở thị trấn này ai ai cũng biết, cũng thường nhắc về Hiền là mối tình đầu của Vũ. Vũ im lặng giữ một bí mật trong lòng: Đó mãi mãi là mối tình đơn phương vô vọng, một tình yêu thầm lặng qua năm tháng nhưng không bao giờ tới đích của ông. Cô tú Hiền là con ông phó quận ngày xưa. Ngôi nhà duy nhất ở thị trấn này có đàn dương cầm. Đêm đêm, gã trai si tình tên Trần Vũ ngồi gục bên hàng rào để nghe tiếng đàn phát ra từ ô cửa sáng đèn. Có đêm trăng rất nhiều bông phong du từ đâu bay về, phong du đậu cả trên tóc, trên mặt, Vũ hứng được một bông cỏ trắng như tơ ấy trong lòng tay rồi lại tiếp tục dán mắt lên vùng sáng ấy, hướng tai về vùng sáng ấy, Vũ chìm đắm trong âm thanh dìu dặt man mác của bản Xô-nat Ánh trăng mà cô tú đang chơi, Vũ tin những bông cỏ trắng kia chính là tín hiệu tốt lành. Quả thật đó là đêm duy nhất cô tú Hiền sau khi kết thúc bản nhạc đã bước ra mỉm cười với kẻ si tình ở góc rào. Ngày nghe tin dữ: Hiền bị bạo bệnh đột ngột qua đời, Vũ đã khóc, người gầy rộc đi. Dân thị trấn này ai cũng biết, ai cũng xót xa thương cảm.
Vũ lên khu cùng các chiến dịch của quân giải phóng. Ngày hòa bình, Trần Vũ trở về tiếp quản địa phương và cứ thế thăng tiến theo thời gian. Cô giáo Hậu là con cái nhà gia thế ở xóm biển lâu đời, điển hình tiên tiến trong ngành giáo dục, xem ra là xứng đôi phải lứa với Vũ. Mấy ai biết được, trong mấy mươi năm gá nghĩa vợ chồng cùng cô giáo Hậu, Vũ luôn bị chứng “đồng sàng dị mộng”, vẫn tôn trọng tình nghĩa phu thê nhưng sự nồng nàn thì đã trót trao dứt một lần theo bông phong du cỏ trắng ngày nào.
Trần Vũ rời ghế, nhạc thơ là thứ gì mà ám được cả vào con người lý trí như mình? Ông lầm bầm đọc thơ rồi lầm bầm tự hỏi; chắp tay sau lưng đi qua đi lại cả mấy mươi phút, rồi áp người ra thành cửa sổ, rồi lại đi, rồi lại dựa vào thành cửa sổ, mắt dán vào một nơi xa xăm nào đó. Đi cả cây số đường trong căn phòng hẹp, chốc chốc ông lại quơ vội chai rượu mạnh, ngửa mặt, lắc lắc dốc liên tục. Những viên gạch men bóng lộn như lún xuống in bóng, hằn dấu từng bước chân bâng quơ mà nặng nhọc. Ông ngã bẹp xuống nền nhà…
Cô giáo Hậu lọt thỏm trong chiếc ghế bành màu mắm ruốc, khuôn mặt nhăn nhúm. Căn phòng chợt sụp tối nhợt nhạt. Vợ Vũ ngày càng ít nói. Ngoài những giờ giảng bài trên lớp, thời gian còn lại trong ngày cô Hậu trốn chui trong chiếc áo lặng lẽ. “Để khỏi đau thêm”, “Để níu kéo được ngày nào hay ngày đó cái gia đình tro lạnh này”… Không biết bao nhiêu lý do gặm nhấm tâm hồn cô Hậu. Không biết bao nhiêu suy tư, lý lẽ đóng khung con người cô trong mòn mỏi ngán ngẩm một kiếp người. Gần như tất cả âm thanh, mọi lời nói đều thừa thãi trong nhà này, từng được gọi là mái ấm của cô.
Vậy mà những âm thanh bật từ những ngón tay Trần Vũ vang lên trong căn phòng tối nay cứ vọng âm đến từng ngóc ngách, rền rền, len lỏi rồi vang nhói ngập tràn trong tâm hồn tưởng chừng đã khép kín của cô giáo Hậu.
