Tôi vào nghề phóng viên ảnh như một định mệnh vậy. Từ lúc 14 tuổi tôi đã mưu sinh bằng chiếc máy ảnh cũ mang về từ Đông Âu và tự mình in tráng ảnh trả cho khách hàng. Tôi chưa bao giờ mơ mộng thành một nghệ sĩ hay một nhiếp ảnh gia, nhưng chính chiếc máy ảnh khiến tôi phải thầm cám ơn bởi nó giúp chúng tôi mưu sinh qua những tháng ngày khô hạn không thể cấy cày hay buôn bán cái gì.
Một số trường hợp bạn phải cầu cứu tới các tay máy ảnh, khi bạn vui như sinh nhật, đám cưới, đám hỏi, tân gia, khi bạn buồn như lúc sắp chia tay bè bạn, ngày tốt nghiệp, lúc tòng quân, hay thậm chí đám ma, đám giỗ. Những ngày bạn có nhiều quần áo mới, những lúc mùa xuân hay bữa hội hè mà lắm lúc bạn buồn quá chẳng biết làm gì cũng thích tìm tới thợ ảnh làm một kiểu đầy tâm trạng.
Năm 14 tuổi tôi chỉ cao hơn cái bàn máy phóng ảnh chút xíu thôi và phải trèo lên ghế để ngồi phóng những chiếc ảnh đen trắng trong mùa hè trời nắng như đổ lửa và mùa đông rét cắt da thịt, mùa xuân khi đám bạn đang chơi đùa đó đây. Tôi ngồi trong bóng tối và ảnh sáng màu đỏ tỏa ra yên tĩnh, hiện dần trong chậu thuốc ảnh là những gương mặt sạm màu, sợ nhất những bức ảnh tập thể ai đó nhắm mắt và tất cả mọi người phải gom nhau trong một ngày để chụp lại. Ai cũng thích những tấm hình tươi, người chụp phải biết làm cho khách hàng mình vui bằng những câu nói, cử chỉ có duyên của mình, song bạn cũng phải thông cảm rằng không nhiều người mở mắt trong lúc họ cười.
Bức ảnh đăng báo đầu tiên của tôi thực hiện trong một buổi chiều. Tôi và một người bạn thân cùng sinh viên thuê chiếc thuyền chèo ra giữa sông Lam, chính giữa dòng nước vẫn phản chiếu ánh sáng lúc chiều tà, tôi quay vào chụp Bến Thủy, xa xa thấy cột ống khói cũ vẫn còn dưới chân núi như chứng tích một thời xa xăm. Chính nơi này ông bà tôi đã từng qua. Những đồng nhuận bút quý giá đầu tiên tôi nhận được từ bức ảnh chụp về Bến Thủy lúc chiều tàn ấy, tôi cùng bạn bè ngồi nhâm nhi nước trà nóng và vài thanh kẹo lạc.
Chúng tôi nhìn tấm ảnh in trên báo, không thật rõ ràng cho lắm vì kỹ thuật in ấn ngày ấy thật thô sơn. Tôi đã cố gắng ghi lại ánh sáng, như một dòng sông cuối trời vẫn đổ xuống chúng tôi, những thanh niên trẻ mới vào đời, như một nguồn năng lượng bí ẩn sẽ đưa chúng tôi đi tiếp vào cuộc đời làm báo ngày mai.
Những bức ảnh nuy duy nhất mà tôi từng chụp thực hiện trong căn phòng nhỏ ở khu tập thể trên tầng năm cũ kỹ gần chợ. Người mẫu vốn quen biết, năn nỉ tôi chụp cho cô ấy “mấy tấm hình khỏa thân, để gửi cho người tình ở nước ngoài”. Tôi đã cố chụp cho người mẫu của mình những tấm hình đẹp nhất với hy vọng khách hàng sẽ lấy được ông chồng Việt Kiều và trở nên giàu có, sung sướng, như ước mơ của cô ấy.
Mấy người phóng ảnh màu, vốn là chỗ quen biết của gia đình tôi, hỏi: “Người yêu hả? Đẹp không tì vết”. Tôi nói: “Vớ vẩn! Giao cả ảnh lẫn phim đầy đủ nhé. Khách hàng thôi, ai mà yêu được người đẹp như thế chứ”. Sau này, tôi biết khách hàng của tôi không yêu ai ở nước ngoài mà hẳn cô ấy chỉ muốn thử tay nghề của tôi, một phóng viên trẻ mới vào tòa soạn mấy tháng. Từ đó, tôi không bao giờ chụp ảnh khỏa thân. Tôi không muốn ai bông đùa với công việc của mình.
