Sơ kết học kỳ I, lớp xếp hạng thi đua 18/18 của khối. Ngân hỏi lớp trưởng: - Không biết lớp mình có bị rã ra chia đi mấy lớp khác như hồi đầu năm không? Lớp trưởng nhăn mặt đau khổ: - Chắc là không. Rắc rối lắm chớ bộ. Ðổi danh sách tùm lum. Nhưng mà tao ớn tụi nó quá rồi. Ðổi, không chừng tao gặp hên, khỏi làm lớp trưởng. Khỏe ra như con bò kéo xe. Thy dậm chân một cái bịch, liếc mắt cái xoẹt, cái mồm nhọn hoắt: - Thôi đi. Ðồ lớp trưởng dã man. Nếu mày xuống làm dân thường như tụi tao, mày cũng quậy tung như cái máy xay sinh tố đang hoạt động. Lớp trưởng cười mỉm, mắt nhìn xuống - đã thành tật (nên tụi Lâm, Hải, Tuấn Anh coi như "chẳng là gì"). - Nhưng mà Thy đâu có quậy. - Biết rồi. Thì nói chung vậy mà. Chứ tính ra lớp mình nhiều đứa hiền, ngoan lắm chớ bộ. Ðứa nào cũng lo học chết cha. Phụng nè, Thy nè, Thư nè... - Mấy đứa mới chuyển từ lớp khác qua nữa. - Xì ! Giờ này còn mới gì nữa. Cũng chỉ được có thằng Khoa dê, Minh Phương. Ngân nhổm người trên ghế: - Khoa dê tức là... dê đó hả? Thy lại liếc một cái nặng hơn hồi nãy: - Nghe tới Khoa là nhảy cà tưng lên liền. Cho mày biết. Nó gặp tao là tìm cách nắm tay, kéo áo hay đứng sát vô người. Như vậy, không kêu là dê sao được. Giọng Ngân vẫn the thé nhưng ỉu xìu: - Ai mà biết. Tưởng mày gọi theo tên cái lô nhà ở chung cư của nó là... lô G, lầu một. - Trời ơi ! Cái này đọc là giê mới đúng. - Gờ. Ngân, Thy nhảy lên hét: - Mày mới nói hả Phụng? Mày nói được rồi hả? - Coi chừng nói sớm trước quy định là rách họng, câm luôn đó. Lớp trưởng gật gật đầu, cười chúm chím, gõ tạch tạch lên bàn phím. - Nói ít thì được. Tao nói thử coi nó có bị gì không. Tại thấy hai đứa bây đọc sai. Ðúng ra là phải cong cái lưỡi lên như đọc chữ J vậy đó. Thy vẫn quan tâm đến cái chuyện của Phụng hơn: - Bác sĩ biểu chừng nào mới được nói? Phụng múa tay. Hai đứa bạn châu đầu nhìn vô màn hình. - Hết tuần này. Ngân xỉa tay lên mặt kính bảo vệ: - Vậy là thứ hai tới, mày sinh hoạt lớp được rồi. Mày kiểm điểm con Như Hiền cho tao. Thứ đồ con gái gì mà để con trai cả lớp bu theo, làm mất đoàn kết hết trơn. Thy giơ tay như xin phát biểu: - Hổng có tui à nghen. Phụng cũng giơ tay. Trên màn hình từng chữ nối đuôi nhau hiện ra: - Tui không ưa ba cái vụ tình cảm lăng nhăng. Sắp thi tới nơi, không lo học. Rớt cho coi. - Xí. Thy vỗ tay cái đốp. - Con Ngân này gan lắm. Rớt thì nó lượm lên. Nhưng năm nay chỉ thi có một lần thôi em ơi. Không ai cho lượm đâu. - Biết rồi. - Biết thì lo học đi, đừng để ý Khoa dê nữa. Ngân chống hai tay lên hông: - Thì tao tới đây là để học nhóm nè. Này giờ có đứa nào chịu học đâu, toàn là lo nói chuyện. Phụng lật đật tắt máy. - Ê. Ðể đó. Ðể nói chuyện. Quên, để tụi tao hỏi mày trả lời. Mày chưa được nói mà. Buổi học nhóm bắt đầu, trước cái máy vi tính. Phụng mới cắt a-miđan, bị cấm nói một tuần. Trước khi đi cắt họng, nó bị ho, khò khè thường xuyên, tiếng nói nhỏ xíu. Hiện giờ thì đang bị câm tạm thời. Mà một cái lớp, nếu không có lớp trưởng to tiếng hét lên trấn áp thì thấy thiếu thiếu, kỳ kỳ sao đó. Dư luận quần... thể lớp nhận định "Chắc tại lớp trưởng có giọng nói hạn chế về công suất phát thanh nên tụi quậy càng giả điếc, thích gì làm nấy". Rồi bàn tán " Vậy mà bắt nó làm lớp trưởng, tội nghiệp nó " - Thôi thôi. Ai mà dám nhận chỗ đó. Bị chủ nhiệm la mỗi ngày, còn thêm bị tụi nó ghét - Xét cho cùng thì, chỉ có nó mới hội đủ điều