Mùa hè trên bãi biển Sầm Sơn, tôi cùng chồng và hai con đi nghỉ mát. Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi cùng nhau dậy sớm ra ngắm biển. Lúc này mặt trời còn chìm dưới đường chân trời. Gió nhẹ, mặt biển gợn lên những làn sóng nhịp nhàng, dạt dào thăm thẳm. Nhưng chỉ một lát sau, mặt trời đã như một cái mâm lửa nhô lên khỏi mặt biển, và tưới xuống biển một màu đỏ rực.
Quang cảnh hiện lên rực rỡ lạ thường, trên bãi biển mọi người hân hoan hẳn lên. Các con tôi chạy ào ra mép nước, dang tay đón mặt trời. Tôi đang định chạy theo các con, bỗng có chuông điện thoại, một tin không lành, cô tôi vừa qua đời lúc ba giờ sáng hôm nay. Tôi bàng hoàng. Năm nay cô tôi đã ở tuổi tám mốt, nhưng vài hôm trước cô còn rất khoẻ. Một lát sau, tôi buồn buồn cùng chồng con thu xếp ra về.
Mẹ của cô tôi, là em gái thứ năm của ông nội tôi, bà lấy chồng họ Đỗ một gia đình giàu có ở xã bên kia sông. Bà sinh được một người con gái, đặt tên là Đỗ Thị Nhu, không may chồng bà chết sớm, bà ở vậy chăm con đến khi con gái lấy chồng thì bà trở về quê, ở với gia đình nhà tôi.
Cô Nhu (người cô của tôi vừa qua đời) lớn lên lấy chồng họ Phạm, người cùng xã. Đã có tới sáu năm, tôi ở với gia đình cô. Vì lúc bấy giờ, trường cấp hai và trường cấp ba của huyện, đều đóng ở xã cô, tôi phải qua sông sang nhà cô trọ học. Học hết cấp ba tôi đi học Sư phạm bốn năm, rồi trở về trường cũ dạy học, và xây đựng gia đình ở đây, nhà chồng tôi gần nhà cô.
Thuở con gái, cô Nhu dáng người mảnh mai, gương mặt cô hiền lành, nhưng thấp thoáng một nét buồn, mái tóc quăn tự nhiên, làm tăng vẻ rầu rầu cho nét mặt. Chồng cô Nhu, chú Phạm Đức Hòa, là con trai duy nhất trong một gia đình khá giả. Ông bố chú Hào làm nghề thuốc, lớn lên chú Hòa theo nghề của bố, đã có một thời gian dài chú làm trạm trưởng trạm y tế của xã. Chú Hòa có dáng người dong dỏng cao, đôi mắt thông minh; giọng nói trầm ấm. Tính tình chú hiền lành, chân thật được nhiều người tin quý.
Hai vợ chồng chú Hòa, cô Nhu sống hoà hợp thương yêu nhau, nhưng tình yêu của họ không đơm hoa kết trái. Ba năm, rồi năm năm trôi qua cô Nhu vẫn không sinh con. Tuy rất buồn, nhưng cô Nhu vẫn có ý để cho chồng lấy vợ hai. Nhiều lần cô Nhu bàn chuyện này với chồng, chú Hòa gạt đi, yêu thương vợ chú không muốn san sẻ tình cảm với người khác. Chú nói với vợ: “Anh làm trong nghề thuốc anh biết, tại anh chứ không phải tại em.” Tuy chồng nói vậy, nhưng cô Nhu vẫn lo lắng đến dòng dõi gia đình. Cô luôn canh cánh trong lòng ý nghĩ: không sinh được con là có lỗi với bố mẹ, tổ tiên, mình phải có trách nhiệm đền bù lại, anh Hòa là con một không thể để cho dòng dõi tuyệt tự được. Thời ấy, suy nghĩ của cô Nhu cũng là một sự suy nghĩ thường tình, của người phụ nữ khi lấy chồng chẳng may hiếm muộn con.
Một hôm ngồi trên chuyến đò ngang qua sông, cô Nhu nghe được một chuyện buồn, của một gia đình ở làng bên. Hôm sau cô Nhu tìm đến gặp gỡ người phụ nữ góa bụa và đứa con trai của cô, tối về cô Nhu nói chuyện với chồng:
- Hôm nay em vừa sang thôn Đại Sơn, đến chơi nhà cô Thảo. Anh biết cô Thảo không?
