Tôi với Long chơi với nhau từ thuở thơ ấu. Chúng tôi cùng đến trường khi tóc còn để chỏm, cho tới những ngày cuối cùng ở bậc phổ thông vẫn không rời nhau lấy nửa bước. Chúng tôi gắn bó với nhau từ những nỗi khổ chung, những mất mát đã trùm lên tuổi thơ từ khi mới sinh ra. Chúng tôi vừa là hàng xóm của nhau, vừa là anh em con dì, con già ruột. Cả hai đều mất cha, tuy nhiên sự mất mát có khác nhau đôi chút. Cha tôi tham gia kháng chiến và hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Còn cha của Long di cư vào nam sau năm 1954. Chúng tôi lớn lên trong sự vất vả của hai bà mẹ... Những buổi tối sáng trăng, khi công việc trong ngày đã xong, hai bà mẹ thường ngồi trên thềm nhà ôn lại thời con gái, cái thời hạnh phúc ngắn ngủi đã qua. Lợi dụng lúc đó, tôi và Long nháy nhau chạy tót ra sân đình chơi, nhập bọn với trẻ con trong xóm. Cái sân đình của làng tôi rất lớn, hợp tác xã lấy làm sân đập lúa và chia thóc cho xã viên. Buổi tối trẻ con tụ tập ở đó chơi đủ các trò. Những đứa con trai, con gái chơi ù, nhảy dây. Đứa có điều kiện thì tập xe đạp. Bọn lớn hơn thì ngồi trên tường rào tâm sự. Chúng tôi thường hò hét làm náo loạn cả khu xóm tới gần nửa đêm cho đến khi nghe tiếng mẹ réo gọi về đi ngủ mới chịu yên.
Tuổi thơ tôi trôi qua trong tình thương yêu của mẹ cùng tiếng đập phá khóc lóc phía bên kia cầu ao nhà tôi, nơi có những bụi tre và giàn ô rô. Đó là ngôi nhà lá năm gian của bố mẹ Ngân. Ông bố bê tha rượu chè, hễ say xỉn là đập phá, chửi bới mấy mẹ con Ngân. Những lúc ấy, Ngân lủi ra chỗ giàn ô rô đứng khóc. Phía bên này cầu ao, mẹ tôi thở dài chép miệng: "Có chồng, có cha như vậy thà đừng có còn hơn."
Không biết có phải vì thấy cảnh nhà Ngân mà mẹ tôi không dám đi bước nữa hay không? Vì tôi biết chắc chắn rằng, có nhiều người đã đến cầu xin mẹ tôi đừng để phí hoài tuổi xuân của người đàn bà ngoài ba mươi và rất có duyên.
Không ít lần nghe tiếng đập phá bên nhà Ngân, mẹ bảo tôi đi tắt qua bờ ao, gọi:
- Ngân ơi, sang bác Hiền nhờ cái gì ấy!
Khi Ngân quần ống thấp, ống cao chạy sang, tôi bỏ nó đứng trong sân với mẹ, tót sang nhà Long. Long đang hí hoáy kẻ chữ trên tờ giấy mầu xanh để cắt làm thủ công. Tôi thì thầm:
- Bố cái Ngân hôm nay lại say rượu, đập tan đôi thùng gánh nước!
Đôi mắt Long đang nhìn tôi bỗng nhiên chớp chớp. Nó bỏ lại những tờ giấy mầu, theo tôi sang nhà.
Cái Ngân đã ngồi trong lòng mẹ tôi từ bao giờ. Phía bên kia cầu ao cũng im ắng trở lại. Mẹ đang bới chấy trên đầu cho nó. Mà sao đầu nó lại nhiều chấy đến thế? Chấy bò lổm ngổm cả trên mặt chiếc cặp ba lá bằng thép không gỉ.
Long đứng ngoài sân, thẫn thờ nhìn khuôn mặt đẫm nước mắt, sưng mọng vì khóc của Ngân đang chúi đầu vào lòng mẹ tôi. Hình như trong lòng nó cũng đang dâng lên nỗi niềm thương xót rất trẻ thơ, mà sau này khi chỉ còn một mình trên đời, tôi mới có dịp ngẫm lại một cách đầy đủ và hoàn hảo, chứ lúc ấy tôi nào nghĩ được gì đâu.
Ba đứa chúng tôi cứ thế lớn lên, cùng nhau học bài, cùng ngồi chờ những trận mưa rào tạnh hẳn để chạy ra đồng bắt cá rô rạch trong những bờ cỏ sau cơn mưa. Ngân lẽo đẽo theo chúng tôi. Nó rứt cỏ mần trầu thắt nút lại làm những chiếc xâu. Ba xâu cá chia đều nhau cho ba nhà. Rồi tôi và Long lại có những ngày trèo lên tháp chuông nhà thờ đạo cao chót vót để bắt chim sẻ. Chúng tôi cứ thoăn thoắt leo tường. Ngân đứng dưới mặt tái xanh, vừa hồi hộp chờ đợi, vừa làm dấu thánh.