Đôi khi, tôi cũng có những học trò của mình trong nghề cầm máy. Năm 16 tuổi, tôi dạy cho vài người anh đi bộ đội về, thất nghiệp không biết làm gì mà lại yêu nhiếp ảnh. Các anh có trách nhiệm đạp xe đi các nơi chụp ảnh, thu tiền. Tôi chỉ lấy tiền công in tráng ảnh và cuộc đời các anh khá yên ổn sau những tháng năm ở chiến trường xa. Nếu khách hàng ưa thích của tôi là các bạn học phổ thông lố nhố thì các anh lại thích chụp các cô gái thôn quê đứng dưới những bụi cây và tay vân vê tà áo. Các anh không biết làm gì với số tiền mà tôi trả mỗi tuần, đôi khi, lại nhờ tôi phóng thêm mấy tấm hình để tặng cho những người mà anh đã chụp.
Tôi nghĩ đời quân ngũ thật kỷ luật và chứa đựng nhiều bí ẩn. Đôi khi, tôi được mời vào đơn vị xe tăng để chụp ảnh cho các anh bộ đội. Một lần như vậy, vì tôi đi đường tắt, lạc vào khu vực có nhiều khí tài mà không người dẫn dắt, tôi đã bị vệ binh nhốt trong phòng kín, cho đến khi những người anh trong đơn vị đi ra đón tôi vào và mời tôi ăn món nem phủ đầy mỡ ngày Tết.
Khi đi làm báo, tôi thường ghé chơi nhà bác Thanh, một người bạn của ba tôi. Bác có cô con gái học nghề báo ở xa. Hẳn bác rất muốn tôi và cô con gái mà tôi chưa biết mặt ấy nên duyên trầu cau. Tôi được đọc những bức thư nàng gửi về cho bố mẹ, kể những chứng đau dạ dày và kết thúc thư là dòng chữ: “Bố mẹ gửi tiền cho con nhé”. Những bữa cơm, đậu kho với cà chua, trong khu tập thể xuống cấp ấy, vẫn câu chuyện về cô con gái rượu ở xa.
Nàng ra trường, về nhà. Nàng khá cao lớn so với hình dung của tôi về một cô gái chuyên “viêm màng túi”, cách ăn uống cũng thật hồn nhiên với một tô cơm to chan đầy canh. “Dạy tôi phóng ảnh nhé” - nàng nói khi tôi gật đầu.
Hóa ra việc dạy nghề nhiếp ảnh không đơn giản, nhất là nghề làm buồng tối. Nếu để ánh sáng lọt vào, phim và giấy ảnh của bạn sẽ hư hỏng hết cả. Tôi đã dạy nàng cách phóng ảnh thế nào, trong phòng tối đen như mực, chỉ có ánh sáng màu đỏ le lói trên cao. Chúng tôi đã ngồi cạnh nhau như thế, lòng nghĩ về những ngày tháng gia đình chờ đợi một cô phóng viên trẻ ra trường dài dằng dặc ra sao. Khi những tấm hình chụp nàng hiện lên trong chậu hóa chất chua chua, nàng thì thầm: “Mới về nhà có một tuần mà béo lên nhận không ra”.
Nhiếp ảnh là lĩnh vực liên quan tới kỹ thuật, bạn sẽ phải làm quen với cái mới. Gia đình chúng tôi có nghề nhiếp ảnh từ trước 1945 và tự bản thân tôi đã thấy rất nhiều cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật. Khi mới ra đời ảnh màu, cơ quan “triển khai” phóng ảnh màu ngay trong khu tập thể của chúng tôi và tôi cùng các anh trong cơ quan vật lộn với những thiết bị tráng ảnh màu bằng tay. Thú vị vô cùng khi những con người mà ta thường hay nhìn thấy bằng hai màu đen trắng giờ đây lại có một nước da nâu. Chúng tôi cố gắng làm sao để màu da người hiện lên chân thực trong các bức ảnh, nhưng khách hàng lại thích nhìn thấy da họ trắng như văn công.