- Thảo nào, anh có biết gì đâu? Mà làm sao em lắm chuyện thế. Đã bảo là tại anh, em cứ yên tâm đi.
- Em không lắm chuyện, em thật sự lo cho anh. Bố mẹ đã qua đời, bây giờ phải làm sao cho có người nối dõi tông đường, hương khói cho bố mẹ, tổ tiên khi chúng mình cũng qua đời cả. Xin anh hãy nghe em một lần. Chồng cô Thảo chết hơn một năm nay, đã có một đứa con trai, cô ấy kém em ba tuổi. Như vậy cô Thảo có khả năng sinh đẻ, và đang ở độ tuổi sinh đẻ. Nếu về nhà mình cô ấy không sinh được con thì mới đúng tại anh. Em sẽ không ân hận nữa. Khi ấy chúng mình sẽ chăm sóc đứa con của cô ấy, nhất định nó sẽ hiếu nghĩa với mình. Em đã hỏi kỹ rồi, cô Thảo là người hiền lành “người hiền hiện ra mặt”. Cô ấy có gương mặt phúc hậu, nói năng dịu dàng, nhất định phải là người tốt anh ạ. - Thấy chồng không nói gì, cô Nhu nói thêm - Anh đồng ý nhé, chỉ cần anh đồng ý còn mọi việc để em lo liệu.
Cô Nhu bàn chuyện với anh em nhà chồng, rồi tự mình đi sắm sửa lễ vật, nhờ người trưởng họ đứng lên giúp đỡ công việc. Hôm ấy là một ngày cuối xuân ấm áp, những đọt xoài non đã đơm hoa bên trên những tán lá xanh, cây nhãn, vải, xoan… hoa cũng đã nở đầy cành, cảnh vật choàng xong cho mình chiếc áo xuân mới. Vầng dương chiếu những chùm tia sáng xuyên qua các tán lá cây, lấp loá trong đoàn người cùng cô Nhu đi hỏi vợ cho chồng. Nể vợ, chú Hòa lấy bộ quần áo cưới ngày xưa ra mặc, đi theo mọi người.
Đến nơi, chú Hòa như bừng tỉnh trước người thiếu phụ. Tuy cái nhan sắc tươi như hoa không còn, nhưng vẻ đẹp đoan trang dịu dàng của cô thu hút tâm hồn chú. Chú Hòa thầm cảm phục vợ có con mắt tinh đời. Tự nhiên một tấm tình thương mến người phụ nữ này dâng lên trong trái tim chú.
Mọi chuyện từ việc ăn hỏi, đến cưới xin, diễn ra thuận lợi, gia đình nhà chồng cũ xin nuôi cháu trai của họ. Hôm cưới vợ cho chồng, cô Nhu tất bật suốt ngày, cô làm chục mâm cơm mời anh em trong họ. Bận bịu cả ngày, nhưng cô Nhu vui, cô cảm thấy mình đã làm tròn bổn phận với gia đình nhà chồng. Buổi tối hôm ấy, khi khách đã ra về, ăn cơm xong, ba người ngồi uống nước trên bộ tràng kỷ ở giữa nhà, cô Nhu thong thả nói:
- Bây giờ chúng ta đã là người một nhà, chị em có gì không nên không phải đóng cửa bảo nhau. Môi hở răng lạnh. Đừng để người ngoài chê cười em nhé.
- Vâng, chị dạy đúng ạ. - Cô Thảo nói với ánh mắt dịu dàng tuân phục.
Sau vài tuần trà, cô Nhu giục đôi vợ chồng đi nghỉ, đêm ấy cô thấy lòng nhẹ nhàng chìm trong giấc ngủ êm đềm.
Buổi tối hôm sau, lúc đôi vợ chồng đi vào buồng, nhìn theo đột nhiên cô Nhu thấy có cái gì nghèn nghẹn ở cổ. Đóng cửa, tắt đèn đứng trong đêm tối, bỗng một cảm giác cô đơn ùa đến xâm chiếm cõi lòng… Cô Nhu từ từ nhắm mắt lại, hai khoé mắt lăn ra những giọt lệ. Một buổi tối nặng nề làm sao!...
Tối hôm sau, rồi hôm sau nữa, hai chị em đang ngồi uống nước bên bàn, nghe tiếng chồng gọi, cô Thảo: “Dạ!” một tiếng rất ngoan, đi vội vào buồng. Cô quên không chào chị, và đổ chỗ nước thừa đi úp chén xuống khay. Liếc nhìn theo bước chân cô Thảo, cô Nhu nguýt một cái rõ dài, nghĩ thầm: “Gớm, làm gì mà vội vàng thế. Làm như người ta tranh mất phần không bằng ấy. Đây cần đếch gì.”
