Chiếc váy của Tuy Cleng va quệt không ngớt vào mấy vạt cỏ hai bên vệ đường. Những chỉ hoa văn ở riềm váy trông rối cả lên bởi kim cỏ may ghim vào. Mặc kệ, Tuyl Cleng vừa hát vừa dang tay như hai cánh chim, chạy bay xuống đồi. Cuốn vở học trên tay cô nhịp nhàng lên xuống như chiếc quạt của diễn viên múa. Mùa xuân sắp đến, trời đất như rộng rinh thêm. Những con chim trao trảo, chèo bẻo, ta li eo… cũng hót vang bên rặng rừng, vui lây theo nỗi vui của Tuyl Cleng.
Chẳng là trong lớp học chiều nay, Tuyl Cleng vừa được thầy Mân cầm tay, dẫn cho cái chữ hiện ra trên trang giấy. Chưa hết, thầy còn khen chữ cô đẹp nữa…! Tuyl Cleng bắt đầu đi học cái chữ từ dạo hết mùa rẫy đến giờ. Cùng học với Tuyl Cleng là lũ gái bản trạc tuổi: B’Rớ, Y Min, Ch’Bráp… cả bọn lớn nhồng, cái bụng chứa đầy nỗi lo nên cái chữ ít chịu vào, cái tay đầy sần chai nên cũng khó dẫn đường cho cây viết…
Chiều nay thì lại khác, nhờ thầy Mân cầm tay giúp nên cái chữ có vẻ chịu Tuyl Cleng rồi. Song cứ mỗi lúc thầy buông tay cô ra, cái chữ dưới cây viết lại cứ như là con khỉ B’Li nhảy nhót, khọt khẹt không yên.
B’Li là con khỉ nhà Tuyl Cleng nuôi. Cô bắt được vào lúc nó hãy còn bé lắm. Bé nhưng lại rất láu và… tham ăn nữa! Một mình nó lôi hai cây bắp có bốn trái to đùng, không theo kịp bầy nên mới bị Tuyl Cleng níu lại. “Cái… cái mà thầy Mân à! B’Li là con khỉ Tuyl Cleng nuôi, thầy muốn xin về trường thì… thì hỏi nó. Cứ đổi B’Li cho nó nhiều nhiều chữ… chữ là bằng lòng thôi mà!”. Nghe Y Rớ, cha của Tuyl Cleng nói cà lăm với thầy vậy, cô thấy khó xử vô cùng. Tuyl Cleng nuôi con B’Li đã mến tay mến chân.
Nó và cô đã theo nhau suốt hai mùa rẫy liền rồi. Có trưa nào mà nó không quanh quẩn bên cô, hết bắt chí lại đùa giỡn đâu! Nhưng không cho thầy Mân con B’Li, Tuyl Cleng lại sợ thầy không bằng cái lòng.
Thầy mà hú một tiếng, tất cả chữ trong cô lại như cọp về với rừng hết thì sao?! “Trò Tuyl Cleng à! Thầy ở một mình buồn lắm-thầy Mân nói- Nếu không có con B’Li ở cho vui, chắc thầy xin lại về dưới xuôi mất. Cho thầy con B’Li để làm bạn đi, nghe Tuyl Cleng?”.
Tuyl Cleng đâm hoảng lên, cô không ngờ lại có chuyện rắc rối làm vậy. Thầy Mân về xuôi thì lấy ai dạy chữ cho cô và lũ gái bản? Tuyl Cleng ham học lắm. Ham học vì thấy những người biết cái chữ từ dưới xuôi lên, ai cũng ngon lành và đều ăn mặc đẹp cả. Ngay đến ông H’Nóp là người trên này biết chữ, già làng cũng quý trọng và hay hỏi chuyện đến là gì. Rồi lại đọc được những cuộn giấy có nhiều mầu xinh đẹp như hoa liu-reng nữa.