Kỹ thuật số đến khá nhanh, và từ những công nghệ phóng ảnh, truyền về cơ quan tổng xã bằng máy quét ảnh to đùng, chúng tôi dùng tới máy kỹ thuật số chỉ quét từ phim. Anh Trưởng, một phóng viên ảnh gầy gò mà rất nhanh đã hướng dẫn cho tôi kỹ thuật chụp ảnh thể thao và chúng tôi gửi ảnh màu rất nhanh qua đường dây điện thoại mà không phải như thời chiến phải đánh đổi sự gian khổ nguy hiểm bằng những chiếc ba lô đựng phim đi suốt dãy Trường Sơn.
Tình bạn của chúng tôi cũng chính từ chiếc máy ảnh. Khi cơ quan tôi tuyển gần 300 phóng viên, chúng tôi được đào tạo về nhiếp ảnh và tất cả chúng tôi đổ bộ xuống hồ Gươm để chụp ảnh dưới sự hướng dẫn của những người bạn của cha mẹ mình trong nghề báo. Thật khó tin, khi bạn thấy hàng trăm tay máy trẻ chụp ảnh đền đài và những chiếc ghế đá nằm cạnh nhau. Chúng tôi đều muốn chụp gì đó về nhau, nhưng rốt cục tất cả đều chụp những cây cổ thụ ven hồ là chứng nhân lịch sử của một thời bom đạn, cây lộc vừng già nua vẫn trổ hoa như thời bố mẹ chúng tôi còn đi học ở Trường đại học Tổng hợp mà sơ tán về Hà Đông.
Rất nhiều trong số phóng viên ảnh trẻ chúng tôi khi ấy có bố mẹ, ông bà cũng từng làm nghề nhiếp ảnh. Chúng tôi lần mở những cuốn sách ảnh, những kho lưu trữ để xem các tác phẩm của bố mẹ mình, của ông bà mình. Đôi khi, chúng tôi cũng nghĩ đó chính là hình ảnh của quê hương.
Bạn nghĩ gì nếu bạn được phân công về tổ ảnh để giữ vị trí tay máy của chính bố mình để lại, bạn sẽ đi đến những vùng đất, những nông trường, những dòng sông mà bố bạn, mẹ bạn từng chọn góc đứng và bấm máy ghi lại hình ảnh những người nông dân và những cô bé ngây thơ? Bạn sẽ quen một cô gái mà bố cô ấy và bố bạn cũng là đồng nghiệp với nhau?
Một ngày nào đó, bạn sẽ muốn đi đâu đó thật xa, làm những gì thật mới lạ, thử sức mình ở lĩnh vực nào đó khác đi. Điều ấy thật dễ hiểu. Những cô bác trong cơ quan sẽ nói rằng: “Con nó đi, rồi nó sẽ trở về”.
Tôi là một nhà văn, tôi không biết chụp ảnh. Nhưng câu chuyện về nhiếp ảnh mà Hạt, bạn tôi vẫn kể khiến tôi tò mò và thích thú. Đôi khi tôi cũng thèm quẳng cây bút đi và thử sức với cái máy ảnh cọc cạch kia, nhưng tôi cảm thấy như mình sẽ chẳng bao giờ có được một tình yêu với cái máy ảnh như anh bạn của mình, một chàng phóng viên ảnh lấm lem bùn đất.
Tôi cũng bảo: “Ê! Suốt ngày ôm máy ảnh không chán hả? Thử làm vài bài thơ đi chứ ông Hạt ơi”.
Anh bạn phóng viên ảnh của tôi lại tủm tỉm cười: “Chiều nay phải ra bãi bồi làm tí khói sóng, gớm đàn bò chóng lớn thật, mà sông dạo này sao cạn trơ ra, cá mú ít nên thuyền bè câu kéo vắng hẳn”.
Đôi khi, tôi tự hỏi có phải lòng ông bạn nhiếp ảnh lúc nào cũng kè kè cái túi bên hông và chiếc áo phóng viên đựng phim, đựng ống kính?
Anh ta nay đây mai đó, hôm trước về quê miền Trung, hôm nay lại đang trên đường lên Tây Bắc. Hết đi cùng những bác, những cô bạn bè của bố, lại bù khú với lứa phóng viên cùng lớp tập tọng sáng tác với nhau.