Không biết cái bực tức ở đâu kéo lại, người cô Nhu nóng bừng, mồ hôi râm rấp, cô thở nặng nề… Trái tim cô Nhu đập hấp tấp như một kẻ thất vọng, và kiệt sức. Những ý nghĩ trong đầu hỗn loạn, mất sáng suốt, cầm chiếc chén cô Nhu ném choang xuống nhà lúc nào không biết. Nước mắt trào ra: “Chúng nó khinh mình!...” Trong lòng đau đớn, phẫn uất cô Nhu không nghĩ được gì thêm ngoài những từ: “Chúng nó khinh mình… chúng nó khinh mình!…”
Nghe tiếng chén rơi, cô Thảo vội vàng chạy ra, miệng nói tay làm: “Chị để em nhặt. Chị để em nhặt. Không khéo đứt tay thì khổ”. Nhặt nhạnh các mảnh vỡ to, cô Thảo lấy chổi quét nhà vun gọn những mảnh nhỏ, rồi vất đi. Xong việc, cô Thảo đến cầm tay cô Nhu thì thầm:
- Chị ơi, em vừa bàn với anh Hòa rồi, chị vào buồng ngủ với chúng em cho vui.
- Cô điên à.
- Chị em mình đã là người một nhà rồi, thì có việc gì mà không làm được hở chị.
- Việc nào thì được, chứ việc này thì không.
- Mới đầu chị cảm thấy vậy, chứ rồi mọi chuyện sẽ bình thường thôi, chúng mình tuy hai nhưng là một, chị à.
Cô Thảo miệng nói, tay kéo cô Nhu đi với mình. Mới đầu cô Nhu còn vùng vằng, sau cô Nhu chịu giọng, với ý nghĩ: “Vào thì vào, xem chúng mày giở trò gì với tao.” Thấy cô Nhu bước vào chú Hòa chợt giật mình, ngồi dậy, bực quá, chú định đi ra ngoài. Nhưng rồi tình thương người vợ nết na, hiền thục chú Hòa không nỡ nặng lời. Chú dịch vào trong, và nói nhỏ: “Nằm xuống đây em.” Cô Thảo đẩy cô Nhu nằm giữa vào hai người: “Chị nằm đây, hôm nay hai chị em mình nói chuyện cho vui.” Cô Thảo khéo gợi chuyện, chuyện nhà cửa, chuyện anh em trong họ, ba người cùng tham gia câu chuyện. Một lúc lâu sau, câu chuyện ngàn dần cả ba cùng thở đều đều, nhưng có lẽ không ai ngủ được.
Chiều tối hôm sau, vừa ăn xong bữa cơm chú Hòa khoác túi thuốc đi chữa bệnh. Đêm đã khuya, bước chân chú Hòa vẫn lang thang vô định, nửa thương, nửa giận hai người đàn bà trĩu nặng lòng chú. Nằm lắng mãi không thấy bước chân chồng về, cô Nhu sốt ruột, thương chồng sức yếu, đêm khuya sương xuống nhiều không khéo cảm lạnh thì khốn. Thêm một giờ, hai giờ nữa vẫn không thấy chồng về, cô Nhu chợt hiểu ra. Cô tự trách mình tối qua đã nông nổi quá, đúng là lúc giận mất khôn, không suy nghĩ trước sau, để chồng phải ra đi đêm hôm khuya khắt thế này, nhỡ ra có mệnh hệ gì thì mình mang tội. Đêm ấy hầu như cô Nhu không ngủ, cô nằm suy đi tính lại, nghĩ ngợi lan man.
Sáng ra, cô Nhu dậy sớm thu xếp quần áo, rồi nói với cô Thảo: “Anh Hòa về, cô nói với anh ấy là tôi sang thăm bà ngoại nhé”. “Chị ơi, ở nhà với chúng em chị ạ”. “Bà ốm, tôi chỉ đi vài hôm thôi”. Nói vậy, nhưng cô Nhu không về. Khoảng ba tháng sau, một hôm gánh phân lên đồi trồng đậu cho mẹ, cô Nhu gặp một người hàng xóm, chị cho biết cô Thảo đã có thai, đang ốm nghén. Cô Nhu bừng tỉnh, niềm vui sắp có con, nỗi lo sức khoẻ của cô Thảo, lo công việc của gia đình thúc dục cô Nhu về.