Cô Hậu ngã dụi đầu vào thành ghế, sau vài hơi thở dài hắt ra, khuôn mặt gầy gò vốn xanh xao càng bợt nhạt đi, bất động. Cô đang giận những việc làm của chồng mình trong thời gian gần đây. Giận Vũ đã cho người khai thác cát đen băm vằm cái xóm biển lâu đời bình yên của cô, cả dọc dài bãi cát rừng dương bỗng bị đào xới, mặn hóa, rồi hoang hóa, rồi cát bay mịt mù… Cô không còn mặt mũi nào mà về xóm biển, mà gặp lại bà con thân thuộc. Trong giấc mê man, cô thấy người ta đang ghép mặt cho mình. Phải trải qua mười mấy cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, đến lần cắt chỉ cuối cùng người ta mới cho cô soi gương. Một bộ mặt mới toanh trơ ra gượng gạo và xa lạ. Một bác sĩ nào đó trong bộ đồ trắng toát thì thầm nói việc giúp các dây thần kinh phát triển trở lại, máu sẽ lưu thông tốt hơn và các cơ mặt mới của cô sẽ cử động bình thường. Cô không dám tin lời, tay chân run lật bật, đôi môi cô lập bập. Cái lạnh đâu đó từ bên trong đang tràn ra, “trả khuôn mặt cho tôi!”. Cô nhào tới cái khay i-nox, vung tay bứt hết các dây truyền dịch quanh đầu...
Trần Vũ bàng hoàng dụi mắt khi nghe tiếng ú ớ của vợ rồi lồm cồm bò dậy với tay đập đập, lay mạnh đôi vai gầy gò. Cô Hậu ậm ừ, từ từ mở mắt, một thực tại trước mắt rõ dần, đối với cô nó còn tê tái, ngán ngẩm hơn cả cơn ác mộng vừa rồi.
Từ ngày đặt bút ký vào bản hợp đồng trá hình san ủi khu nghĩa địa, thật ra là múc cát bán cho những dự án xây dựng, lòng Vũ thật bất an. Nhất là khi bà Sáu, một người bà con bên nội xuất hiện ở văn phòng ủy ban huyện. “Đồng tiền làm mù mắt ông hay sao mà ông lại cướp cả đất của người chết, hả?”. Trần Vũ biết tính bà nên vừa rót nước vừa xoa dịu: “Là chủ trương… là quy hoạch… con có muốn vậy đâu”. “Tôi dốt nát không hiểu chủ trương chủ triết gì ráo, cướp đất của người chết là tội ác, trời không dung đất không tha. Ông liệu mà sám hối đi, dừng lại đi, kẻo muộn”… Trần Vũ để bà nói cho hả, ai chửi cứ chửi, ai làm cứ làm. Nghĩ trấn an mình vậy thôi chớ Trần Vũ biết bà Sáu đã từng dang tay dạng chân ra cản đường xe tăng địch khi chúng kéo xác một đồng chí của anh trên đường. Lính xe tăng nhảy xuống chĩa súng, bà nắm luôn họng súng gí vào ngực mình. Và trừng mắt hét lớn: “Dừng lại! Dừng lại ngay!”. Khi chiếc tăng chịu dừng hẳn bà mới tuôn một hồi: “Người ta chết rồi không nên ác như vậy. Đừng, tôi xin các ông đừng hành hạ người ta nữa! Thả người ta ra để bà con chúng tôi đem chôn. Bà con đâu! Tháo dây mau để mấy ông đây còn đi tác chiến!”. Chính tay bà bế xốc cái xác lên chịu một mình khiêng đi. Lính tăng không biết do bị chạm trúng huyệt hay chưa chuẩn bị cho tình huống bất ngờ này nên không kịp phản ứng, cứ đứng đực ra đó một lúc rồi lên xe đi mất… Trần Vũ nhớ hết, giao liên đã kể chi tiết cho ông nghe.
Bà Sáu lại tuôn một thôi một hồi, rồi nhìn xoáy vào mắt Vũ: “Ông à, nếu không nhớ để tôi nhắc cho mà nhớ. Cái mộ quét vôi trắng mới bị sụt lở đổ gãy chính là mộ của con Hiền đó. Tội nghiệp. Không ai dám nói điều đó với ông sao?”.
Trần Vũ thấy đất dưới chân mình đang nghiêng xuống, sụt xuống. Hình ảnh ngôi mộ toác làm hai lóe lên trong tiềm thức Vũ, đập vào trí não Vũ. Ông nhớ lại trận say vật vã tối qua, nhớ lại cái cách chơi đàn như bị ai xui khiến của mình mà sởn gai ốc. Những chuỗi âm thanh chợt dâng lên buốt nhói màng nhĩ, rồi bùng vỡ, thê thiết. Vũ đưa hai tay ôm lấy đầu. Căn phòng thực sự không còn ánh sáng. Vũ chìm trong tiếng đàn bản Xô-nat Ánh trăng văng vẳng. Vầng trăng hiện lên lạnh băng trong tâm khảm Vũ. Những bông phong du lửng lơ, lửng lơ rồi đột ngột bấn loạn, bay vòng, xoắn xít tung lên, liệng xuống; cả góc trời nháo nhác bóng đổ của âm thanh. Ông chới với đổ vật xuống ghế như một thân cây tự mục rã.
Kết Thúc (END) |
|
|