Bố tôi trước làm bên ngạch kỹ thuật, bảo: “Kinh nghiệm của bố là phóng viên viết thường nói hay, viết giỏi, nên thăng tiến nhanh, giữ nhiều chức vụ lãnh đạo. Còn phóng viên ảnh thì sao? Hơi nghệ sĩ đấy, đáng yêu, nhưng cứ mãi vẫn là phóng viên ảnh, ít khi làm sếp”.
Ừm. Chẳng là chỗ tạp chí văn nghệ chúng tôi, có tay máy ảnh kỳ cựu, trải bao đời tổng biên tập, mà chú ấy vẫn chỉ giữ chức phóng viên ảnh. “Ai gọi chụp gì thì chụp nấy, chú chẳng màng chức tước cháu ạ”.
Nói cho cùng, bố tôi đúng, tự tôi cũng muốn chồng mình sẽ thành đạt, sẽ làm ông nọ ông kia. Loay hoay mãi với đám ống kính, với đống phim, với những tấm hình phóng đi phóng lại, không khéo chẳng còn thời gian đâu mà chăm sóc vợ con.
Rồi tôi đi lấy chồng, chồng tôi không làm nghề báo, anh ấy kinh doanh và thành đạt, có địa vị trong xã hội. Anh ấy muốn lấy vợ là một nhà văn.
Tôi vẫn chơi với Hạt, dù chồng tôi không thật sự hài lòng. Lâu lâu, tôi với hắn cà-phê, ăn tí gì ban trưa. Tôi kể về một vài bài thơ của mình mới viết, mấy câu thơ sưu tầm, cho có lệ thôi. Vẫn thích nghe Hạt nói linh tinh về nghề nhiếp ảnh của hắn.
Hạt cũng đã có gia đình và tôi tự hào “ảnh đám cưới của tôi do Hạt chụp đẹp hơn nhiều mớ ảnh cưới của Hạt do một ông bạn tay mơ bên nghề khảo cổ chụp”.
Tôi vẫn nhớ ngày mình lên xe hoa, áo cưới bồng bềnh trong lời chúc tụng, trong men rượu và vòng tay của chồng tôi, một doanh nhân thành đạt, tôi vẫn thấy trước mặt mình ông bạn chụp ảnh cưới với nụ cười rất đỗi hồn nhiên ngây thơ. Tôi định kéo hắn đến và bảo: “Tôi lấy chồng mà ông cũng cười được hả Hạt?”. Nhưng rồi tôi lại thôi, suy cho cùng, bệnh nào bằng bệnh nghề nghiệp, cứ chụp ảnh là hắn lại cười mà.
Bây giờ, chúng tôi tóc đã hoa râm, đôi khi nhìn đời bằng cái nhìn không giống ai, cứ nửa đùa mà nửa thật. Hạt hỏi làm tôi giật cả mình thế này: “Sao hồi ấy đám cưới của bà lại cứ bắt tôi chụp ảnh nhỉ? Nhờ ai chẳng được, thuê đâu chẳng được, cứ phải người chụp là tôi”.
Hừm, ừ nhỉ. Tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi nghĩ, tôi tin Hạt chụp ảnh đẹp, tôi cũng như mọi đứa con gái trên đời này, muốn một bộ ảnh cưới thật đẹp, thế thôi. “Chồng tôi càng chê bộ ảnh cưới xấu thì tôi càng thấy nó đẹp. Tôi bảo thủ lắm”.
Tôi bảo: “Ông cứ mê nhiếp ảnh làm tôi cũng mê theo ông đó thôi”.
Hắn lại bảo: “Nhiếp ảnh thì ai mà chả mê”.
Tôi cũng thích làm phóng viên ảnh lắm chứ, xoạch xoạch, ghi lại mọi thứ trên đời. Lưu lại tất cả và mọi thứ theo thời gian đều trở nên giá trị cả. Đôi khi, tôi tự nghĩ nếu một vụ động đất sóng thần xảy ra, tôi sẽ ôm mớ phim của Hạt mà chạy đi chứ không phải đống thơ tôi đã viết. Tôi tin mình sẽ làm vậy, dù không giải thích được.
Bố tôi đã qua đời và bố của Hạt cũng vậy. Kỷ niệm của năm tháng cũ đều nhạt nhòa và chúng tôi chỉ còn ký ức những năm 1990 bằng những tấm ảnh đen trắng hoen mốc mà Hạt lưu giữ.