Nghe thầy Mân nài nỉ thế, cái bụng Tuyl Cleng đã thấy xiêu xiêu song cũng buột miệng: “Buồn thì thầy đi rẫy với Tuyl Cleng cho vui, chớ xin B’Li chi? Trong rẫy có nhiều chuyện vui lắm!”. “Thầy nói buồn nơi trường thầ
y ở kìa. Trong rẫy có nhiều cái vui nhưng đâu có đem về trường được, hả Tuyl Cleng?”. “Sao lại không vớ? Con B’Li Tuyl Cleng đem về đây được đó chi nạ!”. “Bởi vậy nên giờ thầy mới xin. Mai mốt Tuyl Cleng đi rẫy, lại đem về cái vui khác thôi!”. Thầy Mân bụng có nhiều chữ nghĩa nên nói giỏi lắm. Nhưng biết mùa rẫy tới, mấy bầy khỉ có ra lại không và ra thì biết có con nào nhỏ tham ăn như vậy nữa để cô bắt? Nghĩ vậy nhưng không hiểu sao trước cái nhìn như có lửa của thầy Mân, Tuyl Cleng cũng gật đầu.
Con B’Li về ở bên trường được thầy Mân mua cho sợi xích mới. Chả bù với sợi dây mấu nhà cô, sợi xích mầu vàng tươi này còn đẹp hơn cả đôi còng nơi chân của Tuyl Cleng nữa. Nó thích chí quá hay sao nên cứ nhảy nhót, chí chóe cả ngày. Những hôm lũ lớn về, không lội suối được phải nghỉ học lâu lâu, Tuyl Cleng và B’Li nhớ nhau nhiều như nước suối nguồn và khi gặp lại, cả hai đều chảy nước mắt.
Thấy Tuyl Cleng và lũ bạn gái đi học ăn mặc đẹp và vui, bọn trai gái bản cũng đua nhau đi học. Nhiều người “ăn” chữ quá, dưới xuôi lại phái lên một cô giáo nữa. Trường lại vui thêm, duy chỉ có B’Li là buồn.
Từ dạo có cô giáo mới về dường như thầy Mân ít chăm sóc đến nó. Thậm chí còn quên cả cho nó ăn nữa. Cứ mỗi lần thấy Tuyl Cleng đến học, B’Li lại kêu khọt khẹt và tìm cách bứt khỏi sợi dây xiềng. Đã đến lúc nó không cần xiềng xích đẹp nữa, chỉ muốn được no cái bụng mà thôi. Biết nó đói, đi học, Tuyl Cleng thường kiếm mang theo ít trái rừng và nhìn nó nhai ngấu nghiến đến là thương!
Cô đã mấy lần định hỏi xin lại thầy Mân con B’Li nhưng không dám. B’Li buồn, Tuyl Cleng cũng buồn lây. Tự dưng cô thấy chẳng còn thích đi học cái chữ ở thầy Mân nữa! B’Li không có cái chữ đầy bụng như thầy Mân, song nó lại chẳng làm buồn lòng ai như thầy. Tuyl Cleng muốn lại được cùng con B’Li ngày ngày lên nương rẫy đùa vui như dạo nào. Song con B’Li bây giờ đâu có còn là của Tuyl Cleng nữa và dường như thầy Mân cũng quên nó là của mình rồi! B’Li bây giờ có lẽ chỉ còn là của sợi dây xiềng rất đẹp mà thôi.
Thầy Mân quên con B’Li bởi cô giáo mới về đẹp lắm. Da cô trắng như sắn lột và có nhiều quần áo đẹp đẹp là! Lũ học trò gái bản thường thừa lúc cô không để ý, tìm cách chạm vào quần áo trên người cô, để rồi khi tan học, lại kể khen nức nở cùng nhau vang đường về.
Một trưa bản vắng, định nhờ B’Li bắt giùm ít chí trên đầu nên Tuyl Cleng chạy đến trường. Từ đường truông, Tuyl Cleng đã nghe tiếng cười của hai thầy, cô vọng ra như suối đổ. Qua một lùm cây rậm, Tuyl Cleng thấy thầy Mân đang chẻ củi nấu cơm, rồi xách nước suối lên cho cô giáo giặc quần áo, hết xô này đến xô khác.
Tự nhiên như có ai đánh mã la trong ngực của Tuyl Cleng, cô chạy vội lên khúc suối trên và sau một lát lưỡng lự, cô hái ba chiếc lá b’là-ơi thả xuống nước. Ba chiếc lá trôi từ từ đến chỗ thầy Mân, song thầy cũng gạc ra cho theo dòng và tiếp tục múc nước. Tuyl Cleng thấy vậy buồn quá, cắt suối lội về. Ba chiếc lá mới xanh chớ đâu phải úa rụng mà thầy Mân chẳng biết. Chưa về đến nhà sàn, chí trên đầu cắn nhắc đến B’Li nên cô vội lộn lại.