Mọi việc nặng nhọc trong nhà, cô Nhu giành lấy làm. Thảo mang thai đến tháng cuối, cô Nhu không cho cô Thảo ra đồng làm nữa. Mùa xuân năm sau, cô Thảo sinh một bé trai khôi ngô bụ bẫm. Niềm vui tràn ngập mấy gian nhà. Người chồng ra nằm giường ngoài, hai bà mẹ nằm quay mặt vào thằng bé ở gữa giường. Trừ việc cho con bú, còn các việc khác, thay tã lót cho con, giặt quần áo, cơm nước vv… Cô Nhu không cho cô Thảo làm, cô động viên chồng chăm sóc cho mẹ con cô Thảo. Thằng bé hình như cũng cảm nhận được tình yêu thương của cô Nhu, ngày bập bẹ tập nói, có người hỏi nó: “Ai đẻ ra cháu?” Nó bảo: “Bu già và bu trẻ!”
Hết ngày ở cữ, cô Thảo và chồng ra đồng làm, cô Nhu ở nhà trông con và làm bữa. Từ đây, hầu như cô Nhu rời việc ruộng đồng, cô xoay ra với bao nhiêu công việc ở nhà. Trời thương họ, cho cô Thảo mắn đẻ, hơn mười năm trời Thảo sinh được bảy đứa con (sáu trai một gái). Đứa con nào, khi rời vú mẹ, là sang ngủ với mẹ già, đứa nào cô Nhu cũng chăm bẵm chúng như người mẹ thực thụ. Nhiều lúc ở nhà một mình con khóc quá, cô Nhu liều vạch vú cho con bú, nó bú mãi rồi cũng thấy sữa chảy ra. Biết chị ở nhà vất vả, sáng ra cô Thảo dậy sớm nấu cơm, trưa về tranh thủ làm bữa giúp chị.
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, loáng một cái mấy gian nhà đã đầy ắp tiếng nói cười của trẻ thơ, tối đến chúng chí choé tranh nhau nằm gần bu già. Các con lớn lên, việc ăn học của chúng tốn kém, cô Nhu bàn với chồng bán mấy chỉ vàng hai vợ chồng nhon được từ những ngày xưa, đong thêm lương thực, các con ăn cho no. Cô Nhu lại muốn ra đồng làm, nhưng cô Thảo và chồng nhất định không đồng ý. Cô Thảo nói: “Chị ở nhà vất vả hơn em, không có chị bọn trẻ sẽ làm loạn lên mất”.
Hàng năm, cứ đến ngày giỗ, ngày tết bọn trẻ lại tranh nhau để được cùng bu già và bu trẻ sang cúng lễ bên nhà bà ngoại (nhà mẹ đẻ cô Nhu). Những ngày bà cụ ốm đau cuối đời, cô Thảo rước bà về chăm sóc. Đám tang cụ, làm ở nhà người cháu con ông anh trai của cụ, các con của cô Thảo đứa nào cũng đội khăn tang khóc bà.
Năm tháng trôi qua, gặp những ngày đông kì chí vụ bận bịu, hay tháng ba ngày tám thiếu đói, nhưng hàng xóm không hề nghe thấy tiếng trì, tiếng bấc của gia đình cô Nhu. Hai người phụ nữ lấy chung một chồng, trên nhường dưới nhịn, thương quý nhau hơn cả chị em gái. Cảnh nhà đầm ấm cùng với thời gian thủng thẳng trôi… Rồi lần lượt từng đứa con trưởng thành, đứa ở nhà lao động, đứa ra công tác lập nghiệp ở nơi xa, đứa nào cũng được hưởng tình thương yêu của người mẹ không sinh ra chúng, mà chúng gọi là mẹ già.
Hải, người con trai cả đi bộ đội chống Mỹ, hoà bình anh phục viên, lấy vợ và ở nhà lao động cùng bố mẹ. Vợ chồng Hải sinh con, bà Nhu lại bế cháu, bà chăm chút cả ba đứa con của Hải. Mấy năm sau vợ chồng Hải nhon được ít tiền, anh mua một ngôi nhà của người hàng xóm. Hôm liên hoan cho vợ chồng Hải ra ở riêng, Hải xin với bố mẹ:
- Thưa bố mẹ, chúng con còn trẻ người non dạ chưa biết lo liệu công việc chu đáo, con muốn mời mẹ già sang ở, nhờ mẹ chỉ bảo cho chúng con. Và, để chúng con được phụng dưỡng tuổi già của mẹ. Con mong mẹ chấp nhận ạ.