Một hôm, Hạt bảo: “Tôi ước gì thời gian sẽ dừng lại và tôi với bà sẽ ngồi mãi mãi trong cái buồng tối phóng ảnh trong khu tập thể ngày xưa nhỉ. Những tấm hình, những nụ cười của bà hiện ra trong bóng tối, cả đoạn phim về thành phố của chúng ta, xơ xác buồn hiu”.
Hôm đó, khi nghe Hạt nhắc lại kỷ niệm thời tôi mới ra trường về quê tìm Hạt học hỏi nghề phóng ảnh của hắn, tôi không nhịn được cười. Tôi cứ nghĩ hắn đã quên cái vụ ấy, hay hắn chọc quê tôi là con gái mà mò tới nhà con trai để đêm hôm học nghề phóng ảnh.
Không, tôi cảm thấy giữa tôi và Hạt có một mối quan hệ khăng khít nào đó như chúng được truyền lại từ thế hệ bố mẹ tôi, bố mẹ Hạt, những người bạn thân thời chiến tranh. Tôi đã chăm chỉ viết thư về cho bố mẹ, tự bịa chuyện bị đau dạ dày, bởi tôi biết Hạt sẽ đọc những lá thư ấy. Tôi cũng ra tiệm chụp ảnh trước cổng trường đại học, chụp tấm hình với mái tóc bồng bềnh nhất, tôi biết rằng hắn sẽ xem bức ảnh ấy và sẽ nghĩ về tôi.
Kể chuyện về thuở mới ra trường, những năm mới xóa bao cấp, những tấm ảnh phóng sự báo chí và những tấm ảnh chân dung chụp gần, tôi đã dựa đầu vào vai Hạt lúc nào không biết. Nhìn ra hồ Gươm nước vẫn xanh như thuở xa xăm. Khi tôi giật mình tỉnh ra, tôi thấy Hạt cũng ngồi im, mắt nhìn cầu Thê Húc mà nhớ về cầu Bến Thủy chăng? Hạt vẫn ôm khư khư cái máy ảnh, như một pho tượng biết cười.
Bất giác, tôi thầm mơ sẽ có một tay máy nào đó đi ngang qua, từ xa xa sẽ chĩa ống kính vào chúng tôi để ghi lại khoảnh khắc này. Tôi ôm những cuốn thơ và Hạt ôm cái máy ảnh, cả hai dựa vào vai nhau, lá cây đổ xuống trong cơn gió tràn qua.
Cần chút gì đó đặc biệt nữa nhỉ. Tôi sẽ ôm máy ảnh còn Hạt sẽ cầm những cuốn thơ? Hắn bảo: “Thôi, hồn ai nấy giữ”.
Tôi muốn nói với Hạt câu gì đó để phá vỡ buổi chiều yên tĩnh: “Mọi người toàn yêu em vì thấy em có lợi cho họ chứ không vì em. Em không có tình yêu”.
Hạt quay sang, bất chợt vuốt mái tóc tôi, bảo: “Phượng ơi, em có tình yêu đấy chứ”. Tôi lắc đầu, chuyển sang anh anh, em em lúc nào ấy nhỉ. Hạt kết: “Em có tình yêu với thơ, anh có tình yêu với nhiếp ảnh”.
Tôi thấy Hạt nói chí lý quá, chẳng thể bắt bẻ được gì nhỉ. Nếu tôi không yêu thơ, nếu Hạt không yêu nhiếp ảnh? Đừng đặt những giả thiết như thế chứ, điều đó không thể xảy ra.
“Gọi ông nào đến chụp cho hai đứa mình tấm hình” – tôi bảo.
Hạt gạt đi: “Cuộc đời có những lúc không một tay săn ảnh”.
Tôi cũng bảo: “Ừm, không phải mọi thứ sinh ra đều để chụp ảnh”.
Hạt nói là nói thế thôi chứ tay vẫn ôm khư chiếc máy ảnh cũ.
Tôi ngước nhìn lên đám mây vần vũ và chợt ước ao ai đó từ đám mây kia sẽ chụp xuống một tấm hình thành phố chiều nay, để từ trong vô số ngõ ngách, tôi sẽ kiếm tìm một ý thơ, bắt nguồn từ hình ảnh hai người bạn thân thiết từ thuở thơ ngây đang dựa dẫm vào nhau bên hồ nước xanh biêng biếc để nghe gió lùa trong những tán lá thân quen.
Kết Thúc (END) |
|
|