kiện: giỏi chăm ngoan, học lực hạnh kiểm đều khá tốt, uy tín đầy mình, tụi lớp không sợ, nhưng mà nể. Nên Ngân, Thy mới rủ nhau đến nhà Phụng học nhóm. Tuy bữa nay nó không nói được, nhưng vẫn chỉ dẫn rất tận tình, rõ ràng, dễ hiểu. Nó lại rất siêng năng học hành. Ngồi học chung với nó, còn có thêm một cái lợi nữa là " bị lây lan " tinh thần chăm học. Phụng ngồi học, lưng thẳng, tay xếp trên bàn, chân xếp dưới ghế, gọn gàng đâu vào đấy, như hình vẽ mẫu trong sách. Có lẽ vì thế, mặc dù học khá giỏi nhưng nó không bị cận thị. Trong khi nhiều đứa khác, học dở ẹt lại chễm chệ kính trắng trên mũi. Bởi vậy, tụi nó giấu biệt mắt kiếng. Khi nào bí quá, không thấy bảng, mới chịu lấy ra đeo. Coi xong, lại lục đục tháo ra, cất kỹ. Chẳng biết vì sợ quê với bạn, sợ bi phê phán "Bày đặt làm trí thức giả hiệu", hay vì sợ mang kính thường xuyên, con mắt sẽ co lại nhỏ xíu như "ti hí mắt lươn", trong câu tục ngữ là hết đẹp cuộc đời. Phụng ngồi học, như đang xuất thuần đi vào cõi khác trong phim giả tưởng. Thành ra muốn nói chuyện với nó cũng chẳng được. Nhưng thắc mắc gì, hỏi là nó nói ngay, nói say sưa. Phụng bảo "Nói cũng là một cách ôn bài". Thy kết luận: - Bởi vậy, mới xứng đáng làm lớp trưởng. Nhưng không có thời gian đầu tư để làm lớp trưởng giỏi. Nhưng Thy là một đứa tốt bụng nổi tiếng. Nó thấy thương thương tội tội Phụng, mỗi lần lớp rớt hạng, chủ nhiệm khiển trách lớp trưởng không tiếc lời. Lớp trưởng cuối đầu xuống, khóc lên. Nếu để chủ nhiệm biết thì sẽ bị la thêm. Năm ngoái, Phụng là thủ quỹ. Ðứa nào cũng nộp quỹ hằng tháng răm rắp, không thiếu một ngàn nào. Phụng theo truy đòi dai nhách và sát ràn rạt, không có cách gì trốn nổi. Tiền bạc lại thu vào chi ra rất rõ ràng. Năm nay, lớp bị rã. Lớp trưởng ôm cặp sang phòng khác. Chủ nhiệm mới nghe Phụng báo cáo tiền quỹ còn dư, vừa thành thật vừa mạch lạc, lại thấy nó có chiều cao, nên cử nó làm lớp trưởng luôn (!). Phụng sắp khóc. "Dạ, em không biết la mấy bạn. Mấy bạn phá lắm. Sợ lớp mình hạng bét khi thi đua". Chủ nhiệm phất tay " Không quan trọng. Lớp mười hai chỉ cần học cho đàng hoàng, thi đậu là tốt rồi". Nói thì nói vậy, nhưng Phụng bị la dài dài, đều đều, đầy đủ. Sổ đầu bài bị ghi kín mít. - Tại sao không nhắc nhở các bạn, không biết năn nỉ xin tha. Giáo viên bộ môn than phiền lớp lười học - Lớp trưởng đâu, sao không làm gương tốt cho bạn noi theo. Phụng lỡ bị điểm thấp - Lớp trưởng mà học hành như vậy hả thử nghĩ coi có được không? Còn nữa, nhớ không hết. Cứ như thế, suốt học kỳ 1. Nên đến lúc bác sĩ bắt cắt a-miđan, Phụng hy vọng tràn trề". Tao sẽ nói lớn hơn, chắc đỡ khổ hơn". Trong khi chờ đợi được nói lớn gấp mấy lần một thời quá khứ đã qua. Phụng vẫn cắm cúi học. Học bài trong lớp, đi luyện thi đại học. Nó học như chưa bao giờ được học, như lần cuối cùng được học trong đời, rồi chấm dứt, giã từ, chia tay vĩnh viễn. Thy trách như vậy, Phụng gật đầu ngay: - Ðúng đó. Mai mốt tụi mình đâu còn được học chung với nhau nữa. Sắp làm đơn thi đại học rồi. Mỗi đứa thi một trường khác nhau. Ngân hớn hở, mắt long lanh: - Tao biết một bí mật. oOo Mặc dù hôm đó, Phụng vì thèm biết bí mật quá nên đã nói một câu khá dài so với tình trạng cấm khẩu: - Làm ơn nói đi mà. Nhưng Ngân cứ cười rất bí hiểm, và nham hiểm thế nào ấy. Cho đến ngày cả khối mười hai chộn rộn đi mua đơn, Ngân mới xì ra: - Con Như Hiền sẽ thi cái trường mà chẳng