- Các con đã nói vậy. - Cô Nhu nói - Thì mẹ cũng đồng ý thôi, nhưng mẹ già rồi chẳng giúp được gì cho các con cả.
- Mẹ đã lo cho chúng con nhiều rồi, bây giờ là lúc chúng con phải chăm lo cho mẹ. Nếu chúng con sơ xuất điều gì, làm phật ý mẹ thì mẹ cứ mắng cho chúng con một trận, rồi về nhà ở với bố.
Câu nói của Hải làm mọi người phì cười, cô Nhu nói vui: “Chả trách ngày còn bé, nó bảo bu già với bu trẻ đẻ ra nó.” Đã ở tuổi bảy mươi, nhưng cô Nhu còn vẫn khoẻ; mái đầu bạc nhưng lưng chưa còng; mặt nhiều nếp nhăn, nhưng nét u buồn của đôi mắt được thay bằng vẻ vui tươi, giàu tình cảm khiến gương mặt bà rạng ngời hạnh phúc tuổi già. Nói là các con phụng dưỡng mẹ, nhưng cô đâu có chịu ngồi chơi không. Hằng ngày cô vẫn dọn dẹp nhà cửa, nấu nồi cơm, đun ấm nước. Vào vụ lúa, cô Nhu phơi rơm, phơi lúa đỡ đần cho các con.
Thêm vài mùa hoa nở nữa, tết vừa qua vợ chồng Hải làm lễ thượng thọ tám mươi tuổi cho mẹ già. Con cháu về đông đủ, người biếu mẹ quần áo, người biếu mẹ tiền. Ra tết vài tháng, cô Nhu đưa hết số tiền con cháu mừng tuổi cho vợ Hải. Cô bảo: “Con đánh cho mẹ đôi hoa tai, để mẹ đeo dối già.”
Khoảng hơn ba tháng sau, ý chừng mùa xuân đã qua, cây bàng ngoài ngõ đã xum xuê lá, đâu đó tiếng ve kêu rân ran suốt cả ngày; nắng rải vàng trên đường làng, ngõ xóm. Một hôm cô Nhu bảo với các con: “Nhà mày nhiều ve sầu kêu mẹ khó ngủ, mai mẹ về bên nhà một tối. Rồi còn phải về bó chổi quét lúa, quét rơm có lẽ cũng sắp được gặt rồi còn gì nữa”.
Bên nhà chú Hòa, tối hôm ấy ăn cơm xong, ba người ngồi uống nước trên bộ tràng kỷ ở giữa nhà, như cái hôm đầu tiên cô Nhu cưới vợ cho chồng. Cô Nhu lấy từ túi áo ra một cái túi vải, cô mở túi vải lấy ra một cái hộp nhựa mầu đỏ đựng đôi hoa tai. Cô nói với cô Thảo:
- Chị cảm ơn em đã sinh thành những đứa con ngoan ngoãn và giỏi giang. Chị em mình suốt một cuộc đời no đói có nhau, làm lụng vất vả để lo cho các con, mà chẳng có gì phần lại cho mình. Đến bây giờ chị mới có một chút quà làm kỷ niệm cho em. Nhất định em phải nhận, có như vậy thì mới đúng là em yêu quý chị.
- Chị đã nói vậy - cô Thảo rơm rớm nước mắt nói - Thì em nhận, em sẽ giữ hộ chị.
Ba người họ lại cùng ngủ một giường như cái thuở nào. Sau vài câu chuyện người nào cũng thở đều đều, nhưng thực ra chưa ai ngủ được. Độ quá nửa đêm, cô Nhu cảm thấy khó thở (căn bệnh hen phế quản từ lâu của cô) chú Hòa ngồi dậy nâng vợ lên, cô Thảo lấy thuốc cho chị uống. Cơn khó thở giảm, cô Nhu ngủ được một lúc. Gần sáng cơn khó thở lại lên, cô Thảo bàn với chồng đưa chị đi bệnh viện. Họ điện cho Hải mang xe sang, ông Hòa ngồi ôm vợ, cô Thảo chuẩn bị đồ cho chị.