Vì nhà Ngân đông con, nên bố mẹ Ngân phải nhận chăn trâu của hợp tác xã để lấy thêm công điểm. Là chị cả, mọi công việc chăn trâu, cắt cỏ trong nhà đều dồn vào nó. Lúc nào nó cũng vất vả và lam lũ. Nó đâu được sướng như tôi và Long, tuy thiếu thốn tình cảm của cha thật đấy nhưng lại được các bà mẹ nuông chiều không bắt phải làm gì. Chúng tôi thường cưỡi trâu của nó ra đồng trong những buổi chiều mùa đông. Ngân tong tả gánh đôi quang sọt đi bên cạnh. Nó cũng giống mẹ nó, cứ ra khỏi nhà là hết ủ rũ liền. Gió rét hun hút, da tái mét! Mặc. Chúng tôi vẫn nghênh ngang trên những bờ kênh, thả cho trâu ăn rồi chơi khăng. Ngân thì cặm cụi cắt cho đầy một gánh cỏ để tối về trâu có cái ăn. Có những buổi chiều khi đồng chẳng còn ai, chúng tôi lại bới khoai trộm rồi đốt cỏ khô lên nướng. Những củ khoai nhiều lúc hãy còn sượng sật, chúng tôi chỉ chùi qua loa vào quần rồi ăn ngấu nghiến. Ngân thường nhường nhịn, chăm sóc tôi và Long như hai đứa em trai, mặc dù người nó bé hơn chúng tôi rất nhiều.
Nếu sau này có người nào hỏi tôi: Anh thích gì ở trên đời này nhất? Thì tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời ngay rằng: Tôi thích mãi mãi là một thằng bé con mười ba, mười bốn tuổi. Tôi thích đời tôi được là đứa trẻ, cho dù tuổi thơ thiếu thốn và khó khăn. Tôi không thích làm người lớn. Ôi, ước gì chẳng có những ngày ấy, chẳng có những bước ngoặt, những thay đổi trong cuộc đời. Và nhất là đừng bao giờ có chiến tranh, cả những cuộc chiến tranh trong thế giới tâm hồn để phân thắng bại.
Trong số ba đứa, Long học giỏi nhất. Nó giỏi toàn diện. Nó thông minh, đẹp trai, đôi mắt sáng ngời, hai cái tai vểnh lên làm người ta có cảm giác rằng, nó đã không để lọt một câu chữ nào các thầy cô truyền dạy. Nó thường giúp tôi và Ngân soạn bài và giải bài tập.
Tất cả học sinh trước khi tốt nghiệp phổ thông đều phải làm hồ sơ, trong đó có sơ yếu lý lịch, đơn xin thi vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp. Nhưng thật buồn, từ đâu tung ra tin đồn, bố Long hiện đang ở phía bên kia giới tuyến, làm bác sĩ trong quân đội của chính quyền Sài Gòn. Dấu hỏi to tướng đặt trong hồ sơ của nó. Bọn học sinh thì thầm: "Có học giỏi mà bố theo giặc thì coi như vứt đi rồi! Thằng Long sẽ chẳng được thi vào trường nào đâu!"
Đúng lúc ấy thì có tin tôi được ưu tiên đi học ở nước ngoài vì là con liệt sĩ.
Long buồn, tôi biết nó buồn. Đứng bên giàn ô rô, nó bảo tôi và Ngân:
- Hưng và Ngân đi đại học trước. Long sẽ đi bộ đội rồi học lại sau cũng chẳng muộn... Cái chính là, chúng mình đừng bao giờ quên nhau!
Khi chúng tôi vừa thi tốt nghiệp phổ thông xong, Ngân bỗng đột ngột quyết định sẽ không thi vào đại học nữa.
- Mình phải ở nhà giúp bố mẹ nuôi dạy các em. Thoát ly đi học, lấy ai làm công điểm...
Ngừng một lát, Ngân ngẩng lên nhìn thẳng vào tôi:
- Hưng à, với lại Ngân chờ vài năm nữa, lúc nào Long đi bộ đội về rồi Ngân và Long sẽ học. Cái chính là, chúng mình đừng quên nhau.
Đôi mắt Ngân lung linh:
- Ngân thích Hưng đi đại học nước ngoài, chắc người ta sẽ cử Hưng đi Liên Xô đấy. Ôi! Một đất nước tuyệt vời. Ước gì cả ba chúng mình đều đến đó!