có đứa con trai nào trong lớp dám theo. Như Hiền ở lớp khác chuyển qua hồi đầu năm. Thấy nó lạ lại hay hay nên " phái nam " đổ xô vào săn sóc, chăm sóc, mượn tập, mua dùm bánh mì, bánh tráng... Trước đây, chuyện " quái đản " này không hề xảy ra nên Ngân mới nảy sinh cái sự bực mình. Nói chính xác thì cũng có nhiều " bạn nữ " phản ứng giống như Ngân. Nhưng nhìn mãi cũng quen, cũng thường, cũng nhàm. Chỉ còn một mình Ngân cay cú " Ðúng là cái đồ có mới nới cũ ". Vào đó khuyên can: - Thằng Khoa là đồ mới đó nghe. - Lo gì. Học xong năm nay, đường ai nấy bước. Có gặp nữa đâu mà đeo với bám. - Kệ. Thông cảm cho tụi nó. Tụi mình quen quá, biết mánh của tụi nó hết trơn, tụi nó đâu dám ve vẩy, ve vãn nữa. - Ăn thua là ở kết quả thi kìa. Nhiều người theo đuổi mà thi rớt thì cũng huề. Ðâu có ai tính cái thành tích, kỷ lục đó. Mày quên đi. Ðể ý cho mệt. Mất thì giờ. Ai cũng biết tại sao Ngân không chịu quên. Nó đã cố ý nghe được cuộc đối thoại sau đây. Kể tới đâu, Thy cười lăn tới đó: - Như Hiền thi trường nào cho Khoa thi chung với. - Không được. - Cấm tui hả? - Cấm hết con trai. - Trường gì kỳ vậy? Nói nghe thử. - Trường Trung học Y tế. - Ðược mà. - Ngành Nữ hộ sinh. - Á! Thy vỗ tay chan chát, chẳng biết là khen thưởng ai: - Ðáng đời Khoa dê. Tưởng tượng cái mặt mắc nghẹn của nó lúc đó chắc buồn cười chết luôn. Ngân gật gù: - Con Như Hiền này cũng thuộc loại thú dữ đó. Như vậy thằng Khoa mới chừa cái tật. Thy cười đã đời rồi tỉnh táo hỏi: - Có chắc nó thi ở đó không? Hay là nó nói giỡn chơi? - Ai mà biết. - Còn chàng thi trường nào? - Tao không muốn biết. Nghe Ngân trả lời cay đắng, Thy lại nổi lòng thương. Mặc dù Thy không ngừng lên án " chuyện yêu đương " làm xao lãng học hành, nhưng Ngân lại là một đứa có " hoàn cảnh ". Nó là con gái lớn trong nhà. Không có chị đã đành, lại còn có thêm mẹ kế để bổ sung cho đầy đủ sự cô đơn, cô độc, hoàn toàn thiếu vắng người lớn để tâm tình, trao đổi học hỏi kinh nghiệm. Khoa lại ngồi cùng bàn. Ở chung cư thì hai lô nhà hai đứa nó ngó mặt nhau. Khoa hay cười cười với tất cả mọi người, rất dễ gây hiểu lầm, đối với những tâm hồn ưa bay bổng. Khoa lại có tính con gái. Vừa nhiều chuyện, vừa hay ăn hàng. Chỗ nào có con gái là nó sa vào, xưng tên mình gọi tên bạn om sòm, thân mật. Mà Ngân lại thích nó ra mặt, không giấu diếm, ngay tuần lễ thứ hai, đầu năm học. Từ tiết một cho đến tiết năm, có dịp là cứ Ngân Ngân Khoa Khoa luôn mồm luôn miệng. Tình cảm cứ thế phát triển cho đến ngày Khoa tách ra khỏi đám con gái, hùa theo đám con trai bu vòng trong vòng ngoài quanh Như Hiền. Thời gian Phụng bị cấm khẩu, Ngân còn tức tối. Về sau, khi Phụng nói được thì Ngân cũng thay đổi thái độ. Vì vậy, Thy mới nghe được câu chuyện " học sinh cười " trên kia. Thy hỏi dè dặt, chuẩn bị tinh thần để nói lời an ủi: - Mày buồn hả Ngân? Ngân gật đầu: - Ừ. Nhưng mà tao sắp hết buồn rồi. Tao đang lo, lỡ thi rớt thì xấu hổ. Bà dì ghẻ tha hồ nói này nói nọ. Tao không muốn. - Mày biết nghĩ vậy là quá giỏi. - Với lại, tao là chị lớn, phải làm gương cho mấy đứa em. Dù không cùng mẹ tụi nó vẫn là em của tao. Phải có trách nhiệm với tụi nó, không nên để tụi nó khinh thường rồi tụi nó học theo cái xấu thì khổ. Thy xoa hai tay vào nhau, miệng xuýt xoa, lưng cong lại, khòm xuống, kiểu làm động tác bái phục, thường thấy bất cứ chỗ nào: - Trời ơi. Mày lột lưỡi hồi nào vậy Ngân?
|
|
|