Cô Nhu thở khò khè nặng nhọc, mặt bà tím tái dần. Bỗng một cơn đờm kéo lên và không xuống được nữa. Cô Nhu mở to đôi mắt nhìn hai người mà bà yêu quý lần cuối, rồi từ từ hạ mi mắt xuống, bà tắt thở trên tay chồng. Chú Hòa dàn giụa nước mắt kêu lên: “Ối giời ơi!... Ối giời ơi…!”. Chú đưa tay vuốt mắt cho vợ… Cô Thảo hốt hoảng:
- Ối chị ơi!... Sao chị lại bỏ em… Chị ơi…i…!
Hải bước vào nhà nhìn thấy mẹ, anh phủ phục xuống giường cất lên những tiếng xót thương:
- Ối mẹ ơi! Mẹ ơi, sao mẹ lại nói dối con, mẹ bảo nhà con có ve sầu kêu mẹ không ngủ được, mẹ về bên này ngủ một tối, rồi còn về bó chổi cho chúng con, mà sao bây giờ mẹ lại bỏ chúng con… Mẹ… đi!... Mẹ… ơi…ơ…i….!...
Sáng hôm sau, tất cả con, cháu xa gần về đông đủ. Khi chúng tôi về đến nhà thì nhà đã chật người. Các em tôi đứa kỹ sư, đứa giáo viên, một đứa đã có bằng thạc sĩ, đứa nào mắt cũng đỏ hoe, mồm mếu máo như trẻ con khóc gọi mẹ, mấy đứa cháu đã lớn cũng xúm lại khóc bà. Mặt tôi tràn nước mắt, bước lại giường cô nằm tôi lật tấm giấy phủ mặt cô, trước mắt tôi một gương mặt bình thản, đôi mắt khép như người nằm ngủ; miệng hơi nhếch lên ẩn chứa nụ cười, giống như một lời nhắn nhủ: “Các con ơi!... Mẹ đã sống trọn cuộc đời, nhờ trời phù hộ… Mẹ hân hoan đến với cái ngày được về cõi Phật!”
Lễ tang của cô tôi diễn ra trang trọng. Chiều hôm ấy, một buổi chiều đầu mùa hạ mát mẻ, nắng dìu dịu, gió nhẹ nhàng như chiếc quạt của trời, phe phẩy cho đoàn người đưa tiễn cô tôi dài dằng dặc. Tôi thong thả bước sau vài người, nghe họ nói chuyện với nhau:
- Cái chết của bà cụ, xứng đáng với cuộc đời của cụ. - Một người nói.
- Chị nói đúng. - Người kia nói - Bà cụ nhân hậu, ăn ở đức độ, và có tấm lòng bao dung như vậy, nên trời thương bỏ qua khúc đoạn bệnh, khúc đoạn khổ sở nhất của một đời người trước khi về thế giới bên kia. Cụ như được Phật thánh cho hoá thân vào lòng đất vậy.
Nghe người ta nói đến tấm lòng bao dung của cô tôi, khiến cho lòng tôi nao nao, nghĩ ngợi mông lung… Cô tôi tuy không có con, nhưng lại có một đàn con cháu khóc thương, khiến nhiều người đi trong đám tang không cầm được nước mắt. Tôi luôn tay gạt những dòng lệ lăn dài trên má, lần theo cuộc đời cô, những gì mà tôi đã được chứng kiến, tôi dần dần hiểu ra hạnh phúc thực sự của một đời người.
Hôm các em và cô chú tôi (Đã từ lâu chúng tôi vẫn coi người vợ hai của chú Hòa, như người cô trong gia đình tôi) làm bốn chín ngày cho cô tôi. Bố tôi viếng cô đôi câu đối: “Xuất giá tòng phu, hạt lựu trơ gan cùng tuế nguyệt/ Ra về đất mẹ, cớ sao nhiều con lắm cháu thương?!”
Chứng kiến cảnh gia đình cô, nhưng bố tôi chưa bao giờ nhận xét điều gì. Bây giờ tôi mới biết, từ lâu bố tôi đã rất quý tấm lòng của hai cô, ông luôn trân trọng một gia đình nề nếp, có truyền thống văn hoá đẹp. Câu đối trên cũng như một câu hỏi, để người đọc ai cần có thể tìm hiểu thêm về cuộc đời của cô tôi, bố tôi muốn mọi người cùng biết, và ca ngợi lòng tốt hiếm có của cả hai người cô của tôi. Chính câu đối của bố tôi, đã gợi ý cho tôi viết nên những dòng chữ này để mọi người cùng đọc.
Kết Thúc (END) |
|
|