Chúng tôi chia tay nhau. Đêm ấy, tôi trằn trọc mãi. Có thật Ngân muốn ở nhà giúp bố mẹ không? Hay? Nghĩ đến đây, mặt tôi nóng bừng. Một luồng khí giận trào dâng. Đúng rồi, đúng rồi... Tôi thét lên!
Tôi vùng dậy, chạy tắt bờ ao sang nhà Ngân. Sương đêm hơi lạnh. Ánh trăng đêm mười chín trải khắp khu vườn. Cả một hàng ô rô như một bức tường đen thẫm lấp lánh ánh trăng. Tôi đập nhẹ tay vào cửa sổ. Ngân ú ớ choàng dậy, rón rén ra sân. Nó hỏi, giọng còn ngái ngủ.
- Có gì mà Hưng gọi mình đột ngột thế? Nhỡ bố mình biết, lại tưởng đi chơi đêm, đánh chết thì sao?
Tôi kéo Ngân ra phía giàn ô rô thì thào:
- Hưng muốn bảo để Ngân biết là không nên chờ Long làm gì. Ngân cứ thi vào đại học. Còn Long, Ngân biết hoàn cảnh nó đấy. Bố nó như thế, dù có đi bộ đội mười năm người ta cũng chẳng bao giờ cho thi đại học đâu, đừng dại...
Ngân giật bắn người. Tôi không ngờ câu nói của tôi lại có tác động đến Ngân mãnh liệt thế. Nó sững sờ.
- Hưng nói gì lạ thế! Ngân không thi là vì các em. Hưng không hiểu hoàn cảnh của Ngân ư? Thôi về đi, mai lại gặp!
Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi bỗng hét lên:
- Ngân nói dối! Ngân yêu Long! Ngân ở lại là vì nó. Được thôi! Chỉ sợ sau này hối không kịp!
Ngân òa khóc nức nở. Mãi sau nó mới thì thào qua làn nước mắt:
- Mình suốt đời sẽ không ân hận vì điều gì cả...
Rồi bỏ đi.
Suốt đêm đó tôi cứ nằm mà rủa thầm Ngân là đồ con gái ngu ngốc, chẳng hiểu gì trên đời này hết!
Tôi được Nhà nước cho đi du học ở Cộng hòa dân chủ Đức. Thời gian đầu tôi nhớ nhà và nhớ mẹ vô cùng. Mỗi tuần tôi viết cho mẹ mấy lá thư. Tôi viết cả cho Long, cho Ngân. Những lá thư đầu gửi về cho Ngân, tôi bộc bạch tất cả nỗi nhớ thương da diết của mình. Tôi nói rằng, tôi yêu Ngân. Tôi chỉ yêu mình Ngân thôi. Trên đời này tôi sẽ chẳng yêu ai ngoài Ngân cả. Đời tôi sẽ ra sao nếu thiếu Ngân? Tôi còn nói với Ngân rằng, Ngân quyết định ở lại là rất đúng. Ngân sẽ thay tôi chăm sóc mẹ đến khi tôi trở về. Vân vân và vân vân...
Qua những lá thư tôi được biết, hiện Long đang chiến đấu ở chiến trường B2, còn Ngân đã là bí thư chi đoàn xã. Những lá thư Ngân trả lời tôi chứa biết bao tình cảm mặn nồng. Ngân động viên tôi yên tâm học tập, đừng lo gì cho gia đình. Ngân hứa thay tôi chăm sóc mẹ.
"Nhiệm vụ của anh là học. Anh đừng nghĩ rằng anh không phải là một người lính...". Ngân đã gọi tôi bằng anh lúc nào chẳng rõ.
Rồi các lá thư cũng như tình cảm theo thời gian thưa dần. Tôi bận thi cử, những đợt nghỉ hè xa. Tôi bận chuẩn bị đề tài chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Và... tôi bận yêu Thuỷ, cô bạn gái xinh đẹp học cùng trường. Tôi chỉ còn dõi theo tình hình quê hương trên báo chí, đài phát thanh.
Từ rất lâu rồi, tôi không viết thư cho Long và Ngân nữa. Đối với tôi, họ chỉ còn là những kỷ niệm rất êm dịu và xa vời. Tôi không nhận được tin nhà. Cứ tin rằng, mọi sự vẫn bình yên. Tôi đâu ngờ, trong lúc tôi không viết thư về nhà, mẹ tôi bị phát hiện mắc bệnh tim rất nặng. Nếu tôi năng viết thư, biết đâu mẹ tôi còn đủ nghị lực và hy vọng để chờ tôi cho tới ngày gặp mặt? Nhưng không, những ngày trên giường bệnh, mẹ chỉ có Ngân, cô đã 26 tuổi và dì tôi, mẹ Long.