Lúc ấy, thầy với cô đang cùng nhau ăn cơm trong phòng và con B’Li thì khô mỏ ngoài sân. Nó thấy Tuyl Cleng liền lôi bừa cả xích chạy đến. Tuyl Cleng vội khẽ mở xích cổ cho nó, rồi cả hai cùng chạy về nhà sàn Tuyl Cleng. Cô và nó chạy như bị ma đuổi, bỏ mặc sau lưng tiếng gọi “Tuyl Cleng ới, Tuyl Cleng ời…!” của cô thầy.
Về đến nhà sàn, Tuyl Cleng chờ mãi chẳng thấy B’Li đâu cả. Lúc cô, thầy kêu, rõ ràng là nó chỉ cách sau cô có mấy buớc. Tuyl Cleng lại thất thểu đi tìm con B’Li. Tiếng kêu “B’Li ới…, B’Li à…!” theo gió chiều vang vọng khắp núi rừng, làng bản.
Đến tối mịt, Tuyl Cleng mới về lại nhà sàn với nước mắt ràn rụa cả má. Con B’Li vẫn biệt tăm!
“Tuyl Cleng à! - Y-Rớ vẫn hút thuốc thức chờ cô, nhả khói bay um cả góc nhà sàn và nói- Hồi chiều thầy Mân có… có… đến đây tìm mầy. Cái… cái mà thầy biểu, mai… mai mầy đi học”. “Không đi học cái chữ nữa đâu!”. Tuyl Cleng nấc lên trong đống lá khô nơi góc sàn.
Điếu thuốc ngưng lóe lên trong khoảng tối nhà một lúc lâu, rồi Y’Rớ lại cất tiếng: "Thầy Mân nói trả lại con… con B’Li cho mày. Cái… - Y’Rớ cà lăm tiếp - Cái mà thầy đã có… có em ruột lên nên… nên vui rồi! Em ruột thầy chữ cũng… cũng nhiều dữ hé?”. Tuyl Cleng nghe vậy, chồm ra khỏi đống là khô: "Ai nói với cha vớ?”. “Cái… cái mà… hai anh em thầy đến đây nói chớ ai. Thằng Tuyl Tắc mà hông bị Giàng… Giàng bắt, thì anh em mầy cũng bằng thầy cô vớ, chỉ… chỉ điều không có chữ mà thôi!”.
Tuyl Cleng lại cuộn người nằm lặng vào đống lá khô. Anh Tắc hồi còn sống cũng thương Tuyl Cleng như thầy Mân thương cô giáo vậy. Hình ảnh anh Tắc và B’Li lại xoay vần trong đầu cô. Anh Tắc thì đã về với Giàng, còn không biết B’Li giờ này ở đâu?! Mùa xuân tuy nhiều đọt non lá mới, dễ tìm ăn nhưng so với các giống rừng khác, B’Li hãy còn quá nhỏ.
Lại không quen kiếm ăn vậy nữa. Tự dưng Tuyl Cleng thấy ân hận về việc mình thả xích cho con B’Li xế rồi. Chợt có tiếng xé giấy lẹt rẹt ở góc sàn, Tuyl Cleng lại chồm lên:"Cha xé giấy của tui để cuốn thuốc phải hông?”. “Cái… cái chữ đã vào bụng mầy rồi, để lấy giấy cuốn… cuốn hút xem thử chữ có… có vào bụng tao hông há. Mày nghỉ học rồi, thì còn… còn để giấy làm chi vớ?”. Tuyl Cleng nhào tới giằng lấy cuốn vở trong tay cha: "Sao cha biết tui nghỉ học?”.
Y’Rớ nhe hàm răng ám khói cắn điếu thuốc chưng hửng ngó Tuyl Cleng. Thấy vậy tự nhiên Tuyl Cleng muốn bật cười. Cha Tuyl Cleng không đi học nên không biết gì cả, muốn ăn chữ vào bụng thì phải có thầy chớ. Tuyl Cleng ôm cuốn vở trở lại đống lá khô. “Không biết giữa thầy Mân với cô giáo em, ai nhiều chữ hơn?”. Với ý nghĩ này, Tuyl Cleng thiếp đi. Trong mơ cô chợt thấy con B’Li đang đùa giỡn trong một rừng cây đầy lá non đọt mới trong tiết xuân về.
Kết Thúc (END) |
|
|