Ngày tôi và Thuỷ tổ chức lễ thành hôn, chúng tôi viết thư về báo tin vui cho mẹ. Thư trả lời là của Ngân. Ngân thay mặt mẹ Long báo tin mẹ tôi đã qua đời. "Chính quyền và đoàn thể đã lo cho mẹ chu đáo. Mẹ ra đi không có gì vướng mắc cả. Chỉ buồn một điều, do núi sông cách trở mà anh không thể ở bên mẹ những phút cuối cùng. Mẹ vẫn trông anh và luôn mong anh hạnh phúc. Biết được anh đã có gia đình, mẹ rất mừng cho anh...".
Tôi ôm chặt lá thư vào ngực khóc nức nở. Mẹ ơi, thật thế ư mẹ? Thư Ngân không hề nhắc một lời nào về cô; bây giờ cô đang làm gì, sống ra sao. Sau đó tôi có viết cho cô mấy lá thư hỏi thăm tình hình nhưng không có hồi âm...
Tôi trở lại xóm nghèo thời thơ ấu. Con đường vào làng có hai rặng nhãn hai bên vẫn như ngày xưa. Mộ mẹ tôi được xây cất cẩn thận. Tôi chết lặng, nhìn mãi vào những hàng chữ mầu trắng ghi ngày sinh và ngày mất của mẹ, cố hình dung những ngày cuối cùng của mẹ ra sao. Tôi cứ đứng như thế cho đến lúc trời tối mịt mới về nhà, giờ là chỗ dì tôi, tức mẹ Long đang ở.
- Con ơi! Dì cứ tưởng rằng con không về nữa! Bây giờ chỉ còn lại một mình dì thôi. Cả thằng Long, cái Ngân cũng... - Bà nấc lên.
Căn nhà vẫn như ngày xưa, tuềnh toàng và đơn sơ. Vẫn cái phản gỗ đã lên nước bóng loáng. Cái phản gỗ hồi nào tôi và Long thường cởi trần nằm dài trong những buổi trưa mùa hè. Cây ổi đã cằn cỗi không người chăm sóc. Đâu rồi những ngày thơ ấu tươi vui không bao giờ trở lại. Tôi thẫn thờ, lang thang hết chỗ này, chỗ kia trong nhà. Trên tường, ngoài bảng Tổ quốc ghi công của cha tôi, có thêm một tấm khung Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phan Thanh Long đã hy sinh ngày 4-4-1972.
Dì tôi chậm rãi kể:
Tội nghiệp cái Ngân, nó đã làm tới chức phó chủ nhiệm hợp tác xã. Sau đợt truy điệu thằng Long, nó gần như suy sụp. Rồi dì và mẹ con cùng ốm, nó lại vùng dậy. Công việc ở hợp tác xã bận ngập đầu. Nó vừa công tác, vừa chăm sóc mẹ con và dì. Hồi bặt tin con, không thấy thư con gửi về, nó vẫn động viên để mẹ con vui. Mẹ con vẫn tin khi con trở về hai đứa sẽ cưới nhau. Đến ngày nhận được thư con báo tin đã cưới vợ, dì đã nhìn thấy nó khóc nhiều lần. Sau khi mẹ con mất, nó đòi dì bằng được để đứng ra lo liệu việc chôn cất, xây mộ. Đầu năm ngoái, nó dẫn đầu đoàn xã viên vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới. Trong lúc phát rẫy, nó giẫm phải mìn còn sót lại từ thời chiến tranh...
Tim tôi như bị bóp nghẹt. Tôi bộp chộp hỏi dì:
- Trước khi đi, Ngân có nói gì về con không?
- Không. Sau khi mẹ con mất nó không bao giờ nhắc đến con nữa.
- Rồi sau thế nào ạ?
- Xã tổ chức lễ truy điệu cho nó rất trang trọng. Ai cũng tiếc, cũng thương...
Đêm trăng sáng và lạnh, tôi vùng dậy, đến bên giàn ô rô, nơi ngày xưa chúng tôi thường đứng trò chuyện. Giàn ô rô vẫn còn nguyên, thẳng hàng như một bức tường xanh trải bạc dưới ánh trăng. Tôi đưa tay rứt cả một nắm ô rô, vò nát. Hương vị hăng hắc bất giác làm tôi ứa hai hàng nước mắt. Cả Long và Ngân đều đã từng nói với tôi ngay bên hàng ô rô này rằng: "Cái chính là chúng mình đừng bao giờ quên nhau". Vậy mà khi ra đi cả hai người đều không hề nói với tôi một lời cuối cùng nào. Ngân ơi, Long ơi! Các bạn nghĩ gì về tôi trong những ngày cuối cùng ấy!
Kết Thúc (END) |
|
|